Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Phải sống (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Dư Hoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Nguyễn Nguyên Bình

DÆ° Hoa

Dư Hoa sinh năm 1960 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Học viện Văn học Lỗ Tấn và sau đó trở thành tác giả nổi tiếng với hàng loạt tiểu thuyết trường thiên gây xôn xao văn đàn Đại Lục. Năm 1993, Dư Hoa viết "Phải sống" (Hoạt trứ) được đánh giá cao ở quốc nội và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Đến nay ở Việt Nam đã có hai bản dịch tác phẩm này. Văn Việt xin giới thiệu trích đoạn cuốn sách qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Nguyên Bình cùng bạn đọc trong và ngoài nước.

Văn Việt

PHẦN 1

Khi tôi còn trẻ hơn bây giờ 10 tuổi, thì mới được một cái nghề rất nhênh nhang, là đi về các xóm thôn quê kiểng để thu thập sưu tầm ca dao dân ca. Cả một mùa hè năm đó, tôi cứ như một con chim sẻ bay lung tung khắp nơi tắm táp trong những nơi thôn ổ dư thừa ánh mặt trời và dằng dặc tiếng ve kêu. Tôi thích uống thứ nước chè có vị đăng đắng của các bác nông dân, thùng nước của họ thường để dưới gốc cây to giữa cánh đồng. Tôi không chút ngại ngần, vục chiếc bát uống chè cáu kịt những cao chè vào thùng nước mà uống ngon lành; uống xong, còn múc đổ đầy bi đông của mình để mang đi. Tôi cũng chẳng kiêng dè, tham gia góp miệng với đám trai cày những câu chuyện tếu tá, kể cả nhảm nhí; rồi vênh váo nghênh ngang ra đi, để lại sau tai tiếng rúc rích thầm thì của các cô gái, dù cho có thừa biết là họ đang xì xầm vì sự có mặt của mình. Tôi từng ngồi nói chuyện gẫu suốt một buổi chiều với một ông lão đang coi giữ ruộng dưa, đó là dịp mà tôi được ăn dưa thỏa thích nhất trong đời, khi đứng dậy cáo từ tôi bỗng phát hiện ra cái bụng của mình đã bị phồng to như bà chửa, ậm ạch, đi không nổi nữa. Rồi tôi còn ngồi trên bậu cửa với một người phụ nữ đã có cháu gọi bằng bà, để bà ấy vừa bện giày cỏ bài hát cho tôi nghe bài: "Thập nguyệt hoài thai". tôi thích nhất là khi trời ngả về chiều, ngồi ở hè nhà, nhìn gia chủ múc nước giếng lên rảy ra sân để cho bụi khỏi bay, nhìn bóng tịch dương xuyên qua tán cây, chiều xuống, cầm chiếc quạt tay mà họ đưa cho, nếm món dưa mặn như muối của họ, nhìn đám thanh niên nam nữ tụ tập chuyện trò...

Trên đầu đội chiếc mũ cói rộng vành, chân đi đôi dép lê, một chiếc khăn mặt buộc vào quai túi đeo bên hông để nó cứ phật phờ đập vào sau đít trông như cái đuôi màu trăng trắng, tôi suốt ngày lủi thủi trên những con đường mòn giữa cánh đồng, đi vào các thôn xóm, vừa đi vừa ngáp vặt. Tiếng dép lê của tôi cứ loẹt quẹt, loẹt quẹt, làm bay tung cả một đám bụi sau chân tôi, trông có lẽ giống như cảnh một chiếc xe chạy qua thì phải?

Tôi lang thang khắp chốn, cũng chẳng nhớ rõ thôn xóm nào đã đi qua, thôn xóm nào chưa đến nữa. Khi đi vào một thôn làng nào đó, Tôi thường nghe tiếng trẻ con kháo nhau:

- Cái anh hay ngáp lại đến kìa!

