Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Tiếng cồng (kỳ cuối)

Tiểu thuyết của Nam Dao

SAU HUYỀN THOẠI: ...bất tận ngôn

"... Anh ơi, em đã nghe ra tiếng cồng anh về đây tìm kiếm. Anh tìm ở bờ sông Hồng? Anh tìm dưới thềm Ðền Hùng, trên nóc chùa Thầy? Anh tìm trong cửa miệng những vị La Hán ngẩn ngơ đứng ngóng vách chùa Tây Phương? Ngồi ven hồ Hoàn Kiếm, mắt ngắm tháp rùa ảm đạm rêu phong, anh lắng tai nghe. Nhưng chỉ có tiếng xe Honda, tiếng cười nói, tiếng nguyền rủa. Ðể tránh những âm thanh ô nhiễm, anh dậy thật sớm, lúc Hà Nội còn ngủ. Ði vòng quanh, anh đến ngồi gốc cây đa mọc ven hồ, cạnh chiếc cầu vắt vào chân đền Ngọc Sơn... Anh nghe thấy tiếng chổi của người đàn bà quét đường, giật mình quay lại, miệng hỏi: "Tiếng cồng, bà ơi, nó ở đâu?". Một nửa mặt che bằng mảnh vải trắng bịt từ mũi trở xuống, người đàn bà quét đường ngừng tay. Anh nhắc lại câu anh hỏi. Bà chép miệng, sẵng: "Rõ hâm!", rồi lại tiếp tục quét, vun đống rác rưởi vào một góc. Anh thất vọng, ngồi thụp xuống. Muốn nghe được tiếng cồng ấy, anh tự nhủ, phải ngồi xổm, cái cách ngồi truyền thống của cha ông. Thế là anh ngồi xổm, chân co lên đến mang tai, hai tay ôm lấy đầu. Cứ vậy, thời gian trôi qua cho đến lúc lại có tiếng xe honda, tiếng cười nói, tiếng nguyền rủa. Nhưng vẫn nào đâu tiếng cồng, tội nghiệp cho anh, đứa con rơi ngược chiều huyền thoại theo mẹ Âu Cơ ra biển!

Em là con gái theo mẹ lên núi. Nhìn xuống, bóng năm mươi anh em ruột thịt cứ thấp thoáng xa dần như sắp tan biến vào hư vô. Không kìm được, em bật khóc. Cả đám bốn mươi chín đứa con theo cha run lên. Cha đã dặn "Cấm bay khóc, nước mắt là vũ khí đàn bà, thứ trang bị của thần nước Thủy Tinh. Lên núi, ta đi con đường của thần núi Sơn Tinh, tìm leo lên đỉnh cao của trí tuệ. Trí tuệ không cần nước mắt mềm yếu. Trí tuệ chỉ cần sắt đá, cần trước sau như một, và để cứu cánh biện minh cho mọi phương tiện...".

Cha nghe tiếng em khóc, trừng cặp mắt rồng, hiện ra, mắt lồi chằng chịt gân máu, tròn xoe, tóe lửa. Tay giơ cao hàng trăm cái vẩy bằng kim khí sắc nhọn còn hơn đao kiếm, cha chực đập xuống. Em lùi vào góc, kêu "... Cha ơi, ... cha nhìn xem, con là đàn bà mà! Làm sao con có vũ khí của đàn ông được?". Thế là lũ chị em gái túm lấy nhau, nấc lên, nhưng cố ngậm miệng, nín khóc. Cha quát, lửa trong mồm phóng ra thiêu cháy một cánh rừng. "Không, ta tha nhưng ta cấm bay khóc. Nước mắt mang thuộc tính giai cấp, phi duy vật biện chứng và không mang sứ mệnh lịch sử". Cha giơ cả hai tay hai chân lên, móng vuốt lấp loáng, thì bỗng có một tiếng, tiếng cồng.

Tiếng cồng không biết từ đâu vẳng lại, âm ba làm chim chóc ngơ ngẩn ngừng hót. Tiếng cồng ngân lên, theo gió lại trầm xuống, đẩy cả vũ trụ vào thuở tạo thiên lập địa, bóp vỡ vạn vật nhất nguyên ra thành âm - dương, rồi biến hóa để cấu tạo ra đất, ra nước, ra cây, cỏ, đồng, sắt... Tiếng cồng khiến đám năm mươi anh em đi ra biển chùn bước, đứng cả lại nhìn về phía núi, rồi đồng thanh khóc to, tiếng khóc lẫn vào không trung mang một nỗi oán thán khôn nguôi. Mẹ Âu giục: "... Các con khóc to nữa lên. Biết đâu cha nghĩ lại. Rồi Sơn Tinh làm lành với Thủy Tinh, đất thôi đánh nước, nước thôi đánh đất... Ðất và nước lúc đó thành đất nước, chứ bây giờ thì... Các con ơi, khóc to nữa lên!".

