Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Mười năm mất nhà ngữ học Cao Xuân Hạo (2): Ngữ pháp chức năng tiếng Việt trên đường vào nhà trường ở nước ta

Bùi Tất Tươm – Hoàng Xuân Tâm

Giữa những năm 80 thế kỉ trước, cuộc sống vô cùng khó khăn, các “nhà” đều phải bươn chải để tồn tại. Có lần chúng tôi đến thăm Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo khi đó còn ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, thấy Thầy đang miệt mài dịch sách. Thầy dừng công việc rồi bảo: Mấy năm nay, mỗi năm thường phải dành hơn một nửa thời gian để dịch sách, đành phải thế để có tiền “nuôi” ngôn ngữ học. Đây cũng là thời kì Thầy say mê nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt theo hướng chức năng.

Năm 1986, Thầy Cao Xuân Hạo đến trao đổi với nhóm giảng viên Tiếng Việt Trường Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về Ngữ pháp chức năng. Theo Thầy, đi theo hướng này, người nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt có thể thoát được hướng “dĩ Âu vi trung” xưa nay mà mô tả tiếng Việt một cách chân xác hơn. Sau đó, trong hai năm 1987 và 1988, Thầy tổ chức lớp “truyền giáo” mỗi tháng một hai buổi cho những người yêu thích ngữ pháp chức năng ở Viện Khoa học Xã hội, Đại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm. Những buổi “truyền giáo” của Thầy thực chất là những buổi sinh hoạt khoa học chuyên về ngữ pháp tiếng Việt, trong đó có không ít vấn đề Thầy còn đang băn khoăn mà học viên có thể thẳng thắn trao đổi để tìm ra giải pháp tối ưu. Qua hơn 50 buổi sinh hoạt khoa học, Thầy Cao Xuân Hạo đã khai tâm, khai trí cho chúng tôi rất nhiều điều từ tri thức uyên bác và phong cách làm việc khoa học với tinh thần dân chủ, cầu thị của Thầy.

Năm 1989, GS Cao Xuân Hạo hoàn thành bản thảo và năm 1991 cuốn Tiếng Việt, Sơ thảo Ngữ pháp chức năng, Quyển 1 đã ra đời ở Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu tiếng Việt.

Sau đó, để có thể đưa tư tưởng của Tiếng Việt, Sơ thảo Ngữ pháp chức năng vào nhà trường, theo đề nghị của nhóm giảng viên Tiếng Việt Trường Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Sài Gòn), GS Cao Xuân Hạo đã chỉ đạo nhóm chúng tôi viết hai cuốn:

Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, Quyển 1: Câu trong tiếng Việt: Cấu trúc Nghĩa Công dụng (Nhà Xuất bản Giáo dục, 1992) và

Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, Quyển 2: Ngữ đoạn và Từ loại (Nhà Xuất bản Giáo dục, 2005).

Sau năm 1991, các anh Hoàng Dũng, Bùi Mạnh Hùng vào sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, trở thành “chủ lực” của nhóm nghiên cứu ngữ pháp chức năng, thường xuyên làm việc với GS Cao Xuân Hạo, giúp Thầy “xem lại bản thảo, hiệu chỉnh những chỗ sai sót hay những cách trình bày thiếu minh xác”.

Năm học 1992-1993, chuyên đề “Ngữ pháp chức năng tiếng Việt” lần đầu tiên được giảng dạy ở Khoa Ngữ văn Trường Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1993, trong một lần vào công tác tại TP. Hồ Chí Minh, GS Đỗ Hữu Châu chân tình mời GS Cao Xuân Hạo tham gia viết sách giáo khoa Tiếng Việt 12, Ban Khoa học Xã hội. GS Đỗ Hữu Châu có nói với chúng tôi: “Kiến thức về nghĩa của từ và nghĩa của câu, anh Cao Xuân Hạo mạnh hơn tôi, nếu anh tham gia viết sách giáo khoa thì giáo viên và học sinh sẽ hưởng lợi nhiều”. Lúc đầu, GS Cao Xuân Hạo có đắn đo vì một vài lí do. Sau đó, anh Nguyễn Đức Dương và nhóm chúng tôi góp ý, động viên, cuối cùng GS Cao Xuân Hạo đồng ý viết. Năm 1995, sách giáo khoa Tiếng Việt 12, Ban Khoa học Xã hội được Nhà Xuất bản Giáo dục xuất bản (Phần 1: Hội thoại do GS Đỗ Hữu Châu biên soạn, Phần 2: Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn do GS Cao Xuân Hạo biên soạn).

Năm 1995, Giáo trình Ngữ pháp chức năng tiếng Việt của của nhóm giảng viên Tiếng Việt Trường Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh được Trung tâm Đào tạo từ xa Đại học Huế ấn hành.

Năm 2004, Tiếng Việt, Sơ thảo Ngữ pháp chức năng, Quyển 1 được Nhà xuất bản Giáo dục in lại với nhan đề Tiếng Việt, Sơ thảo Ngữ pháp chức năng. Năm 2005, tác phẩm này được Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng Giải Vàng sách hay Việt Nam.

Năm 2009, Nhà Xuất bản Giáo dục cho ra đời tài liệu Ngữ pháp tiếng Việt theo quan điểm chức năng (Nguyễn Thị Quy – Hoàng Xuân Tâm), lần đầu tiên trong sách cho nhà trường phổ thông có một bài Ngữ giới từ. Sách được in, chúng tôi đã thắp hương thưa với Thầy là đã thực hiện được lời hứa với Thầy về Ngữ giới từ những năm thầy còn tại thế.

Được làm việc với GS Cao Xuân Hạo là một hạnh phúc. Ông là người cẩn trọng và nghiêm khắc trong khoa học. Ông đặc biệt chú ý giới thiệu những thành tựu của ngôn ngữ học ngoài nước và trong nước cho những nhà nghiên cứu trẻ nhằm bồi dưỡng chuyên môn cho họ. Là tác giả của những công trình xuất sắc có tiếng vang lớn, ông được giới ngôn ngữ học trong nước và ngoài nước ca ngợi, nhưng ông vẫn luôn luôn là một người khiêm tốn và luôn luôn áy náy vì chưa làm được bao nhiêu cho tiếng Việt.