Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Phỏng vấn Nina McPherson – Kỳ 4

Trần Vũ thực hiện

Văn chương Việt Nam toát lên một nổi ám ảnh quá khứ. Người Việt bị quá khứ nhập tràng. Nhà văn Việt để tang cho quá khứ đánh mất, làm như với cuộc ly tán, cùng những vết thương sâu đậm của chiến tranh, quá khứ của người Việt bị cướp mất. Và thiếu quá khứ chung, tương lai trở nên khó hiểu.

[Nina McPherson]

--oOo--

Trần Vũ: Mùa Thu 93 vừa qua, hình như Nina đến Việt Nam lần đầu? Ấn tượng đầu tiên của Nina ra sao? Việt Nam có thật khác Trung Hoa? Có giống Một Thiên Đường Mù?

Nina McPherson: Thật ra, không phải là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi đã thăm Hà Nội và Sàigòn năm 91, với tư cách cố vấn Á châu cho ngân hàng Indosuez (Ngân hàng Đông Dương cũ, Banque de L’Indochine sát nhập với Banque de Suez), nhưng lúc đó tôi đi trong một đoàn thương mãi, không được tự do đi lại, bị kiểm soát rất chặt chẽ. Và tôi cũng không quen ai. Ấn tượng đầu tiên là thủ tục quan liêu Cộng Sản ở đây là một bản sao khủng khiếp của Cộng Sản Trung Quốc. Cũng ngần ấy đạo đức giả. Cùng một cung cách lừa gạt ngoại kiều. Thời ấy tôi chưa biết một chữ tiếng Việt, nhưng vẫn hiểu đại khái những câu chuyện. Nhất là ở Hà Nội, nơi từ vựng và cách phát âm gần giống với tiếng Phổ Thông. Thật kỳ quặc, lần đầu đến Việt Nam nhưng tôi có cảm tưởng đã trông thấy, đã sống qua, vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Tôi chưa hiểu các chữ “phở” hay “nem” hoặc “bún”, nhưng những từ như “Tư hữu hóa”, “Kiều hối”, “Tư bản”, “Cộng sản”, “Lãi suất”, “Cổ đông”, “Thị trường chứng khoán” hoặc “Ngoại giao”, “Hữu nghị”, “Đàm phán”, “Hộ khẩu”, “Lý lịch”, v.v.. — các từ vựng kinh tế và chính trị hoàn toàn là tiếng Trung Hoa. Nhưng Việt Nam đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Như mọi người Mỹ đến Việt Nam, tôi ngạc nhiên thấy người Việt không hề có thái độ thù hằn đối với mình. Đặc biệt, tôi mê sự khác biệt giữa tính khí của người Việt với người Tàu. Người Tàu đại đa số như đàn cừu, còn người Việt có cá tính mạnh, sởi lởi như người miền Nam châu Âu, lại lai văn hóa. Tâm trạng của người Việt phức tạp, sự phân tâm – mà, có thể, người Việt xem như căn bệnh quốc gia, một thảm kịch – đối với tôi lại là một luồng sinh khí, so với thời tôi sống sự rập khuôn ở Hoa Lục với nền giáo lý Khổng Mạnh muôn thuở. Ở người Việt, Khổng giáo du di và tình cảm hơn. Tôi thấy mình gần gũi với người Việt, vì tôi cũng là một thứ lai văn hóa, gốc gác Hung Gia Lợi, lớn lên ở Pháp, trưởng thành ở Hoa Kỳ và học tiếng Phổ Thông (Quan Thoại), tôi mang trong mình sự phân tâm này.

Chuyến trở về Việt Nam lần thứ nhì, mới thật sự là lần đầu đối với tôi. Vì tôi linh cảm mình được chờ đợi. Tôi đi với mục đi duy nhất: Gặp và tìm hiểu Dương Thu Hương, nên rất bồn chồn. Trong thư từ trao đổi với chị Hương, hai năm liền qua trung gian anh Phan Huy Đường, tôi cảm thấy thật gần gũi chị, mặc dù ở xa, vẫn yêu mến tấm lòng vị tha, tánh khiêm nhường lạ lùng, tính hài hước và những tình cảm mẫu tử chị dành cho tôi. Nhưng tôi cũng biết chị Hương dễ kích động, có cá tánh mạnh mẽ. Chưa chắc hai chúng tôi sẽ hợp nhau! Tôi trông thấy chị trước tiên ở phi trường, bên kia những quầy Hải Quan âm u. Chị thật đẹp, tươi cười với bó hoa trên tay. Bên cạnh chị còn có nhà văn Bảo Ninh, và dịch giả Dương Tường. Tôi cực xúc động. Tất cả diễn ra như trong tiểu thuyết của Dương Thu Hương!

