Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Đừng chờ tới thời tốt đẹp hơn

Tự truyện

Wolf Biermann

Phạm Kỳ Đăng dịch

20170301_120759_resizedLời người dịch : Vào ngày sinh nhật tuổi 80 Wolf Biermann ra mắt cuốn tự truyện được coi như pho tài liệu trào lộng và tự trào của một người chiến thắng lịch sử, điểm xuyết bằng những giai thoại giàu tính ngụ ngôn. Đương thời ông đã tìm đến ánh đèn sân khấu và còn tìm thấy khi người ta quay ngoắt đèn đi. Ông là nhà thơ, bằng những ca khúc của mình và thái độ bất khuất đưa cả một nhà nước, nước CHDC Đức, nếu chưa đi đến sụp đổ, thì cũng đã tới chỗ lung lay trầm trọng.

„Tác động chính trị và xã hội do tác phẩm và nhân cách nơi ông gây ra có thể nói là độc nhất vô nhị trong văn hóa Đức, ít ra trong thế kỷ hai mươi. Cần nhấn mạnh thành tựu thơ ca và vị thế đạo đức của ông không thể nào chối cãi, dù điều này có thể làm cho ai đó mệt mỏi và gần như khó chịu. Wolf Biermann hẳn nhiên là người thuần túy chiến thắng lịch sử, hãy để cho một nhân vật hiện ra không còn bí mật gì giấu diếm và chính vì vậy có tác động giải trừ huyền nhiệm.“ (FAZ)

Cuốn sách trình bày kỷ niệm thời thơ ấu, gương mặt những người thân yêu, bạn hữu, cả kẻ thù đan lồng vào bối cảnh kèm những sự kiện lịch sử của hai nước Đức thời hậu chiến và đối đầu chiến tranh lạnh. Ở đây người ta bắt gặp nhiều cuộc gặp gỡ thú vị với Jean-Paul Sartre, Allen Ginsberg, Joan Baez...và những chân dung ấn tượng, đặc biệt phác họa của ông về nhà soạn nhạc Hans Eisler - người học trò của Arnold Schönberg – đã thụ truyền và khuyến khích ông trong thời gian ông học việc ở nhà hát của Bertolt Brecht.

Những tên người chồng chéo trong sách: bạn hữu, kẻ thù, bạn của kẻ thù và kẻ thù của bạn: từ những đồng nghiệp người được ông khâm phục quí trọng tới những kẻ ông thâm thù cay đắng như Heinrich Böll, Christa Wolf, Günter Grass, Jurek Becker, Heiner Müller, Peter Hacks, Günter Kunert, Stephan Hermlin, Stefan Heym, Marcel Reich-Ranicki hay Jürgen Fuchs đến Margot và Erich Honecker, Gregor Gysi v.v.

Cuốn tiểu thuyết của ông, như ông nói, gồm “Câu chuyện gia đình trong thời quốc xã” và “Sự tồn tại của tôi, kẻ thù của nhà nước CHDC Đức” được độc giả và giới phê bình chào đón nồng nhiệt:

"Tác phẩm bậc thầy tái hiện bằng văn chương, cuốn sách kết nối chính xác dữ kiện với nhiệt tình cá nhân, hài tiếu với độc địa" - Ulrich Greiner, Tạp chí Thời đại.
„... một cuốn tiểu thuyết lớn, một cuốn tiểu thuyết về nước Đức gây rúng động“- Volker Weiderman, Tạp chí Tấm gương.

Chương đoạn dưới đây đề cập tới một giai đoạn lịch sử từ 09.11.1899 ngày nhân dân đạp đổ bức tường ngăn cách Đông Tây cho tới ngày thống nhất nước Đức 03.10.1990. Đảng cộng sản SED cầm quyền bắt đầu thay đổi cương lĩnh và cải cách, song song với đó lần đầu tiên Quốc hội Nhân dân tiến hành bầu cử với sự tham gia của các đảng phái và các tổ chức chính trị đối lập. Tại Đông Đức có thể coi người Việt Nam đón sang theo diện hợp tác (còn được gọi là thợ khách) còn lại vào thời điểm này giơ đầu chịu báng cho hình ảnh người nước ngoài nói chung, vốn được đưa đến đây vì sự nghiệp „chống đế quốc“ và theo tinh thần „quốc tế vô sản“. – PKĐ.

Bây giờ tôi biết, họ đã tha thứ cho chúng tôi tất cả những gì họ gây ra cho chúng tôi

Cuộc chiến xung quanh di sản Mielke - Thống nhất nước Đức

Ở giải bóng đá thế giới 1990 tổ chức tại Rom, bầy quân của Beckenbauer còn đội thêm lên sự thống nhất nước Đức một vương miện túc cầu. Pamela và tôi cùng các con tới thăm Berlin. Trong đêm tối sau trận chung kết, chúng tôi tắt vô tuyến đi để nghiêng ngó xa gần. Cùng với Carsten Krüger và chị vợ Ulrike chúng tôi đi tới sát trung tâm Tây Berlin. Trên phố Kudamm cổ động viên như được xổ lồng hét lên: „ Olé olé olé olee! Sieg! Sieg! Sieg!“ Cửa kính các hiệu hàng sang trọng còn nguyên vẹn. Cờ bay trên ô tô mở ngỏ. Đồng thanh hú còi, chai bia rỗng và vỏ pháo đùng bắn vút lên trời. Ôi, thật là what a lovely football! Một không khí nổ bom theo đúng nghĩa của từ này.

Và sau đi sang miền Đông. Bằng mọi giá tôi muốn so sánh. Chúng tôi đi dọc đường Linden hướng Alex, xuống xe ở cột tháp truyền hình. Những thằng choai choai đầu cạo trọc rượt đuổi người Việt đang thất thanh la ré cầu cứu chúng tôi, và họ chạy xung quanh tòa Thị chính màu đỏ rồi trốn vào các nhà lán xây dựng. Trên đường Rosa-Luxemburg-Straße, những hình thù dập dờn cầm kìm sắt đập vỡ những tấm kính lớn và cất cao tay chào Hitler. Chúng bấu chặt lấy một ông già: „Đáp lại kiểu chào Đức đi chứ!“. Chúng gào lên:“ Bởi ngày hôm nay nước Đức thuộc về chúng tao, và ngày mai toàn thế giới!“. Quanh đi quẩn lại chỉ có hai dòng của bài hát Quốc xã cũ. Chúng biết những thứ này từ đâu nhỉ?

