Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 18)

Thụy Khuê

Chương 10

Trường phái bác ngữ học Đức

(Bài 3)

Erich Auerbach (1892-1957)

Erich Auerbach sinh ngày 9/11/1882 tại Berlin và mất ở Wallingford, thuộc tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, ngày 13/10/1957, được coi là nhà phê bình lớn nhất của Đức trong thế kỷ XX.

Là giáo sư bác ngữ học tại đại học Marburg, năm 1935, ông bị chế độ Nazi cách chức, chạy sang Istanbul tiếp tục dạy học trong vòng 10 năm. Chính trong thời gian lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Auerbach đã viết tác phẩm chủ yếu Mimésis (in tại Berne, Thụy Sĩ, năm 1946), trong điều kiện thiếu thốn tài liệu. Mimésis được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của nền phê bình hiện đại. Năm 1947, Auerbach sang Hoa Kỳ dạy bác ngữ học Rô-man ở Đại học Pennsylvania. Năm 1950, ông chuyển sang dạy Đại học Yale cho đến lúc mất.

Erich Auerbach không xác định một phương pháp phê bình kiểu mẫu và dường như ông cũng không viết về lý thuyết văn học nói riêng, ông coi việc làm của ông chỉ đơn thuần là việc "giải thích văn bản". Nhưng ta chỉ cần đọc những bài phê bình của ông, cũng sẽ hiểu cách ông làm việc như thế nào và tại sao ông được giới chuyên môn về văn học kính trọng.

Tuy nhiên, một trong những cuốn sách đầu tiên của ông viết về bác ngữ học tựa đề Bác ngữ học Rô-man nhập môn (Introduction aux études de philologie romane), in năm 1944, được ông coi là cẩm nang về phương pháp. Những tiếng được đề cập đến trong sách là: tiếng Pháp, tiếng Provence[1], tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Catalan[2], tiếng Roumain, tiếng Sardaigne[3] và tiếng Rhétoroman[4]. Auerbach xác định: Bác ngữ học có nhiệm vụ chỉ ra mối quan hệ họ hàng giữa văn chương của các thứ tiếng này, bằng phương pháp giải thích văn bản. Ông định nghĩa bác ngữ học Rô-man như sau: là sự khảo cứu ngữ học và văn chương những văn bản Âu châu viết bằng tiếng gốc La-tinh. Auerbach (cũng như Curtius) đều muốn vượt các hàng rào biên giới, để tiến đến việc khảo sát văn chương Âu châu như một toàn bộ hợp nhất. Sự giải thích văn bản, theo ông, đã có từ thời Thượng cổ (Antiquité), tiếp tục thời Trung cổ và Phục hưng; đến thời hiện đại, nó trở thành một dụng cụ tìm kiếm và khám phá mới, nhờ ảnh hưởng của mỹ học (B. Croce), của hiện tượng học, và của lịch sử nghệ thuật (Wolfflin). Sự phân tích những văn bản và đối chiếu với những văn bản khác, là chìa khoá để hiểu một thời kỳ văn học Rô-man, và đó là phương pháp của Auerbach, trong cuốn Mimésis.

Mimésis là tác phẩm chính, tựa đề đầy đủ là Mimésis, sự trình bày thực tại trong văn chương Tây phương (Mimésis, la représentation de la réalité dans la littérature occidentale)[5], thường được gọi tắt là Mimésis, biểu dương toàn bộ phương pháp phê bình của Auerbach. Đến gần cuối cuốn Mimésis, ông mới ngỏ mấy lời đại ý như sau:

"Tôi chẳng bao giờ có ý định viết lịch sử văn học hiện thực Châu Âu. Làm như thế không những mình sẽ bị đống văn bản đồ sộ đè bẹp, mà còn rơi vào cuộc tranh luận vô ích về việc phân chia các thời kỳ văn học, phân chia các nhà văn theo khuynh hướng riêng, nhất là sẽ gặp những khó khăn trong việc định nghĩa khái niệm hiện thực. Một mặt khác để viết cho đầy đủ, tôi lại phải viết về những hiện tượng mà mình chỉ biết một cách hời hợt. Và để đáp ứng nhu cầu của đề tài, tôi sẽ phải đọc tất cả những phần mà kiến thức tôi thiếu, điều đó tôi cho là vô bổ: bởi chỉ vì cái chủ đề mà tôi chọn mà tôi phải đắm chìm trong một núi thông tin mà nhiều người đã biết hoặc họ có thể tìm thấy trong những sách tham khảo khác. Ngược lại, nếu tôi lấy một số những chủ đề đã có sẵn trong đầu mình, đem đối chiếu với một loạt văn bản quen thuộc và sống động mà mình đã nghiên cứu trong địa hạt bác ngữ học, thì việc này xem ra phong phú và có thể làm được. Bởi tôi tin chắc rằng, những chủ đề chính của lịch sử văn chương hiện thực bắt buộc phải nằm trong bất cứ văn bản hiện thực nào.

Trở về trường hợp một số tác giả thời nay, họ thích chiếu ống kính vào một vài yếu tố bình thường xảy ra trong một vài ngày hay một vài giờ của cuộc sống, hơn là mô tả toàn diện những biến cố xảy ra theo trình tự thời gian của một cuộc đời dài. Có thể nói nhà văn của thế hệ này đã ý thức được rằng không thể biểu hiện thật đầy đủ, cùng một lúc, những diễn biến bên ngoài, và đồng thời làm nổi bật những yếu tố chủ chốt bên trong. Họ không thể bắt câu chuyện mà họ đang viết, bắt chủ đề mà họ đưa ra, phải quy theo một trật tự mà chính cuộc đời không có. Để viết về một đời người hay một "bối cảnh toàn thể" như thế, nhà văn bắt buộc phải lược bỏ một cách tùy tiện những yếu tố này hoặc lơ là những yếu tố khác, mà chúng ta đều biết là cuộc đời đã bắt đầu và đang diễn ra trong mỗi phút, mỗi giây. Vì vậy cho nên, những gì xảy ra cho một vài nhân vật trong vài phút, vài giờ, vài ngày, với chút may mắn, có thể biểu hiện được toàn thể."[6]

Ở một đoạn khác, Auerbach viết:

"Cuốn tiểu thuyết đồ sộ của Joyce, tác phẩm bách khoa, tấm gương soi Dublin, soi Irlande, soi Âu Châu và mấy nghìn năm văn hiến, có khung cảnh là một ngày vô bổ của một anh thày giáo trung học và một anh chạy việc quảng cáo; dàn trải trong không đầy hai mươi bốn giờ, cũng giống như To the Lighthouse của Virginia Woolf, mô tả những mảng của hai ngày rất xa nhau trong thời gian; hoặc không thể không liên tưởng đến Comédie của Dante, đến Proust, đều trình bày những ngày, giờ biệt lập trong những khoảng thời gian khác nhau nhưng có ảnh hưởng sâu xa đến định mệnh các nhân vật"[7].

