Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

“NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI” Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp của công cuộc hiện đại hóa thuộc địa ở Việt Nam – Phần 1

Kính thưa các quý vị độc giả!

Nhân 80 năm ngày nhà báo, dịch giả, Danh nhân Văn hóa Việt Nam Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, BBT Tannamtu.com đã trình bày trước các qúy vị một số tư liệu quan trọng cùng những hoạt động nhằm tưởng nhớ đến con người có sự nghiệp xuất sắc về văn hóa, văn học, ngôn ngữ, và tư tưởng dân chủ trong thế kỷ XX ở Việt Nam.

Phần lớn những tư liệu liên quan đến học giả Nguyễn Văn Vĩnh được công bố trên trang tin của chúng tôi, đều do những cơ duyên với cuộc đời đem lại. Chuyên môn nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hóa, xã hội, văn học hay ngôn ngữ… chúng tôi luôn ở mức độ hạn chế. 95% yêu cầu về tài chính dành cho các công việc liên quan đến đề tài, đều do tự thân với một giới hạn nhất định.

Nhấn mạnh thực tế này vì chúng tôi muốn đề cao sự may mắn, sự thiện tình, nhân duyên với nhiều người trong chính các quý vị, những người có tấm lòng quý hóa, trân trọng sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, từ đó, các bạn đã giúp chúng tôi đi được một chặng đường không ngắn trong việc bạch hóa những điều mà một giai đoạn dài, lịch sử và những người làm sử VN đã lảng tránh! Thậm chí, ngày hôm nay, họ vẫn tìm cách “né tránh” trước yêu của cầu lịch sử: phải đặt danh dự của nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đúng vị trí như bản thân sự nghiệp của ông đã tự xác định.

Chúng tôi biết, sự im lặng là nỗi dằn vặt dai dẳng trong lương tâm của những người chịu trách nhiệm, những nhà chuyên môn, và cả những người chủ trương né tránh, chừng nào họ còn tồn tại (*).

Thông qua những tư liệu được tổng hợp sau một quá trình dài tích lũy, chúng tôi không chủ quan để xác định, con người, sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện một sự thật lịch sử tinh khiết, không một gợn của sự tô vẽ, huyễn hoặc, vì vậy, cuộc sống không thể làm méo mó nó bằng sự áp đặt, cũng như việc lảng tránh.

Sau khi chúng tôi công bố bài nhận định về sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh do Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947) –Chủ tịch đầu tiên của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ ở VN – viết bằng tiếng Pháp và đăng ở Hà Nội năm 1936, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các nhà nghiên cứu, các độc giả nặng tình với nền văn hóa nước nhà, đã bày tỏ sự khâm phục và lòng biết ơn sâu nặng trước một Nguyễn Văn Vĩnh, con người đã dâng hiến tất cả sức lực, tâm chí, và tấm lòng vì sự phát triển trí tuệ của giống nòi, của con dân nước Việt.

Lần này, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu bài viết của giáo sư Christopher E. Goscha, là giảng viên khoa Đông phương học thuộc đại học Montreal – Canada, viết năm 2001 về Nguyễn Văn Vĩnh. Giáo sư Goscha là một trong những người mà chúng tôi được làm quen thông qua những người quý trọng Nguyễn Văn Vĩnh. Chúng tôi đã nhận được từ ông nhiều tài liệu quý về Nguyễn Văn Vĩnh. Hình như, ông Goscha với chúng tôi là những người có mối nhân duyên tiền định.

clip_image002Giáo sư Christopher E. Goscha

Người được tặng bài viết này năm 2003 từ một người trân trọng Nguyễn Văn Vĩnh, yêu quý văn hóa Việt – Pháp, nhưng đã không có cơ hội để hiểu. Người được tặng bài viết này đã để trong cặp công tác của mình suốt hơn 2 năm trời. Trong hai năm đó, lúc nào ông cũng hy vọng sẽ gặp được người nhận dịch sang tiếng Việt… song đã quá một lần bị từ chối vì lý do khó dịch!

Năm 2005, bài viết đã được cố dịch giả Đào Hùng (1932 – 2013, con trai trưởng của sử gia Đào Duy Anh 1904 – 1988), dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Tuy nhiên, sau khi được dịch sang tiếng Việt, chủ nhân tự nhận thấy văn phong của người dịch đôi chỗ thể hiện sự vội vàng. Có những đoạn văn, những dữ kiện người dịch đã không thật chú tâm, nên việc sử dụng từ ngữ thiếu sự chọn lọc, điều thường gặp ở những người có cuộc sống quá bận rộn.

Bên cạnh đó, việc người dịch đã trích một số đoạn trong bài viết đưa lên tạp chí Xưa và Nay (khi chưa có sự thống nhất với tác giả), đã làm cho một vài độc giả có những góc nhìn về Nguyễn Văn Vĩnh chưa khách quan do các trích đoạn bị thiếu tính hệ thống, ít nhiều làm hạn chế việc nhận biết quan điểm của tác giả bài viết.

Để hiểu rõ hơn nội dung và quan điểm của tác giả, người giữ bài viết này của giáo sư C. Goscha đã đề nghị một đối tượng khác, được mệnh danh là người uy tín trong làng Pháp văn ở VN dịch thêm một lần nữa. Việc dịch lần thứ hai bài viết của giáo sư Goscha đã giúp chủ nhân có bài viết đọc thấy hiểu được toàn diện hơn, sâu sắc hơn, tính lô zíc thể hiện rõ hơn. Đặc biệt là khi kết hợp cùng với bản dịch lần thứ nhất. Đáng tiếc, người dịch thứ hai đã không đồng ý ký vào bản dịch của mình vì lý do chính trị “tế nhị”…!

Bài viết của Christopher E. Goscha về Nguyễn Văn Vĩnh đã được in không đầy đủ (được sự cho phép của tác giả) trong cuốn sách“Nguyễn Văn Vĩnh là ai?” do NXB Tri thức phát hành năm 2013 tại Hà Nội. Lý do bài viết đã phải cắt đi một vài đoạn vì được cho là “nhạy cảm”, có thể gây khó khăn khi kiểm duyệt.

Chúng tôi coi đây là một bài viết cực kỳ bổ ích, người viết với thái độ khách quan, cùng những đánh giá quan trọng từ góc nhìn của một người làm sử, thể hiện tính quy mô trong nhận thức về Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, ở một vài khía cạnh, tác giả có những nhận định chưa thực xác đáng trong sự nghiệp của một người Việt Nam đã được xã hội mệnh danh là “Khổng lồ” của đời sống văn hóa tư tưởng giai đoạn 30 năm đầu ở thế kỷ XX.

