Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 88): Hoàng Chính

Hoang ChinhSinh ngày 14 tháng 05, 1954 tại Hải Phòng. Di cư vào Nam tháng 07, 1954. Tốt nghiệp Y Khoa Sài Gòn 1978. Định cư ở Ontario, Canada từ 1983. Viết và dịch cho nhiều tạp chí văn chương hải ngoại từ 1991.

Đã xuất bản:

· Nửa đêm nghe mẹ thở dài (Thơ)

· Mùa thu cuối cùng (Tập truyện)

· Lời tỏ tình đã cũ (Tập truyện)

· Tình khúc (Truyện dài)

· Mấy sông cũng lội (Truyện dài)

· Viết cho mẹ ở quê nhà (Tập truyện)

· Tình ở Đài Bắc (Tập truyện)

· Một đoạn trong Thánh Kinh (Tập truyện)

· Thư tình viết muộn (Truyện dài)

· Đêm, từng mảnh… (Tập truyện).

*

VÀ KHÔNG NGÀY NÀO TÔI THẤY HÌNH TÔI

Tờ báo trải rộng trên mặt bàn che khuất hình chiếc xe lăn. Bàn dành riêng cho người phế tật. Chiếc kính lúp dày cộm khảm trong khung nhựa chữ nhật màu xám di chuyển theo hàng ngang từ trái qua phải, xuống hàng rồi lại từ trái qua phải. Những con chữ li ti sưng phù dưới mặt kính thuỷ tinh. Những ngón tay xương xẩu bọc bởi làn da khô, bóng – như thứ nhựa cao su rẻ tiền – cầm chắc chiếc kính lúp. Gọn gàng, vững chãi. Ông già ngẩng đầu lên, nhìn thẳng trước mặt. Cặp kính lão gọng nhựa đen viền vầng trán cao. Hai mắt kính phản chiếu ánh đèn nê ông lấp lánh. Cặp lông mày màu bạc. Hai cụm lông trổ ngược sang hai bên thái dương như cặp sừng ngang ngược, bất cần. Rồi ông lại cúi xuống. Ông bỏ chiếc kính lúp xuống mặt bàn, chạm những ngón tay vào cạnh trang báo, lật qua trang sau. Vài tấm hình tài tử và những bài viết về những cuốn phim sắp chiếu. Ông già lật vội qua trang kế. Tin địa phương.

Lảng vảng cách ông già một chiếc bàn, tôi kín đáo liếc trộm. Kín đáo, lịch sự, tôi đã quen như thế rồi. Hình như có tài tử Hollywood nào đó đang ly dị. Khuôn mặt hình trái soan và nụ cười khả ái của cô gái chiếm một phần tư trang báo. Tôi cố nhìn kỹ tấm hình nhưng ông già đã nhanh chóng lật qua trang khác. Rõ ràng ông chẳng quan tâm đến bản tin cô tài tử đang nhức đầu vì cuộc ly dị. Ngồi ngược chiều ông lão tôi chỉ nhận ra được chữ divorced và môi cười hé mở khoe hai chiếc răng cửa của cô gái. Ông già bỏ luôn trang đầu nơi có những bản tin quan trọng. Tôi đọc trộm hàng tít lớn. Kim Jong Un, hoả tiễn liên lục địa, bom nguyên tử, bom khinh khí gì gì đó. Và hình gã Á Châu vênh váo trước dàn hoả tiễn trải dài trên quảng trường. Không có hình tôi trên trang ấy. Lật lướt nhanh qua trang sau, ông già xới tung những trang giấy, hấp tấp tìm. Người đọc trước ông đã bới tung thứ tự những trang báo.

