Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Nguyễn-Xuân Hoàng và mùa thu Nhật Bản

Ngô Thế Vinh

ngothevinh_MyThuan_1999

Nếu bảo qua tuổi 70 xưa nay là hiếm, thì Nguyễn-Xuân Hoàng sinh năm 1937 cũng đã bước qua tuổi 77, nhưng đó là ý niệm tuổi tác của thế kỷ trước. Sang đến thế kỷ 21, với tiến bộ của y khoa, qua tuổi 80 nay cũng không còn là hiếm. Quen được Nguyễn-Xuân Hoàng trong hoàn cảnh nào thì tôi không nhớ, nhưng đó là một tình bạn khá lâu năm. Khoảng giữa thập niên 1960-1970 Nguyễn-Xuân Hoàng đã cùng với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật và Nguyễn Quốc Trụ chủ trương nhà xuất bản Đêm Trắng. Họ đều ở lứa tuổi trên dưới 30, sức sáng tác đang sung mãn với phong cách riêng mỗi người, được coi như là nhóm “Tiểu Thuyết Mới”, với quán La Pagode như một điểm hẹn sinh hoạt. Và tên tuổi mỗi người trong nhóm, sau này đều trở thành nhân dáng những nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn-Xuân Hoàng.

clip_image001

Hình 1: Nguyễn-Xuân Hoàng, photo by Trần Cao Lĩnh.

clip_image003

Hình 2: Từ phải, Nguyễn-Xuân Hoàng và Trịnh Công Sơn 1970 (tư liệu của Đinh Cường).

Giữa những năm dông bão của cuộc chiến tranh lúc đó, thỉnh thoảng tôi được đọc và cả quen biết họ trong những giai đoạn và các hoàn cảnh khác nhau, do rất khác về môi trường sinh hoạt và tôi thì cũng ít có thời gian ở Sài Gòn. Ra tới hải ngoại, hai người trong nhóm Đêm Trắng mà tôi còn giữ được mối liên lạc là Nguyễn-Xuân Hoàng và Nguyễn Đình Toàn.

Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng. Xong bậc trung học 1959, khởi đầu Hoàng có ý định học Y khoa, là sinh viên PCB (Physics, Chemistry, Biology) Đại học Khoa học Sài Gòn một năm, thấy ngành học không thích hợp, Hoàng chuyển sang học ban Triết, Đại học Đà Lạt, sau Hoàng Ngọc Biên một khoá. Tốt nghiệp 1962, là giáo sư Triết trung học Ngô QuyềnBiên Hoà một niên khoá và rồi được thuyên chuyển về trường Pétrus Ký Sài Gòn cho tới 1975. Nhưng Nguyễn-Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970. Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo… 

Năm 1971, khi ấy Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn ở Sài Gòn làm báo và dạy học, tôi thì theo đơn vị hành quân trên Cao nguyên; nhưng cả hai cùng trải qua một kinh nghiệm tưởng cũng nên ghi lại. Do truyện ngắn Mặt Trận ở Sài Gòn đăng trên tạp chí Trình Bầy của Thế Nguyên tôi nhận được trát ra hầu toà với tội danh “dùng báo chí phổ biến luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật tinh thần chiến đấu của quân đội”, mà chính tôi đang là một thành phần trong đó. Khi về Sài Gòn để ra hầu toà, tôi được biết Hoàng cũng nhận được cái trát hầu toà vì một truyện ngắn Cha và anh trên tờ báo Vấn Đề của nhà văn Vũ Khắc Khoan, trong đó Hoàng có nhắc tới bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Để rồi tất cả chỉ như một trận bão trong tách trà và “đời sống thì không ngừng chảy” – nói theo ngôn từ Nguyễn-Xuân Hoàng.