Theo chủ quan của chúng tôi, bài viết được hình thành từ năm 2001, khi mà tác giả nhìn nhận và đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh vẫn ở những phạm vi giới hạn, phụ thuộc vào những tư liệu mà tác giả được tiếp cận đến thời điểm đó. Ngoài ra, nhìn lại suốt 50 năm trước khi có bài nhận định này về Nguyễn Văn Vĩnh, cần phải khẳng định rằng, chưa có nhà nghiên cứu nào ở VN đặt bút viết một cách toàn diện, với tính hệ thống và nhãn quan khoa học về sự nghiệp văn hóa đồ xộ của Nguyễn Văn Vĩnh như vị giáo sư này.

Quan điểm của người viết có những khía cạnh chưa sát với bản chất sự việc mà hôm nay, chúng ta nhờ được tiếp xúc với nhiều tư liệu hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn về Nguyễn Văn Vĩnh, nên chúng ta mới có được cách nhìn tổng thể và sâu sắc hơn. Bài viết từ góc nhìn riêng của tác giả thể hiện tính chủ quan của người viết, nó có thể tạo sự khác nhau trong nhận thức của người đọc ở một vài góc độ về Nguyễn Văn Vĩnh, điều này cũng là chuyện không có gì lạ.

Để đảm bảo sự trung thực với nội dung của bài viết. BBT Tannamtu.com xin được giới thiệu toàn văn bài viết được dịch sang tiếng Việt, với sự kết hợp giữa cả hai bản dịch của cả hai người, để gửi đến các quý vị độc giả, đặc biệt là các bạn độc giả ở xa, những người quan tâm đến đề tài Nguyễn Văn Vĩnh nhưng chưa có điều kiện đọc cuốn sách“Nguyễn Văn Vĩnh là ai?”. Qua đây, cũng là cơ hội để chúng ta biết thêm được quan điểm của một người nước ngoài nhận thức về quá khứ lịch sử của tiến trình hình thành nền văn hóa, văn học Việt Nam thời kỳ thuộc địa đã diễn ra như thế nào?!

Chúng tôi xin chia bài viết làm ba phần để tiện cho việc đăng tải. Năm 2006, chúng tôi được biết bài viết có cả bằng tiếng Anh, vì vậy, lần này, chúng tôi xin chuyển tới các bạn độc giả bản tiếng Pháp và tiếng Anh bằng đường link, cùng với bản dịch tiếng Việt.

Các ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc về vấn đề dịch thuật, về những nội dung nêu trong bài viết, nếu có. xin các quý vị độc giả vui lòng liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ email: nguyenlanbinh@gmail.com.

Chúng tôi xin thành thực cảm ơn sự quan tâm của các quý vị và các bạn!

Trân trọng!

BBT Tannamtu.com

NGUYỄN LÂN BÌNH

Ghi chú:

BBT chúng tôi xin mạo muội tác giả bài viết việc có chỉnh sửa một đôi chi tiết liên quan đến dữ liệu về năm, tháng trong bài viết, sau khi chúng tôi đã đối chiếu với tư liệu gốc trong lưu trữ.

Do kết hợp bản dịch cả của hai người, nên phần chú thích không được khớp với bản gốc, xin các quý vị lượng thứ. Trong trường hợp, nếu thấy cần phải biết chính xác, các quý vị có thể so sánh với bản tổng hợp chú thich mà chúng tôi đăng kèm.

(*) Chữ “ngậm miệng ăn tiền” rất đúng và căn bệnh cũng lây lan rất nặng. Thậm chí có nhiều vụ án, chỉ vì sợ mất việc làm mà nhiều người, hay cả tập thể sẵn sàng im hơi lặng tiếng, hoặc làm chứng dối, mặc cái sai lộng hành, miễn là ta vẫn được đảm bảo công ăn việc làm là được. Đây là cách, cái lợi được đặt lên trên hết, đặt trên cả công lý.

Ở nhiều nước phương Tây, kẻ xấu thật khó mua chuộc hay dọa nạt cùng lúc cả ba nhân chứng, vì không người này thì người khác sẽ dằn vặt, trăn trở, tìm cách công bố sự thật.

Ở Việt Nam thì có khi có cả vài chục người, thậm chí còn hơn thế, đặt cái lợi của mình hay nhóm của mình lên trên, sẵn sàng “ngậm miệng”, mặc kệ sự thật hay công lý muốn ra sao thì ra!

Nguyễn Hoàng Đức
Nguồn: tienphongonline

Nhằm giúp độc giả có sự hiểu khái niệm bối cảnh xã hội lúc Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu can dự vào sự nghiệp Văn hóa xã hội, BBT chúng tôi xin giới thiệu đôi chút về toàn quyền Đông Dương có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam.

Paul Doumer

clip_image004Joseph Athanase Paul Doumer (1857 – 1932)

Tên gọi đầy đủ Joseph Athanase Paul Doumer, sinh tại Paris 1857 và mất 1932. Ông là Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 và là Tổng thống Pháp năm 1931 đến 1932. Ông tốt nghiệp cử nhân Toán, Luật và là nhà kinh tế. Trước khi sang VN làm Toàn quyền, ông là Bộ Trưởng Tài chính.

Paul Doumer là vị Toàn quyền độc tài và tạo ra rất nhiều bước ngoặt sâu sắc về kinh tế, xã hội và chính trị ở VN.

Giai đoạn Paul Doumer cai trị VN, ông là người quyết tâm đặt nền móng xây dựng nghành đường sắt ở Đông Dương, kéo dài sang tận Vân Nam – Trung Quốc. Ông cũng là người cho xây dựng cây cầu vĩ đại nhất ở VN thời đó, cầu Long Biên (1902). Ông là người đẩy mạnh sự phát triển của nhiều nghành công nghiệp cơ bản như khai khoáng, giao thông đường bộ và đường thủy, điện lực… Vì thế, ông cũng là kẻ có nhiều sách lược khá tàn ác trong việc khai thác nhân lực và tài nguyên ở VN để phục vụ cho chiến lược cai trị, xây dựng VN thành thuộc địa kiểu mẫu ở khu vực, và điều này, đồng nghĩa với sự bóc lột thậm tệ người dân bản xứ.

Thực tế này được coi là nguyên nhân đẩy dân tộc An Nam vốn tồn tại trong sự lạc hậu cùng cực do Phong kiến tạo ra đến sự đói nghèo vô tận do Thực dân đem lại.

Chính bối cảnh lịch sử này đã đẩy Phan Châu Trinh đến việc phải viết Đầu Pháp Chính phủ Thư 1906 với hy vọng sẽ tác động tới được Chính quyền ở một mức nào đó, nới lỏng các chính sách hà khắc mà Thực dân Pháp áp đặt lên người dân bản địa, thực hiện cam kết rằng sẽ khai sáng về tinh thần, mở mang trí tuệ, đưa dân tộc này thoát ra cảnh bần cùng, khốn đốn.