Thế là mọi người trong làng liền biết là cái anh chàng biết kể chuyện tiếu lâm, biết hát xẩm lại đã đến. Kỳ thực, tất cả những chuyện tiếu lâm, tất cả những bài hát xẩm đó đều là tôi học được ở họ đấy chứ. Tôi biết những chỗ mà tất cả bọn họ đều khoái chí, tất nhiên đó cũng là chỗ mà tôi khoái. Tôi đã từng gặp một ông lão đang khóc ngoài bờ ruộng, mặt mũi thì thâm tím sưng xỉa cả lên, nỗi niềm bi ai chứa đầy trong bụng khiến ông lão trông thật mười phần xúc động đáng thương. Nhìn thấy tôi đến, ông ta bèn ngửa mặt lên mà khóc lóc càng ầm ĩ hơn. Tôi hỏi ông, ai đánh mà ra nông nỗi này? Ông ấy vừa lấy móng tay cạy bùn đất trên ống quần vừa uất ức bảo với tôi rằng đó là thằng con trai bất hiếu của lão đó. Khi tôi lại hỏi vì sao nó đánh ông, ông ta cứ ấp a ấp úng nói mãi chẳng nghe ra thế nào sất. Tôi liền hiểu ngay, chắc là bố già đã làm trò gì thầm vụng lén lút với vợ nó rồi. Lại một hôm, tôi cầm đèn pin tranh thủ lộ trình buổi tối, cho mát, chẳng may ánh đèn chiếu nhầm phải hai tấm thân trắng như lợn cạo bên bờ một cái ao, tấm nọ đè lên tấm kia. Khi ánh đèn chiếu đến hai tấm thân đều im lìm bất động, có điều một cái tay đang khe khẽ gãi muỗi trên đùi, tôi vội vã tắt đèn bỏ đi ngay. Một buổi trưa vào mùa gặt hái đang tấp nập, tôi bước vào một ngôi nhà cổng ngõ mở toang, hớp tớp tìm nước uống, một người đàn ông mặc quần cộc, mặt mũi nhớn nhác bước ra chặn tôi lại, dẫn tôi ra bờ giếng, ân cần múc cho tôi hẳn một thùng nước đầy rồi vội luồn vào nhà nhanh như chuột vậy. Những việc như thế tôi thấy nhan nhản, gần nhiều bằng những bài ca dao mà tôi nghe được. Khi nhìn thấy khắp nơi trên mặt đất đều ăm ắp những màu xanh rượi, tôi liền hiểu rõ hơn một bước, rằng vì sao mùa măng lại tươi tốt xum xuê đến thế.

Mùa hè năm đó, tôi còn suýt nữa thì dính chuyện yêu đương, tôi gặp một cô gái nông thôn ngây thơ trong trắng, khuôn mặt ngăm ngăm bánh mật của cô đến nay vẫn còn rạng rỡ lên trước mắt tôi. Khi đó, cô đang ngồi trên bờ hồ, cầm một cành tre để điều khiển đàn vịt béo múp của mình, ống quần vo lên quá gối. Cô thiếu nữ mười sáu mười bảy, e e thẹn thẹn ngồi với tôi suốt cả buổi chiều nóng bức, mỗi khi cười, cứ cúi gằm đầu, giấu mặt đi. Tôi thầy cô ren rén thả ống quần vo quá gối xuống, rồi lúng túng giấu mãi đôi chân trần vào búi cỏ. Chiều hôm đó tôi nói năng vung vít; gạ gẫm chào mời một kế hoạch lén đưa cô đi chơi xa, cô gái vừa ngạc nhiên vừa mừng rõ. Lúc đó tôi đã bốc đồng lên, những lời nói vậy cũng là tình thực, không giả dối đâu. Có điều, tôi chỉ cảm thấy cái sướng được cùng cô vui vẻ, chẳng nghĩ đến sau đó thế nào. Nhưng, sau đó, khi ba người anh trai to khỏe như trâu của cô bước tới, tôi mới giật nảy mình, thấy rằng mình nên đánh bài chuồn thôi, nếu không tôi sẽ không thể không lấy cô làm vợ mất!