Sau 1975, bị kẹt lại và như mọi người, Hoàng cũng trải qua những năm tháng thăng trầm theo vận nước, nhưng rồi cuối cùng 10 năm sau, Hoàng và gia đình cũng tới được đất nước Mỹ 1985. Không còn là nhà giáo, Hoàng sinh hoạt toàn thời gian trong lãnh vực báo chí và văn học: tổng thư ký hai tờ nhật báo Người Việt California (1986-1997) và tạp chí Thế Kỷ 21 (1989-1994), trong ban chủ biên tạp chí Văn Học cùng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, sau đó kiêm thêm chủ bút tạp chí Văn chuyển tay từ nhà văn Mai Thảo 1996. Tưởng cũng nên nói thêm tờ báo Văn này đã khiến vợ chồng Nguyễn Xuân Hoàng mang món nợ không nhỏ với cơ sở in báo Văn, mà mãi lâu mới trang trải hết. Tác phẩm Nguyễn-Xuân Hoàng do anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, giám đốc nhà Văn Nghệ xuất bản ở hải ngoại gồm các tập truyện và tuỳ bút: Căn Nhà Ngói Đỏ, và hai truyện dài trong bộ trường thiên ba tập (trilogy): Người Đi Trên Mây, Bụi và Rác, và Lửa là tập thứ ba chưa xuất bản

Năm 1996, di chuyển theo công việc mới, San Jose thung lũng hoa vàng là chặng định cư cuối cùng của hai vợ chồng Hoàng. Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn sinh hoạt báo chí toàn thời gian, ban đầu với chức vụ tổng thư ký tuần báo Việt Mercury thuộc San Jose Mercury News và sau đó là chủ bút tờ tuần báo Việt Tribune như một “family show” của hai vợ chồng Nguyễn-Xuân Hoàng – Trương Gia Vy cho tới nay. Quen biết thân thiết với vợ chồng Peter Zinoman Nguyệt Cầm, dịch giả Số Đỏ / Dumb Luck của Vũ Trọng Phụng; Hoàng được mời làm lecturer thỉnh giảng cho môn Văn học Việt Nam đương đại tại UC Berkeley.

clip_image004

Hình 3: Nguyễn-Xuân Hoàng và Ngô Thế Vinh tại toà soạn Việt Tribune 2008; photo by Trương Gia Vy.

      Nguyễn-Xuân Hoàng rất quảng giao, mặc dù anh luôn than là ít bạn. Cũng vì vậy mà các bạn thân đặt tên cho anh là Nguyễn Đông Hoàng. Và khi biết bạn mình ngã bệnh, đã có rất nhiều học trò cũ và bằng hữu đến thăm và cả viết về Nguyễn-Xuân Hoàng, một số bài đã được Phùng Nguyễn cho phổ biến trên Da Màu trong nhiều tuần lễ, số trang viết ấy đủ cho chiều dày của một cuốn sách. 

      Từ ngày Trịnh Y Thư báo tin cho biết căn bệnh của Nguyễn-Xuân Hoàng, vậy mà cũng đã gần 12 tháng. Các tin tức về sức khoẻ và bệnh tình của Hoàng tôi được biết hoặc trực tiếp từ Nguyễn-Xuân Hoàng hoặc qua hai người bạn Phùng Nguyễn và Trịnh Y Thư. 

Trước đó, cũng khoảng 3 năm, Nguyễn-Xuân Hoàng thường kêu đau lưng, đối với người bệnh ở lứa tuổi ngoài 70 như Hoàng thì một chẩn đoán thông thường của bác sĩ gia đình là đau lưng do “thoái hoá cột sống”. Tới một giai đoạn đau nhiều hơn, bác sĩ cho chụp lại hình quang tuyến cột sống, cũng vẫn với chẩn đoán như trên. Nhưng vì lần này bác sĩ quang tuyến thấy có những đốm trắng như miểng kim loại quanh cột sống nên đã hỏi là Hoàng có bị thương do miểng đạn ngoài chiến trận khi còn ở Việt Nam hay không, Hoàng xác nhận là không.