Cũng chính trong bối cảnh lịch sử có tính bản lề này, Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu trưởng thành từ một cậu bé 15 tuổi, được gọi cho đi làm thông ngôn tại Tòa xứ Lao Cai (1897), trực tiếp phục vụ dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Vân Nam.

“NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI”

Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp

của công cuộc hiện đại hóa thuộc địa ở Việt Nam

Christopher E.Goscha*

Người Pháp quả thật không hiểu gì về người An Nam; còn người An Nam lại hiểu về chúng ta thật là kỳ dị, hoang đường, ngoài sức tưởng tượng… Người An Nam, nhân dân An Nam hoàn toàn không biết gì về chúng ta, tuyệt đối không biết. Đại đa số không hiểu chúng ta […]. Ngay từ đầu, tôi đã có may mắn được kết giao với một vài người An Nam nổi tiếng, cụ thể là với ông Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn lớn nhất của An Nam trong thời đại chúng ta. Chính ông đã dần dần cho tôi thấy cái vực ngăn cách chúng ta với đám đông người An Nam. Và chúng tôi phải tự hỏi bằng cách nào chúng ta mới có thể xóa bỏ được sự ngộ nhận hoàn toàn đó.

E. Vayrac, 1937

Tin ông Nguyễn Văn Vĩnh qua đời trên núi rừng nước Lào ngày 2 tháng 5-1936 hình như đã khiến mọi người ở Hà Nội bàng hoàng [1]. Quả thật là ai cũng biết người sáng lập báo L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) năm 1931 và một trong những nhà báo và dịch giả văn học phương Tây của Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, đã gặp những khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Ngày 1 tháng Ba, ông buộc phải rời bỏ việc chỉ đạo tờ báo để tìm cách trả những món nợ chất chồng từ cuộc suy thoái kinh tế năm 1929.

Ngược lại, điều mà độc giả của ông không biết đến, là ông đang nợ những khoàn tiền lớn đối với Henri de Monpezat, ông chủ đồn điền nổi tiếng có tiếng là khó mà quên những món nợ của mình. Nguyễn Văn Vĩnh luôn luôn vấp phải những vấn đề tài chính. Sự việc tồi tệ đến mức cảnh sát đã được lệnh bắt giữ ông. Thất vọng, ông phải chấp nhận viết bài cho một trong những tờ báo của de Monpezat để đổi lại việc hoãn nợ. Ông được chấp thuận. Tháng Ba, ông rời bỏ việc chỉ đạo tờ L’Annam Nouveau. Rồi ông bán của cải, từ biệt vợ con để sang Lào đi tìm vàng và tiền cùng với người bạn lâu năm, ông Clémenti [2]. Luôn luôn tìm tòi và luôn luôn ngứa ngáy muốn viết, ông Vĩnh tiếp tục đánh dây thép gửi những bài phóng sự về xã hội và văn hóa Lào cho độc giả tờ L’Annam Nouveau [3].

Mọi người đều chờ đợi ông được vực dậy, như ông đã từng làm trong quá khứ. Nhưng trớ trêu của lịch sử, con người đã suốt đời bảo vệ một cách say mê cho sự cần thiết phải đưa khoa học và y khoa phương Tây vào Việt Nam, lại phải chết vì bệnh lỵ do không được chăm sóc, trong khi ông vẫn tiếp tục đi tìm vàng và tất nhiên là những cái khác nữa. Giống như một nhà văn anh hùng của ông, Alexandre Dumas, ông đã chết không một xu dính túi.

Tại sao lại có sự ngộ nhận đối với Nguyễn Văn Vĩnh?

Nguyễn Văn Vĩnh vốn dĩ là một con người “kỳ quặc”. Theo tôi nghĩ, ông là một nhân vật mà người ta bị cuốn hút ngay, bị hấp dẫn ngay vì đầu óc nhậy bén, vì trí thông minh tuyệt vời, với lòng tự tin kỳ lạ, hay ngược lại, bị xa lánh vì tính cao ngạo đôi khi cục bộ, bằng giọng châm biếm chua cay hay lối nhìn không mấy hay ho đối với phụ nữ và vai trò của họ trong xã hội [4].

Nguyễn Văn Vĩnh thời đó cảm thấy gò bó. Bảo rằng ông tự tin đúng hơn là một cách nói ngoa. Ông thích va chạm với những tư tưởng tiếp thu và tranh luận là điều tự nhiên đối với ông. Báo chí, niềm đam mê của ông, là một diễn đàn tranh luận, nơi trao đổi ý kiến, một phương tiện mà ông nghĩ có thể tấn công vào những vấn đề xã hội và chính trị của thời đại. Ông có thể bảo vệ lập luận về chế độ trực trị của Pháp đối với Đông Dương trên một trang, trong khi lại bảo vệ trên một trang khác những người nông dân chống lại sự bóc lột của quan lại, hay một người phu xe kéo chống lại sự hành hung của một tên thực dân người Pháp. Ông có thể phác họa một bức tranh hấp dẫn về văn hóa nông thôn Việt Nam, trong khi ngày hôm sau lại viết một tiểu luận ca ngợi trình độ cao của văn học Pháp[5].

Tất nhiên ông không phải là người duy nhất. Nhưng nếu Nguyễn Văn Vĩnh là một khuôn mặt xuất sắc của giới văn hóa giữa hai cuộc chiến, thì điều đáng được lưu ý là ông bị giới sử học hiện tại bỏ qua. Đối với sử học Nhà nước cộng sản sau năm 1954, cuộc đời ông tất nhiên đặt ra những vấn đề gai góc [6].

Suy ra, ông đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền thuộc địa Pháp, bảo vệ chế độ trực trị của người Pháp ở Việt Nam (và cả Đông Dương). Việc ông lui tới các nhóm xã hội thuộc địa đã khiến cho ông không được những người là đồng bào của ông nhưng theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chấp nhận. Thậm tệ hơn, dưới con mắt những người theo chủ nghĩa quốc gia, họ cho rằng ông đã chế diễu không thương tiếc một số phong tục và tập quán Việt Nam mà ông cho là lỗi thời và kém văn minh.

Nhưng một sự kiện khiến ông phải trả giá đắt hơn nhiều đối với việc bảo vệ những ký ức thời hậu thuộc địa: trong một cuộc tranh luận năm 1932 với một trí thức yêu nước, Huỳnh Thúc Kháng, ông Vĩnh đã đả kích kịch liệt trên những trang của báo L’Annam Nouveau một trong những nhân vật yêu nước vĩ đại của Việt Nam hiện đại – Phan Bội Châu – và gọi ông ta là nhà cách mạng nhỡ tàu và là kẻ xu phụ thảm hại [7]. Nói tóm lại, thời đó ông Vĩnh đã có nhiều kẻ thù trong những người quốc gia chủ nghĩa.

