Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Tính chấp chới giữa thiên đàng/địa ngục trong thơ Như Quỳnh de Prelle

Nhà thơ Du Tử Lê

Nguoi mang nuoc-Ad

Gần đây, nhiều người trẻ làm thơ tỏ ra chú ý tới sự xuất hiện của tiếng thơ Như Quỳnh de Prelle, với thi phẩm “Song Tử”, bìa của họa sĩ Lê Thiết Cương, do nhà Thuận Hóa ấn hành tháng 2-2017.


“Song Tử” gây được sự chú ý đặc biệt, một phần vì tiếng thơ trừu tượng có được cho nó những cách diễn tả khác, không theo nếp cũ. Tác giả lại là một người nữ, hiện cư ngụ tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Có lẽ cũng nên nói thêm rằng, Như Quỳnh tìm đến với văn chương thế giới khi còn rất trẻ, đồng thời cũng có nhiều năm sống ở ngoại quốc. Vì thế, với những người biết qua tiểu sử của tác giả “Song Tử” cho rằng, phong cách văn chương của Như Quỳnh de Prelle, ít nhiều, khó tránh khỏi ảnh hưởng phong cách văn chương tây phương hiện đại. Phong cách văn chương tây phương hiện đại, cho thấy xu hướng văn chương, không nhất thiết phải chuyển tải một đề tài to lớn, hay một triết lý nhân sinh, mới lạ nào. Mà văn chương là nỗ lực không ngừng nghỉ thể hiện chính mình, hoặc đi tìm “cái tôi” như một thất lạc, bị “mất tích” trong xã hội, ngày một toàn cầu hóa này.


Tuy nhiên, qua thi phẩm “Song Tử” mới ấn hành và, nội dung của thi phẩm thứ hai, đang trên bệ phóng, có tên “Người mang nước” – cho thấy Như Quỳnh de Prelle, ở tầng sâu khuất lấp nào đó, vẫn còn tính gắn bó giữa con người và nơi chốn được sinh ra. (Ngay cả khi nơi chốn đó, thật đáng xấu hổ hay đáng nguyền rủa - qua thơ của tác giả trẻ, độc lập này, hiện ra như một hiện tượng phức tạp; đồng thời một thách đố).


Nơi phần tiểu sử sơ lược, Như Quỳnh de Prelle cho biết, trong quá khứ, Như Quỳnh từng làm việc ở lãnh vực truyền thông, sản xuất phim độc lập, viết kịch bản, viết báo tại Việt Nam. Như Quỳnh cũng từng được học bổng của Quỹ Ford tại Việt Nam về Viết kịch bản phim và, sản xuất phim.


Tôi không biết những năm, tháng viết truyện, sản xuất phim ảnh thì, kỹ thuật ở lãnh vực này, có ảnh hưởng nhiều đến thế giới thi ca của Như Quỳnh không? Riêng tôi thấy, trong phần thứ nhất của thi phẩm “Người mang nước”, có tiểu tựa là “Nỗi buồn trên cây”, có những “sequence” (hình ảnh xen kẽ) bất ngờ khiến người đọc dễ bị rối rắm, lạc lối khi dõi theo lộ trình biến động tình cảm, suy tư của Như Quỳnh.


Điển hình, trong thi phẩm thứ hai này, phần một, tựa đề “Nỗi buồn trên cây” có tất cả 32 bài thì, tựa đề “Nỗi Buồn Trên Cây” chiếm hai bài. Theo thứ tự, bài thứ nhất có tên“Nỗi Buồn Trên Cây 20n7”và, bài thứ hai“Nỗi buồn trên cây 15”… Cách đặt thêm một con số “bí hiểm” tựa như đánh đố người đọc – hoặc đó là những “ám số” dành riêng cho ai đó, hay cho chính tác giả. Theo tôi, không nên có nơi nhan đề những bài thơ được chọn để phổ biến cho đám đông. Nếu cần thiết, thì chỉ nên là một ký hiệu nhỏ, riêng giữa hai người hay, với chính tác giả mà thôi…


