Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 53): Từ Thức – Chuyện gì xảy đến cho Quỳnh Giao?

Tu Thuc

Sinh năm 1944, tại Hải Dương. Theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Trước 1975, Tổng thư ký nguyệt san Đối Thoại của sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, đặc phái viên của Việt Tấn Xã (VNCH) trong suốt cuộc hội đàm về Việt Nam tại Paris. Cộng tác với Bách Khoa, Văn… Sau 75, cộng tác với nhiều báo, websites tại hải ngoại. Hiện sống tại Paris, Pháp. Blog: tuthuc-paris-blog.com. Facebook: www.facebook.com/tuthuc.39

Chuyện gì xảy đến cho Quỳnh Giao?

Đang ngồi tán gẫu với mấy cô đồng nghiệp Pháp, khách sạn cho hay có người đến kiếm. Tôi đảo mắt khắp cái hall rộng mênh mông của The Grand Hyatt Hotel và nhận ra khách. Một người đồng hương, cận thị nặng, gầy tong, búng một cái chắc bay qua bên kia Fifth Avenue, lưng còng còng, nách ôm kè kè một bọc ny lông dầy cộm. Cái bọc ny lông to tổ bố ấy là cái nguyên cớ đương sự đến kiếm tôi, ngoài lý do tìm gặp một người bạn cũ.

Viễn Cận.

Khách chính là Viễn Cận, tự Thi sĩ Xa Gần, tự Viễn kiết, tự Bỉ Sắc Tư Phong, tự NCCCDĐĐ, ngày nay là một công dân Hoa kỳ, Michael Vien Van Pham.

Xa Gần là do bạn bè diễn nôm chữ Viễn Cận. Viễn kiết vì không lúc nào người có một xu dính túi. NCCCDĐĐ – Người Có Cu Chỉ Dùng Để Đái – là biệt danh nói lên cái sự nghiệp tình dục của người, trước khi gặp Quỳnh Giao.

Bỉ sắc tư phong là do cái nòi tình của Viễn đối với Nguyễn Du. Một hôm, bạn bè, sau vài két la de, đưa người xuống xóm. Sau môt giờ nằm với một cô, y ra về, thoải mái. Cô gái nói Viễn rất phong nhã, trả tiền sòng phẳng – sòng phẳng cũng dễ, tiền do bạn bè hùn nhau tặng ông Viễn, nhân ngày sinh nhật của Viễn – nhưng không đụng đến người cô nàng. Viễn có 6, 7 ngày sinh nhật. (Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi, cậu nào muốn tổ chức ăn nhậu cứ tự nhiên, đừng ngại, nhưng đơn giản thôi…). Trong một tiếng đồng hồ, y nằm giảng về Nguyễn Du, về truyện Kiều. Cô gái nói anh Viễn ngâm Kiều tuyệt hay, giảng Kiều tuyệt hay, nhờ anh Viễn mà cô trở thành một trong những cô gái ăn sương hiếm hoi ở Gò Vấp thông hiểu cái triết lý bỉ sắc tư phong của cụ Tiên Điền.

Sau 75, tôi mất tin Viễn. Như mất tin rất nhiều người khác. Những người thân, như những chiếc lá vàng, rụng tơi tả, bị gió bão cuốn đi trăm ngả. Bây giờ, Viễn đứng đó, lù lù trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt. Bằng xương đúng hơn là bằng thịt. Đem lóc người ông Viễn, giỏi lắm được vài lạng thịt nạc. Thịt mỡ còn hiếm hơn.

Viễn Cận bóp chặt hai vai tôi, lay mạnh:

-Tiên sư ông, kiếm ông mấy chục năm, hộc xì dầu. Có hồi sang Pháp cả tháng, đi lùng khắp nước Tây kiếm không ra. Tối qua, cô Hạnh gọi cho hay, tưởng cô ấy nói giỡn.

Chỉ trong những lúc khẩn trương, y mới tiên sư ông, tiên sư cậu. Khi Viễn “phải lòng” Quỳnh Giao, y bao tôi đi ăn thịt bò khô, sau khi quật ngã 7 chai la de, y lè nhè:

-Tiên sư, không hiểu nó có cái gì khiến mình mất ăn mất ngủ.

Nói là bao cho hách, người trả tiền không bao giờ là Viễn, vì một lẽ đơn giản: không bao giờ y có một xu dính túi. Tiền bạc với Viễn là hai thứ rất ít có cơ hội gặp nhau. Nếu có gặp nhau cũng chỉ chào hỏi qua loa, rồi ai đi đường nấy. Y là một người quyết tâm không đội trời chung với tiền bạc. Hay đúng hơn, tiền bạc kỵ anh cu Viễn.

Mỗi lần gặp bạn bè, y nói: tôi bao cậu một bữa. Với cái giọng rất sư, rất cha nhà thờ, làm như chuyện được y bao là một vinh hạnh. Ăn uống xong, y phán: Cậu trả tiền, mình về. Và để bày tỏ lòng bao dung, y khen: Bún thang nó làm được đấy. Rồi ân hận, thấy lòng đại lượng có hơi quá đáng, y thêm: Lần sau bảo nó cho bớt mắm tôm; cái anh bún thang, cho mắm nặng tay một chút, nước dùng nó nồng ngay.

Khi ngà ngà rượu, y cao hứng trình bày những khám phá mới nhất về truyện Kiều, về Nguyễn Du, cái đam mê của y. Y nói Nguyễn Du là tất cả văn chương Việt Nam. Nguyễn Du là một tay phù thuỷ. Bằng chữ nôm, Nguyễn Du đã diễn tả được tất cả mọi trạng huống, mọi tình cảm một cách thoải mái, quên rằng mình bị gò bó trong thơ lục bát, như một người đi lại chạy nhảy tự do trong nhà giam, quên béng mình đang ngồi chơi xơi nước nhà tù. Trước khi chia tay, y vê vê hai ngón tay: có tiền cho tao vay mười tì. Mỗi lần nghe đến tên cụ Tiên Điền, chúng tôi chuẩn bị mười tì. Có thằng đâm ra ác cảm với Nguyễn Du, với Thúc Sinh, Hoạn Thư, Bạc Hạnh, Bạc Hà, ngay cả với Thuý Vân, người đàn bà hiền lành, đức hạnh, ngay cả với Thuý Kiều, người đàn bà đa tài mệnh bạc.

Viễn có vẻ cận hơn trước – Viễn có thể cận hơn trước? – vì mặc dù với đôi kính dày đến không thể dày hơn, y phải nheo nheo mắt để nhìn. Nhìn Viễn, tôi ý thức cái số lượng thời gian đã trôi qua từ ngày chúng tôi xa nhau: tóc Viễn lốm đốm bạc và một vẻ mệt mỏi in hằn trên từng phân vuông của bộ xương người biết đi trước mặt tôi.

Lần cuối cùng khi Viễn bao tôi nhậu thịt bò lúc lắc ở cầu chữ Y, tóc y còn xanh và đôi mắt lúc nào cũng long lanh những đam mê. Khi đã làm hết 4 dĩa bò lúc lắc và nửa chai đế ngâm rắn, y hỏi: Tôi đố cậu trong truyện Kiều, (tôi thò tay vào túi, chuẩn bị 10 tì) nhân vật nào đáng coi là một chính nhân, theo cái nghĩa gentilhomme của Tây? Viễn lắc đầu mỗi lần tôi nêu danh một nhân vật: Từ Hải, Kim Trọng, Vương Ông... Đó là lần cuối cùng tôi nộp 10 tì cho Viễn. Tôi vẫn không biết ai là bậc chính nhân trong truyện Kiều, vì sau khi bỏ 10 đồng vào túi, Viễn bị rượu ngâm rắn quật ngã, đập đầu xuống sàn gạch, máu mê đầm đề.

Sau mấy năm cải tạo, Bỉ Sắc Tư Phong vẫn còn cái vẻ ngơ ngác của một người chưa hoàn hồn. Y nói:

-Tôi mời cậu đi ăn cơm Mỹ.

Tôi mỉm cười, thò tay vào túi kiếm 10 tì và chột dạ: 10 tì bây giờ là mười đô la. Y trấn an:

-Mời thực đấy. Tôi không kiết như hồi xưa đâu. Nếu muốn, tôi có thể mua một nửa New York.

