Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

NHỚ VÀI CHUYỆN HỒI NHỎ

(Trích Hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh”)

Tống Văn Công

Văn - Tống V CôngCHA TÔI BỊ NHÀ NƯỚC THỰC DÂN
QUẢN THÚC..

Khoảng lên 5 tuổi, tình cờ tôi được biết cha tôi, Tống văn Thêm, bút danh Tăng Ích) là người đang bị nhà nước thuộc địa Pháp quản thúc. Hôm đó, cha má sắp đưa tôi về quê ngoại thì bà nội gặng hỏi: “Con đã xin phép ban Hội tề chưa? Mình phải giữ cho đúng lề luật”.

Tôi thắc mắc hỏi cô Ba tôi và cô kể: Cha tôi lên Sài Gòn học trung học, ở trọ nhà ông Đồ Nam thày thuốc Bắc. Ông Đồ Nam là học trò của Nguyễn Ái Quốc phái về hoạt động cộng sản. Bác Nguyễn Tư con ông Đồ Nam học cùng lớp, chơi thân với cha tôi. Có lẽ vì thế mà trong nhiều học trò ở trọ, ông Đồ Nam chọn cha tôi để tuyên truyền cộng sản. Sau một năm, cha tôi bỏ học, về nhà xin ông nội tôi sắm máy chụp hình để đóng vai thợ ảnh đi hoạt động cách mạng (khi tôi biết thì ở góc nhà vẫn còn một đống phim bằng kiếng cỡ 20x 30 cm). Lý lẽ “học cho giỏi chỉ để làm mọi cho Tây” của cha tôi đã thuyết phục được ông nội, bà nội tôi.

Ngày Một tháng Năm1930 cha tôi tham gia cuộc biểu tình hơn 200 người ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri và bị bắt. Sau này, tôi được nghe người bạn của cha tôi là chú Huỳnh Dư Bì (sau này là Cục phó Cục quản lý Thi công, Bộ Xây dựng thời ông Đỗ Mười làm Bộ trưởng) kể: “Cha mày với hơn chục người làng An Bình Tây bị bắt, nhốt vô Nhà Việc (còn gọi là Nhà Vuông, trụ sở Ban Hội tề của xã). Thằng Đội Xôm được chủ quận Ba Tri phái vô chỉ huy tra tấn những người cộng sản. Nhà chú ở gần Nhà Việc, cho nên suốt đêm nghe tiếng kêu la của những người bị đánh đập, không sao chợp mắt”! Ông nội tôi phải bán nhiều ruộng đất để đưa tiền nhờ ông Sáu Lục, anh ruột ông nội, đang làm Hương Chủ (vị trí thứ nhì trong Ban Hội tề gồm 12 vị) lo lót, chuộc cho cha tôi, không bị đày ra Côn Đảo mà chỉ bị quản thúc tại nhà.

Sau khi đi học biết đọc, tôi giở Từ điển Hán– Việt của cụ Đào Duy Anh soạn từ 1932, xem định nghĩa từ cộng sản: “Cái chủ nghĩa muốn tiêu diệt quyền tư hữu, đem tất cả các cơ quan sinh sản và sinh sản phẩm trên xã hội làm của chung của tất cả mọi người, đặt cơ quan thống kê và quản lý chung; về chính trị thì chủ trương liên hiệp tất cả giai cấp lao động để đánh đổ chế độ tư bản”. Tôi lại tìm định nghĩa “chế độ tư bản” cũng trong sách này: “Chế độ sản nghiệp lấy sự mưu lợi làm mục đích, chế tạo ra hàng hóa là cốt mưu lợi, chứ không cốt cung cấp cho sự cần dùng”. Dù chỉ hiểu lơ mơ, nhưng tôi cũng đã cảm nhận “tư bản” gắn liền với “thực dân Pháp”, kẻ xâm chiếm nước mình, “cộng sản” chống Pháp như vậy thì chắc chắn là tốt.