Khi tôi gặp ông già tên là Phú Quí kia, thì là lúc mùa hè vừa mới tới. Chiều hôm đó, tôi đi tới chỗ có một cây to xanh tốt, ngoài ruộng bông đã được hái sạch, mấy người đàn bà đội khăn mặt bông trên đầu đang nhấp nhỏm chổng mông thu gom thân cây bông rũ đập đất bám ở rễ bông, thân hình họ cứ văn vẹo nhoay nhoáy. Tôi bỏ chiếc mũ cói trên đầu ra, lấy cái khăn mặt đằng sau lưng lên lau mồ hôi, bên cạnh chỗ tôi có một cái hồ nước đang bắt ánh nắng chiều vàng chóe, tôi liền dựa vào thân cây, quay mặt ra hồ ngồi nghỉ, tiếp đó lại thấy buồn ngủ quá, bèn ngả mình xuống bãi cỏ xanh, gối đầu lên ba lô, nhắm mắt ngủ dưới bóng cây.

Cái thằng tôi trẻ hơn lúc này mười tuổi, nằm dưới bóng cây, trên bãi cỏ, ngủ luôn một giấc hai tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, có mấy con kiến bò lên đùi, còn đang ngủ say mà mấy ngón tay tôi vẫn búng văng chúng đi, chẳng sai con nào. Rồi hình như có người đến bên bờ nước, một ông lão cầm roi tre đang hò hét lanh lảnh ở đâu đó. Tôi cố thoát ra khỏi giấc mộng, tiếng hò hét vẫn thực sự rành rọt truyền tới. Tôi ngồi dậy, nhìn thấy một ông lão đang dạy dỗ một con trâu già trên thửa ruộng bên cạnh.

Con trâu già cày ruộng có thể là nó đã cảm thấy mệt mỏi quá rồi, nó cúi đầu đứng ì ra đó, ông lão cầm cày thì đánh trần lưng ra, đang đứng đằng sau. Tôi nghe thấy lão gân cổ, oang oang mắng mỏ nó:

- Làm trâu cày ruộng, làm chó giữ nhà, làm hòa thượng thì đi khuyên giáo, làm gà thì gáy sáng, làm đàn bà thì dệt vải, có con trâu nào mà không cày ruộng? Đó là đạo lý xưa nay rồi chứ, đi nào, đi đi nào.

Con trâu già mệt mỏi nghe lão nói xong, hình như biết lỗi, nó ngẩng đầu, kéo chiếc cày lên phía trước.

Tôi thấy lưng ông lão và lưng trâu đều cháy nắng như nhau, cả hai sinh mạng đã về chiều kia đang rào rào lật đất trên thửa ruộng bạc màu cũ kỹ, làm như sóng dậy trên mặt nước. Rồi thì, tôi nghe thấy ông lão hát lên bằng một giọng thô khan mà dễ động lòng người, một bài ca dao xưa cũ. Đầu tiên là khúc dạo ý a ỳ a dài dài, tiếp đó là lời ca:

“Hoàng đế vời mình đi làm rể

Đường sá xa rồi tớ chẳng đi”.

Chỉ vì đường xa, không chịu đi làm con rể Thượng Đế. Sự đắc ý tự giãi bày của lão khiến tôi cười ngất. Có lẽ là con trâu đã không hăng hái kéo cày nữa hay sao mà ông lão lại bắt đầu hò hét:

- Nhị Hỉ, Hữu Khánh không được trốn việc; Già Trân, Phượng Hà cày giỏi lắm, Khổ Căn cũng được đấy.

Một con trâu mà có nhiều tên vậy a? Tôi tò mò bước tới bờ ruộng gần chỗ ông lão:

- Con trâu này có bao nhiêu tên?

Ông lão nhấc cày, đứng lại, nhìn tôi vẻ xét nét rồi hỏi:

- Anh là người trên tỉnh a?

- Phải ạ. – Tôi gật gật đầu.

Ông lão liền tỏ vẻ đắc ý:

Tôi vừa nhìn là nhận ra liền.

Tôi nói:

- Con trâu này rốt cục là có mấy cái tên?

Ông lão đáp:

- Nó tên là Phú Quí, chỉ có mỗi tên đó thôi.

- Nhưng vừa rồi ông gọi ra những mấy tên?

- Hà… - Ông lão vui vẻ cười lên, ông vẫy vẫy tôi một cách bí hiểm, khi tôi nghé tới gần, lão định nói rồi lại thôi, lão thấy con trâu đang ngẩng đầu nhìn, liền mắng:

- Mày đừng có nghe trộm, cúi xuống đi.

