Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Nghĩ tới Joseph Brodsky. Một bài tưởng niệm Brodsky của Susan Sontag

Đọc William Marshal(1147- 1219), người hiệp sĩ thần kỳ, nổi tiếng với trận mạc của giai đoạn quân lữ giao chiến trên các trận địa Normandy, Britanny; người đã giúp bốn năm đời vua Anh, từ Henry II, qua Arthur, John, Henry III, đi đánh nhau cho Vua không một mảnh đất riêng, nên không thành một baron, những quận công có điền thổ. William Marshal là người có công đem tới ký kết Magna Carta giữa King John và các barons, để từ đó Âu Châu và cả thế giới có nền tảng quyền bính phân lập, phân quyền giữa triều đình và pháp luật, sự độc lập của các quận công, tức nền tảng thiết yếu của luật, và cả nền dân chủ.

Trong thơ có những hiệp sĩ của thơ. Nghĩ tới Joseph Brodsky. Con người này chiến đấu từ ngày thanh niên bị kết án bởi chính quyền CS Nga, cho đến khi lưu vong, ở các nơi chốn, như, nhân cái chết của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, nhớ ông là người chiến đấu để giúp các nhà văn Việt Nam hải ngoại có chân chính thức là phân hội văn bút Việt Nam trong PEN (Văn Bút Quốc Tế) ở hội nghị PEN 1979 Rio de Janeiro. Sự tích nay được ghi lại trong "Sau một chuyến đi" ở tập tiểu luận On Grief and Reason (Về Bi Thương và Lý Trí).

Bài viết của Susan Sontag sau ngày Joseph Brodsky mất. Bài từ tập tiểu luận Where the Stress Falls (Nơi dấu nhấn rớt xuống), Susan Sontag, NXB Vintage.


*

SUSAN SONTAG -
'JOSEPH BRODSKY'

Cho tới chừng nào chúng ta còn sống thì chúng ta tất nhiên luôn luôn phải ở đâu đó. Đôi bàn chân phải luôn luôn đâu đó, hoặc đang yên vị hoặc đang bước đi. Tâm thức thì khác, chúng có thể vừa ở đây vừa ở một nơi chốn khác. Tâm thức, hoặc là vì thiếu sự năng hoạt hoặc là từ những sức mạnh sâu thẳm nhất, có thể cùng lúc ở trong quá khứ và hiện tại, hay hiện tại và tương lai. Hay đơn giản một lúc cả nơi này lẫn nơi kia—here and there. Vì những lý do không khó hiểu mấy, sự làm ra nghệ thuật ở những thành tựu cao nhất trong khoảng một trăm năm qua thường đã đòi hỏi một sự phát triển thượng thặng thứ tài năng của tâm thức được cùng ở hai nơi một lúc. Phấn khích trước những phong cảnh miền Nam nước Pháp đang được sinh động dựng thành bằng đường nét, màu sắc, trong tranh của mình, Van Gogh đã viết cho người em trai, Theo, rằng ông “thực” đang sống ở Nhật Bản. Khi Joseph Brodsky, nhà thơ trẻ tuổi của Leningrad đang đi lao cải ở một nông trường tập thể ở một xéo làng Viễn Bắc, gần cận duyên Biển Trắng, nhận được tin T. S. Eliot qua đời tại London—tháng giêng năm 1965—anh đã ngồi xuống một chiếc bàn gỗ tạp nào đó dưới một mái chòi băng giá, trong 24 giờ đã làm một bài điếu thi cho Eliot, bài elegy dài này cũng đồng thời là một homage ghi tạc gởi đến W. H. Auden người lúc đó còn đang hiện tiền sung mãn (homage: qua sự mượn giọng thơ và nhịp điệu của elegy của Auden trước đây, ngày Yeats từ trần).

Brodsky có là nhã nhặn khi luôn luôn bảo rằng chuyến lưu đày nội xứ kéo dài một năm rưỡi kia là không thấm tháp gì cả, rằng là anh ta thực ra còn thích công việc đồng trại, nhất là chuyện xúc hốt phân bò phân ngựa, công việc mà anh xem là một trong những thứ việc làm đường hoàng và không vô bổ so với nhiều thứ việc anh đã làm từ trước cho tới thời điểm ấy, nhất là khi mọi người ở nước Nga bấy giờ xét ra đều lấm ngập trong cứt phẩn, thêm nữa trong cảnh cầm cố anh lại còn làm được một số thơ.