Qua những hàng trên đây trích trong bài áp chót tựa đề Bít tất màu thạch thảo (Le bas couleur de bruyère) phê bình một đoạn văn của Virginia Woolf, Auerbach không những đã giải thích trực tiếp không cần thông qua các lý thuyết văn học, phương pháp viết của những nhà văn thời nay, mà ông còn giải thích cả phương pháp phê bình của ông: chỉ cần dùng một vài đoạn văn, đem đối chiếu chúng với nhau, là có thể xác định cách mô phỏng hiện thực của các tác giả. Và đó cũng là phương pháp nghiên cứu văn học đối chiếuliên văn bản, dù Auerbach không gọi tên là gì, mà các nhà phê bình lớp sau sẽ chịu ảnh hưởng sâu rộng.

Mimésis gồm 20 bài nghiên cứu, đi từ Homère, Thánh Kinh, Pétrone... qua những sử gia La-Hy, đến Dante, Bocacce, Rabelais, Shakespeare, Cervantes, La Bruyère, Schiller... và sau cùng dùng lại ở Virginia Woolf với một thoáng nhìn những tác giả đầu thế kỷ XX, như Joyce, Proust. Trong Mimésis Auerbach đã thực hiện phương pháp đối chiếu các văn bản khác nhau, tức là dùng hai phương pháp chập một: so sánhliên văn bản.

Trong bài bạt ông giải thích lại chữ Mimésis (mà chúng tôi đã có dịp nói đến nguồn gốc và ngữ nghĩa, qua trích đoạn đối thoại Socrate, do Platon viết trong cuốn Cộng Hòa (République) III, ở chương 3, Thi học Aristote). Ông cho biết: Mục đích giải thích hiện thực qua cách biểu hiện (hay bắt chước) trong văn chương, đã đến với tôi từ lâu. Đầu tiên là Platon trong cuốn Cộng Hòa đã xếp Mimésis vào hàng thứ ba sau chân lý, kế đến Dante lại cho rằng Hài kịch (Comédie) là cách biểu dương thực tế đúng nhất. Đó là những yếu tố khơi nguồn cho tôi.

Nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn, tôi thấy có ba ý chính bật ra rất rõ:

Thứ nhất: mỹ học cổ đại phân biệt trình độ văn phong (Auerbach muốn nói đến sự phân biệt văn chương bình dân, văn chương bác học) và cho rằng chỉ có văn chương bình dân mới viết về những chuyện "đời thường", còn văn chương cao cấp phải viết về những gì thiêng liêng cao cả. Lý thuyết này được hầu hết các nhà tân cổ điển lấy lại. (Xin nhắc lại: Lý thuyết mỹ học cổ đại Hy-Lạp chia văn phong thành hai nấc: cái cao cả không thể trộn lẫn với cái bình dân. Bi tráng kịch (tragédie) được xếp vào loại bác học, cao cả; hài kịch (comédie) được xếp vào loại bình dân).

Vẫn trong bài bạt này, Auerbach lại thấy trong khuynh hướng hiện thực mới, xuất hiện ở Pháp đầu thế kỷ XIX, những nhà văn như Stendhal hay Balzac đã hoàn toàn thoát khỏi quy ước mỹ học cổ điển này. Họ đưa vào văn chương những nhân vật của đời sống hàng ngày, lấy những tình huống tầm thường làm đối tượng mô tả. Sau nữa, ông lại nhận thấy cuộc cách mạng văn học đầu thế kỷ XIX, chống lại lý thuyết cổ điển phân biệt trình độ văn phong, không phải là cuộc phản kháng đầu tiên. Một mặt khác, cái thành trì phân chia ranh giới văn chương bình dân, văn chương bác học ấy, thực ra, nó mới chỉ được dựng nên từ cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII, bởi những người tôn sùng văn chương cổ đại.

Hai nhận xét này dẫn ông đến ý thứ nhì: Trong suốt thời Trung Cổ và cả thời Phục Hưng, đã có một khuynh hướng hiện thực nghiêm chỉnh trong văn chương cũng như trong nghệ thuật tạo hình, với mục đích mô tả đời sống hàng ngày. Vậy, bước vượt thoát đầu tiên khỏi quy ước mỹ học cổ đại, đã diễn ra trong thời kỳ nào? Auerbach trả lời: Ngay từ khi người ta viết chuyện chúa Jêsu trong Thánh kinh, người ta đã pha trộn hai yếu tố thực tế hằng ngày với cái bi thảm cao cả.

Điều này dẫn ông đến ý thứ ba: ông gọi quan niệm Hiện Thực Thiên Chúa Giáo là hiện thực Cấu tượng (Figura) và theo thuyết này: mỗi việc xảy ra trên trần không chỉ mang ý nghĩa dữ kiện đơn thuần mà nó còn gợi tới một ý nghĩa, một bình diện thiêng liêng là Chúa, là Thượng Đế[8].

Ba ý chính này liên kết chặt chẽ với nhau và được Auerbach thể hiện trong tác phẩm Mimésis. Mỗi chương trong cuốn sách nói về một thời kỳ dài ngắn khác nhau. Tác giả công nhận giữa những thời kỳ đó còn nhiều trống vắng: có những thời kỳ không được xét đến, ví dụ, thời cổ đại, chỉ được nói đến trong bài đầu, hoặc thời đầu Trung Cổ mà ta có rất ít tư liệu.

