Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 35)

NGÀY 19-10-2014

Thắp hương cho “quá khứ ”…

Hạ Đình Nguyên


Cuộc biểu tình đòi dân chủ rất đặc sắc của thanh niên Hồng Kông đã tác động mạnh đến Việt Nam, làm cho nhiều người Việt suy nghĩ, nhưng đang diễn ra theo hai hướng khác nhau. Một, từ phía người dân – lớp người đã nhiều năm qua đang dấn thân đòi dân chủ, và bình đẳng – tự hỏi, làm sao để có một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, ít ra là như thế và đem lại hiệu quả? Hai, từ phía Đảng Cộng sản – chủ thể đang cai quản đất nước – là cách nào để ngăn chận trước, không cho phép diễn ra một phong trào đấu tranh dù bất bạo động, ôn hòa và “lễ phép” như thế?

Đối với Việt Nam…

Quả thật, tôi không thích thú gì với ý nghĩ rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam có sẵn khả năng nổi trội để dự báo cùng lúc cho cả hai phía tình huống nêu trên, nếu tin theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Vì điều đó đã được trải qua gần cả thế kỷ. Chính nghĩa và lý tưởng của các phong trào đấu tranh luôn được kèm theo phần bạo lực trong tiến trình các cuộc chiến tranh do Đảng Cộng sản lãnh đạo, từng lúc đứng từ cả hai tư thế ở hai thời điểm khác nhau, thời của kẻ bị trị và thời của kẻ thống trị. Mỗi lúc, nếu không nói là xuyên suốt, phần bạo lực đóng vai trò chủ động và quyết định trong việc tạo nên phong trào hay triệt tiêu phong trào. Khó ai có thể phủ nhận điều nầy. Cũng khó có thể phê phán một chiều về yếu tố bạo lực – mang ý nghĩa ngược lại với dân chủ – vốn có trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, nhất là chiến tranh chống ngoại xâm, với mọi biện pháp. (Nhưng điều nầy không phải là điểm chính của bài viết).

Xét riêng về khía cạnh kinh nghiệm và kỹ năng, việc khởi động hay dập tắt, triệt tiêu những phản kháng trong nhân dân về đòi hỏi dân chủ, chống bất công, thì người Cộng sản có quá đủ kinh nghiệm, từ tư thế bị trị khi phát động đấu tranh chống thực dân, và từ tư thế người cai trị, như những sự kiện đã từng diễn ra, qua Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, Cải tạo Công thương nghiệp, Kinh tế mới, trừng trị phe thua cuộc sau 1975, và cả kinh nghiệm sau nầy vào những đợt dân chúng biểu tình chống Tàu xâm lược biển, đảo.

Đối với Trung Quốc…

Tuy nhiên, cái mới của phong trào dân chủ Hồng Kông là bất bạo động và bất tuân dân sự ở một trình độ tổ chức và giác ngộ cao trong bối cảnh hòa bình của thời đại mới, mà sự đàn áp bằng bạo lực là không thể giống như việc cho kỵ binh cỡi ngựa xông vào bãi người ngồi tuyệt thực của Gandhi, thời Ấn Độ dưới nền cai trị của thực dân Anh ở đầu thế kỷ trước; hoặc cho xe tăng sẵn sàng nghiền nát thân người ở Thiên An Môn - Trung Quốc vào thời Đặng Tiểu Bình ở cuối thế kỷ. Cách xử lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay đối với sự kiện Hồng Kông là một thể nghiệm mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam hẳn là đang chăm chú theo dõi để tích lũy thêm kinh nghiệm.