Sự tò mò hối thúc tôi, và nỗi sợ. Chúng tôi chạy tạt sang ngang, qua nhà hát Volksbühne. Tôi muốn rẽ qua phố Belforter Straße, muốn chỉ cho Pamela xem cái nhà hát nhỏ của tôi trong một ngõ sân sau, đó là nhà hát b.a.t. Nhưng ở đó đã không sao lọt qua được. Đám Skins kéo về hướng Prenzlauer Berg, theo đại lộ Schönhauser Allee tới trận chiến đường phố đối đầu đám Punks. Một người bạn nói:“ Đã thành truyền thống rồi mà“. Từ những năm 80 đã có PunksSkins ở DDR (1).

Trong đám Punks nhiều người là con cái trí thức cũ của DDR. Chúng căm thù sự luồn cúi của gia đình chúng. Nhưng mặc dù thế, chúng cảm nhận mình thuộc về cánh tả, tả hơn, cương quyết hơn cha mẹ hèn nhát của chúng. Và bây giờ chúng căm thù phương Tây. Đám Skins có nguồn gia nhập từ khắp nơi. Nhưng những kẻ man rợ nhất đến từ các gia đình cán bộ của đảng SED (2) gồm bí thư đảng ủy, cán bộ của bộ máy nhà nước, sĩ quan quân đội, công an và những cha an ninh giờ đây thất nghiệp ngồi làm tổ trước máy vô tuyến và không còn hiểu thế giới ra sao nữa. Và các con của họ đã đành là không rồi. Như thế lớp con cái của giới thượng đẳng bị truất quyền và con cháu trí thức phê bình chế độ của CHDC Đức như hai kẻ thù lao xáp vào nhau: Semper idem et alter (luôn thế nhưng giờ đây còn chưa ngã ngũ). Một giờ học lịch sử trực quan cho những người đã nếm trải.

Ngẫu nhiên lại đúng từ đại lộ Rosa-Luxemburg-Allee (3) một nhóm đả loạn ào ra ngược lên dọc theo đại lộ Schönhauser Allee. Bọn Skins! Pamela kéo tôi đi. Cô ấy sợ, bọn bạn bóng đá say bét này có thể đánh vào mõm tôi lộn ngược ra đằng sau, chỉ vì đứa nào đó nhầm tôi với gã Wolf Biermann. Chúng chửi tôi vì tôi nhìn không biết chán ở những bóng ma Goya (4) này. „Giấc ngủ của lý trí đẻ ra những quái vật“ - ở đây chúng là những bóng ma của cuộc cách mạng hòa bình, những ma quỉ của chủ nghĩa toàn trị.

Ngày thống nhất Đức tiến lại gần hơn. Trong quãng thời gian từ khi tường đổ cho tới ngày thống nhất tận cùng, giới cai trị CHDC Đức đã mang những con cừu non của mình cập bến. Lớp quan chức độc quyền bị phế truất, một cách mưu lược đã làm được việc biến hóa tài sản cướp đoạt mang tính chất xã hội chủ nghĩa thực tế sang hình thức sở hữu tư sản. Một cách hệ thống, cán bộ được bảo an bằng những danh hiệu chiếm hữu không thể tranh cãi trước những tố tụng pháp lý đang chờ đợi. Những bản hợp đồng ghi sớm lại ngày, những chứng từ, quyền nhượng thuê gian lận, khế tự kế thừa tài sản, sở hữu tư sản hoặc bất động sản, lý lịch giả mạo, chứng chỉ nghề nghiệp sao cắp, danh vị hàn lâm dành cho các luật gia và các thày thuốc ngạch An ninh. Tất nhiên, với tư cách là con người danh dự, trong tình huống khó xử trước Tòa án, người sĩ quan chuyên trách của Bộ An ninh quốc gia sẽ cấp cho cộng tác viên không chính thức của mình một giấy chứng chỉ vô can. Giấy này gian trá biến anh ta thành ra một kẻ hoài nghi, một người đồng chí thiếu tin cậy không có một quan điểm giai cấp vững vàng. Thậm chí trong hoàn cảnh quẫn bách ông ta còn dự báo nơi anh này sự phản kháng xuýt nữa đã xảy ra.

Vào năm 1990 người ta nổi khùng cãi nhau về việc liệu giờ đây, dựa vào hồ sơ An ninh có cần suy xét về một sự hợp tác với hãng „Nhòm và Hóng“ (5) đối với những đại biểu của quốc hội lần đầu được tự do bầu lên hay không. Người tuyển ra cứu mạng đảng SED, tiến sĩ Gregor Gysi (6) và điệp viên không chính thức „Notar“ chẳng được ông ta quen biết đã có những lá bài chia rất đẹp: Dưới cái tên của họ chỉ còn có những vỏ bìa hồ sơ đã bị rút rỗng ruột.

Sau khi bức tường sập một số người đương thời nhìn nhận cuộc tranh cãi xung quanh hồ sơ của Stasi bằng sự kiên nhẫn, những kẻ khác với sự hoảng sợ. Những lời đồn đại lan truyền rằng Stasi sẽ có thể còn phá hủy chừng 20% hồ sơ họ lập. Nạn nhân của thể chế độc tài run lên vì giận dữ. Kẻ thủ phạm run rẩy trước sợ hãi, bởi vì 80 % chứng cứ còn tồn tại. Đó là một mùa thu hoạch quái đản: 4 triệu hồ sơ về người Đông Đức và 2 triệu hồ sơ về người Tây Đức. Một ngọn núi bao gồm phản bội, một mê cung của thủ đoạn, một bể cống của lọc lừa, và một hồ nước mắt. Làm gì đây với di sản này? Tôi nghĩ tới nhân vật tỏa sáng vờ Peter-20170301_120818_resizedMichael Diestel và nhân vật tỏa sáng thực thụ chính là người đồng nghiệp Tây Đức của ông- bộ trưởng Bộ Nội vụ Wolfgang Schäubler. Bên Đông và bên Tây có những chính khách đòi hủy bỏ tất cả hồ sơ An ninh. Đám thứ nhất, bởi vì họ đã biết quá nhiều, và đám kia, bởi vì họ hiểu quá ít. Những Ủy ban công dân và những người đánh chiếm (7) các trung tâm Stasi đòi hỏi hồ sơ phải được bảo tồn nhằm làm sáng tỏ sự vô luật pháp của nhà nước DDR và nhằm phục hồi danh dự các nạn nhân, và cũng phải làm hồ sơ này cho mọi người theo dõi được, tức là tác phẩm nghệ thuật kinh dị này không được phép thiêu tro, đốt cháy, băm nát và quên lãng mà là được ổn định, bảo quản và công khai hóa.