Mimésis được viết trong điều kiện chiến tranh, thiếu tư liệu; nhưng khi đọc những chi tiết, những lập luận uyên bác thông tuệ, những tác phẩm cổ kim, hàm chứa trong tác phẩm, sách tuy được in năm 1946, nhưng ta có thể đoán, công trình này đã được thực hiện trong nhiều năm, khoảng thời gian 10 năm ông ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm xuyên suốt ba ngàn năm văn học, từ Kinh Thánh, Homère, đến Virginia Woolf, để chứng minh rằng: Lịch sử văn học Âu Châu là lịch sử của một biến chuyển không ngừng: lịch sử thay đổi văn phong. Và ngay trong chương đầu, Auerbach đã đối chất hai loại văn phong khác nhau: văn phong Thánh Kinhvăn phong Homère.

Phương pháp so sánh của Auerbach

So sánh Homère với Thánh Kinh Cựu Ước

Thực chất phê bình Auerbach hiện rõ ở bài đầu tiên trong Mimésis, tựa đề: Vết sẹo của Ulysse (La cicatrice d’Ulysse)[9]. Trong bài này ông so sánh hai đoạn văn:

- Một đoạn trong L’Odyssée của Homère: khi Ulysse trở về Ithaque, giả dạng ăn mày, Pénélope chưa nhận ra chồng, nhưng người vú già Euryclée đã nhận ra Ulysse nhờ vết sẹo ở đùi.

- Và một đoạn văn khác trong Thánh Kinh Cựu Ước, viết về việc Abraham tuân lệnh Đức Chúa Trời, đem con trai duy nhất là Isaac hy sinh làm tế vật.

Hai đoạn văn rất quen thuộc đối với độc giả Âu Châu. Mục đích của Auerbach là phân tích cách viết của hai tác giả này, để tìm ra chủ đích của họ.

Đoạn thơ Homère trong L’Odyssée có thể tóm tắt nội dung như sau: Pénélope vẫn chưa nhận ra chồng dưới dáng người ăn mày, bà mắng người hầu gái đã muốn đuổi người ăn mày đi, và bà hỏi người này về tin tức của chồng. Người ăn mày cho biết chồng bà sắp về. Penélope cảm động nghe, rồi bà truyền vú già rửa chân cho anh ta theo tục lệ hiếu khách của người xưa. Vú thấy người ăn mày giống hệt chủ mình ngày trước và lại nhìn rõ vết sẹo ở chân. Ulysse ra hiệu bắt vú im đi vì chưa phải lúc để cho Pénélope biết sự thật.

Đoạn thứ nhì trong Thánh Kinh Cựu Ước, viết về việc Abraham đem hiến con làm vật tế, theo lệnh của Đức Chúa Trời: "Ngươi hãy đem Isaac, đứa con trai duy nhất của ngươi lên miền Moriyya, hy sinh nó làm tế vật trên núi, ở chỗ mà ta sẽ chỉ cho ngươi". Abraham vâng lệnh Chúa Trời, đem theo hai người hầu cùng củi lửa và dẫn con lên núi.

Trước hết, Auerbach lý giải cách viết của Homère: Tuy kể chuyện theo một mạch, nhưng Homère luôn luôn dừng lại để giải thích những biến cố, những sự kiện, những chi tiết lần lượt hiện ra: không có sự kiện nào là không được giải thích. Khi u già nhìn thấy vết sẹo trên đùi Ulysse, u xúc động, bỏ rơi chân chủ trong chậu nước, định báo ngay cho Pénélope biết sự thật thì Ulysse đã ngăn u lại, không cho nói.

Giữa cái tích tắc từ lúc u già nhìn thấy vết sẹo ở đùi Ulysse, và lúc u định báo ngay cho Pénélope biết, trong khoảng thời gian không quá một chớp mắt ấy, Homère đã hãm thời gian lại để đưa vào 60 câu thơ giải thích sự tích vết sẹo trên chân Ulysse, đồng thời kể về dòng dõi gia đình chàng, ông ngoại và các cậu của chàng, đời sống thơ ấu của chàng, phản ứng của ông ngoại khi chàng ra đời như thế nào, rồi khi lớn lên, chàng đi săn, bị lợn lòi húc vào đùi như thế nào.

Không chỉ trong đoạn thơ này, mà toàn thể cách viết của Homère, chẳng có một chi tiết nào là bị bỏ qua mà không được giải thích rõ ràng. Homère, không phân biệt chính diện và trắc diện, tức là tất cả mọi yếu tố chính cũng như phụ đều được trình bày trên cùng một bình diện rõ ràng như nhau. Homère tự làm công việc chú giải, không chấp nhận sự dẫn giải đến từ người khác.

Ngược lại, nếu so sánh thơ Homère với một đoạn văn cùng thời, viết về việc Abraham đem con làm vật tế trong Thánh Kinh Cựu Ước, mà người kể chuyện là L'Elohiste[10], ta sẽ thấy có sự khác biệt sâu xa.

Câu đầu tiên: “Sau những biến cố ấy, Thượng Đế thử lòng Abraham và gọi: "Abraham! Abraham!" Abraham trả lời "Con đây! (Après ces évènements, il arriva que Dieu éprouva Abraham et lui dit: Abraham! Abraham! Il répondit: "Me voici!").

Câu văn ngắn này đã bộc lộ bản chất văn phong trong Thánh Kinh Cựu Ước. Trước tiên, ta không thể biết hai vị, một đang gọi và một trả lời này, đang ở đâu. Dĩ nhiên là họ ở hai nơi khác nhau, Thượng Đế có thể ở bất cứ chỗ nào, có thể ở trên trời, dưới đất, nhưng ở chừng mức nào? Cao hay thấp, để gọi Abraham? Việc đó người viết không nói đến. Điểm thứ hai, chúng ta cũng lại không biết vì lý do gì mà Thượng Đế phải thử lòng Abraham bằng hành động khủng khiếp là phải giết con. Về phía Abraham, chúng ta cũng chẳng biết rõ gì hơn: Không biết Abraham đứng ở đâu? Hai chữ "con đây" trong bản dịch thông dụng còn cho thấy một chút gì ở chữ đây, nhưng trong nguyên tác tiếng Do Thái thì chỉ có nghĩa là "hãy nhìn con" hoặc có bản lại dịch là "con nghe đây". Vậy trong văn bản Thánh Kinh, Thượng Đế là vô hình mặc dầu Người có hiện ra. Về Thượng Đế chúng ta chỉ biết có tiếng gọi, mà không biết từ đâu đến, tiếng gọi này gọi tên Abraham, nhưng cũng không hề có một hình dung từ nào đi theo để chỉ định người đó ra sao. Béo, gầy, cao, thấp, bao nhiêu tuổi? Trái ngược hẳn với lối viết của Homère, tất cả mọi chi tiết tính tình, dung mạo, nơi chốn, đều được mô tả đầy đủ đến cả sự tích của một vết sẹo.

