Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (15)

Thiền – Thiền tông – Thiền học và Phật pháp – Phật giáo (4)

Nguyễn Thanh Văn

Thiền tông và Thiền học Trung Quốc trong liên quan với Phật giáo Việt (2)

VỀ MỘT LUẬN ĐIỂM CỦA NGÀI J. BACOT ĐƯỢC ÔNG NGUYỄN DUY CẦN, TÁC GIẢ “PHẬT HỌC TINH HOA” TÁN THÁN

Cụ Nguyễn Duy Cần chỉ với công trình Phật giáo tinh hoa đã có công không nhỏ trong việc quảng bá kiến thức căn bản, tối cần thiết cho người học Phật, trước hết là ở thời kỳ trước 1975 ở miền Nam. Đọc kỹ cuốn sách để thấy trong quá khứ, từ rất sớm đã có những trí thức, cư sĩ tự học thành công thế nào. Và phải nói cho tới bây giờ, cuốn Phật giáo tinh hoa vẫn là cuốn sách có nhiều điểm đáng đọc. Ngay cả sự “thiên vị” – tạm gọi như vậy – công khai với tông phái “Đại Thừa”, cụ tỏ ra minh bạch lập trường để lập luận và để người đọc rõ góc độ người viết ở đâu.

Tuy nhiên tôi phải mạn phép xin trích dẫn một đoạn từ cuốn sách vừa dẫn nhằm minh hoạ cho chủ đề đang bàn và ít nhận định chủ quan của mình. Nói chính xác là ý kiến của ông J. Bacot, một học giả người Pháp được cụ Nguyễn Duy Cần trích dẫn và tán thán.

“…Nếu ta tóm thu lại tất cả những gì mà trong các Kinh Sách cho là những lời nói của chính miệng Ngài [chỉ Đức Thích Ca – NTV] ra, như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên – thì phải thú thật chỉ bấy nhiêu thôi thì quả không có gì đáng gọi là xuất sắc lắm, cũng không đủ mà chinh phục cả thế giới”.

Phần tiếng Pháp cụ Nguyễn Duy Cần trích dẫn từ tác phẩm Le Buddha, tác giả: Jacques Bacot:

“…Si on condense ce que les Sutras nous donne comme sa parole: les Quatre Vérités, les Huit Chemins, les Douze Causes, – it faut avouer que rien de tout cela n’est très saisissant, ni n’aurait suffi à conquérir le monde”.

Tác giả Phật học tinh hoa chỉ nói gọn ý tán đồng của mình “…thì tác giả xin nhường lời cho nhà học giả Tây Phương J. Bacot trả lời…” khi có người cho ông đánh giá và xếp “Tiểu Thừa” ở vị trí thấp hơn cái ông gọi là “Quyền Đại Thừa” và “Tối Thượng Thừa” và theo tôi các bạn cũng chỉ cần chút thông tin vậy thôi, nhấn mạnh lòng tin cậy cách nhận định của ngài J. Bacot từ phía cụ Nguyễn Duy Cần.

Việc phân tích tổng quát tác phẩm Phật học tinh hoa không phải là đề tài của bài viết. Thậm chí câu trích dẫn lời nhận định của nhà nghiên cứu Phật học người Pháp cũng không để tranh luận. Sau này thì giới nghiên cứu Tây Phương đã đặc biệt chú ý tới Theravada/Phật giáo Nguyên Thuỷ hơn tới mức có người lại lên tiếng trách móc là có “thiên vị”. Tôi chỉ nhận xét “lẻ” mấy ý sau.

– Hy vọng cả hai vị có biết việc Ngài A Nan thông minh cực kì, đa văn, biện tài đã từng nhận xét về Lý Duyên Khởi với Đức Phật là “không có gì khó hiểu” và Đức Phật răn lại như sau: “Chớ nói thế A Nan! Ai hiểu được Lý Duyên Khởi [tức Thập Nhị Nhân Duyên, ông J. Bacot gọi là les Douze Causes – NTV], thấy được Chánh Pháp; Ai thấy được Chánh Pháp, hiểu được Lý Duyên Khởi! A Nan, chớ nói thế!”. Cụ Nguyễn Duy Cần và ngài Jacques Bacot nếu sống cùng thời với ngài A Nan tri thức chắc chắn hợp nhau và có dịp nghe chính bậc đa văn đệ nhất kể chuyện này.