Vào ngày 24.08.1990 Quốc hội đầu tiên và cuối cùng được bầu theo thể thức dân chủ đã ra một nghị quyết đồng thuận về việc tiếp cận 6 triệu hồ sơ An ninh quốc gia. Một biểu quyết thuận rõ ràng cho công tác xử lý về mặt chính trị, lịch sử cũng như tư pháp hoạt động của Bộ An ninh quốc gia thời đó. Thêm vào đó được xác quyết rằng hồ sơ An ninh không được phép sử dụng bởi bất cứ một cơ quan tình báo nào, kể cả cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Liên bang. Ngay bởi việc vì những hồ sơ này đã được lập nên bằng những phương pháp không mang tính nhà nước pháp quyền và chúng thâu tóm những địa hạt mà theo pháp lý của một nền dân chủ không bao giờ một cơ quan chức năng nào được thò mũi vào đánh hơi. Nhưng rồi có phản đối và thậm chí là phản kháng. Thủ tướng Lothar de Maizière và Diestel Bộ trưởng Bộ Nội vụ của ông đã sớm hơn cổ súy cho việc khai mở hồ sơ lâu dài. Cả Thủ tướng Liên bang Kohl chống lại việc này đã mong hơn đẩy đống tài liệu này vào những thùng tô-nô lớn hoặc khóa chúng lại trong Kho lưu trữ văn khố liên bang với thời hạn ít nhất là 30 năm.

Cuối tháng Tám có tin rò rỉ ra ngoài công luận cho biết Đạo luật ban hành của Quốc hội Nhân dân đã không được đưa vào Hiệp ước thống nhất. Hơn thế đã biểu quyết rằng tới tận khi sau khi tái hợp mới ra một điều luật mới theo pháp lý của toàn nước Đức. Phần nhiều các nghị sĩ của Quốc hội Nhân dân phản ứng giận dữ bởi sự tự chủ của Quốc hội bị lường gạt. Hối hả thương lượng đuổi theo thời cuộc. Ngày 31.08, Krause, Trưởng đoàn đàm phán của CHDC Đức và Schäuble, Bộ trưởng bộ Nội vụ Liên bang đã ký kết Hiệp ước Thống nhất. Ở đó đã ủy thác cho Hội đồng bộ trưởng của CHDC Đức quyền được giới thiệu một Đặc phái viên tương lai chuyên trách về hồ sơ của Bộ An ninh. Hội đồng bao gồm nhiều tầng lớp nhân dân CHDC Đức, và những hồ sơ này phải nằm lại ở miền Đông. Những điều hoàn thiện chỉ được công bố như gợi ý sau này hãy nên chú trọng đến điều luật của Quốc hội Nhân dân đã ban hành ngày 24.08.1989.

Đối với một số người đấu tranh dân quyền, gợi ý lỏng lẻo này không thỏa đáng được về lâu dài. Tại Quốc hội Nhân dân người ta đang còn đọc những buổi cuối cùng văn bản Hiệp định Thống nhất, tức đây là cơ may cuối cùng để còn có thể gây được chút gì tác động. Vào ngày 04.09, xuýt soát một tháng trước ngày tung hô toàn Đức thống nhất, 6 người đàn bà và 15 người đàn ông đã thành công một cú ngoạn mục: Họ xông vào được dãy nhà ngang của Kho Lưu trữ trung tâm của An ninh Quốc gia nằm trên phố Normannenstraße. Họ phá bung một cửa, chiếm đóng tại tầng 3 của ngôi nhà số 7 toàn bộ các phòng ốc và tự vệ trước một bầy công an đang tìm cách kéo những người xâm chiếm ra ngoài.

Katja Havermann thuộc những người chiếm cứ, cả Bärbel Bohley và Ingrid Köppe. Chàng Hans Schwenke (7) vâm váp, người thủ lĩnh giải tán An ninh và Christine Grabe, một nữ nghị viên của Quốc hội Nhân dân. Reinhard Schult, không phải là một hướng đạo sinh, nhưng là một người xông xáo trong cuộc chiến vì tự do, một người đối lập tăm tiếng với trải nghiệm lao tù, đã được Hội nghị Bàn tròn (8) đề cử vào „Hội đồng giải tán Bộ phận An ninh Quốc gia“. Ông ấy cần phải triệt phá „hãng“ Bộ An ninh quốc gia, nhưng một cách chính xác hơn: Chính vì thế ông ấy không nên làm vậy.

Jürgen Fuchs gọi điện cho tôi ở Hamburg và nhắn tôi cần phải càng nhanh càng tốt tới đó và đỡ cho một tay - là bạn bè thì hướng vào trong và là người nổi tiếng hướng ra bên ngoài. Tất nhiên tôi muốn có mặt ở đó. Những hồ sơ về tôi! Cuộc đời tôi! Người xung quanh tôi! Ngày kế hôm sau đó tôi cùng toàn dân đứng trước cánh cổng thép màu xám trên đường Ruschestraße. Nhưng toàn bộ khu phi đã bị công an khóa kín. Như trong cuộc đánh chiếm lần đầu ngày 15 tháng Giêng, khối người muốn băng qua khu cách ly dịch hạch (9) ào vào tòa nhà An ninh. Công an Nhân dân của một đội cảnh khuyển đã sắp tươm ra mấy con cẩu. Tôi tìm cách lách mình qua rào chắn. Một hàng xích cảnh sát thành hình: xanh, xanh xanh nữa. Không qua được. Những người công an mang mũ sắt mới nhập khẩu màu trắng, họ giương những tấm khiên chắn khéo đúc bằng nhựa lấy từ những kho quân cảnh của Tây Berlin và giơ ra những cái dùi cui cao su quen thân của họ vốn từ miền Đông. Tôi gặp may, có lẽ cái mặt tôi đã làm cho những người mặc quân phục rối trí, có lẽ họ đã nhầm tôi với Biermann và họ cho tôi qua. Cả họ những Công an Nhân dân đang hao gầy vì sự hoài nghi và nỗi sợ sống còn. Những bồi săm của ngày hôm qua chỉ còn suy nghĩ không biết trong cuộc đời tiếp diễn họ có được trở thành cảnh sát viên trong chế độ dân chủ hay không.

Chúng tôi đã khăn gói tươm tất trong khách sạn „Big Brother is Watching Your“ của Erich Mielke. Giường tạm dùng dễ nằm, chăn túi và nệm cách nhiệt. Chật chội nhưng chúng tôi hưng phấn. Và tôi có chiếc guitar mang theo và hát bài hát cũ có điệp khúc „Cuộc đời không phải trò chơi, chỉ vì đời tươi thế các bạn ơi”.