Buổi trưa, tôi ngồi một mình. Chờ N. Như vẫn chờ. Ông già đến, nhặt tờ báo ai đó bỏ lại trên mặt bàn, đem lại cái bàn có hình chiếc xe lăn. Ngồi. Tìm tòi chăm chú. Hôm nay kẻ đọc trước ông là một nhân viên điều hành giao thông. Cái nghề khoác áo nhựa vàng cầm cái bảng có chữ Stop, chặn đường xe cộ cho trẻ em băng qua đường. Gã áo nhựa vàng làm tôi thất vọng bởi hắn chỉ đọc trang thể thao. Tôi thì cần quái gì phải biết đội banh nào thắng trong trận đấu đêm hôm trước. Sẽ chẳng bao giờ có hình tôi ở đó. Ông già đến, tôi mừng. Và tôi ngoan ngoãn chờ. N. không còn làm ở đây

nhưng tôi vẫn chờ. Ngay chỗ này. Bởi chỗ này, ngày nào cũng có người mua báo, đọc xong bỏ lại trên bàn. Cả tuần nay, vâng, hôm nay là đúng một tuần. Cả tuần nay cứ thế. Nơi đây tôi chẳng quen ai. Một tuần rồi. Mùa hạ đã qua. Những cơn mưa mùa thu lất phất đổ về. Những khóm lá theo nhau úa vàng. Lá rụng phủ đầy mô đất quen, nơi hơi người đã ấm và cỏ dại vạch đất nhú lên nét xanh non trái mùa. Nỗi buồn quanh đây đã vơi đi nhiều. Ngày nào tôi cũng ra đây, ngóng một tờ báo.
Tôi dán tôi trên ghế, hai khuỷu tay chống lên mặt bàn. Ông già vẫn lật tới lật lui những trang báo. Cái kính lúp nằm ngoan một góc bàn. Dường như ông đã tìm được trang báo có những thứ ông thích đọc. Bởi ông chống một tay lên thái dương, tay kia cầm chắc cái kính lúp hình vuông. Đầu ông gục về phía trước. Tia nhìn chậm chạp bò lê trên hình ảnh sưng phù của những con chữ dưới chiếc kính lúp. Từ chỗ mình ngồi, tôi chỉ thấy trang báo ông đang đọc có nhiều cột, và có những khung hình chân dung nho nhỏ. Những nụ cười rạng rỡ trong những khung hình hai màu đen trắng. Chợt ông già đổi thế ngồi. Bàn tay vẫn chống một bên thái dương rời khỏi mái tóc bạc trắng như những sợi cước, hạ xuống mặt bàn, cầm một bên khung kính lúp, như thể bỗng dưng chiếc kính lúp mỏng manh trở thành khối đá nặng trĩu chỉ một tay thì không đỡ nổi. Chiếc kính lúp lướt trên mặt giấy. Hai bàn tay cầm chắc lấy cái khung chữ nhật. Từ trái qua phải, ngưng, dạt nhanh qua trái, rồi lại thẳng một vạch từ trái qua phải. Con mắt mệt mỏi mở lớn sau cặp kính lão.

Chiếc kính lúp có một đời sống riêng. Thẳng thừng và quyết liệt. Nó vạch qua vạch lại một đường ngang. Qua lại, qua lại. Không xuống hàng. Như thể nó đã bắt gặp thứ gì đó khác thường trong một khung hình chữ nhật, hay trong những chữ chen chúc bên nhau giữa những hàng kẻ thẳng tắp.
Bỗng dưng chiếc kính lúp ngừng di động, lấp lửng trên trang giấy, ngay khoảng chữ nhật có tấm hình đen trắng. Tôi nghểnh cổ nhìn. Trong khung chữ nhật nhỏ giữa những dòng chữ, mập mờ khuôn mặt người nữ ấm áp một nụ cười. Những ngón tay xương của ông già duỗi ra, buông rơi cái kính lúp xuống mặt bàn. Ông già ngẩng đầu lên, nhìn vào khoảng không trước mặt. Hai con mắt phía sau cặp kính lão chớp nhanh.

Bất chợt ông già đứng dậy. Bây giờ tôi mới thấy cái lưng gù. Ông đưa tay sửa mắt kính, nhét chiếc kính lúp vào túi áo. Vơ gọn những tờ báo trên mặt bàn, không bận tâm đến những người chung quanh, ông già túm những trang báo lại với nhau rồi chậm chạp bước về phía thùng đựng giấy phế thải.