Phần nội dung, tôi thực sự không thể đoán biết version nào của một trong 2 bài “Nỗi Buồn Trên Cây” là linh hồn của đoạn phim ngắn, được chuyển thể với tên mới“Tôi 30” đã được chọn để trình chiếu trong nhiều Liên hoan phim(1), theo tiết lộ của chính tác giả. Tôi không có nhu cầu “giải mã” ký hiệu“20n7” trong bài thơ “Nỗi Buồn Trên Cây”(một) là con số 20 cộng 7 hay “n” là con số phiếm định ứng với bất cứ một con số ngày tháng kế tiếp nào khác. Tôi cũng không bận tâm về con số 15, nơi “Nỗi buồn trên cây 15”(Hai)-Có phải là nỗi buồn của cây 15 tuổi? Tôi nghĩ, một khi tác giả cố tình “chơi chữ” hoặc “đánh đố” người đọc thì, chúng ta chỉ nên bận tâm về nội dung thi-bản mà thôi.


Ở “Nỗi Buồn Trên Cây” (Một), Như Quỳnh viết:


“Người đàn ông nói với nàng
anh đã đánh mất em
mất em thật rồi
khi anh đi trên đường băng
không có đôi bàn tay của em níu anh”


Từ đó, bi kịch tình yêu này, với những sợi xích vô hình của nó, đã xỏ vào chân người đàn ông đôi hia bảy dặm, để người đàn ông đi từ “rừng sâu thẳm” bay lên tới “…thiên đàng địa ngục” và luôn cả:


“…những phản trắc bội tàn
hoang phế
sự quay lưng và những căm thù


một mùa vọng của nỗi buồn trên cây”


… Là sức mạnh và hệ quả của tình yêu, mang lại. Nhưng cụm từ “những phản trắc bội tàn / hoang phế” tôi cho là sự “dồn dập” của nhiều “sequence” hình ảnh gần nhau, có phần dư thừa, không cần thiết… Tuy nhiên, khi chọn nhan đề chung cho thi phẩm thứ hai của mình, là “Người mang nước”, hiển nhiên tác giả muốn cho thấy sự gắn bó của một cá thể nhỏ bé, tên Như Quỳnh de Prelle với nhân gian lồng lộng chờ được khám phá và, cũng lồng lộng nguy nàn, phản trắc.


Trong phần “dẫn nhập” ngắn, trước khi mời độc giả bước vào phần 1,“Nỗi Buồn Trên Cây”, Như Quỳnh viết:


“Tôi đã tưởng rằng, thời 20 tôi cô độc nhất, nhiều buồn bã nhất. Thì ra, thời thanh xuân rực rỡ ấy, tôi buồn vì tự do của tôi, của cái riêng tư. Lúc này đây, có đầy đủ hạnh phúc riêng tư, tôi trưởng thành, và có một lịch sử về chính mình và tình yêu quê hương xứ xở, với con người trên mặt đất này, tôi cô độc ở những hoang mang về sự rạn nứt, sự khó khăn trong những hàn gắn, sự chênh vênh của kết nối. Nỗi buồn trên cây như một định mệnh từ thời thanh xuân, nó sẽ hết khi tôi nằm xuống hay đến chết có hết buồn không, tôi không hề biết, chưa được biết.” Người mang nước.


