Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Về Ác mộng của Hoàng Hưng

Khánh Duy (Phapxa Chan)

clip_image002

Tập thơ Ác mộng của nhà thơ Hoàng Hưng là tập thơ tôi cảm thấy dễ đọc nhất trong tất cả những tập thơ tôi từng được đọc. Tôi đọc thơ và chỉ cảm thấy dễ dàng khi tôi cảm được những bài thơ đó cũng được viết thực sự dễ dàng. Nhưng dễ dàng ở đây không hề có chút nào đồng nghĩa với dễ chịu. Không những thế, nó dường là kết quả của sự khó chịu, đau đớn, và dằn vặt quá lâu ngày. Chúng dễ dàng được viết ra như lớp da bưng mủ, quá sức chịu đựng, buộc phải bung tràn. Không thể dễ dàng hơn. Dễ dàng như nước mắt tháo đổ.

Ông đã nói về nỗi khó chịu của mình như thế này:

“Chó đen sùng sục suốt đêm
Nỗi ngứa ngáy tiền kiếp
Phát điên vì không nói được.”

(Chó đen và đêm)

Trong bài thơ Người về, bài thơ được nhắc đến nhiều bởi những người viết về thơ Hoàng Hưng, có một từ gây ám ảnh, đó là từ “cõi ấy”, và câu thơ ám ảnh bị giày vò đến ba lần “Người về từ cõi ấy”. “Cõi ấy”, theo tôi, mơ hồ đồng nghĩa với “tiền kiếp” mang nỗi ngứa ngáy của chó đen, của Hoàng Hưng. Dầu một từ chỉ không gian, một từ chỉ thời gian, nhưng đều là nơi lưu cữu của những cơn ác mộng. Chúng đồng nghĩa mơ hồ như một vùng sương đục sau lưng ông. Trừng mắt ngoảnh lại thì không thấy, nhắm mắt quay đi, lại...

“Giật mình
một cái vỗ vai.”

(Người về)

Đêm qua, nằm bên M., ông có còn mộng dữ nữa không, tôi tự hỏi.

Ba mươi hai bài thơ trong tập, với bút pháp đơn sơ mà tôi hiểu là người viết chẳng còn hơi sức đâu mà toan tính bút pháp, trôi thẳng vào mắt tôi, phóng chiếu trên màn hình trí tưởng tôi những đêm ông “đánh mất mùi [...] trên những sàn đá lạ”.

Chắc hẳn Hoàng Hưng không thể không cảm thấy mất mát chính mình khi bị giam cầm sau bảy lần tường đó. Ngoài kia có gì? Ông mơ mộng...

“Có con mương nhỏ
Mùi bùn chiều mưa
Có con đường làng
Ngây ngây xoan tím.”

Có giấc mộng lành với những nét đơn sơ mà có khi ngày thường rất dễ bỏ qua. Nhưng giờ đây, hẳn là thiên đường đã cách ngăn sau bảy tầng kiềm tỏa.

Trong này có chi?

“Có người đêm đêm
Mắt mở trừng
Nghe sấm chạy.”

Ác mộng!

Nhưng thi sĩ ơi, ông là kẻ có đức tin. Mà đức tin thì không khi nào được biểu hiện nhiệm mầu hơn trong những tình cảnh khốn cùng như ông đã trải. Đức tin sẽ chỉ là giáo điều nếu nó chưa từng được nảy mầm trên đất đen tuyệt vọng. Bây giờ đây, hãy cùng chiêm ngưỡng niềm Ân Khải mà Hoàng Hưng đã nhặt được dưới chân mình.

“Một hôm
Có cánh hoa xoan
Vào thăm người ấy
Bàng hoàng người ấy
Nhặt cánh hoa xoan.