Lại càng khó giải thích sự thiếu vắng rõ ràng của Nguyễn Văn Vĩnh trong những nghiên cứu của người Pháp về văn học và văn hóa Việt Nam. Nếu Phạm Quỳnh luôn chiếm một vị trí đáng kể trong những nghiên cứu đó, thì ngoài cuốn Dẫn luận về văn học Việt Nam mà Maurice Durand có nhắc đến, ta tịnh không thấy cái tên Nguyễn Văn Vĩnh [8].

Ngay cả những tác giả đặt vấn đề “viết tiếng Pháp” trong sự tiếp cận lịch sử của mình, cũng không biết đến con người và công trình của ông, một cách lạ kỳ [9]. Sự sơ suất đó thật khó giải thích. Nói cho cùng, ông Vĩnh gắn với ý tưởng phải lấy ngôn ngữ và văn hóa Pháp làm nơi gặp gỡ với “hiện đại hóa”, rất lâu trước khi Bộ Pháp ngữ Pháp được thành lập khi chế độ thực dân Pháp đã được giải thể.

Nguyễn Văn Vĩnh được nói đến nhiều hơn trong các công trình tiếng Anh, dù cho những trích dẫn đó phần lớn chỉ hạn chế trong khái niệm của ông đối với phụ nữ và báo chí [10]. Có lẽ có một điều đáng lưu ý: những nghiên cứu tốt nhất về con người đó và tác phẩm của ông đều được viết sau năm 1954 ở nước Việt Nam Cộng hòa.

Một số đặc biệt của tạp chí Văn học (Sài Gòn, 1970) đã dành toàn bộ cho tác gia này, là một minh chứng xuất sắc [11]. Dù ở Việt Nam ngày nay đang có ý muốn phục hồi Nguyễn Văn Vĩnh, ta không biết rõ có phải ý đồ đó được gắn với chủ trương Pháp-Việt đối với Pháp ngữ hay là một ý đồ sâu xa hơn đối với những tư tưởng cho đến nay ít được nghiên cứu đến của ông về chính trị và văn hóa. Có lẽ là cả hai. Dù sao, ngoài những nghiên cứu thực hiện dưới thời Việt Nam Cộng hòa, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn rất ít được biết đến.

Nguyễn Văn Vĩnh và những tiếp cận khác với “lịch sử thuộc địa” ở Việt Nam.

Sự việc không mấy ai quan tâm đến con người đó không phải là một lý do tự thân để tiến hành khảo cứu. Như vậy thì tại sao ngày nay lại phải viết về con người đó? Chúng ta phải tự nhận rằng, chúng ta bị lôi cuốn vào ý tưởng phải phục hồi con người gai góc đó, con người đã lượn lờ và quay cuồng trên vũ đài văn hóa của nước Việt Nam thuộc địa trước khi biến mất mãi mãi vì đi tìm vàng tại một nơi xó xỉnh nào đó của nước Lào. Vả lại, nếu cần phải tranh luận về những tư tưởng chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh, thì chúng ta vẫn nghĩ rằng con người và cuộc đời của ông không phải chỉ giới hạn trong việc “hợp tác thuộc địa” hay trong sự đối lập sơ lược giữa kẻ “cai trị” với người “bị trị” và giữa “chủ nghĩa thực dân” và “chống thực dân”.

Qua những công trình dịch thuật, những kịch bản, những công trình báo chí, sự vận dụng tinh tế chữ quốc ngữ, ông đã hành động như một trong những người là cầu nối quan trọng nhất giữa văn hóa phương Tây được du nhập qua các chương trình thuộc địa, với nền văn minh Việt Nam mà ông tìm cách thay đổi ngấm ngầm. Với hai chân đứng trên hai thế giới đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã sử dụng những phương tiện hiện đại của ấn loát và biên dịch để chuyển tải văn hóa phương Tây và phổ biến những tư tưởng hiện đại trong xã hội Việt Nam. Dù cho ông không bao giờ được chấp nhận lúc sinh thời, ông vẫn đã góp phần mở ra con đường đi tới một cuộc cách mạng văn hóa rộng lớn ở Việt Nam vào những năm 1930, một cuộc cách mạng mà trên mức độ nào đó, đã được khởi động lại ở nước Việt Nam cộng sản từ khi cuộc Đổi mới đã làm giảm nhẹ phần nào sự kiểm soát chặt chẽ những biểu hiện văn hóa đã được Nhà nước XHCN Việt Nam thi hành.

Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã khiến tôi quan tâm vì ông chủ trương việc hiện đại hóa Việt Nam phải được thực hiện trong sự liên minh với nước Pháp. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp Nguyễn Văn Vĩnh, để nhìn ông như một kẻ phản bội tổ quốc và một tên tay sai thân Pháp hay ngược lại đưa ông thành một nhà quốc gia chủ nghĩa “nói tiếng Pháp” hay một “nhà cách tân chân chính” không phải cộng sản.

Mối liên hệ giữa ông với thực dân Pháp đã được thiết lập. Ông quả thật là người phát ngôn chủ chốt và liên minh với quyền lực thuộc địa mà ông không phải là người duy nhất. Nhưng thay vì lên án ông ngay trên quan điểm chống thực dân, thì cần thiết phải đứng trên quan điểm đặt vấn đề lịch sử để hỏi tại sao ông lại quan niệm hiện đại hóa toàn diện Việt Nam dưới hình thức liên minh với các đề án thuộc địa Pháp ở Đông Dương.

Ngược lại, chúng ta có thể đặt một cái nhìn mới đối với một nhóm người Việt Nam đông đảo đã chủ trương hiện đại hóa và giải phóng chính trị cho Việt Nam dưới hình thức một khế ước với người Pháp. Chúng ta hãy nghĩ đến Phan Châu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều người khác (kể cả Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn đầu). Toàn quyền Albert Sarraut đã làm họ tăng thêm hy vọng bằng lời hứa hẹn một sự tiến hóa chính trị đi tới khả năng tự trị, mà ngày nay chúng ta biết, không phải được thực hiện dễ dàng. Nhưng thực ra vào đầu thế kỷ XX không ai biết được hình hài của nó.

Nguyễn Văn Vĩnh là một ví dụ rõ rệt về một con người bị cuốn vào trong vòng phức tạp của chế độ thuộc địa. Ông không phải là một nhà cách mạng chống thực dân, và ngược lại. Nhưng dù cho chủ nghĩa cộng sản và độc lập dân tộc là những dữ kiện tiên quyết, thì đấy không phải là những chủ đề tranh luận duy nhất, cũng không phải là viễn cảnh tương lai duy nhất: văn hóa, tôn giáo, kỹ thuật, kinh tế và bình đẳng xã hội cũng là những phương tiện hoạt động có tầm quan trọng ngang nhau[12].

