Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Vòng tròn ma thuật (kỳ 4)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

10.

Rubashov gục đầu vào cửa sổ và nhìn ra sân trại. Chân mỏi nhừ, đầu thì váng vất vì đi lại. Anh nhìn đồng hồ, đã mười hai giờ kém mười lăm, nghĩa là anh đã đi đi lại lại liên tục như thế gần bốn tiếng đồng hồ, kể từ lúc sực nhớ tới bức tranh Pietà. Đối với anh đấy không phải là chuyện lạ, anh đã biết rằng những người bị biệt giam thường có những giấc mơ giữa ban ngày như thế, cũng như đã biết tác dụng thôi miên của những bức tường màu trắng. Một đảng viên trẻ, thợ cắt tóc, đã kể cho anh nghe rằng một lần, đấy là năm tù thứ hai, năm khó khăn nhất trong đời anh ta, anh ta từng mơ như thế liên tục bảy tiếng đồng hồ liền: mắt vẫn mở trong khi chân thì cứ bước và anh ta đã đi như thế tổng cộng hai mươi tám cây số trong căn phòng dài có năm bước chân, đến nỗi hai bàn chân phồng rộp lên mà không biết.

Nhưng lần này, thế là hơi sớm; những lần trước chuyện đó chỉ xảy ra sau khi đã bị biệt giam mấy tuần lễ liền. Một điều lạ nữa là anh đã mơ về quá khứ, trong khi các tù nhân biệt giam thường mơ về tương lai, mà nếu có mơ về quá khứ thì cũng là quá khứ tưởng tượng chứ không phải là quá khứ đã từng hiện hữu như giấc mơ vừa rồi của anh. “Trí óc ta còn bày đặt thêm những trò gì nữa đây?”, Rubashov tự hỏi. Kinh nghiệm cũng cho anh biết rằng đối diện với cái chết thì tâm lý và phản xạ của người ta nhất định sẽ thay đổi, sẽ hỗn loạn hết, như chuyển động của kim la bàn khi đem đến gần cực cái nam châm vậy.

Trời vẫn đầy mây, tuyết chắc chắn sẽ rơi; hai người tù đang đi dạo trong sân trại. Một trong hai người thỉnh thoảng lại nhìn về phía cửa sổ buồng Rubashov, chắc tin anh bị bắt đã lan ra rồi. Mặt anh ta hốc hác, da vàng bệch, môi trên có rãnh như môi thỏ, co ro trong chiếc áo mưa mỏng. Người thứ hai trông già hơn, quấn xung quanh người bằng một chiếc chăn tù. Họ không nói gì trong suốt buổi đi dạo và sau khoảng mười phút thì bị một người mặc đồng phục tay cầm dùi cui, lưng đeo súng bắt đi vào. Cửa buồng họ đối diện với cửa sổ buồng Rubashov; trước khi bước vào, anh chàng có môi như môi thỏ còn ngoái lại nhìn về phía Rubashov một lần nữa. Chắc chắn là anh ta không trông thấy Rubashov vì bên ngoài trông vào sẽ thấy rất tối, nhưng rõ ràng anh ta có ý tìm kiếm. “Tôi trông thấy anh nhưng không biết anh là ai; còn anh không trông thấy tôi nhưng lại biết tôi”, Rubashov tự nhủ. Anh ngồi xuống giường và gõ cho phòng 402:

HỌ LÀ AI?

Anh nghĩ 402 đã tự ái và sẽ không trả lời. Nhưng hoá ra 402 trả lời liền:

CHÍNH TRỊ PHẠM...

Rubashov giật mình, anh vẫn nghĩ anh chàng gày gò, môi như môi thỏ là tù hình sự.

NHƯ ANH? Rubashov hỏi.

KHÔNG, NHƯ ANH, 402 đáp. Nhiều khả năng là anh ta vừa gõ vừa mỉm cười. Câu thứ hai nghe to hơn, có thể anh ta lấy kính để gõ.

MÔI THỎ, CẠNH TÔI, 400, BỊ TRA TẤN HÔM QUA.

Rubashov lấy kính lau vào ống tay áo dù anh không định đeo mà chỉ dùng nó để gõ. Anh định hỏi: “TẠI SAO?” nhưng lại gõ:

THẾ NÀO?

TẮM HƠI, 402 lạnh lùng đáp.

Rubashov đã từng bị tra khảo nhiều lần, nhưng cách này thì anh mới nghe chứ chưa biết ra sao. Nếu người ta biết đích xác chuyện gì sẽ xảy ra thì mọi đau đớn về thể xác đều có thể chịu được, thí dụ có thể coi đấy là một ca mổ không có thuốc tê, một vụ nhổ răng chẳng hạn. Những điều chưa biết mới đáng sợ vì người ta sẽ không biết sẽ phản ứng ra sao, không biết mức độ chịu đựng của mình sẽ như thế nào. Và điều kinh khủng nhất, nỗi sợ hãi tái tê nhất chính là lúc đó người ta có thể nói hay làm những việc mà sau này sẽ không thể nào sửa chữa được.

VÌ SAO?, Rubashov hỏi.

LỆCH LẠC CHÍNH TRỊ, 402 gõ một cách chế giễu.

Rubashov đeo kính lên và đút tay vào túi tìm bao thuốc lá. Chỉ còn hai điếu. Sau đó anh gõ tiếp:

CÒN ANH THÌ SAO?

CÁM ƠN, KHÔNG SAO... 402 trả lời rồi bỏ lửng câu chuyện ở đấy.

Rubashov nhún vai; anh châm điếu thuốc và tiếp tục đi bách bộ trong phòng. Thật lạ là ôn lại chuyện cũ làm anh phấn chấn hơn. Tâm trạng buồn chán đã không còn, đầu óc sáng sủa hơn, thần kinh không còn căng thẳng nữa. Anh rửa tay, rửa mặt, súc miệng rồi lau cổ bằng chiếc khăn mùi xoa. Anh huýt sáo, nhưng chỉ nhớ được mấy từ; anh chẳng nhớ được trọn vẹn một bài hát nào. Cách đây vài ngày có người đã bảo: “Nếu Anh Cả mà là nhạc sĩ thì cậu đi đứt lâu rồi”. “Rồi ông ta sẽ cho đi thôi”, Rubashov đáp, mặc dù không tin chuyện đó lắm. Anh châm điếu thuốc cuối cùng và bắt đầu suy tính cách hành xử nếu bị đưa đi thẩm vấn. Anh cảm thấy bình tĩnh và tự tin như hồi còn là sinh viên trước mỗi kỳ thi khó. Anh cố nhớ lại tất cả những gì từng được nghe về cách tra tấn gọi là “tắm hơi”. Anh tưởng tượng ra những tình huống cụ thể, cố gắng đi sâu vào những đau đớn mà thân thể sẽ phải chịu đựng để loại bỏ tất cả những điều huyễn hoặc. Điều quan trọng là không để mình bị bất ngờ. Anh tin chắc rằng trước đây mình đã không bị bất ngờ thì nay mình cũng sẽ không để cho chuyện đó xảy ra được; họ không thể bắt anh nói những điều mà anh không muốn. Mong sao mọi chuyện bắt đầu càng sớm càng tốt.