– Những bài giảng của chính bậc Giáo chủ của một tôn giáo lớn như Phật giáo có nên tiếp cận cẩn trọng hơn không? Nói gọn lỏn “chỉ có bao nhiêu đó mà thôi thì quả không có gì đáng gọi là xuất sắc lắm” đúng là táo tợn. Có một ông Tây uy danh cao hơn J. Bacot xa mấy dặm đã từng xem Đạo Đức Kinh của Lão Tử là lù mù, không đáng để mắt. Nhiều thế kỷ trở lại giới nghiên cứu triết học Paris, Berlin, London… đã chữa lại sai lầm này bằng cách dịch tập sách năm nghìn chữ này cả trăm lần và xếp tập sách mỏng là kho tàng minh triết của toàn nhân loại. Tên người phạm sai sót nghiêm trọng này là Friedrich Hegel.

– Nhan đề tác phẩm là Phật học tinh hoa mà ngay trong Lời giới thiệu lại “nỡ” đồng ý với nhận xét Đức Phật là tác giả những giáo pháp tầm thường, chỉ vào hạng second-class so với chúng đệ tử đời sau. Hoá ra Ngài còn rán ngồi ở cái địa vị mình bất xứng chăng? Cụ Nguyễn Duy Cần cũng đáng trách không kém.

– Liệu dành mọi sự ca ngợi cho hàng đệ tử đời sau so với di sản nghèo nàn của người Sáng Lập Giáo Pháp – ở đây chỉ Đức Phật – thì còn là “Phật” giáo nữa không! Xin hai vị – bên xướng bên tuỳ – trả lời lý do vì sao tài và trí vượt hẳn tiền bối mà không lập luôn tôn giáo mới?

Có người bàn rằng trong lịch sử học thuật Phật giáo Việt, sau thời kỳ nói y như Phật học Trung Quốc nói là thời kỳ lập luận như Phật giáo Nhật Bản lập luận và nếu không có hẳn một thời kỳ lý giải y như các nhà Phật học Phương Tây lý giải thì không khó dẫn những luận điểm đầy tự tín, tự kỉ và cũng đầy tự tiện chỉ vì có một ông Tây nói trước rồi. Thực tế, cũng có một số trí thức ta ngày đó hiểu Phật pháp qua lò của René, Poussin, Conze, Oldenberg… hơn là dòng Long Thọ, Thế Thân hay Thái Hư, Lữ Trừng… Và có chuyện dzui trong một lần tán về Phật pháp với thân hữu, giáo sư Bửu Ý – người từng được nhà thơ Bùi Giáng phong mỹ hiệu “Đồ Tây” (do giáo sư dạy tiếng Pháp và có thể phần vì dù Việt ngữ phong phú có thừa, ông có thói quen chêm tiếng Pháp y như giới trí thức thời trước) đã nhìn trực diện người đối thoại và bằng sắc giọng trịnh trọng nhắc lại Lời Đức Phật: “Moi là Phật đã thành và tụi toi là Phật sẽ thành!”. Trong những câu chuyện vui của đám Huế “lưu vong” của chúng tôi, câu chuyện có duyên liên quan Bửu Ý – ông là Thầy học và lứa đại huynh của tất cả chúng tôi – mang cái tít là “Đức Phật cũng biết tiếng Pháp” (Nếu Bửu Đại Huynh – một người vốn đôn hậu và thừa hài hước – tình cờ đọc mấy dòng này xin coi là nhắc nhau vì nhớ nhau chứ tên tuổi khả ái của Bửu Ý tất nhiên không quan hệ chi vụ các nhà Phật học chịu ảnh hưởng Paris).

Vậy chung cục uy tín được thừa nhận của cụ Nguyễn Duy Cần lại vẫn có lợi cho hậu bối, vì đến một bậc hơn người còn có thể nhầm lẫn không nhỏ thì các lứa chỉ đáng học trò của cụ có nhầm lẫn có khi không phải là sự lạ. Nói khác đi, ít ra chỗ dẫn cho thấy thiên kiến, nói chính xác là sai lầm, về giá trị Kinh Sách lan cả vào giới học giả Đông Tây, kể cả các bậc có tri thức thâm thuý và có đóng góp lớn trong việc quảng bá Phật pháp.