Tới một giai đoạn mà các thuốc chống viêm giảm đau kể cả opiates cũng không còn mấy hiệu quả thì Hoàng được gửi vào một bệnh viện, để qua một loạt các thử nghiệm và cuối cùng với chẩn đoán là Hoàng bị một căn bệnh khá hiếm: sarcoma ở sống lưng; sarcoma là loại bướu ung thư mô liên kết/ connective tissue như xương, sụn, mô mỡ, bắp thịt, mạch máu… 

Có lẽ đây là một chẩn đoán “không sớm” nếu không muốn nói là khá trễ, và cũng từ đây Hoàng được chuyển sang một bệnh viện chuyên khoa Ung Bướu / Oncology thuộc Đại học Stanford. Không được tiếp cận với hồ sơ bệnh lý của Hoàng, nhưng được biết Hoàng cũng đã trải qua các giai đoạn trị liệu như hoá trị / chemotherapy, xạ trị/ radiation therapy và hình như Hoàng không còn ở giai đoạn sớm để được điều trị phẫu thuật/ surgery. Nguyễn-Xuân Hoàng rất can đảm đi hết “đoạn đường chiến binh” đã đi tới bước cuối cùng của các phương thức điều trị, dĩ nhiên với không ít những chịu đựng do các tác dụng phụ/ side-effects.

Trong suốt thời gian ngã bệnh, và cả mới đây thôi, trong giai đoạn 6 tuần được chuyển sang khu phục hồi của bệnh viện, Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn không ngừng làm việc với laptop và cell phone. Hoàng không chỉ lo cho tờ báo Việt Tribune vẫn ra hàng tuần, báo chí đã như một cái nghiệp và cũng là nguồn sinh kế của gia đình. Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn-Xuân Hoàng còn phối hợp với Đinh Quang Anh Thái báo Người Việt trong việc hiệu đính và layout hai cuốn sách: Người Đi Trên Mây (đã đăng hết từng kỳ trên nhật báo Người Việt), Bụi và Rác (đang đăng tới kỳ thứ 100 cũng trên Người Việt). Cũng từ trong bệnh viện, chính Hoàng là người quyết định chọn bài viết của Nguyên Sa và Phạm Công Thiện, cho phần trích dẫn bìa lưng của hai cuốn sách.

Khi tìm hình tác giả Nguyễn-Xuân Hoàng cho bìa lưng, Hoàng đã chọn tấm hình đang cầm điếu thuốc hút, có lẽ nơi một góc phố nào đó trên “con đường báo chí” Phạm Ngũ Lão khoảng năm 1980, và cũng do “méo mó nghề nghiệp” tôi bảo đùa là đó là một chọn lựa không đúng /politically incorrect, tạo gương xấu cho đám trẻ sẽ bắt chước hút thuốc để được trở thành nhà văn nổi tiếng như Nguyễn-Xuân Hoàng.

clip_image005

clip_image006

Hình 4 & 5: mẫu bìa 2 cuốn sách sau cùng của Nguyễn-Xuân Hoàng do Người Việt tái bản, Uyên Nguyên trình bày.

Hoàng thì không xem đó là câu nói đùa nên đã trả lời rất nghiêm túc rằng đó là bức hình thời còn trẻ mà Hoàng rất thích, và thời tuổi trẻ ấy ai mà không hút thuốc, và nó cũng rất phù hợp với bối cảnh của cuốn sách. Mặc dầu được Hoàng eMail “mình giao phó hết cho Ngô Thế Vinh quyết định thay NX Hoàng” nhưng thực ra mọi sự đều làm theo ý Nguyễn-Xuân Hoàng. Tôi nhắc nhở Đinh Quang Anh Thái là anh Nguyễn-Xuân Hoàng còn nguyên sự minh mẫn nên mọi chuyện liên quan tới hai cuốn sách nên hỏi thẳng anh Hoàng. Không làm thay những gì người bệnh vẫn còn làm được, đây là cũng là nguyên tắc tôi học được trong ngành y khoa phục hồi; và phương cách cách điều trị occupational therapy hay nhất là làm cho Hoàng luôn luôn bận rộn. Và cả trên giường bệnh Nguyễn-Xuân Hoàng cũng đã vui với sự bận rộn ấy. Hoàng còn cho biết là sau khi đăng hết Bụi và Rác, Hoàng sẽ viết tiếp bộ trường thiên Trilogy, Tome III sẽ có một tên sách rất ngắn gọn một chữ là “Lửa” cảm xúc từ những cơn bão lửa cháy rừng của bang California và rồi cũng sẽ cho đăng tiếp từng kỳ trên nhật báo Người Việt.

clip_image007

Hình 6: Nguyễn-Xuân Hoàng trên đường báo chí Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn cũng là địa chỉ báo Văn. Nguồn: tư liệu Nguyễn-Xuân Hoàng.