Cách viết Thánh Kinh chỉ cho biết: Thượng Đế ra một cái lệnh và Abraham lặng lẽ tuân theo. Vẫn theo lối kể bí mật ấy, chúng ta được biết thêm: Abraham "dậy sớm" đi cùng với con và hai người nhà. Đến ngày thứ ba, Abraham "ngẩng lên nhìn và thấy chỗ đó từ xa (leva les yeux et vit l'endroit de loin)". Về thời gian của chuyến đi này chúng ta cũng không biết gì cả, trừ việc Abraham đi mất ba ngày, và khi ông ta ngẩng mặt lên nhìn, có thể là vào cuối ngày thứ ba, thì ông ta thấy "chỗ đó". Cái tên Moriyya, có lẽ là về sau thêm vào, và cũng chẳng nói được gì rõ hơn.

Tất cả những phân tích trên đây của Auerbach là để làm gì?

Để đưa đến lập luận sau đây:

So sánh hai văn bản, ta thấy Homère trình bày hiện thực một cách chi tiết, rõ ràng, tất cả đều được đưa ra mặt tiền của sân khấu, khiến người đọc không phải đoán. Văn Kinh Thánh chỉ gợi ý mà không nói rõ. Những nhân vật trong Kinh Thánh có một hậu trường, trong khi những nhân vật của Homère tất cả đều bày rõ trên hiện trường. Những hành động của Abraham không chỉ được giải thích bằng những gì đang xảy ra, cũng không bằng tính tình của ông ta, như tính Achille can đảm và kiêu ngạo, tính Ulysse thận trọng và khôn ngoan, mà được giải thích bằng những gì đã xảy ra trước đó: Abraham nhớ lại, ông ta nhớ Thượng Đế hứa hẹn và bao giờ cũng chiếu cố tới ông ta. Abraham bị phân chia giữa hai tình cảm: nửa nghi hoặc bất tuân, nửa hy vọng đợi chờ. Sự tuân thủ mù quáng của Abraham không đơn giản như những hành động của Ulysse, rõ ràng đen ra đen, trắng ra trắng.

Vì vậy, thơ Homère, mặc dù chất lượng văn chương và nghệ thuật rất cao so với văn phong Thánh Kinh Cựu ước, nhưng lại trình bày con người dưới dạng thức tương đối đơn giản. Trong khi Kinh Thánh, mặc dù văn phong đơn giản, lại nói lên được cái dằn vặt trong nội tâm con người.

Nhiều người cho rằng Homère viết truyện bịa. Nhưng việc bịa đặt này, nếu có, chẳng làm suy giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm và ảnh hưởng của nó đối với toàn diện nền văn học Tây phương.

Nhưng đối với Thánh Kinh vấn đề không đơn giản: Chủ đích của Thánh Kinh là viết về lịch sử loài người, từ thuở khai thiên lập địa đến ngày tận thế. Thánh Kinh tự cho cái quyền biểu dương sự thực tuyệt đối. Nhưng câu chuyện về hai cha con Abraham và Isaac lại cũng không có gì bảo đảm là thực hơn chuyện Ulysse của Homère. Vậy có hai khả năng:

Một là, những người viết Thánh Kinh phải mãnh liệt tin rằng chuyện hiến con của Abraham là thực, họ phải có một đức tin thiêng liêng về câu chuyện ấy cũng như những chuyện khác trong Thánh Kinh.

Hai là, nếu nói theo những nhà chú giải thuần lý, thì tác giả Thánh Kinh phải là kẻ nói dối có ý thức. Sự bịa đặt trong Thánh Kinh, không vô hại như sự bịa đặt của Homère – Homère bịa để làm văn – mà nó có mục đích chính trị: nói dối để ngự trị.

Người ta có thể, một mặt nghi ngờ sự thực về cuộc chiến thành Troie, về cuộc viễn du lênh đênh trên biển cả của Ulysse, nhưng một mặt vẫn tìm thấy những cảm xúc mà tác phẩm Homère mang lại.

Nhưng vô phúc cho kẻ nào không tin vào Kinh Thánh. Bởi bất cứ ai không tin vào câu chuyện đem con làm vật tế của Abraham, thì không thể sử dụng câu chuyện này đúng vào cái nghĩa mà nó được viết ra. Nhìn xa hơn nữa: Thánh Kinh Cựu Ước không chỉ tự coi là biểu dương sự thật, thật hơn tác phẩm của Homère, mà nó còn ngự trị một cách độc đoán và gạt bỏ tất cả những cái khác. Thế giới của những kinh sách tôn giáo về Thượng Đế đều như thế cả. Không những tự coi mình nắm sự thật lịch sử, mà còn tự coi mình là sự thật duy nhất của lịch sử. Đó là một thế giới trị vì duy nhất, loại trừ tất cả những cái khác.[11]

Auerbach đã dùng cách so sánh hai văn bản cùng phát xuất từ thời cổ đại, một của Homère và một của Thánh Kinh để làm điểm khởi hành cho tác phẩm Mimésis. Qua bài viết này, ông đã trình bày cho chúng ta thấy cách viết hiện thực của hai tác phẩm được coi là thủy tổ của nền văn học Châu Âu, cũng là hai chủ trương biểu hiện thực tế hoàn toàn khác nhau: Homère mô tả thực tế bằng cách làm hiển lộ những yếu tố, thực trạng ra ngoài, liên tục làm rõ, làm sáng, không bỏ quên chi tiết nào. Lối viết của Homère không cần giải thích. Thánh Kinh khi mô tả hiện thực, chỉ đưa ra một vài yếu tố, cốt ý để chìm những yếu tố khác trong hậu trường, trong bóng tối. Lối viết này đòi hỏi một sự dẫn giải, một sự tin tưởng tuyệt đối, bởi nó có tham vọng viết lại lịch sử nhân loại, và tự cho là lịch sử duy nhất đúng. Hai lối viết có hai kỹ thuật và hai mục đích hoàn toàn khác nhau, đều đã ảnh hưởng sâu xa đến cách biểu dương hiện thực trong văn chương Âu Châu từ xưa đến nay.

