Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (484): Dương Kiền (kỳ 2)

MÁU CỦA MẸ

Con của mẹ,

Trong chốn vô cùng nhơ nhớp của đời mẹ, mẹ viết cho con những dòng này.

Ôi con của mẹ, con không thể nào tưởng tượng được cảm giác của mẹ lúc này. Con không thể nào tưởng tượng được cảm giác của mẹ muốn nôn ra khỏi thân thể tim, phổi, ruột non, ruột già.

Mẹ đang sống mà như không sống, không biết mình sống, không nghĩ rằng mình có thể sống được trong nỗi đau khổ ê chề, thê thảm tột cùng này.

Mẹ có còn xứng đáng kêu lên hai tiếng “Con ơi!” không? Con có còn đủ can đảm gọi lên hai tiếng “Mẹ ơi!” không? Con ơi, con quả thật là con dứt ruột của mẹ, con quả thật là đứa bé hai mươi năm trước mẹ tưng tiu trong lòng, cho con bú mớm, sung sướng và đau khổ vì con. Nhưng lúc này mẹ phải trốn chạy con, trốn chạy hình hài của mẹ, trốn chạy máu mủ của mẹ, trốn chạy như trốn chạy một định mệnh thảm khốc.

Mẹ trốn chạy tội lỗi mà độ lượng bao la của Thượng Đế cũng không thể tha thứ cho mẹ con ta.

Nhưng mẹ con ta nào có phải đích thực là thủ phạm của tội lỗi nhơ nhớp ấy. Có lẽ chính Thượng Đế, chỉ Thượng Đế mà thôi. Vậy mẹ phải tìm ai để quỳ gối thú tội đây, tất cả thế gian không hình thù này, những con người không mặt mũi này, và Thượng Đế tội lỗi này!

Mẹ muốn ôm con khóc cho vơi lòng mẹ, nhưng ý muốn ấy lại khiến da thịt mẹ rùng rợn trong cảm giác kinh tởm.

oOo

Neron gấp lá thư bỏ vào phong bì. Chàng mỉm cười một mình. Tâm hồn người lính Mỹ trẻ rộn ràng hướng về người yêu hòa lẫn với hình ảnh miền Florida rực rỡ biển, trời cùng những cánh đồng cỏ bao la.

Neron là một quân nhân được gởi sang công tác tại miền Nam Việt Nam. Chuyện viễn du khá dài và khá xa ấy không khiến cho Neron buồn cho lắm, vì Việt Nam tuy thật xa lạ và ít được nhắc nhở tới trong các bài học địa dư khi chàng còn ngồi ở High School, nhưng dãy đất cong queo ấy không xa lạ với chàng trong tâm tưởng.

Việt Nam! Việt Nam! Điệp khúc ấy cứ lẩn quẩn trong ý nghĩ chàng, như một lời kêu gọi chưa thành hình nhưng âm vang mời mọc, quyến rủ. Vì Việt Nam là hai chữ được ghi trong khai sinh của chàng: John Neron, con của Robert Neron (gia nhập quốc tịch Hoa Kỳ) và Lê Thị Phượng (quốc tịch Việt Nam). Chàng là một đứa con hai dòng máu, ba quốc tịch. Nhưng dân tộc Hoa Kỳ vốn là một dân tộc tạp chủng, trường hợp của Neron không phải là một ngoại lệ và chàng không có mặc cảm của một đứa con hoang trôi dạt giữa một xã hội xa lạ. Dù sao Neron không thể không nghĩ tới “nước mẹ” của mình. Khi còn đi học chàng đã hỏi thầy giáo về địa danh Việt Nam. Nhưng câu trả lời sơ sài và giáo khoa không đủ làm Neron thỏa mãn. Chàng đi tìm Việt Nam ở những tấm bản đồ thông thường. Neron không tìm được gì nhiều hơn về “nước mẹ”. Cuối cùng khi Neron đã gia nhập quân đội Hoa Kỳ và khi được chọn một trong các quốc gia Viễn Đông để phục vụ, chàng đã không ngần ngại ghi: “Việt Nam”. Người nhận giấy đã thoáng ngạc nhiên, không phải vì địa danh Việt Nam mà vì hai chữ Việt Nam có mang đủ dấu nặng, dấu ô.

Lựa chọn Việt Nam Neron phải xa Jean cả một Thái Bình Dương. Jean là người yêu đã đính hôn của chàng. Nhưng không thể lựa chọn khác. Tiếng gọi huyền bí xa xôi của “nước mẹ” bắt buộc Neron phải tìm về con đường ấy. Neron đã giải thích với Jean và Jean hiểu chàng, chàng ngạc nhiên Jean còn tán đồng ý nghĩ của chàng.

Jean đáng yêu biết mấy, Neron nhủ thầm. Từ ngày chàng sang Việt Nam đến nay, đã được tròn hai tháng, đều đặn mỗi tuần hai lần những cánh thư của hai người vượt đại dương để tới với nhau. Và chiều nay lá thư của Jean vừa tới. Và chiều nay trong trí tưởng của Neron nồng hơi thở của Jean, nồng hương thơm của cánh đồng lúa miền Floride, trang trại nơi Jean đang nghĩ hè, nơi Neron và Jean đã dạo bước, nơi trên một bãi cỏ mượt, Jean đã gối đầu lên tay chàng thì thầm những mơ ước tương lai.

Ngoài phần dành cho tình yêu chan chứa của Jean. Neron cũng dành một phần tâm hồn chàng cho việc khám phá “nước mẹ”. Neron đã không thất vọng. Chàng tìm thấy ở đây câu trả lời cho nỗi băn khoăn bấy lâu dường như trước kia tâm hồn chàng có một nơi trống trải, có một chổ thiếu sót, nay đã được lấp đầy. Chàng đã học được, đã cảm thấy được thái độ hướng nội của người Việt. Chàng đã có thể hiểu được sự vật không phải bằng sự vật mà bằng tương quan giữa con người với sự vật. Chàng đã được thấy những người Việt sống trong những hoàn cảnh vật chất chỉ bằng một phần trăm hoặc một phần ngàn một người Mỹ như chàng, nhưng chàng biết chắc chắn rằng họ không đau khổ. Chàng đã có lần viết cho Jean: “Em ơi, thật là kỳ diệu, không phải sự kỳ diệu của Kim Tự Tháp Ai Cập hay những vườn treo Babylone, mà là sự kỳ diệu nơi những con người nghèo nàn, giản dị nhưng đã có một thái độ sống đẹp đẽ chừng nào!”

oOo

Mẹ không biết bằng cách nào mẹ có thể bắt đầu câu chuyện của mẹ, đúng hơn, câu chuyện của mẹ và con. Có lẽ mẹ đã lúng túng vì trong những ngày thơ dại của con mẹ đã không có dịp ru con vào giấc ngủ bằng những câu chuyện cổ tích với câu mở đầu: “Ngày xửa ngày xưa… ” Nhưng thôi, mẹ có thể bắt đầu giản dị bằng cách gợi lại thời gian mẹ gặp cha con. Năm ấy mẹ mới mười tám tuổi, tuổi đẹp của đời con gái.