Tôi nghĩ chúng ta không có nhiều những người nữ băn khoăn về thanh xuân 20 tuổi của mình, là:


“Nỗi buồn trên cây như một định mệnh từ thời thanh xuân, nó sẽ hết khi tôi nằm xuống hay đến chết có hết buồn không, tôi không hề biết, chưa được biết…”


Theo tôi, có thể phần nào, nó phóng lớn bi kịch tưởng tượng(?) của thời mới lớn của một nữ thi sĩ? Nhưng trước nhất, vẫn theo tôi, đó là cá tính, là phía khuất lấp nhất của tâm-thái một người nữ làm thơ không chỉ trước và, trong đời sống mà còn trước và, trong cả cái nghĩa tử / sinh nữa:


“…mưa của mùa thu đầy bão giông
sấm chớp
sự tận cùng của lá chín
của sự về với cái chết kiệt cùng
trên những hàng cây khô
của những tâm trạng không hứng thú
ngưng lại thành giọt buồn
giọt chia ly


“mưa của mùa thu như nước mắt loài người
tan biến
mặn mòi
trên những khổ đau
trên những ngày buồn
vô tận”
(Trích “Tôi là người khác ở xứ sở này”)


Mặc dù Như Quỳnh de Prelle đã cho người đọc, quan niệm riêng của cô về“cá tính”, khi viết:


“cá tính chỉ là một thứ trang sức vô nghĩa
cho những khát vọng lấp đầy trên gương mặt, con chữ
và hình hài thoát khỏi sự cô đơn
không thể chịu đựng hơn…”


Nhưng, từ vô thức, bản chất người nữ vẫn đem phù sa “niềm tin không lý giải” đến cho Như Quỳnh:


“…và tôi sẽ trở thành một cái xác chết khi tôi nằm xuống
bên cạnh người đàn ông vĩnh hằng của tôi
tình yêu tồn tại
tưởng như đã hết khi chết
tôi tin
chúng tôi có thêm một cuộc đời khác
lặng im
cùng trái đất nghiêng
ở đâu đó


“xác chết là tôi
trong tương lai
gần xa
tôi nhìn thấy
tro tàn
trong bình gốm
tôi mỉm cười
xin chào tạm biệt thế giới sống của loài người
tôi đi về cõi khác…”


Trong nỗ lực tìm cho thơ một cách nói riêng, thay vì nói tới kiếp khác, hay tình yêu thiên thu… thì, Như Quỳnh viết chết đi là được “… nằm xuống bên cạnh người đàn ông vĩnh hằng của tôi”


Đó là một trong những “niềm tin không lý giải” có khá nhiều trong “Người mang nước” – một trong những điểm mạnh của tiếng thơ này.


Tôi không biết Như Quỳnh de Prelle đang ở độ tuổi nào? Chỉ hiểu, đi giữa lộ trình chấp thiên đàng / địa ngục, thơ của Như Quỳnh de Prelle cho thấy là kết tinh kinh nghiệm sống đời thường, trước những thành / bại, cùng những ám ảnh tử / sinh, bất toàn của con người –  sinh vật những tưởng là “chúa tể” muôn loài… Nhưng thật ra, con người vốn yếu đối, bất lực như chiếc lá, lúc lìa cành, trôi theo dòng sống…


Phải chăng, chính vì tính độc lập mạnh mẽ (đôi khi trở thành hôn ám) của một người nữ quá mẫn cảm mà, thơ Như Quỳnh bị nhìn là phức tạp, khó đọc? Hay vì đó là những “ghi chú” của tác giả khi khẳng định “cái tôi” một cách quyết liệt, để rồi có thể sau đó, “cái tôi” lại bị phủ nhận, hoặc được treo lên đỉnh cao, cho những tia mặt trời chói chang, tra khảo sự hiện hữu thật / giả của nó!?!
____________
Chú thích:
(1) Như Quỳnh de Prelle cho biết… “Bài thơ Nỗi buồn trên cây được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, sau đổi tên thành “Tôi 30”, được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2014 và nhiều Liên hoan phim khác…”


Như Quỳnh de Prelle tố giác tệ trạng xã hội không khoan nhượng


Như đã nói, “Người mang nước” có ba phần. Mở đầu mỗi phần đã “dẫn nhập” ngắn của tác giả, trước khi bước vào nội dung. Phần hai, của thơ phẩm “Người mang nước”, tựa đề “Nhiệt đới buồn”, Như Quỳnh de Prelle viết:


“Tôi sinh ra, lớn lên ở Đất Mẹ, 30 năm. Những ký ức về tuổi thơ, về quê ngoại, về những trang sách. Sự hiện diện của gia đình. Sự cập nhật của các sự kiện bằng tin tức, mạng xã hội. Khi tôi đã ý thức trở thành một công dân, một con người xã hội, một con người khác ngoài cái tôi và riêng tư, tôi mạnh mẽ và tự tin, tôi độc lập và lặng lẽ. Suốt 30 năm ấy và sau đó, khi tôi đi học, khi tôi làm việc, khi tôi dịch chuyển từ nơi này nơi kia, vượt qua đại dương, trên những chuyến bay, chuyến tàu xa lạ, đến những vùng đất mới, tôi choàng tỉnh đón nhận một buổi sáng đầy hương hoa giữa rừng, tôi nhận ra, tôi còn thiếu bao điều mới lạ khác mà gần gũi hơn với chính tôi, với ký ức của tôi. Và tôi tiếp tục viết. Nhiệt đới buồn. Để tìm tiếng nói tự do, tình yêu trắc ẩn, để tìm quyền sống trong những rung cảm ly ti của những xung động, cảm xúc, để tìm tiếng nói, sự thấu hiểu trong sự khác biệt của nhiều ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Dòng chảy đó liên tiếp liên tiếp, và sẽ không ngưng lại, dù tôi ở đâu, trở thành ai khác. Thi ca đã trở thành sự hiểu biết và nhận thức”  Người mang nước.


Tuy chưa một lần trực tiếp tiếp xúc với Như Quỳnh, nhưng tôi tin, “quyền sống trong những rung cảm” vi tế và, dòng chảy đó sẽ “không bao giờ ngưng lại”dù ở hoàn cảnh hay với “lý lịch nhân thân” nào, thì, chúng cũng vẫn sẽ mãi mãi sinh động trong thơ Quỳnh.


Ở phần 2, “Nhiệt đới buồn”, trước khi người đọc gặp được những thao thức, băn khoăn, trăn trở của tác giả về một đất nước, ở xa, Như Quỳnh đã tự nói về mình, về “cái tôi” chân thật, “như một kẻ tự kỷ của thời đại”:


“…Cái Tôi thuộc về thế giới
nơi nào đó được sinh ra
lớn lên
trưởng thành
và rời bỏ
nhưng chả có nơi nào thuộc về cái Tôi
nó chỉ là một bản thể
1 cá nhân
được tự do trên cánh đồng của người An Nam
bằng ngôn ngữ tiếng Việt
tiếng mẹ sinh ra
cái Tôi được tự do tung tẩy
sống trên những hạt mầm…”
(Trích “Câu chuyện về cái tôi”)


Và, không chút ngập ngừng, không chút khoan nhượng, ở bài thơ thứ hai của “Nhiệt đới buồn”, Như Quỳnh đã chỉ đích danh một số nhân vật thuộc loại “quyền uy xã hội” chỉ là những anh… hề. Cũng trong bài thơ này, lần đầu tiên, người ta thấy những “anh hề” chính trị được cho “đồng sàng” với nhà văn mà tác giả gọi là “anh hề chữ nghĩa”:


“… trong giấc ngủ tôi nhìn thấy một anh hề
anh hề nói về những thân phận con người
ở mọi nơi anh ta đến và đi
những mặc cảm
tự ti


“anh hề cũng tự biết mình hèn nhát
quay sang nói về đám đông
mộng mị


(…)
chàng nói cho tôi về một anh hề khác
y chang
tôi nghi ngờ
thì ra anh hề như thế rất nhiều trong máu từng người
có chữ có mề đai


“nhảy nhót
làm trò
trí thức vừa ngủ vừa mê
làm trò chơi hoà hợp
giả dối lấp liếm


“anh hề và nhà văn thân nhau
họ muốn có nhiều độc giả
nhiều fan
sự ảnh hưởng
nhà văn thì toàn chụp hình thời trang
thích bàn chuyện thị phi phân biệt
rêu rao trí trá…”
(Trích “Anh hề trong giấc ngủ”)