Một đặc điểm nữa của Hồng Kông mà Việt Nam khó so sánh, đó là sự xuất phát phong trào đấu tranh từ lực lượng thanh niên có tri thức, có sự hỗ trợ của giới trí thức và hầu hết các thành phần dân chúng, trong bối cảnh hòa bình, thịnh vượng. Đó là tinh thần trong sáng, chân thực và thể hiện phẩm chất của những “giá trị mới” đáng kính trọng của giới thanh niên, vào thời đại internet mà cả thế giới có thể chăm chú theo dõi. Đó là một sự khác biệt. Nhưng với bản chất của Đảng Cộng sản là thủ đoạn và bạo lực, liệu Tập Cận Bình sẽ dập tắt nó theo cách nào, phối hợp cùng với các kỹ năng mềm, mà có thể không làm tệ hại thêm hình ảnh của một quốc gia đang có tham vọng làm siêu cường thế giới? Nhưng thật khó đoán biết, với Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử cho thấy họ có thể làm được những điều mà nhân loại không ngờ tới, với mức kinh hoàng như thời Mao, thời Đặng, và nay đang chờ xem thời Tập…

Phong trào đấu tranh là một sự kiện, nên có mở đầu và sẽ phải kết thúc theo một cách nào đó, dù thắng lợi hay không thắng lợi, nhưng sức mạnh tinh thần sẽ biến sang dạng khác, vì nhu cầu dân chủ là bất diệt, nó sẽ phát triển ngày càng rộng trong cộng đồng người Hoa, từ Hồng Kông, Ma Cao, sang Đài Loan và người dân Đại lục, kể cả người Hoa ở nước ngoài. Nó hợp lưu cùng thế giới đang chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bành trướng, độc tài, quá lỗi thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dù cách nào thì Hồng Kông cũng đã và đang gây một niềm hứng khởi rộng lớn, và Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bản chất tham vọng cố hữu của mình đang ở thế đối đầu với thời đại.

Phong trào thanh niên Hồng Kông đang đứng ở đỉnh cao của sự gay cấn, là một cuộc “đụng đầu lịch sử” giữa cái rất tốt của thời đại và cái rất xấu của thời đại, giữa dân chủ và cường quyền, giữa tinh thần và bạo lực, giữa nhân bản và phi nhân, khác sự đối đầu của chiến tranh bằng vũ khí.

Bệ đỡ cho cuộc tình đã tan!