Cái có khi nói vói thêm là việc dùng các từ Đại Thừa/Phật giáo Phát Triển/Phật giáo Bắc Tông/Đại Chúng Bộ… và Tiểu Thừa/Phật giáo Nam Tông/Phật giáo Nguyên Thuỷ/Theravada/Thượng Toạ Bộ… đã khẳng định cách dùng “Tiểu Thừa”/ “Đại Thừa” là sai, lệch nhưng khi nghe hay… lỡ dùng có khi nên niệm tình bỏ qua cho nhau. Từ giữa thế kỷ 20, các học giả đã đề nghị khai tử các từ “Cận Đông”, “Viễn Đông”… lấy Châu Âu làm chuẩn, nhưng ngày nay cũng ít ai bắt bẻ và trên truyền thông hàng ngày còn lải nhải cái sự sai – nếu không nói cả sắc thái “nô lệ” – rành rành đó thôi. Từ vị trí Việt Nam không gọi Hàn Quốc là Viễn Đông được, và khái niệm “Cận” và “Đông” ta chỉ Iran, Quatar hay Syrie… đúng là funny (gọi “Viễn Tây” mới chính xác chứ!).

VẤN ĐỀ ĐỐN NGỘ

Tôi để tiêu đề như trên mà không phải là “Vấn đề Tiệm Ngộ và Đốn Ngộ” vì thực chất không có vấn đề gì với khái niệm “Tiệm Ngộ” cả. Toàn bộ quá trình giáo dục – đạo hay đời không khác – đều có nội dung phát triển tính cách, quá trình hình thành nhân cách có trình tự. “Ngọc kia chẳng giũa, chẳng mài/ Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi/ Con người ta có khác gì…” hay “Nhân bất học bất tri lý”, phần lớn người Việt thế hệ trước còn nhớ. Trong pháp môn Thiền, nhà Đại Sư Phạm Thích Ca không làm khác: Ngài xếp các bậc Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền rồi Tứ Thiền, cơ bản gối nhau mà thành tựu – chưa tính những bài test về thiền xứ từ Vô Sở Hữu Xứ cho tới Diệt Thọ Tưởng Định với nội dung, đặc trưng không thể rõ hơn. Chỗ lù mù, huyền hoặc là sản phẩm của đám vu sĩ, thầy pháp và các nhà huyền đàm no cơm ấm cật, thích nằm massage và nghe nhạc classics ngay cổng chùa. Bản thân Thái tử Tất Đạt Đa, một quý tộc trí thức nổi tiếng ở thành Ca Tì La Vệ, thông minh, sắc sảo hơn đời, viễn kiến cá nhân siêu vượt thời đại mà phải cật lực theo đuổi một “khoá học” sáu năm dài – sau khi như Ngài kể lại với đệ tử đã tích luỹ công phu tu tập bao nhiêu đại kiếp – có lúc chết sống chết dở mới phát Đại Tuệ. Giá Ấn Độ vào thời cổ đại đã phát minh ra pháp môn Hét hay pháp môn Gậy – đặc sản Trung Hoa – thì vua Tịnh Phạn cho rước thẳng về Hoàng Cung dạy cho con cưng thì đâu tới nỗi đêm ngày phập phồng theo con – có thuyết cho nhóm Kiều Trần Như là do chính Đức Tịnh Phạn “thuê” vừa đi tu vừa chăm sóc sa môn Tất Đạt Đa (một trong năm vị này là người học trò còn trẻ măng của Ngài đạo sĩ A Tu Đà, người tiên đoán địa vị Chuyển Luân Thánh Vương hoặc Phật Quả cho Thái Tử Tất Đạt Đa về sau – một quan hệ cho thấy thuyết vừa nhắc cũng có chỗ thú vị).

Vậy vụ “Đốn Ngộ” từ đâu ra và thực chất thế nào? Trước tiên, đấy là hàng độc của Trung Hoa, trước khi Phật giáo các nước đồng văn – Việt, Nhật, Cao Ly (Hàn-Triều Tiên) – phụ hoạ (lưu ý các học giả phương Tây gọi khối các nước “đồng văn” là Sinicized countries/các quốc gia bị Hán hoá/bị Trung Quốc đô hộ, cái tên có phần “oan” cho Nhật Bản). Để dễ hiểu nên nói Trung Quốc là nước đầu tiên công khai các khoá học “Bồ Tát cấp tốc”, “A La Hán siêu cấp tốc” y kiểu “Anh Văn Cấp Tốc”, “Ba tuần nói sõi tiếng Anh” ngày nay ta thường nghe. Ai dạy – bản thân người đứng lớp có bằng Bồ Tát hay A La Hán hay chưa – và bảo đảm chất lượng, kết quả cho các học viên các Khoá A La Hán và Bồ Tát giờ khó làm rõ – hay thực tế có gắn tên tuổi một số Ngài, nhưng văn phong tản mạn nên tránh nêu tên e thiếu lịch duyệt – và phản ứng của các học viên sau khoá học cũng không có tư liệu chứng minh (một số e chẳng dại khiếu nại vì chẳng khác chi xác nhận mình vẫn là… người phàm, chưa chứng quả!).

