Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (12)

Thiền – Thiền tông – Thiền học và Phật pháp – Phật giáo (1)

Nguyễn Thanh Văn

MỞ:

Cái người viết lo ngại nhất là nhan đề bài gây cảm giác sai về phía người đọc. Không có chuyện luận bàn sâu xa theo chân các học giả Phật giáo ở đây và càng không có tâm tư hoằng pháp trịnh trọng chi khác. Lý do các bạn đoán ra ngay điều mà đối với người viết thì rõ hơn cả ban ngày: làm gì có đủ tri thức, khả năng – và thanh vọng – mà làm và hơn nữa chuyện đề tài tôn giáo, thần học không phải chỗ để “tản mạn” ngay cả khi giới tín đồ, tu sĩ có vì lòng từ bi, bác ái mà bỏ qua. Vậy bài viết chỉ nhắm vào một phạm vi hẹp, có vài chủ điểm tạm cho là “linh tinh” như là…, như là… với khẳng định mang tính chủ quan; còn nói vì sao biết chủ quan mà vẫn nói thì phải giả lả thưa luôn rằng thỉnh thoảng mỗi con người thấp thỏi trong chúng ta đây không sử dụng cái quyền có có tí ti “chủ quan” với nhau thì e có ngày một cái “đại chủ quan” lớn dần làm chờn lòng, chóng mặt người có thiện ý bắt chuyện. Và không có khâu bắt chuyện thì làm chi còn câu chuyện trên đời này!

Người viết cũng thẳng thắn không tin rằng chỉ với một quan điểm “viên dung vô ngại” chung chung – và bị sử dụng không có nội dung và nguyên tắc chi rõ ràng lâu nay – là giải quyết được mọi vấn đề; nói thiệt tình chỉ hàng núi vấn đề, vấn nạn càng ngày càng cao ngất ngưởng làm bối rối người muốn tu học và làm nản lòng người mong cầu một câu trả lời khả dĩ cho mình và cho người, chứng tỏ không thể lật bí kíp “viên dung”, “bất khả tư nghị”, “vô ngôn” …theo kiểu thiên sinh tự nhiên bình dân chủ nghĩa hay thuyết “cùng tắc biến, biến tắc thông” made in China là đất tất hoá vàng và vàng tất hoá kim cương được. Có một nếp nghĩ lâu nay nên xem lại là trong phạm vi tôn giáo cứ lấy truyền thống – càng lâu đời nhất càng đáng tin – và trích dẫn một bên hoặc là nội dung thuyết pháp của các vị danh tăng đại lão như một chân lý miễn bàn cãi; mặt khác, là ngầm công nhận các tín điều đang được đông đảo các tín đồ hâm mộ, đăng ký làm câu trả lời xác tín cuối cùng. Chuyện nhiều fan quây quần thành Bang, thành Hội ắt sẽ sở hữu được chân lý thì không cần chứng minh vì tính xốc nổi, a dua của dân chúng không ai không biết và đám đông không phải là điều kiện đủ để đảm bảo cho Chân lý. Riêng sự hoài nghi đặt ra cho những nhân vật nổi tiếng, đầy thanh vọng tế nhị hơn nhiều. Để tránh âm sắc thất lễ nên nêu câu hỏi cụ thể rằng ngay một người có lòng tôn kính bậc bề trên và các truyền thống nhưng khi chính các bậc bề trên lại nói ngược nhau, chống báng chủ trương của nhau thì lòng tôn kính nên thể hiện thế nào đây?! Cùng những đại danh ở đẳng cấp “no comment” nhưng lập luận bài bác nhau kịch liệt như nước với lửa mà kết luận dưới quan điểm “vô ngại” hai bên đều là chân lý thì gượng gạo, ba phải và nói thiệt tình đâm bất nhã nhưng nghe “chướng tai quá”. Ví dụ minh hoạ trong lịch sử Phật giáo thì đầy tràn, không đủ giấy để chép! Còn chuyện truyền thống rằng ý kiến hễ càng xưa càng đúng, đời nay không thể so sánh được thì e không logic và thuyết phục, nhưng nếu muốn quyết như vậy thật thì trong lịch sử Phật pháp và Phật giáo lời dạy của Đức Giáo chủ tất nhiên phải xưa nhất và đáng tin đệ nhất không cần tranh cãi – và nếu kết luận như vậy thì người viết lại hoàn toàn ủng hộ là khác. Tiếc thay, nói như bà con Nam Bộ “nói dzậy mà không phải dzậy”.

Có những đại danh nổi tiếng Đông Tây – ai từng để tâm nghiên cứu kinh sách làm chứng cho tôi – không rõ căn cơ, mục đích thế nào để lại những nhận định phải nói là (tội) “tày trời” rằng toàn bộ kinh sách, nội dung Đức Phật thuyết giảng là dạng thấp – second-rate! – dành cho đệ tử căn cơ thấp! Và kinh sách Tông phái họ phải chế Chân Kinh mới để làm sáng rõ Chân Lý, Chánh Pháp. Điều bi kịch cho Lịch sử Phật pháp và Phật giáo thế giới là những nộị dung này được phổ biến và công khai đi vào trong vô số Kinh và Luận. Đó cũng là bi kịch của lối kiến giải Phật giáo ta hơn Đạo người ta ở chỗ phát triển tông phái, nở rộ viễn kiến như cỏ dại sau mưa xuân tới độ từ cách nhận định một nội dung Phật pháp với nhiều cách và tầng vỉa – là việc bình thường – đến chỗ lật vị trí Giáo chủ và thay bằng Chân Lý đích thật của Tông phái mình mới phát minh ra (tất nhiên là chế biến từ Chùa mềnh và của Tổ mềnh!). Không thể không hỏi là Sáng Chế ra Chân Kinh vĩ đại sao không công khai tác giả, lại “ký tên” Đức Phật và việc lập luận lòng vòng mà tiếp tục đăng ký họ nhà Phật Tổ là “Phật pháp”, “Phật giáo”, ‘Kinh Phật” thì có ý nghĩa gì? Và các bạn có vui lòng cho tôi “lý sự” tiếp rằng nói lớp đệ tử đầu tiên của Đức Phật là căn cơ thấp, vậy những tên tuổi nào về sau là “căn cơ cao”, đồng thời những bản kinh do các ngài Xá Lợi Phất, A Nan, Ca Chiên Diên, Ca Diếp trực tiếp giảng trong các Kinh A Hàm và Kinh Bộ được chính Đức Phật xác nhận, khen ngợi thì thế nào! Và xin lỗi quý tín đồ nhạy cảm trước, nói những kinh sách Đức Phật dạy lúc ở thế gian là thấp (vì dành cho căn cơ thấp) thì có hai cách hiểu: Thứ nhất, Ngài đã không dạy hết bài và không chân thật khi xác nhận lời Ngài là Chân Lý và việc thọ ký của Ngài cho các đại đệ tử là giả; điều hoàn toàn mâu thuẩn với sự xác nhận của chính Đức Thích Ca rằng Ngài là mẫu Đạo sư ‘VỚI BÀN TAY MỞ” (không giấu giếm Đạo Giải Thoát với đệ tử) và các đại đệ tử của Ngài đều là những nhân vật lỗi lạc có bằng chứng lịch sử, người để lại nội dung thuyết pháp cao diệu, người trực tiếp lãnh đạo Tăng Chúng trước và sau Đức Phật nhập diệt, người trực tiếp giảng dạy nhiều thế hệ và để lại ấn tượng sâu sắc cho hàng đệ tử. Một Xá Lợi Phất được Đấng Giác Ngộ không tiếc lời khẳng định trước tăng chúng là Đại Tuệ, Đại Biện Tài, Đại Trí nằm lại trong ký ức nhiều thế hệ vùng Trung Ấn Độ với danh xưng “Buddha” – theo các nhà nghiên cứu, dân chúng đương thời ở miền này biết và hâm mộ danh tiếng của Ngài hơn cả Đức Phật! – mà ai đó cho là “căn cơ thấp” thì khủng khiếp quá. Thứ hai – và đặc biệt cần nhấn mạnh – việc xếp Giáo pháp của Đức Thích Ca trực tiếp thuyết giảng là dạng Kinh second-rate nhằm tôn kinh tông phái mình lên là một hành vi đáng công khai gọi và kết án là báng bổ, khó tha thứ và chỉ có tính “viên dung vô ngại” vô nguyên tắc theo lối lập luận trăm kinh đều là Kinh Phật cả thôi, được một số luận sư kim cổ vận dụng theo những kiến thức và phương pháp phi lịch sử mới “nỡ” để thoi thóp sống trong lịch sử kinh sách nhà Phật – cho tôi xin lỗi nghìn lần vì có sự bức xúc – như một vết nhơ!