Và hình như lúc ấy mẹ cũng đẹp, thật đẹp. Nhan sắc mẹ đã làm điêu đứng không biết bao nhiêu chàng trai đeo đuổi mẹ. Họ sẵn sàng quỳ dưới chân mẹ, tôn sùng mẹ, hiến dâng mẹ tất cả những gì họ có. Nhưng mẹ vẫn kiêu hãnh xua họ sang hai bên con đường mẹ đi, cười cợt trên những đau khổ của bọn đàn ông si tình ấy. Mẹ như một bông hoa nhiều sắc nhưng lắm gai, không để cho bàn tay ô trọc nào xâm phạm.

Và rồi mẹ đã gặp cha con. Và mẹ đã ngã vào ông mặc dù ông mang một dòng máu khác. Ông là sĩ quan trong quân đội Pháp, người Pháp đối với người Việt lúc ấy là kẻ xâm lăng. Nhưng ông cũng như một số người Pháp ý thức khác, dằn vặt bởi nỗi ô nhục vì vai trò nhỏ nhoi của mình trong guồng máy thực dân khốc liệt. Tâm hồn của ông bẩm sinh đa cảm, ông sinh trưởng tại Alsace và huyết thống ông có pha trộn dòng máu germain nên ông thông cảm thật nhanh, thật bén nhạy với những người dân bị trị nhưng quật cường. Ông hiểu rõ giá trị củ dân tộc Việt. Ông kính trọng và giúp đỡ họ trong phạm vi ông có thể giúp đỡ được.

Mẹ gặp ông và yêu ông, tình yêu đến như một phép lạ. Quả thật là một phép lạ. Bởi vì nếu không là một phép lạ hẳn mẹ không đủ can đảm vượt ra ngoài vòng cương tỏa của gia đình và xã hội để yêu ông và chung sống với ông. Gia đình mẹ mặc dù tân tiến và đã cho phép mẹ theo học chương trình văn hóa Tây Phương cũng vẫn không thể chấp nhận một người rể ngoại quốc, nhất là một người thuộc khối người Pháp xâm lược, mặc dù cá nhân người đó ra sao. Muốn hiểu phần nào thành kiến khắt khe của các gia đình Đông phương về phương diện hôn nhân của con cái, con có thể tìm đọc East Wind West Wind của Pearl Buck. Ngoài gia đình mẹ, họ hàng, bè bạn, xã hội… lại còn khắt khe hơn. Họ có một danh từ để chỉ những người làm vợ Pháp: “Me Tây”. Me tây có nghĩa là cặn bã, là những người đàn bà còn tồi tệ hơn bọn đĩ điếm. Ai đã là me tây là người đó đã cắt đứt mọi liên lạc với người chung quanh và bất cứ ai cũng có quyền khinh bỉ, phỉ nhổ một cách công khai.

Yêu cha con, mẹ đã phải chấp nhận hoàn cảnh của một “me tây” mẹ đã mất từ những người đồng hương xa lạ đến những người thân yêu ruột thịt. Mẹ lặng lẽ về nhà chồng, bữa tiệc cưới duy nhất là bữa tiệc cưới thu hẹp giữa năm ba người bạn thân của cha con.

Mẹ thú thật có buồn rầu và bơ vơ nhưng mẹ không hối hận. Mẹ đã đặt tình yêu đúng chỗ. Cha con là một người có nhân cách và độ lượng, tâm hồn ông có những băn khoăn sâu xa của một kẻ bị lưu đầy. Những người như ông thường cô đơn trong những hoài bão đốt cháy lòng mình. Mẹ càng hiểu càng yêu ông hơn, càng tận tụy làm tròn nhiệm vụ một người bạn đường của ông hơn.

Mẹ hoàn toàn được sung sướng. Mẹ không còn buồn rầu và bơ vơ nữa. Ngược lại, cha con cũng hiểu và cảm động trước mối tình của mẹ. Ông hiểu mẹ bị sỉ nhục bởi chính đồng bào, bè bạn và thân nhân của mình. Nhưng không phải vì bênh mẹ mà ông trở lại thù ghét những người ấy. Ông chỉ phàn nàn về những biên giới phi lý mà nhân loại đã vạch ra. Ông cố gắng tiến tới gần, quan sát, khám phá tâm hồn người Việt để một ngày nào đó ông có thể xóa nhòa biên giới ấy. Càng khám phá, ông càng kinh ngạc và có lần ông xúc động nói với mẹ:

“Những tinh hoa phương Đông thật đẹp nhưng cũng thật âm thầm, người Tây Phương chỉ biết say mê cảnh sắc, thường khó lòng khám phá vẻ quyến rủ kỳ bí ấy. Anh là một kẻ thật nhiều diễm phúc: Anh được ân hưởng tình yêu tuyệt vời của em. Càng gần em khiếu cảm nhận của anh càng bén nhậy để có thể tới chỗ hòa đồng giữa hình và thể, giữa vũ trụ và con người. Anh cảm tạ Thượng Đế đã sắp đặt cuộc gặp gỡ này, cho anh được đóng vai Từ Thức trong truyện truyền kỳ của xứ sở em”

Trong hai năm, mẹ và cha con triền miên trong giấc mộng mà giác quan không đủ để đón nhận hạnh phúc, mà hạnh phúc như một chất men làm choáng váng lòng người. Ôi, giờ đây mẹ còn nuối tiếc sao khoảng thời gian ấy không ngừng trôi, sao ngoại giới không “đứng” lại, đông đặc lại như một khối pha lê chẳng bao giờ chuyển biến nữa!

Rồi một tai nạn xảy ra cho cha con, một tai nạn tuy nhẹ không đến nỗi tàn tật nhưng đủ để cha con được giải ngũ. Cùng lúc ấy, một người họ xa đề nghị cha con sang Mỹ cộng tác kinh doanh. Tiếng gọi phiêu du trong huyết quản người dân miền Alsace một lần nữa đưa đẩy cha con và lúc ấy có cả mẹ, tới một chân trời mới. Dĩ nhiên mẹ lưu luyến quê hương và chẳng bao giờ muốn rời xa nhưng như mẹ đã nói, người đàn bà Á Đông chấp nhận một cách tự nhiên uy lực của người chồng. Để yêu cha con. mẹ đã mất tất cả bè bạn họ hàng, mẹ chỉ còn biết nương tựa nơi ông và như một con chiên ngoan đạo chỉ biết in dấu chân của mình vào đúng dấu chân con chiên đầu đàn, đàn chiên chỉ vẻn vẹn có con số hai. Lúc ấy cũng là lùc mẹ đã mang con trong lòng mẹ.

