Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Tân hình thức – Nghĩ về cách làm thơ (kỳ 3)

Khế Iêm

TRUYỆN “THƠ TÂN HÌNH THỨC”

Tặng nhà văn Văn Giá

Thơ và văn xuôi là hai phong cách khác nhau, luôn luôn lẩn tránh và hòa trộn lẫn nhau vì sử dụng cùng một ngôn ngữ diễn đạt. Phương tiện của thơ là thể luật, mục đích tạo nhịp điệu, còn phương tiện của văn xuôi là cú pháp văn phạm, gần với ngôn ngữ nói thông thường. Thật ra, từ khởi đầu, thơ thóat thai từ ngôn ngữ thông thường, rồi từ từ cô đọng ngôn ngữ để khi đọc hay ngâm nga cho có nhịp điệu trầm bổng, hình thành thể luật riêng biệt. John Schmit khi nghiên cứu về thơ Emily Dickinson, cho thấy bà đã tạo ra sự tối tăm trong thơ và người đọc mỗi người hiểu một cách khác nhau, bằng cách đơn giản là nuốt chữ và một phần của câu. Ông đã dùng luật cú pháp (syntatic rule) phục hồi lại những gì đã mất và cho rằng thơ dễ hiểu hơn nếu biết được cách làm thơ.1 Như vậy, do cách chọn chữ, chọn âm, cô đọng tới mức tối đa vì nhu cầu sáng tác, những nhà thơ vần luật đã phá vỡ văn phạm của ngôn ngữ thông thừơng bằng cách dấu đi những chữ thừa (của văn phạm cú pháp) và người đọc có thể tự hồi phục lại khi đọc. Điều này tạo nên ngộ nhận, thơ không cần đúng văn phạm, và gây lấn cấn giữa thơ và văn xuôi. (Thơ và văn xuôi có nhiều yếu tố chung và riêng, người thưởng ngọan khôngcần bận tâm, chỉ đọc lên và cảm nhận bài thơ có thơ hay không là đủ). Và khi hồi phục những chữ đã mất để am hiểu thơ, đồng thời, kích thích sự tưởng tượng và cảm giác mông lung của người đọc. Cách làm thơ đó chúng ta thường gọi đó là nghệ thuật tu từ.

Nhà thơ Timothy Steele cho rằng “thơ là nghệ thuật đầu tiên và văn xuôi bắt chứơc nó.”2 Từ thời cổ đại tới thời Trung cổ phương Tây, văn xuôi gần giống với thơ, cả vần và nhịp điệu, mục đích làm cho văn xuôi dễ nhớ và lôi cuốn như thơ, bởi vì thời đó, thơ được coi như phương tiện truyền đạt kiến thức tổng quát. Từ thời Phục Hưng, những ngôn ngữ bản địa phát triển, văn học bản địa (vernacular literarure) mau chóng lấn lướt văn học Latin, văn xuôi từ từ tách ra khỏi thơ. Cho đến cuối thế kỷ 19, tiểu thuyết đã dành được vị trí quan trọng trong đời sống văn học. Tính dễ nhớ và lôi cuốn của văn xuôi nhờ vào văn phong và tình tiết câu truyện. Thơ thể luật, cuối cùng, phải lui vào hậu trường. Một phần là những yếu tố chính như truyện kể, bị tiểu thuyết lấy mất, một phần khác là sự tách ra của thơ tự do. Cuối thế kỷ thứ 19, thơ tự do nổi lọan chống lại cách làm thơ chọn chữ xưa cũ (antiquated diction), làm cho ngôn ngữ thơ trở nên sáo rỗng (fustian), giả tạo (affected) của thời Vicroria (Victorian Period). Khi phá vỡ thể luật, không còn gì kiềm chế, thơ tự do phục hồi cú pháp văn phạm của văn xuôi, hòa nhập ngôn ngữ nói và đưa cuộc đời thực vào thơ. Theo nhà thơ William Carlos Williams, thể luật cung cấp nhạc tính cho thơ, còn chữ cung cấp nghĩa cho thơ. Nhưng khi không còn thể luật, âm của con chữ tự nó có chức năng tạo nhạc. Nhà thơ không còn dùng chữ để chuyển nghĩa, mà chú tâm vào âm chữ. Nghĩa của chữ và của bài thơ được suy diễn và giải thích bởi từng cá nhân người đọc. Để đạt tới điều này, thơ tự do dùng kỹ thuật dòng gãy (line break), cắt chữ hay nhóm chữ xuống dòng, tạo tốc đọc chậm, lắng nghe từng con âm chữ. Kỹ thuật này cũng dùng để xóa đi dấu vết của câu văn xuôi. Nhưng rồi thơ tự do, sau rất nhiều phong trào tiền phong, đã khẳng định được vị trí và vóc dáng của mình. Thơ không còn dùng chữ để tạo nhạc tính nữa, mà qua sự phát triển kỹ thuật in ấn, nhạc tính thơ được thay thế bằng nhịp điệu thị giác trên trang giấy. Nhà thơ tạo cấu trúc thơ, tìm kiếm ý nghĩa qua tiến trình phân tích với quan niệm, hình thức cũng là nội dung.