Với thời gian, Viễn đã điềm đạm và khiêm tốn hơn trước, nếu không y đã mua cả New York, hay ít nhất là hai phần ba thành phố.

Tôi nói chắc khó đi ngay được, vì sắp họp với đồng nghiệp. Y gạt ngang: quan hệ mẹ gì, cậu cứ lỉnh đi, ai biết đâu. Có mợ thì chợ cũng đông, không mợ...

Tôi nói đồng nghiệp toàn là Tây đầm, tôi là người Giao Chỉ duy nhất, có trốn đằng trời. Nhận ra anh Giao Chỉ, dễ lắm: anh ta có hai ngón chân cái giao nhau. Viễn quyết định, lúc nào y cũng làm chủ tình hình:

- Cứ khai bệnh. Tôi cũng khai bệnh đến đây. Bệnh tật, ai lường được.

Ra khỏi khách sạn, cái oi nồng khó chịu phà vào mặt. New York, thành phố của những cánh cửa chia cái mát lạnh của khách sạn điều hoà không khí với cái nóng hừng hực của đường phố. Thành phố của những ông tổng giám đốc lãnh lương một tháng bằng 5 năm lương của người thợ. Thành phố của những cú điện thoại trao đổi hàng triệu đô la và của những người ngửa tay xin 25 xu. Thành phố của những nhà chọc trời, ban đêm bỏ trống khi hết giờ làm việc, trong khi người ta ngủ lây lất ngoài đường.

Từ một máy điện thoại công cộng, tôi gọi một cô đồng nghiệp ở khách sạn, cho hay là bị đau bất ngờ, bụng đau nhói, mồ hôi vã ra như tắm, chắc phải nằm trong phòng ngủ cả ngày. Con nhỏ nói: Đúng rồi, ăn đồ Mỹ là khả nghi lắm, tao cũng không ngủ được cả đêm. Tây đầm, vốn hãnh diện vì cái ăn cái mặc của họ, không quên chỉ trích cách ăn uống thô kệch của người Mỹ. Nhận xét đầu tiên của mấy cô đầm Pháp khi ngồi trên xe ca từ phi trường vào thành phố: dân địa phương nhiều người đi giày basket. Không có gì quê hơn là diện quần áo bảnh bao mà đi giày vải. Dân New York lội bộ suốt ngày, hùng hục chạy suốt ngày như bị ma đuổi, chuyện quan trọng với họ là làm sao cho khỏi đau chân. Người Mỹ, người ta ăn cho mập, mặc cho ấm, chuyện thanh lịch là một ý niệm rất đỗi mơ hồ.

Ngồi trong tiệm ăn, tôi hỏi:

-Quỳnh Giao đâu?

Viễn lúng túng ra mặt. Y hỏi: Ketchup? Tôi lắc đầu: Đổ ketchup vào món ăn, cái hành động bạo tàn ấy, phải là người Mỹ mới dám làm. Người bình thường, ai nỡ làm chuyện đó. Người Mỹ, họ rất quyền thế. Họ muốn ở đâu có chiến tranh là ở đó thiên hạ choảng nhau chí choé. Họ muốn yên là thiên hạ bắt tay, hôn hít nhau rối rít. Nhìn anh cu Viễn đổ ketchup vào đĩa thịt, tôi nghĩ sớm muộn gì người Hoa Kỳ cũng đem cái văn minh ketchup đổ lên đầu lên cổ thiên hạ. Ở Paris, nhiều quán cà phê trước kia là nơi họp mặt của nghệ sĩ, ngày nay đã biến thành những tiệm fast food. Ở một xứ Đông Âu, tôi thấy người ta phá một cái nhà thờ kiến trúc gothique để mở một tiệm Mc Donald’s. Trong vài năm nữa hai phần ba nhân loại sẽ trở thành những người mập ù trên 150 kí lô, trong cơ thể lưu hành một nửa là máu, một nửa là coca cola, hay ngược lại.

-Quỳnh Giao đâu? Tôi lặp lại câu hỏi.

Viễn loay hoay với dĩa thịt bò, loay hoay với chai ketchup, loay hoay lấy kiếng ra lau đi lau lại, cuối cùng trả lời:

- Moa sống một mình. Độc thân.

- Sao vậy?

- Chuyện dài lắm. Để thư thả, sẽ kể cho toa sau.

Y lắc lắc cái chai một cách nóng nảy. Tôi nói ông đổ một nửa cái chai ketchup của nó rồi đó nghe. Viễn mở cái bao ny lông to tổ bố vẫn ôm kè kè bên nách, đặt lên bàn một cọc giấy dầy cộm, đủ khổ, đủ mầu sắc:

- Thơ của tôi, làm từ mấy chục năm nay. Nếu không gặp lại cậu, chắc tôi không đọc cho ai nghe.

Tôi nói làm thơ mà không cho người khác đọc thì có gì thú. “Cũng thú chứ, Viễn cãi, thú một mình. Cũng như thủ dâm vậy.”

Cái liên hệ giữa thi ca và thủ dâm là một điều ít người nghĩ tới. Viễn mù giải thích:

-Tính tôi, cậu biết đấy. Nếu không có đàn bà sáng giá, tôi nằm thủ dâm một mình, không tằng tịu lăng nhăng. Mệt cu mà không ích lợi gì cho quốc gia dân tộc.

Câu tuyên bố trên cho thấy tác giả là một người yêu nước và là một người rất… lười. Tác giả luôn luôn nghĩ đến đất nước, nhưng vì sợ mệt cu, tác giả chưa làm gì cho nước. Như vậy cũng đã là người khả kính, vì nói chung, người An Nam không những không làm gì cho nước mà còn tìm mọi cách phá thối nhau, để đất nước rách bươm. Người Mỹ không hỏi Hoa Kỳ đã làm gì cho mình, mà tự hỏi mình đã làm gì cho nước Mỹ. Người Pháp không hỏi mình đã làm gì cho nước Pháp, chỉ hỏi nước Pháp đã làm gì cho mình. Người Nhật nghĩ đất nước là đất nước chung, mỗi người phải ghé vai vào gánh vác. Cái anh An Nam, anh ta nghĩ đất nước là đất nước chung, mình không phá thối, chúng phá cũng uổng.

Viễn Cận cầm từng trang giấy, lên giọng ngâm thơ. Mới đầu còn thầm thì, dần dần cao hứng, gào bô bô trong tiệm ăn, bất chấp những người Mỹ chung quanh đưa mắt nhìn. Nhìn chi mà nhìn. Nhờ các anh một tí. Cái gã đàn ông gầy còm, cận như mù đó, y đã bỏ ra hơn hai mươi năm để làm mấy trăm bài thơ, các anh làm ơn cho phép y ngâm vài bài. Y có làm mất cái yên lặng của tiệm ăn vài phút thì đã chết ai.

Tôi tự nhiên muốn trèo lên bàn, gào lên cho cả tiệm ăn biết là cái thằng cha bạn tôi, hắn đã nằm 12 năm tù vì một cái tội mà hắn không hề biết, ngoài cái tội làm mấy bài thơ lỉnh kỉnh. Y chỉ có một cái tội đã bỏ gần một nửa đời người mà không làm nổi một bài thơ hay.

Mười hai năm tù về cái tội ấy kể cũng có hơi quá đáng. Ngày xưa, người ta quàng vòng hoa vào cổ thi sĩ và đuổi ra khỏi thành phố. Ngày nay, trước khi tống cổ y, người ta nhốt y 12 năm, hành hạ như con chó. Chó ta, bởi vì chó tây, chó Mỹ, người ta sung sướng, nhàn hạ lắm các ông ạ, đụng vào họ là các hội bảo vệ súc vật nhao nhao phản đối. Ở xứ tây, giơ chân đá đít anh chó một cú, rắc rối lắm ông ạ. Ở xứ ta, nếu anh có tí quyền hành trong tay, buồn buồn, anh đá đít dân đen, dân đen không oán hận gì, chỉ xoa đít cám ơn ông đã nhẹ chân. Đi qua nhà dân, thấy cái vườn đẹp, nảy ra ý muốn tặng đào nhí. Bèn vác súng và lâu la đến tịch thu cái vườn. Dân hiền như thế, không đá đít cũng phí của trời.

