Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Chuyện tình thời Balzac

Truyện Nam Dao

Lẽ ra câu chuyện có thể bắt đầu từ cái ghế chơ vơ trên một khoảnh sân vắng. Tôi đến ngắm nó, hàng ngày, chờ đợi một cuộc đổi đời. Dựa lưng vào thân cây long não người ta trồng quanh công viên, tôi bíu hai tay vào chấn song, căng mắt nhìn. Trên cái ghế, không ai, không có gì, cái ghế trống tênh lạnh lẽo. Không kẻ vô gia cư ấy thỉnh thoảng đến nằm, co quắp, đầu gối co lên ngực. Và không em, em gái, tay áp chiếc điện thoại di động lên tai, miệng thì thào, lâu lâu lại cất tiếng cười rúc rích.


Những bông hoa long não trắng nhỏ xíu lả tả khi gió lên nhìn tưởng như tuyết rơi nơi tôi cư trú. Tuyết không có mùi nhưng long não thơm thơm khiến không khí thoang thoảng hương thanh khiết. Dòng sông lượn lờ dưới con dốc hiền hòa lẩn dần vào bóng đêm chập choạng. Cái ghế đá màu xám không ai đến ngồi giờ này héo hắt dưới ánh đèn công viên vàng ệnh. Tôi bắt đầu tuyệt vọng.

Chợt ai đó đặt nhẹ tay lên vai tôi. Quay lại, tôi nhận ra ông. Cao hơn tôi một chút. Phục phịch. Râu mép ướn cong trễ xuống khóe miệng. Cười khà, ông đọc được tâm tư tôi, nói khẽ đừng tuyệt vọng! Nói nhưng ông không hề dùng một ngôn ngữ nào. Cũng lại thêm một hài kịch nhân gian[*] này thôi, ông chép miệng. Tôi bảo sách dài quá, đọc mãi không hết, tôi thích nhất cuốn Eugénie Grandet. Ông bảo chuyện về Maria đấy, cô bé kém ta gần hai mươi tuổi và đến đời ta như một món quà của Thượng Đế. Tôi cười mỉm. Sao lại cười? Ông có vẻ không bằng lòng. Tôi bảo cô bé của tôi thì nói em cảm ơn Trời Phật đã mang anh đến cho em! Thình lình, ông hỏi sao chú mày cứ nắm tay vào cái trống không như thế. Tôi ngạc nhiên, tôi đang nắm hai chấn song sắt của cái hàng rào này chắn không để tôi đến ngồi trên cái ghế kia đấy chứ!

***

Nhìn lại xem! Tôi chong mắt, nhìn rách con ngươi, tay khư khư nắm chắc hai chấn song. Tôi vẫn thấy cái ghế, và vẫn là cái ghế trống im lìm nằm sau một vạt cỏ góc công viên. Ông nhếch mép, thủng thẳng:

Giữa chú mày và cái bên kia là biển. Còn cái ghế là một con thuyền tròng trành trên mặt nước. Cái kẻ vô gia cư tiếp tục vất vưởng vì sóng nhồi lên quật xuống. Thấy chưa?

Ngước mắt lên, kẻ vô gia cư giơ tay chào. Hắn độ trung niên, gầy gò, mặt xương xương, râu ria, đen đủi.

Chưa! Làm gì có biển! Chỉ một khoang cỏ, chạy vù là sang bên kia thôi. Nhưng hình như tôi dối mình. Nhắm mắt, tôi thấy chao đảo, tai nghe tiếng gió lên cơn rồ, rú rít, vặn vẹo. Bên kia đại dương, cái ghế trôi đi, dật dờ, chìm nổi. Tôi hét, em gái ơi, coi chừng nguy hiểm, hãy tìm cách lên bờ. Em không nghe, vẫn áp tai vào chiếc điện thoại di động.

Nàng nói gì? Ông hỏi. Tôi chưa kịp đáp thì ông thở dài chép miệng:

Chuyện em gái chú mày này khiến ta nhớ Maria. Khi đó nàng khoảng hai ba, kém ta gần hai mươi tuổi, đã có chồng, sống trong một tỉnh lị không bao nhiêu cư dân nên mọi người đều biết nhau, khó mà giấu điều gì. Thế mà…

Ông im lặng.

Thế mà sao? Tôi gặng.