Cha con dỗ dành:

“Con chúng ta đã là một phối hợp tuyệt hảo về huyết thống, nhưng anh còn muốn nó được lớn lên trong hoàn cảnh của một quốc gia đang vươn mình. Với tâm hồn Á Đông phong phú và với tinh thần không khí Viễn Tây, anh tin chắc nó sẽ là một con người điển hình cho thế giới ngày mai. Em không ước mong một tác phẩm tuyệt mỹ như thế sao?”

Ông vừa nói vừa để tay lên bụng mẹ, hầu như muốn truyền thông ý tưởng của ông cho con. Nhưng dù cha con hữu lý hay không, mẹ bao giờ có thái độ khác hơn là tuân phục.

Bấy lâu, mẹ có bao giờ ngờ đời mẹ luôn luôn là những chuyến viễn du. Nhưng như mẹ đã nói,mẹ không hề hối tiếc. Được chung hưởng hạnh phúc cùng cha con dù chỉ trong giây phút để phải chịu đựng cả trăm năm đau khổ, mẹ cũng cho là đời mẹ đã được Thượng Đế đãi ngộ quá nhiều.

Mỹ Quốc đối với mẹ quả là một thế giới lạ lùng. Tất cả sức mạnh của quốc gia trẻ trung ấy đều vươn lên bằng hình khối. Cuộc sống hối hả như muốn khuất phục mọi định luật về thời gian. Mọi giá trị của xã hội Mỹ đều đo lường bằng kích thước và mọi kích thước đều vĩ đại. Cha con sau bao nhiêu nằm bị dồn ép khả năng và ý chí trong khuôn khổ của đoàn quân viễn chinh lạc hậu đã được đánh thức trong cái đà sống cuồn cuộn ấy. Ông lao mình vào công việc, ông tận dụng trí tuệ đê xây dựng và sáng tạo. Ông thường nói với mẹ: Người ta đã đánh giá nhầm các doanh nhân. Doanh nhân ở đây cũng là một thứ nghệ sĩ.

Về phần mẹ, tuy mẹ có bỡ ngỡ với cuộc sống mới nhưng mẹ luôn luôn cố gắng để khỏi làm bận lòng cha con. Nhưng mặc dù cố gắng, khí hậu miền bắc nước Mỹ cộng với cách sinh hoạt mới và lòng hoài tưởng quê hương cũ làm cho sức khỏe của mẹ suy kém trông thấy trong khi chỉ cỏn non một tháng trời nữa thì mẹ sinh con. Nhiều đêm tỉnh giấc, cha con thấy mẹ còn thao thức thì ông cảm thấy bị cắn rứt như đã phạm một lỗi lầm không thể tha thứ. Cho đến một hôm bác sĩ tỏ ý lo ngại nếu sức khỏe của mẹ không khá hơn, sự sinh nở có thể là một trường hợp nguy hiểm, cha con dẹp bỏ mọi công việc dở dang để đưa mẹ đi tĩnh dưỡng tại một làng nghỉ mát hẻo lánh nhưng thơ mộng và gần với sắc thái Việt Nam trên bờ biển Los Angeles. Những buổi chiều thần tiên, mẹ và cha con kề vai đắm mình trong khung cảnh bao la của trời và biển, đã trở nên bất diệt trong tâm tưởng mẹ. Cha con thường gượng nhẹ hôn mẹ và thì thầm:

“- Thần nữ Á Đông huyền diệu của anh!”

Nhưng than ôi, cũng nơi ấy đã chôn vùi đời mẹ vì cũng nơi ấy, mẹ đã mất chồng, con đã mất cha khi chưa kịp mở mắt chào đời. Một hôm cha con nể lời mời của người hàng xóm, cùng đi câu ngoài khơi trên một con thuyền nhỏ. Mẹ mang con trong bụng đã khá nặng nhọc nên thơ thẩn ở nhà một mình. Sáng hôm ấy nắng ấm, trời và biển trong xanh, nhưng bỗng quá trưa trời trở cơn giông bất ngờ và cha con biệt tích trên mặt biển.

Sóng gió lớn khiến các tầu cấp cứu cũng không thể nào hoạt động được. Mẹ không thể mô tả hết nơi đây nỗi kinh hoàng và niềm đau đớn của mẹ. Sáng hôm sau khi vớt được xác cha con thì mẹ đã như người chết rồi. Và mẹ mê man từ hôm ấy cho đến ngày sinh con. Sinh con rồi mẹ còn ốm hơn ba tháng. Khỏi rồi mẹ còn ở trong trạng thái tinh thần mê hoảng ngót nửa năm.

Người họ xa đã mời cha con sang đây săn sóc mẹ khá chu đáo và đặt tên cho con là John Neron. John ơi, con có thể nào hiểu được nỗi khổ đau của mẹ. Tình yêu đã mất, người yêu đã mất, quê hương đã mất, bè bạn và họ hàng đã mất, mẹ còn gì để sống ngoài con của mẹ. Nhưng con còn thơ dại quá, mẹ có đủ sức gây dựng cho con không, người mẹ bạc nhược từ thể xác đến tinh thần này?

Chao ôi, ngày đêm mẹ khóc mà không nhỏ nước mắt, sự khóc than khô héo đó biểu lộ một trạng thái tinh thần hiểm nghèo: những đau khổ dồn nén lúc nào cũng rình rập để biến thành trận cuồng phong thổi tắt ngọn lửa sinh lực nhỏ nhoi còn lại của mẹ.

Mẹ tự lượng không đủ sức nuôi con, mẹ cũng không muốn nhờ vả đến người họ xa của cha con vì dù sao đối với những người còn lại- là mạ và con- đôi bên cũng chưa kịp có mối giao tình thắm thiết. Mẹ đành giao con cho một viện mồ côi. Mẹ muôn vàn có lỗi với con, nhưng con hãy rủ lòng thương mẹ, John nhé!

Buổi sáng trước khi ôm con đến viện mồ côi, mẹ ru con lần cuối bằng một bài ca dao của quê hương mẹ:

Trèo lên ngọn đông,

Trông sang ngọn bắc.

Trăng sao vằng vặc,

Lòng mẹ bời bời,

Con ơi con ngủ đi thôi,

Cha mẹ cầu trời con chóng lớn khôn….

Lúc ấy con chưa đầy năm, nào con có hiểu gì đâu. Nhưng hình như con đang chìm đắm trong giấc mơ vô thức nào nên con nhoẻn miệng cười, nụ cười làm mẹ nhẹ hẳn lòng, mẹ tin rằng Thượng Đế đã truyền thông sự thương yêu của Người cho con và con đã sẳn sàng tha thứ cho mẹ. Sau khi gửi gấm con cho những nhà từ thiện,mẹ thu xếp trở về quê hương. Nhờ sự giúp đỡ của lãnh sự quán Pháp, nơi mà cha con có người quen, mẹ được bước chân xuống tầu ở New York hướng về Thái Bình Dương. Trong những ngày lênh đênh, biển và trời không bão tố nhưng lòng mẹ là cả một trận cuồng phong. Chiều chiều mẹ ngồi trên boong tàu, mắt mở mà không nhìn; gió thổi, sóng vỗ hay sương rơi mà mẹ không hay biết, vì mẹ đang hân hoan sống với cha con, sống với những kỷ niệm hình như đã xa xôi lắm, mặc dù cha con mới mất chưa đầy một năm.