Trong 100 năm qua, Việt Nam sống trong nô lệ và chiến tranh, và chiến tranh trong nô lệ, nói như thế cũng không phải là quá đáng. Chiến tranh thì không thể đem lại văn minh, càng xa lạ với dân chủ. Chết chóc và sống sót. Sống sót rồi ào lên đi tìm cái sống đến độ vô liêm sỉ của một lớp người ưu thế, không còn chuẩn mực của giá trị tinh thần. Nếp nghĩ “sống trước đã”, đã phá vỡ nền móng văn hóa dân tộc, vốn đã bị chà xát đến bật gốc, biến dạng và bị lợi dụng, trong khi cái gọi là văn hóa chiết cành XHCN đầy gượng ép, chết khô chết đứng, ghi vết hằn thảm hại trên cơ thể dân tộc. Mỗi người dân Việt từ khi sinh ra cho đến lúc già của nhiều thế hệ trong trăm năm ấy, cả những đứa con sinh ra từ đó, là Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng mang những vết thương trong tâm trí, họ có thể là “anh hùng” trong khuôn khổ nào đó, nhưng không thể “luôn” gọi là người lành mạnh. Anh hùng của thời bình không giống anh hùng của thời chiến, mà có khi lại là tội đồ như trường hợp Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết (*). Cũng có không ít những con người dám sống với sự liêm khiết của trí tuệ (intellectual integrity), bị đẩy vào tình thế phải vật lộn với bản năng mà cuối cùng không đầu hàng bản năng, thì những kẻ ấy cũng đã mai một, bị ép vào một góc nhỏ, hoặc bị hy sinh cách nầy hay cách khác. Sự ô nhiễm bắt đầu khi đứa trẻ mới sinh ra, và cả khi nó được mang đến trường mẫu giáo, gọi tên là trường “Bé Ngoan”, chỉ với tên gọi nầy đã là một áp đặt khủng khiếp với khái niệm của chữ “ngoan”, kế tiếp là bập bẹ những câu hát mang tính "tín đồ" của một thứ tôn giáo không chính danh. Rồi quá trình nó lớn lên được “trui” và “rèn” theo ý nghĩa gần đúng của từ nầy. Cán bộ từ thấp đến cao, và nhân viên trong bộ máy của đảng phải chọn lựa, sống dối hay là chết, hay là chịu thiệt thòi? “Dối” không phải là một phẩm chất, nhưng chưa hẳn là hoàn toàn đáng kết án, nó còn tùy vị trí và mục đích. Người dân nói dối để sống sót, cán bộ nói dối để không bị loại trừ, lãnh đạo nói dối vì âm mưu – để thăng tiến, để có lợi quyền… Dĩ nhiên, dối trá chẳng bao giờ hay, nhưng không dễ gì mà không dối trá trong tâm thế của một dân tộc vốn lạc hậu, bị nô lệ dài ngày, với bản chất tư tưởng là thiếu tự tin, sự sợ hãi và tính phục tùng… Nếu đem lịch sử ra để minh chứng tinh thần độc lập “Nam Quốc Sơn Hà…” thì cũng phải đem Nhật Bản ra mà so sánh, để thấy rõ cái chung nhất, là dân ta không có tinh thần Samurai của người Nhật. Tư tưởng liên kết không phải là tư tưởng thần phục, vì thế, lấy dân làm cứu cánh, nên người Nhật đã quật cường, chứ không lấy dân làm phương tiện để tự rơi vào lệ thuộc. Hệ tư tưởng XHCN xuất hiện như bệ đỡ cho lòng tự ti dân tộc. Hiện nay, chủ nghĩa xã hội là sự nói dối của lương tri thay cho tính liêm khiết của trí tuệ. Lịch sử cũng đã có những lúc lóe sáng, nhưng sống trong bóng đêm thì nhiều hơn.

Chỉ nói trong 100 năm qua, từ lạc hậu phong kiến chịu ảnh hưởng Tàu, đến lệ thuộc Tây, đã vùng lên kháng chiến, thì lệ thuộc vào Chủ nghĩa Cộng sản nhuộm Mao, trong đó bị Nga, Tàu, Mỹ quay như chong chóng. Nhìn quanh, chúng ta không lương thiện bằng dân tộc Lào để gặt hái thành quả của lương thiện, không tự tin bằng dân tộc Campuchia để không biến đức trung thành thành tệ nạn lệ thuộc, không có tinh thần tự chủ bằng dân tộc Thái để giữ bản sắc của mình... Nhìn xa hơn trong cõi ASEAN, tâm thức người Việt nát bét nhễu nhão không so được với ai. Đôi khi tôi nghĩ, Bắc Triều Tiên vẫn có tinh thần độc lập dân tộc cao hơn người Việt ta, biểu hiện qua mối quan hệ với Tàu. Họ có thể tôn vinh một lãnh tụ bụ bẫm mặt búng ra sữa, mà có người cho là không ra hồn, như Kim Jong-un, nhưng anh ta không hề bảo cả dân tộc hô “Tàu muôn năm”, kiểu xóa biên cương theo cách bạc nhược “núi liền núi sông liền sông”..., không dựng bóng kẻ khác để bắt dân tộc tôn thờ, như bóng Mác, bóng Lênin, bóng Mao, hay thậm chí mơ hồ hơn nữa, là bóng ma XHCN, mà ngày nay nó vẫn cương quyết ngự trị ngay trên đầu Hiến pháp! Thiếu tự tin nên phải dựa vào một ảo ảnh. Lãnh đạo có tinh thần tự ti dân tộc, là đại biểu của một dân tộc vốn tự ti. Không có kẻ đứng sau lưng, không còn nền văn hóa dân tộc nâng đỡ, “anh hùng” bỗng dưng trở nên “anh hèn”.