*Xét về lịch sử (Phật giáo) quả có chuyện “cấp tốc” thiệt. Đấy là trường hợp ba ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và Ca Diếp. (Nhóm ngài Kiều Trần Như – năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật – có lẽ xếp vào chiếu các học viên đào tạo "cấp tốc" này được, tiếc là tôi không kịp check lại, ngờ là Kinh cổ không ghi rõ thời gian. Còn ai nữa tôi chưa rõ). Kinh Nguyên Thuỷ ghi rõ cả ba đều đạt quả A La Hán sau một thời gian kỷ lục: trên dưới 10 ngày. Khoá đào tạo chỉ có đúng một Thầy: Đức Phật, nghĩa là bảo đảm Thầy đã đạt Phật Quả. Không có cảnh khoá đào tạo Tú Tài do một số thí sinh rớt Tú Tài đứng lớp như tôi ngẫu nhiên biết trước 75 và cảnh hướng dẫn làm thơ hay do một số nhà làm thơ (đại) dở phụ trách thỉnh thoảng thấy hiện nay. Gọi là “siêu cấp tốc” không hẳn sai, gọi “đốn ngộ” có miễn cưỡng nhưng cũng hợp lý. Vậy thực tế thế nào? Thực tế là ba Ngài đều là bậc hơn người, những vị Thánh tiềm năng, tích trữ duyên muôn kiếp để gặp bậc Thầy của Trời Người, như thuyền đã đóng xong chờ “điểm nhãn”. Cả ba Ngài gắn bó với đời hoằng pháp của Bậc Đạo Sư, khắng khít, hiệu quả y như lời hẹn tiền kiếp bắt phải hoàn thành. Và các khoá học khác dài ngày – ví dụ với Ngài A Nan – phải tuỳ căn cơ, thực lực, mô phải đóng xong học phí, điểm danh đầy đủ hay quanh quẩn với Thầy Chủ Nhiệm là không lên lớp cũng bắt phải lên.

Làm rõ thêm một điểm, phải đâu là chuyện riêng tư, truyền thừa bí ẩn chi giữa Đức Phật và ba vị đại đệ tử nếu có ai có bụng nghi ngờ. Tiêu chuẩn các khoá học và riêng khoá siêu cấp tốc như các khoá dành cho các học viên Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và Ca Diếp đã được Bậc Thầy công bố tới toàn bộ chúng sinh các cõi. Xin các bạn bỏ thời gian xem Kinh Tứ Niệm Xứ trong A Hàm và Kinh Bộ. Trong nội dung công khai, Đức Phật của chúng ta hứa chắc kết quả… với những ai tận lực, rốt ráo thực hiện sự nghiệp quán Tứ Niệm Xứ. Thời gian Ngài công bố rành mạch là bảy năm, hoặc bảy tháng, hoặc bảy tuần và hoặc bảy ngày (hạn cuối ứng với ba vị đại đệ tử tôi nhắc trên) – không thấy thời hạn bảy giờ hoặc bảy giây tương đương cú ra gậy theo mô đen trung đại Trung Hoa!

Như vậy đã rõ, các khoá học được niêm yết kéo dài từ bảy ngày tới muôn kiếp. Việc ngay khi chưa nhập Niết Bàn, Đức Phật – như kinh kệ đề cập lịch làm việc hằng ngày của ngài – có thời khoảng theo dõi những chúng sanh đủ căn cơ, tới thời điểm có thể đắc pháp, đạt quả để độ. Sự thực hiển nhiên, chuyện “đốn ngộ” là đại duyên hiếm hoi chỉ bước chín muồi của các bậc đã hoàn thành phạm hạnh chờ “điểm nhãn”, đại khái như khoảng thời gian bước vào phòng bác sĩ nhận giấy xuất viện của bác sĩ đã nắm bệnh án hàng triệu kiếp của mình. Chú ý Kinh Nguyên Thuỷ vốn chân phương, không bỏ qua chi tiết, chưa hề đề cập vụ kiện tụng hay đề xuất gấp rút tốt nghiệp A La Hán hay chứng chỉ Bồ Tát của các đệ tử – có lẽ phẩm hạnh biết tàm quý giúp các vị biết đòi hỏi “đốn ngộ” kiểu đó thực chất là biểu hiện của dục tham và ngã mạn.