Tiếng khóc vỡ toang, hòa vào tiếng cồng ngân nga khuyên nhủ khiến cha ngừng tay, móng vuốt thu lại, nhưng mắt vẫn còn đỏ ngầu giận dữ. Cha hớp hơi, rồi há miệng thở dài, lửa bốc lên trời làm những áng mây xa cháy xém đi. Nhưng có âm, tất có dương. Và ngược lại, nên chỉ lát sau khí lạnh biến mây thành mưa, ào ào rơi xuống. Nước mưa ướt nhòa mặt mũi, bọn con gái chúng em được thể cứ mặc cho nước mắt lã chã rơi. Bọn con trai, có đứa cũng khóc, nhưng miệng lại giả vờ cười. Ðứa thích làm anh hùng thì đứng lên cố ha hả thành tiếng, nhưng em biết, nước mắt chúng nó cũng chan hòa lẫn vào nước mưa đổ xuống triền núi xuôi theo đám năm mươi anh em theo mẹ Âu lên núi.

Cơn mưa khiến cha nguôi giận. Nhưng không mưa mãi được. Bọn năm mươi đứa theo cha ngừng khóc, đứa giả nghiêm trang, đứa giả cười, đứa giả thản nhiên như chẳng có gì xảy ra. Tiếng cồng vẫn ngân nga đâu đó. Cha bạnh hàm, nhìn quanh một lượt, rồi ra lệnh "Ði!". Em không dám nhìn về phía năm mươi đứa theo cha. Hình bóng chúng cứ xa dần, nhỏ đi, tít tắp. Mẹ Âu thở dài "... Từ nay mẹ sống kiếp góa bụa!". Mẹ lẳng lặng đứng lên đi về chốn mênh mông gió núi, thỉnh thoảng lại ngoái lại. Tiếng cồng cũng nhỏ dần, rồi im bặt, im đến độ nó lặn xuống thật sâu trong trí nhớ như chưa từng có bao giờ.

Khi em vùng chạy từ trên đỉnh Hàm Rồng xuống, phải chăng em bỗng làm cái hành động lẽ ra em phải làm từ thời huyền thoại cha Rồng mẹ Tiên? Em không biết, nhưng em xác quyết là lúc đó, vâng, em đã nghe thấy tiếng cồng. Có phải đúng là tiếng cồng anh hoài công tìm kiếm từ ngày anh đặt chân lại trên đất nước này? Em cũng không biết, nhưng em vẫn đoan chắc chỉ tiếng cồng em vừa nghe mới có khả năng cảnh tỉnh cả đất lẫn nước, cả Sơn Tinh lẫn Thủy Tinh. Và biết đâu, tiếng cồng đó lại chẳng làm anh ngừng bước trên con đường ra biển?

Tiếng cồng từ đó vang lên trong em, khơi nhắc con đường lên núi năm nào, cha phạt em tội khóc bằng cách làm cho một trăm cái trứng trong thân thể đàn bà của em thành trứng ung. Van vỉ cha, cuối cùng, cha bảo "... cho mi một cái lành, bao nhiêu cái còn lại thì vứt cả, có thụ tinh chỉ đẻ ra quái vật".

May thay, anh ơi, thế là ít nhất em vẫn còn một cái trứng có thể thụ tinh để thành người.

Tiếng cồng lại vang lên, nhắc nhủ, không là người làm sao đẻ ra người được.

Thế thì em là, hay không là, người. Em vẫn còn nhớ lần anh kêu "... Sa tinh quái thật! Thế cũng là ác..." khi em cứ nhất định gọi Marthe là công chúa dẫu biết rằng có thật là công chúa hay không, bà ta đang giẫm lên những bước đoạn trường. Nhưng anh chưa biết, em còn tàn ác hơn thế nhiều. Em đã giấu hết thư cha viết cho mẹ, nói rằng cha đã lấy người khác, chứ cái chuyện dắt tay nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường của trí tuệ với bác P. chỉ là chuyện đùa. Mẹ khóc đến hóa lòa. Còn với cha, em bịa rằng mẹ cũng thế, chỉ mong không bao giờ cha đặt chân lại trên mảnh đất Sapa này. Sự thật, em biết mẹ vẫn yêu cha. Về phần cha, nếu tình yêu không còn thì em nghĩ cha vẫn giữ chữ nghĩa. Và với em, cha vẫn tiếp tục thư từ, nay lại mong em đi vào Ðà Lạt để học Luật.