Có điều lạ, tuy bị quản thúc, đi đâu phải xin phép, vậy mà cha tôi lại thường xuyên ngồi ở Nhà Việc đánh cờ tướng với ông Hương Cả Nga, đứng đầu Ban Hội Tề. Mỗi khi bà nội sai tôi đi tìm gọi cha tôi về ăn cơm, tôi biết ngay là phải chạy tới Nhà Việc, tìm lý do để chấm dứt cuộc đấu cờ say mê giữa một ông đứng đầu nhà chức trách của chế độ thực dân với một đảng viên cộng sản đang bị quản thúc! Khoảng năm 1980, em tôi là Tống Văn Cảnh, cán bộ Ban tuyên giáo Huyện ủy Ba Tri được giao viết quyển Lịch sử Đảng bộ cộng sản xã An Bình Tây. Quyển Lịch sử có đoạn “Cuối năm 1938... tên Hương Quản Nga theo lệnh tên Quận Mẫn đã khủng bố kềm kẹp nhân dân, truy tầm bắt bớ cán bộ, đảng viên xã An BìnhTây, bắt đàn ông hàng đêm phải mang cây đi ngủ tập trung, để canh chừng cộng sản”. Năm 1938, tôi đã lên sáu, đến nay còn nhớ nhiều chuyện thời ấy, nhưng không nhớ chuyện này. Tôi hỏi cha tôi về đoạn văn trên, ông cười: “Nó viết theo chủ trương tuyên truyền hiện nay đó mà. Từ lúc làm Hương quản cho tới khi lên Hương cả, ổng có bắt cán bộ, đảng viên nào đâu. Đảng viên mà không đi biểu tình hô hào lật đổ chế độ thực dân Pháp thì họ cũng không bắt. Ông Dương Bạch Mai đảng viên Đảng cộng sản Pháp sang Liên Xô học Đại học Đông Phương của Stalin, năm 1932 về Sài Gòn làm báo cộng sản, vẫn đắc cử Hội đồng thành phố Sài Gòn. Ông Huỳnh Thúc Kháng hoạt động chống Pháp, bị tù Côn Đảo 11 năm, ra tù lập báo Tiếng Dân tuyên truyền lý thuyết Duy Tân, vẫn được bầu vào Viện đại biểu Trung Kỳ”.

Hóa ra thời thực dân Pháp ranh giới thù địch giữa nhà nước thuộc địa với người dân không chia thành chiến tuyến quyết liệt như hiện nay giữa Đảng Cộng sản với người dân đòi dân chủ tự do!

GIA ÐÌNH YÊU THƯƠNG

Ông nội tôi có ba người con, nhưng chỉ có cha tôi là trai. Sau khi cha tôi bị bắt vì tội “làm cộng sản”, ông nội tôi sốt ruột chuyện “nối giòng”. Có người mai mối má tôi là Nguyễn Thị Thâm ở làng Giồng Tre (xã An Ngãi Trung) cho cha tôi. Ông tôi chọn ngày tốt làm lễ “coi mắt”, nhưng cha tôi không chịu đi. Ông tôi rút chiếc roi mây bảo, nếu không chịu đi thì nằm xuống phản “ăn roi”. Chàng trai 20 tuổi đã ngoan ngoãn nằm xuống chịu đòn.

Một tháng sau, nhân có việc tới Giồng Tre, cha tôi hỏi các bạn ở đây về cô Nguyễn Thị Thâm đã khiến mình bị ăn roi. Cậu Tư Đáo, con người chú thứ mười của má tôi tìm ra cớ để đưa cha tôi tới làm khách của ông ngoại tôi và được má tôi pha trà đem ra mời. Buổi sáng đó đã nên “duyên kỳ ngộ”. Hôm sau, cha tôi vui vẻ rót rượu mời ông bà nội tôi, xin nhận lỗi vì đã trái ý cha mẹ, nay xin được làm lễ coi mắt”! Ông nội tôi cứ nghĩ cha tôi đã ưng cô gái nào khác, đến khi biết vẫn là cô gái ở Giồng Tre, ông tôi bật cười: “Tại sao để ăn đòn rồi mới chịu đi”?