Thế mà nàng tìm vào nơi ta ở, mang tặng một bó hồng vàng. Ngực căng phồng sức sống, nàng kéo váy, dường như sợ phô bày cái cơ thể ôi chao là hấp dẫn, ôi chao là huyền diệu. Ta hỏi, sao đến với ta? Nàng gọn lỏn, tôi yêu văn ông, và văn chứ không phải là người đấy nhé. Ta nóng mặt, quát tuột ngay váy xuống. Thôi, ta chẳng kể chi tiết, chuyện gì xảy ra ai cũng đoán được.

Chồng nàng là một anh trong quân đội, cũng loại chức tước, nên hay vắng nhà. Lạy Chúa lòng lành, nàng thuộc ta, dẫu phải lén lút. Mà thế lại thích, chú mày ạ. Ta tậu một cái ống nhòm ngày xưa chỉ những kẻ đi biển tìm đất lạ như châu Á châu Mỹ mới dám mua. Ta thì chỉ tìm nàng. Ngày nào ta cũng nhìn nàng, nhìn đã đời rồi ta mới ngồi vào bàn viết. Khi đó ta nợ ngập đầu, phải đi trốn, không viết thì lấy gì để sống... Thế mà...

Thế mà sao, thưa ông?

Thế mà, nàng nói, hãy yêu em chỉ một năm, em sẽ yêu anh suốt một đời! Nàng bảo, tình yêu chỉ có trong tự do. Yêu, ta phải biết tìm tự do. Như con người tìm sự sống. Đó là bản năng. Mất nó, chỉ còn cái chết. Ta nhắc lời Shakespeare, “không sự sống nhưng còn tình yêu trong cái chết, not life but love in death”. Nàng khinh khỉnh bảo, em thì khác, phải yêu để sống, chết thì thôi… Thế rồi chúng ta lén lút vụng trộm với nhau, và phần ta, ta chẳng muốn nhắc có lẽ nàng hiểu nhầm Shakespeare. Nhưng như nàng nói, tình yêu là bản năng thì ta nghĩ nàng đúng, không cần bàn cãi!

Bấy giờ, tôi thấy như Balzac, bên kia chấn song sắt là cả một đại dương. Những con sóng cao ngợp đầu, mây tầng tầng, gió lớp lớp, và đôi khi chớp lóe xẻ rạch trời thành dăm ba mảnh. Rồi tiếng sấm ầm ì rung chuyển khiến mặt đất rung rinh như động kinh. Nước ở trên trời ào ào đổ xuống như thác, bọt trắng xóa tung tóe tạt vào thế gian tựa muốn nhận chìm cả thế giới. Tôi lùi lại. Một cánh chim vượt thác bay lên vỗ đập chao đảo.

Balzac nắm nhẹ vai tôi, giọng trầm tĩnh: Nàng là con chim muốn đập cánh bay đi đấy. Tình yêu cần tự do. Như chúng ta cần khí trời để thở.

***

Tôi kể cho ông nghe chuyện của tôi và em. Lần đầu gặp, tôi ngồi với một đám bạn, và từ xa tôi đã thấy em. Bạn bè đưa đẩy, tôi đến ngồi cạnh, nghe em nói, thỉnh thoảng ngửi thấy mùi hoa mộc lan chắc thoảng ra từ một loại hương phẩm tôi không biết tên. Cặp mắt em hút tôi vào một thế giới khác chưa hẳn định hình, nhưng lơ lửng hiện hình từ một thứ trực cảm mông lung. Ôi, cặp mắt liêu trai! Khi em chớp mi, tôi thấy những cánh bướm biêng biếc. Khi em cúi nhìn e thẹn, tôi nhận ra huyền thoại của những cổ tích xa xưa chưa kể thành lời. Và lúc chia tay, em nhỏ nhẹ nếu anh rảnh thì mai mốt em mời anh một tách cà-phê.

Ngay tối hôm ấy tôi đến bấm chuông nhà nàng. Cửa khóa. Không ai ra mở. Tôi đợi rồi lững thững tản bộ về khách sạn trong ánh chiều hiu hắt. Tôi thầm cười mình khi bước lên chiếc cầu bắc qua dòng sông chia đôi thành phố, tự nhủ, chớ phải lòng vặt nhé, già rồi anh bạn!

Bên kia là thành quách cổ kính dần dần sẫm tím hằn dấu một ngày sắp qua. Tôi chỉ còn một ngày ở đây, mốt sẽ lên đường đi tiếp con đường phiêu bạt.

Chẳng lẽ đi mà không một lời chào nhau ư? Ông ta hỏi, giọng cợt nhả.