Tại sao, tại sao em lại hành xử như vậy, hành xử như kẻ thù của cha lẫn mẹ? Phải chăng lòng oán thù đó bắt nguồn từ cuộc chia ly thuở huyền thoại cha Rồng mẹ Tiên khiến em đã mất đi chín mươi chín trứng lành trong thân thể? Rồi những cuộc chia ly kế tiếp, những bờ sông Gianh, những bờ Bến Hải, những cuộc nội chiến nối đuôi nhau trải ra đến mấy trăm năm. Có thể thế. Nhưng em chưa tuyệt vọng. Em xin long trọng thề với anh, nếu em chưa là người, Sa bé nhỏ này vẫn còn khả năng để trở thành người. Ðiều này đoan chắc được: em vẫn còn một cái trứng lành. May thay, có lẽ nào thế được!

Anh đi đâu? Anh về đâu? Tại sao anh lại có những nét giống cha đến thế? Giống cha, anh ra biển? Còn em, là con của Mẹ, em luẩn quẩn trên sườn non, mắt cứ dõi về hướng biển, nơi có gió mênh mông và mùi muối mặn như nước mắt. Huyền thoại nay đảo ngược, mẹ còn độc một cái trứng lành lên núi. Còn cha, cha tay không cô đơn ra biển, móng vuốt rồng rụng như những đốt tay cùi hủi, mải miết đi tìm tiếng cồng xưa.

Nhưng anh, tội nghiệp anh yêu, anh đã nghe thấy tiếng cồng đó chưa?

Em ao ước anh nghe được tiếng cồng em có may mắn bắt gặp lại. Nhưng cùng một lúc, em phải làm thế nào cho cái trứng lành trong bụng em có cái cơ duyên thành người. Làm thế nào đây anh? Có lẽ Sa bé nhỏ này phải bắt đầu lại từ đầu. Anh yêu, vì thế, em không còn muốn chiếm đoạt anh để rồi phá vỡ gia đình anh. Vì thế, em chỉ gửi tới anh những dòng chữ có tiếng cồng. Và đèo theo vào là tiếng lòng em với lời sám hối.

Anh cứ đi ra biển, xô sóng ngược lại, tìm cho ra hạnh phúc. Có nghĩ về nhau, chỉ xin anh nhớ đến con dốc đỉnh Hàm Rồng. Cách đây vài tháng, em đã nói với mẹ sự thật về cha. Mẹ con em đã cùng nhau đi Ðà Lạt, và đầu tháng chín năm nay em ghi tên học Luật. Làm như thế, mục đích của em là bảo vệ cái trứng lành sống sót. Phải thế chứ, hở anh?

Ở bên kia bờ đại dương, dẫu anh không còn phải lo rằng đất cứ phải chống với nước, chắc anh cũng hiểu, dẫu chỉ một phần, một phần nho nhỏ của tâm tình đứa con gái đi tìm người cha xuống biển... Hiểu rồi quên đi, như anh đã quên Sapa. Nhưng nào em dám trách, vì chính em đây, em đang nhủ cho mình quên bằng sạch những vết thương của chia cắt...".

*

Ðộc giả vừa đọc đoạn thứ hai của bức thư Sa gửi cho Hà đã nhờ tôi mang tay qua Mỹ. Dĩ nhiên, Sa không có thư cho Freddy. Tôi ngại ngùng, không nói thật, bảo anh ta là tôi không tìm ra Sa và đã để lạc đâu mất bức thư của anh gửi cho cô ta. Sau đó một thời gian, tôi nhận hợp đồng của một hãng khác ở vùng New England. Tôi đi xa, và thỉnh thoảng lắm tôi mới có dịp chuyện trò với Freddy qua điện thoại.

