Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Chôn súng

Truyện

Đào Như

Anh Nhân với giọng nói đều đều, có vẻ mệt mỏi vì mất ngủ, anh tự giới thiệu mình và nói về quá trình anh đi trình diện vào ngày 30 tháng Tư 1975:

-Tiểu đoàn địa phương quân của tôi, đóng ở Bến Tre trước bảy lăm. Tôi bị đưa đi tù cải tạo tận ngoài bắc: Hoàng Liên Sơn rồi Lào Kai. Đầu năm tám mươi, họ chuyển chúng tôi về Nghệ Tĩnh, Lý Bá Sơ. Cuối năm tám mươi tôi được “lệnh tha” thuộc diện sức khỏe. Đi tù cải tạo ở ngoài bắc, nghề chính của tôi là xẻ gỗ. Tôi bị tai nạn cây đè, gẫy kín xương đùi trái…

Đoạn anh đưa tay phải cao lên và choàng vai người bạn ngồi bên cạnh, anh bảo:

-Cũng là nhờ đi tù cải tạo tận ngoài bắc mà tôi được biết anh Phùng này đây. Chúng tôi ở cùng chung một trại từ Hoàng Liên Sơn…

Nói đến đây, anh và anh Phùng, hai người ôm nhau. Anh Phùng cảm động, cố nuốt nước bọt, giọng anh ngậm ngùi:

-Nguyên tôi là đại úy, Lực Lượng Đặc Biệt, đóng ở Vùng Ba Biên Giới. Tiếp liệu và liên lạc với bên ngoài hoàn toàn bằng trực thăng. Việt Cộng dùng đặc công đánh úp đồn. Tôi bị bắt. Gia đình được khai báo là tôi bị mất tích, xem như đã chết. Vợ tôi lãnh “tiền tử”. Khi bị bắt, tôi thuộc diện tù binh, nhưng đến bảy lăm, cộng sản chuyển tôi sang chế độ học tập cải tạo. Năm bảy sáu họ chuyển tôi ra tận ngoài bắc, nên mới được ở chung với ông thiếu tá Lý Thiên Nhân này đây. Khi cấp cứu anh Nhân bị gẫy kín xương đùi tại Lào Kai, có tôi. Chính ở Lào Kai tôi và anh Nhân hái được trái “mắc cọp”, trái cây quí của người Bắc. Xin lỗi anh em tên nó không thơm lắm, nhưng khi ăn không đến nỗi nào…

Câu chuyện trái “mắc cọp” vì cái tên vô duyên của nó làm cho anh em toàn nhóm điều trị cười một trận.

Sau đó Thiếu tá Nhân tiếp nối câu chuyện về anh:

-Sự thật thì cho tới năm bảy lăm tôi vẫn còn là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 52 Địa phương quân tỉnh Bến Tre. Bộ chỉ huy của tiểu đoàn đóng ở rừng Rạch Rợp, dựa lưng vào sông Ba Lai. Địa bàn hoạt động của tiểu đòan là 16 xã thuộc quận Ba Tri. Sau khi tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết vào đêm 30 tháng tư năm bảy lăm, cũng như các sĩ quan của các đơn vị quân đội Vùng 4, chúng tôi buông súng và đi trình diện tại quận Ba Tri.

Đến trình diện, thoạt tiên thấy cộng sản họ cũng tử tế. Họ đội nón tai bèo có, nón cối có, đến ân cần nói chuyện với các sĩ quan trình diện. Tất cả đều nói một câu mà hình như có ai dạy cho họ và họ thuộc lòng sẵn trong bụng. Họ bảo anh em chúng tôi: “Các anh phải thật thà, thành khẩn mà khai báo, đừng có khai man tên họ, lý lịch và chức năng của mình! Cách mạng có cái nhìn thấu suốt tam đại, tứ đại của các anh!”.