Thế giới trong miệng Pantagruel

Bài "giải thích văn bản" thứ hai của Auerbach mà chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả là bài phê bình tác phẩm của Rabelais.

Cách "giải thích" Rabelais của Auerbach hoàn toàn khác với Spitzer và Bakhtin.

Xin nhắc lại, Rabelais (khoảng 1494-1553), viết Pantagruel năm 1532, và Gargantua, năm 1534. Tên đầy đủ của hai tác phẩm này là Hành vi và kỳ công rùng rợn khủng khiếp của con người lừng danh Pantagruel (Horribles et Épouvantables Faits et Prouesses du très renommé Pantagruel) Cuộc đời vô giá của Gargantua vĩ đại, cha Pantagruel (Vie inestimable du grand Gargantua, père de Pantagruel).

Auerbach chọn đoạn thuộc chương XXXII trong cuốn Pantagruel, François Rabelais, dưới bút hiệu Alcofribas Nasier [hoán tự của François Rabelais] nhà trừu tượng nhứt hạng, kể chuyện rằng: trong buổi xuất quân đi đánh dân Almyrodes, gặp mưa bất tử, Pantagruel ra lệnh cho quân thắt chặt hàng ngũ, đoạn y thè lưỡi (thè một nửa thôi) cho quân trú mưa giống như gà mẹ ấp gà con. Duy chỉ mình tác giả (bỉ nhơn là kẻ đã kể hầu quý ngài bao nhiêu là chuyện thiệt) đã tìm được chỗ trú trước, bấy giờ bỏ đi thì không còn chỗ dưới cái lưỡi trú nữa, cho nên:

"Doncques, le mieulx que je peuz, montay par dessus, et cheminay bien deux lieues sus sa langue tant que entray dedans sa bouche. Mais, ô Dieux et Déesses, que veiz je là? Jupiter me confonde de sa fouldre trisulque si je mens. Je y cheminoys comme l'on faict en Sophie à Constantinoble, et y veiz de grans rochiers comme les mons de Dannoys, je croys que c'estoient ses dentz, et de grands prez, de grandes forestz, de fortes et grosses villes, non moins grandes que Lyon ou Poictiers. Le premier que y trouvay, ce fut un homme qui plantoit des choulx. Dont tout esbahy luy demanday: "Mon ami, que fais tu icy? - Je plante, dist-il, des choulx- Et à quoy ny comment, dis-je? - Ha, Monsieur, dist-il, chascun ne peut avoir les couillons aussi pesant qu'un mortier, et ne pouvons estre tous riches. Je gaigne ainsi ma vie, et les porte vendre au marché en la cité qui est icy derriere. - Jésus, dis-je, il y a icy un nouveau monde? - Certes, dist-il, il n'est mie nouveau, mais l'on dist bien que hors d'icy y a une terre neufve où ilz ont et soleil et lune et tout plein de belles besoignes; mais cestuy cy est plus ancien. - Voire mais, dis-je, comment a nom ceste ville où tu portes vendre tes choulx? -Elle a, dist il, nom Aspharage, et sont chritians, gens de bien, et vous feront grande chere." Bref, je deliberay d'y aller. Or, en mon chemin, je trouvay un campagnon qui tendoit aux pigeons, auquel je demanday: "Mon amy, d'ont vous viennent ces pigeons icy? - Cyre, dist il, ils viennent de l'aultre monde." Lors je pensay que, quand Pantagruel basloit, les pigeons à pleines volées entroyent dedans sa gorge, pensans que feust un colombier. Puis entray en la ville, laquelle je trouvay belle, bien forte et en bel air; mais à l'entrée les portiers me demanderent mon bulletin; de quoy je fuz fort esbahy, et leur demanday: "Messieurs, y a ici dangier de peste? - Ô, Seigneur, dirent ilz, l'on se meurt icy auprès tant que le charriot court par les rues. - Vray Dieu, dis je, et où? " A quoy me dirent que c'estoit en Laryngues et Pharyngues, qui sont deux grosses villes telles que Rouen et Nantes, riches et bien marchandes, et la cause de la peste a esté pour une puante et infecte exhalation qui est sortie des abysmes des puis n'a gueres, dont ilz sont mors plus de vingt et deux cens soixante mille et seize personnes despuis huict jours. Lors je pensé et calculé, et trouvé que c'estoit une puante halaine qui estoit venue de l'estomach de Pantagruel alors qu'il mangea tant d'aillade, comme nous anvons dict dessus. De là partant, passay entre les rochiers, qui estoient ses dentz, et feis tant que je montay sus une; et là trouvay les plus beaux lieux du monde, beaux grands jeux de paulme, belles galeries, belles praries, force vignes et une infinité de cassines à là mode italicque, par les champs pleins de delices, et là demouray bien quatre moys, et ne feis oncques telle chere pour lors. Puis descendis par les dentz du derrière pour venir aux baulièvres; mais en passant je fuz destroussé des brigans par une grande forest qui est vers la partie des aureilles. Puis trouvay une petite bourgade à la dévallée, j'ay oublié son nom, où je feiz encore meilleure chere que jamais, et gaignay quelque peu d'argent pour vivre. Sçavez-vous comment? A dormir; car l'on loue les gens à journée pour dormir, et gaignent cinq et six solz par jour, mais ceulx qui ronflent bien fort gaignent bien sept solz et demy. Et contois aux senateurs comment on m'avoit destroussé par la valée, lesquelz me dirent que pour tout vray les gens de delà estoient mal vivans et brigrans de nature, à quoy je cogneu que, ainsi comme nous avons les contrées de deça et delà les montz, aussi ont ilz deça et delà les dentz; mais il fait beaucoup meilleur deça, et y a meilleur air. Là commençay penser qu 'il est bien vray ce que l'on dit que la moytié du monde ne sçait comment l'autre vit, veu que nul avoit encores escrit de ce pais là, auquel sont plus de XXV royaulmes habitez, sans les desers et un gros bras de mer, mais j'en ay composé un grand livre intitulé l'Histoire des Gorgias, car ainsi les ay-je nommez parce qu 'ilz demourent en la gorge de mon maistre Pantagruel. Finablement vouluz retourner, et passant par sa barbe, me gettay sus ses epaulles, et de là me dévallé en terre et tumbé devant luy. Quand, il me apperceut, il me demanda: "D'ont viens tu, Alcofrybas?- Je luy responds: De votre gorge, Monsieur. - Et depuis quand y es tu, dist il? Depuis, dis je, que vous alliez contre les Almyrodes. - Il y a, dist il, plus de six moys. Et de quoy vivois tu? Que beuvoys tu? - Je responds: Seigneur, de mesme vous, et des plus frians morceaulx qui passoient par vostre gorge je prenois le barraige - Voire mais, dist il, où chioys tu? - En votre gorge, Monsieur, dis-je - Ha, ha, ha, tu es gentil compagnon, dist il? Nous avons, avecques l'ayde de Dieu, conquesté tout le pays des Dipsodes; je te donne la chatellenie de Salmigondin. - Grand mercy, dis je, Monsieur. Vous me faictes du bien plus que n'ay deservy envers vous ".