Nhà thơ Pháp Stéphan Mallarmé trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1891 cho rằng, thơ tự do sẽ sớm trở về thể luật phổ quát, đặc biệt là với dòng thơ Alex- andrine 12 âm tiết. Nhiều nhà thơ rất gần với phong trào thơ hiện đại cũng không nghĩ, thơ tự do sẽ kéo dài mãi như thế. Đối với những người chống đối thể luật, họ hy vọng một thể luật mới sẽ xuất hiện khi thể luật truyền thống cũ không còn. Nhà thơ Mỹ William Carlos Williams, “thơ tự do tạm thời vô thể, nhưng nó không dừng lại ở đó, mà hướng tới một luật tắc mới.”3 Điều tiên đóan của Mallarmé hình như đúng với thơ Tân hình thức Mỹ, khi họ trở về với các thể thơ truyền thống, bằng cách đơn giản, đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ. Điều mong chờ của Williams chưa xảy ra.

Không thiếu những nhà thơ có ý thức sáng tạo, tài năng và sự am hiểu rành rẽ nghệ thuật thơ, đạt tới cấu trúc thơ. Điều này đã xảy ra trong quá khứ với những phong trào tiền phong và những nhà thơ tiền phong Mỹ. Nhưng thơ không có một cơ chế chung tạo nhịp điệu để chuyên chở cảm xúc, mà chỉ phô bày ý tưởng, và người làm thơ đi sau tưởng lầm, tự do thì muốn làm thế nào thì làm. Kỹ thuật dòng gãy, ngắt chữ hay nhóm chữ xuống dòng, nếu nối lại cho liền lạc câu văn, nhiều khi chỉ là một đọan văn xuôi tầm thường, tẻ nhạt, hoặc là những ý tưởng rời rạc, vô nghĩa. Lỗi là do khi sử dụng kỹ thuật này, người làm thơ khó nhận dạng ra câu văn xuôi. Và nếu nhịp điệu thị giác, tùy thuộc vào văn hóa in ấn trên trang giấy, từng làm nên cấu trúc thơ và đưa thơ tự do tới chỗ hòan chỉnh, thì ngày nay, người đọc đang quen dần với việc đọc trên Internet, nhịp điệu ấy khó còn hiệu quả như trước kia, so với âm thanh hình ảnh tân kỳ của kỹ thuật điện tóan.

