Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 20)

Hoàng Tuấn Công


○ “gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ Lời nhận định thiên về đàn ông và có ác ý với phụ nữ”.

Dân gian đâu có đặt ra câu tục ngữ này với mục đích “nhận định thiên v đàn ông và có ác ý với phụ nữ”?. Thực tế trong nhiều vụ án giết chồng cho thấy: đàn bà ngoại tình thường lập mưu giết chồng để được sống tự do với kẻ gian phu; trong khi đàn ông, theo chế độ “đa thê”, lại có tâm lý thích “năm thê bảy thiếp”, nên thường không nảy sinh ý định giết vợ để sống với người tình.

Tham khảo: Luật thời Nguyễn (Gia Long) quy định “Tội thông gian và giết chồng, vợ cả”, tại điều 254: “phàm thê thiếp nhân vì việc thông gian mà đồng mưu với gian phu trong việc giết chết chồng của mình thì bị xử tội lăng trì, gian phu thì bị xử trảm giam hậu.” (“Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn”-TS Huỳnh Công Bá-NXB Thuận Hoá).

Không thấy luật nói đến trường hợp chồng vì gian dâm (với người phụ nữ khác) mà giết vợ mình. Điều này không có nghĩa, luật pháp thiên vị, bỏ qua tội trạng của đàn ông, mà chứng tỏ, chuyện đàn ông giết vợ để được sống với người tình, hầu như không xảy ra trong thực tế, nên nhà làm luật đã không có mục quy định về tội này.

Từ điển Vũ Dung giải nghĩa cơ bản là đúng: Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ - Phản ánh một thực trạng xã hội thời phong kiến: đàn ông được quyn bỏ hoặc lấy nhiu vợ, ngược lại người đàn bà phải chịu nhiu ràng buột khắt khe, muốn tự giải phóng khỏi người chồng không phù hợp, họ thường phải có những hành động tội ác”.

○ “gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó (Thài lài là một thứ cây trồng làm cảnh) Ý nói: Gần người đàn ông, người đàn bà xinh đẹp hơn lên”.

Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều giảng không chính xác. Thài lài là cây mọc hoang, chứ không phải “thứ cây trồng làm cảnh”. Vì mọc hoang nơi bờ bụi, “đất chó ỉa”, nên thài lài mới “gặp cứt chó”. Cũng bởi là cây hoang dại, lại ưa cứt chó, nên quan niệm dân gian xem thài lài là loài cây thấp kém: “Thài lài mọc cạnh bờ sông, Tuy rằng xanh tốt nhưng tông thài lài” (ca dao).

Giả sử có ai trồng thài lài “làm cảnh”, hẳn cũng không đem “cứt chó” bón cho “cây cảnh” bao giờ. Nguyên câu tục ngữ đầy đủ là Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó, Trai phải hơi gái như cò bợ gặp trời mưa. Phân chó chứa nhiều chất đạm, rất phù hợp với loại cây phát triển thân lá như thài lài (nhà nông thường thu gom phân chó để chăm bón cây thuốc lào rất tốt). Thế nên, bình thường, thài lài trông héo hon, chỉ cần một trận mưa nhỏ, “cứt chó” ở bờ cỏ hoang ngấm vào đất, là thài lài tốt bốc lên ngay. Giống như con gái tuổi dậy thì, bước vào tuổi yêu đương, có sự tiếp xúc với trai (dù chỉ là về mặt cảm xúc yêu đương), hoặc sau khi lấy chồng, thì lập tức phổng phao trông thấy; Đàn bà con gái được “gần gũi” chồng sau khoảng thời gian xa cách thì khí sắc bỗng tươi tỉnh, mỡ màng, xinh đẹp hẳn lên. Còn “trai phải hơi gái” theo dân gian bị hao tổn tinh khí nên trông như “cò bợ phải trời mưa”. Cách ví von của dân gian vừa sát đúng về nghĩa đen, vừa mang tính hài hước về chuyện yêu đương, chăn gối.

Tham khảo: Từ điển bách khoa nông nghiệp: Thài lài (commelina sp) cây thân cỏ mm, họ Thài lài (commelinaceae), phần dưới bò lan, phần trên đứng, bén rễ ở các mấu. Hoa màu xanh lam. Quả nang dẹt. (...) Phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á. Ở Việt Nam, thài lài mọc ở các nơi ẩm mát, bờ vườn, bờ ruộng, khe suối, thành từng đám. Thài lài được coi như một loại rau xanh cho trâu,, lợn”.

○ “già lừa nhỡ lứa Giễu những phụ nữ quá tuổi không lấy được chồng”.