Bộ trưởng Diestel (10) ngay lập tức không chỉ cho công an niêm phong lại khu này sau cuộc chiếm cứ mà còn để cho Eichhorn, vị quan chức của ông ta, làm đơn phát giác vì tội danh “xâm phạm an bình công cộng”. Đó thực là một tiết mục dở khóc dở cười. Xâm phạm tình trạng An bình công cộng vì cái gì cơ chứ! Đây nào phải một ngôi nhà, người ngợm ạ. Và bình an nào đã bao giờ có được đâu mà người ta xâm phạm nổi kia trong cái lâu đài quyền lực của Mielke (11). Trung tâm của Bộ An ninh gần như một quận, hoàn toàn là một khu cư dân trải dài lên nhiều tuyến phố: Normannenstraße, Ruschestraße, Magdalenenstraße, Glaschkestraße, Frankfurter Allee, Roedeliusplatz và Gotlindestraße. Những khối nhà khổng lồ bằng đá xám xịt xây từ những năm 50, nhà tường lắp ghép, những ngôi nhà thông vào nhau chằng chịt, nhét đầy trang bị kỹ thuật. Trạm phát tin của chính phủ với những chảo phát sóng truyền thông như một ngôi đền mắc những ăng ten đâm lên ngỗ ngược. Một trại tạm giam điều tra thuộc khu quần thể, những ngôi nhà dân của Berlin cổ nhập vào rải xung quanh, cả những hầm ngầm bê-tông. Một tiệm casino, nhà bếp lớn, một căng tin và một bệnh viện. Ở Tổng cục Tình báo, một công trình với 2000 cửa sổ, “nhà văn nổi tiếng” tướng Markus Wolf (12), trong cương vị cục trưởng Tổng cục tình báo miền Tây đã tiến hành những thử nghiệm văn chương. Đối diện là những nhà cao tầng, ở đó nhiều người trong số 30 ngàn cộng tác viên, đã có một con đường đi bộ ngắn nhất tới nơi làm việc. Những hồn ma của giới tinh hoa quyền lực. Những ai là nạn nhân trót rơi vào nanh vuốt của cái bẫy người này, có thể chắc chắn rằng, mình sẽ vĩnh viễn thất bại, Những ai hàng ngày ở đây là người sĩ quan đẩy cao giờ công ngoài giờ, được về già và được thăng cấp, kẻ đó biết rằng: CHDC Đức sẽ tồn tại vĩnh viễn. Ở trong kiến trúc này, ý nghĩ rằng nền chuyên chế bạo quyền bao giờ đó có thể sụp đổ, là điều không thể nghĩ suy ra được. Một thế giới cho riêng nó. Chỉ riêng ở Đông Berlin đã có 4 tổ hợp khác của Bộ An ninh Quốc gia mang kích cỡ như thế này, ở Lichtenberg, Karlshorst, Hohenschönhausen và Wuhlheide. Và trong toàn CHDC Đức có tới 10.000 công trình như vậy của Bộ An ninh Quốc gia.

Tôi ngủ lại cùng với người ngủ ngáy Schwenke trong một phòng nhỏ không dành cho người hút thuốc, dưới pho tượng thánh chính trị cao lớn tạc ông trùm mật vụ sô-viết Feliks Edmundovich Dzerzhinsky (13). Trên chiếc phản của Schwenke, một bức ảnh chân dung Erich Honecker đã bị bôi xóa, một người họa sĩ nghiệp dư nào đó, theo phong cách của phái chấm đốm đã vấy một vết màu đen vào mặt. Hội họa phái Action Painting theo lối hiện thực xã hội chủ nghĩa. Kết thúc vụ này tôi đã thu giữ lấy bức ảnh.

Chúng tôi tổng cộng gồm 30 kẻ ”xâm lược”. Chỉ có những người đánh chiếm có tiếng nhất ở lần xét hỏi ngày hôm trước đó ghi tên vào danh sách của công an, mới được cho ra và lại được cho vào. Ở lối ra vào ngôi nhà, công an ghi biên bản nghiêm ngặt, ai, lúc nào và rời đi khỏi nhà số 7 bao lâu. Họ có nhiệm vụ ngăn không cho cuộc chiếm giữ này mở rộng. Những người biểu tình tập hợp trước những cổng ra vào của khu này, một đội tưởng niệm đã được lập ra. Họ nghỉ lại trong lều. Để nhấn mạnh những đòi hỏi của chúng tôi, sau năm ngày chúng tôi bước vào một cuộc tuyệt thực.

Ông thị trưởng Đông Berlin Tino Schwierzina, thậm chí khối nghị sĩ quốc hội của đảng SPD và tất nhiên Bündnis 90/Grüne gồm cả Das Neue Forum (Diễn Đàn Mới – ND) trực thuộc đã tuyên bố đoàn kết với chúng tôi. Bà Mariane Birthler của khối Bündnis 90 tham gia vào cuộc họp báo do chúng tôi đề xuất. Nữ chủ tịch quốc hội Sabine Bergmann-Pohl của đảng CDU bí mật tìm chúng tôi, kế sau bà nhiều đại diện khác nhau của các khối khác đã đến thăm hỏi. Cả ông Joachim Gauck (14), chủ tịch ủy ban đặc biệt kiểm sát giải thể Bộ An ninh Quốc gia, đã đến thăm chúng tôi tại thành lũy của Stasi do chúng tôi chiếm đóng. Nhưng một số người đánh chiếm nhìn ông một cách nghi ngại và họ cáo buộc ông vẻ như cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Diestel làm chung nhau công chuyện gì đó. Tuy rằng Gauck ủng hộ cho việc bảo tồn và công bố hồ sơ, nhưng ông lại cũng muốn bổ nhiệm những người thuộc Bộ An ninh dạo trước với tư cách “người thông thạo sự việc” sát cánh cùng với đại diện của Ủy ban Công dân. Chúng tôi không thích thú cái đó một chút nào. Chúng tôi có cần những sĩ quan của Bộ An ninh như chó dò mìn trong mê cung tài liệu không? Không!

Chúng tôi đã đóng chốt trong trung tâm quyền lực của Mielke. Và chúng tôi có cảm giác, một số nhân viên An ninh ở đây còn đang cố công thu vén, bởi không phải bất cứ ai cũng bị săm soi khi đi ra, đi vào. Một đêm tôi quan sát thấy dưới sân một chiếc xe buýt nhỏ đang ghé vào băng trượt và những thùng nhôm được bốc vào. Ngay ở đây sau đít chúng tôi họ còn đáng đánh cắp hồ sơ mang đi. Ngôi nhà số 7 chúng tôi đóng quân tại đó nằm ở góc phải tòa nhà chính nơi từ đó Erich Mielke đã trị vì đế chế của mình. Giai thoại, huyền thoại và những lời đồn đại lẩn quất lan truyền khắp nơi. Một người công an kỳ cục, trông như một tay sĩ quan bị cách chức và không muốn được gọi tên là Peter mà là Piotr đã kể tôi nghe điều này: Trong những tuần lễ cuối cùng trước khi trước biến cố bước ngoặt Bộ trưởng Bộ An ninh chỉ còn nôn nóng cấm cẳn nói cho mình nghe. Ông ta tranh luận với tượng đắp mặt người chết mạ đồng của Lê-nin đặt trên bàn làm việc trống trơn của ông ta. Một số cận thần hàng tướng lĩnh lẽo đẽo theo sau ông ta cho đến kết cục và khúm núm tranh nhau tìm cách cắt nghĩa những cơn giận dữ bộc phát của ông ta. Và Mielke luôn nhiều lần lặp lại hét to: ”Đấy tất cả chỉ là vấn đề quyền lực, các đồng chí! Và ai có quyền lực ở đây hử?” – “Chúng ta” các tướng lĩnh bộ hạ gào lên. Cái “chúng ta” này đã trấn an đồng chí Mielke. Nhưng mà từ đâu ra cái ông Pijotr biết được chính xác điều này? Tôi không hỏi ông ta.

