Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Nhà nhân văn

Tillman Miller

Tuệ Nhật dịch từ bản tiếng Anh https://mekongreview.com/the-humaniser/

clip_image002

Ảnh: Megan Miller

Trên đường đi Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon), mặt đất bằng phẳng thị thành còn bầu trời California ấm áp không một gợn mây. Dưới vòm trời nước Mỹ bát ngát, là những thợ may Việt Nam trong tiệm vải, những quầy bánh mì* và người bán thuốc đông y. Có những quán trà với khách quen ngồi chơi tiến lên*, lắng tai nghe các chủ quán gọi nhau át tiếng ồn xe cộ, còn trong quán café là chân dung của những ngôi sao giải trí Việt Nam. Một siêu thị với mái hiên xanh lá và đèn neon đỏ thiết kế giống như ngôi chùa được thánh thần che chở. Đi lòng vòng Bolsa Avenue vào giữa buổi sáng, bạn sẽ ngửi thấy mùi cá trong nước chấm*. Và rồi trung tâm Quận Cam (Orange County) bắt đầu dậy mùi hành lá, gừng và mùi thơm mặn mòi của đầu cá.

Khi Nguyễn Thanh Việt trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên thắng giải Pulitzer năm 2016, dường như chắc chắn tác giả này sẽ tỏa hào quang ở Sài Gòn Nhỏ. Nhưng đơn giản là chẳng ai nhắc đến chuyện người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam phản ứng như thế nào. “Tôi không biết chắc Cảm tình viên được cộng đồng ấy đón nhận ra sao”, Việt nói, “nhất là khi nhân vật chính là một gián điệp cộng sản”. Nhà văn không chắc chắn bởi với nhiều người Mỹ gốc Việt, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Tâm lí chống cộng vẫn còn bám sâu ở đây, nơi thường treo cờ ba sọc bên đèn đường và xây Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam để tôn vinh những người Mỹ và người miền Nam Việt Nam đã phục vụ cuộc chiến.

Khi Cảm tình viên ra mắt lần đầu tháng 4 năm 2015, nó mở ra một chuỗi 22 tháng Nguyễn Thanh Việt liên tục xuất bản ba cuốn sách: chủ nhân giải Pulitzer Cảm tình viên, ứng viên giải Sách Quốc gia Không có gì chết đi, và tập truyện ngắn Người tị nạn. Cảm tình viên bùng nổ đầy năng lượng và tham vọng, khi nhân vật xưng “tôi” – một người mang hai dòng máu Pháp - Việt, làm điệp viên nhị trùng cho cộng sản – chạy trốn qua Mỹ sau khi Sài Gòn thất thủ. Là thiên sử thi, cuốn tiểu thuyết gián điệp-châm biếm-chiến tranh-chính trị đang được tiêu thụ toàn cầu này lột tả thực tế Việt Nam thời tiền - hậu chiến, qua đó khắc họa thảm kịch chiến tranh và ý thức kép của người tị nạn. Với Không có gì chết đi, Nguyễn Thanh Việt duy trì và triển khai thêm chủ đề của Cảm tình viên, xem xét chuyện thời chiến được dựng nên và bóp méo ra sao trong cảnh quan đứt gãy của nước Mỹ. Người tị nạn, phát hành tháng 2 năm 2017, là viên đá cuối hoàn tất bộ ba của Nguyễn Thanh Việt. Tập truyện ngắn đi sâu vào cuộc đời của những cá nhân và gia đình người Mỹ gốc Việt sống trong nỗi tổn thương nặng nề, tình trạng tiến thoái lưỡng nan và cảm giác ngoài lề xã hội.

Vài ngày sau khi Cảm tình viên phát hành, tôi đến Quận Cam để gặp Nguyễn Thanh Việt giữa cao điểm của tour giới thiệu sách kéo dài hơn dự kiến. Ngoài đời, Nguyễn Thanh Việt sắc bén và duyên dáng. Chúng tôi gặp nhau trong một văn phòng mượn từ toà soạn báo Orange County Register, thảo luận về người tị nạn, sự kiên định, ma quỷ, sự phản bội và nhiều chủ đề khác.

Anh rất cẩn trọng khi giới thiệu sách ở Quận Cam và Sài Gòn Nhỏ. Tại sao vậy?