Viễn mù liên miên ngâm hết bài thơ này tới bài thơ khác trong khi tôi ngồi đánh vật với mấy chai Budweiser, một thứ bia Mỹ nhạt tanh như nước đái bò. Viễn hăng say như người lên đồng. Đôi mắt cận mệt mỏi của đương sự đột nhiên long lanh và tôi bắt gặp Viễn mù của mấy mươi năm trước. Mặc dù tóc đã điểm bạc, những nét nhăn chém trên trán, chiếc lưng còng một ngàn cân đè xuống của người bạn, tôi chơt có cảm tưởng đang ngồi nhậu thịt bò lúc lắc với Bỉ Sắc Tư Phong ở cầu Ông Lãnh.

Tôi đọc ở đâu đó rằng con người giống như một dòng sông, biến đổi không ngừng, nhưng lúc nào cũng là một. Sông trôi không ngừng nhưng lúc nào cũng là khúc sông ấy. Hay ngược lại, người ta không bao giờ tắm trong cùng một con sông.

Viễn hỏi: Cậu thấy thế nào?

-Cái gì?

-Thơ của tôi

-Cũng được

-Cũng được! Mẹ kiếp, thơ như vậy mà cậu phán cũng được. Tôi vẫn tưởng cậu có đôi chút khả năng thưởng ngoạn thi phú.

Y bất bình ra mặt. Đúng ra là một vẻ thất vọng kéo khuôn mặt y dài ra 5 phân:

-Tâm hồn cậu cũng khô héo như thiên hạ. Đó là cái bi kịch lớn nhất của những thằng ly hương.

Viễn mù nhìn tôi, thở dài, như nhìn một cái gì rất đáng thương, rất đáng tội nghiệp, cái nhìn tuyệt vọng của của một ông thầy thuốc thấy con bệnh hết thuốc chữa. Ngày xưa, Viễn nói hết thuốc lào, hay chu đáo hơn, hết thuốc lào Vĩnh Bảo. .

Tôi nói thơ Viễn không phải bài nào cũng là thơ để đời (và nghĩ không có bài nào là thơ để đời) nhưng thỉnh thoảng có những hình ảnh đẹp, những câu hay bất ngờ. Tôi nói như vậy cũng đã là nhiều, vì rất nhiều người cả đời không làm được mộ câu thơ hay, đủ để véo đùi ngâm cho thoả. Thơ văn, nó cũng như một người đàn bà tuyệt sắc, nó đến với mình một thoáng rồi đi. Làm thơ hay, khó lắm. Đâu phải ai cũng là Nguyễn Du, Lord Byron hay Baudelaire. Cả đời, Lưu Trọng Lư chỉ làm một bài Tiếng thu, Thâm Tâm một bài Tống biệt hành, Vũ Đình Liên bài Ông đồ. Tôi có thể tiếp tục cái danh sách ấy, nếu Viễn đã không đứng lên, ngâm thơ như gào lên, mặt đỏ bừng vì rượu.

Trong khi Viễn lên đồng, tôi ngồi nhai đĩa thịt bò vô vị, to tổ bố, đủ để nuôi môt tổng, phủ đầy dầu đậu phộng. Người Mỹ có đầu óc sáng tạo ra đủ thứ tối tân, nhưng không đủ khả năng nấu một miếng thịt cho có tư cách. Phải chăng món ăn là một hình thức văn hoá. Và văn hoá nó không như khoa học hay kinh tế, nó cần thời gian, không thể đốt giai đoạn. Giai đoạn 1: ăn lông ở lỗ, giai đoạn 2: kiếm ra lửa, giai đoạn 3: chế biến món ăn thành một tác phẩm nghệ thuật. Người Mỹ đang ở giai đoạn 2, kiếm ra lửa, biết nướng miếng thịt cho chín.

Phải cầu kỳ rắc rối lắm mới như Tây, ngồi tọng thức ăn vào họng con ngỗng để nuôi cái gan ngỗng làm foie gras, như người Tàu cho ngựa ăn búp trà trên sườn đồi rồi chém cổ ngựa để làm trảm mã trà (cái thú đi kèm với cái độc ác: đó cũng là một nét văn hóa rất Tầu), như người Nhật dành cả đời người học cách pha một ly trà, như người Việt tỷ mẩn ngồi chọc đít con cà cuống để làm nước chấm bánh cuốn, một hôn nhân kết hợp lạ kỳ không máy điện toán nào nghĩ ra. Bánh cuốn: phải cầu kỳ lắm, trang trọng lắm mới ngồi nặn đầu óc nghĩ ra chuyện nghiền gạo thành bột, rồi tráng lên nồi hơi nước, làm một thứ bánh tráng vừa đủ dầy để bọc nhân, đủ mỏng để giữ cái trang nhã, quý phái, đủ trong để thấy cái nhân thịt nhưng không quá trong để giữ cái vẻ mập mờ, nửa kín nửa hở, khêu gợi. Giống như chiếc quần dài trắng của người đàn bà Việt, vừa che vừa mở.

Một anh bạn người Pháp nói anh ta đứng ngẩn ngơ cả buổi ở Sài Gòn nhìn những người đàn bà mặc quần trắng mỏng đi lại. Anh ta quê ở Saint Tropez, nơi đàn bà trần truồng tồng ngồng tắm biển mà không ai nhìn. Một đĩa bánh cuốn, nhìn không cũng đủ ngon, không nỡ ăn. Cái bánh tráng tế nhị ôm lấy miếng nhân, cái nhân người ta chế biến thế nào, với hành, với tiêu, mộc nhĩ, để thịt không còn cái trần tục của thịt. Và chấm với nước mắm cà cuống. Ông trời sinh ra con cà cuống, chắc chắn đã nghĩ đến bánh cuốn, nếu không sinh ra con cà cuống để làm gì? Người ta bảo trong vũ trụ, mỗi vật đều có một phận sự nào đó. Vai trò của cái anh cà cuống chắc chắn là để làm thơm cho bánh cuốn. Ở những nơi không có bánh cuốn, ai biết mặt mũi cái anh cà cuống. Anh ta sống vô danh, vô dụng.

Trong khi Viễn ngâm thơ, tôi nghĩ tới Quỳnh Giao, tự hỏi chuyện gì xảy đến với Quỳnh Giao. Tại sao Viễn mù lúng túng lảng tránh khi tôi đề cập tới Quỳnh Giao?

Ở California, tôi hỏi một người quen hồi này làm ăn gì. Một chị bạn kéo tôi ra một góc, căn dặn:

- Ở bên này, đừng hỏi nghề nghiệp của nhau. Có những nghề nghiệp kỳ quái, không liên hệ gì đến ngôi vị, chức tước của người ta ở bên nhà. Ông bộ trưởng đi rửa xe, ông giáo sư đi gác đêm. Cũng đừng hỏi thăm vợ con người ta. Nhiều chuyện đổi đời, phiền lắm, anh ạ.

Chị bạn nói, chúng ta như những ngọn cỏ bị bứng rễ, theo gió cuốn đi, trôi dạt chân trời góc biển. Giá trị cũ tàn rụi, giá trị mới chưa thành. Không có gì bám víu, con người mất quân bình, đưa đến những ly tán đổ vỡ. Trong xã hội Việt Nam, người ta sống cho mình thì ít, cho gia đình, cha mẹ anh em thì nhiều. Cá nhân con người bé nhỏ, xoá nhoà. Trong xã hội Việt Nam, cái tôi không có. Một người Việt Nam ít khi là tôi, mà là con của người này, bố mẹ, anh em của người kia, hay chú, bác, cô, dì, cậu, mợ, con rể, anh em cột chèo. Một xã hội tôn ti trật tự chặt chẽ, anh nào ngồi chỗ anh đó, không anh cu nào lộn xộn chạy qua chạy lại.