Sau lễ ra mắt, hai họ quyết định các bước kế tiếp theo tập tục. Cha tôi phải tới “ở rể” tại nhà ông bà ngoại tôi. Trong bữa cơm đầu tiên, ông ngoại tôi cầm chai rượu lên hỏi: “Con có biết uống rượu không”? Cha tôi đáp: “Dạ, có chút đỉnh”. Ông ngoại tôi rót đầy ly nhỏ, đưa cho cha tôi. Cha tôi cầm lấy, cám ơn và uống cạn. Ông ngoại tôi cười lớn nói bỗ bã: “Tao thích mày! Trong trường hợp này, nhiều thằng sẽ ỏn ẻn, dạ thưa, con không biết rượu chè. Sau khi lấy được con gái người ta rồi thì nó mới lộ ra bộ mặt Lưu Linh”! Một hôm, bà ngoại tôi sai cha tôi chặt trái dừa cho cậu út tôi uống. Cha tôi cầm quả dừa xoay qua, trở lại mãi. Bà ngoại tôi nhìn thấy biết con rể mình thuộc tuýp người “dài lưng tốn vải”, đã bảo má tôi kíp “cứu nguy cho chàng”.

Tết Tân Mùi, 1931 cha má tôi làm lễ cưới và ngày rằm tháng 9 năm Nhâm Thân, 1932, tôi được ra đời. Có lần cha tôi nói, ông không dám tiếp tục nhận nhiệm vụ của Đảng là vì nghĩ đến sự hiểm nguy cho má con tôi. Cha tôi giải thích tên Công của tôi không phải là công hầu, cũng không phải công tư, mà là công nhân, thợ thuyền. Như vậy là ngay vừa mới sinh ra, tôi đã được giao cho ông Mã Khắc Tư (Karl Marx)! Một lần, cha tôi đưa tôi đến ông thày nổi danh coi tướng Đại Lục Tiên. Ông này nói: “ Nếu sau này cháu làm thợ bạc thì khó ai bì kịp, thứ hai mới là làm biện lý.” Ra về, cha tôi bảo, con chớ có làm thợ bạc, nếu làm thợ thì làm thợ mộc. Cha tôi được cho biết Đảng Cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, nhưng ông không thể hình dung được công nhân là một tập thể lao động trong xưởng máy. Theo ông, thợ mộc, thợ hồ, thợ hớt tóc... là giai cấp công nhân.

Tôi có may mắn là suốt tuổi thơ được sống trong một gia đình đầy tình yêu thương. Ông bà tôi dù túng thiếu bao giờ cũng dành tiền gạo cho người ăn xin. Một lần, từ vùng tản cư, tôi trốn theo mấy anh lớn vào vùng Pháp chiếm. Quá lo sợ đến tức giận, ông nội tôi buộc phải phạt roi đứa cháu đích tôn. Tôi biết mình có lỗi đáng bị ăn đòn, nên không khóc, nhưng ông tôi vừa khẽ nhịp roi, vừa nức nở nghẹn ngào. Trái lại, bà nội tôi không bao giờ vì tức giận mà đánh cháu, bà tôi đánh vì “thương cho roi, cho vọt”. Một lần, bà giê lúa, tôi chạy nhảy làm đổ lúa, bà bảo không nghe, đến khi tôi làm đổ lúa lần thứ hai, bà ra lệnh: “Về nhà, nằm sẵn ở bộ ván”. Tôi về nằm khóc một lúc thì ngủ. Đến bữa cơm chiều, được gọi dậy, tôi mừng vì nghĩ đã thoát khỏi ăn đòn. Nhưng không thoát được, sau bữa cơm, bà thong thả ngoáy trầu, ăn trầu xong mới khẽ gọi, “Công đâu? Ra cúi xuống đây”! Bà không hề nóng giận, chậm rãi phân tích cái hư cái sai của cháu đến mức không thể tha thứ. Còn cha tôi thì ông chỉ vung roi với con khi nổi giận. Ông thường dặn: “Hễ thấy cha nổi nóng thì con mau mau chạy biến đi! Đừng có đứng đó, cha đánh chết”.