Ngay tối hôm ấy tôi gọi điện thoại. Không ai bắt máy. Sáng hôm sau tôi lại gọi. Có tiếng ríu rít như chim. Nàng bảo, anh đến uống một tách cà phê. Em có các chị bạn đến chơi, nhưng không phiền hà gì đâu. Và tôi cuốc bộ đi dưới nắng trong veo, màu nắng tôi yêu chỉ ở thành phố này mới có. Đẩy cánh cổng, tôi bước lên thềm thì nàng nhẹ nhàng đi tới, cất tiếng chào bằng tiếng hót của loài vành khuyên. Nàng kéo ghế mời tôi ngồi, nói anh cho em đi pha cà phê nhé. Quay lưng về xa-lông có dăm ba thiếu phụ ăn mặc màu mè đang chuyện trò tíu tít, tôi lẳng lặng đưa mắt nhìn những bức tranh treo trên tường. Nhìn, nhưng nào thấy gì, tôi còn đang tự hỏi, mình sẽ nói chi đây. Nàng mang cà phê tới rồi ngồi trước mặt tôi, nhìn với cặp mắt tôi thấy hôm qua, và nói bằng giọng dịu dàng tôi đã nghe không biết tự bao giờ. Tất cả trôi đi như trong mơ, trôi thanh thản, trôi trong dòng bập bềnh hư thực. Tiếng cười nói sau lưng nhỏ dần.

Thình lình, nước mắt nàng ứa ra. Tôi bối rối. Hạt nước mắt đọng trên mi. Căn cớ gì những hạt nước mắt kia lại lăn ra chỉ mới dăm phút gặp gỡ này. Từ phản xạ, tôi nắm tay nàng, nói, em… em… em đừng khóc. Dẫu tôi chẳng hiểu gì. Người đàn bà trước mặt tôi cúi mặt xuống. Vai nàng run run, mỏng mảnh, nhẹ như một cánh chuồn kim trong gió sớm. Dĩ nhiên tôi đã từng lau nước mắt cho người này người kia và nói những lời an ủi. Nhưng đó là những khi tôi biết căn cớ của những giọt nước mắt, và có thế mới an ủi nhau được. Nhưng lần này tôi bị đông cứng đóng đá trong hoang mang bất định. Tôi nhắc đi nhắc lại, em đừng khóc, đừng khóc…

Bạn nàng ra về, nàng tiễn, mắt còn chút đỏ hoe. Khi đi ngang, các chị nhìn tôi, soi mói, tò mò. Những cái nhìn cáo buộc làm như tôi là thủ phạm của những giọt nước mắt rơi vội. Không, thưa các mệ, tôi vô can, xin thề. Và khi chỉ còn có tôi, nàng ngồi đối diện, mắt ngước lên ánh liêu trai. Nàng chợt nói, bất ngờ:

Em hay bị tức thở! Và ho, vì suyễn… Đêm còn mất ngủ nữa! Còn ngủ lịm đi, thì lại ác mộng bao quanh…

Câu nói thốt ra trong buổi sơ ngộ là khai bệnh, tôi lại thêm một ngạc nhiên. Nhưng tôi có là bác sĩ đâu! Tôi ngẩn ra không biết nên nói gì. Bị động, tôi phản ứng thế nào bây giờ. Nàng thổ lộ như từ lâu chúng tôi đã thân tình. Im lặng, tôi nhìn nàng và lát sau nhỏ nhẹ khuyên nàng nên tập khí công, một phương pháp hít thở cổ truyền tôi thường tập hàng ngày. Nàng bảo, anh dạy em đi, em học.

***

Ông ta vẫn đứng sau lưng tôi.

Này ông, tôi tần ngần, ông là người có cái nhìn sâu sắc xuyên thấu lòng người, tại sao lại có những giọt nước mắt ấy?

Hừm, có lẽ chúng lăn ra từ vô thức, chú em ạ. Từ một bóng dáng quá khứ tưởng đã vùi sâu chẳng hạn. Nhưng phải xúc động đến mức không kiềm giữ được mới thế, và chú em là chất xúc tác tạo ra điều đó. Chú có lẽ gợi cho nàng hình bóng một ai đó.