Trong một khoảnh khắc thuận lợi chúng tôi đã thành công trong việc băng qua hành lang cánh tiến vào trong những văn phòng của Mielke. Vậy là ở đây đã từng là trung tâm trong trung tâm quyền lực của toàn hãng. Xưa hơn nữa, các đồng chí đấu tranh bận đồ xám đã xâm nhập vào trong căn hộ của tôi và đã cài rệp trong nhà. Bây giờ chúng tôi đã đánh chiếm lấy hang ổ của con trằn tinh. Văn phòng mật ngục của Mielke sực lên mùi sạch sẽ. Một cây cầu chỉ huy sở với lô phòng nghỉ riêng. Sang trọng vô trùng. Những căn phòng hội nghị với những bản đồ khuất lấp và phông chiếu hình. Những tủ tường với những cửa tủ kéo lát gỗ phẳng sao phẳng lỳ. Chiếc bàn viết khổng lồ của kẻ phá hủy con người rỗng trơn rỗng trọi. Chiếc rương mật lớn trong tường bên cạnh mở toang. Thiết bị điện đàm với nhiều máy gọi khác nhau và những đường dây trực tiếp cố định. Bục mở nút điều khiển gắn những tên người. Vậy đấy đó là những vũ khí của ông ta. Một cú điện đủ để dập tắt một đời người. Ở CHDC Đức đương nhiên, và ổ bên vùng phía Tây qua tay những điệp viên vô hình hoạt động trên mặt trận vô hình dưới lệnh của tướng Markus Wolf.

Trong phòng bên đùn đống nộm chữ bị băm vằm từ một máy hủy tài liệu. Tôi quờ vơ lấy một nắm mì giấy và nhét món sú-vơ-nia vô giá trị gồm những chữ cái bị băm nát vào trong túi áo – như một chiến lợi phẩm thắng lợi. Và sau đó tôi rút cho tôi từ tập tranh trong phòng bên cạnh của Mielke một bức thanh in đá đẹp đẽ. Làm sao mà những tác phẩm nghệ thuật lại lọt vào trong chuồng lợn của ông ta. Bức tranh có thể là tác phẩm của một nghệ sĩ nhà nước đã nhận một giải thưởng quốc gia hoặc giả là một bức vẽ của một sinh viên phản kháng học ở trường Đại học nghệ thuật Weißensee, có thể đã bị trừng trị đưa đi học khóa đào tạo chuyên biệt ở Bautzen (15). Không thể biết. Một bức vẽ bằng phấn, in trên giấy gió quí giá.

Thoạt nhìn lần đầu tôi trông ra một toa tàu chở hàng, phóng những nét vẽ chắc chắn, như thể người ta học được ở bút pháp Picasso khi ông biểu dương con bò tót ở trên đấu trường. Và bây giờ thì tôi nhận ra: Tận trên nóc của toa tàu, một viên công an nhân dân lom khom chạy theo một con chó săn nghiệp vụ kéo căng dây xích. Người họa sĩ đã dùng bút chì ký tự vào tác phẩm: “Rechn´82” và viết dưới đó tên của bức tranh vẽ: ”Săn tìm”. Thêm vào đó ”2/100”. Thật không trệch đi đâu, con chó nghiệp vụ công an rõ ràng không đánh hơi cần sa, mà là đánh hơi ngửi tìm thịt người sống. Hiển nhiên bản thứ hai của tổng cộng một trăm bức nguyên tác được in ra có giới hạn đã được dâng tặng cho đồng chí bộ trưởng. Ai đã nhận được tờ tranh thứ nhất? Số 1 dành cho nước CHDC Đức? Hay là người vợ của họa sĩ.

Chủ đề phù hợp. Một người trốn chạy nhà nước cộng hòa đang bị săn lùng, người này có thể đã giấu mình trên lớp mái của toa tàu hỏa. Tác phẩm nghệ thuật theo qui tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực XHCN là chiến lợi phẩm của tôi sau 37 năm CHDC Đức tồn tại! Và tôi nhận thấy tác phẩm hiện thực XHCN này cũng có thể ích lợi cho tôi, bởi nó kéo tôi thức tỉnh khỏi niềm vui ngu ngốc con trẻ về thắng lợi lịch sử của chúng tôi.

Bức tranh in litô thảm hại này! Cuộc săn đuổi những người bỏ nước Cộng hòa! Con chó chuyên luyện săn người! Toa tàu! Nhìn bức vẽ ghê tởm này tôi bất giác nghĩ tới ngọn lửa tình S. của mình. Tôi hồi tưởng lại hồi cuối những năm 60 tôi đã hái bông hoa thơm từ phương Đông trên đường Hermann-Matern-Straße, trong câu lạc bộ nghệ sĩ “Die Möwe” ra sao. Người đẹp lộng lẫy thực ra không hợp với khung cảnh Đông Berlin của những hiệu gà quay và dồi luộc. Nếu như trên đường Friedrich-Straße, em lướt qua những người đàn ông như một nàng tiên, thì tất cả họ ngoái cổ lại nhìn em. Và nếu như những kẻ hiếu sự lại tiếp tục đi, sao cũng có một kẻ quýnh lên lao vào cột đèn đường, ngã lăn ra và nằm bất tỉnh...vâng thế đấy, hơi quá một chút nhưng thực tình là thế.

Và điều này đã xảy ra với chúng tôi. Trong thời đầu yêu đương, những đôi tình nhân mới kể cho nhau nghe trọn chuyện đời của họ. Ta có thể nói: ít nhất là cái điều họ muốn và thứ gì họ có thể. Họ đã muốn biến đi, sang phía Tây. Và chính vì thế, với sự trợ giúp của bạn bè trong nhà máy gia cố thiết bị đường sắt vùng Brandenburg, họ đã om người vào bể chứa nước nằm trên nóc của một toa tàu liên vận quốc tế vừa mới tu sửa xong. Thế là hai bàn chân của người đàn bà trẻ đã bị con chó kia của Công an biên phòng ngửi thấy. Cô rơi vào tù. Cô đã sống vượt qua những tội ác của Mielke, nhưng vì lẽ đó cô đã nhiều lần chết đi sống lại. Chẳng hiểu Mielke có bao giờ ông ta ngẫm nghĩ người ta đã gây ra những gì cho một người đàn bà trẻ.