Vậy thực hư cuộc tranh cãi quyết liệt về “Tiệm” và “Đốn” của Phật giáo Trung Quốc suốt mấy thế kỷ liền là gì?

Cách trả lời đầu tiên đã lộ ở trên. Quan niệm bằng cấp rằng thực học không cần thiết, làm sao cho thiên hạ, nội ngoại biết mình được cấp bằng là thoả dạ, thì tình hình thế đạo An Nam ta hiện nay khác chi. Xét cho cùng, còn chi nghe hợp lý bằng đăng ký tu là háo hức hỏi rõ ngày tốt nghiệp thành… Phật mới tin. Đối với dạng căn cơ tham dục, ngu tối nghe Phật Quả hay A La Hán Quả cũng mường tượng là dạng Thạc Sĩ hay Tiến Sĩ Tâm Linh và Siêu Tâm Linh học hay hao hao hàm nhất, nhị phẩm đó thôi, nắm trong tay cái bằng hay bút phê của Đức Vua cho chắc ăn. Có nhắc “quả Tu Đà Hoàn mà không phải Tu Đà Hoàn, quả A La Hán mà không phải A La Hán” hay “Chánh Pháp còn phải bỏ nói chi tà pháp” e không kết quả gì. Kẻ ghi danh hăm hở đòi học khoá cấp tốc tâm linh, ắt có bậc thầy có năng khiếu thực tế hứa có diệu pháp thoả mãn, thi rớt khéo lại có phúc khảo. Tiêu chuẩn hạ tới mức trong một bộ sách nghiên cứu văn hoá tôn giáo Trung Quốc, sau khi nhắc tên vài bộ Kinh theo thứ tự thời gian – xin không nhắc cụ thể – tác giả buông ra nhận xét: “Cửa vào Niết bàn đã đại hạ giá”. Đọc không ít những biện luận của các bậc luận sư cố làm cho có dạng thâm áo, bác học, không khỏi chạnh lòng thán phục kỹ năng tiếp thị vốn đào tạo riêng cho giới “tour leader” trong ngành du lịch đại chúng. Còn gẫm kỹ – như bao thế kỷ nay gẫm lại của Phật giáo Trung Quốc – không khỏi ngờ vực các tour tâm linh có nơi đến chính xác không và không rõ bản thân các tour leader từng đặt chân tới địa điểm mình quảng cáo chưa. Và số tín đồ quyết theo đốn ngộ chủ nghĩa sau khóa cấp tốc hồn nay về đâu!

Lập luận chỉ một chiều như chính tôi lập luận vừa rồi e quá bi quan – tôi luôn ngờ vực cái bãi THỬ NGẠN nơi các bác, các thầy đang om sòm chèo kéo khách dưới các bảng hiệu “BỈ NGẠN – 30KM” hay “BỈ NGẠN – Sáng đi chiều tới”, nhưng tuyệt vọng thì không vì Đạo của Đức Phật mà tôi tận tín là Đạo của Hy Vọng và Chiến Thắng, Đạo của Người Chỉ Đường đã đi, đã đến đứng ra dẫn đạo. Do đó xin trình bày thêm kiến giải sau.

Thật ra cái lõi của vấn đề là chuyện tam sao thất bổn và nói nôm na là hiện tượng không tới đầu tới đuôi. Ngay trên đất Phật đã có vụ này. Nếu ngay các đệ tử trực tiếp của Đức Phật đều nghe đồng kinh pháp thì đã không có việc Ngài Phú La Na quyết có những lời Đức Phật trực tiếp giảng cho Ngài không đưa vào nội dung kết tập lần thứ nhất. Nội dung kết tập được quy định không đồng nghĩa ai cũng nghe, cũng nhớ và giáo pháp kết tập vào thời chưa có công nghiệp in ấn tất nhiên không được truyền bá rộng rãi và thậm chí không được được truyền bá đúng đắn hoàn toàn. Những mảng Kinh riêng rẽ được giảng, được bảo hộ lâu thành truyền thống mà không đối chiếu với các truyền thống khác và nội dung đầy đủ của Kinh được kết tập dẫn tới dị biệt và tình hình tông phái. Một điểm quan trọng nữa, bản thân Đức Phật với tính thực tiễn và chú trọng con đường giải thoát Tâm cho đệ tử, thường đốc thúc đệ tử áp dụng pháp môn thích hợp là tập trung thiền quán, nỗ lực đạt quả và sau đó tuỳ duyên mà hoằng pháp, độ tha. Ngài một mặt đề cao đa văn, biện tài để giác tha, nhưng mặt khác chú trọng giải thoát bản thân môt cách thực tế và rốt ráo, xem đó cũng là mục đích tự thân, cao thượng. Không cả gan hý luận, phân tích một thực tế chưa đủ tư liệu, chưa nói bản ý của Đức Phật rõ ràng phù hợp với lòng Từ Bi, với thực tế và sức vóc nhân sinh, nhưng phần nào chính khuynh hướng sau của Đức Phật cũng góp một phần cho xu hướng bản vị của các cộng đồng về mặt giáo pháp. Khi chiếu tình hình việc nhớ kinh, niệm kinh thời Đức Phật vẫn thiên hẳn truyền thống truyền khẩu của Ấn Độ và hình dung ra một bán lục địa mông mênh, dân cư phân bố rải rác và một phần đất đai là rừng thẳm, núi cao nơi nhiều giáo phái “đóng quân” thì việc luận như thế cũng không tới độ hồ đồ.