Quận Cam có tiếng là nơi bảo thủ — điều này không chỉ đúng với người Mỹ gốc Việt đang định cư ở Sài Gòn Nhỏ này. Trong quá khứ, họ không e ngại gì, công khai lớn tiếng biểu tình phản đối trực tiếp bất cứ ai họ nghĩ là cộng sản hay cảm tình viên cộng sản.

Anh có nhận được phản hồi tiêu cực nào từ cựu chiến binh Mỹ của cuộc chiến chưa?

Tôi nghĩ tôi chỉ phản hồi một lần cho một cựu chiến binh giận dữ, và đó là phản hồi của mục op-ed [Opposite the Editorial Page: mục thể hiện ý kiến của các tác giả tên tuổi, thường không đồng nhất với quan điểm của ban biên tập tờ báo – ND] mà tôi viết trên The New York Times khi Cảm tình viên vừa xuất bản. Mẩu op-ed đó viết về kỉ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh đã làm người cựu chiến binh ấy nổi giận. Điệp khúc phổ biến của những lời phàn nàn này là… tôi vô ơn với sự hy sinh của lính Mỹ và vô ơn với những quyền tự do của đất nước này.

Trong một op-ed khác, anh phân tích người nhập cư được xem là trung tâm của giấc mơ và huyền thoại Mỹ như thế nào, trong khi nhiều người Mỹ xem người tị nạn là thứ không ai thèm và rất phi-Mỹ. Tại sao anh lại nghĩ thế?

Tôi nghĩ đây vẫn còn là vấn đề, vì tôi cho rằng sự khác biệt giữa người nhập cư và tị nạn vẫn tồn tại. Người nhập cư là người muốn đến một nước khác và đã đến bằng những cách hợp pháp, và ngay cả ở Mỹ mà chúng ta cũng thỉnh thoảng bài ngoại. Kể cả khi ấy, ý nghĩa của nhập cư vẫn quan trọng với giấc mơ và huyền thoại Mỹ. Người tị nạn thường là bị chối bỏ ở quê hương bản quán, lẫn bị chối bỏ ở nơi đến; họ nhập cư theo cách “bất hợp pháp” hoặc “ngoài giới hạn của pháp luật” nghĩa là người dân nước chủ nhà sẽ nhìn nhận họ như một mối đe dọa – nhẹ nhất là đe dọa pháp luật, nhưng thường cũng kèm theo đe dọa đạo đức, vệ sinh, tình dục, tôn giáo, chính trị, kinh tế… Vì vậy ta thấy chứng sợ hãi xoay quanh người tị nạn vẫn còn trong chúng ta ngày nay, và đó là một trong những lí do tôi nghĩ rằng việc tôi chỉ ra nỗi sợ hãi ấy và hết sức chống lại nó là quan trọng cho những ai đã hay đang là người tị nạn.

Trong [Người tị nạn], anh có dụng ý nhân bản hóa [humanise] người tị nạn?

Đó là phương pháp có chủ ý… Và dĩ nhiên, nó phục vụ cho một mục đích văn hóa quan trọng và giờ thì ta còn thấy mục đích chính trị nữa. Nhưng tôi nghĩ những gì văn học có thể làm được thì có giới hạn, đó là lí do trong Cảm tình viên tôi không hứng thú nhân bản hóa nhân vật chính của mình hay người Việt Nam, nhưng tôi chỉ có thể nhận ra điều đó sau khi đã viết Người tị nạn.

Có phải nhân bản hóa người tị nạn là một trong những cách anh cố gắng “chống lại cường quyền” bằng ngòi bút của mình? Anh đã dùng cụm từ này trong một op-ed của The New York Times?

Câu hỏi lẫn câu trả lời này đều phức tạp vì tôi nghĩ, đúng, chống lại cường quyền đang tìm cách bôi nhọ và loại trừ con người dựa trên nhân dạng của họ, là một nhiệm vụ quan trọng, một trong những cách hoàn thành nó là thông qua nhân bản hóa những gì mà chúng ta hay xã hội đang sợ hãi. Từ góc nhìn văn học, thì lại không phức tạp đến thế. Là nhà văn, tôi muốn phức hợp hơn thay vì chỉ nói mình đang cố chứng minh tính nhân bản của ai đó. Cảm tình viên cũng là một cố gắng chống lại cường quyền lực, nhưng quyết liệt hơn nhiều so với Người tị nạn. Điều đó có nghĩa là tôi rất tường minh khi nói cường quyền là gì, vì Người tị nạn là tác phẩm tinh tế hơn, chuyện chính trị được giảm âm, trong khi Cảm tình viên cố gắng minh bạch hóa đâu là những đặt cược chính trị.