Vâng, chúng tôi đã nằm vùng ở nơi đồng chí Mielke và có một sự đồng thời mới hay chứ, con người quyền thế ngất trời cũng lúc đó đang ngồi trong nhà tù Hohenschönhausen và trước tòa án đang đóng bộ người ông quyền lực đã lãng trí. Nhưng không vì các tội ác mà ông ta gây ra tại CHDC Đức mà ông ta phải chịu trách nhiệm, mà tòa xử ông tướng an ninh cao cấp nhất vì tội danh giết hại hai viên cảnh sát Berlin thời Cộng hòa Weimar vào năm 1932. Về việc này vẫn còn những bằng chứng. Một chuẩn mực pháp lý quái đản! Giết chóc qui mô nhỏ không hết thời hiệu truy tố, những cuộc tàn sát lớn chỉ là chi tiết trong lịch sử thế giới. Trong câu chuyện này nhà nước pháp quyền Liên bang Đức đã khai quang một tình trạng nan giải. Bởi vì Mielke đã tra tấn và giết người theo luật pháp có hiệu lực của CHDC Đức, không ai muốn và có thể truy xét được ông ta, chừng nào ông ta không vi phạm vào luật pháp nhà nước có hiệu lực này. Đừng có mà xét xử theo pháp lý của người thắng trận! Riêng tôi, chỉ nghĩ về tất cả những tù nhân chính trị vô tội của CHDC Đức thôi, những tôi thích nhất chỉ muốn đánh chết tên giết người này – và kế sau đó lẳng lặng nói với hắn về tất cả mọi sự. Với hắn rất thích hợp điều Heinrich Heine gợi ý cho những trường hợp tương tự: “ Người ta phải tha thứ cho kẻ thù của mình nhưng không sớm hơn tới khi chúng bị treo cổ”. Nhưng thật tâm tôi đã vui rằng mình không phải giải quyết những xung đột không sao dung hòa nổi giữa Pháp lý và Công bằng. Một vài năm sau đó Bärbel Bohley đã khắc sâu bằng một câu nói mọc cánh:” Chúng tôi muốn công bằng và nhận được một nhà nước pháp trị”. Thời gian trôi qua tôi đã luống tuổi và vẫn hoài nghi cái tình huống nan giải vĩnh viễn của nhà nước pháp trị, bởi vì không có nó sẻ chẳng bao giờ có được một nhúm công bằng trong tay.

“Tôi muốn hồ sơ về tôi!”- đó là yêu sách phổ cập. Chúng tôi những người chiếm cứ muốn rằng, không một ai khác ngoài những người bị canh gác và theo dõi bản thân có quyền định đoạt hồ sơ An ninh của mình. Chúng tôi quan niệm rằng một người công dân đầy đủ năng lực có thể xử lý một cách đầy trách nhiệm với quá khứ của mình. Ngoài ra chúng tôi đòi hỏi hồ sơ an ninh không được phép rơi vào sự quản lý của những kẻ quan liêu viên chức ất ơ nào đấy, mà chính những nhà hoạt động của Ủy ban công dân phải được ủy nhiệm làm việc này. Chúng tôi đòi hỏi rằng trong tương lai bản thân các nhà quản lý hồ sơ cũng phải đứng dưới sự giám sát của quốc hội. Hồ sơ các loại phải được bảo toàn như tư liệu lịch sử phục vụ cho việc nghiên cứu. Chúng tôi kiên trì đòi truy nã hình sự những thủ phạm của Bộ An ninh cũng như sự thải hồi ngay lập tức tất cả - dĩ nhiên là tất cả - những cộng tác viên thời đó của Bộ An ninh ra khỏi bộ máy công quyền.

Các chính trị gia phía Tây mang lòng ưu tư đã có ác mộng rằng những người dân CHDC Đức sẽ cắn nát mũi nhau, nếu như một ngày hồ sơ được đem ra ánh sáng. Sau này đã không xảy ra điều gì giống như vậy. Những tập hồ sơ này không những là tài liệu lý tưởng cho khoa học lịch sử, mà còn có ý nghĩa sinh tồn đối với các nạn nhân của nền chuyên chính. Nào ai ở miền Tây đã biết, các tù nhân chính trị sau khi được thả khỏi trại tạm giam hay nhà tù hoặc là khi được CHLB Đức bỏ tiền chuộc lấy tự do không hề được dúi vào tay một giấy tờ tùy thân nào cả. Không một ai nhận được dù chỉ là một mảnh chùi đít có quốc hiệu quốc huy, con dấu và chữ ký của CHDC Đức trên đó ít nhất chứng chỉ đây là ai, tại sao và ngồi bao lâu trong cái “xí nghiệp quốc doanh” Nhà tù rồi. Vì đó là nguyên tắc của tư pháp của CHDC Đức, không trao một thứ gì thành văn cho kẻ thù giai cấp. Và cả không thứ gì thuộc về truyền khẩu nữa. Thậm chí những thân nhân gần gũi nhất phải rời khỏi phòng xử, khi thẩm phán nghị luận cụ thể bản án vừa mới tuyên đối với một bị cáo. Về mặt chính thức không hề có một tù nhân chính trị nào trong nước CHDC Đức. Đối với nhiều người bị truy nã, hồ sơ An ninh không hề là cái cọng hút nước, mà thậm chí là cái dầm cọc để họ bấu víu vào. Vấn đề không chỉ liên quan đến sự thật này hay sự thật nọ, mà một cách tầm phào nó dính dáng tới chế độ lương hưu, tới sự đền bù. Và cốt lõi xoay quanh vấn đề danh dự.

Hồ sơ không được sắp xếp theo thứ tự ABC, chỉ có thể tìm thấy chúng qua một phích mật mã. Vì một chiến hữu cũ, một người nhân viên an ninh mới được mua chuộc chỉ cần đánh cắp đi một chiếc phiếu phích duy nhất thôi, thì ngay lập tức hồ sơ cần tìm đã biến đi như một giọt nước mắt trong biển cả. Những bản chụp bảo mật của những phích F-16 (phích ghi tên người - ND) đã bị tiêu hủy. Thế còn những phương tiện tìm kiếm bằng điện tử, những băng từ máy tính dày cộp thì sao kia? Vào tháng Ba năm đó, trước vô tuyến truyền hình chúng tôi đã kinh hoàng và giận dữ mà trông những thứ này, một cách chuyên nghiệp và bảo mật trước phương tiện đại chúng, đã bị băm vằm nát bét. Một sự chua chát đáng buồn: Trong tháng Giêng đó, bản thân những người giải tán An ninh cả tin trong những Uỷ ban công dân và trong Hội nghị Bàn tròn còn đồng ý việc băm nghiền những băng từ máy tính IBM to gộc. Họ đã để cho người ta làm cho nhụt chí bởi sự đe dọa rằng, phải tìm cách ngăn cản việc Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp của CHLB Đức sau bầu cử sẽ tiếp cận ngon lành khối tài liệu này. Nhưng sự việc này đã chứng tỏ là đỉnh điểm của sự thiển cận: Theo thỏa thuận nội bộ, cho tới ngày 30.06 trong năm, Cục tình báo được phép phá hủy bất cừ một phích phiếu nào. Lý do nêu ra cho ưu đãi này: Những tình báo trung thành và vong thân nhất của CHDC Đức đang hoạt động ở USA cần phải được bảo vệ mạng sống trước ghế điện... Được cứu sống sinh mạng tuy nhiên lại là tất cả những tên chó lợn nặng đồng cân nhất!