Tháng sáu năm 1999, tôi có việc về L.A một thời gian ngắn. Qua điện thoại, giọng Freddy khác trước, vui vẻ và lạc quan. Anh ta mời tôi đến ăn sinh nhật đứa con gái đầu lòng. Anh ta còn khoe rằng ở trên toàn nước Mỹ hiện nay, hễ cứ cần nhạc phim có âm điệu Polynesian, chẳng hạn như âm điệu miền Bắc Borneo hay âm điệu H'mong hoặc Dao ở Việt Nam, là phải tìm đến anh. Hỏi tại sao, anh bí mật: "... tao có một cái liên hệ nghề nghiệp rất quí ở Paris. Bà ta, hiện đang làm ở Cơ quan Nghiên Cứu CNRS, cho tao đủ thứ băng ghi âm mỗi khi tao cần!".

Ðến nhà Freddy vào một buổi chiều thứ bảy ở vùng Irvine, tôi mua cho cháu bé một con panda bằng vải và một bó hoa cho vợ Freddy. Tôi trợn mắt, trao bó hoa vào tay Sa. Lúc đó, Freddy vừa lái xe đi mua rượu. Trong khi đợi anh ta về, Sa cám ơn tôi đã chuyển bức thư cho Hà và kể vắn tắt về đoạn đời sau huyền thoại.

Nhận được thư Sa, Hà xin ly dị Julia và về Việt Nam cưới Sa. Mẹ Sa phản đối, nhưng cha Sa nói rằng hạnh phúc trong đời là phần trách nhiệm của mỗi người. Hà và Sa sang Mỹ. Những tháng đầu, hai người rất hạnh phúc. Sau đó, Hà tự nhiên kêu đau đầu. Rồi Hà trách là vì Sa mà Hà phải xa cách đứa con gái độc nhất của mình. Một đêm ân ái, Sa xin Hà cho mình một đứa con, nói như van vỉ "...có với nhau cái gắn bó vào tương lai!". Ðẩy Sa ra, Hà trừng mắt, quát "...thế là loạn luân!". Sa cho là Hà quẫn vì bệnh. Uống thuốc một thời gian nhưng không hết đau, Hà tìm gặp một người có tiếng là chỉ để tay vào gáy truyền sức mà chữa được bệnh. Từ thời gian ấy, Hà ngày nào cũng nói với Sa về ngày tận thế. Những kẻ được Thượng Ðế chọn thì Người mở cho luân xa – tiếng Ấn là chakra, nơi tập trung những dây thần kinh – và khi đó họ có khả năng đưa phần hồn của mình bay lên dẫn dắt những kẻ khác đi về một hành tinh lạ. Hà bắt Sa tu tập để thành con của Thượng Ðế. Dĩ nhiên Sa sợ. Sợ cho Hà, cho Sa. Rồi Sa từ chối chơi trò chơi Hà bày ra, tránh rơi vào "trường hợp tâm thần" như lời một bác sĩ bạn của Hà. Một năm liền, Sa cố sức mình cho đến một lúc Hà gọi Sa là ma là quỉ, đánh nàng đến độ nàng phải vào nhà thương. Khi Sa ra, Hà đã bỏ đi về St-Louis, nơi có cái Arche de Noe(42), và những "bạn đạo" thuộc nhóm Trường Sinh Nhân Ðiện. Bơ vơ giữa New York, Sa đi đến lựa chọn hoặc là về lại quê hương hoặc là tự tử. Sa tự nhủ, chết còn hơn là vác mặt về. Nhưng chết đâu có dễ. Không quen một ai khác trên đất Mỹ, Sa viết thư cho Freddy. Nhận được thư, ngay tối hôm đó Freddy bay tới. Sa cắn răng, chỉ ứa nước mắt khi Freddy vừa khóc vừa lặp đi lặp lại "I love you!". Chuyện sau đó chắc dễ đoán: sự sống kỳ diệu khiến cho tình yêu nảy nở và từ đó Sa có được cái gắn bó vào tương lai như nàng hằng ao ước. Về phần Hà, chuyện lại càng dễ đoán: vì vẫn chưa tận thế nên chắc Hà còn nán lại đâu đây trên trái đất chứ chưa bay qua một hành tinh lạ.

Freddy về, bắt tay tôi. Lúc đó, cháu bé thức giấc, khóc gọi. Sa bế cháu ra. Tôi đưa vào tay nó con panda, nựng má nó và hỏi tên. Freddy đáp:

- Tên cháu là Sao. Vàng Sao là tên một vị công chúa.