Chống lại cường quyền cũng là chủ đề của Không có gì chết đi, với Lời nói đầu trích dẫn Martin Luther King Jr: “Chúng ta sẽ đi tuần hành… và tham gia những cuộc tập họp không bao giờ chấp dứt, cho tới khi có sự thay đổi đáng kể và sâu sắc trong đời sống của người Mỹ”. Theo anh, đã có sự thay đổi sâu sắc nào chưa kể từ khi tiến sĩ King nói những lời này?

Đã có thay đổi sâu sắc ở nước Mỹ kể từ khi tiến sĩ King đọc bài diễn văn đó. Với mỗi động thái tiến đến gần hơn một xã hội tiến bộ hoặc tự do, cỏi mở hơn, chúng ta đều đã thay đổi. Nhưng cùng lúc đó, những người, những thế lực không đồng tình với quan điểm ấy cũng thêm vững mạnh, thay đổi và điều chỉnh tài hùng biện, chiến thuật và chiến lược của họ. Và những người không đồng tình đó cũng theo kịp ta thôi – như ta đã thấy trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Nó cho thấy dù cho ta đã thay đổi dần ở mức độ nào đó, ta cũng đồng thời cố thủ hơn. Vì vậy nhiều vấn đề lâu dài mà tiến sĩ King đã nói tới vẫn còn tồn tại tới ngày nay do chúng ta chưa thay đổi đủ. Luôn có trở lực ngăn cản đổi thay.

clip_image004

Tác giả và mẹ, bà Linda Kim, ở thành phố quê nhà Ban Mê Thuột năm 1973.

Sinh năm 1971 ở Ban Mê Thuột, thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên, Việt Nam, Nguyễn Thanh Việt lên bốn tuổi khi quân đội miền Bắc bắt đầu cuộc tấn công cuối cùng vào miền Nam. Khi lính cộng sản tiến đánh Ban Mê Thuột vào tháng 3 năm 1975, mẹ của Việt, bà Linda Kim, quyết định chia đôi gia đình để chạy vào Sài Gòn, nơi ba của Việt – ông Joseph Thanh – đang đi công việc. Sau khi đi bộ hơn một trăm cây số đến bến cảng gần nhất, Linda Kim đã tìm được chỗ an toàn cho gia đình bà trên một chiếc xà lan vào Sài Gòn.

Ở thủ đô của miền Nam Việt Nam, mẹ của Việt tìm được chồng, và cả gia đình ở bên nhau tại Sài Gòn đến khi quân cộng sản chiếm được thành phố một tháng sau đó. Trong khi cộng sản tiếp quản thành phố, gia đình Việt lại quyết định chạy trốn, lần này là rời khỏi Việt Nam. Sau nhiều ngày lên đênh trên biển, thuyền của họ được Hải quân Mỹ vớt và đưa đến Guam, họ sống trong trại tị nạn tới khi lên máy bay đến một trại khác ở Pennsylvania, phía Đông Bắc nước Mỹ.

Một trong những kí ức đầu tiên của Việt là những điều xảy ra sau khi gia đình anh đến trại tị nạn Pennsylvania. Để rời khỏi trại, gia đình Việt cần một người Mỹ bảo trợ; tuy nhiên, không ai nhận bảo trợ cả gia đình bốn người. Cả nhà phải chia ra ở với ba người bảo trợ: cha mẹ Việt đến sống với một người, anh của Việt với một người, còn Việt thì ở với nhà bảo trợ thứ ba. Việt còn nhớ cảm giác mơ hồ khó hiểu của mình khi sống với một gia đình Mỹ da trắng, cho tới khi cả nhà Việt có thể đoàn tụ sau đó vài tháng.