Với tham vọng nói lên được tiếng nói phản ảnh thế hệ của mình, Như Quỳnh đã ghi lại những biến chuyển tâm lý, từ giai đoạn vô thức, ý thức rồi từ tro bụi tới lòng biết ơn:


“tôi nói với bạn về đám cháy của tinh thần
của thế hệ tôi
những lý tưởng mù loà sáng chói
đam mê chạy theo
mải miết cả tuổi thơ mình
cho đến lúc trưởng thành
ra ngoài thế giới
nhận ra
đám cháy trong mình lạnh ngắt
có khi lụi tàn
thành tro bụi
(…)


“tôi biết ơn loài người
nhân loại
biết ơn đám cháy tinh thần
thế hệ tôi
tuổi thơ tôi…”
(Trích “Đám cháy tinh thần của tôi”)


Từ sự biết ơn đó, Như Quỳnh nhìn nói về đất nước với tất cả nồng nàn, chân chất của một đứa con xa quê hương:


“... Tôi nhớ sự giản dị của những món ăn, những ngôi làng, những cái chợ
Tôi sống ở đó
30 năm
tôi khóc, tôi cười, có lúc tôi đau
dường như tôi lạc lõng ở nơi đất Mẹ
Tôi sống ở đó
30 năm
tôi học, tôi làm, tôi trưởng thành như một công dân thế giới


(…)
Và tôi lớn lên ở đó cùng với 80 triệu người
Buồn tột cùng
Chia sẻ tột cùng để tìm hạnh phúc
Và tôi yêu những gì thuộc về nguồn cội của tôi, đất Việt.”
(Trích “Đất nước 1”)


Là thế hệ sinh ra khi đất nước đã chấm dứt chiến tranh. Nhưng sự chấm dứt một cuộc chiến, thông qua cái nhìn, cảm nhận của Như Quỳnh, không có nghĩa là tai ương, đau khổ, bất hạnh, tang chế… đã không còn chỗ để tung hoành, tấn công những con người bần hàn, khốn khổ. Mà trái lại:


“Tôi lớn lên không biết khói đạn bom rơi
Như ba tôi và những người đã nằm xuống
Tôi chỉ nhìn thấy nước mắt rơi
Của nhiều bà mẹ
Của những em thơ đói nghèo
Của những căn nhà dột nát
Của những căn bệnh từ chiến tranh
(Trích “Dữ dội”)

Ba đoạn trích trong Người mang nước


Như Quỳnh de Prelle


Người mang nước gồm ba phần Nỗi buồn trên cây, Nhiệt đới buồn và Babel như một tuyển tập thơ của Như Quỳnh de Prelle suốt từ thời thanh xuân 20 cho đến thời điểm hiện tại. Từ cái tôi và sự riêng tư cho đến những cảm thức vượt ra khỏi bản thân mình để dấn thân vào các sự kiện xã hội, các câu chuyện thế sự bằng cảm quan, sự xung động có lúc mạnh mẽ, có lúc thờ ơ, hoang mang, sợ hãi. Tiếp tục những câu chuyện khác ở thời gian khác, không gian khác về những trải nghiệm và sự khám phá từ chính bản thân với công việc sáng tác như một nghệ thuật của đời thường hiện sinh. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Quỳnh mà là câu chuyện của thế hệ. Thế hệ sinh ra từ những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ của sự dịch chuyển. Dịch chuyển từ bên trong cá nhân đến những không gian bên ngoài, bên ngoài cả đất Mẹ, trưởng thành và luôn dõi theo những sự kiện cũng như những đổi thay trong đời sống xã hội để khát vọng, mong ước dành cho những giá trị phố quát và ý nghĩa hơn không chỉ quê hương mình mà hơn cả là không gian toàn cầu trên khắp các lục địa của trái đất và sự đa dạng văn hoá. Babel không chỉ còn là biểu tượng trong kinh thánh, sự đổ vỡ mà còn chính là sự đang dạng toàn cầu giữa những ngôn ngữ khác nhau, sự đan xen nhiều giá trị để hướng tới tính nhân bản và thống nhất.