Phần Mở – với dụng ý của tác giả – như vậy có ý chạm chỗ có tính tổng quát để đi vào nội dung hạn chế lại về Thiền và … và …nhằm giải thích trước với các bạn vì sao phải nhìn lại cả các kiến thức căn bản, vì sao nên nhất nhất quy chiếu Kim Ngôn của Đức Phật trước khi luận bàn, gia giảm bất cứ điểm gì và vì sao một dạng hưng phấn có tính biểu tượng kiểu “gặp chùa đốt chùa, gặp Phật giết Phật” đầy ý nhị, cảnh báo – có ý nghĩa vào những thời kỳ Phật giáo chìm trong trò cao đàm, huyền đàm phảng phất “công nghệ và tài vặt” của các em Gheisa hơn là công phu học thuật thực sự, thậm chí thiếu cả hương vị tâm linh tôn kính của tín đồ chân chính – bỗng hoá thành một trò Thiền ngông cuồng, lấy sự càn dở và ngôn ngữ hí luận làm lý lẽ mà tột đỉnh của nó là sự cả gan hạ thấp Chánh Pháp của Giáo chủ thành cấp Mẫu giáo, Tiểu học, công khai xếp chiếu dưới so với dạng kinh sách tự chế “không có tên tác giả” và giả định là của Đức Phật tin cậy truyền riêng cho một vị nặc danh – thật khác với phong độ, giáo phong quang minh chính đại của Đức Phật lịch sử – hoặc viện lý do hoang đường là mới được bí mật đào được đâu đó!

Đối với người bàn chuyện Thiền này nọ dù với láng giềng bên bàn trà đã trăm người trăm ý nói chi mở một trong cả nghìn tập sách dạy Thiền, bàn về Thiền để nghiền ngẫm. Nên chi tác giả làm rõ trong nhan đề bài là mục Thiền hướng tới, muốn bàn bạc đôi điều là Thiền nhà Phật và nhắm vào một chủ ý nữa là vì sao hễ nói tới Phật pháp là nói Thiền, hễ nói Thiền là cho là (nói đủ về) Phật pháp. Có thiệt như rứa không?

Muốn nói Thiền trong quan hệ với Phật pháp – và Phật giáo – tất nhiên trước hết không thể không tự hỏi Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo dạy gì về Thiền, đặt Thiền ở vị trí nào trong việc tu học để Giải Thoát. Không có ý thức về chỗ tối hệ trọng này thì hỏi có Phật, có “Phật” Đạo mô nữa mà bàn Thiền nhà Phật! Nói khác đi bàn Thiền cứ bàn, rằng Thiền nhà ta chấp cả vạn Thiền thiên hạ cứ nói, nhưng không nên thiếu minh bạch khi không rõ Thiền Đấng Giác Ngộ trực tiếp giảng dạy thế nào, quy vào để làm nguyên tắc – tiêu chí sinh tử! – đã vội Thiền ta mới đúng bản ý Phật, Thiền ta mới là Phật giáo, mới là “đạo dòng” và “chân truyền”. Để thêm ấn tượng cho dạng tín đồ thắp nén hương, cúng được nải chuối đã nằn nỉ Phật Tổ hứa cho trúng số quốc tế (!) và thăng tiến – không kết quả nhãn tiền ắt chuyển qua Phật khác (có cả vạn Phật kia mà!) – và sính một thứ tâm linh càng lù mù càng hứng khởi, càng hâm mộ, không thiếu đạo sư, tác giả trong và ngoài nước – ngoài nước là chủ yếu – ngoài chuyện tung tin mới đào được kinh Phật đâu đó mà tôi lưu ý ở trên, là cách giải thích ai đó mới nhập vào Cung Trời Đâu Suất đem bí kíp Thiền về. Có nguồn nói rõ do Đức Văn Thù Sư Lợi hay Đức Thiện Tài Đồng Tử hay Bồ Tát Quan Âm trực tiếp truyền dạy cho mà không rõ ba vị là những nhân vật hư cấu do Kinh Kệ Đại Thừa đẻ ra, có tính biểu tượng, ví dụ cho Tuệ Trí, cho đức Từ Bi hay Biện Tài với mục đích giáo huấn. Nghe nội dung để hiểu Thông Điệp Tôn Giáo, chiêm nghiệm Lẽ Đạo thì còn đúng ý người chế kinh, còn bảo vụ ra mắt, trực tiếp nhận bí kíp thì hoang đường chẳng khác chi chuyện gặp gỡ Tôn Ngộ Không hay Ngưu Ma Vương học võ nghệ!

Điều đáng gọi là bất ổn hết sức, ai từng chịu đọc kinh sách đây đó đều từng nghe, từng biết là trong lịch sử Phật giáo – từ không thiếu nguồn chính thức hẳn hoi – đều điểm sơ sài chỗ tối trọng Đức Phật dạy về Thiền trước khi luận về Thiền. Xin chú ý người viết không thuộc giới quá sính Thiền và bàn về Thiền với nghĩa nắm bắt hay quảng cáo cho một Thiền pháp đặc thù, lại càng không quyết nội dung thiết yếu sinh tử của Phật pháp – như nhiều vị, nổi tiếng và chưa nổi tiếng – phải là Thiền; nhưng cần phải thưa rõ rằng danh có chính thì ngôn mới thuận: Phật pháp là Phật pháp và Thiền (như một Pháp Môn quan trọng) là Thiền. Nội dung Phật pháp không thể sa xuống chuyện bàn một kiểu hít thở và mạn đàm về Thiền, và tập Thiền Luận kèm theo vài xe thuật ngữ Thiền học bí hiểm không có nghĩa là tự cho phép kết luận được về Phật pháp. Đã có công phu sáng chế những kiểu Thiền, cụ thể là những cách ngồi Thiền và bay bổng lên là những danh xưng và sự tán tụng quanh những danh xưng này (do cẩn trọng e “xúc phạm” – bỏ vào dấu kép vì thực sự không có chuyện xúc phạm chi ở đây cả – các fan của các đạo sư, tôi tránh không gọi tên và dẫn chứng cụ thể) hoặc gây ấn tượng bằng kiến thức kim cổ, từ Lão Tử tới huyền thoại Hy Lạp qua Nietzsche và Heidegger ...với nghìn triệu binh mã từ ngữ sâu xa, bay bổng nhằm hứng khởi người đọc – đôi khi kèm side effect làm tê liệt người đọc – để phải chấp nhận (có ý thức hay không ý thức mà không ý thức là chính) một luận cứ hàm hồ rằng Thiền là Phật pháp và Phật pháp là Thiền và rằng Phép Thiền được gợi ý bàng bạc trong tín điều và “thiền luận” của mình tất nhiên là Thiền Phật giáo chính thức, hàm ý răn người đọc và Phật tử hiểu những Thiền pháp khác Thiền ta là sai lạc hoặc là Thiền hạ cấp (bậc thấp).

Trọng tâm là bàn Thiền nhà Phật còn vì lý do cá nhân là người viết – cũng như hàng triệu đồng bào của mình – quan tâm tới Phật pháp mà trong nội dung Đức Phật giảng có bàn cụ thể về Thiền, mục đích của Thiền, cách Thiền và đặc biệt những “chi tiết” sâu xa, ấn tượng liên quan tới Thiền bị các thế hệ đệ tử – vô tình lẫn có ý thức – bỏ sót. Và nếu trước hết phải điểm qua chính nội dung do Đức Phật trực tiếp giảng thì lý do quá rõ: không thể gọi một pháp, một ý Đức Phật không nói là ý của Ngài và không thể gán một nội dung của ai đó – hay của chính mình – là ý của Đức Phật. Trong thực tế vấn đề tinh tế hơn nhiều, dạng “sai một ly, đi một dặm”, ví dụ nhấn mạnh chỗ không đáng nhấn mạnh, xem nhẹ chỗ then chốt, nhầm phương tiện thành mục đích…

Theo tôi tìm hiểu (do không gian hẹp của bài viết không tiện kê tỉ mỉ chi tiết liên quan xuất xứ từng thông tin – điều tôi sẽ làm kỹ khi sắp xếp tài liệu cho một tập sách formal hơn sau này) – Đức Phật đã có những căn dặn minh bạch, cụ thể, không thể nhầm lẫn được liên quan tới Thiền, phép Thiền, nội dung và mục đích của Thiền.