Thơ Tân hình thức Việt chuyển những thể thơ có vần qua thể thơ không vần với những yếu tố cơ bản: vắt dòng, kỹ thuật lập lại, tính truyện và ngôn ngữ đời thường. Vắt dòng làm cho ý tưởng liên tục, và cũng như thơ tự do, khi hồi phục văn xuôi, những nhà thơ Tân hình thức làm mất dấu vết văn xuôi bằng cách sử dụng kỹ thuật lập lại để tạo nhịp điệu, hoặc xóa bỏ dấu chấm phẩy của cú pháp văn phạm. Một bài thơ có nhịp điệu mạnh chừng nào, văn xuôi càng bị lu mờ đi, và người đọc mới đọc ra thơ. Nhiều nhà thơ phải bỏ cuộc vì không tạo ra được nhịp điệu, khi bài thơ hiện ra như văn xuôi. Những nhà thơ Tân hình thức Mỹ cho rằng thơ thể luật đã đánh mất nhiều chất liệu của nó cho tiểu thuyết, và nếu muốn hồi phục lại, thơ phải tiếp thu những đặc tính của tiểu thuyết. Tiểu thuyết đã lấy đi một yếu tố cốt lõi trong thơ, tính truyện, và đã tạo ra những tác phẩm lớn, với những tình tiết lôi cuốn hấp dẫn. Thơ tự do, với kỹ thuật dòng gãy, phần mảnh ý tưởng, nên không duy trì được yếu tố truyện kể sau khi tách rời khỏi thơ truyền thống.

Trong tình trạng kỹ thuật điện tóan phát triển nhanh đến chóng mặt, tiểu thuyết không phải không có những khó khăn. Con người phải đối mặt với nhiều vấn đề xáo trộn trong đời sống. Iphone, Ipad đang trở thành những phương tiện bất ly thân. Thời gian không còn đủ để người ta nhẩn nha đọc một cuốn tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết hay, thay vào đó, họ đọc tiểu thuyết qua phim ảnh, truyền hình, với những kỹ thuật vô cùng xảo diệu. Nhưng tâm lý con người không phải cứ đắm mình trong không gian ảo với những tưởng tượng cũng ảo. Đến một lúc, người ta có nhu cầu trở về với thơ và truyện, những con chữ, nhưng với một hình thức thích hợp hơn trước. Thơ Tân hình thức Việt cần giải quyết thêm phần kỹ thuật kể, và cung ứng cho người đọc một thể loại mới, cùng một lúc vừa đọc được cả thơ lẫn truyện.

Đọc trên trang giấy là cách đọc tuyến tính, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, hết dòng này qua dòng khác. Nhưng đọc trên internet lại khác, với rất nhiều thông tin, văn bản siêu liên kết, video cùng với chữ, tất cả không ngừng tương tác với nhau. Đó là cách đọc phi tuyến tính, và não bộ phải hình thành một cách đọc tắt: lướt qua, tìm kiếm các từ khóa, nối kết, di chuyển, đảo mắt xung quanh một trang web. Khi đọc như vậy, chúng ta có xu hướng đọc nhanh (và ít sâu), so với cách đọc từ trang này qua trang khác trên giấy. Càng đọc trực tuyến, chúng ta càng có nhiều khả năng di chuyển nhanh, không kịp dừng lại để suy ngẫm về bất cứ ý tưởng và đề tài nào.

Trong thực tế, khoa thần kinh học tiết lộ rằng con người đã sử dụng những phần khác nhau của não bộ khi đọc trên giấy hoặc trên màn hình. Vì vậy, càng đọc trên online, tâm trí càng chuyển theo hướng đọc phi tuyến tính. Hệ quả là, theo Maryanne Wolf, giám đốc trung tâm đọc và nghiên cứu ngữ học, đại học Tufts, Massachusettes, Mỹ, “Tôi không lo lắng vì chúng ta sẽ trở nên câm vì internet, nhưng lo lắng chúng ta sẽ không sử dụng phần đọc sâu quí giá của chúng ta, vì có quá nhiều kích thích trên màn hình. Điều đó sẽ mất một số trí tuệ trên một phần não bộ của chúng ta.”