Mẹ mỉm cười. Mẹ thì thầm những lời tình tứ. Mẹ ôm hôn một hình bóng đang kề bên vai mẹ. Khi đêm xuống hẳn và gió quất buốt da thịt, mẹ choàng tỉnh, người nóng bỏng như đang lên cơn sốt dữ dội. Mẹ vùng chạy về cabin nức nở gọi tên cha con, gọi tên con trong bóng tối tàn nhẫn.

Nhiều lần mẹ muốn gieo mình xuống biển cả. Mẹ tin rằng làn nước trong xanh kia sẽ phủ lấy mẹ trong sự êm mát khôn cùng, rong rêu sẽ kết thành hoa lá dựng cho mẹ một mùa xuân vĩnh cửu. Và điều mà mẹ tin chắc hơn cả là trong hương sắc mùa xuân ấy, cha con sẽ dang rộng hai cánh tay đón mẹ, nước mắt hội ngộ thừa làm cho biển cả dâng cao và những xúc động ái ân say đắm sẽ mặn nồng hơn ức tỉ những tinh thể vô cơ chứa đựng bởi đại dương.

Nhưng không hiểu sức mạnh nào đã giữ mẹ lại. Thực tình mẹ không hiểu, bởi vì mẹ làm gì còn lý trí để hiểu.

Mẹ về đến quê nhà đúng lúc chiến tranh bùng nổ ở Âu Châu lôi cuốn Mỹ Châu và sau đó lan tràn sang Á Châu. Từ đấy mẹ đứt đoạn với con, đúng hơn mẹ đứt đoạn với cơ quan từ thiện nhận nuôi dưỡng con.

John ơi, nguồn sống cuối cùng của mẹ đã mất. Như chiếc lá trên dòng, mẹ buông thả đời mẹ cho định mệnh khắt khe.

oOo

Sài Gòn ban đêm đối với Neron không rực rỡ bằng một khu phố trung bình của New York, nhưng sau gần một tháng công tác tại một quận lỵ nghèo nàn xơ xác Neron cũng cảm thấy vui thích được về đây.

Buổi chiều vừa có một cơn mưa nhỏ, đủ ướt mặt đường và nhờ thế bớt đi phần nào bụi bặm và oi bức. Neron đi qua các cửa hàng còn trưng đèn sáng, tò mò ngắm nhìn nhưng không chủ đích. Từ lâu chàng định mua tặng Jean một món quà đặc biệt Á Đông, nhưng có lẽ chàng nên nhờ một người bạn Việt Nam “cố vấn”, chắc chắn sẽ gây thích thú bất ngờ cho Jean nhiều hơn. Không chủ đích, Neron dễ dàng bị hấp dẫn bởi âm thanh rộn rã của một bản nhạc Rock vọng ra từ một phòng trà. Neron gần như bị thúc giục bởi nhu cầu phải tiêu cho vơi số tiền, tuy chẳng nhiều lắm, của hai tuần lương vừa lĩnh chiều nay.

Ngồi trên chiếc ghế cao, Neron nhìn vào ngực người chiêu đãi mặc áo hở cổ và cười. “Cảnh này chẳng nên kể với Jean”, chàng nghĩ thầm.

Qua mầu vàng óng ánh của ly whisky, mọi vật như bị uốn cong và có một vẻ đẹp ngộ nghĩnh. Neron chợt nhớ chàng đã có cảm tưởng ấy trong một quán rượu nhỏ gần khu đại học, nhưng lúc ấy chàng chưa đủ tuổi uống rượu và chàng chỉ ngắm nhìn vẻ cong queo của đồ vật trước mắt qua lớp thủy tinh của vỏ chiếc chai coca- cola hiền lành. Sự liên tưởng ấy khiến Neron cảm thấy hãnh diện thực sự là người lớn.

Ánh sáng trong phòng mù mịt khói thuốc. Neron dựa lưng vào quầy nhìn mấy cặp đang nhẩy ngoài piste. Tầm mắt bâng quơ của Neron chợt ngưng lại ở một góc tối phía đối diện. Một người con gái – đúng hơn một người đàn bà – đang ngồi một mình, đầu hơi cúi thấp, mái tóc xõa che khuất một nửa khuôn mặt. Tuy không nhìn rõ, không hiểu tại sao Neron vẫn đinh ninh người đàn bà có một vẻ đẹp gợi cảm nhưng kín đáo, một vẻ đẹp thuần túy Á Đông.

Neron vẫy một người chiêu đãi đứng gần đấy và hỏi:

– Tôi có thể nói chuyện với cô kia được không?

– Of course, boy!

Chữ “boy” tinh nghịch không khiến cho Neron bực tức vì chàng đang tự hài lòng và dễ tha thứ. Từ khi bắt gặp người đàn bà với vẻ ngồi lơ đãng trong bóng tối, Neron bị thu hút một cách kỳ lạ, không như một sự đòi hỏi thể xác, cũng không như sự nao nức chờ đón người yêu sau mỗi giờ tan học. Chàng cảm thấy, mà không hiểu, ở người đàn bà ấy có một vẻ gì lôi cuốn bí ẩn.

Người chiêu đãi lấy tay ra hiệu. Người đàn bà rời bỏ vùng bóng tối của nàng tiến về phía Neron. Chàng không nhầm, nàng đẹp thật. Tuy nàng có vẻ lớn tuổi nhưng thời gian hình như không tàn phá mà còn mài giũa cho viên ngọc thêm trong sáng.

Nàng đưa tay cho Neron bắt và hơi phát một nụ cười. Neron thầm nghĩ: “Mình đã gặp nụ cười này trong giấc mơ nào đây”. Đột nhiên Neron cảm thấy bối rối, mặc dù chàng biết mình đang đối diện với một “joy girl” không hơn không kém.

– Anh vừa từ mặt trận về?

– Sao cô biết?

– Biết chứ! Người Việt Nam có một khứu giác quen thuộc với chiến tranh. Dù anh có trút bùn đất trong bồn tắm, rửa mặt bằng nước hoa và gội đầu bằng whisky, tôi vẫn ngửi thấy.

– Ồ, tôi không thích loài chồn, cô đừng làm tôi sợ. Cô tên gì?

– Liên, tiếng Việt Nam có nghĩa là “hoa sen”.