Ông nội và cha má tôi đều mua rất nhiều sách. Lúc nhỏ tôi thích nằm nghe má đọc Truyện Kiều và các loại thơ. Nghe nhiều lần, tôi thuộc từng đoạn, dù không hiểu gì. Khi biết đọc, Chủ nhật, ngày Hè, tôi thường đọc truyện Tàu cho ông nội, bà nội nghe. Tôi sớm được biết quê mình có những chí sĩ yêu nước đồng thời là những nhà thơ như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Tòng, bà Sương Nguyệt Anh nhà thơ sáng lập Nữ Giới Chung, tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam... Tôi thích Phan Thanh Giản, một ông quan suốt ba triều vua, đã có những câu thơ cảm thương người vợ: “Đường mây cười tớ ham rong ruổi; trướng liễu thương ai kẻ lạnh lùng...” Khi biết nghĩ đến vận nước, tôi thích câu “Non nước tan tành hệ bởi đâu” của cụ Đồ. Năm mười tám tuổi vào Vệ quốc đoàn, tôi động viên mình “mặc kệ thằng Tây, đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào như chẳng có” trong Lời Điếu Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.

Bất hạnh lớn nhứt của tôi là má tôi bị viêm phổi qua đời năm tôi mới lên bảy. Cha tôi là thày thuốc Đông y giỏi chữ Nho, nhưng ông lập bài vị thờ má tôi bằng chữ Quốc ngữ. Ở giữa nền giấy màu xanh kẽ hai chữ lớn màu trắng: VỢ TÔI. Hai bên là 2 câu đối tiếng Việt: “Chồng khóc, con kêu thấy chỉ đáp thăng dòng nước mắt”. “Vợ hiền, dâu thảo, tìm nơi họa cô cảnh chiêm bao”. Rất nhiều buổi, cha tôi ngồi bên bàn thờ làm thơ như trao gởi tâm linh với má tôi. Đáng tiếc là tôi chỉ nhớ được một vài câu mà trái tim non nớt cảm nhận được: “Xuống đất hóa bùn sẽ gặp nhau”.

ÔNG GIÀ BA TRI.

Giữa năm 1942 từ xã An Bình Tây, tôi đi bộ 2 cây số để vào học lớp 3 Trường tiểu học Ba Tri. Lúc ấy, Nhật đã chiếm Đông Dương hai năm. Bên Pháp, Thống chế Pétain đầu hàng Phát Xít Đức, ở Đông Dương, Toàn quyền Decoux hàng phục Phát Xít Nhật. Để lấy lòng người Việt, Decoux cho phát triển phong trào hướng đạo, cho lập sân vận động, phát triển bóng đá, thể dục thể thao, cho học tân nhạc... Theo phong trào hướng đạo, học sinh chúng tôi mặc bộ đồng phục quần đỏ áo sơ mi trắng. Trường tiểu học Ba Tri mời nhạc công từ Nhà thờ Giồng Tre tới dạy học sinh các bài hát Pháp như La Marseillaise, Maréchal nous voilà... và những bài tân nhạc Việt Nam như Tiếng gọi Sinh viên, Trên sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng... Ông đốc Trinh của Trường tiểu học Ba Tri đặt lời Việt cho một bài hát Pháp có nội dung ca ngợi Pétain và chính quyền thực dân ở Đông Dương:

“Trong khi quốc gia tai nàn,

Nhờ quan thống chế Pétain,

Không ham hưởng chữ an nhàn,

Kề vai gánh vác giang san.

