Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Chiếc tay nải màu vàng.

Truyện

Phùng Thành Chủng

Lảng vảng quanh khu vực nhà ga suốt buổi tối vẫn không kiếm chác được gì, Tiệm thở dài bước vào một tiệm giải khát. Y gọi một ly cà phê, một điếu thuốc lẻ, để lấy cớ ngồi nhấm nháp xem ti vi giết thì giờ, chờ chuyến tàu ngược. Trên màn hình ti vi của nhà hàng mở phục vụ khách uống lúc đó là cảnh sinh hoạt nửa văn minh nửa dã man của một dân tộc bán khai, trong bộ phim nhiều tập Hình và Bóng - một bộ phim tâm lý xã hội của nước ngoài đang được trình chiếu. Tuy chẳng hiểu gì, nhưng những hình ảnh nửa người, nửa thú trong phim làm y chú ý. Bỗng nhiên, bộ phim bị cắt ngang và xen vào mục thông tin, quảng cáo. Cùng nội dung với những dòng chữ hiện trên màn hình (kèm theo ảnh một người đàn ông) là giọng xướng ngôn viên:

Thông báo tìm người nhà.

Chồng tôi là Lại Văn Khứ, 55 tuổi, bị lẩn thẩn đã từ mấy năm nay. Thường bỏ nhà một hai bữa; chầy lắm một, hai ngày lại về. Nhưng lần này chồng tôi đi khỏi nhà đã nửa tháng không thấy quay lại. Đặc điểm, luôn mang theo bên mình một chiếc tay nải đã cũ, màu vàng (xem ảnh). Vậy ai biết chồng tôi hiện nay đang ở đâu, xin báo cho tôi theo địa chỉ:

Bà Nguyễn Thị Nhân

Phường X

Quận Y

Tỉnh Z

Hoặc cho con gái tôi là Lại Thị Hoa (cũng theo địa chỉ trên), gia đình tôi xin cảm ơn và hậu tạ.

- Đang xem hay thì... - Chắc có lẽ bực mình vì việc theo dõi bộ phim bị gián đoạn, ai đó phàn nàn.

- Có thế mới được ngồi xem không mất tiền - một người khác, vẻ hiểu biết hơn, lên giọng giảng giải.

- Thôi! Trật tự! - Một giọng như gắt, cắt ngang khi mục thông tin, quảng cáo chấm dứt và trên màn hình bộ phim lại được tiếp tục. Bỗng một hồi còi dài vọng đến, báo hiệu chuyến tàu ngược chuẩn bị vào ga, làm tất cả mọi người oà lên, không ai bảo được ai, nhốn nháo như ong vỡ tổ, Thoáng cái, quán vãn hẳn. Chỉ còn mấy người, chắc có lẽ đợi tàu xuôi ngồi lại.

Những tiếp viên của nhà hàng vội vàng đi các dãy thu dọn, sắp xếp lại bàn ghế, chờ đợt khách mới. Làm như không quan tâm đến những điều đó, Tiệm uể oải đứng dậy lại quầy trả tiền rồi lững thững bước ra. Cả khu vực như bừng thức dậy, khác hẳn, so với sự yên tĩnh chỉ mấy phút trước đó. Trong nhà ga, chuông điện thoại đổ dồn. Trên sân, từng đám người tay xách nách mang, vừa đi vừa chạy. Tiếng gọi nhau í ới. Rồi những quán gánh lưu động, cả hàng ăn, hàng uống cũng đã từ đâu xuất hiện. Những dãy đèn dầu đỏ quạch, tù mù (vì sợ ánh điện hắt ra không đủ sáng) trông như ma trơi. Và dàn ra, suốt một quãng dài hai bên đường tàu, ngoài khách đợi ngược, là những hàng bưng, hàng xách phục vụ khách đi tàu từ hoa quả, bánh kẹo, cho đến thuốc, nước. Đủ thứ.

Như một con trăn khổng lồ, lúc này con tàu đang trên đà giảm dần tốc độ, rầm rầm tiến vào ga. Tru lên những nhịp còi ngắn, nó trèo trẹo nghiến bánh trên đường ray và thở ra phì phì. Tiếng rao, gọi, mời chào, những bóng người chạy đi, chạy lại, ồn ào, nhốn nháo, từ lúc con tàu còn chưa dừng hẳn. Như tức giận, khi phải dừng lại, thỉnh thoảng con tàu lại hộc lên... Tiệm trườn vào đám đông như một con rắn đi kiếm mồi. Vẻ lù đù trước đó biến mất. Y đã nhanh chóng trở thành một con người khác.

