Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Nhân giỗ đầu nhà văn Phùng Nguyễn (17/11/2016):

Ba câu hỏi cho Trần Mộng Tú

Phùng Nguyễn

(1) Bình thủy 1969

Vào năm 1970, bài thơ Thương Ca 1 với hai câu thơ “Ngày mai đi nhận xác chồng / Say đi để thấy mình không là mình” được Phạm Duy phổ thành nhạc khúc với cái tên “Tưởng như còn người yêu” trở thành một trong những ca khúc phổ biến nhất để diễn tả thảm họa chiến tranh. Năm 1969, một năm trước khi “Thương ca 1” của nhà thơ Lê Thị Ý chào đời, người thiếu phụ còn rất trẻ Trần Mộng Tú “mỏng manh trong chiếc áo dài màu xanh nhạt nhầu nát, tóc bơ phờ,” tìm thấy mình ngơ ngác bên cạnh chiếc quan tài của người chồng chưa kịp “quen hơi” trên phi đạo thênh thang của phi trường Bình Thủy (Cần Thơ) dưới ánh nắng chói chang của một buổi trưa tháng Tám. Nhưng người quả phụ đã không cất lời than khóc trong gần 30 năm trời cho đến khi trở lại quê hương vào năm 1998, tìm đến với tro than của người chồng tử trận, và “nước mắt của bao nhiêu năm tụ lại một ngày, nước mắt của những ngày đi đón xác ở Kiên Giang khô lại bây giờ nứt ra như một mạch ngầm của suối bật lên trên mặt đất nứt nẻ. Tôi (Trần Mộng Tú) khuỵu chân ngồi xuống giữa lối đi của hai hàng kệ, khóc như chưa bao giờ được khóc.” Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không biết gì về câu chuyện này cho đến khi nhà văn TMT phơi trải ký ức của mình trong truyện ký “Bình Thủy 1969” và cho ấn hành vào năm 2006?

Thương ca 1, được biết đến nhiều hơn dưới cái tên “Tưởng như còn người yêu” của Lê Thị Ý và truyện ngắn/ký “Bình Thủy 1969” của nhà văn Trần Mộng Tú là những tác phẩm đầy ấn tượng về chiến tranh Việt Nam, được viết ra dưới góc nhìn của người phụ nữ, vốn là những nạn nhân câm nín của cái tai họa do đàn ông gây nên. Chúng ta không thấy máu, không thấy gươm đao, không bom rơi đạn nổ, chỉ có người chết, quan tài, và nỗi thống khỗ hoặc dồn nén, cô đọng như những tinh thể thủy tinh lóng lánh hoặc bùng vỡ như ngọn pháo bông ảm đạm, đầm đìa nước mắt. Đoạn văn gây ấn tượng nhiều nhất trong truyện ký “Bình Thủy 1969,” theo người viết, phải là phần trích dẫn dưới đây:

“Cuối cùng thì cũng đưa được quan tài về Sài Gòn. Khi xuống đến phi trường Tân Sơn Nhất thì cả người và cảnh trông thật bắt mắt. Nếu có cần quay một cảnh phim cho chiến tranh thì hay quá. Chiếc quan tài cũng không cần phải trang trí cho ra vẻ tang thương hơn nữa. Lá cờ phủ trên nó nhầu nát, xộc xệch, cô đơn, đã đủ vẻ tang thương. Hai nhân vật thất thểu xác xơ đứng cạnh không cần phải hóa trang hay diễn xuất, họ đi đứng như người mất hồn, ngơ ngác, thất lạc, rơi ra từng mảnh như những người lính vừa bại trận trở về. Cứ dựng máy quay phim lên, quay họ như thế vào phim cũng tuyệt lắm rồi…”

Chính tác giả, về sau này, cũng đã tự hỏi, “Tại sao lúc đó mà mình tỉnh khô như vậy, sao mình không phát rồ, phát điên, không đập đầu vào tường?” Thưa chị Trần Mộng Tú, chị đã có câu trả lời cho câu hỏi của chính mình chưa? Đi xa hơn, là nạn nhân trực tiếp của cuộc nội chiến tàn phá đất nước trong hai mươi năm, cảm nhận của chị về chiến tranh, đặc biệt chiến tranh Việt Nam, như là một người nữ và một nhà văn?