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay hầu như chưa từng nói thật với nhân dân, bởi thiếu niềm tin vào nhân dân nên kiên quyết không “cho phép” dân chủ. Từ Tuyên ngôn độc lập 1945 và Hiến pháp 1946 trở thành Hiến pháp 2013 ghi một vết đen ngòm trong lịch sử và trong thời đại. Đánh Tây thì dựa dẫm Liên Xô, rồi sợ Tàu, lại theo Tàu mà né Liên Xô, rồi lại nghe theo Tàu mà đánh vào nhân dân bằng Cải cách ruộng đất. Xếp hàng trong chủ thuyết, thì phải đánh Mỹ. Rồi lại đánh Tàu (vì nó đánh trước) và núp bóng Liên Xô, rồi Liên Xô sụp đổ. Nay thì không còn ai nữa, đành hô hoán lên là “làm bạn với bốn phương”, nhưng bạn tình cũ là Tàu thì không bỏ, vẫn níu kéo tấm di ảnh XHCN, làm bệ đỡ cho cuộc tình thật sự đã tan.

“Đứa con đi hoang” và bài ca vọng cổ đau buồn…

Cả dân tộc hôm nay, và một bộ phận trong Đảng Cộng sản, đều rơi vào tình huống “triết học” bất đắc dĩ, tự hỏi và không trả lời chính xác được: Việt Nam là ai, theo thể chế gì, và sẽ về đâu, hay là mãi lầm lũi trong một quán tính không lối ra?

Câu hỏi cụ thể là: Tính dân tộc của Việt Nam là gì? Cái bản chất hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?

Có phải tính dân tộc là ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”? Nếu thế, thì phải nạo bỏ trong tận cùng tâm thức cái bóng đè Mác-Lê-Mao, không có gì phải mặc cảm, để mở lối tư duy thênh thang cho dân tộc, cái dễ làm nhất là khởi động bằng cải tổ triệt để về giáo dục, từ mẫu giáo đến đại học, từ bỏ chủ trương biến người thành cừu.

Bản chất để tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay là gì? Là mục tiêu độc lập, văn minh, giàu mạnh? Nhưng nếu không có dân chủ thì không có gì cả. Chúng ngự trị như một sự dối trá đã lên ngôi, sự lừa mị đem lại hậu quả khôn lường, là chiếc thuyền chở đầy những kẻ cướp trá hình, hây hây hãnh tiến, đưa kết quả là không đánh được chuột vì sẽ vỡ bình bông, tức là vỡ Đảng.

Không nói ra được bản chất là gì, ngoài một số từ ngữ suông mà mòn nhẵn, là từ CNXH, nó không có khuôn mẫu nào trên thế giới, mà sắc thái riêng cũng không có nốt! Nếu “tính đảng” là tính “tích tịch tình tang”, thì tính dân tộc Việt quả là bài ca vọng cổ đau buồn thối ruột bốn mùa? Sẽ có người nói, không được đồng hóa đảng với nhân dân, vậy nhân dân hãy kêu “đứa con đi hoang” trở về? Nó trở về thì phải coi dân như cha mẹ, tức là phải dân chủ, phải bỏ tấm di ảnh vô ích kia đi, làm lại Hiến pháp đàng hoàng, xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhưng dường như, nó vẫn chưa muốn trở về, cho dù cuộc ngao du gian khổ đã tắt đường. Mặc cảm tự ti, kèm với quán tính dối trá của một thời theo đuôi, “đứa con đi hoang” tiếp tục cuộc lưu diễn “tích tịch tình tang” rối loạn cung bậc – không hiện đại, không truyền thống, cũng không sáng tạo, như các hoạt động mới xảy ra: cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất 3 ngày thì đóng cửa, màn đốt pháo bông một đêm để che lấp bóng dân oan, chiến dịch đánh chuột mà không bể bình hoa, tổng kết chiến dịch chống tham nhũng là “tham nhũng đã tương đối ổn định” (của ông Nguyễn Văn Đương), chấn chỉnh kinh tế bằng cách đòi nhân dân góp tiền trả nợ xấu, chiến dịch lớn “kê khai tài sản” của tập thể đảng viên như chuyện “trèo lên cây bưởi hái hoa…”, cay cú phe nhóm như bức thư của bà Hai “vợ anh Ba”, chuyện Biển Đông êm là nhờ “đặc phái viên của…”, tài liệu chữa thẹn của Ban Tuyên giáo Trung ương về vụ Thành Đô thì quá vụng về, vì nó không thật và đánh giá thấp – hoặc vì nó thấp – đối với nhân dân... Tất cả là bộc lộ sự bất lực.