– Thế thì tôi cứ gọi cô là Hoa Sen nhé? Nào, cô Hoa Sen, cô nhẩy với tôi bài này nhé!

– Đồng ý… còn tên anh?

– John. Cô nói tiếng Anh thật lưu loát, tôi từng gặp nhiều người Việt học rộng cũng không nói được như cô. Cách phát âm của cô khiến tôi nghĩ cô đã phải từng sống ở Hoa Kỳ.

Nàng nói sang vấn đề khác:

– Anh còn trẻ, quá trẻ nhỉ? Anh đã đủ tuổi uống rượu chưa?

– Ở tiểu bang tôi thì vừa đủ?

– Anh ở tiểu bang nào?

– Florida.

– Đẹp lắm! Những cánh đồng cam miền Floride thật tuyệt!

– Sao cô biết?

– Tôi xem…Informations et Documents.

– Cô uống rượu nhé?

– Một chút thì được. Anh cũng đừng nên uống nhiều, tôi không thích săn sóc học trò say rượu.

– Tôi là học trò?

– Chứ gì? Đừng nên tập làm người lớn. Hết hạn quân dịch anh lại trở lại đại học, phải không?

– Phải. Cô thông minh nhưng quái ác. Có người yêu như cô chắc tôi không dám dở trò gì.

– Anh có người yêu chưa?

– Rồi. Nàng dễ tính hơn cô, khuyến khích tôi uống rượu và hút thuốc.

– Nếu tôi là mẹ anh, tôi sẽ đánh đòn cả hai. Đi quân dịch, anh được lựa chọn đơn vị đồn trú, có người yêu ở Mỹ sao anh lại chọn Việt Nam?

John nói dối:

– Tôi không tự hỏi như thế bao giờ. Vả lại tôi chỉ phải xa người yêu trong một năm. Tình yêu xa cách là một cơ hội thử thách quý giá….Việt Nam đối với tôi hình như có một sức quyến rủ thật khó hiểu.

– Bây giờ anh đã hiểu chưa?

– Chưa. Ai dám tự hào hiểu Việt Nam, nói chung cả Á Châu, chính là người không hiểu gì cả.

– Biết như thế là anh hiểu rồi đấy. Ở đại học chắc anh học về văn hóa Á Đông?

– Không. Tôi chỉ lập lại ý kiến của một ký giả trong bài báo mà tôi đọc đã lâu.

– Anh có vẻ già dặn hơn tôi tưởng và không nông cạn như hầu hết người Mỹ mà tôi đã gặp. Với anh, tôi may mắn không phải nói chuyện về Marilyn Monroe, về Paul Newman hay kiểu áo của bà Jacqueline Kennedy. Nhưng không khí này quả cũng không thích hợp để anh tìm hiểu Á Đông đâu.

– Phải đấy. Cô có thể đi với tôi tới một chỗ khác tĩnh mịch hơn không?

– Không hiểu tại sao với anh tôi bằng lòng ngay mặc dù chưa “điều đình” gì cả. Nhưng tôi tin là anh không để tôi thiệt.

Neron đưa nàng ra khỏi vũ trường. Dáng nàng mảnh khảnh và cao. Bỗng dưng Neron muốn nắm lấy tay nàng như từng nắm lấy tay Jean những lần đi dạo bên nhau. Nàng hơi rụt tay lại khiến Neron cảm thấy vui thích, nỗi vui thích thật trẻ con.

– Tôi ít gặp một người làm nghề này có một kiến thức như cô, kể cả người Mỹ. Nếu từ cô mà suy luận về trình độ của người Việt thì người Việt đã vượt người Mỹ nhiều lắm.

– Tôi không muốn mang tiếng tự kiêu, nhưng quả thật tôi là một ngoại lệ. Và cả anh nữa, anh là một ngoại lệ đối với tôi.

Neron đưa nàng vào một quán nước ở bờ sông. Đối diện nàng. Neron nhận thấy trong vẻ đẹp của nàng có một vẻ mệt mỏi yên tĩnh.

– Tôi có cảm tưởng ít khi cô vui thật tình.

– Tôi không bao giờ vui thật tình. Từ hơn 20 năm nay.

– Hơn 20 năm? Cô nói thản nhiên như nói về một chớp mắt. Hơn hai mươi năm mà cô không có một phút nào sung sướng sao?

– Không! Tôi đã chôn vùi sự sung sướng của tôi chung với nấm mộ chồng tôi.

– Chồng cô chết đã 20 năm? Cô trẻ hơn tuổi nhiều quá.

– Đó là một hình phạt cay đắng của Thượng Đế. Người giữ gìn tuổi trẻ và sắc đẹp cho tôi nhưng lại cướp mất hạnh phúc của tôi. Càng trẻ đẹp tôi càng cô đơn hơn. Tôi mong được già, được xấu, để được mau tái ngộ với chồng tôi.

– Mỗi người Á Đông là một vũ trụ. Càng đặt bước vào càng thấy mênh mông.

Nàng quay mặt nhìn ra dòng sông đen im lặng chảy. Vầng trán nàng thật cao và thanh khiết.

Neron không còn ý nghĩ nàng là một người đàn bà bán thân.

Bỗng nàng quay lại nhìn sâu vào hai mắt Neron, chàng cảm thấy như nàng khẽ rung mình và cất tiếng nói thoảng qua như một hơi thở:

– Ồ, mắt anh có một màu đen thật đẹp. Mầu mắt ấy thật hiếm ở một người tây phương. Có lẽ hôm nay là một ngày vui của tôi sau hai mươi năm buồn nản. Anh là tiếng vang của hạnh phúc đã mất, dội lại từ một thế giới nào thật xa. John, thật tình tôi thích anh. Anh hứa sẽ không trả tiền tôi như đối với các người đàn bà khác nhé.

Nàng đưa tay nắm lấy tay Neron để trên bàn. Bàn tay nàng ấm áp như được sưởi ấm bởi nhiệt tình.

Ra khỏi quán. Neron hôn nàng dưới một tàn cây. Trong ý nghĩ, Neron văng vẳng nghe chính lời chàng khẽ gọi: “Jean! Jean!”

oOo

… Và định mệnh quả thật có khắt khe. Chiến tranh tàn phá quê hương mẹ, tàn phá nốt cuộc đời mẹ.

Không dám trở về với gia đình, không dám tìm lại bè bạn, mẹ bơ vơ với hai bàn tay trắng trong khi khói lửa xô đẩy xứ sở này vào đói khát, lầm than, tàn phá… Quân đội Nhật chiếm đóng bán đảo Đông Dương, thi hành một chính sách cai trị cực kỳ khắt khe và vô nhân đạo. Dưới gót sắt của chiến tranh, con người mê hoảng trong những thảm trạng khủng khiếp.

Số phận mẹ còn bi đát hơn. Vì mẹ là một người đàn bà mất chồng, mất mọi niềm tin yêu trần thế. Mẹ làm sao còn đủ nghị lực, dù chỉ chút ít nghị lực, để phấn đấu.