Chúng ta hãy dành việc nghiên cứu sâu hơn những tư tưởng chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh về sau. Điều chúng ta quan tâm ở đây là những hoạt động xã hội-văn hóa của ông giữa những thực tế phức tạp của chế độ thuộc địa.

Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ở làng Phượng Vũ, tỉnh Hà Đông, ngày 15 tháng 6-1882[13]. Đáng tiếc là ta ít biết về cha mẹ ông, về cuộc sống gia đình hay thời tuổi trẻ của ông. Theo Neil Jamieson thì ông xuất thân trong một gia đình “nông dân bình thường”[14].

Ông kết hôn nhiều lần trong cuộc đời, đặc biệt là với một phụ nữ Pháp rất trẻ. Một trong những người con của ông là Nguyễn Giang, trở thành nhà báo và dịch giả có tên tuổi trong những năm 1930 và 1940. Một người khác, Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ nổi tiếng. Ngược lại chúng ta biết chắc chắn rằng ông Vĩnh đã bị cuốn hút rất sớm về báo chí, về tính hiện đại của phương Tây và quyết tâm phát triển nó ở Việt Nam.

Lên 10 tuổi ông đã có một trình độ tiếng Pháp rất khá. Đến tuổi 14 ông tốt nghiệp trường Thông ngôn. Sau đó ông gia nhập vào giới quan trường mới Đông Dương, trở thành thư ký tại các công sở thuộc địa ở Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh và cuối cùng là tại tòa sứ Hà Nội năm 1906. Trong cuộc di chuyển đó, đặc biệt là ở Kiến An gần cảng Hải Phòng, ông Vĩnh có dịp làm quen với nhiều người nước ngoài, khiến ông bắt tay vào học tiếng Trung Hoa và tiếng Anh. Ông đã bắt đầu học chữ Hán và chữ Nôm. Theo lời một người bạn cũ, thì ông Vĩnh bị ám ảnh bởi sách báo và vấn đề ngôn ngữ. Đầu năm 1906, vì những lý do vẫn đang là khó hiểu, ông từ chức ở công sở để quay trở về với gia đình, với bạn bè thời trẻ và nhất là với sách vở [15].

Nhưng ông không ở yên lâu. Tính hiếu kỳ đã đưa ông đến với những nhóm trí thức như “Hội Trí Tri” và “Trường Tự do Bắc Kỳ”, được biết dưới cái tên Đông Kinh nghĩa thục. Sự muốn đi Pháp. Người Pháp có sẵn ấn tượng tốt vì thấy ông thông minh và giỏi tiếng Pháp, đã cử ông đến Marseille năm 1906 trong phái đoàn Việt Nam tham gia Hội chợ thuộc địa. Nhân dịp đó, lúc 24 tuổi, ông đã phát hiện ra sân khấu Pháp, kỹ thuật in ấn hiện đại, báo chí và uy lực của nó trên mặt trận văn hóa. Ông say sưa tranh luận với những nhà báo Pháp ông gặp ở Triển lãm thuộc địa về tầm quan trọng của báo chí và ngành in[16].

Trong một bức thư tháng 8 gửi cho người bạn thân là Phạm Duy Tốn, ông Vĩnh nói về sự thích thú khi ông được xem diễn vở Le Cid. Ông nói đến tác động của cách dựng cảnh của vở diễn, ông nhấn mạnh mang tính sự kiện rằng, nó có hiệu quả cao hơn nhiều khi đọc sách đơn thuần. Cũng trong chuyến đi đó, hình như ông đã quyết tâm giành cho mình một vai trò quan trọng trong việc canh tân đất nước Việt Nam[17]. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Vĩnh hẳn rất tin vào sự lựa chọn của mình, vì sau khi trở về nước, ông lao vào công việc mở nhà in và lập báo chí kiểu châu Âu ở Việt Nam.

Trường hợp của ông tất nhiên không phải là đơn nhất. Một nhóm trí thức Việt Nam đã tập hợp xung quanh nhà bác học và nhà yêu nước nổi tiếng Phan Châu Trinh, đã mang nhiều kỳ vọng trong việc sáng lập Đông Kinh nghĩa thục. Nó nhằm thúc đẩy cuộc canh tân xã hội và văn hóa Việt Nam theo tiêu chuẩn phương Tây. Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn, cả hai đều là thành viên của nhóm trí thức đó chủ trương canh tân Việt Nam bằng công cụ của phương Tây.

Ở tột đỉnh những yêu cầu của họ, ta thấy tầm quan trọng phải phát triển chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, dạy tiếng Pháp và phổ biến các khái niệm phương Tây về khoa học, thể thao, giáo dục, thương mại và công nghệ đối với toàn thể dân chúng. Ông Vĩnh đã ra sức bảo vệ tầm quan trọng của giáo dục thể chất và truyền bá khoa học kỹ thuật. Tất nhiên ông dạy tiếng Pháp. Sách gối đầu giường của nhóm đó là cuốn Văn minh tân học sách.

Năm 1907, Phan Châu Trinh gửi cho ngài Toàn quyền Paul Beau một loạt kiến nghị nhằm cải cách xã hội Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực này nên dạy tiếng Pháp. Tuy nhiên cũng có những dự án phát triển nông nghiệp và Âu hóa trang phục truyền thống. Bị hấp dẫn bởi các tư tưởng cộng hòa, Phan Châu Trinh đã bắt đầu đánh thẳng vào những gì kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam, mà theo ông, hiện thân chính là nền quân chủ ở Việt Nam và hệ thống quan lại của nó. Chỉ một năm sau đó, giới quan lại đã làm bằng mọi cách để ông không thể trở lại cuộc sống bình thường từ nhà tù Côn Đảo 18.

Nguyễn Văn Vĩnh đã lấy những yêu sách đó làm nền tảng cho tư tưởng chính trị của mình suốt cuộc đời còn lại. Ta không biết chính xác lý do nào đã khiến ông sớm hận thù đối với giới quan lại. Có lẽ nó gắn với nguồn gốc bình dân của ông, với sự bần cùng của nông dân Việt Nam mà ông là người chứng kiến với tư cách là công chức ở xa thành phố, với sự loại bỏ ông ra khỏi hệ thống quan trường, hay có lẽ là vì ý muốn tiến thân nhanh chóng hơn trong một hệ thống “Âu hóa” mà ông hiểu rõ nét hơn.