Trần Vũ: Nina làm thế nào để chuyện trò với họ?

Nina McPherson: Tôi rất sung sướng và ngạc nhiên là Dương Thu Hương cũng nói tạm được tiếng Pháp, dù chị chỉ học 6 tháng trong nhà tù với một quyển tự điển! Thật tình, mối liên hệ giữa hai chị em chúng tôi vượt giới hạn của ngôn ngữ, chỉ cần cắn đôi một chữ đã hiểu nhau. Dương Thu Hương là một người đàn bà – không, một con người – nhạy cảm nhất mà tôi từng gặp. Không thể giấu chị điều gì. Chị đoán tất. Một thứ tri thức hiếm, chắc chắn rất khủng khiếp đối với đàn ông và với tất cả mọi thứ quyền lực. Tóm lại, tôi với chị rất hợp nhau. Trong 2 tuần lễ, tôi với chị gặp nhau hầu như mỗi ngày. Chị dẫn tôi đi chơi từ sáng đến tối. Đưa tôi đi ăn tất cả những món ăn tôi thèm khát qua tiểu thuyết của chị. Tôi đã sống những giây phút giản dị mà thật quý báu. Một bát phở ở lề đường, một chén chè khuya cuối phố hàng Đào. Một buổi cắm trại, những con se sẻ nướng ướp ngũ vị hương ở gần thành Cổ Loa, với gia đình chị Hương. Tôi cũng muốn nói thêm là vào năm 93, dân chúng Hà Nội đều biết và rất quý chị Hương. Tuần lễ thứ nhì, chúng tôi bàn về dự tính làm một cuốn phim, dựa trên kinh nghiệm chiến tranh của Dương Thu Hương. Chúng tôi mướn một thông dịch viên để chị Hương có thể trình bày hết mọi ý tưởng của mình. Cuộc đời của chị Hương làm tôi choáng váng. Tôi đã thâu hơn sáu giờ băng, và có lẽ thâu cả 50 giờ cũng vẫn còn muốn nghe.

Trần Vũ: Nina còn gặp nhà văn nào khác nữa?

Nina McPherson: Tôi ra Hà Nội, mục đich chính là gặp Dương Thu Hương, cùng làm việc với chị về dự án quay phim, nên không có mấy thời giờ gặp quần hào Hà Nội. Mặt khác, mọi người biết tôi “đi với chị Hương”, nên nhiều nhà văn mà tôi muốn gặp đã tránh mặt. Vũ biết đó, kẻ sĩ Bắc Hà sinh sống trong một ngôi làng và trong cái làng bé xíu đó, Dương Thu Hương, ở vị thế một người đàn bà, một người phản kháng, chịu ruồng rẫy. Chịu cô lập, đối với Dương Thu Hương, vừa là một chọn lựa, vừa là cái giá phải trả cho tự do của mình, chối từ sự đê tiện phổ biến trong môi trường ấy. Có một ngoại lệ là nhà văn Bảo Ninh, một người bạn thân của Dương Thu Hương, một người đã trả giá và còn tiếp tục trả giá cho tự do ngòi bút của mình. Tôi rất qúy anh Ninh, nhà văn và con người. Trước khi gặp Bảo Ninh tôi có đọc truyện ngắn Gió Dại. Tính chất trữ tình, lòng xót thương, ý chí muốn hiểu thảm kịch thân phận đàn bà – Việt Nam hay ngoại quốc – của Bảo Ninh làm tôi nghẹt thở. Ở Hà Nội, cả ba chúng tôi chia sẻ những giờ phút thật vui. Bảo Ninh là một người gợi cho tôi nhiều tin cậy. Anh đã chịu đựng tiếng Việt gớm ghiếc của tôi trong suốt thời gian tôi ở Bắc. Tình bạn chân thành giữa Dương Thu Hương và Bảo Ninh làm tôi xúc động mãnh liệt. Tình bạn giữa một người đàn ông và một người đàn bà thường hiếm, bất cứ ở đâu trên thế giới, ở Việt Nam càng hiếm hơn!