Về Thiền, dù không chủ trương chỉ dẫn một nguồn, thì theo hướng dẫn của các bậc Phật học Đông Tây Kim Cổ mà tôi rất tán thành, việc dẫn kinh sách phải bắt đầu và chủ yếu qua Kinh Bộ/Nikāya (các hiệu sách vẫn còn bản dịch từ tiếng Pali của Ngài Thích Minh Châu) và Kinh A Hàm/Agāma (bản dịch từ Hán ngữ qua Việt ngữ của nhóm quý Thầy Thích Tuệ Sĩ, Thích Đức Thắng), nói rõ thêm rằng ngay cả khi cẩn trọng trích thêm các nguồn khác cũng trên cơ sở so sánh với Nikāya và Agāma – “NGUỒN CỦA MỌI NGUỒN” – nếu không muốn rơi vào cảnh “sai một ly đi một dặm” của không ít nhà nghiên cứu Phật học xưa nay. Còn những liên quan chi tiết đại khái có khác biệt khi đối chiếu, chỗ dịch nghi sai, cá biệt có kinh xếp không hợp lý, xác định niên đại nhầm …là một vấn đề khác; nói khác đi, chuyện đặt đúng vị trí của Kinh Bộ và Kinh A Hàm phải đi với khâu khảo cứu, so sánh các mặt với các tư liệu mới được phát hiện nhằm biên tập, hiệu đính những phần có vấn đề ngờ vực.

Một sự thực có thể xác nhận mạnh mẽ là Đức Phật đặt khâu thực hành Thiền rất cao, bản thân Ngài thực hành Thiền từ trước và sau sự kiện Thành Đạo và cho tới tận thời điểm nhập Niết Bàn. Vấn đề là Đức Phật chưa bao giờ dùng khái niệm Thiền luận, Thiền học, Thiền phái, Thiền tông và các đệ tử của Ngài cùng tham thiền, tịch tịnh cùng nhau nhưng tuyệt không nghe vụ phong trào Thiền, hội nghị chuyên về Thiền, sáng chế hay tán thán loại Thiền pháp mới, hay chu du nước này qua nước khác để dạy Thiền. Thiền là sinh hoạt hàng ngày như không khí, ăn uống để hộ thân, cách ly nếp sống “tào lao”, “vẽ chuyện” của thế gian, là nếp thực hành hỗ trợ công phu Niệm tu, Định tu, tu pháp Nhất Tâm, là pháp môn của con nhà Phật nhằm trị căn bệnh ung thư của chúng sanh mang theo đời đời kiếp kiếp: bệnh Hí Luận. Thiền như vậy một mặt là dạng thể dục chế ngự, an trụ tâm linh nhằm tạo sức khoẻ và năng lượng hỗ trợ cho việc tu tập (Thiền chỉ); một mặt chính là hoạt động trí tuệ trực tiếp chuyển hoá tâm linh (Thiền quán) hay nói ngược lại nhằm mục đích chuyển Tâm để phát Tuệ – tất nhiên ngay trong Thiền chỉ cũng đã có tác dụng chuyển tâm – và Thiền là bước dọn dẹp những trở ngại cho tâm linh, nhất tâm để soi chiếu mọi Pháp môn Đấng Giáo chủ từng răn dạy mà đệ tử muốn hay phải ôn tập, soi chiếu. Như vậy, Thiền có vị trí hệ trọng nhưng không có mục đích tự thân để gán cho Thiền một ý nghĩa siêu nhiên, thiêng liêng mà nó không hề có. Không phải tự thân Thiền, mà chính nội dung, mục đích, công phu tinh tấn (và phương pháp) đúng đắn của Thiền đem lại giá trị và kết quả tương ứng. Nếu không sao có khái niệm “tà thiền”! Bản thân ý nghĩa Thiền Đức Phật giải thích hoàn toàn chân phương – xin chú ý những ai tiếp xúc với Kinh Bản thế hệ đệ tử những thời kỳ đầu đã tu học, truyền khẩu, biên chép đều nhận ra bản ý Đức Phật không hề chủ trương chuyện ngồi Thiền hay niệm danh hiệu Phật đứng riêng thành Tông, Phái.

Trước khi vào Phần Bài quan trọng điểm qua quan niệm căn bản của Thiền Phật giáo với cái nhìn của chính vị Giáo chủ mà tâm điểm là một Pháp môn – phương tiện hỗ trợ Chuyển Tâm và Phát Tuệ để Đạt Quả Giải Thoát mà tôi thấy cần thiết phải lặp lại, tôi thử đi quanh một vòng những thông tin đây đó liên quan tới Thiền.

– Nếu chưa đi vào sắc thái tôn giáo, tâm linh, thiền phái …thì “nội dung” Thiền hay từ tiếng Anh là Meditation mang ý nghĩa phổ thông không hoàn toàn xa với nghĩa như một thuật ngữ. Người bình thường không ai không có kinh nghiệm về an tâm, dưỡng tâm, rối tâm, loạn tâm …và ý thức buông bớt lo âu, ôm đồm mong tìm sự thanh thản, bình tâm và từ đó có ý niệm về cách thức điều tâm, thăng bằng tâm lý phát sinh và được ứng dụng trong cuộc sống – từ đây mới có khái niệm liệu pháp tâm lý chống stress của các chuyên gia tâm lý. Vấn đề là ít nhất là ban đầu không ai gọi liệu pháp tâm lý này là Thiền và ở phương Tây khái niệm và dịch vụ chăm sóc tâm lý, trị liệu các dạng căng thẳng tinh thần có trước cả khi du nhập khái niệm Thiền, nói chính xác hơn là trước khi khái niệm này trở nên phổ biến. Ý niệm xả bỏ lo âu, ham muốn, do đó, dù trùng hợp tương đối với khái niệm Phật giáo “XẢ” – thực tế, ý niệm này đã quen thuộc trong các truyền thống triết lý Ấn Độ cổ đại trước cả thời Đức Phật – thì chưa mang nội hàm sâu sắc của nhà Phật. Và ý niệm tập trung tư tưởng, thao tác chú tâm trong đời thường cũng phân biệt với khái niệm “Niệm” và “Định” trong tôn giáo theo cách như vậy. Chỗ phân tích không có chi sâu sắc này nhằm chỉ gốc gác thế gian của khái niệm “Thiền”, và gợi ý không nên thiêng liêng hoá và “tôn giáo hoá” một nội dung có nghĩa từ phổ thông đến nghĩa thuật ngữ.

– Không thể phủ nhận gốc gác Thiền như một phép tu tập (tâm linh) có trước thời Đức Phật của chúng ta. Về mặt lịch sử, có thể nói nhu cầu trăn trở mang khí vị tâm linh lẫn trí tuệ của thái tử Tất Đạt Đa dẫn tới quyết định Tầm Đạo hoàn toàn lấy cảm hứng của thời đại và là đặc sản Ấn Độ. Nói rõ hơn, quyết tâm đủ trọng lượng đẩy Ngài rời vòng xoay luẩn quẩn của thế gian vào lộ trình tầm Đạo Giải Thoát có background Vệ Đà, đặc biệt của Upanishads như nhiều học giả phân tích, nếu không bổ sung – dù khó nghe đối với một số Phật tử – có cả dăm ba nốt nhạc Bà La Môn (cho dù chúng ta không phủ nhận đất nước Ấn đương thời đã có tư trào phi chính thống, phê phán cả nội dung Vệ Đà lẫn sự khắc nghiệt và màu sắc mê tín của xã hội Bà La Môn mà Thái Tử Tất Đạt Đa là một Sa môn thành viên nhiệt thành!). Nhưng không khó phân biệt, Phật pháp không hoan nghênh mục đích Thiền để chứng minh khả năng siêu vật lý của hành giả đại khái như nâng thân thể rời mặt đất, đạt thần thông (thần thông trong Phật pháp được hiểu là hiệu quả tất nhiên của tu tập, trước hết do Thiền lực, nhưng không phải là mục đích và Đức Phật nghiêm cấm cả việc biểu diễn lẫn sử dụng) hay thi đua những phép Khổ hạnh vô nghĩa lý, không liên quan mục đích Giải thoát mà các thiền giả đương thời rất sính và dân chúng Ấn Độ có truyền thống hâm mộ, trọng vọng.