Trần Mộng Tú:

Đệ Nhị Thế Chiến kéo dài từ 1937-1945. Con số tử vong trên thế giới vừa dân vừa quân là 62 triệu người.

Vào tháng cuối cùng của năm 1943, thời điểm đó, người Nhật chưa rút hết ra khỏi Việt Nam, mẹ tôi đang có mang, chạy loạn từ Hà Nội về Hà Đông và trở dạ trên một chiếc xe rơm, kéo bởi một con bò. Tôi được sinh ra.

Cả gia đình tôi, anh chị lớn, em bé sau tôi, đều được sinh trong bệnh viện ở Hà Nội, chỉ mình tôi được sinh ra như thế. Chắc là tôi có duyên nghiệp với chiến tranh nhất nhà.

Trong cuộc chiến 1953-1975 ở đất nước Việt Nam, người ta gọi là: “Chiến Tranh ý thức hệ” hoặc “Chiến tranh Đông Dương thứ 2”. Hay còn được gọi là “Cuộc nội chiến Nam Bắc”. Tổng cộng số người chết từ 3 đến 5 triệu người. Trong số này có 1.1 triệu quân nhân của cả hai bên. Đáng thương là số những quân nhân trẻ bao giờ cũng nhiều hơn, nhất là ở miền Bắc Việt Nam. Một trong số quân nhân tử trận của cuộc nội chiến này, đã ảnh hưởng trầm trọng tâm hồn tôi suốt một đời. Chắc là tôi có duyên nghiệp với chiến tranh.

Phận mỏng của con người trong chiến tranh nào ai biết trước điều gì sẽ đến với mình. Hai mươi năm lớn lên ở Sài gòn không đối diện trực tiếp với chiến tranh nhưng cũng hiểu thấu đáo chiến tranh đi qua đất nước như thế nào. Ngay từ tuổi còn ở thiếu nữ cũng đã được chứng kiến những chiếc áo quan phủ quốc kỳ đi vào thành phố, được nghe pháo kích, được nhìn hỏa châu, được đọc tin tức chiến sự trên báo. Thời gian làm việc gần mười năm cho Hãng Thông Tấn The Associated Press cũng là thời gian được nghe, được nhìn thấy chiến tranh ngay tại chỗ làm hàng ngày của các ký giả đi về từ mặt trận. Chiến tranh lúc nào cũng đi song song với tôi. Chắc là tôi có duyên nghiệp với chiến tranh.

Tôi không lấy chồng nhà binh. Anh học Đại Học Sư Phạm ra, đang đi dậy (Pháp Văn), thì bị gọi trong đợt Tổng Động Viên 1968. (Khóa 3/68 Thủ Đức). Chắc là tôi có duyên nghiệp với chiến tranh.

Lấy nhau chưa được ba tháng, anh chưa kịp được biệt phái về như Bộ Giáo Dục hứa thì tôi thành quả phụ tử sĩ. Bây giờ thì không còn phải đoán “chắc là” nữa. Chắc chắn tôi có “nghiệp” với chiến tranh.

Vì có “nghiệp” với chiến tranh nên tôi là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến, một nạn nhân mang vết thương rất lạ. Vết thương của tôi, không bao giờ lành, luôn luôn hiện diện trong đời sống tôi, nhưng theo ngày tháng, theo tuổi đời, tôi đã biết hòa giải với chính mình, mỗi lần để hồn mình cúi xuống, đối diện với vết thương đã thành sẹo, vết sẹo chợt ửng lên, tôi vẫn thấy đau đớn nhưng không một chút oán trách, thù hận.

Tôi rất yêu quê hương của tôi, tôi thương yêu người Việt Nam của tôi quá đỗi. Tôi thương cuộc nội chiến huynh đệ này. Bỏ đi những tàn ác của một số người, những xấu xí của chính trị, những oan khiên một nhược tiểu phải gánh chịu, tôi xót xa cho thân phận đáng thương của người dân, người lính cả hai miền. (Điều này rất rõ rệt trong văn, thơ của tôi.)