Rồi thì trở lại Leningrad vài năm sau đó, Joseph Brodsky, như anh rành mạch từng nói với báo giới, anh đã làm chuyện “chuyển đế quốc.” Điều này xảy tới bất ngờ, và hoàn toàn đi ngược lại ý muốn của anh: trong những mất mát to lớn có sự ly cách vĩnh viễn giữa anh và song thân, hai người đã bị chính quyền Liên Xô, như một trừng phạt nối dài đối với nhà thơ phản nghịch, đã từ chối chiếu khán xuất cảnh dù là để nhìn thấy người con trai của họ một nửa ngày, ở Helsinki chẳng hạn; và họ đã từ giã cõi trần không có một vòng tay ôm nào của người con trai thi sĩ. Niềm bi thương cương nghị được gánh lấy cùng mối công phẫn lớn và lòng điềm tĩnh khác thường.

Anh đã khéo biến cả chuyến ra đi có mật vụ KGB kềm sát kia thành một cái gì như sự tự bắn tới—

Và cho nơi nào kia trong không gian trong thời gian đầu ngón chân kẻ chạm tới, xem nào, trái đất thì rắn cứng khắp cùng; hãy thử xem nước Mỹ
(And as for where in space and time one’s toe end touches, well, earth is hard all over; try the States )

—đáp xuống giữa chúng ta như một hỏa tiễn bắn tới từ đế quốc bên kia, một tên lửa lành tính mà vật tải bên trong nó không phải chỉ là tài năng vượt bực mà còn là một cảm thức về thẩm quyền của nhà thơ, được gọt mài chính xác và được thăng hoa, bởi chính sức mạnh của một nền văn chương từ đó anh ra đi. (Tương tự như ở văn, hãy tưởng tượng bằng cách nào Gogol và Dostoyesky tư duy về trách vụ tinh thần và đạo đức của những tiểu thuyết gia.) Nhiều năng khiếu đã giúp cho cuộc xác định vị thế của Brodsky trên nước Mỹ trở nên dễ dàng: năng lực sống, niềm tự tín vô bờ bến, tính châm biếm tới dễ dàng, lòng vô ngại, cả nét tinh ranh. Nhưng bên cạnh tài trí khéo léo trong nối kết với nước đón nhận mình, người ta chỉ cần quan sát Joseph Brodsky giữa những người Nga lưu vong trên đất Mỹ sẽ thấy con người này còn cưu mang trọn vẹn một cá tính Nga mạnh mẽ như thế nào. Và hào phóng làm sao sự thích nghi của anh trên vùng đất mới, đi cùng với nhiệt tình trong cách thế để lại những ấn tượng mạnh mẽ của anh giữa những người bạn mới.

Năng khiếu thích ứng đó, cá tính hào hiệp đó được biết qua một tên gọi khác, ấy là tính thế giới/cosmopolitanism. Nhưng tính thế giới ở đây, đúng nghĩa, là mối tương quan của một người với thời gian, nhiều hơn là với nơi chốn—thời gian nhất là thời gian đã qua (mà rõ ràng là lớn lao hơn hiện tại bội phần).

Điều này không có gì là chung cùng một mẫu số với tình hoài cổ cả. Nó là một mối liên hệ không thương xót cái tự ngã, nó công nhận quá khứ như là nguồn của những tiêu chuẩn, những tiêu chuẩn cao hơn những gì hiện tại có được. Một người cầm bút viết, không phải để làm hài lòng người đương thời, mà là cho những người đi trước hắn, Brodsky thường nhắc điều đó. Rõ ràng là anh đã làm hài lòng họ—những người Nga mọi nơi đồng ý rằng Joseph Brodsky là kẻ kế vị có một không hai trong thời đại này cho Mandelstam, Tsvetaeva, và Akhmatova. Nâng cao tầm ngưỡng mục (“plane of regard”)—như Brodsky gọi nó—được xác định không ngừng nghỉ qua những nỗ lực, những khao khát và những cam kết thủy chung của những nhà thơ, với thơ ca.