Với số tiền nhỏ của cha con để lại, mẹ sống vất vưởng ngót một năm trời ở Sài Gòn. Sau đó mẹ gặp một người bạn cũ của cha con. Trước đó ông có đồn điền cao su khá lớn ở Xuân Lộc, một thị trấn cách Sài Gòn chừng 60 cây số. Nhưng từ ngày quân Nhật chiếm đóng. Ông cũng như mọi người Pháp khác mất địa vị thống trị và giờ đây là kẻ thất thế. Ông trốn lên Nam Vang là nơi áp lực của người Nhật không đến nỗi bóp chết mọi hoạt động của người Pháp. Gặp mẹ và được biết những gì xẩy ra cho mẹ, ông tỏ vẻ xúc động. Những người đang thất vọng, dù thất vọng vì những lý do khác hẵn nhau, có lẽ cũng dễ dàng thông cảm nhau hơn.

Ông đề nghị đưa mẹ lên Nam Vang và giúp mẹ tìm kế sinh nhai. Mẹ không phải suy nghĩ lựa chọn, vì mẹ còn có gì khác đâu để lựa chọn.

Ở Nam Vang, mẹ tương đối được đầy đủ về vật chất. Ông bạn của cha con nói sẽ giúp mẹ tìm kế sinh nhai, nhưng thật ra mẹ không phải làm gì, mẹ hoàn toàn nhờ cậy vào sự trợ cấp của ông.

Mang ơn nặng, mẹ lại không có cách để trả. Mẹ chỉ còn có tấm thân đã nguội lạnh này. Mẹ biết ông cũng thật tình yêu mến mẹ. Nhưng mẹ có thể nào đi bước nữa trong khi tình yêu đối với cha con còn như cuồng lưu chảy trong huyết quản mẹ.

Sau một thời gian suy nghĩ đắn đo, mẹ để lại cho ông một bức thư trần tình hẹn ông một kiếp nào đó, mẹ sẽ trả món nợ vô giá kiếp này, rồi từ giã Nam Vang tìm đường về Sài Gòn.

Ít lâu sau mẹ được tin ông tử nạn trong một trận oanh tạc của phi cơ đồng minh. Dường như mẹ là kẻ luôn luôn gieo tai họa cho những ai thiết tha đến mẹ.

Mẹ lại rơi vào tình trạng bơ vơ như cũ. Chẳng bao lâu mẹ phải bước chân vào con đường bán thân nuôi miệng. Con có thể hỏi tại sao mẹ không thể chung sống với người bạn cũ của cha con, mẹ lại có thể chấp nhận chung đụng với mọi người đàn ông xa lạ khác? - Lý do của mẹ giản dị lắm: nếu chấp nhận một người duy nhất là mẹ phải chấp nhận chia xẻ, dù chỉ phần nào, tình thương yêu và nghĩa chồng vợ, là mẹ đã phản bội cha con. Tình yêu của mẹ và cha con không thể chia xẻ, không thể hao mòn, không thể có sự hiện diện của người thứ ba. Thà mẹ dửng dưng mua bán xác thịt với nhiều người còn hơn mẹ phải chung sống và yêu thương một người không phải là cha con.

Vì vậy, cho tới bây giờ mẹ đã thực sự làm đĩ, một thứ đĩ dày dạn và chuyên nghiệp, mẹ vẫn luôn luôn tự hào đã một lòng chung thủy với cha con.

Tuy nhiên trong thời gian đầu mẹ mới chỉ huyễn hoặc và lợi dụng lũ đàn ông đam mê sắc đẹp của mẹ. Mẹ chưa phải bán thân bệ rạc như bây giờ. Nhưng rồi cũng đến lúc khổ đau và thời gian tàn phá sắc đẹp của mẹ, mẹ phải chịu trăm ngàn nỗi đắng cay của một con điếm tầm thường, bị dày vò bởi trăm ngàn con quỷ vật dục. Để đổi lấy manh áo. Để đổi lấy miếng cơm.

Nhiều lần mẹ nghĩ đến cách tự giải thoát. Mẹ có còn gì đâu để tha thiết với thế gian này? Lòng mẹ nguội lạnh và dửng dung Nhưng John, con có biết tại sao mẹ cố sống hay không? Mẹ hy vọng một ngày kia mẹ dành dụm được một số tiền để sang Mỹ gặp con. Mẹ đã từng cố gắng liên lạc với cơ quan từ thiện nuôi dưỡng con nhưng chẳng may hội thiện ấy đã giải tán, họ chỉ trả lời cho biết con đã được gửi cho một cơ quan khác từ năm 10 tuổi, nghĩa là cách đây chừng hơn 10 năm. Mẹ lại tiếp tục dò hỏi thì được biết con đã xin xuất viện và vào đại học. Mẹ vui mừng khôn tả. Thế là con đã thành người. Mang ơn Thượng Đế, con của mẹ đã có một chỗ đứng dưới ánh mặt trời, đã có thể kiêu hãnh vươn lên. Người mẹ tội lỗi của con lòng nhẹ những khắc khoải, tưởng như thể vừa trút ra khỏi thân thể chính sức nặng thên thể mình, tuy nay chỉ còn sống với một chút ảo mộng cuối cùng của đời mình. Ảo mộng? Phải, vì ảo mộng đó mẹ đã cố kìm hãm ý muốn mãnh liệt trực tiếp viết thư cho con. Mẹ mơ tưởng một ngày nào đó, bỗng dưng mẹ xuất hiện trước mặt con, ôm con vào lòng và gọi tên con! Khi ấy, mẹ là một người đàn bà hoàn toàn khả kính, một người mẹ hoàn toàn trong sạch. Con sẽ hãnh diện vì mẹ. Rồi mẹ sẽ kể lại cho con cuộc đời và những đức tính của cha con để con có thể hãnh diện vì cha.

Mẹ ôm ấp giấc mơ ấy từ hơn một năm nay. Mẹ thêu dệt những chi tiết đẹp đẽ chung quanh giấc mơ của mẹ. Mẹ hình dung gương mặt con, gương mặt mà không hiểu vì sao mẹ tin tưởng một cách chắc chắn phải là phản ảnh từ tâm hồn đến thể xác cha con. Hy vọng ấy mang đến cho mẹ một nguồn sống vô biên.

Và con ơi, thật là thê thảm. Để đạt được giấc mơ ấy, mẹ tận tụy làm đĩ nhiều hơn. Để có tiền. Để sớm được đặt chân lên đất Mỹ một lần nữa…

oOo

Neron khẽ cựa mình rồi lại tiếp tục ngủ, và trên môi chàng hình như vừa thoáng một nụ cười. Có lẽ chàng đang nghĩ đến Jean, đang mơ đến Jean. Nằm nghiêng mình một bên, Liên ve vuốt những sợi tóc vàng xõa trên trán Neron. Lần thứ nhất trong đời làm đĩ, Liên không cảm thấy tởm sau khi chịu đựng thân thể đàn ông.