– Về các phép Thiền giới thiệu các Cõi Trời dạng như Tây Phương Cực Lạc sau này trong lịch sử Phật giáo mọc lên như nấm ở Thiên Trúc, Đông Á phản ảnh sự bất an với thực tại, bình dân hoá dục vọng “lên đời” và ước ao được “sung sướng mãi mãi” của nhân loại thiết tưởng không có chi lạ. Ngay dị bản “Cực Lạc” trong Phật giáo cũng thế, các nhà hoằng pháp buộc phải chiều theo tín đồ không phải chỉ mục đích giữ tín đồ mà còn là một pháp Từ Bi, an ủi chúng sanh còn khát khao lạc thọ nửa thiên, nửa tục và thực tế lúc sinh tiền Đức Phật cũng mở ra khái niệm và Pháp Niệm Thiên bên các Pháp Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Giải Thoát và Niết Bàn …cho đại chúng.

– Trong ngôn ngữ và văn hoá hiện đại, các khái niệm Thiền, Meditation trở thành phổ biến toàn cầu. Khái niệm Zen (Thiền Nhật Bản) còn phổ biến hơn nữa. Đó là hiện tượng thú vị và tự nhiên pha sắc thái giao lưu văn hoá Đông Tây. Tuy nhiên, đứng từ góc độ Phật pháp không đơn giản. Có thể nhận xét hương vị tâm linh đã dần rơi vào cảnh “bay đi ít nhiều” – và hứa hẹn còn “rơi rơi” nữa dưới tác dụng của kinh doanh, tiếp thị và cả thói thời thượng, xốc nổi của quần chúng! Một mặt, “Meditation” hay “Zen phương Tây” quay lại tác động “Zen” và “Zen” ảnh hưởng lại “Thiền” – cách nói “nhay nháy” – và mặt khác, xem ra cả ‘Thiền” lẫn “Zen” từ lâu đã dần dà cải tiến theo đơn đặt hàng của Phật tử – khách hàng viễn phương, nếu cách gọi của tôi không quá bất nhã.

Trong một cuốn tiểu thuyết Pháp hiện đại khá hấp dẫn của Michel Houellebecq, bản dịch tiếng Việt có tên là Hạt cơ bản (dịch giả là Cao Việt Dũng), các nhân vật tiếp cận và thể nghiệm với mọi trò “văn hoá” và Cách mạng Tình dục, Phong trào Hippie, Zen và Ma tuý đều đồng đẳng như tên các trò Games xếp chung trong danh sách. Nếu có anh chị nào không đồng ý cách nhìn của nhà văn Pháp hay ngôn ngữ có sắc thái châm biếm của người viết thì điều đó thiệt đáng mừng vì tính lành mạnh dễ hiểu của nó. Cá nhân tôi không giấu từ non ba mươi năm trước đã dự đoán hay dở sau này của Phật pháp và Phật giáo – ÍT RA LÀ Ở TƯƠNG LAI XA – rất có thể tuỳ thuộc nhiều vào Phật tử phương Tây hơn là phương Đông dù cũng “không giấu” luôn là có khi không phải từ một khảo sát, phân tích học thuật chi lắm mà do “ngửi” được mùi trì trệ từ các chùa chiền xứ ta – trong khái niệm Phật tử tôi dùng có tín đồ, tu sĩ bình thường và cả các nhà Phật học (riêng đối tượng cuối có thể là tín đồ hay không). Bất kể màu sắc chọn lựa còn mơ hồ và nhu cầu tâm linh của đại chúng Phật tử xứ Tây – cũng qua những thông tin lơ mơ tôi có được – có chút phong cách “amateur” và “thời vụ” chăng, đặc trưng trí tuệ phương Tây sẽ là một đóng góp cho sở đoản đã thành sức ỳ mang hương vị phương Đông.

Truyền thống Phật giáo Đông Phương suốt hơn hai ngàn năm đã đi trọn con đường phong phú, ngóc ngách tâm linh sung mãn, bí ẩn và bí hiểm của nó, đã có một “cuộc chơi” tận cùng với mọi tìm kiếm, thể nghiệm của mình và đóng góp to lớn cho Phật đạo và Thế đạo. Và nay, chính xác là từ lâu, Phật giáo và Phật tử phương Đông đã và đang oằn mình dưới sức nặng một Đại Di Sản và Đại Hệ Thống “phi-hệ-thống”, chưa từng được xử lý rốt ráo và bất lực với gánh nặng không kém của thói tục mê tín sâu trong cơ địa của đất và người phương Đông tới độ – xin lỗi – Vàng nằm song song với Rác theo tinh thần Vô Ngại Viên Dung kiểu châu Á mà Ngài Ấn Thuận từng quan ngại, Giáo pháp Đại Tuệ của Đấng Giải Thoát lại nằm chung với từng mớ “giáo pháp” lù mù, rành rành thương hiệu ngoại đạo. Cho phép tôi bồn chồn cho hôm nay mà chạnh lòng xuôi dĩ vãng, vẫn biết là một vụ cá biệt trong Lịch sử, nhắc tới cái dạng suy đồi của môn phái mê cuồng trong các Thiền viện năm xưa ở đất Ấn. Chuyện một nhánh “Mật Tông” – được không ít nhà nghiên cứu Phật giáo xếp là Thời Kỳ Cuối của Phật giáo Đại Thừa và chính xác là Giai đoạn cuối của Thời Kỳ Mật Tông ở Thiên Trúc thời Phật giáo Ấn Độ chuẩn bị “biến mất” hoặc cũng theo các nhà Phật Học khác đã biến mất trước đó rồi! – đã công khai hoằng pháp một thứ Pháp môn “vi diệu” ngay trong chốn Thiền môn mà Ngài Pháp sư Pháp Nghiêm miêu tả trong cuốn sách nhan đề Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (đã phát hành tại Việt Nam) là lấy Chày Kim Cương cho là tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và Hoa Sen biểu tượng cho bộ phận sinh dục nữ, hoà hợp mà phát khởi Giải Thoát …mà không nghe một tư liệu công khai nào về phản ứng, phản biện của tu sĩ, Phật tử hay các nhà luận sư đương thời. Bình đã dài dòng nhưng không thể không nhắc một lời nhận xét sâu cay của một nhà nghiên cứu Phật học phương Tây rằng những gì xảy ra như tôi vừa kể trên Quê hương Đức Phật một thời là cái bối cảnh ông gọi là không phải quân Hồi Giáo đã tiêu diệt Phật giáo trên đất Ấn Độ mà chỉ làm thao tác “bắn phát súng ân huệ” vào một tôn giáo đã hấp hối vì những nguyên nhân từ bên trong! Và cảm giác với hôm nay với nạn lùi dần, cố thủ của giới tu sĩ và các Giáo hội trước những thách thức liên-thời-đại gợi rằng liệu có hay không tình trạng thụ động khoác áo “bảo vệ truyền thống”, hoặc thái độ “thế tục hoá” không phanh, không thắng được mệnh danh là “thức thời”? Quá Khứ bao gồm Quá Khứ bi thương vẫn là bài học dự phòng không hề vô ích. Cơ địa – xin lỗi không rõ nên dùng từ gì – Phật giáo phương Đông có bệnh cần giải phẫu từ lâu và kiểu cách tổ chức cùng cách vận hành thiếu hiệu quả, mất hưng phấn từ ngay trong nội bộ e có vấn đề mà cuộc Báo Động và cụ thể các chủ trương chấn hưng tôn giáo liệu thành công không và thế nào là thành công? Nếu tránh xa gần với các Giáo hội mà e ta không đủ tư liệu phân tích – một góp ý có phần hữu lý – sao không xem đấy là câu hỏi cho chuyện nhà. Và mạo muội thưa với chút trách nhiệm rằng người ngoài chỉ tác động nổi chuyện nhà ta khi tự ta yếu đi, và tự yếu đi vì không rõ căn bệnh của mình, ví dụ không chịu uống thuốc chữa bệnh hoặc uống thứ thuốc của người không thiết tha chi với bệnh tình của mình đem tới và ban cho.