Tôi nghĩ tới Joseph Brodsky như một nhà thơ của thế giới—một phần vì tôi không thể đọc anh ở tiếng Nga; quan trọng hơn thế là bởi chính vì tầm mở mà anh đã đạt được trong những bài thơ của anh, với tốc độ và độ nén của những ký-chú vật-liệu khác thường của chúng, về những qui chiếu văn hóa, về thái độ. Anh nhất mực cho rằng công việc của thơ (poetry’s “job”) là thám hiểm khả năng của ngôn ngữ trong cuộc du hành xa hơn, nhanh hơn. Thơ, anh nói, là tư duy tăng tốc (accelerated thinking). Đây là lập luận vững chãi nhất của anh, và anh đã có khá nhiều lập luận, cho ưu thế của thơ đối với văn xuôi, và trong tiến trình này anh nhấn mạnh vần [trong thơ] là một cơ phận thiết yếu. Lý tưởng về sự tăng tốc trong tư duy là chìa khóa mở vào thành tựu lớn lao của Joseph Brodsky (và những giới hạn của thành tựu này), trong tản văn cùng là trong thơ, và cho sự có mặt sẽ không bao giờ phai mờ của Joseph Brodsky. Đàm thoại với anh, như nhà thơ Seamus Heaney bạn anh vui vẻ nhắc lại, “là đạt được ngay lập tức một cất cánh lên thẳng, và cố gắng mấy cũng không thể nào có được sự giảm tốc độ.”

Đa phần những tác phẩm của Brodsky có thể gói chung dưới tựa đề của một bài thơ buổi đầu của anh, “Advice to a Traveller” (Lời khuyên cho một khách du hành). Du hành trong nghĩa đích thực của nó nuôi dưỡng sự băng vượt trong tâm thức, với những khích lệ đặc thù của nó cho sự thù tiếp nhanh chóng những gì chờ đợi được biết, được cảm; một quyết tâm không bao giờ bị dối gạt, và những thừa nhận về thế chông chênh của kẻ đi tìm. Tất nhiên với Brodsky có những nơi chốn ưu tiên trong sự ưa chuộng riêng của anh, cùng với thơ ca được tạo thành trong lãnh địa những nơi chốn đó, ấy là bốn nước: Nga, Anh, Mỹ và Italia. Một cách nói khác, những đế quốc không bao giờ ngừng kích động những năng lực của Brodsky cho sự liên kết vượt-nhanh-tới và cái nhìn khái quát; từ đó, sự đắm say nồng nhiệt của Brodsky cho những thi sĩ La tinh và những di tích của cổ thành Rome. Chúng được ghi lại trong nhiều tiểu luận và vở kịch Marbles (Cẩm thạch), cũng như trong nhiều bài thơ. Hình thức đầu tiên của tính thế giới—và sau rốt, có lẽ là cái duy nhất có thể đứng vững được của tính thế giới—là sự hiện hữu như là một công dân của một đế quốc. Khí chất của Brodsky ở nhiều khía cạnh mang tính nước lớn.

Tiếng Nga là quê hương. Quê hương không còn là nước Nga. Dường như không có quyết định nào ở phần đời sau của Brodsky gây sửng sốt cho nhiều người như là quyết định khước từ trở về lại cố quốc, sau khi đế quốc Liên Xô tan rã, bất kể tới bao nhiêu mời mọc, bao nhiêu vây đón ngưỡng mộ, cho một trở về dù là ngắn hạn.

Và như thế anh đã sống phần lớn cuộc đời trưởng thành ở một nơi khác: nơi đây, Mỹ quốc. Và Nga, nguồn xuất của mọi thứ tinh tế nhất, gan dạ nhất, trù mật phong nhiêu hay kiên cố thuyết lý nhất trong tâm thức của anh, cho tài năng thiên bẩm của anh, đã trở nên lớn lao ở một nơi khác. Nga, cựu quốc: một nơi—vì tự trọng, hãnh diện, vì cơn giận cũ, vì bao xao xuyến—anh đã không thể, và không bao giờ nữa có thể trở về lại.

Bây giờ anh đã làm cuộc rứt bỏ nhanh khỏi chúng ta, như cảm giác ta có được lúc này, để tới ngụ cư ở một đế quốc mạnh mẽ nhất, to lớn nhất, của tất thảy, vùng gọi là nơi-chốn-khác sau cùng, tối hậu (the final elsewhere): một chuyển tiếp mà sự dự cảm về nó (trong khi chịu đựng bệnh tim mạch trầm trọng trong nhiều năm) khiến anh đã thám dò, soi rọi, kiếm tìm trong rất nhiều bài thơ thâm thúy, mạnh mẽ.

Tác phẩm, mẫu mực kia, những tiêu chuẩn kia—và niềm nhớ thương của chúng ta—còn lại.

[Susan Sontag 1988]

clip_image002


Nguồn: https://www.facebook.com/chu.phan.921/posts/786392958186879