Một anh chiến binh cộng sản coi còn trẻ, chừng mười bảy mười tám, đội mũ tai bèo, nói giọng Bắc, đến nhẹ nhàng hỏi tôi và ghi tên họ cùng chức năng tiểu đoàn trưởng của tôi. Một ông sĩ quan của họ, đội nón cối và cũng người miệt ngoài đó, đến cúi xuống trên tờ kê khai lý lịch của tôi, đóng khung bằng mực đỏ chức năng tiểu đoàn trưởng của tôi. Đoạn ông ta ngước ngược tròng con mắt lên nhìn tôi, cái nhìn sắc lạnh xuyên suốt cột sống tôi! Cái nhìn ghê rợn ấy có sức ám ảnh tôi, mãi đến bây giờ đôi khi tôi vẫn nhìn thấy lại trong những cơn ác mộng. Nói thật với các anh em, lúc đó tôi thấy cái gì đó rất bất ổn cho riêng tôi… Làm xong mọi thủ tục, họ bảo: “Các anh ai về nhà nấy, và chờ lệnh gọi tập trung sau”.

Trên đường về nhà, tôi suy nghĩ thật mông lung. Tôi có cảm tưởng mình là con cá nằm trên thớt đang giãy dụa. Tôi gặp thượng sĩ Long đang chạy xe Honda. Nó là thượng sĩ già, kinh nghiệm, từng trải, trước sau như một, trung hậu với tôi. Tôi đem chuyện kể cho nó nghe. Nó có vẻ sợ cho tôi, nó bảo:

-Hay ông thầy về trình diện ở thị xã Kiến Hòa cũng không muộn. Ở đó “có người có ta”, chớ ở quận Ba Tri này, chỉ có ông thầylớn. Ngại lắm…

Tôi còn mãi cân nhắc, thượng sĩ Long vụt nói:

-Giờ này không còn ai dám chạy xe lôi xe lam rước khách cả. Được, tôi chở ông thầy đi Kiến Hòa bằng xe Honda của tôi.

Chỉ vỏn vẹn có năm phút, nó ghé nhà cho vợ nó hay. Nó bảo tôi ngồi sau lưng nó, ôm nó thật chặt. Nó chở tôi một mạch về Kiến Hòa. Trên đường vào thị xã Kiến Hòa tôi gặp trung tá Bành Tấn Bửu mới hôm qua ông còn là tham mưu trưởng Tiểu khu Kiến Hòa, bây giờ ông mặc đồ thường phục, dân sự, mang dép Nhật, đang đi lẹt xẹt trên vỉa hè đường phố. Tôi liền đến trình bày với ông ta về sự thể của tôi tại Ba Tri. Ông ta hơi ngại cho tôi. Ông ta bảo:

-Ở quận Ba Tri không ai mà không biết anh. Thì cũng đành vậy thôi.

Lúc ấy trông mặt ông ta có vẻ căng ra. Mồ hôi rịn trên trán ông thấy rõ. Ông Bửu vụt hỏi tôi:

-Quê anh ở Sa Đéc? Còn sớm chán, về ngay quê quán mình mà trình diện cho có bà con và cũng có vẻ thật thà hơn, chớ ở Bến Tre này anh cũng biết ngại lắm, chính tôi cũng không biết thân phận của tôi ngày mai ra sao!

Tên thượng sĩ già của tôi cũng chụp nói vào:

-Đúng rồi đó ông thầy. Tôi đưa ông thầy xuống phà, xong tôi bốc ông thầy lên ngã ba Trung Lương để ông thầy đón xe đò về bến phà Mỹ Thuận rồi thẳng về Sa Đéc nội trong ngày, trước hai hay ba giờ chiều nay.

Tôi bắt tay trung Tá Bành Tấn Bửu. Chúng tôi chưa hề bắt tay nhau ngỡ ngàng như vậy, không phải là lời chào vĩnh biệt, cũng không phải lời hẹn tái ngộ. Có gì đó bẽ bàng cho thân phận chúng tôi.