Trong một cặp vợ chồng hoà thuận, bao giờ cũng có một người hy sinh. Ở Việt Nam, cái người hy sinh ấy bao giờ cũng là người đàn bà. Ra ngoại quốc, người ta chới với trước cái tự do vừa tìm thấy, người ta khám phá ra cái tôi, người đàn bà đòi quyền sống, tự nhiên đưa đến tan vỡ. Một ông ở San Francisco tâm sự: vợ mình nó như đàn bà Mỹ ở thế kỷ 21 trong khi mình vẫn là cái anh An Nam thời cụ Bá Đa Lộc. Mình vẫn muốn làm MC điều khiển chương trình, vẫn coi đàn bà là một trong ba cái lăng nhăng nó quấy ta, quên rằng người đi làm kiếm ra tiền là bả, người lo chạy chọt giấy tờ là bả, mình chỉ dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm, hay ngồi phét lác với mấy ông bạn trong quán cà phê.

Trong xã hội Việt Nam, tình yêu nó nhạt đi cũng không sao. Vẫn còn gia đình, họ hàng, làng xóm, cụ Khổng, cụ Mạnh đứng lù lù đó canh chừng. Bây giờ không còn gì giữ lại, tất cả rã rời, theo nước cuốn đi, như cánh bèo trên dòng nước lũ.

Cái anh Việt Nam ly hương, anh ta bất lực đứng nhìn cả một nếp sống cũ tan rã, một xã hội mới lạ hoắc, không thể thích nghi, anh ta ngẩn ngơ, anh ta lạc lõng, mười hai con giáp không giống con giáp nào.

Tôi sẽ không hỏi Viễn hồi này làm ăn gì để có thể mua một nửa New York, nhưng tôi không thể không thắc mắc chuyện gì xảy đến với Quỳnh Giao. Bởi vì cuộc tình giữa Viễn mù và Quỳnh Giao, tôi là người chứng thường trực, nhiều khi bất đắc dĩ.

Một buổi, Viễn mù rủ tôi đi nhậu, và nói cậu phải giúp tôi việc này. Cậu trả tiền rồi theo tôi. Tháng trước, một người bạn dạy ở một trường trung học bị đau, nhờ Viễn dạy thế. Trong đám nữ sinh, có một con nhỏ làm Viễn mù xây xẩm mặt mày. Đó là một chuyện bất bình thường, vì bình thường, Viễn không để ý, coi phái đẹp như pha. Mỗi tuần, y yêu hai ba người đàn bà, đi nhậu một chuyến quên béng mất.

Lần này tình hình có vẻ nghiêm trọng. Tối ngủ không được, ngày ngủ không được (y là vua ngủ ngày), Viễn sáng tác một số lượng thơ đáng kể trong một thời gian kỷ lục, bài nào cũng nói đến Quỳnh Giao, bài nào cũng nồng nàn, sôi nổi. “Ngày nào tao cũng chờ nó ở cửa trường, nhưng không sao lại gần được. Lúc nào nó cũng đi một bầy với mấy con bạn. Mình dù sao cũng là thầy, nhất nhật vi sư, khó làm ăn quá. Tao theo nó tận nhà, nhưng nó có hai thằng anh to lớn như Tarzan, bố bảo mình cũng không dám bén mảng lại gần.”

Viễn mù nhờ tôi đến chờ ở cổng trường, lôi con nhỏ ra góc đường để Viễn tán. Y nói: Mày là tay mồm miệng đỡ tay chân, chuyện ấy dễ như trở bàn tay.

Chúng tôi đứng ở bên kia đường, chờ giờ tan trường. Viễn nóng nảy, đi đi lại lại như người chờ vợ đẻ lần đầu.

Khi đám học sinh ùn ùn kéo nhau ra khỏi trường sau tiếng chuông rền rĩ, Viễn chỉ một đám nữ sinh líu lo bên kia đường:

-Đó, cái con bé bên cạnh gốc me đó.

-Cái con bé mắt lé, măt rỗ hoa?

-Cái con nhỏ mặc áo dài trắng, dắt chiếc xe đạp xanh

-Hàng trăm con nhỏ áo dài trắng, xe đạp xanh.

-Nó không giống con nhỏ nào khác. Mày nhận ra nó giữa năm triệu người đàn bà bình thường. Nó đi đêm không cần đèn đuốc vì hào quang sáng rực. Đó, cái con nhỏ đưa tay vuốt tóc đó. Lẹ nên, nó trèo lên xe là hư hết công chuyện nhà nước.

Tôi sang đường, tiến lại phía con nhỏ người ta nhận ra giữa năm triệu người đàn bà khác, đang tíu tít truyện trò với mấy con nhỏ bạn. Tôi nói:

-Tôi là Sơn, con bác Chân đây. Bác Chân dưới Mỹ Tho.

Mấy cô bạn trèo lên xe, trong một thoáng, cái biển xe đạp kêu kính cong và những tiếng cười rúc rích xa dần, để lại Quỳnh Giao và tôi trên con đường vắng, giữa những tiếng ve kêu nhặng xị trên những cành me hai bên đường. Con nhỏ nheo mắt, quả thực nó có cái nheo mắt dễ nhận ra giữa 5 triệu người đàn bà bình thường, hay 3 triệu người, vì ông Viễn nói cái gì cũng nên trừ hao đi một phần.

“Bác Chân? Giao đâu biết bác Chân nào?”

Tôi thú thực không có bác Chân, bác tay gì, chỉ có ông thầy triết tháng trước muốn nói chuyện; nếu ông ấy không gặp được Quỳnh Giao, ông ấy dám mổ bụng hara kiri tại chỗ, ngày mai báo Sài Gòn Mới đăng hình Quỳnh Giao trên trang nhất, tai tiếng cả nước. Quỳnh Giao nói chuyện chi dị hợm, nhưng cũng tò mò dắt xe theo tôi qua đường. Sau này, Quỳnh Giao cho hay đã thương ông giáo cận ngay từ ngày đầu, khi nghe ông Bỉ Sắc Tư Phong say sưa giảng Kiều, mặc dù Nguyễn Du, truyện Kiều không dính líu xa gần gì đến chương trình Triết học.

Buổi chiều, tôi hỏi kết quả cuộc gặp gỡ, Viễn mù nói rất tốt đẹp, mặc dù có trục trặc đôi chút. Y mời con nhỏ uống nước dừa, uống xong mới hay là cả hai không đứa nào có một xu dính túi. Con nhỏ phải để lại cây bút máy.

Viễn đưa tôi đến một tiệm ăn Việt Nam ở Canal Street, khu thương mại sầm uất của người Á Châu. Hàng hoá đủ loại chất như núi, thiên hạ đi lại quần quật. Tôi không khỏi mỉm cười nghe thấy, giữa lòng New York, trong cái đám bộ hành đủ mọi quốc tịch ngược xuôi đi lại, tiếng một bà đồng hương lanh lảnh: Đù mẻ, làm ăn như vậy thì bỏ mẹ rồi. Buôn bán không lo, chỉ lo rút bài với mấy thằng cô hồn.

Cùng giờ này, trên khắp xó xỉnh trên thế giới, nhiều người đang đù mẻ om sòm.

Chịu đựng bao nhiêu năm chiến tranh tang tóc, đến khi bình yên, người Việt, vốn gắn liền với quê hương như cỏ với đất, bị hất ra khỏi quê hương, trôi dạt, vương vãi, tơi bời, tản mát cùng khắp như một đàn gà lạc mẹ. Đi tới hang cùng ngõ hẻm nào, bạn cũng đụng đầu với một ông đồng hương mà ngọn sóng đã đánh dạt vào như một khúc củi trôi vật vờ trên mặt biển. Một lần, trong một làng khỉ ho cò gáy trên bờ sông Nil, Ai Cập, một ông hầu bàn tại một tiệm ăn mà tôi tưởng là người Tàu, ghé tai tôi: Chú đừng kêu thịt cừu. Thịt nó để cả tuần, thiu hết, ăn bịnh chết. Ngày nay, bạn đi tới đâu cũng có một ông đồng hương khuyên bạn đừng kêu thịt cừu hay cá thối. Khía cạnh tích cực của cuộc sống lưu vong.

Viễn kêu hai tô phở mà y khoe là ngon nhất New York.

Tôi đóng vai thầy bàn:

-Phở ăn được, nhưng phở ở ngoại quốc, muốn làm thế nào thì làm, muốn ngon đến đâu, nó vẫn thiếu cái gì đó, cái mùi phở. Hồi mình còn nhỏ, ở Hải Phòng, buổi sáng, mỗi khi ông hàng phở cất tiếng rao đầu đường, ở trong nhà đã nghe thấy mùi phở. Sau này, không bao giờ mình được nghe lại cái mùi phở ấy.