Trần Vũ: Là một người ngoại quốc, Nina nhận xét đặc biệt nào về văn chương đương đại Việt Nam? Có hay không, một chủ đề chính?

Nina McPherson: Tôi không chắc chúng ta có thể khoanh vùng một chủ đề văn hóa hoặc quốc gia nào trong văn chương, nhất là đối với một dân tộc sống rải rác như dân Việt. Nhưng tôi dám nói rằng có một chủ đề – đúng ra là một mối ám ảnh lớn – trong văn chương Việt Nam hôm nay, cho dù là tác phẩm của các nhà văn Việt kiều hay của những người viết văn phản kháng trong nước, văn xuôi Việt Nam vẫn nổi cộm lên một nỗi ám ảnh thời gian – gần như kiểu Proust đi tìm thời gian đánh mất: Quá khứ. Trong nghĩa đó, văn chương phản ảnh tâm tình của quần chúng. Đối chọi hẳn với văn học Hoa Kỳ mà tôi nghĩ bận tâm với thực tại và hướng về tương lai nhiều hơn. Văn chương Việt, theo ý riêng của tôi, bị quá khứ nhập tràng. Nhưng không phải là một quá khứ chết, một quá khứ vẫn tiếp tục sống trong hiện tại, dưới khía cạnh nào đó còn thực hơn cả thực tại. Tôi rất kinh ngạc khi thấy các nhà văn Việt đều để tang cho quá khứ đánh mất, một thứ quá khứ chung, xưa cũ, không thể vãn hồi. Làm như, với cuộc ly tán, cùng những vết thương sâu đậm của chiến tranh, quá khứ của người Việt bị cướp mất. Và thiếu quá khứ chung, tương lai trở nên khó hiểu… Ở những người viết truyện thật khác biệt như Dương Thu Hương, Bảo Ninh, hay ở Vũ, điều đó thấy rất đậm nét. Nhà văn Việt sống với quá khứ, làm như họ muốn cứu vãn nó. Trong Tiểu Thuyết Vô Đề, nhân vật Quân sống hoàn toàn bằng “flash-backs”. Thời gian của Quân là tầm nhìn của Dương Thu Hương. Một thứ thực tại trống rỗng ý nghĩa, chỉ có quá khứ. Có thể, vì quá khứ của người Việt khó hiểu, không đồng nhất, muôn mặt. Làm thế nào để diễn tả kinh nghiệm thời gian này? Đối với tôi, là câu hỏi dành cho mỗi bản dịch. Chỉ trên phương diện kỹ thuật đã rất khó, vì thời gian trong ngôn ngữ của người Việt, cũng như trong tiếng Hoa, hoàn toàn mơ hồ và trạng huống, trong lúc ở tiếng Anh hoặc tiếng Pháp phải cực kỳ chính xác.

Nhưng khó khăn không ở khâu kỹ thuật mà mang tính cách tâm thần nhiều hơn. Ví dụ: Khi dịch Tiểu Thuyết Vô Đề, tôi đề nghị sau khi thảo luận với Dương Thu Hương, dịch tất cả những hồi ức, hồi tưởng, “flash-backs” quay về quá khứ ở thì hiện tại (Temps Présent) và phần còn lại của câu chuyện – thực tại của chiến tranh đang diễn ra – trong thì quá khứ chết (Passé Simple/Preterite). Và chị Hương đã chấp thuận. Mục đích của tôi – là muốn người đọc, như nhân vật Quân, sống hết mình, thật dữ dội, những đứt đoạn giữa quá khứ và hiện tại.

Dưới một góc độ tương đối, Tiểu Thuyết Vô Đề còn là một phương thức giúp người đọc Hoa Kỳ nghiệm sinh quá trình tỉnh mộng. Tôi vẫn nghĩ, mỗi một con người cần sống một truyện kể – và chia sẻ câu chuyện đó với kẻ khác. Với người Việt, câu chuyện của đời sống, của quá khứ, của hiện tại và tương lai, đã bị phá vỡ. Sự cắt đứt tàn bạo qua hai mốc thời điểm 54-75, cùng một lúc là một thảm kịch, nhưng cũng trở thành kho tàng lớn cho sáng tạo.

Trần Vũ: Nina dự tính gì hiện nay?