Dịch:

"Hay hơn hết là bỉ nhơn trèo lên, đi thêm hai dặm trên cái lưỡi, bề nào mà chả vào miệng ổng [Pantagruel]. Úi trời đất quỷ thần ơi, bỉ nhơn thấy gì đây chớ há? Thần Jupiter giáng sấm ba đầu vật chết nếu như bỉ nhơn nói xạo. Bỉ nhơn leo như người ta leo đỉnh Sophie ở Constantinoble, thấy những tảng đá lớn như những ngọn núi Dannoys, bỉ nhơn xém chừng là những cái răng của ổng, rồi đến những cánh đồng rộng, những khu rừng lớn, những thành phố lớn mạnh chẳng kém gì Lyon, Poitiers. Kẻ đầu tiên bỉ nhơn thấy, là một thằng cha đang trồng bắp cải. Ngạc nhiên hết sức, bỉ nhơn bèn hỏi: "Chú mày mần chi dzậy?" - Tui trồng bắp cải. "- Mần răng?" - Ý! Thầy hai! Ai đâu mà giàu mấy họ, có cái dái nặng như cái chày, chừ tui phải đem rau bán ở chợ thành phố miệt sau, để kiếm cái ăn chớ! - Chúa ơi, đây cũng có một thế giái ta bà mới nữa cà? - Chẳng có mới mẻ gì nhiêu đâu, nghe người ta biểu rằng, ngoài đây, còn có vùng đất mới có cả mặt trời, cả mặt trăng và dư việc làm, chỗ này là đất cũ. - Ừa, vậy chớ cái thành phố chú mày bán bắp cải nó tên chi há? - Nó tên là Aspharage, hết thảy người ta đi đạo, người tốt, họ sẽ đón rước thầy hai đa". Bỉ nhơn bèn quyết định tới đó. Trên đường gặp một chàng giăng lưới bẫy chim câu, bỉ nhơn mới hỏi: "Nè anh bạn, chim này ở đâu đến ta?" -"Thưa ngài, chúng từ thế giới mới đến". Bấy giờ, bỉ nhơn mới nghĩ ra rằng, bị lúc Pantagruel ngáp, mấy con chim câu bay lọt thỏm vào miệng chả, bởi chúng tưởng đó là cái tổ bồ câu. Rồi bỉ nhơn vào thành, thấy đẹp đẽ và kiên cố dữ, có cả khí trời; ngặt ở cửa thành, mấy người gác cổng hỏi giấy phép vệ sinh, ngạc nhiên, bỉ nhơn mới hỏi lại: "Uả, có bệnh dịch hạch hè? Mấy thầy?" -"Thưa ngài, người ta chết như rạ xe ba gác chở ra nghĩa địa không xuể" - "Thiệt hả, ở đâu?". Họ nói: Ở miệt Laryngues [larynx, thanh quản], Pharyngues [pharynx, yết hầu], là hai thành phố lớn như Rouen, Nantes, giàu có, người buôn bán đông đúc, có bệnh dịch do mùi hôi thối nhiễm độc bốc lên từ những vực sâu ở những giếng xưa, từ tám hôm nay chết hơn hai ngàn hai trăm sáu mươi ngàn và sáu người". Bấy giờ thời bỉ nhơn mới suy nghĩ và tính toán, té ra cái hôi thối nó đến từ dạ dày Pantagruel, bởi ổng ăn biết bao nhiêu là bánh mì trát tỏi như chúng ta đã thấy ở trên. Bỉ nhơn đi từ đó, qua những tảng đá, là những cái răng của ổng, rồi trèo lên một hòn và ở trển bỉ nhơn nhìn thấy những nơi đẹp nhất thế giới, những sân đánh cầu đẹp, những hành lang đẹp, những cánh đồng cỏ đẹp, những giậu nho hết sức mạnh, rần rần nhà cửa miệt vườn làm theo mốt Ý, bởi những cánh đồng quá thú vị mà bỉ nhơn ở đó bốn tháng chẳng làm gì. Rồi bỉ nhơn leo qua những cái răng phía sau của ổng để xuống đến môi ổng, nhưng đang đi bỉ nhơn bị cướp giật ở khu rừng phiá sau tai ổng, rồi lại thấy có một cái làng nhỏ dưới dốc, bỉ nhơn quên tên là gì, ở đó bỉ nhơn được tiếp đón nồng hậu hơn cả và kiếm được chút tiền sống. Bạn có biết làm sao hông? Ngủ; bởi vì người ta thuê người cả ngày để ngủ, kiếm được năm, sáu solz mỗi ngày, ai ngáy to thời kiếm được tới bảy solz rưỡi. Bỉ nhơn kể lại với mấy ông già chuyện bị cướp giật ở thung lũng, mấy ổng biểu dân cư miệt ngoải sống khổ có máu cướp bóc, bỉ nhơn mới hiểu rằng, cũng như ta có miền bên này, bên kia dãy núi, họ cũng có miệt trong, miệt ngoài răng, nhưng ở đây miệt trong dễ chịu hơn, không khi tốt lành hơn. Bấy giờ, thời bỉ nhơn mới nghĩ đến câu người ta nói một nửa trái đất không biết nửa kia sống thế nào, là trúng phóc! Thấy chưa ai viết về cái xứ này, nơi có hơn XXV vương quốc, không có sa mạc, và một eo bể lớn, nên bỉ nhơn bèn sáng tác một cuốn sách tên là Lịch sử Gorgias, bỉ nhơn gọi tên như thế bởi vì nó ở trong cổ họng [gorge] của ông chủ bỉ nhơn là Pantagruel. Sau hết, muốn về lại, bỉ nhơn néo chòm râu của ổng, nhảy xuống vai ổng, rồi từ đó bỉ nhơn leo xuống đất, rơi xuống trước mặt ổng. Nhìn thấy bỉ nhơn, ổng hỏi: "Alcofrybas, nhà ngươi từ đâu về đấy?". Bỉ nhơn trả lời: Từ cổ họng chủ tướng về. "Ngươi ở đó từ lúc nào? - Từ lúc chủ tướng đi đánh Almyrodes. - Tức là đã hơn sáu tháng nay, vậy ngươi sống bằng cách gì? Ăn uống làm sao? - Bỉ nhơn trả lời: Bẩm đại nhơn, cũng như ngài đó, thảy những miếng ngon nhứt qua họng ngài, tui đều có lấy chút thuế quan - Vậy chớ ngươi ị ở đâu? - Bẩm, cũng ở trỏng chớ đâu nữa. - Ha, ha, ha, ngươi là bạn đồng hành tốt. Nhờ trời, ta vừa chiếm được cả nước Dipsodes, ta cho ngươi cai quản Salmigondin - Đa tạ chủ tướng ban ơn, tui thiệt quả không xứng đáng".