Ngã ba Trung Lương, một ngã ba sầm uất, nhộn nhịp của các tỉnh phía Nam Sài Gòn. Nó nằm bên này sông Tiền trên trục giao tht, đường đi Mỹ Tho,Vĩnh Long, bến phà Mỹ Thuận, về Sa Đéc và Đồng Tháp… Cách nó không xa là Căn Cứ Đồng Tâm, trung tâm hậu cần Quân khu 4; và cũng cách nó không xa là Bộ Tham Mưu của Sư đoàn 7.

Hôm nay, tại ngã ba Trung Lương, người qua kẻ lại có vẻ bối rối khác thường. Ai cũng có bộ mặt thảng thốt, ngỡ ngàng. Những anh em binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa mới hôm qua, hôm nay mặc đồ dân sự, mang dép Nhật, đứng nhìn sững sờ các chú lính giải phóng đội nón tai bèo, lái xe jeep chạy tứ tung, vô kỷ luật. Họ không biết lái, họ húc phải người, tung cả quán hàng. Có xe bị lật bên đường. Có xe hết xăng bỏ ngay giữa con lộ.

Nhìn lại, đó là những chiếc xe nhà binh mà các bộ đội giải phóng lấy tại Căn Cứ Đồng Tâm và Bộ Tham Mưu Sư Đoàn 7. Có người lính giải phóng đội nón tai bèo, đứng trên xe jeep la lớn bằng giọng Bắc Kỳ: “Đó là qui luật của chiến tranh”, và anh ta chĩa súng AK lên trời bắn đùng đùng.

Tôi thấy buồn lắm. Buồn lắm các anh em! Mới hôm qua cả Quân Đoàn 4 đều nắm vững tay súng, chủ động trên khắp chiến trường, làm chủ trong mọi tình thế. Đêm qua tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết tại Cần Thơ, cả Quân Đoàn 4 sụp đổ. Cộng sản chiếm cả Vùng 4 không tốn một viên đạn.

Tôi cảm thấy mất mát quá nhiều. Tôi vô cùng xấu hổ khi thấy mình cải trang trong bộ đồ dân sự, chân mang dép. Tôi thấy thương mình vô hạn. Tôi còn trẻ. Tôi mới ba mươi hai tuổi, tiểu đoàn trưởng. Cuộc đời binh nghiệp của tôi chấm dứt sớm và thê thảm như vậy sao? Tôi nghĩ đến Tú, vợ tôi. Tôi yêu Tú vô hạn. Tôi nhớ các con tôi. Có lẽ giờ này tất cả mẹ con đang ngóng mong tôi tại Sa Đéc. Cầm lòng không được, nước mắt dâng tràn…

Anh Nhân nói đến đây mặt mũi đỏ hoe và giọng anh nghe như khàn đi, thấy vậy anh Quang tiếp lời anh. Trung tá Lâm Quang nguyên là một trong những sĩ quan tham mưu của tướng Nguyễn Khoa Nam. Anh là sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị.

Trung tá Lâm Quang nói:

-“Tình hình chiến sự thuộc lãnh thổ quân khu 4 vào những ngày cuối tháng Tư 75 nói chung và thành phố Cần Thơ nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 4, Vùng 4, nói riêng, tương đối yên tĩnh so với tình hình các tỉnh miền đông thuộc Quân khu 3, và Biệt Khu Thủ Đô, bản doanh của chính phủ trung ương Sài Gòn. Nhất là sau vụ Tướng Nguyễn Khoa Nam đích thân chỉ huy các đơn vị thống thuộc đánh bại và vô hiệu hóa hòan toàn hỏa lực của trung đòan chủ lực miền Hậu Giang của cộng sản, khi trung đòan này xâm nhập và tiến sát vào vòng đai phòng thủ của phi trường Trà Nóc- Cần Thơ.