Gia đình Việt tiếp tục sống ở Pennsylvania trong ba năm, gắng sức với những cơ hội khá hạn chế, rồi dọn đi California năm 1978. Cuối những năm 70 và suốt thập niên 80, vợ chồng Joseph và Linda Nguyen điều hành một trong những tiệm tạp hóa đầu tiên ở San Jose. Họ làm việc không biết mệt để hai con trai vào đại học.

Tiếng vọng của tuổi thơ phức tạp và đáng chú ý này thỉnh thoảng âm ỉ trong tác phẩm của Việt, nhất là trong tập truyện ngắn Người tị nạn và những đoạn viết từ trái tim của Không có gì chết đi. Tôi hỏi Việt có phải gia đình anh vẫn hay trò chuyện về những gì họ trải qua trong suốt những năm anh lớn lên ở California, hay họ cố tình tránh nói đến.

“Tôi không nhớ cả nhà có ngồi lại nói chuyện làm người tị nạn khi nào không, nhưng sự thật là đời chúng tôi khó mà trốn thoát đề tài này, vì nó đã pha vào mọi thứ đến mức bão hòa: những gian khó mà ba mẹ tôi phải vượt qua và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống gia đình – cha mẹ không thể dành thời gian cho con cái – với bao kì vọng ba mẹ ấp ủ cho anh em tôi cũng như những câu chuyện ba mẹ kể về cuộc sống ở Việt Nam”.

Trong đoạn cuối cuốn Không có gì chết đi, anh cho biết quan hệ của ba anh với quá khứ là cuộn nó lại. Khi ba anh nói về Việt Nam, ông thể hiện nỗi u sầu hay khao khát?

Thường là ba tôi không muốn nói về chuyện này. Khi tôi cố hỏi ông về quá khứ, ông sẽ từ chối. Tôi không biết đằng sau thái độ đó gì, là cảm xúc này hay cảm xúc kia, nhưng ba tôi là người rất giỏi nhìn về phía trước – ít nhất là trong mắt tôi. Tôi không biết điều gì đang diễn ra trong nội tâm ông ấy.

Đó có phải là một trong những lí do khiến anh tin rằng cuộc đời của ba mẹ mình rất đáng viết?

Chỉ cần tôi kể anh nghe sự thật về cuộc đời ba mẹ tôi, thì cũng đầy tính sử thi rồi. Anh có biết ba mẹ tôi đã từng qua bao hành trình, đối mặt với gian nan nào, đã leo cao bao nhiêu, đã mất mát và lấy lại những gì – tất cả đều rất kịch tính. Và điều này cũng đúng với nhiều người ở thế hệ ấy. Họ không phải là anh hùng theo kiểu nhân vật mà sử thi thường vinh danh, nhưng chỉ bằng cách sống từng ngày và vượt qua những gian khó thường nhật, họ đã là anh hùng rồi.

Ở mức độ cá nhân, viết về Việt Nam có khắc sâu thêm mối liên kết giữa anh với nơi sinh ra anh không?

Có chứ, vì tôi phải suy nghĩ về nó rất nhiều và phải về thăm nơi đó. Và bởi vì những cuốn sách ấy viết về Việt Nam – ở mức độ nào đó – và vì tôi là người Việt Nam, nên độc giả Việt Nam phản hồi rất mạnh mẽ về mối liên hệ ấy và tiếp tục khẳng định sợi dây gắn kết giữa tôi với Việt Nam, với người Việt Nam và người Mỹ gốc Việt – tôi thấy điều này thú vị vì tôi không hề tự gọi mình là một chuyên gia về Việt Nam. Tôi biết những chuyên gia về Việt Nam – họ yêu mọi thứ về Việt Nam hay Việt Nam nói chung. Quan hệ giữa tôi với Việt Nam là người tị nạn, và người được định hình bằng chiến tranh Việt Nam. Đó là mối quan tâm thật sự của tôi, nên ngoài phạm vi ấy, tôi không có ước vọng trở về Việt Nam sống, làm việc rồi về hưu như một số người tôi biết. Quan hệ giữa tôi với Việt Nam chỉ tập trung vào đất nước và đoạn lịch sử ấy thôi.

Trong tác phẩm của mình, anh nói đến cảm giác phản bội là trung tâm văn học của người Mỹ gốc Việt. Cảm giác bị phản bội đó có ý nghĩa ra sao với anh?