***

Còn cách biên giới một ga cuối, lão Khứ xuống tàu. Như vậy là lão đã xuống đúng nơi định xuống. Tại sao lão lần mò lên đây và lên để làm gì? Lý do nghe ra có vẻ rất đơn giản, ngẫu nhiên và tình cờ . Ấy là vào một buổi chiều cách đây nửa tháng- cũng như những lần trước đó, trong tâm trạng trống rỗng, lão lại khoác chiếc tay nải màu vàng, đã cũ của lão lên vai rồi lầm lũi ra khỏi nhà. Lão đi mà không cần biết đi đâu cũng như chẳng bao giờ lão ý thức được nơi sẽ đến. Lão bước đi lang thang, vô định. Chợt ý nghĩ về đứa con gái duy nhất rồi sẽ lấy chồng nay mai, còn lại hai vợ chồng già! Chẳng lẽ đến lúc đó, vợ chồng lão “phá” cho hết những gì không “mang” đi được rồi ngồi trông nhau chờ chết! Lần đầu tiên lão thấy cô đơn, trống trải và bị ám ảnh bởi một nỗi lo sợ mơ hồ... Chính vào lúc đó, nỗi lo sợ đã gại vào một trong những nếp nhăn trí nhớ vốn từ lâu bị lãng quên của lão. Như que diêm được gại vào vỏ, một đốm lửa chợt bùng lên trong khoảng mù mờ của cõi tiềm thức, nhắc lão nhớ đến một địa danh. Ở đấy hơn hai mươi năm về trước lão đã có một gia đình. Hơn thế, lần đầu tiên lão có hạnh phúc được làm cha. Ở đấy lão đã để lại giọt máu của lão...

... Không tính đến sự thay đổi rất có thể xẩy ra sau bấy nhiêu năm xa cách, ý nghĩ đó cứ bám riết lấy lão, vô tình đưa chân lão ra ga. Vậy mà bây giờ, khi đã lặn lội lên đến nơi, lão lại không nhớ ra lão đang ở đâu, tại sao lão lên đây và lên để làm gì? Lão ngơ ngác nhìn quanh. Vừa từ trên tàu bước xuống, sự thay đổi không khí làm lão rùng mình vì lạnh. Mấy người bán hàng rong xúm đến. Không nói, không rằng, lão xốc lại chiếc tay nải trên vai, rồi men theo các toa, lão lầm lũi xuôi về phía cuối đoàn tàu...

***

Tiệm đi dọc theo các toa tàu như để tìm một lối lên. Y căng mắt ra quan sát, mong phát hiện một sự sơ hở, một tích tắc thiếu cảnh giác trong cảnh chen lấn, xô đẩy. Bỗng Tiệm thấy chếch ngay trước mặt, ở khuôn cửa phía trên, một cánh tay đeo “lắc” thò ra. Con tàu bất ngờ hú một hồi còi dài. Tiệm dấn lên, nhưng vừa nhớm tay định hành động, thì do nhìn ngang - tai đi trước- y không nhìn thấy một người khách đi ngược chiều và bị người này xô phải. Y vội rụt tay lại đúng lúc cái cánh tay đeo “lắc” thụt vào và con tàu đột ngột giật lên một cái rồi trôi từ từ trên đường ray... Bị vuột mất con mồi, y tức tối quay ánh mắt sang kẻ đối diện. Chợt y sững ra. Đập ngay vào mắt y là một ông lão đeo trên vai chiếc tay nải màu vàng, nhắc y nhớ tới nội dung mẩu thông báo tình cờ thấy và nghe được trên ti vi lúc ngồi trong quán giải khát. Lão đây chăng? Văng vẳng bên tai y những tiếng “cảm ơn”, “hậu tạ”. Ngoài ra, y chỉ nhớ loáng thoáng “bị lẩn thẩn...”, “chiếc tay nải màu vàng”... Trong đầu y một kế hoạch nhanh chóng được vạch ra.

Nếu đúng lão là người đang được gia đình thông báo tìm kiếm trên ti-vi thì sẽ là một cơ hội để làm ăn. Y sẽ dụ lão về nhà. Rồi sau đó báo tin cho gia đình lão lên nhận và tìm cách moi tiền. Nhưng tên và địa chỉ của vợ con lão thì y đã quên khuấy! Y tặc lưỡi: “Mai xem thông báo lại trên ti vi. Trước mắt phải kiểm tra xem có đúng lão không đã, để còn liệu”. Tên lão, y cũng không nhớ, nhưng có điều y chắc chắn hai chữ đầu phải là vần “khờ”. Hình như Kha hay Khá gì đó? Không phải! Hay là Khú là Khí? Gần như thế! Bộ nhớ của y được phấn khích bởi ý nghĩ là sắp tóm được tên lão.