Sáng ngày 29 tháng tư 1975, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 có triệu tập một cuộc họp quan trọng để duyệt xét lại tình hình và đề ra phương án phản công mới dưới quyền chủ tọa của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đòan 4, Quân khu 4. Thành phần tham dự cuộc họp gồm có: tư lệnh, tư lệnh phó, tham mưu trưởng, các tham mưu phó và các sĩ quan trưởng phòng trong bộ tham mưu của Quân đoàn 4, ngọai trừ hai sĩ quan cao cấp của Quân đoàn, một cấp chuẩn tướng, tham mưu trưởng, và một cấp đại tá, trưởng phòng 2 Quân đoàn, đã tẩu thoát ra nước ngoài là không tham dự phiên họp này. Cuộc họp tuy ngắn nhưng trang nghiêm và hết sức quan trọng. Các đơn vị trong Quân đoàn 4 thề: “Kiên quyết và đoàn kết sau lưng vị tư lệnh và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tử thủ Vùng 4”.

Sáng ngày 30 tháng tư 1975 vào lúc 10:25, Tổng Thống Dương Văn Minh lên đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi toàn thể quân đội và các tướng lãnh chỉ huy sư đoàn, quân đoàn trên toàn vùng lãnh thổ miền nam, phải buông vũ khí, ngưng chiến đấu và chờ bàn giao cho chính quyền cách mạng!... Thế là một quân đòan hùng mạnh như Quân Đoàn 4, tới giờ phút này vẫn nắm vững tay súng, chủ động trên mọi tư thế chiến đấu và phản công, đang giữ vững miền châu thổ sông Cưủ Long sắp phải tan rã.

Tướng Nguyễn Khoa Nam, một quân nhân chuyên nghiệp, ông phải tuân thủ mệnh lệnh thượng cấp, nhất là vị thượng cấp này là Tổng Thống Dưong Văn Minh, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, vị Chỉ huy trực tiếp của Ông.

Một số sĩ quan phục vụ trong bộ tham mưu của Quân Đoàn 4, kể cả tôi, quá chán nản rời bỏ đơn vị, về sum họp với gia đình chờ ngày vào tù. Một số khác thì tìm đường tẩu thoát ra nước ngoài vì họ sợ cộng sản trả thù. Trong bối cảnh này, chỉ còn lại một mình thiếu tướng Nam- tư lệnh, thiếu tướng Lê Văn Hưng- tư lệnh phó, và một số sĩ quan thân cận ở lại doanh trại bộ tư lệnh của Quân đoàn. Tướng Nguyễn Khoa Nam, một tướng lãnh ưu tú, sống độc thân, ăn trường chay, thanh bạch, suốt đời ông cống hiến cho binh nghiệp, tận tụy với quân đội.

Chiều ngày 30 tháng tư 1975, cộng sản đưa người của họ vào là Tám Thạch, mang quân hàm thiếu tá trung đoàn trưởng, qua trung gian của Nguyễn Khoa Lai- em thúc bá của tướng Nam, thiếu tá bác sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và đại úy bác sĩ Đoàn Văn Tựu, y sĩ trưởng Tiểu đoàn 40 Chiến Tranh Chính Trị, trú đóng tại Bình Thủy- Cần Thơ, vào tiếp xúc với tướng Nam tại bộ tư lệnh Quân Đoàn 4, đồn trú trên đại lộ Hòa Bình thành phố Cần Thơ. Nội dung cuộc tiếp xúc này, cấp nhỏ như chúng tôi không ai được biết, ngọai trừ tướng Hưng, tư lệnh phó, được tướng tư lệnh bàn bạc và thông báo riêng. Thiếu tướng Hưng trở về tư dinh và tự sát sau đó.

Sau khi suy nghĩ và cân nhắc mọi hậu quả có thể xảy đến cho đồng bào và chiến sĩ trong lãnh thổ, tướng Hưng và tướng Nguyễn Khoa Nam, tuần tự đi đến quyết định tuẫn tiết.

