Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Trần Thiện Đạo, lần gặp cuối

Thụy Khuê





Related image

Trần Thiện Đạo (21/4/1933 - 25.11.2017)

Nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo đã từ trần ngày 25/11/2017 tại Villejuif (Pháp) sau một thời gian dài trọng bệnh, thọ 85 tuổi. Lễ tang cử hành vào 10g00 sáng ngày thứ hai 4.12.2017 tại Nhà hoả táng Val-de-Bièvre, 8 rue du Ricardo, 94110 ARCUEIL.

Văn Việt xin đăng bài sau đây của Thụy Khuê, một người bạn thân thiết của Trần Thiện Đạo, như một nén hương tưởng nhớ anh.




Sáng nay, trên đường từ Huế ra Quảng Bình thăm Động Thiên Đường, qua cầu Bến Hải, tôi nhận được điện thoại của Hoàng Dũng báo tin Trần Thiện Đạo đã qua đời.

Quen anh từ hơn ba mươi năm nay, nhà tôi cách nhà anh vài dãy phố. Anh có một tủ sách quý, gần như đầy đủ những tác phẩm của Văn học Miền Nam. Mỗi lần thiếu sách gì, tôi thường sang anh mượn. Bản nào anh có hai, anh cho tôi một. Nhờ anh có một collection đầy đủ sách của Hồ Biểu Chánh, Hồ Hữu Tường, Dương Nghiễm Mậu mà tôi đã viết được về ba nhà văn lớn này, chưa kể sưu tập báo Văn; ngoài ra, những sách triết học của Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, anh đều có hai bản, anh cho tôi một. Anh có tật khi nào thấy sách quý, mua liền hai bản để phòng hờ!

Ở Paris, bạn văn hợp nhau không nhiều. Trần Vũ khi chưa sang Mỹ hay lại chơi. Nhưng khi Vũ đi rồi, chúng tôi chỉ còn lại hai "anh em". Anh hay lại tôi ăn cơm tối, nói những chuyện "tầm phào" về văn chương dịch thuật, những chuyện lẩm cẩm mà người ngoại cuộc chẳng ai thích nghe, thường thì "anh em" hay cãi nhau vì một chữ: anh dịch như vậy là thái quá, hoặc TK dịch như vậy chưa sát nghĩa. Cãi găng, nhưng khi anh nói đúng tôi sửa ngay. Chúng tôi thường đồng ý với nhau về một sự dịch bậy nào của ai đó.

Cách đây một tháng, tôi lại thăm, chào anh, trước khi về nước. Từ hơn năm nay, mỗi lần gặp, câu hỏi của anh không hề thay đổi:

Thụy Khuê ở đâu? Dạ, vẫn Paris. Hai phút sau, lại hỏi: Thụy Khuê bây giờ ở đâu? Câu trả lời vẫn như cũ. Mấy phút sau anh lại hỏi lại: Thụy Khuê ở Mỹ mới về à?... Dường như anh không còn ghi nhận được những thông tin của người đối diện và anh cũng không chú ý lắm đến những câu hỏi do chính mình đặt ra. Tôi không nói với anh chuyện sắp đi xa, bởi tôi biết khoảng cách xa gần, ngay cả Việt Nam thân quý, với anh, bây giờ không còn giá trị gì nữa. Một vùng tối đã trùm dần lên tâm thức của con người sáng suốt và rành mạch ấy.

Chính con người ấy, khi dịch La chute của Camus, đã đến tận Amsterdam, để xem rõ phong cảnh bến cảng, tìm hiểu tình cảnh và tình cảm của Camus và của nhân vật chính, trước khi dịch mỗi lời Camus sang tiếng Việt.

Trần Thiện Đạo không chỉ dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt tác phẩm Sa đọa của Camus, mà anh còn dịch cả cái tính "lầu bầu, khó chịu", cái giọng "nội tâm ồm ồm" của viên quan toà già: Nhân vật lạ kỳ này, một đời kết án người khác, để rồi cuối cùng, tự nhìn lại, thấy bao nhiêu "tội ác" của mình chưa một ai phán xét, ngoài toà án lương tâm của ông.

Trong nhiều năm, anh dành thì giờ sửa lại những bài luận văn tiếng Pháp cho các cô các cậu từ Việt Nam sang thi thạc sĩ, tiến sĩ gì gì đó, có khi anh viết lại hoàn toàn cho họ. Nhưng cũng có người sau này phản thầy, lên tiếng chê bai anh "dốt", chắc anh buồn lắm, nhưng không lên tiếng.

Anh rất khắc nghiệt về chuyện dịch. Và rất nặng tay khi chỉ trích những sự cẩu thả sai lầm; do đó anh có không ít "kẻ thù".

Trần Thiện Đạo cẩn trọng mỗi chữ, viết, dịch, đến nỗi, ai sửa những tiếng Nam của anh là anh nổi doá, nhứt mà sửa thành nhất, nhơn mà sửa thành nhân là anh gây ngay. Có lần anh đoạn tuyệt với một tờ báo, vì họ tự tiện sửa tiếng Nam của anh thành tiếng Bắc. Anh cho là thiếu văn hoá, có đầu óc địa phương và kỳ thị.

Trần Thiện Đạo là một trong những dịch giả cẩn trọng hiếm có mà tôi kính quý như một người anh. Anh là hình ảnh đích thực của một dịch giả chân chính: tôn trọng chữ của tác giả, tôn trọng tâm hồn tác giả và luôn luôn cố gắng lột hết hồn cốt tác phẩm.

Những người như anh, nước mình hiện có bao nhiêu? Anh Đạo, sao anh vội đi?

Cửa Nhật Lệ, Đồng Hới, 21g ngày 27/11/2017