Viễn khen cậu coi vậy mà có tâm hồn thi sĩ:

-Cậu có để ý thấy mấy ông thi sĩ rất thính tai. Ông ấy nghe thấy những cái người khác cảm thấy. Huy Cận Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn. Lưu Trọng Lư: Anh có nghe mùa thu? Xuân Diệu: Đã nghe rét mướt luồn trong gió; Đã vắng người sang những chuyến đò. Và Thâm Tâm: Ly khách ven trời nghe muốn khóc. Không khóc, chỉ muốn khóc. Cũng không muốn khóc, chỉ nghe muốn khóc. Nếu khóc được người nó sẽ nhẹ nhõm đi biết bao nhiêu. Nhưng cái buồn nó nghẹn ở cổ. Ly khách ven trời nghe muốn khóc…

Tôi đưa Viễn mù về với thực tế:

-Câu có nhớ cái mùi phở của Quỳnh Giao?

Và nhìn Viễn dò hỏi, nhưng y không trả lời. Bình thường, mỗi lần hội thảo về Quỳnh Giao, y tham dự một cách nồng nhiệt, muốn chen nửa câu cũng không được.

Lần cuối cùng tôi ăn phở Quỳnh Giao là cái lần họ gây nhau dữ dội. Sự thực chuyện hai đứa gây nhau là chuyện cơm bữa. Họ không thể sống mà không gây nhau. Một ông bác sĩ phân tâm học nói: nến bạn biết có cặp vợ chồng nào không gây gổ, bạn bảo họ đến tôi khám nghiệm xem, chắc chắn có cái gì bất bình thường. Những cuộc gây gổ trong đời sống lứa đôi là một thứ ớt làm tăng gia vị cho bát phở. Đôi khi tô phở nhiều ớt quá, trở thành một tô bún bò Huế, làm chảy nước mắt. Nhưng nhiều người thích bún bò Huế, ăn món khác, chỉ thấy cái nhạt nhẽo. Với Viễn và Quỳnh Giao, đó là một tô ớt hiểm, có chêm một chút bún bò để đưa cay.

Bao nhiêu lần, Quỳnh Giao đến gặp tôi, khóc mùi mẫn, kể lể, thề sống thề chết sẽ không về với Viễn nữa – em thà chết còn hơn sống với ông ấy –, rồi 15 phút sau, tôi thấy hai đứa ríu rít bên cạnh nhau, bên cạnh một hàng cơm tấm, hay một tiệm bánh tôm. Viễn kể chuyện tếu và con nhỏ ôm bụng cười. Lần cuối cùng tôi ăn phở Quỳnh Giao là lần họ gây nhau kịch liệt. Buổi tối, Viễn đến tỵ nạn, trên người chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn. Y nói may mà toàn mạng tới đây. Quỳnh Giao đang đốt quần áo của y, đập phá chén đĩa đồ đạc, liệng ra đường. Nguyên do là Viễn mù gặp một thằng bạn cũ, bỏ đi ba ngày liền và một cô bạn Quỳnh Giao cho hay đã thấy tận mắt Viễn mù đi rước đèn với đào ngoài phố.

Viễn nói trong khi mặc quần xà lỏn chạy khắp thành phố, y đã suy nghĩ rất chín. Lần này là thực sự chấm dứt, không thể kéo dài thêm một giờ; một phút. Giọt nước làm tràn cái ly. Y có một người bạn làm hiệu trưởng một trường trung học ở Đà Nẵng, có thể dành cho y một vài giờ. Y ngủ nhờ một đêm, ngày mai sẽ lên đường. Bỏ của chạy lấy người, ba mươi sáu chước, vắt giò lên cổ là chước hay nhất. Để trả ơn tôi là người hôm sau sẽ bỏ tiền mua vé xe đò, y có nhã ý ban một lời khuyên: Đừng bao giờ liên hệ, dính líu đến đàn bà; mỗi người đàn bà có một cách hành hạ mình, phương pháp và hình thức khác nhau, nhưng đều dẫn tới một kết quả: biến cuộc đời mình thành địa ngục.

Viễn nhờ tôi lên nhà xem tình hình, có thể Quỳnh Giao đang đốt cả khu phố. Cần nhất là cứu mấy tập thơ, đồ đạc, quần áo tao bất cần.

Tôi mặc quần áo hối hả đi chữa cháy. Tới nơi, từ đầu đường đã ngửi thấy, đã nghe thấy mùi phở ngào ngạt. Người mở cửa là một Quỳnh Giao vừa tắm xong, diện áo dài mới toanh, trang điểm xinh đẹp như một nữ sinh ngày phát phần thưởng cuối năm, tươi như một đoá tuy líp. Nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không còn dấu vết gì của chiến cuộc buổi chiều. Trên bàn, một dĩa bánh phở trắng ngà, thịt tái nồng, thit nạm vàng, thịt chín nâu, rau và hành tươi xanh ngát, ớt đỏ rực rỡ. Tất cả những màu sắc táo bạo ấy hoà hơp với nhau như một bức tranh tĩnh vật rực rỡ của Matisse.

-Anh coi, gây nhau… có một tí mà ông ấy bỏ biệt nhà cửa. Anh đi kiếm ông ấy, lôi về cho em.

Tôi nói có kiếm đằng trời, Sài Gòn có hàng triệu người, dễ gì kiếm, mặc dù một ông gầy còm, cận thị nặng, diện quần xà lỏn, chạy như bị ma đuổi ngoài đường chắc chắn là không giống ai.

-Thế còn nồi phở của em?

-Mặc cô. Lần sau, có ghen tuông cũng vừa vừa phai phải thôi.

-Em không ghen, em chỉ tức thôi. Không đáng cho em ghen.

Cái biên giới giữa cái ghen và cái tức, nếu bạn không phải là đàn bà, bạn sẽ không bao giờ tìm ra. Nể lời Quỳnh Giao, tôi ngồi lại, giúp cô ấy thanh toán nồi phở thơm ngào ngạt. Tính tôi thế, hay giúp người này một chút, người kia một chút. Quỳnh Giao chất vấn giữa hai tô phở:

-Anh nghĩ ông ấy có làm bậy không?

-Cái đó thì chắc rồi. Nó dám giết vài chục mạng cho hả giận. Thằng ấy, khi nó lên cơn…

Về đến nhà, căn phòng sặc sụa khói thuốc, phải năm phút sau quen mắt mới thấy ông thi sĩ mù sau màn khói dầy đặc. Y hỏi: Sao? -Lôi thôi lắm. Cả khu phố náo loạn. Xe chữa lửa, xe cứu thương rầm rộ. Y thị đốt cả phố rồi tự sát. Hara kiri. Ruột gan treo tòng teng trên dây điện ngoài đường, trông khiếp bỏ mẹ.

Suốt đêm, Viễn ngồi phun khói, nói về những dự án to lớn trong cuộc đời mới kể từ sáng hôm sau, khi y lên xe rời Sài Gòn, vĩnh viễn. Đó là một ông Viễn mù quyết tâm, không gì có thể lay chuyển nổi. Sáng hôm sau, hai đứa còn đang ngủ vùi, có người gõ cửa. Quỳnh Giao. Cô ta nói, thản nhiên, ngon lành

-Giờ này còn ngủ. Không dậy đưa em đi mua đồ. Nhà không còn một cái chén ăn cơm. Tối nay lại mời hai vợ chồng anh chị Nhã.

Viễn cười hề hề, mượn một bộ quần áo, riu ríu theo vợ đi chợ.

Chuyện Viễn rước đào đi diễu phố chắc chắn là vô căn cứ. Viễn không phải là người nhảy từ đàn bà này sang đàn bà khác. Khi vợ xuống tỉnh lo cho bà nội đau nặng, ngoài giờ đi dạy, y nằm bẹp trong nhà, đọc sách. Ngày vợ về, y tắm rửa sạch sẽ, vỗ vỗ cu, lẩm bẩm: Sắp bận rồi, sắp bận rồi!