Riêng tôi và các bạn của Hoàng không giấu được niềm vui khi biết bạn mình, giữa những cơn đau hành hạ của bạo bệnh mà vẫn cứ nuôi dưỡng những dự định cùng hướng về tương lai. 

      Trong suốt gần một năm trời, Nguyễn-Xuân Hoàng ra vào bệnh viện Stanford gần như thường xuyên, khi dài ngày khi ngắn hạn. Niềm đau ung thư là nỗi thống khổ ròng rã nhất của người bệnh Nguyễn-Xuân Hoàng.

– Sáng ngày 1 tháng 6, 2014 Nguyễn-Xuân Hoàng từ nhà phone cho tôi, nói một vài câu rất ngắn và rất yếu: “Vinh ơi, mình đau quá và chỉ muốn chết. Lúc đó, bỗng thoáng hiện trong đầu óc tôi một thuật ngữ y khoa euthanasia / painless death với Jack Kevorkian, phương pháp giúp người bệnh nan y quá đau đớn được chết êm thắm. Kervorkian được báo chí mệnh danh là Doctor Death thì đã bị kết án tội sát nhân bậc hai / second degree murder, phải ngồi tù 8 năm trước khi được tại ngoại. Physician-assisted suicide cho đến nay vẫn bị coi là phạm pháp. Chọn lựa một cách chết ra sao là do quan niệm và niềm tin của mỗi người. Và rồi tôi cũng chỉ có thể khuyên Hoàng là nên vào lại Stanford để được chăm sóc điều trị giảm đau. Cùng ngày, chiều hôm đó chị Trương Gia Vy đưa Hoàng vào bệnh viện. Khi phone thăm, Hoàng cho biết đã phần nào bớt đau nhưng lúc nào cũng chỉ muốn được về nhà.

clip_image009

Hình 7: Thủ bút Nguyễn-Xuân Hoàng: tôi không còn thời gian và đôi bàn tay Nguyễn-Xuân Hoàng.Nguồn: Phan Nguyên Emprunt Empreinte.

Rồi cũng buổi tối hôm đó, qua internet tôi gửi cho Nguyễn-Xuân Hoàng bài điểm sách mới của anh Dohamide về cuốn Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, từ nhiều năm tôi thì vẫn gửi bài viết cho Việt Tribune của Nguyễn-Xuân Hoàng, và không ngờ rất mau chóng, Hoàng eMail ngay cho tôi:

Cám ơn Ngô Thế Vinh, mình xin phép Vinh cho đăng trên VOA và Việt Tribune. Việt Tribune thì không có vấn đề gì nhưng bên VOA thì bài chưa đăng ở đâu hay chưa post ở đâu mới được. Vinh cho mình biết trước khi mình gửi cho VOA nhé. Nxh Sent from my iPhone.  Tôi trả lời ngay là bài non-exclusive, đã được Phùng Nguyễn mới post trên Da Màu và anh Nguyên Giác Phan Tấn Hải đăng trên Việt Báo. Hoàng hồi âm: “Tiếc quá! Vậy thì mình chỉ có thể đi bài trên Việt Tribune thôi.

Để rồi tôi cũng được biết thêm một điều là trong bấy lâu, không phải chỉ có tờ tuần báo Việt Tribune đều đặn ra hàng tuần, Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn còn duy trì cả sinh hoạt Blog’s NXH trên VOA.

– Sáng ngày 7 tháng 6, 2014 Hoàng phone cho tôi và Phùng Nguyễn báo tin: toán bác sĩ điều trị Stanford đã gặp chị Vy và các con Hoàng, báo tin cho biết họ đã “give up không có thể làm thêm gì được nữa và sẽ cho Hoàng xuất viện về nhà. Hoàng nói: “Mình biết sẽ phải như vậy, nhưng Vy thì khóc quá. Không khóc sao được khi biết người bạn đời của mình đang gian nan trên dốc tử sinh và cạn dần sự sống từng ngày. Và bạn bè ai cũng biết là sức khoẻ của chị Vy bấy lâu cũng không khá gì, bị suy thận mãn tính ESRD / End Stage Renal Disease từ nhiều năm, chị vẫn phải tự làm công việc lọc máu qua màng ruột / peritoneal dialysis tại nhà mỗi đêm thay vì một tuần ba lần tới lọc máu tại các trung tâm thận nhân tạo / hemodialysis.