Ở xứ ta – có lẽ toàn khu vực phương Đông và Đông Á không khỏi có ít yếu tố tương cận, tuy nhiên dám chắc liều lượng có khác – có hiện tượng hễ chạm vào việc phản biện, đánh giá cách hiểu Phật pháp, phương thức Hoằng Pháp hay một hiện tượng tôn giáo là tai đầy những khuyến cáo “Truyền thống xưa nay như rứa”, “Tín đồ họ đã quen rồi, sửa răng đặng”, “Cái nớ mấy Ôn trên giải quyết cả rồi”, “Đụng vô tôn giáo là chết đó”, “Cẩn thận đám đệ tử nó xử cho”, “Kinh chữ Hán đã giải thích rõ”, “đụng vô Ngài không xong mô tề” …Thử hỏi với nếp nghĩ và nếp sợ như rứa – thẳng thắn mà nói có cả hương vị “a dua” truyền thống Việt – thì còn mô lời dặn của Đấng Giáo chủ và Đấng Từ phụ “Đạo Ta là Đạo Phân Tích”. “Phân tích” không hẳn chỉ với nghĩa Analysis/Analyze (chợt nhớ chút kiến thức Pali trình độ nhà trẻ, tôi chưa hiểu được trong gốc Pali chỗ dịch là “phân tích” chính xác có nghĩa gì, bao nhiêu nghĩa và nghĩa gì trong văn cảnh, rất mong được tham vấn các bậc thức giả) mà suy đoán rộng ra Đạo của Ngài là Đạo của Tuệ Trí, Đạo Tuệ, của Bậc Đại Giác Ngộ và những người quyết tâm đi trên con đường Bậc Giác Ngộ đã vạch ra từ 25 thế kỷ trước, quyết không thể đặt cược Chân Lý vào niềm tin tuyệt đối vào Thầy mềnh, Ôn mềnh, lại càng không phải vào Sư họ Nguyễn, Ni họ Trương nhà mềnh và không thể quyết định hay chọn lựa một lý tưởng tâm linh hệ trọng không chỉ cho một kiếp vì bậc thanh vọng nào đó “quyết rồi” hay do nỗi sợ “nó xử cho” được.

Truyền thống tư duy phương Tây – liệu tôi có chủ quan không – cơ bản gột sạch được sự hàm hồ của lý luận và thói đỏng đảnh của cảm tính và mê tín, nên tôi hy vọng họ – xin hiểu là những đại diện trí thức Phật tử xuất sắc nhất trong số họ, chứ đám “mê tín đồ” thì mũi lõ mũi tẹt cũng cũng một bè với nhau cả thôi – nêu gương cho Phật tử phương Đông là dù trọng vọng Ngài Đạt Lai Lạt Ma tới đâu và mê Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới đâu phải ý thức mình là Phật tử, không phải là Đạt Lai Lạt Ma tử hay Thích Nhất Hạnh tử được. Phật Tử phải đinh ninh lời dạy của Đức Giáo chủ khuyên những người sùng mộ mình rằng chớ nghe ai nói đây là lời của Đức Phật là vội tin theo, mà phải đối chiếu kinh văn nhiều nguồn, phải chiêm nghiệm, cân nhắc, phân tích và áp dụng thấy có đem lại an lạc lâu dài cho mình, cho người mới tin tưởng. Nếu với nội dung được cho là trực tiếp Đức Phật giảng dạy cũng không tin tưởng một chiều mà cần đối chiếu, suy gẫm và áp dụng cụ thể thì không có một nội dung thuyết pháp nào dù của một bậc Đại sư, Pháp chủ thanh vọng lớn lao mà một Phật tử chân chính không quán chiếu, xem xét trước khi đặt lòng tin. Sai một ly đi một dặm và đó hẳn là lý do một người con xuất sắc của Đức Phật trên quê hương sinh ra vô số môn phái – chỉ một chuyện niệm A Di Đà ngày mấy lần đã sinh ra vài chi phái và vài “Tổ” (đọc lịch sử Phật giáo Nhật Bản từng thấy hiện tượng tương tự, khi một Quốc sư lập danh từ chốn Cung Đình ra ngoài đại chúng tín đồ nhờ có chủ trương số lần niệm Phật khác vị Quốc sư tiền nhiệm!) là Ngài Ấn Thuận, thường nhắc lại rằng “Ấn Thuận tôi” một đời tu tập chỉ tôn Đức Phật làm Đại sư không thuộc vào môn phái nào cả. Và chính Ngài, một đời tận tuỵ hoằng pháp theo gương Đức Phật, đã khẳng khái nhận định có hiện tượng sư sãi muốn tạo Tông Phái và lập Tổ vì háo danh ở đất Trung Hoa – xin lưu ý Ngài không có ý nhận xét hàm hồ về tất cả các Tổ vì chính Ngài dành nhiều công sức xiển dương công đức, luận giải của các vị tiền bối.

Chân lý của Đức Thích Ca cần 1001 lần hơn phương tiện để hoằng pháp, nhưng quyết không phải cần phát triển theo kiểu sửa đổi vô nguyên tắc vì đặc trưng của Chân Lý – Chánh Pháp là tính đúng đắn bất hoại của nó và tưởng chớ nên hiểu sai lời dặn cho phép Thánh Chúng họp bàn sửa đổi các “giới nhỏ nhặt” của Đức Phật với việc “sửa” Pháp và Chánh Pháp. Thậm chí chỉ quên sau lời dặn sửa đổi giới là tính từ “nhỏ nhặt” là có đại hoạ rồi. Mặc mấy áo – vì còn tuỳ thời tiết –, tắm mấy lần – do lời dặn đầu của Đức Phật vào thời và địa điểm hạn hán – là giới “nhỏ nhặt” hẳn không đồng đẳng với đề xuất cho sư lấy vợ và ni lấy chồng chẳng hạn (tôi không thiếu lịch duyệt đến độ nhắm vào chủ trương “Tân Tăng” có truyền thống e cả nghìn năm của Phật giáo Nhật Bản trong nhận xét này – lưu ý bàn tay thế quyền của chính quyền Thiên Hoàng thời Minh Trị trong quyết định liên quan chủ trương “Tân Tăng” ta đang bàn – hay nói cách khác đề mục này có dịp ta lại “tản mạn”). Một tôn giáo đã xác định gốc của mọi gốc của DUKKHA là SINH (kết quả trực tiếp của ÁI, THỦ và HỮU) mà quý sư ni lại còn tâm và tâm huyết đấu tranh cho quyền hôn nhân và sinh con đẻ cái thì nghe vừa chướng vừa mỉa mai vừa ngậm ngùi răng đó. Có nên xem là phát triển, là cách tân Phật giáo hay không?! Hay chỉ do không nhất tâm tu tập, không đủ lực giữ giới mà sinh chuyện …đòi tối tân hoá Giáo pháp. Sao lại quên quyền ở ngoài thế gian mà tự do yêu đương nam nữ – Đức Phật chưa hề chỉ trích vụ này và chính Ngài xác quyết chúng ưu bà tắc và ưu bà di là thành viên của Thánh Chúng và xác định cư sĩ cũng có điều kiện đạt Thánh Quả – và quyền rời nhà chùa và lập gia đình nếu có nguyện vọng.

Không cần thông minh lắm cũng mường tượng ra cảnh nội bộ tăng ni sau khi làm Phật sự lại còn phải hội thảo, mít tinh bàn xem tu sĩ nên có mấy con là vừa, nếu không có con trai thì đẻ tiếp không, nói ra bất kính có khi lại có cả đề mục tu sĩ có quyền dùng condom không, khi xích mích ly dị thì ra toà thế gian hay toà án Phật giáo, có khi nảy sinh vụ con ruột sư ni có quyền “tiếp quản” chùa nhà mềnh hay không. Đúng là một đề xuất thiên tài, mà tính cách mạng đủ trọng lượng để biến Đạo Phật thành một Đạo na ná Đạo Phật – gợi ý nghĩa của khái niệm “Tượng Pháp” – hay nói chính xác hơn đã trở thành một tôn giáo khác từ khuya rồi. Không thể không chiếu theo Phật Pháp – lời dạy trực tiếp của Đức Phật – khi gặp vấn đề không phân minh, chia ra tả hữu, lề phải, lề trái, đặc biệt liên quan đến nguyên tắc, cấm giới, chạm tới tiêu chí phẩm hạnh, phân biệt và xác định giá trị, công phu và bước tu tập. Thử hỏi không đúng tôn chỉ của Giáo chủ, mà tuỳ nghi, tuỳ tiện sáng tác theo Tin Mừng của mỗi Sư, mỗi Tu viện thì gọi hẳn là Đạo của Ngài A, Tôn giáo của Thầy B, Chân Lý của Thánh Mẫu C có lương thiện, minh bạch hơn không. Người quân tử làng nhàng còn thờ chữ Chính Danh mà Đấng Đạo Sư được tôn – hoặc tự tôn – là Phật Sống lại hồ đồ ngay về nguyên tắc sao tránh khỏi bất phục. Đạo Phật chủ trương Vô Tướng mà các bậc Dẫn Đạo không vượt được Tướng nam, Tướng nữ thì uy phong, uy tín mô mà dẫn đạo.