Nói chung là như vậy, nói riêng tình hình hiểu pháp môn “đốn ngộ” ở Trung Quốc không hẳn vậy mà có chỗ như vậy. Nghĩa là việc hiểu và giải thích nội dung “đốn ngộ” vốn đã không rõ ràng lại bị sự thách đố tông phái, trò huyền thoại, suy diễn đẩy đi quá xa làm mất cả hương vị rằng ban đầu có thể chỉ do nhiệt tình, nhiệt huyết hay không tới độ phân liệt quyết liệt mà có bị thổi phồng quá mức chăng, đặc biệt khi đi vào quần chúng thiên về cảm tính và một giới sĩ phu vừa có xu hướng sính hơn thua và mặt khác ưa văn nghệ hoá mọi chuyện, kể cả Chân Lý. Thực tế, giáo lý, thần học rất khó tránh thông tục hoá. Đừng quên một bộ phận của Kinh Pali – không phải tông phái nào cũng nhất trí – được xem là dân gian hoá trước khi quay về thành Kinh thành văn (liên quan các lập luận khác nhau về giá trị Kinh Tiểu Bộ). Đây là lĩnh vực mang khí vị hấp dẫn mà phức tạp, minh triết mà dân dã mang tên Tôn giáo!

Đi vào chi tiết, nói đốn ngộ tất nói thu gọn thời gian tu tập, có hỗ trợ – chủ yếu do Sư Phụ điểm ngộ – vào phút xuất thần, nhanh chóng tiếp cận giải thoát. Trong triết lý “đốn ngộ” – bất chấp chủ ý đã rõ của người viết – không thiếu chỗ hưng phấn. Ngộ và Giải Thoát mới là mục đích trong nhà Thiền, không phải chuyện giảng giải pháp môn, phương tiện dài dòng, đại khái nói cho có image thì đệ tử cứ việc nhẫn nại giã gạo, mặc Sư Phụ để mắt, để tâm theo dõi, đủ căn cơ thì ho ba tiếng phải hiểu canh ba bí mật trình diện Thầy, cá biệt thì Thầy phang một gậy – không phải một chày – may mắn thì tuyên bố đã “ngộ”, chưa đủ căn cơ ắt tiếp tục giã gạo chờ gậy tiếp. Có khi nên hiểu những câu chuyện Thiền loại này như một ẩn dụ nhắc nhở sự chuyên tâm, nhất tâm của cả thầy lẫn trò cho phút chín muồi, thăng hoa tâm linh phải tới mà không hẹn trước – dạng mà Đức Phật gọi là tinh tấn và tỉnh giác thường trực – mà không chây lười, mê mê tỉnh tỉnh trong cơn thiền vĩnh cửu. Vấn đề không khỏi gieo nghi ngờ rằng căn cơ mỗi người mỗi khác thì đã rõ, nhưng phàm là con người thì sinh hoạt, cơ thể, thiện ác, trí khôn, tâm lý… ắt có chỗ tương cận, không thì sao mà cộng giới, cộng nghiệp! Nếu tuyệt đối hoá sinh mệnh, nghiệp dĩ từng cá nhân một e có phần cực đoan. Bình diện khác nhau, nhưng có gợi ý từ quan sát cách tổ chức giáo dục của loài người thì có tôn trọng tính cách, sắc thái cá nhân nhưng không thể không có triết lý về tương đồng tâm lý, nhân cách được. Chỉ một việc có lý tưởng Thánh quả, Niết Bàn cũng gợi được chốn về giống nhau thì ngay chốn khởi đi hay bước quy tụ phải có điểm chia sẻ. Vậy tất nhiên gợi ý về một triết lý và tất nhiên cả giáo án có điểm chung không tránh được. Không thể quyết những bước căn cơ có mùi nội dung giáo khoa mà các thiền sư chau mày, phản đối đều là hàng dổm. Cực đoan chưa bao giờ là bản ý của Đức Thích Ca, Bậc Thầy dạy Trung Đạo. Giáo án – công án Thiền xét về bản chất cũng là một loại giáo án – của Thiền tông được sưu tập nhiều đời các Tổ cũng lập lại và giảm sức sáng tạo mà hệ quả là những lời bình bay bổng, có hương vị giải thoát lẫn cao đ e càng theo thời gian càng kém hấp dẫn như từng hấp dẫn một thời, nếu không nói dễ chừng thành sáo ngữ. Và theo góc nhìn nào đó, cây gậy và tiếng hét khai ngộ bản quyền Trung Hoa lại tượng trưng cho sự nghèo nàn về phương pháp giáo dục hoặc chỉ giữ lại như một phương pháp giáo dục dành cho người lớn cá biệt chăng!