Sắp Bận Rồi là một biệt danh khác của Viễn.

Buổi tối, khi chúng tôi đi dọc bờ sông nước đen, với những ngọn đèn nhập nhoè, tôi hỏi:

-Ngoài những lúc đi cày cho Mỹ và thủ dâm, ông làm gì cho hết ngày?

-Thiền.

Y đốt một điếu thuốc, nuốt khói:

-Thiền, cậu ngạc nhiên hả?

Không, tôi không ngạc nhiên. Tôi quen nhiều người nhờ thiền mà không phát khùng, mà sống thoải mái trong những năm tù cải tạo cùng cực. Như hầu hết những người Việt Nam, tôi theo Phật giáo vì cha mẹ theo Phật giáo, không thắc mắc gì. Những năm dài ở ngoại quốc, tôi tìm đọc ngấu nghiến sách báo nói về Phật giáo như người chết đuối chới với tìm một cái phao. Tôi nhìn Viễn, khám phá ra là dù xa nhau vạn dặm, chúng tôi vẫn đi chung một con đường. Cái gì đã khiến chúng tôi xích lại gần một ông hoàng Ấn Độ, cách đây 2500 năm, rũ áo từ bỏ mọi chuyện vào rừng tĩnh tâm dưới cõi bồ đề. Cái gì đó, phải chăng là nỗi cô đơn, lạc lõng nơi xứ lạ, một nền văn minh vật chất, phương tiện dư thừa nhưng bế tắc, ứ đọng bốn bề. Cái gì đó phải chăng là những tang tóc, chia ly, cái hư ảo của đời sống và cái bất toàn của con người?

Chúng tôi đã bỏ xa cái tuổi tam thập nhi lập mà chưa “lập” được gì. Viễn vẫn chạy theo một bài thơ để đời. Tôi suốt đời âm mưu, một cách âm thầm nhưng lỳ lợm, cái chuyện chữ nghĩa, nhưng mỗi lần viết xong một trang giấy, đọc lại, thấy ngượng với mình và tủi cho giấy bút. Bao nhiêu đêm thức trắng, bôi bác hàng ngàn trang giấy, cuối cùng chỉ chật cái sọt rác, không dám in một cuốn sách mỏng. Nhìn vào gương, thấy mặt mũi mình khả ố. Suốt đời, tôi trân trọng với chữ nghiã, tại sao chữ nghiã bạc với tôi? Tam thập nhi lập, tu parles.

Viễn sắp vượt qua, và tôi chập chững đi vào cái tuổi tri thiên mệnh, nghĩa là hiểu mệnh trời, nghĩa là hiểu đời, nghĩa là hiểu rằng mình sẽ không bao giờ hiểu gì về đời sống.

-Mây năm sau này, rảnh rỗi, mình đọc lại hết. Platon, Socrate, Goethe, Kant, Nietzsche, Heidegger, Sartre, Khổng, Mạnh, Lão, Trang. Chỉ thoả mãn một phần. Mỗi ông chỉ cho mình một câu trả lời trong muôn ngàn thắc mắc. Chỉ có Phật giáo là một câu trả lời thoả đáng và toàn diện. Mình như được giải thoát.

Tôi nghĩ như vậy trong hai chúng tôi, tỷ lệ được giải thoát là 50 phần trăm. Thái tử Tất Đạt Đa, khi lên đường hành đạo, chắc cũng không mong gì hơn một tỷ lệ khả quan như thế.

Viễn búng tàn thuốc và nói, bình thản:

-Cũng may mà có ông Phật. Nếu không… Nếu không, đã có nhiều lúc mình nghĩ đến chuyện tự tử. Cậu ngạc nhiên hả?

Không, tôi không ngạc nhiên, vì cái ý nghĩ ấy đã lởn vởn trong đầu tôi, rất nhiều lần. Tôi thấy ái ngại cho cái cô đơn của Viễn, măc dù với tôi, sự cô đơn, từ lâu, đã trở thành một chỗ quen thuộc. Như một nhân vật của John Updike, tôi sống, ăn ngủ, làm tình với cái cô đơn đã lâu, nó trở thành một người bạn chí tình. Ly dị với một người đàn bà, rất dễ; ly dị với cái cô đơn đã ăn nằm với mình nhiều năm, rất khó. Cô đơn khi sống môt mình, cô đơn gấp hai khi sống với một người khác, và cô đơn cùng cực giữa một đám đông.

-Cậu có hay gặp vợ chồng Hạnh? Tôi hỏi.

-Không, Viễn lắc đầu. Mệt lắm. Tụi nó toàn nói chuyện tiền bạc. Dollars là một phương tiện sống, với họ đã trở thành một tôn giáo.

-Như vậy, họ đã đổi đạo. Trước kia, họ là Phật tử.

Viễn mỉm cười. Đó là lần đầu tiên tôi bắt quả tang ông Viễn mỉm cười từ hôm gặp lại.

-Có lần, tôi làm được mấy bài thơ ưng ý, đến đọc cho họ nghe, hai vợ chồng vừa nghe vừa nhìn trộm đồng hồ. Từ đó, tôi né.

Ông Viễn khó quá, người ta mua cái đồng hồ Rolex mười ngàn dollars, ông cho phép người ta thỉnh thoảng coi giờ một chút.

Hôm trước, tôi ngồi ăn với vợ chồng Hạnh trong cái phòng ăn rộng mênh mông ở nhà Hạnh. Họ huyên thuyên, mê mải nói chuyện làm ăn, mua nhà, mua xe, mua đất, cổ phần, chứng khoán. Trong hai giờ, chữ dollars được nhắc đi nhắc lại 76 lần. Như tín đồ thuần thành đọc kinh. Nam mô A di đà Phật… Nam mô A di… Tôi ngồi im, nhìn Hạnh hào hứng nói chuyện kinh tài, nghĩ đến câu một người bạn nói về vợ chồng Hạnh với một thoáng ghen tị: Nó ở cái nhà giống như nhà Elizabeth Taylor.

Hạnh hỏi anh nghĩ gì mà đần ra vậy. Tôi nói tôi đang nghĩ tới Liz Taylor. Hạnh bảo cái ông này, vẫn chưa chừa cái tật ăn nói dấm dẳng.

Tôi ngồi đần ra không biết nói gì, mặc dù lúc ngồi taxi đến đây, tôi hồi hộp nghĩ đến giây phút tái ngộ. Biết bao nhiêu kỷ niệm để gợi ra, kể lại. Ngồi trong cái phòng khách (giống y chang phòng khách Liz Taylor, dù không biết cái phòng khách Liz Taylor mặt mũi nó thế nào), đặt mông trên chiếc divan 5 ngàn dollars, đạp chân trên chiếc thảm Iran ba ngàn dollars, bên cạnh một pho tượng 6 ngàn quan mua ở Paris, tôi đưa cho Hạnh coi một tấm hình cũ, đen trắng, vàng ố. Hình chụp một buổi tối văn nghệ bỏ túi ở một buôn Thượng trên cao nguyên Trung phần cách đây trên 20 năm, lúc chúng tôi còn là sinh viên, hoạt động xã hội, giúp đồng bào thiểu số học chữ quốc ngữ, chữa bệnh, trồng cây đào giếng. Trong cái buôn Thượng đìu hiu trên đỉnh cao, ngọn lửa bập bùng, những chiếc bắp ngô nướng vàng ngọt, tiếng ca của Hạnh nóng ấm, đùi Hạnh nóng ấm kề bên đùi tôi, mắt Hạnh to đen, phản chiếu ánh lửa bập bùng.

Hạnh nhìn tấm hình, yên lặng, mắt ươn ướt và nói:

-Những ngày đó vui quá, anh há? Nếu chỉ được sống lại một ngày…

Trong một thoáng, Hạnh quên dollars, quên tụng niệm. Tôi gặp lại đôi mắt đen ươn ướt, phản chiếu ánh lửa bập bùng của người bạn gái rất xinh và đầy nhiệt tình một đêm nào, trên đỉnh cao nguyên heo hút. Tôi lại không khỏi nghĩ đến câu chuyện của dòng sông.