Sau 40 năm hết chiến tranh nhưng vẫn không có một đất nước Việt Nam hiền hòa, an bình như lòng của những người dân hai miền mong ước. Tôi vẫn tiếc nuối một Sài Gòn, một miền Nam thời niên thiếu, vẫn ao ước một phép lạ nào đó xẩy ra cho đất nước mình, để tôi giải được cái “nghiệp” với chiến tranh.

(2) Tuyển tập thơ song ngữ The Defiant Muse

Tác giả Trần Mộng Tú không chỉ viết văn mà còn làm thơ, kể cả thơ tiếng Anh. Năm 2007, chị là nhà thơ nữ Hải ngoại duy nhất xuất hiện trong tuyển tập “The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present”. Trong bài nhận định sắc sảo “Nữ quyền dép râu,” nhà phê bình Đinh Từ Bích Thúy đã có những nhận xét như sau về sự hình thành của tuyển tập này:

“Nàng Thơ Ngạo Mạn” có dấu ấn “kosher” của guồng máy chính trị Việt Nam. Mặc dù bìa sách sau quảng cáo nỗ lực văn chương này như một phối hợp “từ những bản dịch tân kỳ của những bài thơ cổ, những sáng tác của những nhà thơ được tuyên phong trong thi văn Việt, đến những tác phẩm hiện đại của những nhà thơ trẻ tuổi nổi loạn và giận dữ của ngày hôm nay, đồng thời cũng bao gồm sự hiện diện của những nhà thơ hải ngoại,” sự thật không hẳn “dân chủ” như vậy. Đa số những nhà thơ phụ nữ trong Nàng Thơ Ngạo Mạn đã tham gia vào cuôc chiến “chống Mỹ cứu nước” hoặc sinh ra ở Việt Nam sau 1975. Chỉ có một nhà thơ (Trần Mộng Tú) và hai dịch giả (Rebekah Linh Collins và Đinh Từ Bích Thúy) trong tuyển tập Nàng Thơ Ngạo Mạn được coi như thuộc về thế hệ miền Nam trước 1975 và hiện nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Không kể những bài ca dao, thơ cổ và những bài thơ Tiền Chiến tương đối quen thuộc với độc giả thấm nhuần văn hóa Việt, văn chương và tiếng nói của phụ nữ thuộc thành phần “chế độ Mỹ Ngụy” 1954-1975 hoàn toàn vắng bóng trong tuyển tập. Có thể những nhà thơ phụ nữ của miền Nam trước đây đã từ chối không tham dự vào tuyển tập, hay có thể những di tích thi văn của họ đã bị tịch thu và tiêu hủy từ hơn 30 năm trước, khi miền Bắc thắng trận và mở chiến dịch tẩy chay và bắt bớ những “biệt kích văn hóa của chế độ ngụy.” Vì tang chứng của nền văn hóa này đã tiêu tán, nó không thể tái sinh trong “Nàng Thơ Ngạo Mạn” —một tuyển tập về thi ca Việt Nam trên nguyên tắc không có biên giới “nội,” “ngoại,” “Bắc,” “Nam,” “Cộng sản,” “Quốc gia.”’

Thưa nhà thơ Trần Mộng Tú, sự kiện chị là tác giả duy nhất của văn học Hải ngoại được chọn đưa vào tuyển tập này cùng với rất nhiều nhà thơ nữ thuộc nền văn học “cách mạng” và một số các nhà thơ thuộc thế hệ sau chiến tranh trong nước có cho chị cảm giác mình là một token, một “cử chỉ tượng trưng” để nhóm biên tập có lý do để tuyên bố về sự góp mặt “đông đủ” trong tuyển tập hay không? Đồng thời, ở vị trí độc đáo của mình (duy nhất đại diện cho hải ngoại và thuộc về phe chiến bại), nhận xét của chị về thơ nữ “cách mạng” được chọn đưa vào tuyển tập?