Ai? A, sau này nàng cứ nói anh làm em nhớ ông ngoại. Anh nhìn cách nhìn như ngoại, cười như ngoại, và hiền như ngoại… Thơ ấu, em ở với ông bà ngoại, ba mạ em tứ tán vì chiến tranh, phải gởi cho ngoại nuôi giùm. Nhà ngoại trên một quả đồi không cao lắm, chung quanh trồng trọt canh tác. Mới bảy tuổi, em đã biết trồng tiêu, hái trái… ở xứ em mà người ta kêu là nơi chó ăn đá gà ăn sỏi. Gặp anh, nàng nhắc lại, em cám ơn Trời, cám ơn Phật. Chắc kiếp trước em ăn lành ở hiền nên mới được thế anh à…

Ông ta đập nhẹ vào vai tôi, thõng một câu, phương Đông của chú mày đúng là huyền bí với kiếp này kiếp nọ. Này, chú mày cứ nắm chấn song sắt vô hình này là để làm chi? Ta vừa thấy một con chim đáp lên lưng chiếc ghế đá màu xám và kêu chét chét.

Tiếng Vành Khuyên của tôi đấy. Nàng kêu và muốn sổ lồng, cái lồng có những chấn song sắt bao quanh. Giật chúng xuống, Vành Khuyên của tôi chỉ bay qua công viên trước mặt là giải thoát khỏi những đêm mất ngủ, những ngày tức thở, những cơn ho xé cổ, và những cơn ác mộng rình rập bủa vây.

Không là công viên, ta nhìn và thấy một đại dương chú mày ạ, ông ngắt lời tôi. Còn nàng, nàng nhìn thấy gì? Như chú mày, một cái công viên xanh màu an bình hay một đại dương ào ào sóng cuộn?

Có lẽ… có lẽ nàng thấy khác cái tôi thấy. Nàng thích hát bài Bay đi cánh chim biển. Tôi chỉ nghe loáng thoáng, và đoán ra mơ ước của nàng là hóa thân thành chim Hải Âu vỗ cánh vượt sóng khơi. Tôi đoán nàng bị trầm cảm. Nàng chết ngạt, đôi lúc muốn gào thét đến rách cổ nát họng, nhưng lại chẳng hy vọng gì có ai nghe. Và hiểu. Trong nỗi cô đơn khốn cùng, nàng chỉ còn biết thủ thỉ với chính mình. Rồi lang thang trên những triền đá ven biển chuyện trò với những thoáng gió xa buồn trắng trời lồng lộng. Và hát, chỉ cho mình nghe:

Giấc mơ của tôi và cánh chim Hải Âu,

bay ra khỏi tầm tay và tiếng sóng.

Giấc mơ nào mà chẳng là âm bản một hiện thực mà chúng ta vùng vẫy tìm cách vượt thoát. Hiện thực của Vành Khuyên là chiếc lồng chim nhốt cánh bay. Ngày ngày, nàng ăn những hạt kê vàng, uống nước trong, ấp hai cái trứng nhất định không lớn lên, và kêu chét chét mà nghe như chết chết dưới cái nhìn lạnh lẽo vô hồn của con chim canh cửa. Lồng chim lại treo trong một thành phố không dưỡng khí, cư dân rón rén sống bằng bề mặt tiết hạnh khả phong một thời lùi xa trong dĩ vãng, rình mò lẫn nhau, và rỉ tai reo điều tiếng như phương cách giữ thứ trật tự giả tưởng của một xã hội đã chết.

***

Anh dạy em khí công nha.

Nhưng phải tìm chỗ thanh tịnh để tập trung thần khí.

Em đưa anh lên ngôi chùa em thường đến đảnh lễ ngày rằm. Đi ngay trước khi nắng quá…

Tôi gật. Nàng bấm di động gọi taxi. Xe chạy chừng nửa giờ là đến chân một ngôi chùa trên đồi cao. Đường vào, hai bên là dăm hàng quán bán vàng hương. Và nước ướp lạnh. Nàng ngừng chân, ríu rít, mua một thẻ nhang và hai lon nước. Chúng tôi xuống một con dốc ngắn, xong lên một con dốc dài đường lát đá gập ghềnh. Trên tít cao là tượng Quan Âm trắng toát lêu nghêu chọc vào bầu trời xanh rực nắng ong vàng một ngày xuân tươi. Theo đoàn người, chúng tôi lên những bực thang dẫn về phía tượng đài. Bước qua một cái sân khá rộng là một dải đất cánh cung chạy vòng dưới chân tượng Phật. Những kẻ đi lễ cắm dăm cây nhang xuống rồi lim dim nhắm mắt tụng niệm cầu xin cao xanh dành cho mình chút ân sủng. Tôi liếc nhìn nàng, mặt rất nghiêm trang kính cẩn. Giá như nàng mặc quần áo nâu sòng của nữ tu thì chắc tôi rơi vào không khí hồn bướm mơ tiên. May thay, nàng áo trắng, váy trắng, chân mang giày Adidas nên tôi biết chắc mình vẫn dính liền cõi hồng trần.