Giống như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh sớm bị cuốn hút về những ý tưởng cộng hòa của Pháp. Ông tham gia chi hội của Liên đoàn Nhân quyền ở Hà Nội năm 1906 hay 1907. Được thành lập ở Hà Nội năm 1903, Liên đoàn chủ trương khuyến khích những tư tưởng cộng hòa Pháp ở thuộc địa, điều tra về sự lạm quyền của chủ nghĩa thực dân và phổ biến những tư tưởng mới như những quyền và tự do cá nhân, “quyền công dân” và “sự bình đẳng”.

Khi Đông Kinh nghĩa thục bị người Pháp đóng cửa năm 1907 và Phan Châu Trinh bị bắt, vì bị nghi là giữ vai trò xúi giục những vụ bạo loạn của nông dân trong năm đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã đấu tranh trong Liên đoàn để đòi giải thoát cho người thầy của mình. Cũng chính trong Liên đoàn mà Nguyễn Văn Vĩnh đã làm việc cùng với những nhà tư tưởng tự do như Félicien Challaye, Louis Caput, Marc Casati và Francis de Pressencé. Ông còn có quan hệ bạn bè với người chiến sĩ cộng hòa Ernest Babut[18].

Tất cả những người Pháp đó đều đã tìm cách đánh động với chính phủ ở chính quốc quan tâm đến những nghĩa vụ của một nền cộng hòa đối với những nước thuộc địa. Thế nhưng, đúng như Daniel Hémery từng nhấn mạnh: Họ đã đặt vấn đề khuyến khích “cải cách thuộc địa” nhờ vào nước Pháp nhiều hơn là cổ vũ “chống chủ nghĩa thực dân”. Các hội viên đã chấp nhận chế độ thực dân của người Pháp như là một việc đã rồi, chứ không chấp nhận những hành vi quá đáng của nó.

Nếu như vậy, Hội Nhân quyền khó mà kết nạp được những người Việt Nam vào đội ngũ của mình, một trong những sự hiếm hoi này, chính là Nguyễn Văn Vĩnh chứ không phải ai khác. Nhà trí thức trẻ tuổi này nhất định đã gây được ảnh hưởng sâu rộng bằng những cuộc tranh luận và những tư tưởng mà Hội đã từng chuyển tải từ đầu những năm 1900. Một trong những tư tưởng quyền lực của Hội đối với Đông Dương là, khuyến khích một quan niệm cộng hòa về hành động thuộc địa và cai trị các thuộc địa bằng một sự kiểm soát sáng suốt, vừa “trực tiếp” vừa “thường trực” (23). Nguyễn Văn Vĩnh sẽ chứng minh cương lĩnh chính trị của mình theo một cách tương tự trong hai thập niên về sau.

Nguyễn Văn Vĩnh còn tiếp xúc với các hội viên Hội Tam điểm Pháp ở Đông Dương (Franc-macon), những người ủng hộ nền cộng hòa và chống giáo hội, giống như khi Nguyễn Ái Quốc ở Paris (24). Ông Vĩnh đã thực hiện việc này trong những năm 1920, bằng sự ra nhập “Hội Nhân quyền”, thuộc chi hội “Tam điểm Khổng tử”, còn được gọi là “Chi hội Quốc tế hỗn hợp”, tức phân chi hội Việt Nam “Đại Đông phương” ở Hà Nội.

Khi ông Vĩnh qua đời, Chi Hội này đã đứng ra tổ chức lễ tang để bày tỏ lòng tôn trọng đối với ông. Một lần nữa, những việc ông làm không ở bên lề. Theo dấu chân ông còn có Phạm Huy Lục, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Luận, Bùi Quang Chiêu và một nhóm người Việt Nam là tinh hoa, ưu tú khác.

Một lần nữa, nếu một số người Pháp là hội viên Tam điểm ở Đông Dương không muốn chấp nhận việc kết nạp vào hàng ngũ của mình những người bản xứ vì bị coi là “chưa đủ tiến hóa”, thì dù sao việc mở cửa cho những người Việt Nam ưu tú trong những năm 1920 đã cho phép mở ra những cuộc trao đổi mới về tư tưởng và suy nghĩ chính trị đối với sự phát triển của Việt Nam và vị trí của nó trong dự án thuộc địa (25). Năm 1925, Hội Nhân quyền công bố bản tường trình của Phạm Quỳnh khởi thảo, mà theo Jacques Dalloz thì ông ta đã bảo vệ các tư tưởng chống thực dân của một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Hội (26) là F.Challaye. Những tư tưởng lưu hành trong các tổ chức cộng hòa đó, không thể không khiến Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm, nhất là khi ông vốn sẵn tư tưởng chống đối nền quân chủ.

Mặc dù đã cống hiến rất nhiều thời gian cho cho các hoạt động văn hóa và xã hội, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn đủ thời gian cho hoạt động chính trị. Ở tuổi 25, ông bắt đầu con đường chính trị bằng tư cách là thành viên của Hội đồng thành phố. Ông là thành viên của Đại Hội đồng kinh tế Lý tài. Năm 1913, ông được bầu vào Viện Dân biểu Bắc kỳ, chính Viện này, đã cử ông sang dự Hội chợ thuộc địa (Đấu xảo) ở Mác Xây năm 1922.

Cũng thời kỳ này, Nguyễn Văn Vĩnh đã lại tiếp xúc với Phan Châu Trinh tại Pháp. Bằng sự quan hệ, cộng tác trước đó, hai người tin vào lời hứa sẽ tự do hóa chính trị của Allbert Sarraut, cả hai đều khinh ghét và miệt thị nền quân chủ và quan trường, hẳn Nguyễn Văn Vĩnh đã tìm thấy ở Phan Châu Trinh vai trò của một cố vấn chính trị, để giúp ông tìm con đường cho công cuộc cải cách chính trị cho Việt Nam. Sau cùng, chính Phan Châu Trinh vào năm 1922, trong một bức thư gửi cho Nhà Vua Khải Định, ông viết bằng mực tím và đả kích kịch liệt chế độ quân chủ Việt Nam, kết án là chuyên chế, cản trở mọi xu hướng canh tân chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.

Khả dĩ để cứu được Việt Nam thoát khỏi mối hiểm họa thực dân (27) Phan Châu Trinh đã phát đi chính xác những tư tưởng mà Nguyễn Văn Vĩnh vẫn mong được nghe thấy. Nhưng, trong bản tuyên ngôn mà ông sẽ giới thiệu sau đó trên tờ báo “L’Annam Nuoveau” năm 1931, ông còn đẩy các tư tưởng của Phan Châu Trinh đi xa hơn rất nhiều (28).

———————–

* Tiến sỹ Christopher E. Goscha, quốc tịch Mỹ, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại. Cộng tác viên của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Hiện là giảng viên khoa Đông phương học thuộc đại học Montreal-Canada. Bài viết đăng trên RFHOM, T.88, số 332-333 (2001).