Trên có ý tránh né, vậy nhời bàn thêm chỉ là bất đắc dĩ rằng có một nhóm người Âu qua tìm hiểu có tâm tu theo Pháp nhà Phật – rất tiếc tôi không nhớ nguồn mình đã đọc – đã quyết định qua Nhật tìm hiểu và sau đó họ quyết định đi tiếp qua Sri Lanka và xuất gia ở đấy. Trả lời phóng viên họ nói ngắn gọn, không có âm sắc chỉ trích, là thấy thầy chùa ở Nhật có phép tu lạ, không thích hợp sự tìm hiểu của họ về Phật pháp. Có thể hiểu ý của các tu sĩ người Âu này liên quan tập quán “Tân Tăng” của Phật giáo xứ Phù Tang. Tôi là một người chưa từng đi thực địa xem chùa và tăng ni hai quốc độ trên sinh hoạt làm sao, nên các bạn cũng không nên tin tưởng vào thiển ý của người viết lắm. Dù sao, chỉ bằng quan sát, tôi ngờ rằng quan niệm thế tục hoá Phật giáo kiểu này là một “thể nghiệm” hiện đại không những sai lạc mà còn cầm chắc ảo tưởng. Vì sao? Vì gánh nặng nhân sinh và Phạm hạnh đều vô cùng, không ai không rõ và Bậc Thánh nhân minh triết càng rõ. Nên không thể không có dạng phân công, phân nhiệm trong cộng đồng những thành viên vốn “sức người có hạn” và thấm thía kinh nghiệm “thịt da ai cũng là người”. Nói chi đâu xa, cứ quan sát những bậc Sứ quân vỗ ngực bách chiến bách thắng, mở miệng là đòi lãnh đạo toàn diện làm ăn ra sao, thực tế tới đâu là rõ. Con người ta ai cũng có cha mẹ, ăn học điều kiện tới đó, mỗi người mỗi phận, mỗi vẻ, hợp lực, hợp quần mà xây dựng xã hội, quyết không có chuyện vượt giới hạn nhân lực, làm thay hay giành hết trách nhiệm về mình (hay thực chất là vơ trọn quyền lợi cho mình) – bậc Thánh còn phải “tri thiên mệnh” nữa là! Xét kỹ ngoài thế đạo nhân gian không ai không thấy, can cớ làm sao mà trong chốn Thiền môn cũng bày sự phức tạp, coi thường giới cấm của chính Đấng Giáo chủ lập ra và răn dạy minh bạch. Hay đây là kết quả vụ đi tu nghiệp và đi điền dã một tôn giáo bạn – ví dụ, Tin Lành – hay chỉ vì muốn chiều lòng anh chị em tín đồ và dăm ba tu sĩ phương Tây quyết thà chết hơn thiếu Sex mà chỉnh lại Chánh pháp (mà xin lỗi, Đạo của Đức Thích Ca, Đạo chi của mềnh mà muốn sửa là là ta cứ sửa, muốn chỉnh là ta cứ chỉnh) và đã thêm Coca-Cola vào nước Cam Lồ thì chính danh gọi là Cam Lồ hay Coca-Cola?

Giải quyết ức chế tâm sinh lý (quá hợp nhãn các nhà Phân tâm học phương Tây!) – xin lỗi – của các bậc “tu sĩ” mà huỷ hoại thanh danh của Chúng Tì Kheo thì chỉ hợp khẩu vị của Ma giới mà thôi và các nhà “cách mạng tôn giáo” này cớ sao không chịu hiểu nếu áp dụng triệt để luận điểm “cách mạng” của các vị thì những chức sắc Pháp chủ, Tăng thống, Lạt Ma, Pháp vương …nên tấn phong cho các bậc cư sĩ có khi vừa có tri thức Phật pháp, phương tiện biện tài và dù cùng có vợ có chồng như nhau, nhưng họ có khả năng kinh doanh, kinh tài miễn cho đóng góp cúng dường của tín đồ và tránh được nghi ngờ bớt xén hòm công đức nuôi vợ con của các tu sĩ không thạo kinh doanh chăng! Lại quên một chuyện thực tế nữa, thời kinh sách chỉ ở trong Tàng Kinh Các của Tự Am và Kho tàng trữ Kinh Sách của nhà vua có quân lính canh gác như canh của cải đã xưa rồi, các tín đồ và nói riêng giới trí thức tiếp cận kinh kệ dễ hơn nhiều và hệ quả kiến thức Phật pháp không còn là của riêng nhà chùa. Tình huống này giới tăng lữ nên suy gẫm sâu xa hơn và đặt trọng tâm vào sự nghiệp giữ giới, gìn giữ Phạm hạnh và trau dồi tâm linh để bảo vệ uy tín. Tôi có dịp tiếp xúc các tu sĩ tham gia các khóa học Anh Văn do tôi hướng dẫn và tình thật nói với họ – những học viên tôi có thiện cảm và “thiên vị” hơn – là trong điều kiện và diễn biến của thời hiện đại, nên chấp nhận một sự thật một bộ phận cư sĩ và trí thức từ chối nghe giới tu sĩ thuyết pháp vì họ có thể tự học có kết quả và tỉ lệ tu sĩ thật sự đa văn không nhiều – nhân đây xin nói với giới tu sĩ trẻ có văn bằng Tiến sĩ Phật học không đồng nghĩa với đa văn – thì các tu sĩ chớ đi tìm thanh vọng bằng các thao tác “bên ngoài” như tháp cao, chùa bự, chùa thành trung tâm tôn giáo – du lịch hay có đệ tử là Uỷ viên Trung ương hay Tỉnh uỷ viên (thường là phu nhân của các vị này thì chính xác hơn!), một cách “hiện đại hoá” Phật giáo theo kiểu chính sách mở cửa nhưng hậu quả và thực chất là càng ngày càng thế tục hoá giới tăng lữ! Vào chùa là phúc cho bản thân, cho thân nhân như chính Đức Phật dạy và cổ vũ, chọn con đường xa lánh nếp thế tục đâu phải một quyết định tầm thường, nhưng tôi luôn ngạc nhiên nhận xét sau khi qua cổng nhà chùa thì một bộ phận lớn tu sĩ hiện nay lộ những khát vọng nhu cầu đậm đà chất thế tục – tôi thấy không cần liệt ra cái gì là “thế tục” vì rõ cả rồi – chỉ xin được thẳng thắn nói rõ rằng lòng quý trọng thật sự quần chúng dành cho sư ni giảm lắm rồi (để “thiết thực” góp phần chia sẻ với quý sư ni mà tôi có nhiều thiện cảm, xin thêm ý rằng sự tôn trọng xã hội dành cho các thầy cô giáo thế tục cũng xuống không kém – có khi còn đáng báo động hơn). Vị trí cao quý và giá trị xã hội bền vững của tu sĩ – tôi tin chắc như thế – không phải, hoặc chính xác hơn không chỉ ở chỗ có cơ ngơi rộng thoáng và tỉ lệ có văn bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ cao hơn nữa, mà chủ yếu và luôn luôn ở kỷ luật Phạm hạnh, đức giữ giới và các bậc tu sĩ coi lạc thú thế gian là tạm bợ, không có lòng tranh đấu cho những mục tiêu mê hoặc thế nhân lại nên để tâm tranh đấu cho một tiêu chí: Tu sĩ – không phải chính trị gia, đảng viên, thầy giáo, thầy thuốc – phải là những tấm gương lớn nhất về mặt ĐẠO ĐỨC! Hễ tiêu chí Phạm hạnh còn giữ được, thanh vọng đạo đức còn giữ được thì vị trí và uy tín xã hội của tăng ni quyết không thay đổi được, và đó đâu chỉ là Vinh Dự của Phật giáo mà còn là Hồng Phúc cho Dân tộc.