Mặt khác, trong bài viết ngắn không tiện trích dẫn dài các dẫn chứng của chính các tác giả Trung Quốc, tư liệu cho thấy khái niệm “Ngộ” trong “Đốn Ngộ” do chính một số luận sư và thiền sư xác định nghĩa là “ngộ giải” và “chứng ngộ” theo nghĩa một bước về tuệ trí, vượt một ngăn trở tâm linh do thói hý luận và bám ngôn ngữ, văn tự, thông tục – nghĩa là một hoạt động tâm thức có thể hiểu được. Các vị – đều là các bậc đại thanh vọng về học thuật lẫn đạo hạnh – còn công khai đi xa hơn, xác định sau “đốn ngộ” vẫn là các bước tu học – không cần hỏi cũng hiểu mục đích “tiếp tục học” là Giải Thoát và nghĩa là hoá ra các vị “đốn ngộ” có tiếng thét hùng dũng sau mấy trăm năm còn vọng tới đất Việt, được đồng đạo – đồng bào của họ long trọng xác định là chưa… giải thoát! Ít ra kết luận của nhà nghiên cứu cũng cho thấy nếu thiệt như vậy thì hoá ra đốn ngộ cũng không nghịch với tiệm ngộ tới mức không đội trời chung, còn các nhà tiệm ngộ xưa nay đều rõ bước loé sáng cuối cùng của Trí Tuệ không phải là trí tuệ trước đó và vấn đề gọi tên là gì thì còn phức tạp. Nói là phút đốn ngộ lại láy khái niệm cãi nhau ỏm tỏi mấy thế kỷ liền. Đã có khái niệm “Giác Ngộ” và “Đại Ngộ” sao không dùng. Vì muốn có thương hiệu Trung Quốc? Vì tập khí cá nhân? Người duy nhất có thẩm quyền nói về Giác Ngộ tất nhiên là bậc đã giác ngộ, vậy câu chuyện đã kết thúc, tất nhiên trừ người không chấp nhận kết luận khó bàn cãi này. Và thực chất không biết bao nhiêu cuộc tranh cãi cổ kim vô ích đã khởi đi từ một thứ chủ nghĩa phát triển xem nhẹ kinh nghiệm sinh động, vĩ đại và trí tuệ phi thường của NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG, hiểu lệch lạc khái niệm tiến bộ, phát triển trong khu vực tâm linh, mà tôi ngờ cuộc tranh luận ĐỐN NGỘ và TIỆM NGỘ là một ví dụ đáng tiếc nhất. Một vấn đề và chuỗi tranh luận bắt đầu từ việc xác định nội hàm, khái niệm – điều kiện tối căn bản mà logic học phương Tây và Nhân Minh học nhà Phật không có gì phản đối – đã thiếu minh bạch từ đầu, tốn bao nhiêu thế kỷ để quay lại xác định quả có sự nhập nhằng trong định nghĩa, cách hiểu thì tốn kém quá. Chưa nói những chấn thương từ các màn cợt đùa, diễn dịch sai lạc và xem những khái niệm hoàn toàn nghiêm túc do chính Đức Phật truyền dạy trực tiếp như “Thanh Văn”, “Bích Chi Phật”… là hạng này, lũ nọ. Còn công khai xếp các đệ tử trực tiếp của bậc Giáo chủ như các Ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, A Nan, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên… là loại tối dạ, căn cơ thấp thỏi. Tôi thường có cảm giác đau thốn, kinh ngạc khi thấy những luận điểm xấc xược, liều lĩnh và nguy hiểm vừa nhắc được các loại gọi được, gọi càn là Lịch sử Phật giáo và Kinh Luận xác định, phụ hoạ với vẻ cao đạo mà chỉ các bậc đại huyền đàm, đại cao đàm (khoát luận) mà bình dân gọi đơn giản là “gáy” hay “nổ” mới đạt được. Sự thơ ngây khi thấy những lập luận “bác học” này vẫn không ngớt nhân danh, tán thán Đức Phật nhà mềnh, Giáo chủ vẫn an vị, mọi chuyện vẫn đâu đó mà không rõ sự thực là người ta đang báng bổ, hạ bệ Đức Phật một cách hệ thống – kết hợp chiến tranh và “diễn biến hoà bình” ngay ban ngày ban mặt. Trong trường hợp này nên dùng cách nói trong tiếng Anh “What a shame!”. Và không khỏi buồn rầu mà nghĩ rằng lắm khi thiếu vốn liếng huyền đàm cao đạo lại phúc cho mình! Ví dụ ít học một tí, thiếu hẳn khoản kiến văn biện chứng bay bổng lại hiểu ngay khi người ta chửi con – Mô Phật! – là chửi cha và đối tượng khi ai đó chửi trò lại chính là ông Thầy. Việc đánh giá Bài Giảng của Đức Thích Ca – chỉ Kinh Nguyên Thuỷ – là thứ kinh thấp thỏi dành cho hạng đệ tử thấp thỏi thực chất là một vụ “đảo chánh” cung đình, nhằm báng bổ và huỷ hoại uy danh Đấng Giác Ngộ và đòn Kungfu đau nhất trong các đòn độc để knock-out Phật giáo. Còn nhóm hạ độc thủ – tất nhiên trước đó còn khâu chuẩn bị hạ độc thủ mất rất nhiều thời gian – là từ phía “ngoại đạo” như Ngài Thích Minh Châu phân tích hay do phía Phật tử đã bị tẩy não mà si mê không biết, không rõ thì quý vị và chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu.