Người lái xe và Richard lại hiện lên trong đầu: họ đang đuổi theo vì cho rằng anh đã lừa dối họ.

“Bây giờ thì ta sẽ thanh toán hết”, anh tự nhủ và mỉm cười một cách ngượng nghịu.

Điếu thuốc lá đã cháy gần hết, ngón tay bỏng rát, Rubashov vất mẩu còn lại xuống đất. Anh đã định lấy chân gí cho tắt, nhưng sau đó nghĩ lại, anh cúi xuống nhặt mẩu thuốc lá lên rồi chà nhẹ tàn lửa vào giữa hai tĩnh mạch màu xanh trên mu bàn tay trái. Vừa làm như thế anh vừa nhìn đồng hồ trên cánh tay phải: đúng nửa phút sau tàn thuốc mới tắt hẳn. Anh cảm thấy hài lòng: bàn tay không hề giật lên lần nào trong suốt ba mươi giây vừa qua. Sau đó anh lại tiếp tục bước.

Con mắt ghé sát vào lỗ nhòm để quan sát anh trước đó vài phút đã bỏ đi.

11.

Đoàn người đưa cơm trưa đi qua hành lang, lần này họ cũng không vào phòng Rubashov. Nhìn qua lỗ nhòm là việc chẳng hay ho gì cho nên anh không biết bữa trưa tù nhân được ăn gì, chỉ thấy mùi bay khắp phòng, mà mùi thì có vẻ ngon.

Thèm thuốc lá quá. Dù thế nào cũng phải tìm cho bằng được thuốc lá, nếu không thì không thể nào tập trung suy nghĩ được; đối với anh hút quan trọng hơn ăn. Sau khi người ta phát thức ăn chừng nửa tiếng thì anh bắt đầu đấm vào cánh cửa. Phải mười lăm phút sau người giám thị già mới tới.

“Cái gì thế?”, lão ta hỏi một cách cáu kỉnh.

“Tôi muốn mua thuốc lá.”

“Anh có phiếu không?”

“Người ta tịch thu hết tiền của tôi rồi.”

“Thế thì phải đợi để người ta đổi phiếu cho.” “Trong cái cơ sở mẫu mực này thì phải đợi bao lâu?” “Anh có thể làm đơn.”

“Ông cũng biết là tôi làm gì có giấy bút gì đâu”, Rubashov bảo.

“Giấy bút cũng phải có phiếu mới được mua.”

Cơn tức giận dâng lên trong đầu, hơi thở gấp gáp, họng như nghẹn lại, nhưng anh đã kịp trấn tĩnh. Người giám thị già bỗng nhìn thấy ánh mắt sáng quắc qua cặp kính; điều đó làm lão nhớ lại những bức chân dung của Rubashov mà cách đây chưa lâu vẫn được treo khắp hang cùng ngõ hẻm; lão cười khẩy và bước ra.

“Đồ thối tha”, Rubashov vừa nói vừa quay vào và đi về phía cửa sổ. “Tôi sẽ báo cáo là anh lăng mạ tôi”, lão già nói với vào rồi đóng đóng sập cửa lại. Rubashov lấy kính lau vào ống tay áo và đứng đợi cho đến khi hơi thở trở lại đều đặn như cũ. Không có thuốc thì chịu làm sao được. Sau khi đứng đợi như thế chừng mười phút thì anh bắt đầu gõ để nói chuyện với 402:

CÓ THUỐC LÁ KHÔNG? Phải đợi một lúc 402 mới trả lời: KHÔNG PHẢI CHO ANH

Rubashov quay lại cửa sổ. Anh mường tượng viên sĩ quan trẻ phòng bên có ria mép, đeo chiếc kính một tròng, ánh mắt đờ đẫn, mi mắt đỏ lựng, đang nhìn chằm chằm vào bức tường phân chia giữa hai phòng và cười khẩy. Hắn ta đang nghĩ gì nhỉ? Có thể hắn đang nghĩ: “Ta đã cúng cho các ngươi tất cả rồi còn gì”. Mà cũng có thể: “Đồ khốn, bao nhiêu người của chúng ta đã bị ngươi cho ăn đạn rồi?”. Rubashov đứng nhìn bức tường trắng toát; anh cảm thấy rằng đằng sau bức tường này cũng có một người đang đứng nhìn như anh; thậm chí anh còn nghe thấy cả hơi thở của anh ta. “Ta đã bắn bao nhiêu người rồi?”, Rubashov tự hỏi. Nhưng anh không thể nào nhớ được. Đã lâu lắm rồi, từ thời nội chiến cơ; có thể là bảy mươi, mà cũng có thể cả một trăm. Thế thì sao? Lúc đó phải thế, nó khác hẳn với trường hợp của Richard, bây giờ anh cũng sẵn sàng làm như thế. Ngay cả nếu anh biết rằng trước sau gì thì Anh Cả cũng sẽ cưỡi lên đầu cách mạng. Ngay cả nếu biết như thế anh cũng vẫn làm.

“Với ngươi”, Rubashov vừa nhìn vào bức tường mà phía sau cũng có một người đang đứng – có thể lúc đó anh còn đang hút thuốc và phà khói vào tường nữa – vừa nghĩ “với nhà ngươi, ta chẳng có nợ nần gì. Tuyệt đối không nợ gì. Ngươi còn muốn gì nữa?”

402 lại bắt đầu gõ. Rubashov quay lại gần bức tường:

...GỬI THUỐC, anh nghe thấy 402 gõ như thế. Rồi lại nghe anh ta đấm vào cửa để gọi giám thị.

Rubashov đứng lặng, nín thở. Sau vài phút thì nghe có tiếng chân người giám thị già bước ngoài hành lang. Lão ta không mở cửa mà chỉ đứng bên ngoài hỏi vọng vào:

“Cần gì?”

Rubashov không nghe thấy câu trả lời mặc dù anh rất muốn nghe giọng nói của 402. Nhưng viên giám thị lại cố tình nói to nên anh nghe rất rõ:

“Không được, nội qui không cho phép.”

Vẫn không nghe được câu trả lời. Rồi viên giám thị bảo:

“Tôi sẽ báo cáo là anh lăng mạ tôi.” Tiếng chân lão giám thị bước ngoài hành lang xa dần rồi mất hẳn.

Sau vài phút 402 lại gõ:

HỌ THEO DÕI KỸ ĐẤY

Rubashov không trả lời. Anh lại đi bách bộ, cơn thèm thuốc tiếp tục dâng lên, như có cái gì cào xé trong họng. Anh nghĩ đến 402. “Nhưng ta cũng sẽ vẫn làm như thế”, anh tự nhủ. “Lúc đó cần và đúng là phải làm như thế. Nhưng dù sao ta vẫn mắc nợ nhà ngươi. Người ta phải trả giá cho cả những việc cần thiết và đúng đắn ư?”