Các đồng chí đã lường gạt chúng tôi, và đúng là trên mọi bình diện. Nhưng mặc dù vậy, đất nước này đã biến đổi tận gốc rễ. Cuộc tuyệt thực của chúng tôi đã là một bữa tiệc đánh chén ê hề không hồi kết, thay vì xúc xích kẹp bánh mỳ tôi đã ngấu nghiến những câu chuyện của bạn bè mình kể. Một số thứ hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Hầu như tất cả những người chiếm cứ trẻ hơn tôi và họ tới từ Prenzlauer Berg, vùng đất còn đang ngủ, khi tôi bị tước quốc tịch vào năm 1976. Những người đối lập đứng dưới mái qui tụ của nhà thờ, cùng với Chúa hoặc không có Chúa kính yêu - với tôi điều đó không quan trọng.

Mỗi ngày vài trăm người biểu tình trước khu vực khóa trái. đó là những người Berlin đã gia nhập vào yêu sách của chúng tôi. Những cuộc phản đối và tuyệt thực nổ ra cả trong những thành phố khác. Cho tới ngày 20.09 người ta đã thu thập được trên 50.000 chữ ký dành cho lời hiệu triệu của Diễn Đàn Mới. Các ký giả đã thăm chúng tôi và thu thập cho họ tư liệu phỏng vấn. Những nhóm quay phim từ khắp nơi trên thế giới. Cứ như thế chúng tôi những người chiếm cứ thế đó đã ép buộc một lần nữa công khai phải mở ra gói Hiệp ước thống nhất đã bị niêm phong lại. Quốc hội đã phân xử lại từ đầu những yêu sách của chúng tôi. Một thỏa thuận bổ sung đã được ghi dưới Hiệp ước thống nhất. Theo đó không chậm trễ lập tức sau ngày 03.10 phải tiến hành bàn thảo một sự ban hành luật pháp tối hậu và Điều luật của Quốc hội Nhân dân phải được “chú trọng toàn diện”. Thông qua một Đạo luật còn phải quyết định cần tạo ra những tiền đề cho sự khắc phục về lâu dài mang tính chính trị, lịch sử và tư pháp đối với hoạt động của Bộ An ninh Quốc gia.

Vào ngày 28.09.1990 chúng tôi kết thúc cuộc chiếm đóng Trung tâm An ninh quốc gia. Với điều tu chỉnh, chúng tôi đã đạt được những mục tiêu cơ bản của mình. Nhưng điều chúng tôi không đạt được là việc thực sự ghi rõ, làm gì với hồ sơ theo dõi cá nhân và liệu người dính dáng có được phép xem hồ sơ của mình hay không và có thì như thế nào. Chính vì thế một số người chúng tôi không mãn nguyện. Chúng tôi cũng không đạt được mục đích làm sao cho từng người đơn giản nhận được hồ sơ về tay. Và đó là điều, ngày hôm nay tôi nghĩ, như vậy có lẽ cũng tốt hơn.

***

Cuộc cách mạng hòa bình đã không đẩy ra cánh cửa tới thiên đường, nhưng mà nó đã mở ra cánh cổng đi tới thế giới. Người phía Đông phần lớn có nho khô tư bản trong đầu và những hy vọng bốc đồng trong tim. Sự đánh đổ thể chế bạo quyền cũ là một chiến công của công bằng nơi trần thế. Những quan viên của Đảng bị tước quyền run sợ, nhưng mà nỗi sợ sinh tồn của họ đã tỏ ra là rên la quá mức. Đáng tiếc! Bất chấp tất cả tôi - kẻ từ lâu vốn bi quan vì mục đích – vẫn mang lòng can đảm tốt lành. Bài hát “Melancholie” (Trầm tư) dạo đầu năm 1989 đã không còn thích hợp với cuối năm đó nữa. Vì sao ư “Vì tôi tôi không còn nhìn ra đất nước nào, trong cái không còn là một đất nước!”.

Trường Đại học Tổng hợp Humboldt nhờ tôi biểu diễn một concert riêng tại Audiamax Unter den Linden nhân dịp nước Đức thống nhất. Chúng tôi ăn mừng cho tới hết ngày 03.10 với những cảm xúc pha trộn. Chủ nghĩa tư bản đã thắng, và nó đã có một cái tên gọi nữ tính: Tự do. Trong nền chuyên chế quen thuộc, những gì đã bị qui định bởi đặc quyền ưu đãi, nay bị cái bái vật đồng tiền qui định. Tư bản đã khuất phục “Tư bản” của anh chàng Marx, thị trường ra thế mạnh mẽ hơn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Tôi bỗng nhớ tới chiết ngôn cay độc của Orwell (16) “Đức tin, Hy vọng, Tiền, trong ba thứ này Tiền là to nhất”.

Đồng tiền phương Tây đưa các quan hệ đến chỗ nhảy múa. Vì những toan tính chính trị, tỷ giá hối đoái đặt ra cho đồng tiền Đông Đức và đồng tiền Tây Đức định vị giá trị của đồng Mark Đông Đức quá cao. Công nhân bắt đầu tính toán. Kể cả những xí nghiệp quốc doanh lành mạnh hơn cũng là quá yếu ớt đối với cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới. Các hợp tác xã nông nghiệp phân rã, và với sự hỗ trợ của viên chức của bộ máy nhà nước cũ, một số bí thư hợp tác xã đã mau lẹ biến mình thành địa chủ hợp pháp. Những cán bộ nhanh trí hơn ngay lập tức đã lập ra nhiều hãng các loại. Một sự sao mà báng nhạo: Trừ cả ra, chính họ là người đầu tiên kiếm lời từ cái chết của CHDC Đức. Chỉ có khá đông trí thức, nghệ sĩ và nhà văn của CHDC Đức vẫn còn mơ tiếc sự khốn khổ thân quen, và một số kẻ đã tâm niệm nó thành những thứ “giá trị lưu tồn”. Nhìn gần hơn người ta có thể nói một cách xoa dịu những thứ đó là những “đặc ân”.