Neron còn trẻ, thật trẻ, so với tuổi đời cũng như tuổi đời của nàng. Neron còn đầy vẻ ngây ngô của cậu bé mới lớn. Lúc đưa nàng vào phòng, Neron đã lúng túng khổ sở.

Liên thấy chàng vụng về lật úp chiếc ảnh bán thân của một thiếu nữ để trên bàn ngủ đầu giường. Nàng mỉm cười thoải mái dễ chịu. Liên không yêu Neron, dĩ nhiên, vì nàng không còn yêu ai được, nhưng thật tình thấy thích Neron. Thích vẻ mặt hiền lành và nụ cười trong sáng, nhất là con mắt to đen, con mắt không tây phương chút nào với cách nhìn thật phong phú và nồng cháy.

Trong giây phút cuồng nhiệt, sự cuồng nhiệt mà Liên ngạc nhiên không hiểu vì sao nàng có được sau bao nhiêu năm dạn dày và nguội lạnh, Liên cười hỏi Neron:

– Hẳn đây là đầu anh phạm tội?

Neron ngượng nghịu gật đầu.

Liên xoa rối thêm mái tóc của chàng:

– Đừng buồn anh! Ngày mai anh sẽ cảm thấy mình lớn hơn, đàn ông hơn. Anh sẽ trưởng thành đối với Jean, cảm tưởng ấy khiến anh vững tin ở tình yêu của mình. Đó là bí quyết của hạnh phúc. Đàn bà thích tuân phục và ngưỡng mộ nam tính. Rụt rè, chiều chuộng hay nhu nhược có thể làm anh mất tình yêu mà ngạc nhiên không hiểu vì sao.

– Em đã từng yêu ai chưa?

– Có! Em yêu chồng em, tuyệt đối và vĩnh viễn.

– Chồng em có những gì khác những người đàn ông khác?

Liên hôn phớt lên trán Neron, thì thầm:

– Đừng hỏi, anh! Em không muốn nhắc đến chồng em lúc này. Thượng Đế khắp nơi, nhưng chúng ta chỉ cầu nguyện Thượng Đế trước bàn thờ ngài.

– Em có cho anh gặp lại nữa không?

– Có lẽ không. Vì em có cảm tình với anh. Với những người đàn ông khác, em kiếm tiền và không xúc động ái ân. Với anh, em nối tiếp giấc mơ ân ái với chồng em, nhưng thể xác anh lại không phải là thể xác chồng em, vì thế em sợ. Em không muốn phản bội, em không thể phản bội, dù dưới bất cứ hình thức nào.

– Chao ôi, chồng em thật là một người nhiều diễm phúc.

oOo

Giữa cơn thủy triều, Neron và Liên sống thực cho mỗi người với mỗi xúc động riêng biệt, của bề ngoài hai cuộc đời riêng biệt. Nhưng họ hòa chung nỗi dạt dào đắm đuối….

Trong ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn ngủ, Liên lặng lẽ ngắm nhìn vẻ mặt vô tư và trẻ thơ của Neron. Liên vuốt ve sống mũi gồ cao của Neron như vuốt ve một vật thân yêu đã mất từ lâu. Những kỷ niệm xưa cũ sống lại.

Liên chợt nhớ nàng đã từng vuốt ve chàng như vậy, và áp má vào môi chàng để cảm thấy hơi thở đầm ấm phớt qua. Chàng thường tỉnh giấc bất ngờ, ôm nàng trong vòng tay, dỗ dành:

– Ngủ đi em, nữ thần Á Đông nhỏ bé của anh!

Chao ôi, nữ thần giờ đây đã gãy cánh, đã sa hai chân xuống bùn lầy, chẳng bao giờ còn bay lên trời cao được nữa.

Liên cúi nhìn Neron, người lính Mỹ trẻ, thân thể to lớn kềnh càng nhưng vẫn còn đầy đủ những nét vô tư bé bỏng. Liên cảm thấy trìu mến thương yêu, một tình cảm thật tự nhiên, như đã từ lâu lắm nàng đã có sự ràng buộc tha thiết nào với hắn, chú bé John, Liên mỉm cười nghĩ thế.

Liên ôm Neron vào tay, vỗ về, và bỗng dưng nhớ tới một điệu ca dao:

Trèo lên ngọn đông,

Trông sang ngọn bắc.

Trăng sao vằng vặc,

Lòng mẹ bời bời,

Con ơi con ngủ đi thôi,

Cha mẹ cầu trời con chóng lớn khôn….

– Tại sao em khóc?

– Em khóc đấy ư? Ồ, nước mắt em tự dưng chảy ra mà em không biết. Đã lâu lắm em không khóc, khóc được em thấy nhẹ hẳn lòng. Có lẽ vì được hưởng một đêm tuyệt diệu như đêm nay, em sung sướng đến phát khóc.

– Em là một người đàn bà lạ lùng. Từ lúc gặp em, anh luôn luôn bỡ ngỡ. Yêu em thì hẳn là không, nhưng anh quý em, mến em, trọng em nữa, Hoa Sen của anh ạ! Tâm hồn em là cả một khu rừng. Tuy em phải làm một nghề xấu xa, nhưng khu rừng tâm hồn thì dễ gì những bước chân trần tục có thể xâm phạm được.

– Cám ơn anh. Thôi, ngủ đi John!

– Em đã đánh thức anh, vậy em phải hôn anh cho tới bao giờ anh ngủ lại, Hoa Sen nhé!

Liên cười vui:

– Thế thì anh sẽ thức cả đời, nếu anh không van em đừng bỏ tù môi anh nữa.

Liên hôn trên trán, lên mắt, lên mũi, lên môi Neron.

Neron mỉm cười khoanh tay trước ngực nằm thật ngoan.

oOo

Neron, con của mẹ. Đến đây, mẹ phải gọi hẳn tên con, Neron ạ. Vì tuy con chỉ tự xưng với mẹ là John, cái tên của tám mươi phần trăm người Mỹ, cũng như người Việt có tên Hùng, tên Thịnh…Nhưng Jean thì đã đề sau bức ảnh tặng con rõ ràng, đầy đủ: John Neron!

Chính vì con đã lật úp ảnh của Jean trên bàn ngủ mà mẹ nhìn thấy. Trời, mẹ như người xảy chân từ trên núi cao xuống một vực thẳm không đáy. Mẹ không tin mắt mẹ, những đốm sáng nhức nhối nhảy múa trước mắt, mẹ phải nhắm mắt lại định thần giây lát rồi đọc đi đọc lại.

Nhưng vẫn chỉ hai chữ ấy: John Neron!