– Phan Nhật Nam thì nghĩ rằng tôi chưa được biết tin, nên buổi tối đã khá khuya, Nam phone báo tin cho biết tình trạng ở giai đoạn cuối của Nguyễn-Xuân Hoàng, khi toán bác sĩ ở Stanford quyết định cho xuất viện. Tôi hiểu rằng thay vì chuyển tới khu hospice chăm sóc người bệnh cận tử, Hoàng đã chọn về nhà, sống với gia đình bao giờ cũng dễ chịu hơn.  

– Sáng ngày 10 tháng 6, 2014 tôi gọi thăm Hoàng qua cell phone, và được biết Hoàng đang trên xe với chị Vy đi vào Stanford. Tôi khựng lại và hỏi Hoàng là họ lại có quyết định điều trị tiếp hay sao, thì Hoàng nói không, chỉ vào bệnh viện cho mấy buổi “xạ trị giảm đau / palliative radiation”. Tôi hiểu rằng đây chỉ là bước “điều trị xoa dịu / palliative treatment” cho người bệnh nan y. Cho dù không thể chữa khỏi nhưng “điều trị xoa dịu” với ứng dụng kỹ thuật cao / high tech, có khả năng giúp người bệnh sống những ngày tháng ngắn ngủi còn lại với phẩm giá, làm sao cho bớt đau đớn và cả phần nào thanh thản cho tới phút lâm chung.

– Sáng ngày 12 tháng 6, 2014 phone thăm bạn, Hoàng cho biết sau vòng xạ trị, đã bớt đau và buổi tối thì ngủ được. Như từ bao giờ, tôi vẫn tránh tối đa những câu hỏi về bệnh tình của Hoàng – điều sẽ làm cho người bệnh rất mệt, hai người bạn chỉ lãng đãng nói chuyện văn chương, nói về Nhà xuất bản Đêm Trắng và nhóm Tiểu Thuyết Mới. Nouveau Roman là một khuynh hướng văn học có khởi đầu từ Pháp vào giữa thập niên 1950’s với các tên tuổi như Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon. Theo Nguyễn-Xuân Hoàng, thì ý kiến khởi đầu lập Nxb Đêm Trắng là từ Huỳnh Phan Anh, để chỉ xuất bản các sáng tác của nhóm. Nhóm 6 người ấy đa số xuất thân nhà giáo, trừ Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Quốc Trụ.

Từ 1954, trong vòng 20 năm của Miền Nam, các phong trào văn học được tự do nở rộ. Tự Lực Văn Đoàn tiếp nối với Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo Thanh Tâm Tuyền phủ nhận nền văn học tiền chiến với nỗ lực làm mới văn chương, rồi tới nhóm tự nhận là Tiểu Thuyết Mới nhưng theo Nguyễn-Xuân Hoàng thì Hoàng Ngọc Biên tuy không trong nhóm Đêm Trắng nhưng chính Biên mới thực sự là người khởi đầu nghiên cứu về phong trào Nouveau Roman của Pháp, dịch một số tác phẩm của Alain Robbe-Grillet và cũng thể hiện quan niệm tiểu thuyết mới ấy qua tập truyện Đêm Ngủ ở Tỉnh do Cảo Thơm xuất bản Sài Gòn, 1970. Cũng theo Hoàng Ngọc Biên, thì ngoài danh xưng, những năm trước 1975 thực sự đã không có một phong trào Tiểu Thuyết Mới tại Sài Gòn.

clip_image010

Hình 8: Hoàng Ngọc Biên với Đêm Ngủ ở Tỉnh & Ngô Thế Vinh, photo by Nguyễn Xuân Hoàng.