Cổ họng khô rát, các mạch máu trên trán căng lên, Rubashov vẫn không ngừng đi đi lại lại như cũ và môi anh bắt đầu mấp máy theo ý nghĩ.

“Người ta phải trả giá cho cả những hành vi đúng đắn ư? Liệu có tiêu chuẩn đánh giá nào khác không? Liệu cái người được coi là đúng đắn đó có mắc tội nặng hơn khi anh ta được đánh giá bằng cái tiêu chuẩn kia hay không? Liệu anh ta có phải chịu tội gấp đôi, tức là chịu cho mình và cho cả những kẻ không biết mình đã làm gì hay không...?”

Rubashov đứng như trời trồng trên viên gạch đen thứ ba, tính từ cửa sổ.

Cái gì thế? Loạn trí à? Anh nhận ra là mình đã tự nói thành tiếng được vài phút rồi. Nhận ra nhưng không ngưng được.

“Ta sẽ phải trả hết.”

Và đây là lần đầu tiên kể từ lúc bị bắt Rubashov thấy sợ. Anh đút tay vào túi tìm thuốc lá. Không còn điếu nào.

Có tiếng gõ nhẹ ngay bên cạnh chiếc giường ngủ, đấy là tín hiệu của 402:

MÔI THỎ GỬI LỜI CHÀO

Anh mường tượng trong đầu khuôn mặt vàng vọt đang ngước lên nhìn: lời nhắn làm anh cảm thấy bất an. Anh gõ:

TÊN ANH TA LÀ GÌ?

402 trả lời:

ANH TA KHÔNG NÓI. CHỈ GỬI LỜI CHÀO.

12.

Buổi chiều Rubashov còn cảm thấy khó chịu hơn. Thỉnh thoảnh anh lại rùng mình. Cái răng sâu lại bắt đầu đau, cái răng này nằm ở bên phải hàm trên, có liên quan đến hệ thần kinh mắt. Từ lúc bị bắt đến bây giờ anh chưa được ăn gì nhưng vẫn không cảm thấy đói. Anh muốn tập trung suy nghĩ, nhưng những cơn run vì lạnh, sự ngứa ngáy ở trong cổ làm anh bức bối không chịu được. Trong đầu quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có hai câu: “phải có thuốc ngay không thì ta điên mất” và “ta sẽ trả hết”.

Trí nhớ cũng không để cho anh được yên. Những khuôn mặt, những giọng nói cứ lần lượt hiện lên rồi lại nhòe đi, nhưng hễ anh muốn giữ lại một hình ảnh nào đó thì lại thấy đau nhói trong tim, quá khứ của anh vẫn còn sưng tấy và chảy máu mỗi khi chạm vào. Quá khứ của anh là phong trào, là Đảng; hiện tại cũng như tương lai của anh là thuộc về Đảng, gắn bó không tách rời với số phận của Đảng, nhưng trước đây anh với Đảng đã là một. Thế mà nay quá khứ đó bị đặt thành vấn đề. Anh bỗng phát hiện ra rằng cái cơ thể sống động và ấm áp của Đảng hóa ra lại đầy những mụn nhọt kinh tởm, sưng tấy và rướm máu. Đã bao giờ có những ông thánh thối tha như thế chưa? Những kẻ đê tiện đã bao giờ làm được những điều tốt đẹp chưa? Nếu Đảng là hiện thân của tiến trình lịch sử thì lịch sử cũng chẳng ra gì.

Rubashov nhìn chằm chằm vào những vệt nước trên tường buồng giam. Anh lấy chăn quấn quanh vai và đi đi lại lại thật nhanh, mỗi khúc quanh anh cũng quay người rất nhanh. Nhưng vẫn không hết run. Trong đầu, tiếng ù ù không dứt, thỉnh thoảng còn nghe thấy những giọng nói nhẹ nhàng và mập mờ nữa; anh không biết đấy là từ ngoài hành lang truyền vào hay chỉ là ảo giác. “Đấy là do cái răng sâu, mai phải đi bác sĩ mới được. Bây giờ phải nghĩ đến bao việc khác”, anh tự nhủ như thế. Cần phải tìm cho ra lý do vì sao Đảng lại thoái hóa đến như thế. Tất cả các nguyên lý của chúng ta đều đúng, vậy thì tại sao kết quả lại sai. Đây là một thời đại bệnh hoạn. Chúng ta đã chẩn đoán bệnh tật và nguyên nhân của nó một cách chính xác không chê vào đâu được, nhưng con dao mổ của chúng ta động vào chỗ nào là chỗ ấy không những không khỏi mà lại sưng tấy lên thêm. Chúng ta là những người cứng rắn và trong sạch, đáng lẽ ra chúng ta phải được nhân dân yêu mến mới phải. Nhưng nhân dân lại căm thù chúng ta. Tại sao chúng ta lại bị khinh bỉ và căm thù đến như thế?

Chúng ta nói sự thật nhưng nghe vẫn như là nói dối. Chúng ta đem lại tự do cho nhân dân nhưng tự do trong tay chúng ta lại trông như một cái dùi cui. Chúng ta làm cho dân ấm no hạnh phúc nhưng chúng ta đi đến đâu thì cây khô lá úa đến đấy. Chúng ta nói về tương lai bằng giọng cà lăm và hách dịch...

Người anh bỗng run lên. Trong đầu anh lại hiện lên bức ảnh chụp các đại biểu Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Họ ngồi bên một cái bàn gỗ dài, một số người chống khuỷu tay lên bàn, một số để tay lên đầu gối; hầu như ai cũng để râu và rất nghiêm túc, tất cả đều nhìn vào ống kính. Phía trên đầu mỗi người đều có một vòng tròn nhỏ ghi một con số tương ứng với họ tên ở bên dưới. Tất cả đều trông rất nghiêm nghị, chỉ có ông chủ tịch, già nhất hội, với đôi mắt Tắc–ta ti hí là có ánh mắt cười cợt một cách tinh quái mà thôi. Rubashov ngồi bên cạnh ông ta, kính xệ xuống trên hai cánh mũi. Anh Cả, vai nở và đẫy đà, ngồi ở cuối bàn. Họ, những người đang chuẩn bị một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, trông chẳng khác gì các cố vấn của một hội đồng hàng tỉnh. Lúc đó họ chỉ là một nhóm nhỏ, một giống loài hoàn toàn mới: triết gia–chiến sĩ. Nếu các doanh nhân biết nhiều khách sạn thì họ lại biết hầu hết các nhà tù ở châu Âu. Họ mơ ước cướp chính quyền để vĩnh viễn xóa bỏ quyền lực, họ ước mơ cai trị nhân dân để giúp dân từ bỏ thói quen của những kẻ bị trị. Họ đã biến tất cả các dự định của mình thành hành động, họ đã biến tất cả ước mơ thành hiện thực. Họ đi đâu cả rồi? Tất cả những bộ não thông tuệ từng làm thay đổi cả tiến trình lịch sử đều đã được “xơi” một viên đạn. Người thì tự bắn vào trán, kẻ thì bị bắn vào gáy. Ngoài anh và Anh Cả ra thì chỉ có hai hay ba người đang lưu vong tận phương trời nào, không nhà không cửa, thân tàn ma dại, là còn sống.