Trần Mộng Tú:

Tôi chẳng thấy cái gì là “vị trí độc đáo “cả. Họ liên lạc, xin chữ ký để chấp thuận cho một bài thơ của mình vào tuyển tập thì mình bằng lòng, thế thôi. Thơ, văn của tôi mười mấy năm trước ở trong nước in nhiều lần vào những tuyển tập, bày bán ở Sài Gòn, có bao giờ họ hỏi đâu. Sở dĩ lần này họ muốn mình ký giấy chấp thuận vì sách in ở Mỹ, phải theo đúng luật, thế thôi. Tôi không tự mình mang sách về Việt Nam in bao giờ cả, mặc dù Nhà Xuất Bản Phụ Nữ, Hà Nội có ngỏ ý mấy lần.

Tôi cũng chẳng thấy vì lý do gì mà mình quan trọng hẳn lên khi có bài thơ trong tuyển tập “The Defiant Muse” này.

Một bài thơ khác cũng về chiến tranh của tôi “Quà Tặng Trong Chiến Tranh”, dịch sang Anh văn cũng được chọn vào sách giáo khoa Mỹ (American Literature-nxb.Glencoe/McGraw-Hill) vào năm 1999, cho học sinh Trung Học so sánh với bài diễn văn The Gettysburg Address của Tổng Thống Abraham Lincoln đã làm tôi xúc động hơn là tự hào (như độc giả Việt Nam khen ngợi). Xúc động vì bài Thơ đó viết vào năm 1969, như một tờ vàng mã đã hóa trên phần mộ ở đất nước Việt ba mươi năm về trước, bây giờ ở trên đất Mỹ bài Thơ được mang ra như một mảnh băng quấn lại một vết thương đã thành sẹo. Vết sẹo, thoảng có khi nào cúi xuống nhìn cũng chợt ửng đỏ.

(3) Sự tao nhã của văn chương

Vào năm 1996, nhà thơ Đỗ Kh. cho ra mắt bài thơ “Linda Mặt Ngang” trên tạp chí Hợp Lưu. Tiếp theo đó là một cuộc tranh cãi náo nhiệt giữa những ngươi bênh và chống cái, mà vì thiếu từ ngữ chính xác hơn để diễn tả, tạm gọi là “sự thiếu tao nhã” trong văn chương. Trong số những người chống có nhà thơ TMT. Chỉ đến khi Phạm Thị Hoài sử dụng gần 5000 chữ lấy ra từ kho tàng văn chương bác học và văn chương bình dân của nước Nam ta để hướng dẫn cách “Sờ Linda” thì cuộc tranh chấp mới tạm yên ắng. Chuyện này xảy ra đã lâu, tháng ngày trôi, vật đổi sao dời. Đọc lại “Linda Mặt Ngang” hoặc một số các bài thơ của nhóm Mở Miệng vào ngày hôm nay, phản ứng của chị có khác đi chút nào hay không? Có bất cứ thay đổi nào về mức độ chấp nhận (degree of tolerance) về sự thiếu tao nhã trong văn chương, và tại sao?

Trần Mộng Tú:

Mỗi người yêu “Thơ,” yêu chữ nghĩa một cách khác nhau. Nói là tôi chống hoàn toàn cũng không đúng hẳn. Các bạn muốn viết gì là quyền của các bạn.Tôi chỉ nghĩ nếu dùng những chữ không tao nhã thì đừng nên gọi đó là “Thơ”.

Nhà văn Túy Hồng có lần nói với tôi: “Tín ngưỡng của Tú là Thơ, chứ không phải tôn giáo gì đâu.” (Trong khi chị biết tôi là một tín đồ Ki tô giáo.)

Chị nói thế vì chị biết tôi quý trọng “Thơ” đến thế nào. Bao giờ tôi cũng nghĩ về “Thơ” như thế. Làm sao có thể nghĩ khác về một tín ngưỡng mình sinh ra đã có sẵn trong hồn rồi.

Mà xúc phạm tín ngưỡng là điều đáng trách, đúng không?

tmt

Tháng 5/2015