Tối hôm sau, Viễn đưa tôi xuống Greenwich Village, la cà trong mấy cái bar nghe nhạc jazz. Tiếng nhạc blues buồn, giọng hát nghẹn ngào buồn cái buồn da đen ray rứt. Mượn cái ngà ngà say của whisky, tôi gợi chuyện:

-Nếu Quỳnh Giao ở đây, được nghe nhạc này, chắc cô ấy thích lắm

Và nhìn Viễn dò xét, chờ đợi. Y nói:

-Để tôi đọc cho cậu nghe một bài lục bát tôi mới sáng tác. Thơ lục bát đến như thế này là cùng.

Viễn mù ngâm thơ và tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy đến cho Quỳnh Giao. Mỗi người trong chúng ta vừa sống một cơn mộng dữ. Biết bao nhiêu gia đình ly tán, biết bao nhiêu chuyện đổi dời. Tôi nghĩ đến một người bạn, sau mười năm cải tạo, thất thểu trở về, thấy vợ con đã đã trở thành vợ con người khác.

Ra khỏi quán nhạc jazz, không khí về đêm đã bớt oi nồng. Đường vắng. Thỉnh thoảng một chiếc taxi vàng, một chiếc xe cảnh sát hụ còi vun vút chạy qua, xé rách cái yên tĩnh của đêm hè. Viễn mù vung tay, gào lên:

Chúng tôi đi,

Nhà chọc trời vây phủ

Nỗi tủi hờn không tìm đưc lối ra.

Mấy người Mỹ đen ngủ ngoài đường lồm cồm bò dậy. Một anh khổng lồ tiến lại, hỏi bằng giọng ồm ồm: Chuyện gì vậy? Viễn sorry sorry rố rối rít. Ông khổng lồ ngửa tay xin tiền. Viễn nhìn đối thủ: hai chúng tôi cộng lại không bằng một phần ba ông Mỹ đen. Viễn mù móc túi, dúi vào tay ông Schwarzenegger đen một dollar, làu bàu: mẹ kiếp, xứ sở gì mọi rợ, đọc thơ cũng phải nộp tiền mãi lộ. Tôi cười: Nộp tiền mãi lộ còn hơn đi nằm cải tạo mười hai năm.

Cuốc bộ suốt đêm, Broadway, 14th Street, Morton Street, Washington Square, Grover Street đến bảy giờ sáng, chân đau buốt, tôi tụt giày ra, xách tay. Viễn tiếp tục lải nhải ngâm thơ. Tôi thỉnh cầu:

-Buồn ngủ bỏ mẹ. Ông tạm ngưng cái chương trình tao đàn ở đây đi.

Viễn tiếc rẻ:

-Ngày mai cậu về à?

Tôi gật đầu, hy vọng Viễn hiểu đã đến lúc cho tôi hay tin tức về Quỳnh Giao. Y nói:

-Hay là cậu ở lại ít bữa.

Dịch ra Việt ngữ: Hay là cậu ở lại ít bữa, cho tôi đọc nốt hai ký rưỡi thơ còn lại. Máy bay mà ông Viễn mù làm như xe đò Sài Gòn Lục tỉnh, muốn trèo lên lúc nào cũng được.

Bảy giờ sáng, đêm ngắc ngoải và ngày rục rịch trở dậy. Anh cu Viễn ngồi phờ ra trên ghế công viên. Cả người y là một đống mệt mỏi. Nhìn cái đống mệt mỏi 49 ký rưỡi ấy, không cần phải là thi hào, bất cứ anh thi sĩ làng nhàng nào cũng có thể có cái cảm hứng của Pablo Neruda:

Il arrive que je me lasse de mes pieds et de mes ongles

Et de mes cheveux et de de mon ombre

Il arrive que je me lasse d’être homme

(Đôi lúc tôi thấy chán cả đôi chân tôi, chán cả móng tay tôi

Và tóc tôi và bóng tôi

Đôi lúc tôi thấy chán cả làm người)

Về đến khách sạn gần chín giờ sáng, vừa đủ thì giờ cạo râu, uống vội một ly cà phê đắng, theo bọn đồng nghiệp vào phòng họp. Chọn một chỗ kín đáo trong cái phòng họp mênh mông, nói với Martine, con nhỏ đồng nghiệp bên cạnh: Tao ngủ một giấc, chừng nào đến giờ pause café, nhớ gọi tao dậy.

Trên diễn đàn, một ông Tây đang trình bày tình trạng phát triển của công ty trên khắp thế giới. Khi tôi chập chờn ngủ ông ta đang nói đến các nước ở Nam Mỹ. Không biết tôi ngủ được bao lâu, khi bị đánh thức bởi những tràng vỗ tay, Martine nói: Ngủ tiếp đi, mới tới Trung Đông, còn cả Á và Úc châu. Và ngủ an tâm, ở đâu đảng ta cũng thắng lợi.

Trong giấc ngủ chập chờn, tôi cứ loay hoay nghĩ cái gì đã làm Viễn mù và Quỳnh Giao xa nhau. Chắc chắn không phải cuộc tình đã đến hồi lạnh lẽo. Không nhớ ông Tây nào (Honoré de Balzac?) nói: Trong một cặp, bao giờ cũng có một người đau khổ và một người buồn nản; Dans un couple, il y en a toujours un qui souffre et l’autre qui s’ennuie. Một người buồn nản thấy cuộc tình đã kéo dài quá lâu, người kia đau khổ thấy cuộc tình đã bay hơi. Viễn và Quỳnh Giao không ai có thì giờ để buồn nản: họ gây gổ, lục đục, hoà giải, hú hí với nhau rồi gây gổ, lục đục, hoà giải và hú hí với nhau suốt ngày. Đó là một cuộc tình sôi nổi, liên hồi, thường trực, không có pause café, không có entracte, một cuộc tình non stop, túi bụi, mệt nhoài, một cuộc tình full time, cuống quýt, ồn ào, náo nhiệt, nhức đầu, mệt xác.

Một buổi sáng chủ nhật, Viễn tới nhà, lay tôi dậy, nhờ tới nhà y khuân giùm hành lý. Y nói đêm hôm trước, Quỳnh Giao gây vì một chuyện vô lý, làm như cái liên hệ giữa đàn ông và đàn bà là một chuyện hữu lý. Chịu không nổi, y bớp tai vợ và người đàn bà bù lu, bù loa suốt đêm. Viễn nói sau khi suy nghĩ rất chín, y đi tới quyết định là nhất quyết chia tay. Nếu không, sợ có ngày sẽ có án mạng. Y nói đã quyết định đăng lính, một cách giải quyết vĩnh viễn.

Đến trước nhà, y bảo cậu lên lấy giùm tôi vài cuốn sách, tập bản thảo và một bộ quần áo. Tôi từ chối. Tôi đã tham dự vào việc họ lấy nhau, không muốn tham dự vào việc họ bỏ nhau. Viễn nói nếu vậy cậu chờ tôi năm phút. Năm phút, đủ cho y thu dọn vội vàng những thứ cần thiết.

Tôi đứng chờ ngoài hiên, nhìn bong bóng mưa rơi vỡ trên măt đường, dạ không khỏi bùi ngùi nghĩ đế cái cảnh chia tay trong truyện cổ. Chỉ thiếu con sông vắng, thiếu quán rượu đề thơ và thiếu bầu rượu nóng. Nhưng có người tráng sĩ lên đường, có người cô phụ ở lại và có cơn mưa rả rích của một ngày tháng bảy.

Mười lăm phút, ba mươi phút, một giờ sau vẫn không thấy Viễn mù xách hành lý ra. Tôi đứng dưới mái hiên, đọc hết tờ báo, từ tin chiến sự Đồng Xoài, danh sách tân nội các (đi dô đi ra thằng cha khi nãy), tới mục gỡ rối tơ lòng cho một độc giả thối chân, hôi nách bị vợ bỏ, mục gia chánh dạy nấu sườn xào chua ngọt, tin người đẻ ra khỉ ở Cà Mau, đít đỏ, lông lá xồm xoàm.

Sốt ruột, tôi đi mò vào xem xét tình hình. Nghe thấy tiếng đàn bà: giết em đi, giết em đi! Vốn máu trượng phu, mặc dù trói gà không chặt, tôi suýt tông cửa xông vào cứu người đàn bà cô thế. Thằng này, quả thực là một tên vũ phu. Áp tai vào cánh cửa gỗ ọp ẹp, nghe tiếng Quỳnh Giao rên rỉ: Mạnh vô, mạnh vô. Ý! Đừng cắn vú em đau.