Quả nhiên con trâu cúi ngay đầu, lúc đó ông lão mới thì thầm với tôi:

- Lão sợ nó biết chỉ có một mình đang cày ruộng, mới gọi thêm mấy tên nữa để lừa nó, nó nghe thấy còn có nhiều trâu khác cũng đang cày, nó mới vui, mới cày hăng lên một tý.

Khuôn mặt ràm nắng của ông lão, dười ánh mặt trời, nụ cười mới sinh động làm sao, những nếp nhăn vui vẻ chuyển động, trong đó dính đầy bùn đất khô, giống như những con đường mòn trên đồng ruộng.

Sau đó ông lão đã cũng ngồi cùng với tôi dưới tán cây rậm rạp nọ, trong chiều hè đầy nắng, để thuật chuyện của lão cho tôi nghe.

***

Hơn bốn mươi năm trước, cha tôi thường vẫn đi đi lại lại ở nơi đây, ông mặc bộ đồ bằng lụa đen tuyền, lúc nào cũng chắp tay sau đít, khi ra khỏi cửa thường bảo với mẹ tôi:

- Tôi ra chỗ cánh ruộng nhà mình đi dạo một lát.

Cha tôi đi trên điền sản của mình, những người tá điền đang làm việc ở đó mỗi khi thấy ông, đều chắp tay lên trốc cán cuốc mà cung kính chào.

- Lạy ông ạ.

Cha tôi đi ra tỉnh, người trên tỉnh các ông đều gọi là "ngài". Cha tôi là một người rất có danh tiếng, rất bề thế, nhưng ông đi đồng lại y hệt cách của người nghèo. Ông không thích ỉa vào cái bô để bên cạnh giường ở trong nhà mà lại thích đi ỉa rong ngoài đồng như loài súc vật. Mỗi hôm, vào buổi chiều tối, cha tôi thường ợ hơi ầm ĩ, tiếng ợ không kém tiếng ếch kêu là mấy, đi ra khỏi nhà, ông la cà lả cả đi về phía chuồng phân ở đầu làng.

Đi đến bên vại đựng phân, ông chê miệng vại bẩn, liền trèo hắn lên ngồi chồm hổm trên trốc thành vại. Cha tôi già rồi, phân trong bụng cũng già theo, ra ngoài không dễ dàng nữa, lúc đó cả nhà chúng tôi đều nghe thấy tiếng ông la oai oái ở đầu làng.

Mấy chục năm trời, Cha tôi vẫn cứ đi đồng kiểu như vậy đến hơn sáu mươi tuổi mà vẫn còn chổm hổm được rất lâu trên trốc vại phân, hai cẳng chân còn đủ gân cốt như chân gà vậy. Cha tôi thích nhìn sắc trời dần dần tối đi rồi chụp xuống cánh đồng của ông. Con gái tôi là Phượng Hà khi lên ba tuổi, thường chạy ra đầu làng xem ông nội đi đồng, cha tôi quả đã nhiều tuổi, ngồi xổm trên trốc vại đã không vững nữa, Phượng Hà liền hỏi ông:

- Ông nội ơi, sao ông cứ động đậy thế?

Cha tôi nói:

- Gió thổi đấy.

Lúc đó, nhà chúng tôi còn chưa bị lụi bại, họ Từ chúng tôi có hơn một trăm mẫu ruộng, từ chỗ này đến chỗ có ống khói nhà máy bên kia, đều là của nhà tôi cả đấy. Cha tôi và tôi đều là những ông lớn và cậu lớn con nhà giàu sang nức tiếng xa gần, khi chúng tôi đi lại, đế giày chúng tôi rổn rảng khua vang như tiếng tiền đồng va chạm vào nhau ấy. Vợ tôi là Gia Trân, con gái ông chủ cửa hàng lương thực, cô ấy cũng là con nhà giàu. Nhà giàu mà lấy nhà giàu, tức là tiền được vun thành đống lớn hơn, tiền cứ chảy ào ào vào như nước, cái tiếng tiền chảy ào ào như thế, có đến bốn chục năm nay tôi chẳng còn nghe thấy nữa.