Trong lúc đó, ông lão đã né ra tránh đường, không nói gì và lại lầm lũi bước đi. Tiệm bước theo, vừa lúc bộ nhớ của y cũng đã chạm được vào tên lão. Khứ! Đúng rồi! Khứ! Y vội vượt lên ghé sát vào mặt lão:

- Ai như bố Khứ?

Ồng lão dừng lại, nhìn y, gương mặt bệch ra, đờ đẫn. Tiệm nắm lấy hai tay lão lắc lắc. Y giả bộ mừng rỡ, reo lên:

- Bố thì không biết con nhưng con thì con biết bố - Rồi y liến thoắng - Mấy tháng trước không có việc gì làm, con theo một toán thợ nề xuôi Z, làm chân phụ hồ cho họ. Mấy công trình cũng gần ngay khu vực bố ở. Vì thế hàng ngày con vẫn gặp bố đeo chiếc tay nải này trên vai đi “bát phố”. Có đúng không nào?

Một nụ cười bất chợt nở trên gương mặt đần độn. Lão Khứ gật gật đầu, Lòng Tiệm reo lên. Y tiếp:

- Lúc nãy con đã ngờ ngợ. Nhưng rồi con nhận ra ngay. Mà... bố lên đây có việc gì thế này?

Câu trả lời tự nhiên buột ra từ miệng lão Khứ:

- Lên thăm con!

Tiệm đưa đà:

- Con bố làm gì ở đây?

Lão Khứ cười ngớ ngẩn:

- Không biết!

Tiệm cũng cười theo. Vừa cười, y vừa kéo tay lão:

- Không biết thì làm sao mà bố tìm được! Với lại bây giờ khuya rồi mà bố đi một mình trên đường là nguy hiểm lắm. Mà đi đâu? Thôi, tốt nhất là bố về nhà con ngủ. Rồi mai tính sau...

Thấy lão Khứ vẫn ngần ngừ, Tiệm ngọt ngào:

- Nào, ta đi thôi bố!

Như thấy yên tâm, lão Khứ im lặng cất bước ngoan ngoãn đi theo Tiệm. Không ai ngờ rằng, hai con người ấy hoàn toàn không hề biết nhau. Trên đường đi, Tiệm hỏi những câu vớ vẩn để gợi chuyện, nhưng thấy lão Khứ không trả duyên, trả nợ gì, y lại thôi. Không ai nói với ai, hai con người - một già, một trẻ, đi bên nhau, lặng lẽ như hai cái bóng. Chiếc tay nải trên vai lão Khứ có vẻ nặng, cứ chốc chốc lại tụt xuống, làm lão phải dừng lại xốc lên. Những khi như vậy, Tiệm phải đứng lại để chờ. Đến đoạn đường tàu rẽ ra làm hai nhánh, chỗ người lái phải bẻ ghi để chuyển hướng con tàu hoặc cho tàu tránh nhau, chừng như đã thấm mệt, lão Khứ đột nhiên mở miệng:

- Anh mang giúp tôi một đoạn...

Vừa nói, lão vừa tụt chiếc tay nải khỏi vai. Nhưng khi Tiệm vừa đưa tay đón, nghĩ thế nào, lão lại thay đổi ý định:

- Thôi! Tôi mang được...

Một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu Tiệm, dẫn đến sự thay đổi so với ý định lúc ban đầu. “Nhà y, hai vợ chồng, bốn đứa con, tổng cộng sáu cái tàu há mồm tất cả. Hàng ngày, chạy ăn còn chưa xong, đưa lão về nhà, rồi lấy gì mà nuôi lão? Vay mượn! Liệu sau đó gia đình lão trả cho được bao nhiêu mà vay mượn? Không khéo có khi còn lỗ tiền cơm”... Và, y đi đến một quyết định: Giết lão Khứ, chiếm đoạt chiếc tay nải. Quãng này đã cách nhà ga một đoạn khá xa, nhưng ánh sáng ngọn đèn điện từ một cột đèn gần đó hắt tới làm Tiệm do dự. Y nhìn quanh, không một bóng người. Tiếng chim kêu đêm bay ngang qua báo hiệu trời đã gần sáng.

