Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

ERIC NGUYEN BÌNH LUẬN TIỂU THUYẾT “AFTER DISASTERS” CỦA VIET DINH

By Nina on Nov 10, 2016 03:00 am

from diaCRITICS, the leading blog on Vietnamese and diasporic arts, culture, and politics. diacritics.org

diaCRITIC Eric Nguyen bình luận cuốn tiểu thuyết đầu tay của Viet Dinh After Disasters.

clip_image002

Tác giả Viet Dinh.

Tháng 1 năm 2001, tại bang Gujarat, Ấn Độ đã xảy ra một trận động đất. Ước tính 13.805 đến 20.023 người thiệt mạng, cộng với 167.000 người bị thương, và gần 400.000 ngôi nhà bị phá hủy. Trận động đất này không được coi là một trong những trận động đất gây chết người nhiều nhất, cũng không phải là một trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận, nhưng nó là trận động đất mạnh đầu tiên của thiên niên kỷ, khởi đầu năm 2001 với hàng loạt tòa nhà sụp đổ và hàng ngàn người thiệt mạng. Đây là bối cảnh dựa trên đó Viet Dinh suy ngẫm về sự đau khổ và cứu rỗi trong tiểu thuyết đầu tay với tiêu đề rất thích hợp After Disasters (tạm dịch: Sau Những Cơn Thảm Họa).

Sau trận động đất, các đội cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố Bhuj, Ấn độ, trong đó có bốn nhân vật trung tâm của câu chuyện. Dev, một bác sĩ người Ấn và người gần địa phương nhất trong số những nhân viên cứu trợ, là người đầu tiên có mặt ở hiện trường, nơi “những đổ nát đã chặn đứng mọi nẻo đường [và] lối ra.” Tại đây, một nơi “không còn giống chút nào với cái thành phố [anh] đã đến thăm năm năm về trước” cùng vợ anh, Dev nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy công việc trong một phòng mổ tạm thời nơi “những đôi chân cánh tay đáng lẽ đã có thể cứu được đã bị hoại thư” và nơi “những chấn thương tụ máu dưới màng cứng khiến bệnh nhân mất phương hướng, không thể ngồi yên để được thăm khám.” Là một bác sĩ vận hành “những dịch vụ thiết yếu lâu dài” cho HIV/AIDS, Dev thiếu sự chuẩn bị và choáng ngợp. Nguồn tiếp thế thì thiếu thốn và những thi thể không tên ngày càng dồn lại nhiều hơn. Đối mặt với thực tế này, Dev tự hỏi anh có thể làm được gì, nhưng chỉ cảm thấy bản thân anh lặng lẽ lún dần, một cách văn vẻ, “vào giữa khung cảnh hoang tàn đổ nát.”

Andy, một anh lính cứu hỏa người Anh chưa từng va chạm thực tế, đảm nhận phần việc chân tay nặng nhọc của việc tìm kiếm thi thể. Với đội cứu hộ của anh, anh lao vào vô số những tòa nhà đổ nát và tăm tối, nơi anh “không thể phân biệt được người sống với người chết.” Là người mới vào nghề, anh vừa hoảng sợ vừa lo âu về những gì anh sẽ tìm được và về viễn cảnh thất bại. Sau lần cứu hộ đầu tiên, anh gặp nhân viên cứu trợ người Mỹ tên Ted, người cùng anh chia sẻ một nụ hôn—“bất kỳ mẩu hạnh phúc nhỏ bé nào” giữa chết chóc và hoang tàn—và Piotr, một nhân viên cứu trợ kỳ cựu.

clip_image004

After Disasters của Viet Dinh

Với một dàn nhân vật khá rộng như vậy, cuốn tiểu thuyết của Dinh có nguy cơ thiếu tập trung. Nhưng khi câu chuyện của họ bắt đầu kết nối, chúng ta biết rằng cuộc đời họ đã được dệt vào nhau và không thể tách rời. Đến giữa cuốn sách, chúng ta hồi tưởng lại cuộc đời trước đây của Ted với tư cách là đại diện dược phẩm của công ty Avartis. Là một công ty dược phẩm lớn, Avartis giữ độc quyền sáng chế Triacept, một dược phẩm trị AIDS còn cần quyết định phê chuẩn sau cùng để được phân phối. Vốn có một người yêu cũ mắc bệnh AIDS, Ted coi bản thân như là người giúp mang đến sự tồn tại—thông qua thị trường—một dược phẩm sẽ có thể giúp những người mắc bệnh này.

Trong một chuyến đi đến Ấn Độ cho một hội thảo về AIDS, Ted gặp Dev. Dev khi đó đã là một “ngôi sao đang lên” trong cộng đồng hoạt động vì AIDS vì là “một người xem thường luật sáng chế,” người “lảng tránh các vấn đề về sở hữu trí tuệ để tập trung vào đòi hỏi khẩn thiết của các quốc gia nghèo hơn trong việc điều trị các ca nhiễm HIV một cách rẻ tiền hơn và hiệu quả hơn.” Họ phải lòng nhau, ngủ với nhau một đêm, rồi sau đó cùng nhau đi một chuyến tàu đến Benares và sông Hằng. Ở đó, Ted và Dev có một bất đồng mãnh liệt, khiến người đọc liên tưởng đến những đoạn dữ dội nhất trong một tác phẩm khác về AIDS, cuốn Angels in America của Tony Kushner. Khi bị đối đầu về công việc của anh với một công ty đang giữ lại một dược phẩm có khả năng cứu mạng người, Ted tuyên bố “công ty đó cứu nhiều mạng người.” Dev bác bỏ một cách mỉa mai: “Và anh nghĩ điều đó khiến anh là một người tử tế hơn.”