Sự tuẫn tiết của hai vị tướng lãnh, tư lệnh và tư lệnh phó của chúng ta, tướng Nguyễn Khoa Nam và tướng Lê Văn Hưng, là những quyết định kiên cường và dũng cảm, mãi mãi được tuyên dương và ghi công, đời đời được lịch sử soi sáng”.(1)

Những điều tường thuật của trung tá Lâm Quang tuy sơ lược nhưng rất súc tích, gây nhiều cảm kích cho anh em. Không ngờ sau gần hai mươi năm mà ấn tượng của các anh em về tướng Nguyễn Khoa Nam vẫn còn sâu sắc, không một phai mờ. Nhớ lại tướng Nguyễn Khoa Nam, anh em nhớ lại một thời vinh dự được cầm súng bảo vệ tổ quốc. Có một vài anh em cúi mái đầu bạc, hai tay bưng mặt khóc rưng rưng. Có một thời anh em là lính, là sĩ quan tham mưu của tướng Nguyễn Khoa Nam.

Không muốn để tâm tình xúc động của các anh em kéo dài, trung tá Lâm Quang yêu cầu anh Nhân tiếp tục câu chuyện của anh, con đường từ ngã ba Trung Lương về Sa Đéc.

Anh Nhân bậm môi, cố gắng lấy hết can đảm mới đủ bình tỉnh tiếp nối câu chuyện của mình:

-Như các anh biết, lúc đó xe chạy rất ít. Tôi có ý sợ không có xe về sớm để kịp giờ trình diện! May quá, lúc đó một chiếc xe nhà binh GMC cũng đang chạy trờ tới. Trên xe có mấy anh em bộ đội giải phóng đội nón cối, cũng có những người đàn ông đàn bà mặc đồ dân sự. Tôi liền đưa tay đón chiếc xe lại. Khi đến gần, họ ngừng xe lại, tôi thấy người tài xế lại là chú lính Việt Nam Cộng Hòa! Tôi mạnh dạn hỏi lớn:

-Cho quá giang về phà Mỹ Thuận có được không?

Một anh bộ đội giải phóng, nói giọng bắc la lớn:

-Nào! Lên đi nào. Khẩn trương lên. Trưa cả rồi!

Một cánh tay đưa xuống kéo tay tôi lên. Khi bàn tay tôi chạm phải bàn tay anh, tôi thấy tay áo anh may bằng vải ka ki xanh Nam Định. Tim tôi se lại. Dưới màu ka ki xanh Nam Định này, tôi đã nhiều lần nhìn thấy trên chiến trường những xác chết trẻ trung dưới hai mươi tuổi, trên ngực họ, trên tay họ hay trên lưng họ xăm hàng chữ Sanh Bắc, Tử Nam.

Xe chạy… và chạy xa ngã ba Trung Lương. Mọi người ngồi trong xe đều im lặng. Hình như mỗi người đang theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình. Ai cũng có vẻ ngỡ ngàng khi chạm phải mắt nhau.

Xe chạy qua những thôn xóm quen thuộc tôi đã từng qua lại nhiều lần từ thuở thiếu thời, cắp sách đến trường gặp thầy, gặp bạn. Hôm nay trông quạnh vắng lạ thường. Trường học đóng cửa, không một bóng dáng học trò, chợ búa tiêu điều không ai nhóm, nền gạch trơ, phất phơ mấy miếng lá chuối khô bay.

Có lúc trên xe im phăng phắc. Hình như ai cũng đang chờ đợi cái gì. Sau những năm chiến đấu ồn ào với súng đạn, bây giờ tôi mới hiểu im lặng là cái đáng sợ. Nhất là cái im lặng sau cuôc chiến, cái im lặng chứa đầy tử khí, ngạo nghễ và phản kháng.

Các anh bộ đội miền bắc, có lúc cố gắng pha trò để đỡ buồn, đỡ căng thẳng. Có anh nhái giọng nam bộ, hỏi người trên xe: “Mần sao?”. “Bà con làm một chuyến du lịch từ Rạch Miễu đến phà Mỹ Thuận trên chuyến xe đò cách mạng kỳ này chắc dzui’ lắm hả?”.