Rubashov cảm thấy lạnh và thèm thuốc lá quá. Anh bỗng thấy mình đang đi trên một bến cảng ở nước Bỉ, bên cạnh là anh chàng Levy Còi vui tính, lưng hơi gù, miệng ngậm tẩu thuốc. Anh ngửi thấy mùi của bến cảng, một cái mùi hỗn hợp giữa dầu xăng và rong biển chết, anh nghe thấy tiềng chuông đồng hồ trên tháp tòa thị chính, rồi anh đi qua những con phố hẹp với những ngôi nhà mà tầng trên được xây nhô ra với các ô cửa sổ trông như chuồng gà treo đầy quần áo của các cô gái điếm. Chuyện này xảy ra sau khi anh giao thiệp với Richard được hai năm. Họ không tìm được chứng cớ gì để chống lại anh. Anh không khai một lời nào, dù bị đánh đến chết lên chết xuống, dù bị đánh gãy mấy cái răng, dù bị đánh đến ù tai, có lần bị đánh vỡ kính, mảnh thủy tinh suýt đâm vào mắt, nhưng anh vẫn không hé răng nói nửa lời. Anh không nói mà nếu có nói thì cũng phủ nhận hết hoặc nói dối một cách cực kì khéo léo. Anh đi đi lại lại trong phòng giam, anh bò trên đá lạnh trong phòng tra tấn, anh rất sợ nên luôn chuẩn bị cách đối phó, mỗi khi tỉnh lại vì bị dội nước lạnh vào người anh lại xin thuốc hút và tiếp tục nói dối. Anh không ngạc nhiên khi thấy những tên đao phủ đối xử độc ác và tỏ thái độ căm ghét mình đến thế. Bộ máy độc tài đang hoạt động hết công suất, nhưng chúng không tìm được một chứng cứ nào. Sau khi được tha, anh được đưa lên máy bay để trở về nước, trở về quê hương của Cách mạng. Anh được mọi người chào đón, được tham gia vào những cuộc mít tinh quần chúng, có cả những cuộc duyệt binh chào mừng nữa. Ngay Anh Cả cũng thường đứng bên anh trong những buổi mít tinh như thế.

Anh đã sống ở nước ngoài nhiều năm, mọi thứ đã thay đổi nhiều quá. Một nửa số người chụp trong bức ảnh ngày xưa đã không còn. Tên tuổi của họ đã không còn được nhắc tới mà nếu có nhắc thì bao giờ cũng kèm theo những lời rủa xả – trừ một người, đấy là ông già có đôi mắt nheo một cách tinh quái, vị lãnh tụ của những ngày xa xưa, ông đã tỏ ra thức thời và đã chết đúng lúc. Ông được gọi là Cha Già, còn Anh Cả là Con; nhưng người ta vẫn đồn là Anh Cả đã chữa di chúc của ông để giành vị trí kế thừa. Những người còn sống thì đã thay đổi đến không thể nhận ra được nữa. Họ đã cạo râu, đã già yếu, hom hem và không còn ảo tưởng nữa, người nào cũng có vẻ chán chường, yếm thế. Thỉnh thoảng Anh Cả lại đưa một người trong số họ ra làm nạn nhân. Tất cả đều đấm vào ngực thùm thụp và đều đồng thanh sám hối về những tội lỗi mà họ đã phạm. Ở nhà chưa được nửa tháng Rubashov đã xin được ra nước ngoài công tác. “Anh có vẻ vội đấy nhỉ”, Anh Cả vừa nói vừa nhìn anh qua làn khói thuốc lá. Sau hai mươi năm nằm trong ban lãnh đạo Đảng nhưng khi nói chuyện với nhau họ vẫn sử dụng các đại từ nhân xưng “anh, tôi” như cũ. Trên đầu Anh Cả là ảnh Ông Cụ; trước đây, ở bên cạnh còn có bức ảnh chụp các triết gia–chiến sĩ, nhưng nay bức ảnh này bị bỏ đi rồi. Cuộc gặp chỉ kéo dài có mấy phút, nhưng khi sắp bước ra thì Anh Cả bỗng đứng hẳn lên và bắt tay một cách rất trịnh trọng. Sau này Rubashov vẫn thường suy nghĩ về ý nghĩa của cái bắt tay cũng như ánh mắt giễu cợt của Anh Cả sau làn khói thuốc lá trong lần gặp gỡ đó. Rồi anh rón rén đi ra khỏi phòng, Anh Cả không đứng lên tiễn. Sáng hôm sau anh xuống tàu đi Bỉ.

Ngay sau khi đỡ mệt anh liền nghĩ đến nhiệm vụ được giao. Levy Còi, bí thư chi bộ cảng với chiếc tẩu bất ly thân, đón anh khi tàu vừa cập bến. Anh thấy mến anh ta ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh ta dẫn Rubashov đi xem khu vực bến tàu và các con phố hẹp ngoằn ngoèo trong thị xã với sự nhiệt tình và lòng tự hào như thể một mình anh ta xây dựng nên tất cả vậy. Quán xá nào anh ta cũng có người quen; công nhân bốc xếp, thủy thủ và cả các cô gái điếm, ai cũng muốn mời anh một ly, còn anh thì chào họ bằng cách giơ cái tẩu thuốc lên ngang mang tai. Ngay cả viên cảnh sát giao thông ở gần chợ cũng nháy mắt với anh ta khi họ đi ngang, còn các thủy thủ nước ngoài, những người không nói được tiếng Pháp thì thân mật vỗ vai anh ta. Rubashov hơi lấy làm ngạc nhiên. Không, Levy Còi không hề bị quần chúng căm thù hay ghét bỏ. Chi bộ của các công nhân bốc xếp là một trong những chi bộ điển hình trên toàn thế giới.

Buổi chiều Rubashov, Levy Còi và mấy người nữa tụ tập trong một quán ăn trên bến cảng. Một người tên là Paul, bí thư chi bộ, cũng có mặt. Anh ta vốn là một đô vật, đầu đã hói, mặt rỗ hoa vì bệnh đậu mùa với đôi tai to, vểnh lên. Anh ta mang trên đầu một chiếc mũ đen, bên ngoài chiếc áo len thủy thủ còn khoác thêm một chiếc áo ấm nữa. Anh ta có khiếu vẫy tai, mỗi khi vẫy cái mũ trên đầu cũng nâng lên hạ xuống theo. Một người nữa tên là Bill, vốn là thủy thủ và có viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời thủy thủ nổi tiếng suốt mấy năm nhưng sau đó thì bị rơi vào quên lãng, hiện nay anh ta viết cho cơ quan ngôn luận của Đảng. Những người còn lại đều là công nhân bốc xếp, chậm chạp, uống nhiều nhưng ít nói. Thỉnh thoảng lại có một đám người đi vào, nhóm thì ngồi, nhóm thì đứng; uống xong là họ ra liền. Ông chủ quán, một người to béo, hễ rảnh là lại đến ngồi cùng với họ. Ông ta biết thổi kèn acmônica. Khá nhiều người uống đến say khướt.