Chùa khá đông tín nữ sì sụp lễ bái nên tìm nơi thanh tịnh để học khí công không dễ. Chúng tôi men xuống phía dưới sân chính, nơi có những khoảnh đất trống men vòng đồi. Tới nơi thì ôi thôi, đây là nơi thiện nam tín nữ xả rác đủ loại, phần lớn là ly đĩa plastic, giấy má đủ loại… May mà khoảnh đất lộ thiên nên thiện nam không đái bậy xả láng nên mùi khai chỉ thoang thoảng đủ để ta nhận biết cõi nhân sinh. Tôi phải vất những thanh gỗ mục vào một góc, vun rác lại để rồi mới có chỗ đứng, lòng bảo lòng thôi thì đã trót thì phải trét, biết sao được! Tôi bảo nàng phải thẳng lưng, hít vào và thở ra thật từ từ, theo nhịp độ nàng thấy thoải mái nhất, tứ thân thả lỏng, cho đến khi nàng thở tự nhiên bình thường. Sau, hít vào thì thóp bụng lại, vai lui về sau như mở hai lá phổi, và thở ra thì phình ra đưa hơi xuống đan điền ở bụng dưới. Căn bản, thở chỉ có thế, nhưng kèm vào thở là môt số động tác nhằm khai mở một số cơ quan sinh học trong thân thể. Tôi chỉ cho nàng tám động tác căn bản.

Thở đi em. Nào…

Nàng hỏi, biết đúng sai ra sao?

Tôi đặt tay vào bụng dưới của nàng, bảo thở đi. Khi nàng thở ra, tôi bảo em chưa dồn hơi xuống dưới đủ, khi đủ thì bắp thịt bụng căng cứng hơn. Thở lại, thở nữa đi! Tay tôi lên xuống nhè nhẹ phập phồng nhịp bụng nàng. Tôi nghe thấy da thịt nàng. Tôi cảm thấy nhịp vỗ con tim nàng. Tôi lâng lâng chìm vào thân xác nàng. Vào sự sống, dẻo dai, bền vững, đang ngoi lên tìm dưỡng khí nuôi cơ thể. Và cứ thế rồi tôi quên cả tôi đang trong địa phận một nơi tu tập cho con người tìm cách tắt lửa lòng hòng diệt dục. Khi dăm đứa bé tò mò đến xem thì lửa dục vội tắt ngấm như có ai dội nước vào. Coi chừng đấy, tôi có thể bị kết là xâm hại thuần phong mỹ tục chốn công cộng.

Nhìn nắng lên cao, nàng bảo em phải về lo cơm nước gia đình. Nàng kể nàng có hai cháu, và dĩ nhiên một ông chồng. Chúng tôi quay lại dốc xuống đồi, gọi taxi, và phải chờ khá lâu. Nàng sốt ruột, lộ ra mặt. Tôi tự dưng buồn buồn. Thế là Vành Khuyên có hai cái trứng non và một con chim đực nhìn giờ canh cửa. Thật ra, chuyện là chuyện bình thường nhưng sao tôi lại hững người như vừa đánh rơi một cái gì tôi muốn giữ cho tôi.

Xe chạy ngang một cây cầu bắc qua sông đi vào thành cổ. Nàng bảo, chiều chiều em hay tản bộ qua cái cầu này anh ạ. Tôi nói vui, coi chừng gió bay, rằng ra ối a qua cầu, tình tình tình gió bay!

Nàng hỏi bao giờ tôi lên đường.

Mai!

Nàng bảo thế thì em mời anh một bữa cơm chay tối nay.

Tôi nhận lời. Khi tôi đến tiệm ăn thì nàng chưa tới. Lát sau, nàng đi cùng một phụ nữ nàng giới thiệu là bạn nàng. Nhìn, tôi có cảm giác đã gặp cô ta sáng nay. Tôi cố giấu thất vọng. Tôi mong chỉ có một mình nàng với tôi. Biết đâu tôi chẳng sẽ nói yêu nàng. Biết đâu tôi lại yêu, thật sự yêu, một lần cuối. Phải, biết đâu đấy!