Chuyện chỉ có vậy
Sau bảy lần tường.”
(Cách bảy lần tường)

Vâng, “chuyện chỉ có vậy”. Ông nói vậy khác nào thả một tiếng buông xuôi khi nghĩ rằng chẳng lời lẽ nào kể xiết cả nỗi nhục nhằn lớn lao lẫn niềm an ủi mong manh như một phiến hoa xoan vô tình rơi vào lòng ngục thất. Nhưng, Hoàng Hưng, thưa ngài, tôi hiểu!

Tôi hiểu vì tôi cũng đã từng trải qua nhiều cảm giác tù ngục khác nhau dù chưa lần nào phải thực sự sống cảnh xà lim như ông. Việc làm thơ thực là một thực hành tâm niệm để níu giữ chút “mình” ít ỏi trước hành động tước đoạt dã man của những tên cai ngục cuộc đời. Mỗi chữ thơ, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ dường như là một hạt tràng mà người khốn khổ lần sờ, nương níu mỗi đêm. Tôi phát hiện, trong chuỗi tràng hạt của ông, có một biểu tượng lớn như một cây thánh giá nhỏ nằm giữa chuỗi mân côi của những kẻ tín Chúa. Tôi gọi đó là thánh giá thạch thùng.

Thạch thùng xuất hiện nhiều lần trong những giấc mơ ông, ám ảnh ông đến nỗi:

“Ba năm còn nhớ một con thạch thùng”
(Người về)

Thạch thùng, cùng với những sinh linh bé nhỏ trong cõi âm u như những con rận, con muỗi hay con tắc kè, vừa là những nhân vật trong câu chuyện của ông, vừa là những thính giả trung thành nghe ông độc thoại. Ông đã chiến đấu với nỗi cô đơn như thế đấy.

Nhưng riêng thạch thùng, tôi đoán, ông đã coi là người bạn lành nhất trong đêm trường dữ dội kia. Tôi tìm thấy bài thơ Thạch thùng (Vụt hiện 8), tôi tìm thấy mẩu thánh giá của đức tin ông. Xin chép nguyên bài.

Thạch thùng (Vụt hiện 8)

Đôi thạch thùng trên trần xà lim, trắng hồng, trong trong, bên ngọn đèn ấm áp. Chúng làm sao biết chốn này tù ngục. Chúng đâu thèm quan tâm một người suốt ngày nhìn chúng khỏa thân yêu nhau. Chúng đâu biết đêm nay đêm đông cắt da cắt thịt. Trắng hồng, trong trong, chúng lặng lẽ yêu nhau bên ngọn đèn tỏa hơi xuân. Ngọn đèn tù ngục.

Nếu con người khỏa thân không hổ thẹn. Nếu con người yêu nhau hồn nhiên dưới mặt trời. Như thạch thùng. Thì có lẽ không có tù ngục. Phải không nhỉ thạch thùng?
(Hết trích)

Đó là bài thơ hay bài kinh ông nhẩm mỗi đêm để không đánh mất “mùi” mình?! Và thánh giá thạch thùng khỏa thân trên cao vẫn từng đêm ban ân để Hoàng Hưng trở về mà không biến thành một con người xa lạ. Tôi tin thế!

Hoàng Hưng trở về từ ác mộng, nhưng Hoàng Hưng vẫn là ông, kẻ hành động nào cũng dễ dàng tự đẩy mình ngược vào “cõi ấy”. Nhưng ông chưa bao giờ chùn bước, nên, ông chính là Hoàng Hưng! Như tôi luôn kính trọng!

Hai năm trước, ông là một trong những người đầu tiên đọc thơ tôi và là người đầu tiên viết về tôi. Đọc xong bản thảo tập thơ đầu tiên của tôi, ông đã gửi tôi một lời chào đầy khích lệ. Nay, đọc xong tập thơ cuối cùng của ông, tôi cũng xin gửi ông một lời chào quý kính:

Thưa ngài, mộng đã tan và ngày đã rạng. Chào buổi sáng, Hoàng Hưng!
———————
Viết vội trên chuyến bay từ Đài Bắc về Hà Nội.
28.03.2019