Vậy khi Đức Phật thành lập Tứ Chúng hẳn Ngài đã lường được sự vận hành hợp lý, hợp tình của nó. Ai lo điều kiện vật chất – khái niệm bố thí, cúng dường –, ai tập trung vào công phu tu học – hoằng pháp và hộ trì Chánh pháp –, ai có thời gian chăm lo cho thân nhân, ai chọn con đường dứt bỏ ràng buộc gia đình vì sự nghiệp Tự Giác, Giác Tha. Tăng ni và nam nữ cư sĩ nương nhau mà sinh hoạt và tu tập. Phạm Vi, Giới Hạn và Kỷ Luật riêng rẽ, rành mạch, đúng đắn, văn minh. Phấn đấu có một chỗ an lành cho bản thân và thân nhân trong cõi nhân sinh vốn đã muốn loạn tâm thì công phu hoàn thành Phạm hạnh là chuyện đường xa, ai dám vỗ ngực là chuyện dễ. Hiển nhiên sự rành mạch trong nếp sống tu sĩ, cư sĩ sẽ tôn vinh địa vị tu sĩ, vừa giúp tránh được hiện tượng những mong một công hai việc, vừa nhất tâm thuyết pháp cho người vừa ngay ngáy “vợ” đang nằm bệnh viện Từ Dũ hoặc vừa nhập Tam Thiền vừa thấp thỏm quên cho “con” bú thiệt là chuyện tội người, thiệt mình. Và tăng ni cứ thế thì ý nghĩa việc đêm Đức Giáo chủ dứt áo bỏ đời sống thế tục ra đi, vượt sông Anoma tìm Chánh pháp còn mang nghĩa lý gì. Mặt khác, sự thành công theo kiểu đếm đầu tín đồ và không khí dập dìu tài tử giai nhân trong các festival tôn giáo đúng là eye-catching và lành mạnh chán, không chuyên nghiệp khó làm, nhưng về bản chất xem là thành công của Phật pháp, thành quả tâm linh thì e quá gượng gạo. Không ai không biết nếu song song tổ chức một buổi biểu diễn có mặt Elvis Presley hay Britney Spears cạnh buổi nói chuyện của Đức Giáo hoàng hay buổi thuyết pháp của chính Ngài Đạt Lai Lạt Ma đáng tôn kính chưa rõ con số người tham dự sao đây. Xin nhắc chuyện một vị cố Giáo hoàng được tín đồ Công giáo một nước Đông Âu chào mừng đầy phấn khích, Giáo hoàng nói lớn: “Vì Cha, các con có sẵn lòng từ bỏ ma tuý hay không?”, đám đông – chủ yếu là thanh niên – hét lớn “Yes! Yes!” (tôi đọc sách, bản tiếng Anh, không rõ tín đồ hét bằng tiếng gì – Ba Lan?). Ngài hỏi tiếp: “Vì Cha, các con có sẵn lòng từ bỏ rượu chè độc hại hay không?”, đám đông vẫn giọng cuồng nhiệt “Yes! Yes!”. Đức Thánh Cha cũng lây lan không khí hưng phấn, lớn giọng: “Vì Cha, các con có sẵn lòng từ bỏ Sex hay không?” và đám đông vẫn gào lên đầy nhiệt tình “No! No!”. Nhắc câu chuyện không thiếu thú vị để thấy quý “tân tăng” Tân Phật giáo (tôi đề xuất cách gọi mới, phái này quyết thu hút nhiều tín đồ và có lẽ chỉ chịu thua các bồ tát John Lennon và Madonna mà thôi) quả nhiên hiểu tâm lý chúng sanh, và dám chọn lựa lối sống “ở đâu có chúng sanh mắc kẹt, ở đấy ta phải có mặt” – lần này là vụ kẹt trong hôn nhân và ái tình!

Đoạn phân tích hơi lằng nhằng và tôi cũng lờ mờ đoán có chỗ bình luận e không “nghiêm cẩn” theo phong cách góp ý chốn am đền cho lắm, nhưng đành vậy vì người viết đúng là dạng tín đồ (tôi cũng thẳng thắn nhận mình viết bài này cả với tư cách một Phật tử lẫn tí ti nghiên cứu) phi-chính thống và phi-phong-cách nữa là khác. Vấn đề là có khi tình yêu thương đứa con ngoan dành cho hai thân phụ mẫu đêm ngày lộ hẳn ra ngoài và tấm lòng đứa con hoang nhiều mặc cảm giấu sâu trong đáy tim vẫn hướng về ân nghĩa sinh thành không tới độ không có điểm giống nhau chăng! Và ý tưởng tôi loay hoay muốn nói chắc cũng khá rõ: trong những chủ trương quá xa bản ý Đức Phật, không chỉ có “ngoại đạo, tà giáo” mà có cả các Pháp môn nơi cũng có người khoác áo cà sa và cũng khua chuông gióng mõ hoàn toàn đúng tiêu chuẩn “bên ngoài” của Phật giáo. Và nếu ngược về ý kiến trên nữa thì cách tiếp cận và cả kiểm định có lý tính và logic hơn – lưu ý không phải là phương pháp duy nhất – của tư duy phương Tây vẫn là một khí cụ cần và hiệu quả trong các lĩnh vực, không loại trừ lĩnh vực Phật pháp. Mặt khác, tư duy thường thức không phải là ngôn ngữ siêu hình học nhưng tất cả chân lý, bao gồm cả chân lý Triết học, chưa bao giờ dám khinh miệt ngôn ngữ và logic phổ thông, trước khi bay lên bằng cặp cánh Siêu hình học sang trọng của mình, nếu không tự sa vào lưới tư biện và nguỵ biện. Và như vậy sự nghi ngại những trò Thiền như một thứ Game thời thượng chỉ nhắm vào số đồng loại nhất định thời nào cũng không thiếu và tác giả không cho là mình mâu thuẫn với kỳ vọng gửi gắm cho các đạo hữu mắt xanh mũi lõ của mình về một di sản Phật pháp tự bản thân đã cao thượng và vĩ đại – không cần tới phụ gia và đặt cược vào kỹ thuật quảng cáo hiện đại – giải thoát khỏi những thứ lưới dung tục nhất và cũng bền vững nhất mang tên MÊ TÍN.

Cũng thử nhắc một ý vắn tắt – không nói rõ phần lớn các bạn hẳn đã rõ. Toàn cảnh phong trào Thiền trong và ngoài nước hiện nay phản ảnh sự đối phó cá nhân và cộng đồng đối với nạn Stress quy mô toàn cầu. Đóng góp của các loại Thiền pháp và các khoá Thiền và sự nổi tiếng của giới Thiền sư cũng xuất phát từ đấy. Chúng ta hoàn toàn có mỹ ý về Thiền như một “dược liệu”, tất nhiên với điều kiện là đúng người đúng bệnh. Cái bất cập là sự hạ thấp của nội dung Thiền ngang với những liệu pháp tâm lý tự kỷ và áp dụng cho những căn bệnh tâm lý tâm thần cục bộ. Ngay cả cách nhìn Thiền dưới góc độ trị bệnh tâm lý – không hẳn sai – thì Thiền Phật giáo ắt hướng về bệnh KHỔ/DUKKHA và hướng chữa trị là tổng quát và rốt ráo. Không cần phải nói thuốc chữa dứt bệnh phải là Phật pháp, nếu không bị cho là có hiện tượng bán thuốc giả.

Vấn đề là nếu bệnh cụ thể chữa được thì đúng là thuốc có công hiệu, miễn bàn, miễn lải nhải Phật pháp. Nếu mục đích là trị Stress mà chỉ hơi thở đều là đạt, cho nghe nhạc không lời hoặc ca khúc Trịnh Công Sơn hiệu quả hơn nhạc Rock và nhạc Đỏ thì cứ thế mà điều trị. Giảng Tứ Niệm Xứ người ta thấy căng thẳng hoặc cho nghe vài ba băng nhạc đỏ mà hành giả sốc phải cấp cứu thì ép e thêm tội. Còn chuyện tuyên truyền Khoá Thiền …Cười – hay đại khái như thế – gắn với tên tuổi một Thiền sư Phật giáo (xa gần cũng có âm hao Thiền Phật giáo) nghe qua nghi là dởm, nhưng nếu thống kê các vị tham gia được mạnh khoẻ, đẩy lùi được mấy mi li mét vuông Tham, Sân hoặc Si thì có khi “dởm” một tí đâm ra hay chăng! Còn người ta có thiện ý muốn nghe góp ý khách quan thì bàn rằng để Tâm được khoẻ vừa không bị tiếng “dởm” thì nên quảng cáo bằng Slogan “Cười: liều thuốc bổ!” là đủ, nên bỏ màu mè – xin lỗi – màu sắc Thiền Phật giáo vì chuyện cười ha hả lên xét ra không giống Thiền (vốn thiên hướng tịch tịnh) mà có chứng minh những phúc lợi tâm sinh lý chi đó thiệt thì cũng chẳng “Phật giáo” (các bạn có tin không, kinh kệ cho biết Đức Phật Từ Bi rất kị vụ cười hở răng, hở lợi) tí nào.