[1] Tòa Đại lý Sêpôn, số 147, “Về cái chết của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh tại Keng Sep (Mường Sêpôn)” ngày 5 tháng 5-1936, phông lưu trữ RST-Thống sứ Bắc Kỳ, bộ mới (trước là RST/NF). Trung tâm lưu trữ Hải ngoại (CAOM). Tin ông qua đời đăng trên báo L’Annam Nouveau ngày 7 tháng 5-1936, “Cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh”, L’Annam Nouveau (từ nay dẫn là AN) số 7-5-1936.

[2] Sở mật thám Bắc Kỳ, số 2164/S, “Nguyễn Văn Vĩnh và báo L’Annam Nouveau” ngày 28-2-1936, ký tên Arnoux, RST/NF, hồ sơ 4357, CAOM.

[3] Về nguyên nhân cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh, xem: “Về chủ đề Nguyễn Văn Vĩnh qua đời”.

[4] Xem Nguyễn Văn Vĩnh, “Phụ nữ ở nước Nam”, AN ngày 15-5-1931.

[5] Xem những lời của Nguyễn Văn Vĩnh viết về Rabelais, Michelet và Victor Hugo, như những bài đã được Nguyễn Văn Tố in lại trong Bulletin de la société d’Enseignement Mutuel, số 1-2 (1936).

[6] Ta không thấy tên Nguyễn Văn Vĩnh trong Tuyển tập văn học Việt Nam (tiếng Pháp), tập III, Hà Nội, Nxb Ngoại văn, 1975.

[7] Nguyễn Văn Vĩnh, “Phan Bội Châu: nhà cách mạng hối cải”, AN (24-4-1932), (28-4-1932) và (22-5-1932).

[8] Maurice Durand và Nguyễn Trần Huân, Dẫn luận về văn học Việt Nam, Paris, Maisonneuve et Larose.

[9] Nguyễn Văn Vĩnh không xuất hiện trong công trình gần đây của Bernard Hue, Văn học bán đảo Đông Dương, Paris, Karthala, 1999, với lời tựa của Richard Féray. Ông cũng vắng mặt trong công trình của Thanh Tâm Langlet và Thu Trang Gaspard, “Các tác giả Việt Nam viết tiếng Pháp: Một ví dụ trao đổi văn hóa”, Études vietnamiennes, số 2 (1998), tr. 90-107. Trong “Nước Việt Nam và tiếng Pháp” của Nguyễn Khắc Viện cũng không nói một câu, cũng như trong “Văn hóa Pháp ở Việt Nam” của Cù Huy Cận, cả hai bài đều đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số 45 (11-1997), tr. II-IV và XIII-X.

[10] Neil Jamieson, Alexander Woodside và Hồ Huệ Tâm đã có một cái nhìn sâu sắc đối với công trình của Nguyễn Văn Vĩnh. Xem: Neil Jamieson, Understanding Vietnam, Berkeley, University of California Press, 1993, tr. 65-80; Hồ Huệ Tâm, Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution, Cambridge, Harvard University Press, 1992, tr. 29-30, 48, 51, 77 và 110; Alexander Woodside, Communism and Revolution in Modern Vietnam, Boston, Houghton Mifflin Company, 1976.

[11] Văn học (Sài Gòn), số 111 (tháng 9-1970). Xem thêm Kiêm Đạt, Luận đề Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, Sài Gòn, Nxb Trẻ, 1958.

[12] Đặc biệt xem David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, Berkeley, University of California Press, 1981.

[13] Vũ Bằng, “Tưởng nhớ một bực thầy: Quan Thanh Nguyễn Văn Vĩnh”, Văn học (Sài Gòn), số 111 (tháng 9-1970), tr. 12. Theo âm lịch, ông sinh ngày 30 tháng tư, năm Tự Đức thứ 35.

[14] Jamieson, sđd, tr. 65.

[15] Vũ Bằng, sđd, tr. 12-14, đã nhấn mạnh đến nhật ký của Nguyễn Văn Vĩnh.

[16] “Diễn văn của ông Phạm Huy Lục, Chủ tịch Viện dân biểu Bắc Kỳ”, AN (ngày 11-5-1936), và “Tiểu sử”, AN(ngày 7-5-1936).

[17] “Thư của ông Vĩnh viết từ Mạc-Xây gửi cho ô. Phạm Duy Tốn”, trong Kỷ niệm 90 năm ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch Kim Vân Kiều (1997), và Vũ Bằng, sđd, tr. 16-20 nói về chuyến đi Marseille năm 1906.

[18] Ernest Babut chỉ đạo tờ Đại Việt tân báo, tờ báo không chính thức của Đông Kinh nghĩa thục. Phan Châu Trinh đã viết một vài bài báo đầu tiên của mình bằng chữ Hán trên báo này. Bản dịch sang tiếng Pháp một trong những bài viết của Phan Châu Trinh về sự cần thiết phải vận dụng khoa học và văn hóa phương Tây vào Việt Nam là bài “Nghĩ về thời hiện tại”, đăng trên Pionnier Indo-Chinois, số 10 (29-12-1907), tr. 104-105. Cần phải xác định tính chất của Đại Việt tân báo. Do tình bạn gắn bó giữa ông Vĩnh, Babut và Phan, có thể là ông Vĩnh đã đến với báo chí trước tiên ở tờ báo này.

Chú thích:

[1] Tòa Đại lý Sêpôn, số 147, “Về cái chết của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh tại Keng Sep (Mường Sêpôn)” ngày 5 tháng 5-1936, phông lưu trữ RST-Thống sứ Bắc Kỳ, bộ mới (trước là RST/NF). Trung tâm lưu trữ Hải ngoại (CAOM). Tin ông qua đời đăng trên báo L’Annam Nouveau ngày 7 tháng 5-1936, “Cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh”, L’Annam Nouveau (từ nay dẫn là AN) số 7-5-1936.

2 Sở mật thám Bắc Kỳ, số 2164/S, “Nguyễn Văn Vĩnh và báo L’Annam Nouveau” ngày 28-2-1936, ký tên Arnoux, RST/NF, hồ sơ 4357, CAOM.

3 Về nguyên nhân cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh, xem: “Về chủ đề Nguyễn Văn Vĩnh qua đời”.

4 Xem Nguyễn Văn Vĩnh, “Phụ nữ ở nước Nam”, AN ngày 15-5-1931.

5 Xem những lời của Nguyễn Văn Vĩnh viết về Rabelais, Michelet và Victor Hugo, như những bài đã được Nguyễn Văn Tố in lại trong Bulletin de la société d’Enseignement Mutuel, số 1-2 (1936).