Người viết xin tạm dừng dù còn khối chuyện để tản mạn. Một lần nữa lưu ý trong tinh thần xây dựng mà bàn vài chỗ cần cân nhắc hơn là dám kết luận, mong không có sự hiểu nhầm là nhân có vụ Biển Đông mà khởi tâm bài (Phật giáo) Hoa hay tỏ thái độ bất kính với quá khứ và với quan hệ gắn bó, mật thiết nghìn năm giữa Phật giáo hai Quốc Độ. Thử hỏi không có gia tài của Phật giáo Trung Quốc thì Phật giáo Việt sẽ tiến lên theo hướng và tốc độ nào từ bước có thể gọi là Mật Tông dân dã ban đầu – dẫn theo phân tích của giới nghiên cứu Việt – và tôi tin bước nhập Thiền tông từ Trung Hoa thay cho dạng Mật Tông huyền hoặc từ các Pháp sư Ấn – chưa làm rõ liệu có phải là tín ngưỡng gì, Phật, Bà La Môn hay một tín ngưỡng dân gian Thiên Trúc nào đó – đi theo tàu buôn sau Công Nguyên là một sự tiến bộ và còn may mắn cho Phật giáo dân tộc. Nói chi tiết hơn, nếu Kinh Bộ được Ngài Thích Minh Châu dịch từ Phạn Ngữ, thì từ Kinh A Hàm của nhóm quý Thầy Tuệ Sĩ và Thích Đức Thắng cho tới các Bộ sách lớn và là các công trình nghiên cứu Phật học giá trị đệ nhất của các Ngài Lữ Trừng và Ấn Thuận do nhóm dịch giả của Thầy Thích Hạnh Bình giới thiệu không dịch từ Hán Ngữ là gì? Ân nghĩa của Phật giáo Trung Quốc đối với Phật giáo Việt không đong đếm được.

Đạo Phật trong bản chất là Đạo quốc tế, Pháp của toàn vũ trụ, Đạo của và cho toàn thể chúng sanh, không nên ám ảnh chuyện quốc tịch của thế đạo. Các Bồ Tát, các Tổ xưa nay đều hoằng pháp với Tâm phi quốc tịch cả. Còn “hành đạo” trong tâm thế công dân là việc khác và xin dành cho một loạt bài khác.