Khuyên nhũ ai nấy đồng tâm,

Phục hưng nước Pháp cùng nhau.

...

Ở xứ Ba Tri ngày nay,

Có sân vận động đẹp thay.

Nhờ quan Đốc phủ Mẫn lo lắng.

Nền thể thao dân sự đàng hoàng.

Nào học sinh phải ghi nhớ.

Đền đáp công ơn này...”

Ngày ngày, vào giờ ra chơi buổi sáng, chúng tôi xếp hàng đi quanh sân trường rợp bóng những cây còng cổ thụ, hát vang những bài ca đã học. Nhiều người đi đường dừng chân lắng nghe. Có một ông già đẩy xe bán chiếu thường xuyên dừng lại đúng giờ này, lắng nghe với vẻ mặt đăm chiêu. Rôi bỗng dưng không thấy ông ấy xuất hiện nữa. Người bạn thân ngồi chung bàn học với tôi là Nguyễn Thống Thành, con ông chủ nhà dây thép (nay là bưu điện) tỏ ra thạo tin, xì xầm: “Mày biết gì không? Ông già bán chiếu rải truyền đơn. Một tờ phê phán ông Đốc Trinh nịnh Tây. Một tờ in hai bài thơ cộng sản châm biếm Pétain quỳ gối trước quân Đức, Decoux cúi đầu lạy quân Nhật. Mật thám tìm ra, đã bắt ông già bán chiếu.” Tôi hỏi: “mày có tờ truyền đơn đó không cho tao coi với”? Thành đáp: “ Nhà tao có, nhưng người lớn không cho con nít lấy”! Suốt tuần sau đó, nhiều người buôn bán ở chợ Ba Tri xì xầm với nhau chuyện ông già bán chiếu rải truyền đơn và gọi đó là một “ông già Ba Tri”. Tôi cứ tưởng “ông già Ba Tri” là chỉ những vị nổi tiếng của quê tôi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị... nhưng ông nội tôi bảo sự tích này có từ thời Minh Mạng: Ông Trần văn Hạc, Hương cả của làng An Hòa Tây cho đắp con đập ngăn vàm rạch làm tắc nghẽn đường ghe chở hàng hóa vào chợ BaTri. Dân chúng cả vùng phát đơn kiện, nhưng thế lực Trần Văn Hạc quá mạnh, quan Tổng, quan Huyện, quan Tỉnh đều xử ông ta thắng kiện. Bà con bàn bạc cử ba ông già có uy tín nhất vùng là Thái Hữu Kiểm, Nguyễn Văn và Lê Văn Lợi mang đơn ra Huế kiện lên triều đình. Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng cho các ông vào chầu tấu trình sự việc. Vua nghe xong, hạ chiếu cho các ông thắng kiện. Từ đó, danh xưng “ông già Ba Tri” là chỉ những cụ già nhưng chí khí không già, dám dũng cảm bảo vệ lẽ phải.

Nguyễn Thống Thành bảo tôi: “Ông già bán chiếu xứng đáng là ông già BaTri ngày nay đó mày”. Sau Tháng Tám 1945, tôi sống ở nông thôn, bưng biền, không nhận được tin tức gì về Nguyễn Thống Thành.Trên các nẻo đường kháng chiến, tôi cứ mong được gặp nó, người đầu tiên đã cho tôi biết về một tổ chức bí mật có tên là Việt Minh, để rồi tôi tin, theo! Hơn 30 năm sau, tôi mới biết Nguyễn Thống Thành, bạn tôi, đứng bên kia chiến tuyến, là đại tá tỉnh trưởng đã tử thủ ở thị xã Phước Long! Nhiều năm sau, trong cuộc họp cựu chiến binh, tôi được nghe một thiếu tá dự trận này kể, anh ta kêu gọi đầu hàng, nhưng Nguyễn Thống Thành đã bắn trả. Tôi tin rằng nếu lúc ấy tôi có mặt, kêu gọi chắc chắn Thành đầu hàng. Nhưng đến nay niềm tin đó đã lung lay.