Tôi là đứa "phá gia chi tử" của nhà họ Từ, nói như cha tôi, thì tôi là "nghiệt tử" của ông. Tôi từng học mấy năm ở trường tư thục. Thầy giáo trường tư thục mặc áo dài, khi ông ấy gọi tôi đứng lên đọc một đoạn trong sách, thì tôi sướng không thể tả. Tôi đứng dậy cầm cuốn sách "Thiên tự văn" đóng bằng dây buộc, nói với ông thầy tư thục:

- Hãy nghe cho rõ đây, bố đọc cho con một đoạn nhé.

Ông thầy tư thục tuổi đã ngoài hoa giáp nói với cha tôi:

Thiếu gia nhà ông sau này ắt hẳn sẽ thành một "ma cà bông".

Tôi từ bé đã bất trị, đó là lời cha tôi nói. Ông thầy tư thục bảo tôi là gỗ mục không thể đẽo gọt chạm khắc gì được. Bây giờ nghĩ lại thấy họ nói đều đúng cả, trước kia tôi lại không nghĩ vậy. Tôi nghĩ tôi có tiền nhé, tôi là một nén hương hỏa duy nhất của nhà họ Từ, nếu tôi mà tắt, thì họ Từ sẽ tuyệt tự ngay.

Khi học trường tư thục, tôi không bao giờ dẫm chân xuống đất mà bước một bước nào, bao giờ cũng có một người nhà cõng tôi đến trường, đến lúc tan học anh ta lại càng cung cung kính kính ghé lưng quỳ sẵn ở cửa, rồi đập đập vào đầu ông ta, ra lệnh:

- Trường Căn, chạy thôi.

Người ở Trường Căn liền tế lên, tôi nhong nhong trên lưng, như con chim sẻ đậu trên cành cây. Tôi lại hò:

- Bay nào.

Trường Căn liền nhảy câng cẫng, làm ra bộ đang bay. Khi lớn lên rồi, tôi hay thích ra tỉnh chơi, thường có đến mươi ngày, nửa tháng liền chưa về nhà. Tôi mặc áo dài lụa trắng, tóc bôi dầu bóng loáng mướt, soi vào gương, tôi thấy đầu tóc mình đen bóng lên, ra dáng công tử nhà giàu lắm.

Tôi thích chui vào kỹ viện, nghe bọn đàn bà lẳng lơ chí chát rền rĩ cả đêm, những giọng hát ấy, nghe vào tai cứ sướng như đang được gãi ngứa. Làm người ấy mà, hễ cứ xong cái việc gái là lại không tránh khỏi xoay ra cờ bạc. Cái chuyện gái với bạc, sao nó lại nối liền với nhau như vai với cánh tay thế không biết? Không thể tách nó ra được. Càng về sau tôi càng thích bài bạc, còn gái gẩm thì chỉ là để thư giãn một tí thôi, cũng như uống nhiều nước thì phải đi giải vậy thôi. Đánh bạc thì khác hẳn, tôi thấy vừa sướng vừa căng thẳng hồi hộp, nó mới dễ chịu làm sao. Trước đây tôi sống vật vờ uể oải lắm, cứ thấy thiếu thiếu cái gì ấy. Mỗi sáng ngày ra lại chán ngăn ngắt, chẳng biết sẽ làm gì cho hết ngày. Cha tôi thường hay thở dài, mắng mỏ tôi không chịu làm rạng rỡ tổ tông. Tôi nghĩ bụng, rạng rỡ tổ tông chẳng phải không có tôi không xong, tôi tự nhủ, chẳng tội gì lại vứt bỏ những ngày tháng sung sướng như tiên của mình để đi làm cái việc rạng rỡ tổ tông mệt người. Với lại, cha tôi lúc còn trẻ cũng có hơn gì tôi, tổ tiên để lại hơn hai trăm mẫu ruộng, đến tay ông ấy, chốc lát đã chỉ còn hơn trăm mẫu. Tôi nói với cha:

- Cha đừng buồn nữa, đã có con con, nó sẽ làm rạng rỡ tổ tông mà. Cần phải để chút việc tốt lại cho đời sau làm chứ.