– Kỹ thuật y khoa ngày nay thì có thể đã tiến xa, nhưng quan niệm thì không mới; vì từ xa xưa người sinh viên khi mới vào học trường y đã được dạy dỗ đức khiêm cung trong y thuật: “chữa khỏi đôi khi; xoa dịu thường xuyên; và luôn luôn an ủi / La médecine c’est guérir parfois, soulager souvent, consoler toujours. Ambroise Paré, bác sĩ phẫu thuật Pháp thế kỷ 16 đã là người đầu tiên nhắc tới câu nói ấy nhưng nguồn gốc thì có lẽ đã có từ một nền y khoa cổ đại xa xưa hơn rất nhiều. Bản thân người viết, cũng hơn 45 năm đã và đang hành nghề y khoa với những hoàn cảnh khác nhau trong cũng như ngoài nước, với cái chết của mỗi người bệnh, cho dù đã biết trước, thì cảm giác vẫn hụt hẫng như một phần mất mát của cuộc sống.

Sự mất mát ấy càng thấm thía hơn khi đó là chính là mấy người bạn thân của mình. Phải chứng kiến một Nghiêu Đề, người bạn tấm cám với những cơn đau ung thư tuỵ tạng vật vã đến xanh xao; một Cao Xuân Huy Tháng Ba Gẫy Súng can trường ngần ấy cũng đã oằn người vì những cơn đau di căn từ ung thư mắt hành hạ. Nay tới một Nguyễn-Xuân Hoàng cũng đang khắc khoải với những trận đau bướng bỉnh và rất quái quỷ như vậy. Cũng để thấy cái bể khổ của sinh lão bệnh tử và nhận ra rằng khả năng y khoa hiện nay còn giới hạn tới dường nào. Bể khổ thì mênh mông, nhìn lại chẳng thấy đâu là bờ. Cảm xúc đọc lại mấy câu thơ của Vô Ngã Phạm Khắc Hàm, không phải Nguyễn-Xuân Hoàng mà chính tôi cũng tìm được nguồn an ủi. 

Ta tụng ngàn năm Quán Thế Âm,

Chúng sinh ta khóc nỗi mê lầm

Ngàn năm quỳnh nở trong đêm vắng

Rung động ba ngàn cõi viễn thâm.

… Người thích câu rùa đọc Lạc thư

     Vớt con cá nhỏ thấy chân như

     Ta nâng trang sách nghìn thu đọng

     Trời đất rưng rưng giữa mịt mù

… Từ đấy ngàn năm vách lắng tai

     Lời kinh vi diệu thấm linh đài

     Tình thương từng giọt rơi trên đá…

Buổi trưa hôm ấy, trong giờ lunch break bên ngoài bệnh viện, tôi và ba bác sĩ khác: một gốc Do Thái, một Trung Đông, một Ấn Độ ăn trường chay, bốn người ngồi chung bàn với nhau, nhân sau cái chết mới mẻ của một đồng nghiệp bị ung thư với những ngày cuối cùng thống khổ ra sao, họ bàn là liệu nếu có thể lựa chọn cho mình một cách chết. Ba khả năng thông thường nhất đưa tới cái chết ở thời đại hiện nay: cơn truỵ tim chết ngay, cơn tai biến mạch máu não có thể đưa tới tàn phế, và căn bệnh ung thư ác tính… và mọi người đã có cùng một chọn lựa cho một cái chết nhanh nhất là bệnh tim. Và rồi cũng trong ngẫu hứng, trưa hôm đó họ đã order các món ăn không thiếu chất mỡ động vật và dĩ nhiên là không theo tiêu chuẩn của dinh dưỡng của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ. 