Nhưng bây giờ, vô phương. Khi cô bạn đứng lên đi rửa tay trong toilet, tôi hỏi nàng tại sao lại có cô bạn này trong bữa cơm chia tay. Nàng bảo, thành phố này chuyên dòm ngó, dị nghị, và ai cũng sợ điều tiếng. Tôi thở dài. Hóa ra Vành Khuyên không chỉ bị một con chim canh cửa mà có cả một thành phố bủa vây. Tôi bảo, nếu em muốn, tôi sẽ ở lại thêm một ngày, chiều mai làm ra vẻ tình cờ qua cầu để gặp nhau, được chăng?

Nàng lắc đầu, không nói gì.

***

Bấy giờ Vành Khuyên thỉnh thoảng ra ngồi trên ghế đá sau lưng Viện Bảo tàng tường quét vôi vàng. Nàng áp miệng vào điện thoại di động, thủ thỉ, nói như thở, tay bám ghì vào thành ghế, tóc xõa tung bay theo những cơn gió chiều rơi dọc triền sông dưới kia.

Hát cho anh nghe đi, bài hát có cánh chim Hải Âu ấy!

Em không nhớ lời…

Thì em hát theo lòng em… Hát đi em!

Vành Khuyên cất tiếng:

Bay đi cánh chim biển hiền hòa

Trùng dương sóng xô bờ

Bờ đẩy sóng trôi xa

Đời em cánh gió chiều

lạc lõng giữa bao la

Đất trời rộng

tìm đâu ra bến đỗ?

Nàng nghẹn giọng, tức tưởi không thành lời. Lát sau, nàng hát tiếp:

Em đã muốn ra đi nhiều lần

Mặt đất chốn hẹn hò

lần lữa mãi trăm năm

Triền đá cứ men bờ

buồn trắng xóa hư vô

Ngày dài thế,

cuộc đời sao ngắn thế?

Tôi vẫn bám tay vào chấn song sắt. Bên kia công viên thấp thoáng bóng người.

Tiếng nói lúc một xôn xao, lúc the thé, khi uồm uồm, khi lại rít cao như tiếng rít của chuột cống. Bỗng có người đàn bà nạ dòng không biết từ đâu xông ra. Bà này chủ sạp bán thịt heo, có hai đời chồng. Người chồng đầu bỏ bà đi vào Sài Gòn, uống rượu đến cháy gan, chết khi tu dở ly chót. Người thứ hai kém bà mười tuổi, bà nhận làm em nuôi cho công ăn việc làm, sau được tăng chức lên làm chồng nhưng lương bổng lại giảm đi. Anh ta hận quá, bỏ ra Nha Trang, tuyên bố làm lại cuộc đời từ tay trắng. Sau người này, bà tuyên bố nương nhờ cửa Phật, trở thành tín nữ toàn tâm trong một ngôi chùa xa thành phố. Không may, bà lại mắc vào vòng mê dục vì sư trụ trì háo sắc, dụ dỗ thế nào mà bà cúng dường hàng triệu cho chùa. Đến khi bà phát hiện sư còn tòn teng với một nữ thí chủ khác thì bà giác ngộ, tuyên bố nay chỉ tu tại gia, chỉ tiêu là làm sao đạt tới tiết hạnh khả phong như cụ ngoại bà vốn là người trong hoàng tộc.

Bà nạ dòng chồm chồm nhẩy cẫng lên, tay chỉ, miệng quát:

Chừ là rõ rồi. Hắn thú là hắn đã muốn ra đi nhiều lần, mà chồng đó, con đó, hắn đi là đi để làm chi, đi mô, với ai… Bỏ chồng bỏ con là tội, không thể tha thứ được!

Vành Khuyên run rẩy:

Tôi vẫn đây, có đi chốn mô nào đâu mà bắt tội…

Thu người lại, Vành Khuyên ôm mặt, nức lên. Đám đông ồn như vỡ chợ, mỗi người một câu, kẻ bênh người chống, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Như trong tòa án nhân dân thuở xa xưa, lãnh đạo sẽ tự phát như một qui luật tự nhiên.

Một ai đó cao giọng:

Muốn đi là mi có ý đồ phạm tội, và thế tức là đã phạm tội rồi! Thú đi, mi tính đi với ai? Đi, mi bỏ bê gia đình mi, chắc mi ngoại tình rồi!

Đám đông đồng thanh: Đúng đấy, khai ra đi!