Levy Còi giới thiệu Rubashov là một “đồng chí từ Bên Nớ” sang mà không giải thích gì thêm. Chỉ có mình anh ta biết rõ Rubashov mà thôi. Thấy Rubashov không muốn nói chuyện, họ chỉ hỏi vài câu, chủ yếu là về điều kiện sống ở “bên nớ”, về lương bổng, về đất đai và sự phát triển công nghiệp. Họ có những hiểu biết rất cụ thể về kỹ thuật, nhưng hầu như không biết gì về tình hình chung cũng như tình hình chính trị “bên nớ”. Họ hỏi về sự phát triển của ngành than cứ y như trẻ con hỏi về kích thước của quả nho ở vùng Đất Thánh vậy. Một công nhân bốc xếp đã có tuổi, vẫn đứng bên cạnh quầy rượu ngay từ đầu nhưng không đặt món gì, được Levy Còi gọi tới, sau khi bắt tay đã nói với Rubashov: “Trông ông rất giống ông Rubashov ngày xưa”. “Cũng nhiều người nói với tôi như thế”, Rubashov đáp. “Rubashov ngày xưa đúng là một người giỏi”, người công nhân già nói và dốc ngược ly lên. Tính đến hôm nay, Rubashov được trả tự do chưa đầy một tháng và chưa đến ba tháng kể từ ngày anh biết rằng mình sẽ không bị giết. Ông béo, chủ quán, chơi một bản nhạc bằng đàn acmônica. Rubashov châm thuốc rồi gọi cho mỗi người một li. Họ nâng cốc chúc mừng sức khoẻ anh và sức khoẻ của tất cả những người ở “bên nớ”, bí thư Paul vẫy tai, mũ của anh nhảy lên nhảy xuống nhịp nhàng.

Sau khi mọi người đã về hết, Rubashov và Levy Còi còn ngồi lại khá lâu. Chủ quán hạ cánh cửa và xếp chổng ngược chân ghế lên các bàn rồi ra sau quầy đánh một giấc ngon lành, trong khi Levy Còi kể cho Rubashov nghe về cuộc sống mình. Chuyện này thì Rubashov không yêu cầu: nếu tất cả các đồng chí đều bắt anh phải nghe chuyện đời họ thì sẽ rắc rối to. Anh đã định đi ngay, nhưng sau thấy mệt quá – có lẽ anh đã không lượng đúng sức lực của mình, nên đành ngồi lại.

Hoá ra Levy Còi không phải người Bỉ, mặc dù giọng anh giống hệt người địa phương và biết hầu như tất cả mọi người ở đây. Anh sinh ra ở miền nam nước Đức, đã có nghề mộc, từng chơi ghi ta và giảng lý thuyết Darwin trong các câu lạc bộ thanh niên cách mạng. Trong cái tháng hỗn loạn trước khi nền Độc Tài được thiết lập, đấy là lúc Đảng rất cần vũ khí thì trong thành phố nơi Levy Còi sống đã diễn ra một sự kiện độc đáo có một không hai: một buổi chiều chủ nhật, năm mươi khẩu súng trường, hai mươi khẩu súng lục và hai khẩu tiểu liên cùng với rất nhiều đạn dược được chở thẳng từ một đồn cảnh sát giữa khu phố đông đúc trên hai xe tải chở đồ gỗ. Hai cảnh sát mặc đồng phục đi trên xe có giấy tờ với đầy đủ dấu má ra lệnh xếp lên xe để vận chuyển số vũ khí đó đi nơi khác. Số vũ khí này sau đó được tìm thấy trong một vụ khám xét ga–ra ô tô của một đảng viên ở thị trấn bên cạnh. Cảnh sát không tìm ra đầu mối vụ việc, nhưng ngày hôm sau Levy Còi phải rút vào hoạt động bí mật. Đảng hứa cung cấp cho anh ta căn cước và các giấy tờ tuỳ thân khác, nhưng việc không thành vì người giao liên cùng với giấy tờ và tiền đã không đến điểm hẹn.

“Bao giờ cũng như thế cả”, Levy Còi nói, giọng đầy vẻ triết lý. Rubashov im lặng.

Mặc dù vậy, Levy Còi đã trốn thoát và cuối cùng vượt qua được biên giới. Vì đã có lệnh truy nã và ảnh của anh với một bên vai lệch dán ở tất cả các đồn cảnh sát nên anh phải sống chui sống lủi suốt mấy tháng liền. Thế mà khi anh ta chuẩn bị đi gặp giao liên thì trong túi chỉ còn đủ tiền ăn trong ba ngày. “Trước đây tôi cứ nghĩ rằng chuyện nhai vỏ cây chỉ có trong sách vở. Gặp được cây non thì còn khá”, Levy Còi nhận xét như thế. Rồi anh ta đi về phía quầy, có thể cái đói trong tiềm thức đã buộc anh ta làm thế, và đem đến hai cái xúc xích. Rubashov nhớ lại những bát canh “toàn quốc”, những vụ tuyệt thực trong tù và cùng ăn với Levy Còi.

Levy Còi vượt biên giới Pháp. Vì không có căn cước nên anh bị bắt ngay lập tức, người ta bảo anh phải sang nước khác rồi thả cho muốn đi đâu thì đi. “Họ làm như tôi có thể leo lên mặt trăng không bằng”, Levy Còi trầm ngâm nói. Anh tìm gặp Đảng đề nhờ giúp đỡ, nhưng ở đây không có đảng viên nào biết anh thành ra người ta nói phải tìm hiểu ở bên Đức trước đã. Anh lại đi lang thang; sau đó mấy ngày thì bị bắt lại và bị kết án ba tháng tù giam. Khi ngồi tù anh làm quen với một người vốn là dân bụi đời và giải thích cho anh ta các nghị quyết của kì đại hội Đảng vừa qua. Để trả công, người này lại dạy cách giết rồi lột da mèo hoang để bán lấy tiền. Sau ba tháng tù, một đêm cảnh sát đem anh đến khu rừng biên giới với Bỉ rồi đưa cho một ít bánh mì, phó mát và một bao thuốc lá Pháp và bảo: “Đi đi. Chừng nửa tiếng thì sang đến Bỉ. Chúng tao mà bắt được lần nữa thì coi chừng đấy.”