*

Mấy hôm sau ngày thăm viếng gia đình Freddy, tôi đi tìm Carlos trước khi quay về New England. Gọi điện thoại không được, tôi đến thẳng cái Pub ông ta hay ngồi uống bia một mình. Carlos reo:"A, thằng bé!" rồi vẫy tay gọi bar-maid(43). Ðó là một con bé tuổi khoảng hai mươi, mặc quần cụt cao gần tới háng, đi đứng nhún nhảy. Ông bảo:

- Cho nó uống – tay ông chỉ tôi – tao trả...

Nói xong, ông quay lại nhìn gườm gườm rồi hỏi:

-Thế là ba năm rồi, cái chuyện mày viết sao chưa thấy in?"

Tôi nói tôi chưa tìm ra được đoạn kết. Carlos la lên:

-Ðoạn kết, mày điên à?

Ngạc nhiên, tôi nhìn ông hỏi lại:

-Tôi điên? Ðiên thế nào? . Carlos nắm lấy vai tôi, bóp mạnh, miệng gầm gừ:

-Tiểu thuyết hay không bao giờ có đoạn kết cả! Mày ngu lắm. Kết cho hay có nghĩa là không lời nào nói cho hết được. Bất tận ngôn... hiểu chưa?

Tôi lắc đầu. Carlos giọng chán nản, nói như bâng quơ:

-... Bất tận ngôn, cho nên thành vô ngôn. Cứ xem thì biết, tôn giáo nào cũng đề cập đến một thứ thiên đàng đã đánh mất và hứa hẹn một thiên đàng tương lai. Cái thiên đàng trước mặt có đi sấn tới, nhưng không đến được... Không đến được thì biết gì mà nói, lời nào mà kể cho hết... Bất tận ngôn!

Dẫu chưa nối được chuyện thiên đàng vào cái đoạn kết trong tiểu thuyết, tôi chêm ngang:

-... đạo Phật khác, ông nói tôn giáo là nói đến tôn giáo kiểu Judeo-Christian!

Carlos bậm môi:

-Ðạo Phật? Không, đó không phải là tôn giáo. Ðó là một triết lý. Và ông Phật, mày có biết lúc ông ta chết ông ta nói gì không?

Tôi lắc đầu. Carlos cười ha hả:

-Phật bảo với học trò: ta đã nói gì đâu?

Tôi lại ngạc nhiên, định phản đối thì Carlos trầm ngâm:

-... Bất tận ngôn, vì có những điều bất khả thành ngôn, nên hóa ra vô ngôn. Ta đã nói gì đâu!

Tôi ngây thơ cự lại:

- Không có gì nói, thì viết làm chi!

Lần này, tôi không ngờ Carlos nổi cáu. Ông ta la to:

- Quả là mày ngu!

Người xung quanh bàn chúng tôi quay lại nhìn, ánh mắt có chiều khó chịu. Ngượng quá, tôi van vỉ: "Ông ơi, xin ông nói nhỏ cho!". Carlos chẳng thèm nhìn ai nhưng cũng hạ giọng:

-Mày ngu thật! Phải viết, nhưng không cần một cái gì gọi là đoạn kết cả. Thế thôi! Ðể độc giả của mày tạo ra cho chính họ một đoạn kết của riêng họ, mày hiểu chưa?

Lúc đó con bé bar-maid đi nhún nhảy mang đến cho tôi một vại bia, miệng cười, mồm nói: "Here we are!"(44). Nó bôi một thứ nước hoa thơm hừng hực. Tôi hít hà, ngước nhìn nó, nháy mắt cám ơn. Carlos nâng vại bia, nói trống không: "... Thôi, mang đi in đi. Ðừng nghĩ đến đoạn kết, không cần đâu. Nào!". Tôi nâng vại bia của tôi lên môi, tai nghe Carlos vui vẻ hò "cheers..."(45), miệng ngoác ra cười, bất cần tôi có hiểu ông nói gì không.

Tôi liên tưởng đến cái gia đình tôi mới đến thăm mấy hôm trước. Freddy giọng vui vẻ lạc quan, cái hội chứng xưa thỉnh thoảng chỉ thấp thoáng như bóng mờ của một giấc mơ không đầu đuôi. Sa dẫu có chút ngậm ngùi sau những vết thương rướm máu trên bước ngược đường huyền thoại, nay đã gắn mình vào tương lai với đứa con chập chững tập bước. Nàng đi học Luật đúng như lòng ao ước của người cha trên núi hằng mong tìm ra những tấm bảng chỉ đường của trí tuệ, mắt ánh lên sự dịu dàng của kẻ tin rằng ngày mai tất phải khác hôm qua. Còn Vàng Sao, nó ôm con panda dụi đầu vào, miệng cười hé ra hai chiếc răng sữa mới mọc.