Mẹ tôi nghe nói thế, thì cười khúc khích, bà nói vụng với tôi, cha tôi khi còn trẻ cũng đã nói như vậy với ông nội tôi. Tôi nghĩ bụng, chứ gì nữa, bản thân cha tôi làm không xong việc, lại cứ bắt tôi phải làm, thì tôi nhận lời thế nào được. Lúc đó con trai tôi là Hữu Khánh còn chưa ra đời, con gái tôi là Phượng Hà vừa được 4 tuổi. Gia Trân mang thai Hữu Khánh đã được 6 tháng, tất nhiên có chút khó coi, khi đi lại, đũng quần cứ căng ra như kẹp một cái bánh màn thầu, hai chân không đưa ra trước, lại khạng nạng, tôi chê bai cô ta, nói:

- Cô ấy à, một cơn gió thổi là bụng lại to thêm một vòng.

Gia Trân chưa bao giờ đối đầu với tôi, nghe những lời dè bỉu của tôi, không vui trong bụng nhưng cô ấy chỉ nhẹ nhàng nói một câu:

- Chẳng phải là gió thổi to lên đâu.

Từ khi lao vào đánh bạc, hóa ra đúng là tôi lại muốn làm rạng rỡ tổ tông thật, tôi muốn gỡ lại hơn một trăm mẫu ruộng mà cha tôi đã để mất. Những ngày đó, cha tôi hỏi tôi vật vờ bừa bãi trên tỉnh làm cái trò gì, tôi nói với ông:

- Bây giờ không vật vờ nữa đâu, con đang làm ăn.

Ông hỏi:

- Làm ăn cái gì?

Vừa nghe nói, ông đã nổi nóng lên, khi còn trẻ, ông cũng trả lời ông nội tôi như vậy. Cha tôi biết tôi đang đánh bạc, ông tháo đôi giày vải ra đánh tôi, tôi né đằng nọ, tránh đằng kia, nghĩ bụng ông đánh mấy cái rồi thôi thôi. Nhưng ông bố tôi bình thường chỉ khi ho mới có sức lực thế mà càng đánh càng hăng lên. Tôi lại không phải là con ruồi xanh chịu để cha tôi đập mãi. Tôi tóm ngày lấy tay ông, nói:

- Cha, hãy thôi mẹ nó đi. Thằng này nhường nhịn ông chỉ vì nể ông đã đẻ ra thằng này thôi đấy, ông hãy thôi mẹ nó đi.

Tôi bóp chặt tay phải của cha tôi, ông dùng tay trái nhặt chiếc dép lên, vẫn còn muốn đánh nữa. Tôi lại bóp chặt tay trái của ông, thế là ông không còn cựa quậy gì được, ông tức đến run người, hồi lâu mới thét được một tiếng:

- Đồ nghiệt tử!

Tôi nói:

- Thôi mẹ nó đi!

Hai tay tôi du một cái, ông bắn mình vào góc tường.

Khi còn trẻ, ăn chơi gái trai cờ bạc… cái gì tôi cũng đã thử nếm hết. Nhà chứa mà tôi thường lui tới chỉ có một chữ, là lầu “Thanh”. Ở đó có một kỹ nữ béo mũm mĩm khiến tôi mê mẩn, khi cô ta đi lại, hai quả mông cứ như hai cái đèn lồng treo ngoài cửa kỹ viện. Khi cô ta nằm trên giường nhún nhún, tôi nằm bên trên thấy như mình đang ngủ trong thuyền, chòng chành lắc lư trên mặt nước ấy. Tôi thường xuyên bắt cô ta cõng tôi đi dạo phố, tôi cưỡi trên lung cô ta như cưỡi trên lung ngựa.

Ông nhạc của tôi, là ông chủ hiệu gạo, họ Trần, thường mặc áo dài lụa đen đứng sau quầy hàng. Mỗi lần qua chỗ ông, tôi đều giựt tóc kỹ nữ để cô ta họ lại rồi trật mũ chào bố vợ:

- Mấy hôm nay không ốm đau chứ?

Lập tức mặt ông ta xạm đen đi như quả trứng vịt muối, còn tôi thì sao? Tôi cười khoái chá, đi khỏi cửa hàng. Sau này, cha tôi nói, ông nhạc tôi mấy lần phát ốm lên vì tức với tôi, tôi bảo cha tôi:

- Đừng có đổ cho tôi, cha là bố tôi mà còn chẳng đến nỗi tức phát ốm. Vậy thì ông ấy tự sinh bệnh, lấy ớ gì mà đổ lên đầu tôi?

D.H.