Tôi nghĩ là có nhiều mức độ phản bội, và một trong số đó là những gì nước Mỹ đã làm với miền Nam Việt Nam – một sự phản bội lặng lẽ. Nó chỉ được nói đến trong cộng đồng người Việt Nam (bằng tiếng Việt) chứ ít khi nghe ai bàn thảo bằng tiếng Anh. Do đó, tôi nghĩ Cảm tình viên khá độc đáo khi viết bằng tiếng Anh mà lại đề cập đến vài vấn đề xung quanh sự phản bội của Mỹ với miền Nam Việt Nam.

Còn có những mức độ phản bội khác bên dưới nữa. Có một câu hỏi đặt ra là ai phản bội đất nước Việt Nam: những người miền Bắc theo cộng sản hay là người miền Nam? Ai trung thành và ai phản bội? Câu hỏi ấy là trung tâm cho giai đoạn lịch sử đó, và bởi những người Việt thắng cuộc gọi những người Việt bị đánh bại là con rối hay kẻ phản bội, nên đây trở thành vấn đề thật sự về mặt nhận diện bản sắc của người Việt tị nạn và lưu vong: rõ ràng là họ không hề thấy mình như thế, nhưng biết chắc sẽ bị chính phủ Việt Nam đối xử như kẻ phản bội nếu quay lại đất nước – cùng một cách mà bao người ở lại đã gánh chịu...

Và sau hết, tôi cho rằng lớp cuối cùng là sự phản bội từ người thân cận, gia đình hay họ hàng. Có vẻ rất nhiều người Việt Nam đã là thủ phạm hay nạn nhân của phản bội – họ bỏ rơi gia đình, chẳng hạn, hoặc bị bỏ rơi: những người chồng người cha có tình nhân, vợ bé hay gia đình khác; những người trong cùng gia đình chọn các bên khác nhau giữa xung đột chính trị, quyết định thật khó khăn. Tất cả các dạng phản bội – từ chính trị, tổ quốc, lý tưởng cho đến cá nhân – xoắn kết với nhau trong lịch sử thời chiến và hậu chiến của Việt Nam và cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại.

Có hay không sự phản bội từ người sáng tác?

Luôn có xu hướng cho rằng nhà văn là kẻ phản bội lại cộng đồng và gia đình mình bằng cách kể lại những câu chuyện hay bí mật không phải của bản thân mình, cho nên trong phần lớn sáng tác của mình, tôi tránh viết kiểu hồi kí. Tôi không muốn làm điều đó với gia đình mình. Tôi nghĩ truyện duy nhất tôi viết như hồi kí là “Những chiến binh” trong tập Người tị nạn, còn bây giờ khi viết thể loại phi hư cấu, tôi ngày càng phải cố gắng nhiều hơn để vượt qua rào cản do mình dựng lên để có thể kể về gia đình, bản thân và lai lịch chúng tôi. Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình đã phản bội ai trong những tác phẩm hư cấu.

Tôi cảm thấy lòng trung thành của mình thể hiện ở việc kể lại sự thật đúng như tôi chứng kiến, và nếu làm vậy thì đó không phải là hành động phản bội, mặc dù người khác không đồng tình với tôi, như những cựu chiến binh Mỹ buộc tội tôi là chống Mỹ và vô ơn.

Tôi nghĩ một trong những quan sát lâu dài nhất của anh về văn học của người Mỹ gốc Việt là cách nó tôn vinh những hồn ma và không hoàn toàn khẳng định nước Mỹ. Xin anh giải thích rõ hơn.

Để in sách với tư cách nhà văn thiểu số ở Mỹ – hoặc thậm chí tư cách nhà văn thuộc số đông – nghĩa là nhà văn phải hoạt động dưới áp lực văn hóa và ý thức hệ mạnh mẽ để khẳng định nước Mỹ, dù cho anh ấy có vẻ như đang phê bình Mỹ. Ví dụ như viết truyện về người nhập cư là một ví dụ hoàn hảo – để nhận thức được trở thành người nhập cư ở Mỹ thì khó khăn thế nào – và anh có thể chỉ ra đủ loại vấn đề trong xã hội Mỹ, nhưng cuối cùng thì anh hoàn toàn bị thuyết phục để khẳng định giấc mơ Mỹ. Cho dù thế hệ thứ nhất gặp phải chuyện gì, thế hệ thứ hai cũng vượt qua và thế là họ tôn vinh cả sự tranh đấu của dân nhập cư lẫn xã hội Mỹ.