Anh lang thang ở Bỉ mấy tuần. Anh lại yêu cầu Đảng giúp đỡ, nhưng họ cũng trả lời y như ở Pháp. Khi đã chán vỏ cây anh quay sang nghề bán da mèo. Bắt mèo không khó, một tấm da mèo không ghẻ lở có thể đổi được nửa cái bánh mì và gói thuốc lá quấn. Nhưng bắt thì dễ mà lột da thì khó hơn nhiều. Phải túm thật nhanh lấy tai và đuôi rồi lấy đầu gối đè lên mình nó. “Lúc đầu buồn nôn lắm. Sau này thì quen”, Levy Còi nói. Đáng tiếc là Levy Còi lại bị bắt vì ở đây người ta cũng đòi phải có giấy tờ tuỳ thân. Mọi chuyện cứ thế tái diễn: trục xuất, bắt lại, tù. Một đêm nọ, hai người cảnh sát Bỉ đem anh đến khu rừng biên với Pháp rồi đưa cho một ít bánh mì, phó mát và bao thuốc lá Bỉ và bảo: “Đi đi. Chừng nửa tiếng thì sang đến Pháp. Chúng tao mà bắt được lần nữa thì coi chừng đấy.”

Suốt năm sau anh bị, khi thì cảnh sát Pháp, lúc thì cảnh sát Bỉ, đẩy qua đẩy lại biên giới đến ba lần. Hoá ra có hàng trăm người bị hành xử theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như thế suốt mấy năm trời. Đã nhiều lần anh tìm cách liên hệ với tổ chức Đảng địa phương vì anh lo nhất là bị mất liên lạc với phong trào. “Tổ chức cũ của đồng chí chưa chuyển sinh hoạt cho đồng chí”, những người có trách nhiệm đã nói với anh như thế. “Chúng tôi phải đợi công văn phúc đáp. Nếu là đảng viên thì đồng chí hãy tuân thủ kỷ luật Đảng”. Anh tiếp tục kiếm sống bằng nghề lột da mèo và để mặc cho cảnh sát đẩy qua đẩy lại trên biên giới giữa Pháp và Bỉ. Một năm trôi qua, Levy Còi đã cảm thấy yếu, anh ho ra máu và cứ nằm ngủ là mơ thấy mèo. Lúc nào anh cũng ngửi thấy mùi mèo: thức ăn, thuốc lá, thậm chí cả phòng ngủ của mấy cô gái điếm già, họ thường cho anh tá túc qua đêm, cũng có mùi mèo. “Chúng tôi vẫn chưa nhận được giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt của đồng chí”, các cán bộ Đảng vẫn nói với anh như thế. Sang đến năm sau nữa thì tất cả những người từng biết Levy Còi đều đã bị giết, bị bắt tù hoặc mất tích hết. “Chúng tôi không thể giúp gì cho đồng chí được”, các cán bộ Đảng bảo anh. “Đáng lẽ khi chưa có giấy giới thiệu thì đồng chí không nên đi. Hay là đồng chí đã bỏ đi mà không báo cáo với Đảng? Làm sao chúng tôi biết được? Tụi gián điệp và khiêu khích thì nhiều lắm. Đảng phải luôn luôn cảnh giác.”

“Anh kể với tôi tất cả những chuyện đó để làm gì?”, Rubashov hỏi, thâm tâm lấy làm tiếc là đã ở lại.

Levy Còi ra quầy và tự rót lấy một ly bia rồi đưa cái tẩu thuốc lên ngang tai.

“Đây là một bài học”, anh ta nói. “Vì đây là một trường hợp điển hình. Có hàng trăm người như tôi. Những đảng viên trung kiên nhất đã hi sinh như thế suốt mấy năm qua. Càng ngày Đảng càng giống như một lão già hết hơi. Một lão già lọm khọm, chân run, mắt mờ. Làm cách mạng thế nào được.”

“Tôi còn có thể nói cho anh nghe nhiều chuyện nữa”, Rubashov tự nhủ, nhưng lại ngồi im.

May là câu chuyện của Levy Còi kết thúc có hậu. Trong một lần ngồi tù, mà Levy Còi đi tù như cơm bữa, anh được nhốt chung một buồng với cựu đô vật Paul. Lúc đó Paul đã là công nhân bốc xếp; anh bị bắt là vì đã đem một miếng võ gọi là “Nelson đúp” ra để chống lại cảnh sát trong một vụ đình công. Muốn ra đòn này thì phải đứng sau đối thủ, luồn hai tay qua nách đối thủ rồi vòng ra sau gáy và ghì đầu đối thủ xuống cho đến khi cổ hắn ta kêu răng rắc mới thôi. Trên sàn đấu anh luôn nhận được những tràng pháo tay khi sử dụng miếng võ này, nhưng đáng tiếc là trong cuộc đấu tranh giai cấp thì không ai làm như thế cả. Levy Còi và Paul trở thành đôi bạn thân thiết từ đấy. Hoá ra Paul là bí thư thường trực của chi bộ Đảng của công nhân bốc xếp; sau khi mãn hạn anh ta đã kiếm được giấy tờ tuỳ thân và sắp xếp việc làm cũng như phục hồi Đảng tịch cho Levy Còi. Từ đó Levy Còi lại tiếp tục giảng lý thuyết Darwin và các nghị quyết được thông qua tại Đại hội gần đây của Đảng, lần này là cho các công nhân bốc xếp, như chưa có chuyện gì xảy ra. Anh rất vui và lập tức quên hết những chuyện liên quan đến mèo cũng như sự khó chịu mà các cán bộ quan liêu của Đảng từng gây ra với anh. Nửa năm sau anh được bầu làm người đứng đầu chi bộ Đảng của các công nhân bốc xếp. Thế là may mắn rồi.

Rubashov nhiệt liệt chúc mừng Levy Còi vì câu chuyện đã kết thúc một cách có hậu như thế. Nhưng anh vẫn nhớ rõ nhiệm vụ của mình, chỉ có một điều anh chưa học được, đấy là tự dối mình, mặc dù biết rằng đấy cũng là một phẩm chất cần thiết của người cách mạng. Anh nhìn chằm chằm vào Levy Còi. Trong khi Levy Còi tỏ ra lúng túng vì không hiểu tại sao Rubashov lại nhìn mình như thế và vừa mỉm cười vừa đưa cái tẩu thuốc lên như có ý chào thì Rubashov lại nghĩ đến những con mèo tội nghiệp. Anh kinh ngạc nhận ra rằng đầu óc mình có vấn đề, có thể anh đã uống quá nhiều. Anh không thể nào gạt bỏ được ý nghĩ rằng mình phải tóm lấy hai tay và hai chân Levy Còi rồi lấy gối đè lên người anh ta. Cảm thấy như đang lên cơn sốt, Rubashov đứng lên và đi ra ngoài. Levy Còi tiễn anh đến tận khách sạn; vì thấy Rubashov bỗng nhiên bị trầm cảm, anh cũng không nói gì thêm. Một tuần sau Levy Còi treo cổ tự tử.

Trước đó đã có mấy cuộc họp chi bộ. Các vấn đề đem ra thảo luận cũng không có gì phức tạp.