Neron là cái tên đặc biệt ít người có, trùng tên với một bạo chúa La Mã. Nhưng mẹ vẫn hy vọng người đàn ông nằm kia không phải là con mẹ, không phải là đứa trẻ bé bỏng hai mươi năm trước, và chỉ là một sự trùng hợp hiếm có mà thôi. Mẹ quyết tìm thêm bằng chứng – bằng chứng hắn không phải là con mẹ—để được hoàn toàn an lòng.

Lén lút như một kẻ trộm, lặng lẽ như một con mèo,mẹ lục lọi đồ đạc trong phòng. Đây rồi, tấm thẻ quân nhân của con có ghi đầy đủ tên họ cha mẹ. Mẹ ngã xuống sàn gạch, tinh thần hôn mê, hoảng loạn. Neron! Neron! Trời ơi, con đấy ư? Sao định mệnh lại xui khiến mẹ gặp con trong cảnh ngộ này? Thần kinh mẹ tê liệt đến không còn biết đau khổ, không còn biết kinh ngạc, không còn biết hổ thẹn….Chỉ còn cảm giác sợ hãi cùng cực khiến chân tay mẹ run lẩy bẩy không sao kìm hãm được. Mẹ bò dần tới bên giường. Một khoảng cách chừng hai thước mà mẹ bò không biết trong thời gian bao lâu.

Đây rồi, khuôn mặt của con. Đây rồi, chiếc mũi, đây rồi, cặp mắt, đây rồi, đôi môi, đây rồi, vầng trán, đây rồi, vành tai, đây rồi, ngón chân, đây rồi, ngón tay….. Đây rồi, tất cả, tất cả rõ ràng là hình ảnh cha con. Sao mẹ không nhận ngay ra điều ấy. Trời con của mẹ! Robert ơi, hãy tha thứ cho em! Neron ơi, hãy tha thứ cho mẹ!

Mẹ muốn ôm con vào lòng nhưng mẹ không dám. Thân thể nhơ nhuốc này không có quyền âu yếm con nữa. Sao mẹ con ta lại gặp nhau trong hoàn cảnh thê lương và ghê tởm này? Mẹ và con đã phạm trọng tội nào khiến Thượng Đế phải trừng phạt bởi hình phạt nặng nề đau đớn này?

Neron! Neron! Con có hiểu cho lòng mẹ chăng? Neron, nếu con hiểu rõ những gì đã xảy ra, phải đương đầu với sự thật thảm khốc, con có đủ can đảm để tiếp tục sống trên trần thế này không?

Run rẩy quỳ gối bên con, hàng chục lần, hàng trăm lần, mẹ định đưa tay định vuốt ve con, nhưng mẹ không dám. Mẹ sợ làm con tỉnh giấc. Mẹ chợt nghĩ nếu bây giờ con mở mắt nhìn mẹ, chắc mẹ sẽ ngất đi. Lạy trời, may mắn thay, con vẫn đắm chìm trong giấc mơ bình yên. Vầng trán con vẫn phẳng lặng. Đôi mắt con vẫn tươi tắn.Nhưng nếu tình cờ con mở mắt? Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc xương sống mẹ. Nếu con mở mắt lúc ấy,chắc hẳn con sẽ vui vẻ đưa tay ôm lấy mẹ như ôm một tình nhân, hay nơn nữa, như ôm một con điếm. Ý nghĩ ấy khiến máu mẹ như sắp trào ra khỏi cuống họng, sắp ứa ra khỏi các lỗ chân lông. Mẹ muốn nôn ra khỏi thân thể tim, gan, phổi, ruột non, ruột già…Chân tay mẹ cứng lại nhưng rồi với một cố gắng phi thường, mẹ vội vã mặc quần áo, đi giật lùi từng bước, mắt đẫm lệ nhìn con, gào lên trong tâm tưởng những lời vĩnh biệt.

Neron! Neron! Vĩnh biệt con! Vĩnh biệt con của mẹ!

Suốt ngày hôm ấy, mẹ lang thang giữa thành phố náo nhiệt và bụi bặm. Mẹ không còn cảm giác. Mẹ không nhìn thấy đường, không nhìn thấy gì trước mặt. Nhưng mẹ vẫn bước đều, như một kẻ mộng du. Mẹ nghĩ đến con. Mẹ nghĩ đến cuộc đời khổ đau của mẹ. Mẹ nghĩ đến cái đêm kinh tởm vừa qua. Trong một sát na, xúc động ân ái mới mẻ bừng dậy nơi mẹ, mẹ choáng váng tưởng chừng sắp ngã xuống hôn mê. Ôi,sao lại có thể như thế, sao lại có thể có sự tình cờ thảm khốc đến thế? Câu hỏi thật vô lý nhưng mẹ vẫn cứ tự hỏi mãi.

Mẹ nghĩ đến buổi sáng lúc con tỉnh dậy, không nhìn thấy người tình một đêm nằm bên, hẳn con sẽ đôi chút băn khoăn nhưng thích thú. Con sẽ có dịp kể chuyện với bạn bè về một con điếm lạ lùng. Con có biết đâu, trong lúc con thích thú thoải mái thì mẹ của con chỉ còn là cái xác biết cử động, như một bóng ma vất vưởng giữa một thành phố náo loạn.

Giờ đây, bóng đêm về, khi mẹ đã có thể sáng suốt nhận thức thực tại này, mẹ ngồi trong một góc chiếc quán nghèo nàn gượng viết những dòng này. Mẹ cũng không hiểu rõ lý do thúc đẩy mẹ viết, vì chắc chắn mẹ sẽ không gửi nó tới con. Con đã phạm tội cùng mẹ nhưng mẹ sẽ gánh chịu một mình, còn con, mẹ cầu xin Thượng đế tha thứ cho con để con được thảnh thơi vui sống.

Neron con, đời mẹ, mẹ đã chết nhiều lần. Chết khi cha con chết, chết khi khám phá “chú bé” John chính là con, giờ đây mẹ sửa soạn chết thêm, chết thật lần nữa.

Con hãy vui mừng đi, mẹ sắp được giải thoát khỏi số kiếp thảm thương của mẹ.

Neron! Neron! Vĩnh biệt con. Ở đâu đó con hãy chung lời cầu nguyện với mẹ dâng lên Thượng Đế xin người xóa bỏ mọi tội lỗi của mẹ và con, xin cha hãy rộng lượng đón mẹ về chốn quê hương bình an vĩnh cữu…

oOo

Tin vắn của báo Aux Ecoutes du Monde cho biết người mẹ đáng thương đã lao mình vào xe hơi tự tử, nhưng không cho biết bà có được chết hay không và người con được ghi danh là Neron, về sau ra sao?

Dương Kiền

(Phỏng theo một tin ngắn của báo “Aux Ecoutes du Monde” tháng 11 năm 1964)

Nguồn: gocsanchoihd.blogspot.com/2015/11/mau-cua-me-duong-kien.html