Hà Nội-Sài Gòn- Brusels
Mùa Bảo Bình 2007-2018




Nỗi buồn trên cây


Tôi đã tưởng rằng, thời 20 tôi cô độc nhất, nhiều buồn bã nhất. Thì ra, thời thanh xuân rực rỡ ấy, tôi buồn vì tự do của tôi, của cái riêng tư. Lúc này đây, có đầy đủ hạnh phúc riêng tư, tôi trưởng thành, và có một lịch sử về chính mình và tình yêu quê hương xứ sở, với con người trên mặt đất này, tôi cô độc ở những hoang mang về sự rạn nứt, sự khó khăn trong những hàn gắn, sự chênh vênh của kết nối. Nỗi buồn trên cây như một định mệnh từ thời thanh xuân, nó sẽ hết khi tôi nằm xuống hay đến chết có hết buồn không, tôi không hề biết, chưa được biết.                                                                                                                        


Nhiệt đới buồn


Tôi sinh ra, lớn lên ở Đất Mẹ, 30 năm. Những ký ức về tuổi thơ, về quê ngoại, về những trang sách. Sự hiện diện của gia đình. Sự cập nhật của các sự kiện bằng tin tức, mạng xã hội. Khi tôi đã ý thức trở thành một công dân, một con người xã hội, một con người khác ngoài cái tôi và riêng tư, tôi mạnh mẽ và tự tin, tôi độc lập và lặng lẽ. Suốt 30 năm ấy và sau đó, khi tôi đi học, khi tôi làm việc, khi tôi dịch chuyển từ nơi này nơi kia, vượt qua đại dương, trên những chuyến bay, chuyến tàu xa lạ, đến những vùng đất mới, tôi choàng tỉnh đón nhận một buổi sáng đầy hương hoa giữa rừng, tôi nhận ra, tôi còn thiếu bao điều mới lạ khác mà gần gũi hơn với chính tôi, với ký ức của tôi. Và tôi tiếp tục viết. Nhiệt đới buồn. Để tìm tiếng nói tự do, tình yêu trắc ẩn, để tìm quyền sống trong những rung cảm ly ti của những xung động, cảm xúc, để tìm tiếng nói, sự thấu hiểu trong sự khác biệt của nhiều ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Dòng chảy đó liên tiếp liên tiếp, và sẽ không ngưng lại, dù tôi ở đâu, trở thành ai khác. Thi ca đã trở thành sự hiểu biết và nhận thức trong các sáng tác và con đường sáng tạo của Như Quỳnh de Prelle.



Babel


Tiếng Việt là ngôn ngữ tôi viết và sáng tác khi tôi không còn thường xuyên ở quê hương Đất Mẹ. Ngôn ngữ ấy cho tôi khám phá và hiểu biết hơn về những địa lý khác nhau trên trái đất này giữa những giọng nói khác nhau, giữa những ngôn ngữ khác… Ngôn ngữ ấy cho tôi kiệt cùng của chữ, của tình, của những tan biến, mất mát, trong sự vô vọng có khi hy vọng chỉ như một tia nắng, hay một mầm non. Tôi đã hiểu hơn đời sống thường ngày, hiểu hơn con người không xa lạ, dù bất kể nơi nào, ở đâu, những nơi tôi dừng lại, tôi đi qua. Nghệ thuật thường ngày trở thành luồng dẫn điện truyền cảm hứng cho những nhận thức, cảm quan cuả qua những sự sống đơn giản, bình thường mà thành thi ca.

Như Quỳnh de Prelle gửi cho Văn Việt.