Để tránh bạn đọc hiểu lầm, vì “già lừa” [“lừa người ta nhiều] nên mới ế [“quá tuổi không lấy được chồng”], trường hợp này nên chú giải từ “lừa để bạn đọc hiểu rõ: “Già lừa chính là “già LỰA” (lựa chọn quá kỹ, quá khắt khe, tương tự “già kén”). Mặt khác, tục ngữ không “giễu những người phụ nữ quá tuổi không lấy được chồng”, mà đưa ra kinh nghiệm, lời khuyên: kén chọn kỹ quá (“già lựa”) cuối cùng sẽ (hoặc có thể) dẫn đến quá lứa, lỡ thì; Không nên kén chọn, đưa ra tiêu chuẩn quá cao mà thành lỡ làng, ế ẩm. Ví dụ, bà cụ nhắc nhở đứa cháu gái đang tuổi kén chồng: Già lựa thì lỡ lứa đấy cháu ạ. Đồng nghĩa với câu: Già kén kẹn hom [Ca dao: “Thôi đừng tính thiệt so hơn, Kẻo ra già kén kẹn hom lỡ làng].

○ “giàu bán chó, khó bán con Nói lên sự bất công tệ hại của xã hội cũ”.

Chính xác phải là Giàu bán LỌ (lúa), không phải “giàu bán CHÓ”. Nghĩa là với người giàu có, sung túc, nhiều lương thực thì có lúa bán đi để chi tiêu; nhà nghèo khó, bát ăn chẳng đủ, túng quẫn thì chỉ còn mỗi cách bán đi những đứa con của mình, để bớt gánh nặng khó khăn. [Dị bản Giàu bán ló, khó bán con. “” tiếng Việt cổ có nghĩa là “lúa”]. Tục ngữ Mường: “Giàu bán lúa, khó bán con - Giấu biành ló, khò biành con”.

○ “giàu thú quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ (Kẻ Chợ là từ cũ chỉ Hà Nội) Đây là tư tưởng lệch lạc của một số người coi đời sống ở thành thị hơn ở nông thôn”.

Công việc của người biên soạn từ điển là giải thích tại sao thành ngữ, tục ngữ lại nói như vậy, chứ không phải đứng trên quan điểm cá nhân để phê phán, bắt bẻ dân gian. Câu tục ngữ trên phản ánh một quan điểm, một cách nhìn nhận: ở quê được tiếng giàu có, sung túc là vậy, nhưng là kiểu giàu có của anh nông dân, tài sản chỉ là chum khoai, bồ lúa, trong khi vẫn phải chân lấm tay bùn; còn ở thành thị, tuy buôn thúng bán mẹt (“ngồi lê kẻ chợ”) thôi, nhưng thu nhập cao, tiền bạc vẫn nhiều hơn và cuộc sống phong lưu hơn. Tục ngữ Tày: “Người chăm chỉ ở trong làng quê không bằng kẻ lười biếng ở thành thị” - Vỏ xẳc giú chang bản bố tấng vỏ dạn chang chu”. Cuối cùng, từ “kẻ chợ” cũng chỉ chung nơi đô thị, đô hội, chứ không chỉ riêng Hà Nội (cụ thể là “kẻ chợ” trong câu tục ngữ đang xét).

Tham khảo: Từ điển Vietlex: “kẻ chợ • d. [cũ] nơi đô thị [thường dùng để chỉ kinh đô cũ] : dân kẻ chợ ~ ăn nói theo kiểu kẻ chợ”; Từ điển Lê Văn Đức: “ kẻ chợ • dt. Chợ, thị-thành, nơi đô-hội : Nghĩ em đáng lạng vàng mười, Đem ra kẻ chợ kém người trăm phân (CD)”; Từ điển Đào Văn Tập: kẻ chợ • (xưa) Chỗ thành-thị đô-hội <> dạo cùng kẻ chợ thì quê”; Việt Nam tự điển: “kẻ-chợ • Chỗ đô-hội <> Kẻ-chợ, nhà-quê”. Từ điển Thanh Nghị: “kẻ-chợ • dt. Thị-thành <> Người kẻ-chợ.”; Từ điển Văn Tân: “kẻ chợ • d. 1 Kinh đô. 2 Nơi thành thị <> Người kẻ chợ”.

Chính Paul Dumer đã ghi nhận trong Xứ Đông Dương như sau: “Các văn bản viết của thế kỷ XVII cho thấy Hà Nội đã từng có tên là Kẻ Chợ (phát âm là Ké-Cheu), là cái mà hiện giờ ta thấy ở khắp nơi trên đất nước này và có nghĩa là chợ lớn”.

○ “giày thừa, dép thiếu Ý nói: giày to quá mà dép lại bé quá”.

Ý nói” là vậy, nhưng nghĩa của nó là thế nào? Không lẽ bỗng dưng tục ngữ lại nói: “giày to quá mà dép lại bé quá”?