BỎ CỜ TAM SẮC, CHÀO CỜ MẶT TRỜI.

Một sáng tháng Ba 1945, như thường lệ chúng tôi xếp hàng chào cờ trước khi vào lớp học. Tất cả đều ngỡ ngàng khi nhìn thấy lá cờ mặt trời đã thay thế cờ tam sắc. Ông đốc Trinh đứng trên bực thềm giải thích sự kiện này. Tôi nhớ đại khái là ngày 9 tháng Ba quân Nhật đã làm đảo chính lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp. Nhật có chính sách “Trả Châu Á cho người Châu Á”, họ trả độc lập cho nước mình. Nhưng riêng xứ Nam kỳ thì tạm thời còn trực thuộc Nhật như đã từng thuộc Pháp, cho đến khi Nhật giành được toàn thắng. Từ hôm nay, trường chúng ta bỏ cờ tam sắc, chào cờ Nhật, không hát Marseillaise quốc ca Pháp nữa. Ông không nói, nhưng chúng tôi cũng biết là bài “Trong khi quốc gia tai nàn” của ông cũng không được hát. Những ngày sau đó, ông quận Chỉ (người thay ông quận Mẫn hồi năm ngoái) được thăng lên chức tỉnh trưởng Bến Tre. Ông Trực, một viên chức từ tòa bố Bến Tre (tức dinh của ông chủ tỉnh người Pháp) được đưa về Ba Tri làm quận trưởng thay ông Chỉ. Những người bạn của cha tôi, bác Ba Di, dượng Ba Kiến, chú Tám Bì, chú Hai Dần, bác Tám Huê, chú Năm Vinh, chú Sáu Sinh... uống trà tán chuyện thời cuộc, cho rằng: “Đã thay thầy đổi chủ, nhưng đám đày tớ thì vẫn y nguyên như cũ”! Có lẽ đó là điểm yếu nhất của chính phủ Trần Trọng Kim đối với người dân vốn đã coi các công chức trong hệ thống chính quyền thuộc Pháp là những tay sai. Việc Nhật không dùng Hoàng thân Cường Để là người đang nương tựa nước Nhật để chống Pháp về nước chấp chính mà lại chọn Bảo Đại vốn là con bài của Pháp đã khiến cho người dân Việt tha thiết với độc lập thất vọng. Tiếp theo đó là việc Nhật không chấp nhận đề nghị của Bảo Đại chọn chí sĩ Ngô Đình Diệm làm thủ tướng mà chọn học giả Trần Trọng Kim càng làm cho chính phủ này bị giảm sự tin cậy.