Đó là một bức tranh toàn cảnh của một nền văn hóa lãnh đạo hiện nay. Nó hằn lên một màu xám xịt.

Các hoạt đông trên chứng tỏ mất phương hướng, nhẩn nha, tha thẩn như một kẻ thiểu não. Hết trèo lên cây bưởi, thì bước xuống vườn cà, nhặt mót những cánh hoa tàn. Chuyện tư tưởng chính trị thì giao phó cho bộ phận an ninh làm thay tất cả…

Thắp hương cho “quá khứ”…

Như thế, Việt Nam đã đến giai đọan gọi là “hậu toàn trị” theo quan điểm của Václav Havel (**) chưa?

Có lẽ câu trả lời là chưa, vì dân tộc vẫn chưa trưởng thành!

Thanh niên Hồng Kông xuất phát từ một nền giáo dục dân chủ và nhân bản. Thanh niên Việt Nam là sản phẩm của nền giáo dục hơn cả lạc hậu, là “lạc đường” (từ Nguyên Ngọc). Các em Đoàn viên thanh niên Cộng sản xuống phố tham gia "dẹp" biểu tình, bằng đôi mắt nhìn xuống! Cái nhìn xuống sâu thẳm nỗi buồn của cuộc giằng xé nội tâm. Các em xuất thân từ những ngôi trường “bé ngoan”. Phải bé và phải ngoan. Không được lớn và không được không ngoan, cho đến về hưu, và về hưu cũng phải trong một khuôn đã đúc sẵn. Để vượt qua những lớp lớp vòng rào bưng bít, người thanh niên Việt đã phải phung phí quá nhiều năng lượng. Mười phần hết bảy còn ba, hết hai còn một, mới bước qua cái cửa trưởng thành. Sự trưởng thành của một thanh niên Việt Nam là cả một cuộc vượt cạn, phải thoát ra khỏi nhiều vòng vây.

Làm sao để người Việt không nói dối, không ăn cắp? Làm sao để có những thế hệ thanh niên như Hồng Kông?

Họ đang ở một giai đoạn tiền phong của thử thách mới của thời đại, không phải thời đại của giai đoạn thực dân Anh, mà là giai đoạn của thể chế Cộng sản thời Tập Cận Bình. Bất bạo động và bất tuân dân sự đối diện với bạo lực toàn trị. Chủ nghĩa bá quyền, dù hầu như chưa sáng tạo, phát minh được một cái gì hữu ích cho nhân loại, nhưng vẫn hãnh diện và kiêu ngạo, về thủ thuật cai trị, khống chế con người, để duy trì tập đoàn cầm quyền tồn tại trên bạo lực, lấy bạo lực làm phương tiện đồng thời là cứu cánh, đang thúc đẩy nhân dân họ bằng động lực của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán bệnh hoạn.

Việt Nam thì bằng gì?