Câu pha trò của anh rơi vào khoảng không. Không một nụ cười đáp ứng. Tôi gượng gạo, nhìn bâng quơ ra ngoài. Làng mạc ruộng vườn bao la một màu xanh rờn vắng bóng người nông phu, chỉ có những cánh cò bay lặng lẽ.

Chợt anh tài xế la lớn;

-Đến bến phà rồi, bà con ơi.

Tôi vội vàng cám ơn mọi người và nhảy xuống xe trước nhất. Một cánh tay cầm khẩu AK của anh bộ đội giăng ra chặn tôi lại. Tôi hốt hoảng không biết xử trí như thế nào; nhưng với phản xạ tự nhiên của người lính, bàn tay phải của tôi đã sẳn trong túi quần, lúc ấy ngón tay cái của tôi đã nằm sẵn trên khóa an toàn, và ngón tay trỏ của tôi lúc đó cũng đã sẵn sàng nằm trên cò của khẩu Colt 12 mà tôi lận rất kỹ trong người, và nó sẵn sàng nổ!

Anh chàng bộ đội nhắm nghiền đôi mắt lại, ngước cổ cao lên và la lớn:

-Ối giời! Chúng tôi đèo anh từ ngã ba Trung Lương đến tận đây thì anh phải trả tiền chứ, sao lại cám ơn không được!

Nói thật, lúc đó tôi mới lấy lại bình tĩnh. Tôi từ từ rút bàn tay phải ra khỏi túi quần có dính theo tờ giấy bạc 500 đồng đưa cho anh bộ đội và nói cám ơn anh ấy.

Trên đường tôi ngồi tiếp xe lôi về nhà, tôi nhớ lại câu nói của anh bộ đội:“Tôi đèo anh”, và tôi cười một mình.

Mãi sau này đi tù cải tạo tại miền bắc tôi mới hiểu được nghĩa của chữ “đèo”. Chiến thắng miền nam, đối với các anh nhanh quá! Các anh ngỡ ngàng như còn trong mơ. Các anh chở chúng tôi trên chiếc xe hơi nhà binh GMC mà cứ tưởng là đang “đèo” chúng tôi trên chiếc xe đạp thồ trên con đường quê nào đó tại miền-bắc-xã-hội-chủ-nghĩa.

Về đến Sa Đéc, trước khi đến nhà, đi ngang qua một công đất bỏ hoang, cây cối um tùm, có con lạch nhỏ, nước sâu đến gối và nhiều bùn, tôi dừng lại, suy nghĩ một hồi…

Tôi bước xuống đứng dưới con lạch. Bỏ tay vào túi quần, tôi từ từ tháo gỡ cây súng. Tôi kiểm soát khóa an toàn, cho nó rơi xuống trong ống quần, rơi thật sâu xuống con lạch nước.

Tôi nghe cây súng rơi xuống đến mắt cá chân. Tôi dí bàn chân sâu vào trong bùn và rút lên từ từ. Cây súng ngang mắt cá chân tôi rơi đúng vào lỗ bùn sâu.

Bước lên khỏi con lạch, mang lại đôi dép, tôi đi hướng về nhà không ngoảnh mặt lại…

Có một chút gì ân hận chua xót trong tôi.

Hình như tôi vừa từ giã ai? Một người bạn? Một chiến hữu? Một khẩu súng?

Một thoáng bâng khuâng mơ hồ, tôi vừa bước qua ngưỡng cửa cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp…

(30-4-1994)

-------------------------

Ghi Chú:

(1)- Đây là bức thư của Trung tá Lâm Quang Bạch (bà con với hai tướng Lâm Quang Thi và Lâm Quang Thơ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa gốc người Hoa ở Trà Vinh nhiều đời), đưa cho tôi sau buổi họp điều trị tâm thần tập thể.

Đây là 1 đoạn của ông ghi chú những biến cố tại Vùng 4 trong những ngày cuối tháng 4 1975, với tất cả danh dự, xương máu và nước mắt của một người lính Việt Nam Cộng Hòa.