Và càng đọc trên online, chúng ta càng ít hiểu biết hơn. Câu đọc trên online có xu hướng ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Người đọc không còn, hoặc có lẽ không có khả năng đối phó với cú pháp phức tạp trong tiểu thuyết viết theo dạng giấy in trước kia. Điều lý tưởng, theo các nhà nghiên cứu, là sử dụng cả hai cách đọc, gọi là “đọc nước đôi” (bi-literate). Bi-literate, theo tự điển là đọc và viết trong hai ngôn ngữ. Như vậy, chữ in và chữ trên màn hình là hai ngôn ngữ khác nhau. Và thơ cũng phải xét lại trong sáng tác để thích hợp với cả hai cách đọc, trên trang giấy và trên màn hình. Thơ phải đổi mới, dễ hiểu, hấp dẫn, và có ý tưởng sâu sắc. Thơ Tân hình thức mới mẻ, dĩ nhiên, dễ hiểu nhờ tính truyện, hấp dẫn vì có nhịp điệu, và ý tưởng đặc sắc.

Thơ có hai loại: thơ thể luật và thơ tự do. Thơ tự do viết xuống những suy nghĩ và ý tưởng của chính nhà thơ. Thơ thể luật lại chia ra ba loại: thơ trữ tình (lyric poetry) và thơ truyện kể (narrative poetry), và kịch thơ. Thơ trữ tình cũng giống như thơ tự do diễn đạt cảm xúc và tư tưởng chủ quan của nhà thơ. Như vậy, trong thời đại internet, muốn lôi cuốn người đọc, thơ truyện là cách diễn đạt tốt nhất, vì cả hai thơ trữ tình và thơ tự do đều không có khoảng không gian nào cho người đọc, trong khi, theo nhà thơ Kyle Dargan, người đọc chỉ đọc khi họ tìm thấy chính mình trong thơ. Thơ thiếu vắng đời sống, vì chỉ có đời sống mới mnag bóng dáng người đọc. Đó là chưa kể, thơ không nói lên được bất cứ gì về bất cứ điều gì.

Còn thơ truyện là kể một câu truyện. Khác với thơ tự do và thơ trữ tình, thơ truyện có ít nhất một nhân vật chính và nhân vật phụ. Nhân vật chính có thể là ngôi thứ nhất nhưng không phải là tác giả, chỉ là người kể truyện. Cũng giống như truyện ngắn, thơ truyện bao gồm đề tài (theme), bố cục (setting) tình tiết (plot) và nhân vật (characters). Mục đích của thơ truyện là giải trí, vì vậy cảm xúc và tư tưởng phải của chính nhân vật chứ không phải chủ quan của nhà thơ. Sự khác biệt giữa truyện thơ và truyện ngắn: Truyện ngắn liên quan tới lý luận và theo tuyến tính (thời gian), trong khi thơ truyện vô tuyến tính, và theo chiều không gian. Thơ tuân theo thể thơ, vần và nhịp điệu, trong lúc ngôn ngữ cô đọng, gợi tưởng tượng nơi người đọc, vì thế sự diễn đạt giữa thơ và truyện ngắn luôn luôn có sự khác biệt.

Thơ Tân hình thức Việt, giai đoạn khởi đầu, giống như thơ tự do và thơ trữ tình, diễn đạt cảm xúc và tư tưởng của tác giả qua những yếu tố và thể thơ mới, thơ không vần Việt. Thơ Tân hình thức Việt khác với thơ tự do, là ý tưởng liền lạc chứ không đứt đoạn. Trước khi tiến tới giai đoạn hai, kể một câu truyện, qua kỹ thuật xâu chuỗi, chúng ta cần làm sáng tỏ vài nguyên tắc chính để nhiều người có thể cảm thấy dễ dàng hơn, tham gia sáng tác thơ Tân hình thức Việt.