6 Ta không thấy tên Nguyễn Văn Vĩnh trong Tuyển tập văn học Việt Nam (tiếng Pháp), tập III, Hà Nội, Nxb Ngoại văn, 1975.

7 Nguyễn Văn Vĩnh, “Phan Bội Châu: nhà cách mạng hối cải”, AN (24-4-1932), (28-4-1932) và (22-5-1932).

8 Maurice Durand và Nguyễn Trần Huân, Dẫn luận về văn học Việt Nam, Paris, Maisonneuve et Larose.

9 Nguyễn Văn Vĩnh không xuất hiện trong công trình gần đây của Bernard Hue, Văn học bán đảo Đông Dương, Paris, Karthala, 1999, với lời tựa của Richard Féray. Ông cũng vắng mặt trong công trình của Thanh Tâm Langlet và Thu Trang Gaspard, “Các tác giả Việt Nam viết tiếng Pháp: Một ví dụ trao đổi văn hóa”, Études vietnamiennes, số 2 (1998), tr. 90-107. Trong “Nước Việt Nam và tiếng Pháp” của Nguyễn Khắc Viện cũng không nói một câu, cũng như trong “Văn hóa Pháp ở Việt Nam” của Cù Huy Cận, cả hai bài đều đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số 45 (11-1997), tr. II-IV và XIII-X.

10 Neil Jamieson, Alexander Woodside và Hồ Huệ Tâm đã có một cái nhìn sâu sắc đối với công trình của Nguyễn Văn Vĩnh. Xem: Neil Jamieson, Understanding Vietnam, Berkeley, University of California Press, 1993, tr. 65-80; Hồ Huệ Tâm, Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution, Cambridge, Harvard University Press, 1992, tr. 29-30, 48, 51, 77 và 110; Alexander Woodside, Communism and Revolution in Modern Vietnam, Boston, Houghton Mifflin Company, 1976.

11 Văn học (Sài Gòn), số 111 (tháng 9-1970). Xem thêm Kiêm Đạt, Luận đề Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, Sài Gòn, Nxb Trẻ, 1958.

12 Đặc biệt xem David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, Berkeley, University of California Press, 1981.

13 Vũ Bằng, “Tưởng nhớ một bực thầy: Quan Thanh Nguyễn Văn Vĩnh”, Văn học (Sài Gòn), số 111 (tháng 9-1970), tr. 12. Theo âm lịch, ông sinh ngày 30 tháng tư, năm Tự Đức thứ 35.

14 Jamieson, sđd, tr. 65.

15 Vũ Bằng, sđd, tr. 12-14, đã nhấn mạnh đến nhật ký của Nguyễn Văn Vĩnh.

16 “Diễn văn của ông Phạm Huy Lục, Chủ tịch Viện dân biểu Bắc Kỳ”, AN (ngày 11-5-1936), và “Tiểu sử”, AN(ngày 7-5-1936).

17 “Thư của ông Vĩnh viết từ Mạc-Xây gửi cho ô. Phạm Duy Tốn”, trong Kỷ niệm 90 năm ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch Kim Vân Kiều (1997), và Vũ Bằng, sđd, tr. 16-20 nói về chuyến đi Marseille năm 1906.

18 “Dịch một lá thư viết bằng chữ Hán gửi cho Khải Định ngày 15-7-1922 của nhà nho An Nam Phan Châu Trinh”, tr. 1, 5, 16, 21, hồ sơ Phan Châu Trinh, CAOM. Theo Jamieson, Nguyễn Văn Vĩnh đã làm các giấy tờ cần thiết để xin mở trường Đông Kinh nghĩa thục. Jamieson, sđd, tr. 67.

19 Ernest Babut chỉ đạo tờ Đại Việt tân báo, tờ báo không chính thức của Đông Kinh nghĩa thục. Phan Châu Trinh đã viết một vài bài báo đầu tiên của mình bằng chữ Hán trên báo này. Bản dịch sang tiếng Pháp một trong những bài viết của Phan Châu Trinh về sự cần thiết phải vận dụng khoa học và văn hóa phương Tây vào Việt Nam là bài “Nghĩ về thời hiện tại”, đăng trên Pionnier Indo-Chinois, số 10 (29-12-1907), tr. 104-105. Cần phải xác định tính chất của Đại Việt tân báo. Do tình bạn gắn bó giữa ông Vĩnh, Babut và Phan, có thể là ông Vĩnh đã đến với báo chí trước tiên ở tờ báo này.

20 “Diễn văn của ô. Delmas, chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền và Công dân Phân bộ Hà Nội”, AN (11-5-1936), và Daniel Hémery, “Đông Dương, quyền con người giữa kẻ thực dân và người bị trị: Liên đoàn Nhân quyền”, Revue Française d’Histoire d’Outre-mer, tập 88, số 330-331 (2001), tr. 223-239.

21 Ta không biết chắc chắn Nguyễn Văn Vĩnh có phải là thành viên Đảng Xã hội Pháp (SFIO) hay không (tôi không nghĩ như vậy), nhưng ông có quen biết những người cầm đầu như Louis Caput, Hoàng Minh Giám (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao của VNDCCH), đã là đảng viên SFIO và cộng tác với tờ L’Annam Nouveau của Nguyễn Văn Vĩnh.

22 Thiên Tường, “Dương Thiệu Thanh từ Hà Nội đến Ba Lê Nguyễn Văn Vĩnh”, Văn học, sđd, tr. 37.

23 Jacques Dalloz, “Người Việt Nam trong Hội Tam điểm thuộc địa”, Revue française d’Histoire d’Outre-mer, tập 85, số 320 (1998), tr. 103-118; “SFIO ở Đông Dương, 1945-1954”, Approche Asie, số 14 (1977), tr. 57-72; “Diễn văn của ô. Janvier, sáng lập viên Tổng đàn Khổng tử”, AN (11-5-1936).

24 “Bản dịch một bức thư bằng chữ Hán gửi Khải Định của nhà nho An Nam Phan Châu Trinh”.

25 Le bourgeois gentilhomme, Les femmes savantes, L’Avare, Le malade imaginaire – Les misérables – Les fables de La Fontaine – Les trois mousquetaires – Le voyage de Gulliver. Một số tác phẩm sau này đã được dịch và xuất bản lại dưới các tên khác, đây là tên tác phẩm trên các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh (ND.).

Trang 11 – 12 trở đi

26 Nguyễn Văn Vĩnh, “Cái rét”, AN (25-1-1934).

27 A. Woodside, Community and Revolution (Cộng đồng và cách mạng), tr. 86.

28 Nguyễn Văn Vĩnh (dịch), Kim Vân Kiều, Hà Nội, hiệu Ích Ký, 1923.

Nguồn: http://www.tannamtu.com/?p=2692