Và tiếng ông thi sĩ mù thở hổn hển như vừa chạy marathon 42 cây số. Tiếng đàn bà: Khoan, để em kê cái gối dưới mông.

Tôi bỏ ra đường, tự nghĩ một người đàn bà kêu Khoan, để em kê cái gối dưới mông không nhất thiết là một người đàn bà lâm nạn. Một người, dù là đàn bà, trong cơn nguy cấp, chắc kêu cứu một cách khác hơn là đòi kê cái gối dưới mông. Đàn bà vốn rắc rối, nhưng không rắc rối đến như vậy.

Tôi đội mưa ra quán cà phê ngồi, nhìn thiên hạ qua lại, nghĩ đến cái anh nông dân Việt Nam tinh quái tác giả một câu ca dao thần sầu. Kim đâm vào thịt thì đau, Thịt đâm vào thịt nhớ nhau trọn đời. Tôi thường rất bực mình vì những cái tào lao của người đồng hương, nhiều lúc không muốn lai vãng, nhưng cái anh nông dân tinh quái kia, sao tôi thương anh ấy, chịu anh ấy lạ kỳ.

Ngày cuối cùng ở New York. Tôi hẹn Viễn ở phi trường JFK ba giờ trước khi máy bay cất cánh. Đủ thời giờ cho Viễn tâm sự. Trong mấy ngày gặp nhau, Viễn kể cho tôi đủ thứ chuyên, trừ chuyện gì xảy đến với Quỳnh giao;

Viễn kể những ngày cùng cực của 12 năm cải tạo ở trong Nam, ngoài Bắc, những ngày đói khát, bệnh tật, bị hành hạ như súc vật, hơn súc vật. Viễn nói sao cái số mình nó khổ thế. Mặc dù giọng Viễn thản nhiên, không một chút than vãn, tôi an ủi:

-Đó là điều tự nhiên. Đa tài thì bạc mệnh, đươc cái nọ thì mất cái kia. Lạ gì bỉ sắc tư phong.

Hai đứa ôm bụng cười. Đã lâu lắm Viễn không cười, những nếp nhăn căng ra, như mếu.

Nhắc đến truyện Kiều, tôi hỏi:

-À, cái ông gentilhomme trong truyện Kiều là ai?

-Chắc chắn không phải là Thúc Sinh. Tử Hải cũng chỉ là một tay hảo hán dại gái. Kim Trọng chỉ làm bổn phận một người lương thiện. Cái ông thực sự đáng coi là gentilhomme chính là cái ông khách ở viễn phương. Ông ấy không hề quen biết Đạm Tiên, chỉ nghe danh tài sắc của nàng mà tìm đến. Đến nơi, nàng đã thành người thiên cổ. Ông ấy khóc than rồi bỏ công, bỏ của ra xây mộ cho nàng ca nhi xấu số.

Nói đến Kiều, anh cu Viễn Sắp Bận Rồi – bây giờ phải gọi là Viễn Hết Bận Rồi – lại thao thao bất tận:

-Nằm buồn, mình nghĩ ra một cách giải trí. Lấy một vài câu Kiều, tìm cách thay đổi một chữ. Chẳng hạn: Bó thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu. Áo cơm đùm bọc lấy nhau. Vào luồn ra cúi công hầu mà chi. Sao bằng riêng một biên thuỳ. Sức này đã dễ làm gì được nhau? Cậu thử coi. Mình nghĩ trong 20 năm trời, không sao đổi được một chữ, một dấu chấm, dấu phẩy.

Nếu Viễn bỏ ra 20 năm mà không ăn thua đủ nổi với ông Nguyễn Du, tôi không có hy vọng gì trong 20 phút. Vả lại, cái bận tâm trước mắt của tôi không phải là ăn thua với Nguyễn Du. Cái bận tâm của tôi là tìm hiểu chuyện gì xảy đến với Quỳnh Giao. Trong suốt mấy ngày gặp nhau, tôi không nỡ đẩy Viễn mù vào chân tường. Tôi nghĩ tự Viễn sẽ tâm sự với tôi về Quỳnh Giao.

Tôi nghĩ đến Hiển. Tôi gặp lại Hiển, tình cờ, ở một tỉnh miền Nam nước Pháp. Hiển già trước tuổi, tóc bạc phơ, mắt trũng xuống. Nếu không có mái tóc bạc phơ, cái đầu Viễn là một cái đầu lâu. Trong suốt hai ngày cuối tuần, hai đứa gác đùi nhau trong cái studio nhỏ hẹp của Hiển, chúng tôi nói với nhau đủ thứ lăng nhăng, nhưng mỗi lần hỏi đến vợ con thì Hiển lảng tránh.

Hôm đưa tôi ra ga, năm phút trước khi tàu chạy, Hiển cho tôi hay chuyện gia đình. Đi tù cải tạo năm năm, khi được thả, Hiển đưa vợ con xuống thuyền vượt biển. Thuyền đắm, hai đứa con chết chìm. Vợ Hiển bị hải tặc hiếp. Đến Pháp, hai vơ chồng sống bên nhau như hai cái bóng ma, suốt ngày không mở miệng. Người đàn bà, một buổi tối không chịu nổi cái cô đơn, không chịu nổi cái yên lặng nặng như chì, không chịu nổi nụ cười của hai đứa nhỏ lởn vơn trong đầu, đã uống hết mấy lọ thuốc ngủ.

Khi tôi rời Việt Nam đứa con út của Hiển chưa sanh, đứa đầu lòng mới ba tuổi, tròn mụ mẫm như hạt mít. Trong trí tôi vẫn còn rõ hình ảnh một chiếc đầu lâu lất phất những sợi tóc trắng cắm trên một chiếc áo manteau rộng thùng thình, trên sân ga heo hút ở một tỉnh lẻ miền Nam nước Pháp. Sau đó, nhiều lần, tôi có dịp đi qua cái thị xã hẻo lánh nơi Hiển cư ngụ, không bao giờ tôi dám bước xuống sân ga. Năm phút tàu ngừng ở con ga lẻ dài hơn năm mươi năm.

Tôi và Viễn tới phi trường, đang lúi húi cân hành lý thì gặp một cô bạn cũ. Cô nàng reo mừng:

-Trời, không dè gặp anh ở đây. Nghe nói anh sang Mỹ thăm bạn bè mà không liên lạc gì với em.

Tôi đang lúng túng tìm câu trả lời thì Viễn mù chen vào:

-Thôi, để hai người nói chuyện cho vui nghe. Thế nào mình cũng có dịp sang Paris chơi, mình nói chuyện sau.

Không cho tôi có thì giờ phản ứng, Viễn bắt tay tôi, chào cô bạn và quay gót. Nhìn Viễn cận ra khỏi phi trường như bị ma đuổi, tôi tự hỏi cái gì đã khiến Viễn quyết định để tôi ở lại với cô bạn. Cái biết sống của một người lịch lãm hay chỉ là cái cớ để khỏi phải điều trần về Quỳnh Giao?

Máy bay rời New York vào giờ tan sở. Hàng triệu người từ những nhà chọc trời đổ xô ra đường, đen ngòm, lúc nhúc như kiến, đi đi lại lại, đi ra đi vào, đi lên đi xuống, đi ngang đi dọc, hối hả, vội vã, tất tả, ngược xuôi.

Trong cái đám chúng sinh lúc nhúc còn đầy nghiệp chướng ấy, có ông Michael Vien Van Pham, mặt mũi phờ phạc, ngẩn ngơ ôm kè kè bốn ký rưỡi thơ đi tìm một người đồng điệu.

Một ngày cuối tháng tám oi nồng, tôi lễ mễ khăn gói về Paris đi cày cho Tây, bỏ lại ông bạn vàng nằm thủ dâm ở New York.

Từ Thức

-Những danh tính trong truyện, nếu trùng với danh tính ngoài đời, hoàn toàn là vô tình, ngoài ý muốn của người viết.

Văn bản do tác giả cung cấp cho Văn Việt.