Hai năm trước Đảng đã từng kêu gọi giai cấp công nhân toàn thế giới đứng lên đấu tranh chống lại một chế độ độc tài vừa được thành lập ở Trung Âu bằng cách bất hợp tác cả về chính trị lẫn kinh tế. Nghĩa là không bốc dỡ hàng hoá xuất khẩu cũng như ngăn chặn không cho các thiết bị, vật tư nhập khẩu dành cho công nghiệp quốc phòng của nước này đi qua. Các tổ chức Đảng đã nhiệt tình thực hiện chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương. Công nhân bốc xếp trên cái hải cảng nhỏ này đã kiên quyết không chịu bốc dỡ hàng hoá đến và đi khỏi đất nước độc tài nọ. Họ được các tổ chức công đoàn ủng hộ. Đã xảy ra vài cuộc đụng độ với cảnh sát, có cả người chết và bị thương. Kết quả cuộc đấu tranh còn chưa ngã ngũ thì có một đoàn tàu lạ gồm năm chiếc tàu chở hàng đã cũ, màu đen cập cảng. Lá cờ của Cách mạng phần phật bay trên boong, còn thân mỗi con tàu đều có tên một vị lãnh tụ được viết bằng những chữ cái lạ lẫm được sử dụng ở “bên nớ”. Các công nhân đang bãi công nhiệt liệt chào đón đoàn tàu. Họ tham gia ngay lập tức vào việc dỡ hàng. Mấy giờ sau mọi người mới biết rằng đấy là một số loại quặng hiếm dùng cho nền công nghiệp quốc phòng của cái đất nước đang bị tẩy chay kia.

Ban chấp hàng Đảng bộ công nhân bốc xếp nhóm họp ngay sau đó; cãi nhau chán không xong, các đồng chí phải dùng đến nắm đấm để giải quyết. Các cuộc tranh luận diễn ra khắp nơi. Báo chí phản động được dịp tha hồ chế nhạo. Cảnh sát không can thiệp, để mặc cho công nhân cảng tự quyết định việc bốc dỡ hàng hoá của đoàn tàu lạ. Ban lãnh đạo Đảng tuyên bố chấm dứt bãi công và hạ lệnh bốc hàng. Họ đã giải thích rất khéo léo đường lối của nhà nước Cách mạng, nhưng ít người tin. Tổ chức bị phân hoá, đa số đảng viên cũ bỏ sinh hoạt. Suốt mấy tháng liền tổ chức hầu như chỉ tồn tại trên giấy; nhưng sau đó, do nền công nghiệp trong nước suy thoái nên Đảng lại giành được sự ủng hộ và tăng cường được sức mạnh.

Hai năm trôi qua. Một chế độ độc tài cực kì tham lam khác ở Nam Âu bắt đầu gây chiến nhằm cướp bóc và xâm lược châu Phi. Đảng lại kêu gọi tẩy chay. Quần chúng tham gia còn nhiệt tình hơn cả lần trước. Chính phủ hầu hết các nước trên thế giới cũng quyết định tham gia tẩy chay nhằm chặn đứng nguồn cung cấp nguyên liệu cho kẻ xâm lược.

Không có nguyên liệu, nhất là dầu hoả, kẻ xâm lược nhất định sẽ thất bại. Đoàn tàu lạ mầu đen lại nhổ neo. Chiếc tàu lớn nhất mang tên một người phản chiến nổi tiếng và đã bị giết. Với lá cờ cách mạng phấp phới trên cột buồm, lần này đoàn tàu có nhiệm vụ chở dầu cho quân xâm lược. Đoàn tàu mới nhổ neo được một ngày, Levy Còi và các đồng chí của anh chưa biết gì. Rubashov được giao nhiệm vụ làm công tác tư tưởng cho các đảng viên ở đây.

Ngày thứ nhất Rubashov không nói gì, anh chỉ nghe ngóng và quan sát. Cuộc họp chi bộ của công nhân bốc xếp được tổ chức vào sáng ngày thứ hai.

Giống như tất cả các văn phòng khác của Đảng trên toàn thế giới, đấy là một căn phòng rộng, gần như trống không và rất bừa bộn, được bài trí một cách sơ sài. Một phần là do kinh phí hạn hẹp, nhưng chủ yếu là do quan niệm sống khắc khổ và tẻ nhạt đã trở thành truyền thống. Trên tường dán đầy các áp phích của những cuộc vận động bầu cử trước đây, cùng các khẩu hiệu chính trị và những bản thông báo đã ngả màu.Trong một góc phòng người ta thấy một máy in phủ đầy bụi băm, còn góc bên kia là một đống quần áo cũ giành cho gia đình các công nhân tham gia đình công, bên cạnh đó là những cuốn sách mỏng và những tờ truyền đơn cũng đã bạc màu vì năm tháng. Giữa phòng là một cái bàn dài, thực ra đấy chỉ là hai tấm ván đặt trên hai cái ghế ngựa mà thôi. Cửa sổ thì đầy các vệt vôi, y như một căn nhà còn đang xây dựng dở. Ngay phía trên cái bàn là một bóng đèn tròn treo trên sợi dây điện, một tấm bìa có dán tờ giấy dính để bẫy ruồi cũng treo lủng lẳng ngay bên cạnh như thế. Ngồi xung quanh bàn là Levy Còi, cựu đô vật Paul, nhà văn Bill và ba người nữa mà Rubashov không biết tên.

Rubashov nêu lý do cuộc họp. Anh đã quen với khung cảnh này, cái sự luộm thuộm đã thành truyền thống làm cho anh cảm thấy như đang ở nhà mình. Rõ ràng anh được giao một nhiệm vụ cực kì quan trọng và cần thiết, anh thật không hiểu vì sao đêm hôm trước, trong cái nhà ăn công cộng ồn ào anh lại cảm thấy băn khoăn như thế. Anh giải thích tình hình một cách khách quan và mạch lạc nhưng không đề cập đến lý do của chuyến công tác này. Vụ tẩy chay kẻ xâm lược đã bị thất bại vì sự phản bội và lòng tham của chính phủ các nước châu Âu. Một số nước chỉ giả vờ tẩy chay, số khác thì hoàn toàn dửng dưng. Trước đây Nhà nước Cách mạng cung cấp phần lớn nhu cầu về nhiên liệu cho nước này. Nếu nay ngừng cung cấp thì các nước khác sẽ nhảy vào ngay: trên thực tế họ không mong gì hơn là đẩy Nhà nước Cách mạng ra khỏi thị trường thế giới. Những hành động mang tính lãng mạn chỉ đem lại những tác động tiêu cực đối với sự phát triển ngành công nghiệp ở “Bên Nớ” và phong trào cách mạng trên toàn thế giới mà thôi. Mọi người có thể tự rút ra kết luận.