Thực ra không ai có thể chọn lựa một căn bệnh để được chết theo ý mình, ngoại trừ thứ tự do chọn lựa rất bạo động là tự sát cũng thường thấy ở các nhà văn như: Ernest Hemingway Ngư Ông và Biển Cả bằng súng (1961), Yukio Mishima Đền Vàng bằng gươm (1970), Yasunari Kawabata Ngàn Cánh Hạc bằng hơi ngạt (1972), Nhất Linh Đoạn Tuyệt bằng thạch tín (1963), Tam Ích Nghệ Thuật và Nhân Sinh treo cổ (1972)… 

Hoàng thì đã và đang sống một cuộc sống tràn đầy, nên tôi cũng hiểu rằng “bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu”, bạn tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho dặm cuối của một chặng đường cheo leo trên con dốc tử sinh. Mark Twain thì bao giờ cũng với một cái nhìn rất nhẹ nhàng về cái chết: “A man who lives fully is prepared to die at any time. Và rồi ra, đến một lúc nào đó, ở một nơi nào đó chắc Nguyễn-Xuân Hoàng cũng sẽ ngoảnh lại rồi mỉm cười mà nhắn với bằng hữu rằng: “Tường thuật về cái chết của tôi có phần quá đáng/ The report of my death was an exaggeration. Mark Twain”. Vẫn cứ chúc Bạn Ta những ngày tháng còn lại an lành.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG VÀ MÙA THU NHẬT BẢN

Tháng 7 năm 2013, một cuộc hội thảo về Báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn được tổ chức tại Little Saigon, Nam California. Đáng chú ý là trong buổi hội thảo ấy, có một cô gái Nhật Bản đang theo học Cao học về Văn học Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo được mời tham gia phát biểu. Và Nguyễn-Xuân Hoàng lúc đó đang ở San Jose được ban tổ chức mời để điều hợp các buổi hội thảo. Tuy đã nhận lời trước đó, nhưng do diễn tiến của bệnh trạng, Nguyễn-Xuân Hoàng đã không còn đủ sức xuống Little Saigon để tham dự.

Tanaka Aki, tên cô gái Nhật Bản, Aki có nghĩa là “Mùa Thu”, cô đã không có may mắn được gặp nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng mà cô rất ngưỡng mộ nhất là sau này khi được đọc tác phẩm Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, Bụi và Rác. Aki đã bị cuốn hút ngay với tác phẩm Người Đi Trên Mây vì mối quan tâm của cô về môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt của Sài Gòn trước 1975. Aki đã từng sống và làm việc ở Việt Nam hơn 13 năm nhưng là thời kỳ sau 1975. Và cô có ý muốn dịch Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật nhằm chia sẻ một tác phẩm hay với độc giả người Nhật.

clip_image012clip_image014

Hình 9: Phải, Tanaka Aki, cô gái Mùa Thu Nhật Bản, sinh viên Cao học về Văn học Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo; trái, mẫu bìa Người Đi Trên Mây của Nguyễn Thị Hợp (photo by Ngô Thế Vinh).

Tanaka Aki đã trao đổi eMail với nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng và tưởng tượng như có thể “trông thấy được ông Hoàng đang nằm trên giường bệnh, với nỗi đau của cơ thể cùng sự buồn bã tuyệt vọng với bệnh nan y.

Cô gái Mùa Thu Nhật Bản viết tiếp: “Một hôm mở cuốn Người Đi Trên Mây ra xem thì tôi tình cờ thấy chữ ký ông Hoàng ở trang đầu sách. Trước đó tôi không để ý nên không biết có chữ ký của ông Hoàng trong cuốn sách của mình. Và tôi đã tưởng tượng, đêm khuya khi tôi đang ngủ say, ông Hoàng từ Mỹ bay qua Nhật đến nhà mình và để lại chữ ký của ông trong cuốn sách của tôi. Sau khi tôi phát hiện chữ ký của ông Hoàng, tôi viết email kèm theo tấm hình tôi chụp chữ ký của ông để hỏi thử 'chữ ký này là của ông Hoàng phải không ạ?' thì được ông xác nhận đó chính là chữ ký của ông. Khi đó tôi khẳng định đây là số mệnh của tôi, việc dịch cuốn Người Đi Trên Mây là việc đã nằm trong số mệnh của tôi.