Bằng Chủ nghĩa xã hội – một cụm từ trống trơ, vô bổ như gió thổi đồi cù. Thay cho cái liêm khiết của trí tuệ là sự vô liêm sỉ của tham nhũng và bạo lực cùng với biện chứng cối xay.

Qua các sự kiện Thiên An Môn, Pháp Luân Công, Hồng Kông, ta không khỏi khâm phục một bộ phận ưu tú của nhân dân Trung Hoa, và cùng với họ, nhân dân Việt Nam chung thân phận, trong khi có kẻ đang tiếp tục mơ màng một cuộc “chăn gối với kẻ thù”! (đi theo CSTQ)

Việt Nam, trong lớp người lớn tuổi, chưa có một Václav Havel, trong lớp người trẻ chưa có một Hoàng Chi Phong - Joshua Wong. Chưa, vì nó khắc nghiệt hơn nhiều nên chưa thể xuất hiện. Vì đằng sau nó là một tấm chăn văn hóa rách nát thủng lỗ từ lâu của một lớp người lớn chưa thỏa mãn lòng tham về cái được, và một số khác chưa vượt qua hận thù về cái mất, mà nguồn vốn lành mạnh của xã hội thì chưa tích lũy đủ. Nguồn vốn ấy đang mang số âm về trí tuệ dân chủ và nhân văn, mang số dương về bạo lực và hận thù.

Thời Lý đã để lại một Tuyên ngôn độc lập “Nam Quốc Sơn Hà” và sự độc lập có thật, thời Lê đã để lại một "Bình Ngô Đại Cáo" và sự độc lập có thật, thời Trần đã để lại "Hịch Tướng Sĩ" và sự độc lập có thật…, tất cả còn mãi gây xúc động bao đời. Mỗi triều đại đã góp phần khắc họa và bồi đắp nêng hình hài dân tộc và đã lưu truyền cho thế hệ sau.

Kết quả của triều đại hôm nay sau 70 năm tạo tác, đang mang một bộ dạng ra sao, và sẽ để lại giá trị gì cho sự kế tục? Một câu hỏi lớn, phải với một tinh thần thật sự tự do, mới có thể trả lời.

Đằng sau một cuộc chết chóc hào nhoáng quá mỉa mai “Bách chiến bách thắng”, nó để lại những gì? Phải chăng thế hệ trẻ đang bơ vơ tự hỏi, với trước mắt là một gia tài đổ nát, tan hoang về một tinh thần Việt. Một nước Việt buồn – một nước Việt phá sản hầu như toàn diện về giá trị vật thể và phi vật thể?

Tôi mong một ngày, các tượng Karl Marx, Lenin, Mao, Hồ… và nhiều nhân vật nữa, được trân trọng đưa vào Viện Bảo tàng lịch sử, nhìn nhận nó là lịch sử với cái nhìn nhân văn của dân tộc. Gác hận thù, xóa bỏ mặc cảm, tất cả đồng lòng cùng thắp hương cho “quá khứ”. Thay vào ở các công viên là các tượng Nữ thần Tự do, hay Nữ thần Tình yêu, để cuộc sống không còn dối trá, biết xây dựng và biết bảo vệ cuộc sống theo cách chân chính.

Phong trào dân chủ ở Hồng Kông là biểu trưng cho một giai đoạn đấu tranh mới, rộng lớn, có ý nghĩa nhân văn lành mạnh nhất, là cuộc thử thách dân chủ với độc tài của thể chế đang còn sót lại ở lục địa Trung Hoa, kéo dài thêm một “khúc ruột thừa” đang báo hiệu cơn đau ở dải đất hình chữ S.

(*) Đặng Ngọc Viết, xem http://caulacbonhabaotudo.wordpress. com/2013/09/17/quy-dat-quy-dat-va-bay-phat-sung-colt-cua- dang-ngoc-viet/

(**) Václav Havel (1936-2011) là Tổng thống Tiệp Khắc cuối cùng và Tổng thống Séc đầu tiên.