Chúng tôi tạm dịch Rabelais để độc giả theo dõi lối phê bình Rabelais của Auerbach, hoàn toàn khác với lối Bakhtin và Spitzer mà chúng ta đã thấy.

Như trên đã nói, Auerbach nhìn toàn bộ văn chương Âu châu, từ thời thượng cổ đến ngày nay như những cách biểu hiện thực tế khác nhau, và ông gọi tên là Mimésis, hay sự biểu dương hiện thực trong nền văn chương Âu châu, và hiện thực Rabelais có những nét đặc thù cần phải phân tích.

Chúng ta cũng không quên Spitzer đã đả phá thậm tệ quan niệm của Lanson, được dạy trong các trường học của Pháp, coi Rabelais là tác giả hiện thực nhất trong các tiểu thuyết gia hiện thực. Nhưng ta cần phân biệt, cái hiện thực mà Lanson nói đến là hiện thực đóng khung trong sự phân biệt các trường phái cổ điển, hiện thực, lãng mạn... theo những quy ước rất bề ngoài của các nhà văn học sử, thế kỷ XIX. Cũng không phải là hiện thực "người thật, việc thật" do những người vô học chỉ định trong hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hiện thực mà Auerbach nói tới ở đây có nghĩa sâu rộng, bao trùm lên tất cả mọi cách biểu dương văn chương tư tưởng mọi thời.

Để phân tích đoạn văn trên đây của Rabelais, Auerbach chia lập luận làm bốn phần:

1- Xác định nguồn cội cảm hứng của tác giả.

2- So sánh các tác phẩm nguồn cội với tác phẩm của Rabalais.

3- Xác định kỹ thuật xây dựng hay văn phong, văn cách của Rabalais.

4- Xác định tư tưởng chủ yếu của Rabelais trong tác phẩm.

Trước hết, Auerbach nói đến nguồn cảm hứng của tác phẩm: Rabelais không bịa ra câu truyện phiêu lưu này, ông dựa trên hai nguồn:

- Niên lịch thông thư dân gian về chuyện người khổng lồ Gargantua (L'almanach populaire du géant Gargantua) kể chuyện 2943 người võ trang được phái đi cắt cổ Gargantua trong khi y ngủ, nhưng lầm đường đi thẳng vào miệng y đang há ra, họ tưởng những chiếc răng của y là những tảng đá lớn. Khi Gargantua tỉnh dậy, uống nước, cả bọn bị chết trôi, trừ ba người nấp vào chỗ một cái răng khuổng.

- Nguồn Pháp này không phải là duy nhất, Rabelais còn dùng một nguồn nữa từ thời cổ La Hy, trong tập Truyện thật (Histoire vrai) của Lucien, nói về một con quái vật ở biển, nuốt chửng một chiếc tàu với tất cả thuỷ thủ, những người này thấy trong họng quái vật, những núi non, rừng rậm, sông hồ, cùng các loại dân cư nửa người nửa thú sống ở đó. Còn có hai cha con, bị đắm tàu 27 năm trước, cũng trồng bắp cải và lập đền thờ thần Poséidon.

Rabelais đã pha trộn hai nguồn này, bằng cách đưa vào cổ họng người khổng lồ của niên lịch dân gian, những phong cảnh tìm thấy trong tác phẩm của Lucien, dĩ nhiên là ông có bịa thêm nhiều chi tiết mới nữa.