Rồi một hôm xem trang Diễn Đàn Thế Kỷ, Aki đọc bài viết “Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc Tử Sinh” của Ngô Thế Vinh, cô vội viết eMail cho Nguyễn-Xuân Hoàng ngỏ ý mong muốn dịch Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật. Aki viết: “Ông Hoàng đồng ý cho tôi dịch và mong rằng Aki dịch được một đoạn nào thì gửi cho ông xem, ông nói Mong Lắm.” Nhưng rồi chưa kịp dịch Người Đi Trên Mây thì Aki khi ấy đang ở với mẹ ở Nhật Bản, được tin Nguyễn Xuân Hoàng qua đời khiến cô rất ân hận.

Vậy mà đã qua thêm một tháng Chín nữa 2016 đầy màu sắc của Mùa Thu Nhật Bản, tôi đã cùng với anh Phạm Phú Minh gặp lại Aki ở Huntington Beach, cũng để biết rằng cô ấy vẫn không quên lời hứa với nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng với phát biểu giản dị: “Chưa biết khi nào tôi dịch được Người Đi Trên Mây nhưng tôi biết việc đó thế nào cũng có ngày thực hiện, vì đó là một định mệnh dành sẵn cho tôi, giống như việc nghiên cứu văn học Việt Nam cũng đã là một định mệnh trong cuộc đời của tôi. (Tanaka Aki - Nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng, Diễn Đàn Thế Kỷ Chủ Nhật ngày 13 tháng 9 năm 2015).

clip_image016

Hình 10: Chân dung Nguyễn Xuân Hoàng.

TIỂU SỬ

Sinh ngày 7 tháng 7 năm 1937 tại Nha Trang, cựu học sinh Võ Tánh, Nha Trang, cựu học sinh Pétrus Ký, Sài Gòn. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Khoa Triết Đà Lạt (1958-1961). Phụ trách môn Triết, Ngô Quyền, Biên Hoà (1961-1962); rồi Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn (1962-1975).

Tổng thư ký tạp chí Văn, Sài Gòn (1972-1974); Tổng thư ký nhật báo Người Việt, California (1986-1997) kiêm Tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21, California (1989-1994). Chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Văn từ tháng Chín, 1996, đồng thời là Tổng Thư ký tuần báo Việt Mercury trực thuộc Nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ (từ tháng 11, 1998 đến tháng 11, 2005).

Giảng viên môn Văn Học Việt Nam đương đại tại Đại học Berkeley (09-2001– 04-2003).

Nơi định cư cuối cùng San Jose, Bắc California. Mất ngày 13 tháng 9 năm 2014.

TÁC PHẨM

Tập truyện ngắn:

Mù sương (1966)

Sinh nhật (1968)

Truyện dài:

Bụi và rác (1996)

Khu rừng hực lửa (1972)

Kẻ tà đạo (1973)

Người đi trên mây (1987)

Sa mạc (1989)

Các thể loại khác:

Ý nghĩ trên cỏ (tiểu luận, 1971)

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (tùy bút, 1974)

Căn nhà ngói đỏ (tạp ghi, 1989)

Tác phẩm chưa xuất bản:

Lửa (truyện dài)

Ai cũng cần phải có một bà mẹ (tùy bút),

Sổ tay Văn học.

clip_image018

clip_image020

Hình 11: Một số mẫu bìa sách Nguyễn Xuân Hoàng. Nguồn: Blog's Nguyễn Xuân Hoàng.

NGÔ THẾ VINH Long Beach 15.06.2014; Huntington Beach 09.05.2016

Tham khảo:

1/ Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc Tử Sinh. Ngô Thế Vinh. Diễn Đàn Thế Kỷ 16.06.2014 http://www.diendantheky.net/2014/06/ngo-vinh-nguyen-xuan-hoang-tren-con-doc.html,

2/ Tanaka Aki - nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Diễn Đàn Thế Kỷ 13.09.2015

http://www.diendantheky.net/2015/09/tanaka-aki-nha-van-nguyen-xuan-hoang.html

3/ Nguyễn-Xuân Hoàng. Đời sống vẫn không ngừng chảy. Phan Nhiên Hạo thực hiện. Talawas 27.04.2005

http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4371&rb=0307

4/ Ngô Thế Vinh. Tạp chí Bách Khoa đàm thoại với Ngô Thế Vinh: từ Vòng Đai Xanh tới Mặt Trận ở Sài Gòn. Talawas 01.12.2007

http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11606&rb=0105