Nina McPherson: Nội dịch thuật không cũng đã rất nhiều. Hiện thời tôi tìm cách xuất bản ở Hoa Kỳ tập truyện ngắn Việt Nam Giấc Ngủ Nơi Trần Thế do anh Phan Huy Đường tuyển chọn. Với anh ấy, tôi cùng dịch sang tiếng Anh 6 truyện ngắn của Bảo Ninh, Nguyễn Thị Ấm, Đỗ Phước Tiến, Trần Trung Chính, Trần Đạo, và một truyện ngắn vượt biên của Vũ mà mình cùng thảo luận bữa trước. Đối với các nhà xuất bản Mỹ, truyện ngắn không ăn khách lắm, họ thích in tiểu thuyết hơn. Do đó tôi quyết định gửi đăng mấy truyện ngắn này trên các tạp chí văn chương lớn ở Hoa Kỳ và ở Anh, nhằm đánh động các nhà xuất bản và cảm thức của giới phê bình.

Số báo tới, truyện ngắn Giấc Ngủ Nơi Trần Thế của Nguyễn Thị Ấm sẽ đăng trên Grand Street, một tập san văn chương vùng Nữu Ước, cũng là tập san đã đăng Phạm Thị Hoài và Dương Thu Hương. Truyện ngắn của Trần Đạo, Bộ Xương Người Trị Giá Một Tỷ Đô La sắp đăng trên tạp chí Story và The Coral Reef (Biển San Hô) của Vũ, cùng với Savage Winds (Gió Dại) của Bảo Ninh sẽ đăng trên Granta, là tập san văn chương uy tín trong thế giới Anh ngữ. Chỉ mới là khởi đầu. Thêm một nhà văn Việt được đăng, là mở rộng thêm cánh cửa cho những người khác. Tạo môi trường là khâu rất quan trọng. Một khung cảnh giúp người Mỹ thưởng ngoạn văn chương Việt Nam. Tôi cũng dự tính dịch tập Cái Chết Sau Quá Khứ của Vũ mà mình đã thỏa thuận hôm nọ. Hiện tại tôi với anh Đường đang điều đình với nhiều nhà xuất bản Mỹ. Ngoài dịch truyện, tôi đang làm việc cho dự án quay phim Tiếng Hát Át Tiếng Bom dựa trên kinh nghiệm của Dương Thu Hương. Hiện đang trong giai đoạn phát thảo truyện phim mà tôi cùng viết chung với chị Hương và anh Đường. Chúng tôi đang tìm đạo diễn với người bảo trợ chi phí. Nếu thành, chắc chắn tôi sẽ sang sống ở Việt Nam nhiều tháng để học tiếng Việt và cùng khai triển truyện phim với Dương Thu Hương.

Trần Vũ: Câu hỏi chót. Việc đã dịch nhiều văn bản, có gợi ra cho Nina ước muốn cầm bút tự tạo ra thế giới của riêng mình? Và Nina sẽ kể chuyện gì, ngày mai, nếu bước qua cánh cửa sáng tác?

Nina McPherson: Càng dịch, tôi càng ao ước viết. Nhưng cùng lúc dịch thuật cũng cho phép tôi tự trình bày, qua những tiếng nói khác nhau. Không chỉ đơn thuần là những bài tập bút pháp; nhưng là một phong cách của riêng tôi. Thật sự, trong tuyệt đối không ai có thể dịch được, chỉ có sáng tác. Cũng đừng quên chữ “thuật” trong từ “dịch thuật” trong tiếng Việt; người dịch cùng lúc kể lại câu chuyện bằng xúc cảm của mình. Còn nếu sáng tác, tôi sẽ kể chuyện gì? Thật tình, tôi khát khao viết về kinh nghiệm sống thực của mình ở Trung Hoa. Tôi có nhiều ý tưởng. Nhưng rất thành thật, tôi có hai sở đoản: ngại ngùng không dám viết tự truyện, và quá khứ ký giả. Nghề ký giả giết chết nghề văn, vì bắt người viết văn chạy trốn bề sâu, và quá dấn thân trên bề mặt. Tôi còn quá gắn bó với vai trò nhân chứng. Đó là một mâu thuẫn có thể trở thành sáng tạo như trường hợp Nadine Gordimer. Nhưng muốn viết truyện giả tưởng, phải buông thả hết mình. Và trước khi buông thả, phải hiểu mình. Ở tuổi 33, chắc đã đến lúc thử nghiệm.

TV thực hiện bằng Pháp văn và phiên dịch, Paris 25 tháng 3-1994, đánh máy lại tháng 7 & 8-2016