Chính phủ Trần Trọng Kim có những chính sách tiến bộ, nhưng có thể có hại cho chính họ: Không lập bộ quốc phòng, không tổ chức lực lượng vũ trang để tránh bị Nhật lôi kéo vào chiến tranh, do đó không có khả năng tự bảo vệ. Thả tất cả tù chính trị phần lớn là đảng viên cộng sản, lực lượng này có cơ hội lật đổ họ. Từ ngày 8 tháng 5, Chính phủ Trần Trọng Kim ban hành Hiến pháp Quân chủ Lập hiến, đảm bảo các quyền tự do chính trị, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Nhiều tổ chức được thành lập đã tạo điều kiện làm tăng thêm lực lượng cho đảng cộng sản: Tổ chức Thanh niên Tiền tuyến do Thứ trưởng Bộ Thanh niên Tạ Quang Bửu, một người có cảm tình với Việt Minh điều hành. Ở Nam Bộ, tổ chức Thanh niên Tiền phong do Phạm Ngọc Thạch (đảng viên cộng sản từ tháng 3 năm 1945) điều hành. Sau khi Nhật đảo chính Pháp một ngày, ngày 10 tháng 3 năm 1945, Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng được thành lập, do Hồ Văn Ngà làm chủ tịch, Phạm Ngọc Thạch làm Tổng thư ký. Số đông đảng viên của Đảng này ngả theo Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng 8, Hồ văn Ngà bị giết! Ở tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri của tôi, sau mấy tháng tồn tại của chính phủ Trần Trọng Kim, phong trào cách mạng do Đảng cộng sản tổ chức đã phát triển vượt bực. Nhiều tù nhân cộng sản được chính phủ Trần Trọng Kim thả ra đã hoạt động mạnh mẽ như: Nguyễn Tẩu đảng viên cộng sản từ năm 1930, bí thư tỉnh ủy; Lê Hợi đảng viên cộng sản từ 1930; Võ Châu Thành, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Chí Khải, Nguyễn Viết Chỏi... đều là những đảng viên lâu năm. Các đảng viên này mau chóng xây dựng chi bộ đảng đều khắp các xã và tổ chức nông hội thu hút hơn 3000 nông dân. Đảng cộng sản đưa được hàng loạt cán bộ cốt cán thâm nhập vào các tổ chức, đảng phái khác: Ông Nguyễn Văn Cái làm Tổng thư ký Thanh niên Tiền phong tỉnh Bến Tre (sau này là Ủy viên Ban khởi nghĩa Tháng Tám, đại biểu Quốc hội năm 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa); Ông Huỳnh Kỳ Thanh làm Thanh niên Tiền phong thị xã Bến Tre (sau này là Chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến/ Hành chánh tỉnh); ông Đỗ Phát Quang lãnh đạo Trường huấn luyện của Đảng Quốc gia Độc lập (sau này là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến – Hành chánh tỉnh Bến Tre); ông Nguyễn văn Tất chỉ huy Bảo an binh Tỉnh Bến Tre (sau này là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến/ Hành chánh tỉnh Bến Tre, chỉ huy đội vũ trang). Ở Ba Tri, các thầy giáo trẻ như thầy Nở, thầy Triết, các trí thức trẻ như Huỳnh Dư Bì, Trịnh văn Khâm, Hồ văn Vị... đều có chân trong tổ chức Việt Minh của Đảng cộng sản.

Từ những biến đổi lực lượng chính trị ở huyện Ba Tri và toàn tỉnh Bến Tre có thể suy đoán tình hình tương tự như vậy ở nhiều nơi khác.

SỐ ĐÔNG TRÍ, PHÚ, ĐỊA,
HÀO ĐI THEO VIỆT MINH.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945 có tin Việt Minh đã cướp được chánh quyền ở Bến Tre, tỉnh trưởng Phan Văn Chi đầu hàng. Ấp An Hoà cùng cả làng An Bình Tây của tôi sôi sục chuẩn bị tham gia cướp chánh quyền thị trấn Ba Tri. Các đảng viên cộng sản công khai đứng ra nhân danh Mặt trận Việt Minh cắt đặt việc mua vải, giấy hai màu đỏ, vàng để may và dán cờ đỏ sao vàng, tổ chức các đội võ trang với dáo mác, gậy gộc. Chú thợ hồ Hai Dần là bí thư chi bộ, bác giữ vịt Tư Nay là phó bí thư chi bộ, không xưng danh cộng sản mà là Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, ngồi vào những chiếc ghế mới hôm qua còn là của Hương Cả, Hương Chủ trong Nhà Việc (trụ sở Ban Hội tề), chỉ đạo hoạt động cách mạng. Suốt đêm tiếng hô tập đi theo nhịp “một hai ” làm cho bọn con nít chúng tôi cũng không thể chợp mắt. Vừa rạng sáng, tất cả được tập hợp xếp hàng theo từng khối để tiến ra thị trấn. Điều đáng nói là dẫn đầu các khối đều là các trí, phú, địa, hào của ấp, của xã: Trịnh Văn Vinh đại địa chủ, nguyên Chánh lục bộ; Võ Văn Di địa chủ, nguyên Hương Trưởng; Trịnh Văn Khâm sinh viên, con trai của ông Hương Cả Nghi; Huỳnh Dư Bì sinh viên, con trai ông Hội đồng Thuần; Ba Phán con trai địa chủ Tím; Sáu Sinh địa chủ, nguyên thư ký quận trưởng Ba Tri... Do đâu mà những người này hăm hở lao vào dòng thác cách mạng do cộng sản lãnh đạo? Bởi vì từ ngày 19– 5– 1941 tại Pắc Bó tỉnh Cao Bằng, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 của Đảng cộng sản Đông Dương đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh gọi tắt là Việt Minh với Cương lĩnh:

“Không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh thì được gia nhập”. Mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh là: “Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên nước Việt Nam Dân Chủ, Cộng Hòa”.

Nội dung đó đã đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết của mọi người Việt Nam yêu nước. Đảng cộng sản đã giấu biệt lá cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, họ không hô hào làm cách mạng vô sản mà kêu gọi giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân! Vài phút sau khi đoàn An Bình Tây lên đường, Huỳnh Dư Khải (con ông Hương cả Khiêm, cháu ông Hội đồng Thuần) bạn học cùng lớp nhứt với tôi chạy tới, gọi bọn nhóc chúng tôi như Võ Minh Triết, Trịnh Hoành Sang, Nhiều, Điểu, Thưởng, Trắc... kéo theo người lớn làm “khởi nghĩa”. Chúng tôi đến thị trấn Ba Tri thì thấy hàng ngàn người, cờ xí, biểu ngữ từ nhà lồng chợ đi tới dinh quận. Đứng trên cái bàn cao, xung quanh có dân quân bảo vệ, ông Lê Văn Lượm bí thư quận ủy, chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc tờ hiệu triệu viết sẵn. Đọc xong bản hiệu triệu, ông thông báo ta đã chiếm trại bảo an và trại cảnh sát, ông quận Trực xin đầu hàng. Tiếp theo đó, ông Võ Châu Thành phó bí thư quận ủy, phó ban khởi nghĩa, nhân danh chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng và ông Nguyễn Chí Khải ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, nhân danh Chủ tịch Mặt trận Việt Minh ra mắt đồng bào. Mô hình “hệ thống tòan trị” này đã được giữ y cho tới hôm nay: Bí thư của Đảng là quan chức quyền lực số 1 đứng trên các tổ chức chính quyền và mặt trận. Phó bí thư của Đảng là nhân vật quyền lực số 2 được giao trách nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban hành chánh (nay là Ủy ban Nhân dân); các Ủy viên Ban Thường vụ của Đảng làm chủ tịch Mặt trận và chủ tịch các đoàn thể...

Ngay sau ngày cướp chính quyền, chủ tịch Võ Châu Thành ký lệnh tử hình không cần xét xử đối với những người bị gọi là “có nợ máu đối với nhân dân” như Cai tổng Đặng, Cai tổng Bang, Biện Ký, Đội Xôm, Hương quản Nhường, Hương quản Lầu... Sau này được biết, ở nhiều nơi trên khắp đất nước ta đã có nhiều người bị giết, trong đó có những nhà ái quốc, nhà văn hóa nổi tiếng như Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, Phạm Quỳnh...

Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, các tổ chức Đảng ở huyện Ba Tri, Bến Tre vẫn giữ nguyên vai trò lãnh đạo như cũ, chỉ khác trước là không họp chi bộ công khai ở cơ quan. Trả lời báo chí trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tôi chỉ có một Đảng – Đảng Việt Nam”. Các cán bộ cũng như người có học ở quê tôi đều biết rõ sự thật là Đảng chỉ giả vờ giải tán, nhưng không ai chê trách Cụ Hồ nói dối mà ngược lại đều khen “Cụ Hồ mình khôn khéo quá”.

Ảnh: Nhà báo Tống Văn Công (giữa) và vợ là nhà báo Mai Hiền (trái)