– Tôi dành mục cuối phần MỞ để luận một điểm tế nhị. Lâu nay chúng ta hay nghe chuyện “ăn, uống, đi, đứng, ỉa, đái đều là Thiền” và “ăn chay, ăn mặn đều thành/là Phật”, có người “lảy” thêm “ngủ chay, ngủ mặn đều thành/là Phật” Các hành giả, Thiền sư chủ trương Phép Thiền này tất nhiên không muốn nghe bất cứ quy định, thiền luật, hướng dẫn gì tất.

Khi tôi còn tuổi teens lấy việc đọc tác phẩm Phạm Công Thiện làm hứng thú nhiều phen. Giờ đây tôi vẫn cho Phạm Tiên sinh qua các đoản văn về Hemingway và về đề tài “Đứa Con Hoang Trở Về” là người có văn tài. Thơ ông phiêu diêu – của một thời phiêu diêu – chán! Đừng quên trong một lần phỏng vấn, ông tỏ ý muốn được nhớ như một thi sĩ – còn thực lòng Phạm Công Thiện nghĩ gì thật khó biết, nhất là sau khi đọc chi tiết họ Phạm chỉnh lui tới ý thơ “Anh bỏ làm tu sĩ” và “Anh bỏ làm thi sĩ” vì lý do “tình thế”, chứng minh nhà thơ cũng lôi thôi chẳng kém chi bọn phàm nhân mà các nhà thơ cao đạo của chúng ta thường khinh miệt – chi tiết này tôi đọc hơi muộn từ tập sách tôi từng nghe tiếng mà chưa có dịp đọc, cuốn Gọi thầm giữa Paris (Tạp ghi) của Thi Vũ trước khi tác giả có lòng gửi tặng qua mail). Ngày nay, người đọc khó “thưởng thức” giọng nghênh ngang bằng trời của tác giả Ý thức mới trong văn nghệ hiện đại nhưng phải nằm sâu trong không khí bế tắc của chiến tranh và xã hội một thời mới hiểu tâm trạng tung hê “gặp chùa đốt chùa, gặp Phật giết Phật”, cũng có khí vị khai phóng và chắc chắn tự do hơn việc toàn xã hội nằm chờ hưởng chút xái tư tưởng mới nhất của một ngài Tổng Bí thư của một Đảng chính trị nào đó. Chưa nói Phạm Công Thiện có sự giới thiệu “cập nhật” – dù quá ngắn gọn – một số tác giả, triết gia, tư trào Tây Phương khá “phê”, và như vậy ông cùng với những vị viết về cùng lĩnh vực từng bị ông chỉ trích với giọng bốc đồng quen thuộc lại có công lao góp phần sôi nổi văn đàn Sài Gòn một thời.

Đoạn chen ngang về Phạm Công Thiện có hơi hướm lạc đề nhưng cũng thú vị vì Tiên sinh vốn là một cá tính thú vị. Nhưng thiệt tình tôi nhắc ông – trong liên quan bài viết – lại để “chê” ông. Dù còn ở tuổi thiếu niên – ở hai năm cuối cấp hai và đầu cấp ba – khi đọc ông, tôi lấy làm ngờ phần kiến giải liên quan tới Phật pháp có tính văn nghệ chủ nghĩa mà không ít trí thức Việt hay đưa ẩu vào học thuật. Để khỏi dài dòng xin trích luôn hai ý. Một, đại ý tất cả tinh hoa Phật pháp nằm trong âm “A” của tiếng Phạn (Nam mô hắc ra đá ra dạ da…). Hai, Chân lý nằm trong các từ “cháy”, ‘chạy”, “chảy” …Không nghi ngờ gì nữa đó là lối tán ẩu tả, mà liên quan tới Phật học, học thuật thì phải xếp hạng thiếu khoa học, không có tí ti nào để bảo chứng. May chứ Phật pháp xuất phát từ Nhật Bản thì khéo Chân lý lại nằm trong âm “Ô” (Tô-ky-ô, Ky-ô-tô…) và lỡ có fan nào hỏi Chân lý có nằm trong từ “chày” không, tại sao không, thì đâm khó cho Luận sư!

Giảng Phật pháp theo mô đen Phạm Công Thiện như tôi vừa dẫn thì quả siêu-dân-chủ – hiểu theo nghĩa ai nghe thì nghe, ai không nghe thì thôi – nhưng quay lại khẩu khí “ăn, uống, đi, đứng, ỉa, đái đều là Thiền” thì phức tạp hơn. Vậy các phép Thiền, nói rộng ra các pháp tu tập đều vô nghĩa? Hay chính câu nói đang bàn là lối nói báng bổ, bừa bãi? Thì nó vẫn được lắm người trích dẫn, tán thán đó thôi. Tinh thần Thiền theo phái Huệ Năng e không khác! Nhưng không phải vì thế mà tu viện, nhà chùa không dạy tu tập có bài có bản.

Theo thiển ý nên giải vụ lúng túng này như sau: có sự nhầm lẫn hay chỏi nhau trong góc nhìn và nhận định. Ý câu nói có phần táo bạo này áp dụng được cho hành giả và bậc tu hành đã qua bài bản, Thiền lực đã “chín”, không sợ rơi vào tình trạng “Nhập Thiền thành Phật, xuất Thiền thành Ma”. Chỗ sai hẳn là áp dụng pháp vô chiêu cho người còn ở cõi xứ hữu chiêu, nghĩa là với hầu hết chúng sinh cần học, cần luyện tập bài bản. Khuyên không đúng người, nói pháp sai đối tượng là trật về sư phạm và thường cũng do bản thân sư thầy thiếu phương tiện, biện tài mà kiểu hoằng pháp “độc chiêu” – nghĩa là chỉ có độc một phương pháp – dễ đưa khách hàng vào chốn tẩu hoả nhập ma, nhẹ lắm là thành …người trần năm cũ, y hệt trước khi tu! Nói rõ hơn là sự đồng hoá vô tình giữa Kết Quả Tu Tập và các bước Tu Tập. Đã qua bờ thì không còn vướng víu phương tiện hẳn rồi, nhưng thử hỏi mấy ai cho mình đã thực sự qua bờ. Đã qua bờ bên kia – Bỉ Ngạn – thong dong, vô ngại chớ vô tư chỉ “mánh” vô ngại, thong dong hại bậc sơ học mà thế gian không ai không rõ vốn là cõi xứ ra ngõ gặp …sơ học! Nhớ thơ cụ Trần Tế Xương “Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!”, cần cẩn trọng. Đức Khổng Tử là Người nói ý “tam thập nhi lập …ngũ thập tri thiên mệnh…” nhưng không phải ai cũng nhớ Ngài vận vào cuộc đời “học không biết mệt mỏi, học quên ăn” của chính mình mà chiêm nghiệm, đấy không phải là kết quả cuộc khảo sát mặt bằng trình độ tu học nói chung của toàn dân Trung Hoa hay toàn thế giới, nơi ở tuổi “tri thiên mệnh” vẫn còn người đánh trần chơi bầu cua ngày này sang ngày khác. Tôi không nhớ cụm từ Hán Việt đi kèm tuổi “thất thập”, nhưng đại khái ý thì còn nhớ là tới tuổi bảy mươi thì cứ thế mà làm theo ý thích mà vẫn đúng Đạo, nghĩa là tâm đã “thuần” nhờ công tu dưỡng không còn ham muốn lệch lạc. Một lần nữa xin nhắc đây là tuổi thất thập của bậc Thánh, của chính Đức Khổng Tử, không đánh đồng với các bậc thất thập đang nằm Chí Hoà về tội trộm đạo hay quấy rối tình dục được. Vậy cái ý “ăn, uống, đi, đứng, ỉa, đái đều là Thiền” có chỗ tương cận với ý “muốn chi cũng hợp đạo lý” của bậc Thánh, còn ra không loại trừ trong các cụ nằm Chí Hoà vừa nhắc có khả năng có vài cụ do áp dụng sai lời Thánh Nhân mà đã nhầm cái “không hợp với đạo lý” thành “hợp đạo” hay chăng! Thế mới biết giá trị nhời bình của bậc thức giả rằng đọc nhầm Kinh, hiểu sai Kinh, thực hành sai Pháp môn, chưa tới tầm đã bước sai bậc cấp, chưa đủ căn cơ đã chọn Kinh Pháp thâm áo thì thà đừng đọc Kinh có khi lại hay hơn!