Đây là một kinh nghiệm thử giày dép: giày thì nên rộng, dài (“thừa” ra một chút so với cỡ chân) để khi đi không bị “kích”, đau ngón chân [Có câu Đẽo gót cho vừa giày, ý nói phải chọn để có đôi giày vừa chân, chứ không thể làm ngược đời là đẽo bớt gót chân cho vừa với đôi giày mình đi]. Ngược lại, với dép không nên chọn đôi quá rộng, mà phải hơi chật (“thiếu”) một chút so với bề dài của bàn chân, khi đi sẽ không bị quét lê gót, hoặc thọc đầu ngón chân ra đằng trước, dễ vấp ngã (dép rộng quá thì đi sẽ không vững chân). Thế nên Tục ngữ Hán cũng đưa ra lời khuyên: “Y bất đại thốn, hài bất tranh ty - 衣不大寸, 鞋不爭絲 - Quần áo không rộng hơn một tấc, giày không được chật hơn”.

○ “gieo gió gặt bão (dịch một tục ngữ Pháp) Ý nói: Tự mình gây điều ác thì phải chịu kết quả của điều ác ấy”.

Không có căn cứ nào để nói rằng, “Gieo gió gặt bão” là “dịch một tục ngữ Pháp”. Nếu có giống với tục ngữ Pháp cũng nên cẩn trọng xem xét, bởi trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ của nhân loại, nhiều câu có nghĩa đen và nghĩa bóng giống nhau, nhưng chưa hẳn là vay mượn trực tiếp của nhau. Đây là một câu tục ngữ về luật nhân quả rất phổ biến, với nhiều dị bản đồng nghĩa: Gieo gì gặt nấy; Cấy gió, chịu bão; Cấy gió, gặt bão; Gieo vạ nhỏ rước vạ lớn...

○ “giết một con cò, cứu muôn con tép Ý nói: Trừ một kẻ tàn ác là cứu được nhiều người”.

○ “giết một con mèo, cứu vạn con chuột Như nghĩa câu trên (Nhưng câu này vô lý, vì mèo giết chuột là có ích cho người)”.

Vì không hiểu ý tứ sâu xa của tục ngữ, đến câu thứ hai, GS Nguyễn Lân đưa ra thắc mắc, cho rằng dân gian nói “vô lý”. Nhưng nếu nói “” thì bản đồng nghĩa “Giết một con cò, cứu muôn con tép cũng “vô lý” không kém. Bởi con cò là vật hiền lành, được ví với hình ảnh người nông dân vất vả, “lặn lội thân cò”, tại sao chỉ vì “tội” bắt tép làm mồi mà giết hại nó? Mà “cứu muôn con tép” để làm gì?

Giết một con cò, cứu muôn con tép” hay “Giết một con mèo, cứu vạn con chuột” [Tục ngữ Hán: Sát nhất miêu, cứu vạn thử - 殺一貓救萬鼠 - Giết một con mèo cứu vạn con chuột] có nghĩa bóng là: trừ khử được một tên đầu sỏ, ác ôn, chuyên gieo rắc cái chết, thì sẽ cứu được nhiều mạng người. Ví dụ: giết một tên bạo chúa, lật đổ một hôn quân thì sẽ cứu được muôn dân. Cũng cần xem xét về nguồn gốc câu tục ngữ. Rất có thể, câu này xuất phát từ quan điểm của đạo Phật, coi chúng sinh bình đẳng, sinh mệnh của mèo hay chuột cũng đều như nhau. Theo đó, đạo Phật kiêng sát sinh (giới sát) nhưng trường hợp cần thiết cũng được phép sát sinh: “Sát nhất nhân, cứu vạn nhân”. “Cò” và “mèo” ở đây mang nghĩa đen là nếu sống cả một đời, chúng “giết” rất nhiều “con tép”, nhiều “con chuột”. Chuyện mèo giết chuột có ích thế nào, lại là chuyện khác, bàn ở chỗ khác.

○ “giữ tiếng chẳng tày giữ miếng Ý nói: sợ người chê không bằng cảnh giác đối với địch”.

Ở đây không nói đến chuyện “cảnh giác”, “địch” với ta. Trong đời sống, đôi khi người ta vì thể diện, tránh mang tiếng xấu tranh giành quyền lợi vật chất, miếng ăn miếng uống mà đành im lặng chịu thua thiệt trước kẻ khác. Nghĩa bóng: Giữ hư danh, thể diện hão chẳng bằng bảo vệ quyền lợi thực tế của mình; Không nên giữ thể diện hão, thích cái hư danh, mà đánh mất quyền lợi thực tế của mình. Đây là một quan điểm sống, một thái độ ứng xử.

○ “ít bột không nặn nhiu bánh Ý nói: Phải đầu tư nhiều mới đạt kết quả tốt”.

Không đúng. Tục ngữ không nói ít bột thì không nặn được nhiều bánh (nên “phải đầu tư nhiều”), mà là ít bột thì không nên nặn nhiều bánh. Nghĩa là có ít thì không nên bày vẽ, “bôi ra” nhiều thứ, kẻo cuối cùng chẳng đâu vào đâu, kết quả không ra gì. Thế nên, Từ điển của Vũ Dung mới giải thích “ít bột không nặn nhiu bánh. Khả năng ít đừng bày ra nhiều”. [sai giống Từ ngữ Hán Việt].