Giờ đây tôi không sao có thể một lần tranh cãi với những người cánh tả miền Tây mang tư tưởng dân chủ xã hội về cái chết của CHDC Đức. Bất chợt, nhiều người liên minh cũ thân thiện vùng phía Tây hiện lên đối với tôi như những kẻ góa bụa của nhà nước CHDC Đức. Những nhà chính khách phía Đông của đảng SPD, trong quá trình giáp gần lại các đồng chí của đảng (cộng sản) SED đã biến hóa theo hướng gợi dục chính trị tới mức không hề kín đáo lên giường với lực lượng đối lập của CHDC Đức, đang chạy rông như gia quyến còn sót lại của một người đồng chí đáng quí. Đằng sau cái lưng chính mình, nhiều người cánh tả sung sướng như điên rằng, không tưởng của mình đã nguyên còn là một giấc mộng mà họ không phải sống qua. Ngoài ra còn hiển lộ một sự thật bẽ bàng: Quá nhiều người phía Tây đã không muốn nhìn và muốn biết chút gì về sự đàn áp toàn diện ở CHDC Đức. Từ giác độ nhìn nhận ngày hôm nay, đối với một người trong số chúng ta, điều này trở nên gần như quái gở khi ở những năm 80 nhiều người cánh tả đã quyên lạc tiền của hoặc lao động tại chỗ để đoàn kết với những nước như Nigaragua, khởi động những dự án giúp đỡ, đào giếng và xây dựng trường học, nhưng lại không muốn nhìn nhận sự cùng khổ trong đất nước kề bên nằm sau bức tường.

VỀ NƯỚC ĐỨC TÔI CHẲNG CÒN LO SỢ

Về nước Đức tôi chẳng còn lo sợ

Đường đến thống nhất đã khởi đầu

Dưới cơn mưa tiền tỷ

Chúng ta rồi ướt áo khá khác nhau

Tự do làm đau lòng và gây thích thú

là ân huệ, là một lời nguyền rủa

Tôi chẳng còn nỗi nhớ nhà xưa

Không nhớ gì những muộn phiền đã cũ

Nước Đức, ôi nước Đức lại chung về một mối

mà chỉ tôi còn day dứt nỗi lòng

Về nước Đức tôi chẳng hề lo sợ

Giữa đời này tôi đứa con thế giới

Dẫu ra sao, hiểu biết và đức tin

Bạn hay thù, đàn bà hay đàn ông

Tiếng mẹ đẻ, không ai sao cướp được

của tôi đi tổ quốc sinh ra

Tôi chẳng còn nỗi nhớ nhà xưa

không nhớ gì những muộn phiền đã cũ

Nước Đức, ôi nước Đức lại chung về một mối

mà chỉ tôi còn day dứt nỗi lòng.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Chú thích của người dịch:

Wolf Biermann: Nhà thơ, ca sĩ, sáng tác bài hát, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người Do thái ủng hộ cộng sản chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble* 1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát *Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên* 1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ * 1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDCĐ cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. * Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức phê phán chế độ, phản kháng chủ nghĩa toàn trị ở CHDCĐ.* 1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität * Nhận nhiều giải thưởng Văn chương* 2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 2007 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.

(1) DDR: Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDC Đức) – viết tắt của Deutsche Demokratische Republik.

(2) SED: Đảng Công nhân Xã hội Thống nhất Đức tức đảng cộng sản nắm quyền của CHDC Đức.

(3) Đại lộ mang tên Rosa-Luxemburg (1871-1919): Nữ đại diện của Phong trào công nhân châu Âu, của chủ nghĩa Marx, lý thuyết gia chống chủ nghĩa quân phiệt, cổ súy chủ nghĩa quốc tế vô sản.

(4) Miệng lưỡi dân gian ám chỉ Stasi tức Bộ An ninh Quốc gia của CHDC Đức.

(5) Gregor Gysi (sinh năm 1948) : Được bầu ra thay thế cho Tổng bí thư Erich Honecker bị truất quyền, Gregor Gysi đã kế nhiệm ông này và cải cách đảng SED thành đảng PDS (Đảng Chủ nghĩa Xã hội dân chủ). Luật sư, tiến sĩ Gysi- nghị sĩ của Quốc hội bầu theo thể thức dân chủ - bị phát giác (và sau này chứng minh được) là cộng tác viên không chính thức của Bộ An ninh Quốc gia, dưới bí danh „Notar“. Tuy nhiên trong thời gian đó bằng chứng hoạt động của ông này đã bị thủ tiêu dấu tích.

(6) Gồm những nhà hoạt động nhân quyền lập ra chiếm lĩnh các trung tâm An ninh Quốc gia phản đối sự phá và đòi kiểm soát hồ sơ An ninh.

(7) Katja Havermann, Bärbel Bohley, Ingrid Köppe, Hans Schwenke: Những nhà đấu tranh nhân quyền, khởi xướng ra Neues Forum (Diễn đàn mới), một phong trào Dân quyền xuất hiện trong thời kỳ Cách mạng hòa bình sau thành một tố chức chính trị đối lập, tiền thân một đảng phái chính trị đối lập sau này.

(8) Runden Tisch: Hội nghị Bàn tròn do các tổ chức dân quyền, các tổ chức chính trị và đảng phái đối kháng hợp nhất tiến tới bầu cử Quốc hội theo thể chế tự do dân chủ.

(9) Nguyên văn: Cordon sanitaire

(10) Peter-Michael Diestel (sinh năm 1952): Luật sư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong nội các chính quyền Lothar de Maiziére.

(11) Erich Mielke (1907-2000): Bộ trưởng Bộ An ninh, xây dựng bộ máy an ninh theo dõi và trấn áp tàn bạo của CHDC Đức từ năm 1957 đến 1989.

(12) Markus Wolf (1923-1006): Từ 1952-1986: Cục trưởng cục Tình báo, tướng An ninh với những điệp vụ khủng khiếp.

(13) Feliks Edmundovich Dzerzhinsky (1877-1926): Nhà hoạt động cách mạng, kiến thiết nên bộ máy công an mật vụ của nhà nước Nga-Xô viết.

(14) Joachim Gauck (sinh n ăm 1940): Mục sư, thành viên của Diễn Đàn Mới, được bầu là Chủ tịch Ủy ban giải thể Bộ An ninh sau khi thành lập Quốc hội do bầu cử tự do. Hiện ông là Tổng thống đương nhiệm của CHLB Đức

(15) Nhà tù biệt giam tù nhân chính trị của CHDC Đức.

(16) George Orwell (1903-1950): Nhà văn, nhà tiều luận và nhà báo người Anh, tác giả của những cuốn sách nổi tiếng, độc giả Việt Nam biết đến như “ Trại Súc Vật” và “1984”.