Nghệ thuật thơ Tân hình thức Việt chính là sự phối hợp giữa ý tưởng và nhịp điệu, phát hiện ra điều mới lạ qua chủ đề bài thơ. Vì vậy, trước khi sáng tác, phải chọn chủ để bài thơ, sau đó qua chủ đề (theme) chúng ta chọn giọng thơ (tone) cho phù hợp với chủ đề. Giọng bài thơ là cảm xúc biểu lộ của tác giả qua chủ đề bài thơ, còn tâm trạng (mood) là cảm xúc người đọc tiếp nhận qua giọng của bài thơ. Ý tưởng đưa tới phương cách tìm kiếm chủ đề sáng tác, nhịp điệu đưa tới cách làm thơ.

Tìm kiếm chủ đề: Thơ Tân hình thức Việt đi vào đời sống, vì vậy cách tìm chủ đề sáng tác dựa vào mọi nguồn kiến thức. Với phương tiện google, nhà thơ dùng những chữ, nhóm chữ, mệnh đề và câu, liên hệ tới chủ đề và tình tiết bài thơ, để tìm kiếm những tài liệu nghiên cứu, những câu truyện có thực trong đời sống, qua những bản tin, phóng sự, video trên internet, sau đó hư cấu và dàn dựng thành một câu truyện.

“Kỹ thuật kể mới: Một bài thơ đứng một mình, tự nó là một bài thơ hòan chỉnh, nhưng khi có những tình tiết và ý tưởng liên hệ tới những bài thơ khác, chúng ta có một xâu chuỗi thơ. (Đối với thơ Tân hình thức, những bài thơ trong một xâu chuỗi có thể ở bất kỳ thể thơ nào, từ 5, 7, 8 chữ hay lục bát. Và có thể dùng kỹ thuật vắt dòng, nối dòng cuối của bài trứơc và dòng đầu của bài sau, để cho có vẻ liền lạc, nhưng không phải là nguyên tắc bắt buộc.) Mỗi xâu chuỗi là một câu truyện liền lạc với đầy đủ tình tiết. Một câu truyện có thể cần một hay nhiều xâu chuỗi, và khi tập hợp nhiều câu truyện độc lập với nhau, tập thơ chẳng khác nào một tuyển tập truyện ngắn. Chúng ta có kỹ thuật xâu chuỗi cho một truyện ngắn bằng thơ. Nhưng xâu chuỗi thơ làm chúng ta liên tưởng tới những mẫu tự, được xếp theo chiều ngang và chiều dọc của một ô chữ (crossword puzzle). Trong một ô chữ, mỗi mẫu tự nối với những mẫu tự khác thành những chữ hoặc nhóm chữ, không khác nào mỗi bài thơ trong xâu chuỗi thơ. Như vậy nếu đặt những xâu chuỗi thơ trong một khung ô chữ, gặp nhau hoặc song song, chúng ta có kỹ thuật ô chữ để tạo bố cục cho một truyện dài bằng thơ. Hai kỹ thuật xâu chuỗi và ô chữ, gọi chung là kỹ thuật ô chữ, có khả năng tạo nên những tác phẩm tuyến tính hoặc phi tuyến tính và đa cốt truyện cho thơ Việt. Sự nhạy bén, tinh thần sáng tạo nơi nhà thơ là cần thiết, để khai triển câu truyện vừa đơn giản vừa phức tạp, làm sao người đọc dễ dàng theo dõi, không qua sự diễn giải của phê bình. Điều ghi nhận, hiệu ứng cánh bướm và kỹ thuật ô chữ là những yếu tố ngòai thơ, lần đầu tiên được áp dụng vào thơ, nói lên nỗ lực không ngừng để hòan thiện những đường nét cơ bản của một dòng thơ mới. Nhà thơ Biển Bắc cho rằng, chúng ta có thể nối nhiều bài thơ của nhiều tác giả thành một câu truyện kể, giống hình thức một tuyển tập. Và như thế, thơ Tân hình thức Việt, với kỹ thuật ô chữ sẽ trở thành một trò chơi lý thú, thích hợp với thế hệ của thời vi tính.”4

Chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ, sáng tác theo kỹ thuật dựng truyện mới này: “những người đàn bà cuối cùng của một dòng họ” của Đài Sử, và “Tiếng Hát Từ Cổ Xưa” của Khế Iêm. Cả hai bài đều là những bài thơ dài. Nếu sáng tác để thử nghiệm kỹ thuật xâu chuỗi thì kỹ thuật này chưa được khai triển tới nơi, vì những đọan thơ không đủ cá tính đặc biệt, tự nó là một bài thơ, vừa độc lập vừa phối hợp thành chuỗi. Nhưng hai bài thơ làm bật hai yếu tố trong kỹ thuật dựng truyện: bố cục và tình tiết. Bố cục của bài thơ khác với bố cục trong cốt truyện tiểu thuyết. Và tình tiết trong tiểu thuyết được miêu tả rất chi ly, trong khi tình tiết trong thơ chỉ là những chi tiết biểu trưng, hòa nhịp với nhịp điệu và ngôn ngữ tạo thành những hấp lực riêng. Một câu hỏi được nêu ra cho bài thơ thứ hai, tại sao lại dùng thể lục bát? Người đọc có thể bị bối rối khi những ấn tượng của thơ lục bát có vần còn ăn sâu trong tiềm thức? Câu trả lời có thể mang tính chủ quan: Thơ lục bát có vần thường dùng vần bằng, tạo nên âm điệu êm ả và đều đặn như những điệu ru, cách đọc không nhanh không chậm nhờ ở vần, nghe như một dòng sông uốn khúc trôi. Bây giờ khi bỏ vần, thay đổi âm điệu thơ, hình dạng bài thơ vẫn cho ta ấn tượng như một dòng sông trôi, nhưng âm thanh và tốc độ thay đổi, réo rắc và rộn rã hơn. Chúng ta sẽ nhận ra một lục bát khác với lục bát từ trước tới nay, trong cách đọc và sáng tác. Thơ lục bát có vần hay không vần, thích hợp với giọng kể, chỉ là phương cách làm thơ, và sự hiện diện của cả hai tạo cho thơ hình ảnh đa dạng và phong phú. Vấn đề là bài thơ đọc lên có thơ hay không. Hiểu tới đó thì chúng ta sẽ giải trừ được những vướng mắc không cần thiết để đạt tới sự hòan thiện trong việc thưởng ngọan thơ.

Hai bài thơ là những thử nghiệm về ngôn ngữ, bố cục, tình tiết và cách kể một câu truyện, qua đó gợi ý giúp chúng ta tìm kiếm, khai triển nghệ thuật kể riêng của mình. Chắc chắn, sẽ không ai giống ai và không bài thơ nào giống bài thơ nào, vì đó là thơ, là tiêu chí nghệ thuật. Thơ Tân hình thức Việt đang bứơc qua một giai đọan mới.

Chú thích và tham khảo

1. “Những Quan Điểm Thẩm Mỹ Mới”, Khế Iêm, Vũ Điệu Không Vần”, nxb Văn Học, 2011. 2. “Missing Measures”, Timothy Steele, The University of Arkansas Press, 1990. 3. The free verse movement seemed, in Williams’ word, “a formless interim”; it not was considered an end in it- self, but was to lead to a “new way of measuring”. 4. Trích trong bài, “Thời Gian Phần Mảnh” [Fractal Time] Trong Thơ Thanh Ngọc.

Nguồn: Tan Hinh Thuc Publishing Club Email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com Santa Ana, CA 92706

World Wide Web Site http://www.thotanhinhthuc.org

© 2016 by Tan Hinh Thuc All rights reserved