Đến phần cuối của đoạn hồi tưởng này, một điều trở nên rõ ràng, đó là Ted gia nhập USAID vì  ân hận, để tìm một cơ hội làm một điều gì đó tốt đẹp trên thế giới. Tất nhiên, điều này không dễ dàng. “Khi Ted bắt đầu huấn luyện với USAID, anh ta tưởng tượng mình đứng trước các máy quay truyền hình, trao bộ dụng cụ xây nhà cho một gia đình tràn đầy lòng biết ơn,” Dinh viết. Nhưng bối cảnh của thành phố Bhuj sau trận động đất không mang lại một sự thỏa mãn dễ dàng và thuần khiết như thế. Có những khó khăn về rào cản ngôn ngữ và hậu cần. Có những nạn nhân nhưng cũng có những kẻ cướp chỉ chờ cơ hội. Một phụ nữ bị vùi dưới gạch vụn có thể xin một cái búa để tự cứu mình ra; một ngôi làng nơi nhà cửa bị phá hủy có thể sẵn lòng cho một nhân viên cứu trợ ở nhờ. Ted nhận ra rằng, làm một nhân viên cứu trợ và làm việc thiện là khó, bởi vì bản tính con người là khó khăn và phức tạp—cả những nạn nhân và người cứu hộ đều như vậy.

Đó có lẽ là điều cả bốn nhân vật đều học được: chấm dứt sự đau khổ của người khác không phải là dễ. Như vậy, câu hỏi Dinh đặt ra là: một người có thể làm gì khi đối diện với những người đang đau khổ? Chúng ta có nghĩa vụ gì với những người đau khổ? Và, ngược lại, những người đau khổ có nghĩa vụ gì với những kẻ (cố gắng) làm giảm nỗi đau của họ? Và điều này vận hành như thế nào trong hệ thống kinh tế hiện đại với những biểu hiện của nó, trong đó có cả những mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng? (Piotr có lúc nghĩ rằng anh ta đang làm việc thiện, “nhưng,” anh thừa nhận, “việc này cũng mang lại lợi nhuận nữa.”)

Suy ngẫm của Dinh về sự đau khổ không tập trung vào thảm họa tự nhiên. Với After Disasters, Dinh đã viết một cuốn tiểu thuyết AIDS cho cả một thế kỷ mới ở Mỹ nữa. Các nhân vật của Dinh, những người bắt đầu vào tuổi trung niên trong thập niên 90, là một phần của một “thế hệ mà đối với họ HIV không phải là một điều ngạc nhiên mà là một bí ẩn đang hé lộ,” Dinh viết. Họ là cầu nối giữa dịch AIDS ban đầu của thập niên 80 và thế hệ bây giờ bắt đầu đến tuổi trưởng thành và được hưởng lợi ích của trị liệu PrEP. Sự bất lực của Ted khi không biết phải làm gì trước sự đau khổ của người tình mắc bệnh AIDS khiến anh đầu quân cho Avartis và sau đó đến Ấn Độ với tư cách là nhân viên USAID. Việc thiếu khả năng đối phó là lực đẩy chính trong câu chuyện của Ted, khiến After Disasters trở thành tác phẩm kế thừa của các truyện về AIDS của các thập niên 80 và 90: thế giới khi đó là thế giới của cơn dịch lan tràn, còn thế giới của After Disasters là nơi ta thấy sự đau khổ quy được ra tiền.

Điều thú vị là cuốn tiểu thuyết kết thúc ở thời điểm sau ngày 11/9. Sự hoán đổi vai trò đột ngột này—trong đó những người Mỹ bình thường là nạn nhân thay vì là nhân chứng hay người giúp đỡ—đưa cuốn sách về điểm xuất phát, hoàn tất một cuốn tiểu thuyết đầy tham vọng nhằm tìm hiểu cận kề và phê bình vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ. Đó có lẽ là lý do tại sao Dinh chọn viết chủ yếu từ góc nhìn của những người đàn ông da trắng. Bối cảnh của nước Ấn Độ sau trận động đất cho phép các nhân vật của anh hành xử với quyền thế của người da trắng, để rồi sau đó đảo ngược kịch bản: người đàn ông da trắng từ chỗ có tư cách là đấng cứu tinh trở thành người đàn ông da trắng với tư cách là kẻ xâm phạm và người đàn ông da trắng với tư cách là kẻ không đủ khả năng cứu vớt bất kỳ ai, kể cả chính anh ta. Việc cuốn tiểu thuyết kết thúc với những nhân vật chính vội vã rời khỏi Ấn Độ sớm hơn dự định sau một thảm kịch cũng nói lên nhiều điều, nhất là khi Dinh là một tác giả người Mỹ gốc Việt mang theo mình hành trang của cuộc chiến tranh Việt Nam như mọi người Mỹ gốc Việt khác. Từ góc nhìn đó, After Disasters có thể được xem là một tác phẩm hậu thực dân cũng như là một tác phẩm của người Mỹ gốc Việt. Đồng thời, Dinh cũng chưa bao giờ bỏ qua những tình cảm rất người của các nhân vật của anh—những khao khát và nhu cầu của họ. Kết quả là một cuốn sách thú vị cả về mặt trí tuệ lẫn cảm xúc. After Disasters là một cuốn tiểu thuyết đầu tay đầy ấn tượng từ một nhà văn chúng ta sẽ còn được đọc thêm nhiều trong tương lai.

Mua cuốn sách tại đây.

After Disasters

Tác giả Viet Dinh.

Little A

265 trang

$24.95/$14.95