Vành Khuyên lắc đầu:

Tôi đi để thở khí trời cho đầy lồng ngực thoát cái ngột ngạt hành hạ tôi hàng ngày hàng giờ. Tôi đi để khỏi co rút trong cái bề ngoài an bình giả tạo mà thật sự ở trong là lạnh vắng cô đơn…

Mụ nạ dòng bán thịt ở đầu chợ bên kia cầu bắc qua sông lồng lên, tay nắm một cục đá xanh, thét:

Mi là con chim sống trong lồng son mà mi không biết mi may mắn thế nào. Tụi như tụi tau mới cực, chẳng đi mà có đi rồi cũng cơ cực như rứa thì đi làm chi… Mi muốn đi là mi nguyền rủa chúng tau, mi biết thế chứ…

Đám đông xung quanh nay ai cũng lăm lăm cầm đá, miệng rú rít, đồng thanh hò: Mi biết thế chứ?

Tôi cố vạch song sắt, tính vượt công viên sang lấy thân mình che cho Vành Khuyên. Song tôi bất lực. Tôi nhắm mắt tránh nhìn cảnh ném đá tập thể, nghiến răng chờ thêm một thảm kịch của cái cõi nhân gian bi hài này.

Bỗng có tiếng sấm. Rồi tiếng người âm thanh trầm trầm:

Khoan! Khoan đã!

Tôi mở mắt và nhận ra người vừa cất tiếng là kẻ vô gia cư thỉnh thoảng ngủ trên chiếc ghế đá nơi Vành Khuyện đang co người run bần bật. Nắm một cục đá to bằng bàn tay giơ lên quá đầu, ông ta rành mạch:

Ai là kẻ chưa bao giờ phạm tội gì thì xin là người đầu nắm lấy cục đá này để ném …

Đám đông xì xào rồi từ từ im bặt. Mụ nạ dòng không biết nghĩ gì tần ngần ném cục đá trong tay xuống sân cỏ công viên. Rần rần, đám đông làm theo, đá chồng chất như để phủ lên một nấm mộ của ngu si và bạo lực.

Tôi thở phào. Đám đông biến dần nhưmột cơn ác mộng. Trời lất phất mưa. Tôi áp môi vào điện thoại, nói trong tiếng gió ngày một mạnh:

Em về nhà đi, mưa to rồi…

Nhìn em, mặt ướt đầm đìa, tôi không biết là nước mưa hay nước mắt. Lòng tôi xót như xoa muối. Tôi lại nhắc, về đi.

***

Vừa tính bước theo Vành Khuyên để bảo vệ trên con đường về nhà em thì ai đó nắm vai tôi lại. Lại ông ta, không biết ở đó tự bao giờ

Chú mày không theo nàng làm chi, có thể gây rắc rối thêm. Đừng quên Vành Khuyên có hai cái trứng còn ấp và một con chim canh cửa chuồng!

Tôi biết. Vả lại, tôi không bao giờ muốn nàng hiểu lầm là tôi o ép cưỡng đoạt bất cứ gì bằng cách gây rắc rối khó khăn cho nàng. Nàng muốn hay không sổ lồng là tùy nàng chọn lựa, thứ chọn lựa tất nhiên, rất nhẹ nhàng, không cần mắm muối ướp thêm chất thảm kịch như trong những tiểu thuyết giật gân rẻ tiền. Tôi nói:

Ông là nhà văn, ông hiểu. Thường thường, thảm kịch đẩy đến giới hạn cuối thì thành hài kịch, lắm khi ôm bụng cười bò ra.

Không có chi là giới hạn gì cả. Ta thấy lúc nào trong chất hài cũng có bi, và trong chất bi có hài. Khóc và cười tồn tại như hai mặt một đồng xu, không tách ra được. Có nhận thức là có hai mặt trái phải một đồng xu. Và ta nhìn từ góc độ nào, thế thôi!

Tôi vội cắt ngang:

Như từ chỗ chúng ta đang đứng đến cái ghế đá nơi Vành Khuyên vừa ngồi là môt cái công viên, và bẻ được chấn song cái lồng sắt này là tôi đến được với nàng. Từ góc độ của tôi, là thế…

Ông ta lắc đầu:

Từ góc độ của Vành Khuyên, nếu như nàng nhìn thấy một đại dương chia cắt thì sao nhỉ!

Nhưng thật ra, cách trở địa lý không phải là vấn đề. Balzac chép miệng.