Với văn học của người Mỹ gốc Việt, anh có thể kể những chuyện tồi tệ xảy ra trong chiến tranh Việt Nam, nhưng cuối truyện luôn là cảnh người Mỹ gốc Việt hòa đồng vào cuộc sống ở Mỹ, biểu trưng bằng việc thậm chí tác giả có luôn cơ hội để viết về trải nghiệm của mình. Tôi biết thế trước khi sáng tác Cảm tình viên, nên tôi cố ý viết một tiểu thuyết phê phán mạnh khuôn khổ ý thức hệ này – điều mà hầu hết mọi người, kể cả nhà văn, xem như chuyện hiển nhiên – và tôi muốn sự phê phán hiển hiện rõ ràng, vì vậy một số độc giả cho rằng có chiều hướng chống Mỹ trong cuốn sách, do tôi chỉ trích mạnh cái khuôn khổ ý thức hệ đó. Một trong những cách thực hiện điều này là trưng ra cảm giác ám ảnh cho người Việt Nam – cũng như người Mỹ – nhưng tổn thương trong quá khứ vẫn chưa lành, con người vẫn phải đối mặt với những bóng ma quá khứ, lắm lúc ngay ở hiện tại – theo nghĩa đen. Và đó là dấu hiệu cho thấy không phải mọi chuyện đã ổn với những gì xảy ra từ lâu.

Cảm tình viên được xuất bản ở Việt Nam chưa?

Chưa đâu anh, cuốn sách đang hiệu đính giai đoạn cuối, sau đó tôi phải nhờ một dịch giả kiểm tra lại. Rồi chúng tôi phải xin giấy phép ở Việt Nam, và phải chờ xem có xin được không hoặc là bị kiểm duyệt.

Mặc dù Cảm tình viên chưa xuất bản ở Việt Nam, anh có chút ý niệm gì về cảm nhận của những người Việt đã có dịp đọc sách không?

Tôi cho rằng người Việt đọc rồi thì có vẻ thích nó – ở cả Mỹ lẫn Việt Nam. Những người Việt lớn tuổi ở Mỹ, chẳng hạn – và thậm chí ở Việt Nam – đều nhận xét tích cực. Tôi nghe nói khi có kết quả giải Pulitzer, báo chí chính thống ở Việt Nam không nhắc tên tôi. Báo chí lề trái – không thuộc nhà nước – thì nhắc tên, và mọi người liên tục nói với tôi là cuốn sách sẽ bị cấm ở Việt Nam. Một số người vẫn cứ lén mua nó, nhưng có vẻ như nếu nhà chức trách bắt gặp anh đọc sách, thì họ sẽ tịch thu. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền không hề hâm mộ cuốn tiểu thuyết.

Trong Không có gì chết đi anh viết “Mỗi nhà văn đều muốn viết nên cuốn sách không thể bị đốt cháy”. Anh dụng ý gì?

Tôi lấy ý từ Nhật kí Đặng Thùy Trâm. Nhật kí của cô ấy được dịch ra tiếng Anh với nhan đề Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình. giai thoại kể lại ở cuối sách rằng một trung sĩ Việt Nam tìm được và đọc cuốn nhật kí, rồi khi giao lại nó cho sĩ quan người Mỹ, anh nói: “Đừng đốt. Trong đó đã có lửa”. Viên trung sĩ Việt Nam nói thế vì câu chuyện lay động mạnh mẽ lòng anh. Và nhật kí của cô Trâm được giữ lại, sau này trở thành sách bán chạy nhất Việt Nam. Qua đó, tôi nghĩ khát vọng của nhiều nhà văn là khi họ chết – trong những hoàn cảnh bi đát hay không bi đát – tác phẩm nào đó của họ vẫn còn lửa ngay cả khi ngọn lửa của chính họ đã bị dập tắt.

(*) Tiếng Việt trong nguyên bản.