Bỗng y phát hiện ngay phía trước mặt, có những kiện hàng to xếp chất ngất hai bên đường tàu, tạo ra những khoảng tranh tối, tranh sáng rất thuận lợi cho y hành động. Y vượt lên, làm như cần đi tiểu tiện. Lão Khứ vừa thất thểu đi tới, y rút ngay con dao giắt sẵn trong người nhằm phía ngực trái của lão, dồn hết sức mạnh vào tay cầm dao, thọc luôn một nhát...

Vì quá bất ngờ, lão Khứ không kịp kêu lên một tiếng. Lão nghiêng người, đổ vật về một bên. Chiếc tay nải tuột ra khỏi vai lão. Trước cái chết quá đột ngột, lão không cảm thấy đau đớn. Lão có cảm giác giống như đang ở trong trạng thái chuẩn bị bước vào giấc ngủ. Cho nên, khi chiếc tay nải tụt khỏi vai, lão có cảm tưởng như vừa trút được một gánh nặng. Lão còn kịp nở một nụ cười...

Rút dao ra, gỡ tay lão để lấy chiếc tay nải và chùi con dao còn ấm, nóng máu lão vào đó, Tiệm lẩm bẩm: “Đúng là một thằng điên!”.

... Đến nhà. Run run, Tiệm kéo miệng chiếc tay nải, dốc ngược. Vẻ thất vọng hiện rõ trên gương mặt y. Ngoài mấy đồng bạc lẻ, chỉ thấy... giấy và... giấy! “Đúng là một ngày xúi quẩy!”- Tiệm rủa thầm trong miệng và vơ tất cả nhét trả lại vào chiếc tay nải. Không còn một thứ giấy tờ gì mà lão không mang theo. Từ giấy khai sinh, văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp các cấp, chứng minh thư, đến giấy đăng ký kết hôn, sổ mất sức, giấy chứng nhận sở hữu nhà đất và... cả một lá số tử vi. Thôi thì đủ thứ...! Đáng lẽ Tiệm đã hoả thiêu tất cả, nhưng đến phút chót y đã giữ lại chiếc tay nải, bởi ý nghĩ: Những giấy tờ đại loại như thế của y còn đang nhét xó, nhét xỉnh, cũng phải có một chỗ chứa phòng khi cần đến. Nghĩ thế, y để lại chiếc tay nải rồi lục tìm các thứ giấy tờ của cả nhà nhét tất vào...

***

... Ba năm sau.

Vào một buổi chiều, có một người đàn bà lạ mặt, khoảng ngoài năm mươi tuổi tìm đến nhà Tiệm:

- Anh là anh Tiệm, con bà Lương?

- Phải! - Tiệm cộc cằn đáp lại.

Khách vẫn dịu dàng:

- Bà đi đâu rồi anh?

- Bà hỏi mẹ tôi?

- Vâng!

- Mẹ tôi chết lâu rồi! Mà... bà cần gì?

Khách thở dài tỏ vẻ ái ngại. Rồi bà chậm rãi:

- Thôi, thế thì tôi nói chuyện với anh...

Rồi bà cho biết, Tiệm chính là con riêng của chồng bà. Cách đây mấy năm, ông đã nói cho bà biết điều đó và vì ông bà chỉ có với nhau một mụn con gái, cho nên ông đã viết sẵn một bản di chúc chuyển quyền sở hữu tài sản cho Tiệm được thừa kế. Thể theo nguyện vọng của ông, bà đã lặn lội mấy trăm cây số lần mò đến đây để tìm mẹ con Tiệm. Nhưng vì địa chỉ không rõ ràng (bà chỉ nhớ được mang máng), cho nên mãi đến hôm nay bà mới tìm được tới đây...

Linh tính đã báo cho Tiệm biết có điều chẳng lành. Y buột miệng kêu lên:

- Bố tôi đâu?

Không trả lời thẳng vào câu hỏi của Tiệm, bà hạ thấp giọng bùi ngùi:

- ... Sau đó bố anh bị lẩn thẩn. Cách đây ba năm, ông ấy bỏ nhà, không biết đi đâu biệt tích. Tôi đã nhờ người tốn công tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy! Vì vậy, hàng năm tôi vẫn lấy ngày ông ấy bỏ đi làm ngày giỗ - Vừa nói, bà vừa lấy ra một tấm ảnh đưa cho Tiệm: - Đây là ảnh ông ấy...

Tiệm rú lên! Trong ảnh là một ông lão đeo trên vai chiếc tay nải màu vàng...

Y không ngờ trong đống giấy tờ y hoả thiêu ba năm về trước có bản khai sinh gốc của chính y...