Ðời sống có trước huyền thoại, kể cả thứ huyền thoại mỗi người chúng ta có thể tự tạo ra cho chính mình. Mỗi khi huyền thoại chi phối bóp ngạt đời sống, trách nhiệm của con người là đào bới lớp bụi vô thức để phá vỡ huyền thoại hầu tìm được và khai sinh lại đời sống. Như vậy, đời sống tiếp tục sau huyền thoại. Muốn thế, Sa tìm và nghe ra tiếng cồng của mình. Nghe ra, nàng đi ngược huyền thoại mang mẹ về trả cho cha, kẻ lẽ ra ở dưới biển chứ không phải trên núi. Cái giá phải trả lúc lạc lõng trong huyền thoại là nỗi cô đơn dằn vặt của cha. Là cặp mắt mù lòa của mẹ vì những giọt nước mắt. Là sự ám ảnh khiến Sa gọi cha khi trần truồng trên dốc đỉnh Hàm Rồng định dâng hiến trinh tiết cho Hà để đổi một chuyến đi xa. Nghe ra tiếng cồng, nàng chợt hiểu là chỉ có người mới đẻ được ra người. Nàng biết quí báu cái trứng lành cuối cùng trong cơ thể. Và có lẽ nàng khám phá ra tình yêu dành cho Hà đã bị lớp bụi vô minh che đi như những đám mây xám xịt bao phủ Sapa vào buổi chớm đông. Có lẽ tình yêu đó đã đẩy nàng qua đến New York. Nhưng trớ trêu thay, Hà vẫn còn lạc lõng trong Brooklyn đi tìm tiếng cồng của Hà, hoang mang đợi ngày tận thế hầu giải phóng mình ra khỏi trái đất cằn cọc vì đau khổ.

Nhưng tôi tin đời sống cuối cùng sẽ vượt lên trên huyễn tưởng và thoát ra khỏi mọi huyền thoại mang tính hủy hoại. Vì vậy, cái hy vọng Hà rồi sẽ nghe ra tiếng cồng – thứ âm thanh mang trả chàng ta về với chính mình – không hẳn là mong manh. Về phần Marthe, chúng ta biết rồi. Bà ta đã rời Sapa trở về Paris, để cái bóng một vì công chúa ở Lũng Mây hóa thân trở lại thành một người đàn bà đưa âm nhạc sắc tộc H’mong vào cuộc hòa tấu của cả thế giới. Người đàn bà đó nay mỗi năm về Lũng Mây một lần góp tay giúp cái nhà thương Sapa đủ điều kiện vật chất để tránh cho những kẻ không may có thể chết vì nướu răng tấy độc.

Như thế, tôi có quyền nghĩ rằng sau huyền thoại vẫn cứ là đời sống. Và chẳng có một thứ ngôn ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ cái sức sống kia cuồn cuộn chảy theo triền bãi của khả năng tái sinh huyền diệu trong cõi nhân gian. Nếu tin vậy, quả là bất tận ngôn, bất tất tôi phải lo lắng gì cho đoạn kết của một câu chuyện.

Nuốt ực một ngụm bia nổi bọt trắng phếu, tôi nhìn theo phần trên những bước chân nhún nhẩy của con bé bar-maid núc ních sinh lực. Nhìn Carlos, tôi buột miệng hò theo "cheers!" khi nhận ra rằng, cuối cùng, tôi cũng nào có định nói gì đâu. Ngay cả sau huyền thoại – tôi tự nhủ – chuyện đời tự nó là đủ, có lẽ chỉ trừ một đoạn. Ðó là đoạn kết thực sự, đoạn sớm muộn gì mọi sinh vật cũng sẽ rồi phải đối mặt, nhưng những kẻ đang sống như chúng ta đây chẳng muốn đến liền đấy ngay lúc này.

Vì ngoài kia, bạn cứ nhìn xem, trời còn rực rỡ nắng.

N.D.

Chú thích:

(42) Thuyền Nôê, cứu những sinh vật trong Đại hổng thủy, theo Kinh Thánh.

(43) Gái bán rượu.

(44) Đây, mang tới đây!

(45) Vui lên nào...