Paul và ba công nhân bốc xếp có chân trong chi uỷ cùng gật đầu. Họ là những người chậm hiểu; tất cả những lời của đồng chí từ Bên Nớ đốI với họ đều có lý cả, đối vớI họ đấy chỉ là một bài lý thuyết suông, không có ảnh hưởng trực tiếp nào. Họ không biết anh ta đang đưa họ đi đâu, không ai đoán được rằng có một đoàn tàu đang sắp sửa cập cảng. Chỉ có Levy Còi và nhà văn là nhìn nhau tỏ vẻ lo lắng mà thôi. Nhưng Rubashov đã nhận ra. Anh kết thúc bài nói chuyện một cách lạnh lùng:

“Tôi đã trình bày với các đồng chí tất cả các vấn đề thuộc về nguyên tắc. Các đồng chí có trách nhiệm thực hiện tất cả các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương và giải thích bản chất của vấn đề cho các đồng chí chậm tiến hơn. Đấy là toàn bộ vấn đề tôi cần phải báo cáo với các đồng chí.”

Phòng họp lặng đi một lúc. Rubashov bỏ kính ra và châm thuốc hút. Levi nói như vô tình:

“Xin cám ơn đồng chí diễn giả. Có ai có ý kiến gì không?”

Không ai có ý kiến gì. Mãi một lúc sau mới có một công nhân bốc xếp phát biểu một cách gượng gạo:

“Có gì mà nói. Các đồng chí ở Bên Nớ phải biết họ cần phải làm gì chứ. Còn chúng ta, dĩ nhiên là chúng ta phải tiếp tục tẩy chay. Các đồng chí có thể tin chúng tôi. Hàng cho bọn lợn đó đừng hòng qua được cảng của chúng tôi.”

Hai người đồng nghiệp của anh ta cùng gật đầu. Đô vật Paul khẳng định: “Đừng hòng qua”, mặt anh đanh lại, còn hai tai thì vẫy ra ý pha trò.

Lúc đó Rubashov tưởng như đang gặp phải một lực lượng chống đối có tổ chức, nhưng dần dần anh mới nhận ra rằng mấy người kia không hiểu ý mình. Anh đưa mắt nhìn Levy Còi, hi vọng anh này sẽ giải thích cho mọi người. Nhưng Levy Còi vẫn ngồi im, mắt nhìn xuống sàn. Đúng lúc đó thì nhà văn đứng lên, mặt anh co rúm lại, giọng lạc đi:

“Chả lẽ các đồng chí không tìm được cảng nào khác để thực hiện vụ áp phe này à? Tại sao lần nào chúng tôi cũng phải chịu trận vậy?”

Mấy công nhân bốc xếp ngạc nhiên nhìn Bill, họ không hiểu anh định nói gì khi dùng từ “áp phe”, không ai có thể tưởng tượng được rằng có một đoàn tàu màu đen đang sắp cập cảng của họ. Nhưng Rubashov đã chuẩn bị sẵn từ trước: “Cảng này thuận lợi cả về mặt địa lý lẫn chính trị”, anh nói. “Từ đây hàng hoá sẽ được vận chuyển bằng đường bộ. Chẳng có lý do gì để phải che giấu cả, nhưng thận trọng thì vẫn hơn, làm sao càng ít ồn ào càng tốt, không để bọn báo chí phản động lợi dụng vụ này.”

Bill lại đưa mắt cho Levy Còi. Các công nhân bốc xếp chẳng hiểu chuyện gì, họ nhìn chằm chằm vào Rubashov. Paul bỗng gào lên:

“Anh đang nói gì vậy?”

Tất cả đều quay về phía Paul. Đôi mắt anh ta trừng trừng nhìn Rubashov như muốn bật hẳn ra ngoài, còn cổ thì đầy các mạch máu phồng lên như những chiếc đũa. Levy Còi chen vào:

“Hiểu rồi hả?”

Rabashov đưa mắt hết nhìn người nọ đến người kia rồi nhẹ nhàng bảo:

“Tôi quên chưa nói cụ thể. Năm chiếc tàu chở hàng của Bộ Dân uỷ Ngoại thương sẽ cập cảng vào sáng ngày mai, thời tiết hiện nay khá thuận.”

Thế mà phải mấy phút sau mọi người mới hiểu hết. Không ai nói một lời nào. Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Rubashov. Một lúc sau thì Paul từ từ đứng lên, anh ném cái mũ xuống sàn nhà rồi đi ra. Hai người đồng nghiệp dõi mắt nhìn theo. Vẫn không ai nói câu nào. Phải một lúc lâu sau Levy Còi mới hắng giọng và phát biểu:

“Đồng chí diễn giả đã giải thích cặn kẽ cho chúng ta lý do của vụ áp phe: nếu họ không làm thì sẽ có người khác. Ai muốn phát biểu nữa không?”

Người công nhân bốc xếp đã hứa tiếp tục tẩy chay nói một cách chán nản:

“Vẫn một giọng điệu cũ. Khi đình công thì bao giờ cũng có người nói: nếu tôi không làm thì người khác sẽ làm. Chúng tôi đã chán nghe giọng đó lắm rồi. Bọn phá hoại đình công chuyên môn nói như thế.”

Không khí cuộc họp thật nặng nề. Người ta nghe rõ tiếng Paul đóng cửa phía bên ngoài cầu thang. Rubashov nói:

“Các đồng chí, Nhà nước Cách mạng cần phải phát triển nền công nghiệp của mình, ủng hộ cách mạng là nhiệm vụ vinh quang của các đồng chí. Thói đa sầu đa cảm không có ích gì hết. Xin các đồng chí hãy nghĩ cho kỹ.”

Người công nhân bốc xếp đưa hẳn cằm ra đằng trước và nói một cách dứt khoát:

“Chúng tôi đã nghĩ kỹ rồi. Chúng tôi cũng đã nghe phát chán rồi. Các đồng chí phải nghĩ đi mới đúng. Toàn thế giới đang trông vào các đồng chí. Các đồng chí nói đến tinh thần đoàn kết, sự hi sinh và kỷ luật, trong lúc đó các đồng chí lại sử dụng đội tàu vận tải như một phương tiện phá hoại.”

Đúng lúc đó thì Levy Còi đứng lên, mặt tái đi; anh giơ cái tẩu lên như có ý chào Rubashov và nói rất nhanh:

“Tôi đồng ý với ý kiến vừa rồi. Có ai muốn nói gì nữa không? Cuộc họp kết thúc ở đây.”

Rubashov chống nạng chậm chạp bước ra khỏi phòng. Các sự kiện tiếp theo diễn ra đúng như kế hoạch đã định, không một lực lượng nào có thể ngăn chặn được. Trong khi đoàn tàu tiến vào cảng thì Rubashov gửi cho các đồng chí ở Bên Nớ mấy bức điện khẩn. Ba ngày sau tất cả các lãnh đạo chi bộ Đảng của các công nhân bốc xếp bị khai trừ, Levy Còi bị báo chí của Đảng tố cáo là tên gián điệp–khiêu khích. Anh treo cổ tự sát sau đó ba ngày.