“Ông ơi,” tôi nói vội. Ông già không nghe thấy. Tôi gào lên, “Ông già!” Ông già vẫn lặng thinh. “Làm ơn,” Tôi kêu rêu. Không ai để ý đến tôi. Dẫu tôi gằn giọng. Những người đang trò chuyện say sưa kia. Cả những người đang mê mải dán mắt vào khung hình điện thoại di động. Bọn họ chìm vào thế giới riêng của họ. Lạnh lùng. Xa cách.

Thế nhưng đang lầm lũi bước, chợt ông già đứng sựng lại, ngập ngừng xoay chiếc lưng gù, quay mặt về phía chiếc bàn nơi ông đã ngồi.
“Tờ báo ấy, tờ báo ấy…” Tôi lắp bắp. Mới hơn một tuần lễ mà lưỡi tôi đã líu lại trước những ngôn từ.
Ông già đứng yên. Con mắt nhấp nháy sau mắt kính lão. Dạo này không còn ai chuyện trò, hỏi han tôi nữa. Dù tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế quen thuộc thuở nào, cái thuở ngồi chờ N. Ông già ngập ngừng một giây rồi lững thững bước về phía cái bàn nơi ông vừa mới đứng lên. Ông đặt những trang báo xuống bàn. “Sẽ có người cần xem tin tức.” Ông già lẩm bẩm.
Tôi nhoài tới xấp báo, “Tờ báo, tờ báo…”

Ông già đưa tay đẩy gọng kính đang tụt dần xuống trên sống mũi, trải trang báo phủ kín mặt bàn. Cái đầu treo hờ hững trên chiếc cổ khẳng khiu. Tôi đứng sựng. Nhìn. Cái nhìn lạ lẫm của ông già xuyên thấu qua tôi như xuyên qua lớp thủy tinh mỏng. Rồi hai con mắt ngang dọc những tia máu chớp nhanh. “Bình yên,” cái miệng nhăn nhúm mấp máy, khấp khểnh những âm thanh khàn đục,

“Bà ấy ra đi bình yên.”

Tôi ngỡ ngàng, nhìn xuống xấp báo. Những khung hình xếp lớp bên nhau. Những khuôn mặt trắng

đen hiền hậu, ngan ngát những môi cười.
Tia nhìn vẫn xuyên thấu qua tôi, ông già lẩm bẩm, “Bà ấy ra đi bình yên.”

Bất chợt, ông già khẽ lắc đầu như giũ một mảnh chiêm bao ra khỏi mớ tóc bạc, và nhìn xuyên qua tôi, tới khoảng vách tường màu xanh lam. Cái nhìn trượt qua khuôn mặt xanh xám, cần cổ vêu vao, khung vai xốc xếch, lồng ngực vênh vẹo, tuột xuống cái bụng teo tóp; cả tuần lễ nay không hạt cơm, xuống đôi bàn chân gẫy gập có hai ngón cái buộc dính vào nhau, với miếng bìa nhỏ đeo vào ngón cái, với ngày tháng và cái tên lạ hoắc – Trời ạ! nếu không biết tên tôi thì ghi tạm là Trần, Nguyễn, Phạm hay Lê gì gì đó chứ sao lại là John Doe – và tia nhìn ấy dừng lại ở đôi giầy đen lốm đốm những vết nhớt xe chưa kịp lau cho sạch mà người ta muốn giữ làm tang chứng.

“Hôm nay sao mà nhiều Cáo Phó thế không biết!” Ông già nói một mình.

Tôi chồm lên nhìn vào những khung hình trên trang báo. Tôi dán mắt vào từng khuôn mặt. Hôm nay nữa là đúng một tuần. Ngày nào tôi cũng chờ để xem báo ở đây. Ngày nào tôi cũng tìm tôi trong mục cáo phó. Và không ngày nào tôi thấy hình tôi.

Nguồn: https://www.facebook.com/truong.khanhnguyen.5/posts/1774863112636020