Ông kể ông thư từ với bà Bá tước Hanska mười bảy năm liền, và sau khi bà góa chồng thì ông tìm đến bà ở Urkrana. Đi xe ngựa từ Pháp mất năm ngày đêm mới tới, ông ở lại sống với bà chưa được hai năm, rồi bệnh hoạn, ông phải quay về Paris trước khi từ giã cõi nhân gian. Nhìn tôi, ông thương hại bảo chú mày vượt Thái Bình Dương chỉ cần hai bốn giờ bay từ New York là tới gặp được Vành Khuyên, có chi mà than thở. Chú mày phải hóa thân làm Hải Âu chứ làm sao khác được!

Tôi đánh bạo hỏi xin ông so sánh tình yêu của ông với Maria và bà Hanska. Ông phá lên cười, so sánh quả táo với quả cam thì so sánh thế nào được? Maria cho ta tuổi trẻ mê đắm của nàng và sự mãnh liệt của thân xác. Còn Hanska, nàng cung hiến cho ta niềm thông cảm sâu xa đầy tình mẫu tử, nuông ta như một đứa trẻ tinh quái tham lam. Ta quả là người may mắn.

Tôi nhớ câu ông nhắc lời Maria, rằng tình yêu là bản năng, và xin ông giải thích cho tôi hiểu. Ông cười, và nhẩn nha:

Sống trước tiên là một bản năng, nhưng cái gì là động lực sơ khởi của sự sống một con người? Có thể nào sống được mà căm ghét, thù hằn, hủy hoại tất cả mọi sự xung quanh không? Nếu khẳng định là không thể thế thì phải nhận rằng động lực sơ khởi của sự sống là tình yêu, và tình yêu ở bất cứ dạng nào, từ đơn giản cho đến phức hợp. Với quan điểm đó, tình yêu là sự sống, và vì vậy tình yêu cũng là bản năng.

Thế tại sao, như ông nói, tình yêu cần tự do. Như chúng ta cần khí trời để thở – tôi hỏi.

Balzac vỗ vai tôi, bỗ bã:

Vì tình yêu và sự sống là một, và muốn sống ta hít thở khí trời, không ai ngăn cấm được. Chính vậy mà ta gọi thế là tự do, tính tất yếu của mọi tồn tại.

Mà này - ông cười hà hà, giọng chế diễu - chú mày hỏi loanh quanh để tránh nói đến điều khiến chú mày thật tình trăn trở.

Tôi thú thật, vâng thưa ông, đó là vấn đề thời gian mà ai cũng sẽ đối mặt.

Cũng như ông với Maria, tôi hơn Vành Khuyên hai mươi tuổi và ở cái mức đời đã chớm hoàng hôn. Tôi chẳng biết tôi còn sống bao lâu, năm, mười năm là cùng. Tôi chẳng biết mình sẽ thế nào, sống khỏe mạnh hay rồi bệnh tật. Tôi nào muốn để nàng chít thêm một chiếc khăn tang. Tôi hạnh phúc gì khi ốm o phải cậy nàng săn sóc. Thôi thì tự nhắc mình câu thơ cổ: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Chính nàng, nàng cũng nói giá mà em trẻ lại hai mươi năm thì em sẽ đi theo anh. Nhưng đó chỉ là giấc mơ, vì thời gian hai mươi năm kia đã qua rồi! Qua hẳn, không ngoái đầu quay ngược lại.

Balzac nghe tôi nói, miệng mím lại, không tỏ ra ngạc nhiên chút nào. Ông thì thào như chỉ nói với chính mình, hãy sống và yêu ngay bây giờ, tuân thủ bản năng mà không lý giải bất cứ gì vì chỉ vô ích.

Tôi không thấy cần đáp lời ông ta. Và cũng chẳng muốn nói gì thêm với Vành Khuyên. Mênh mang gió và gió. Mây tan dần, trời trên cao vòi vọi. Tai tôi bỗng vang vang:

Giấc mơ của tôi

là cánh chim Hải Âu

Bay, bay vào trời cao,

và tiếng sóng.

18-07-2019


[*] Honoré Balzac sinh ngày 20-05-1799 tại Tours và mất ngày 18 -08-1850 tại Paris. Ông là một nhà văn Pháp lẫy lừng, viết hơn 90 tiểu thuyết và truyện, tập hợp thành tác phẩm La Comedie Humaine (Hài kịch Nhân gian), phong cách hiện thực nhưng là loại hiện thực với những phóng chiếu tương lai ăm ắp sáng tạo.