Theo Auerbach, mặc dù Rabelais đã có trong đầu những mẫu mực văn chương cần thiết, nhưng ông vẫn dùng phương tiện riêng của mình để mô tả thế giới trong miệng Pantagruel. Ở đây, tác giả Alcofrybas không gặp những nhân vật thần thoại nửa người nửa thú như trong sách Lucien, mà thấy một xã hội kinh tế mở mang, giống như quê hương nước Pháp của y. Điều làm cho Alcofrybas ngạc nhiên nhất, là ở đây, y cũng gặp một anh chàng trồng bắp cải y hệt như ở Touraine, quê y [Touraine, ở phía Tây Nam Paris, là quê của Rabelais]. Điều làm cho người đọc ngạc nhiên không phải là thái độ ngây ngô của anh nhà quê trồng bắp cải, mà ở chỗ anh ta có tất cả cái dí dỏm rất Pháp, rất Rabelais, trong ngôn ngữ và trong cách ứng xử. Anh ta nói đến "thế giới mới", như tất cả những nguời dân quê ở Touraine và ở các vùng khác của châu Âu thời bấy giờ nói đến "thế giới mới", tức những vùng đất vừa được khám phá ở Châu Mỹ và Ấn Độ, trong thế kỷ XV, XVI.

Tóm lại, người dân Aspharage này, ứng xử y hệt như người dân Touraine, rồi cứ thế những lời đối thoại dẫn đến những giai đoạn lịch sử khác ở Âu châu: như bệnh dịch khoảng 1532-1533, ở những thành phố phía Bắc nước Pháp, rồi những phong cảnh đồng quê mà nhà cửa làm theo lối Ý, rất thịnh hành thời bấy giờ, cả chi tiết ngủ thuê kiếm tiền cũng lấy trong thần thoại vùng Cocagne.

Trong khi truyện của Lucien, cốt yếu chỉ nhắm vào khiá cạnh phiêu lưu hoang đường, còn niên lịch dân gian thì chỉ có mục đích thổi phồng khái cạnh kỳ quái, Rabelais đưa ra nhiều tình huống, bài bố nhiều cảnh trí, đưa ra nhiều kinh nghiệm sống và nhiều văn cách. Trong khi Alcofrybas đi thám hiểm trong họng Pantagruel, thì ông vua này tiếp tục cuộc chinh phục đánh quân Almyrodes và Dipsodes.

Ở đây, Rabelais đưa ra ba loại chủ đề đan cài nhau:

- Chủ đề thứ nhất: khung cảnh được phác họa bằng chủ đề trào tiếu với tỷ lệ vĩ đại, được nhắc lại mỗi lần bằng những hình ảnh thậm vô lý và tức cười như những con chim câu bay thẳng tuột vào cổ họng Pantagruel khi hắn ngáp, hay bệnh dịch hạch được giải thích bằng "biến cố" Pantagruel bị đầy bụng vì ăn nhiều tỏi quá, nhất là màn đối thoại chót.

- Giữa bối cảnh cực kỳ trào tiếu này xen vào chủ đề thứ hai, cũng mới và rất thịnh hành thời đó là sự khám phá những vùng đất mới ở châu Mỹ và Ấn Độ. Chủ đề này còn kéo dài hai thế kỷ sau. Đừng quên Rabelais gọi tên cái xứ của cha con người khổng lồ Gargantua và Pantagruel là Utopie (Không tưởng). Ở đây, không chỉ có tên gọi mà còn là sự chỉ định: Xứ của Pantagruel và Gargantua, với những thể chế chính trị, tôn giáo, giáo dục, không chỉ có tên là Utopie (Không tưởng) mà nó là Không tưởng, đâu như ở miệt Viễn Đông xa xôi, mà lại như ở giữa nước Pháp.

- Chủ đề thứ hai dẫn đến chủ đề thứ ba: "Giống hệt xứ ta". Điều lạ lùng và thậm vô lý trong vũ trụ "họng" này, không phải nó giống "xứ ta", mà là "nó giống xứ ta như hai giọt nước", nó hay hơn "ta", nó biết có thế giới mới, trong khi "ta" không biết đến thế giới mới.

Sau khi chỉ ra sự pha trộn chủ đề, Auerbach nói đến sự pha trộn phong cách (style): văn tục xen lẫn văn thanh, triết lý trộn với bỗ bã và giữa chốn trào tiếu khôi hài, nổi lên hình ảnh khủng khiếp của bệnh dịch hạch: từng đoàn người chết được chở xe ba gác ra nghĩa địa.

Truy nguyên gốc gác của cách viết này, Auerbach cho rằng lối pha trộn phong cách thanh, tục cũng không do Rabelais sáng chế ra, mà rất nghịch lý, là nó đã có ở trong những bài thuyết pháp cuối thời Trung cổ, trong đó truyền thống pha trộn phong cách bình dân, bác học của Thiên Chúa giáo đã tới điểm tột cùng. Auerbach tìm thấy ở một thời rất xa, trong cuốn Bí mật của Thánh kinh cổ (Mistère du vieil Testament)[12] đã thấy ghi Chúa Trời và thiên thần nói tiếng Pháp La-tinh, còn thợ thuyền và bọn lưu manh, xỏ lá, nói tiếng bình dân, vô lại.

Đến đầu thế kỷ XIII, ở Ý, xuất hiện một người, tiếp tục sự pha trộn "bình dân-bác học", ông chủ trương lời nói phải đi đôi với việc làm, đó là Thánh François d'Assise (1182-1226). Sống theo gương chúa, cúi xuống quần chúng lầm than, hiểu họ và nói cùng thứ tiếng với họ, Saint François, quê ở Assise, thuộc Ombrie miền Trung nước Ý, đã lập ra dòng Franciscain. Những bài thuyết pháp cuối thời Trung cổ, đều pha trộn yếu tố thanh, tục phát sinh từ truyền thống Saint François d'Assise. Rabelais, thời trẻ đã vào tu dòng Franciscain, và ông đã sử dụng đến tận cùng thủ pháp văn chương này, Auerbach viết:

"Rabelais thời trẻ, đã từng là tu sĩ dòng Franciscain, nên ông đã trích mượn ở nguồn này một cách "nguyên chất" hơn ai hết. Ông đã nghiên cứu đến tận nguồn cuộc đời và cách diển tả của những thầy tu dòng Franciscain rồi tự đồng hoá theo cách của mình; ông không thể cởi bỏ được nữa. Càng ghét những dòng tu khất thực[13] bao nhiêu, thì ông lại càng thấy cách hành văn hiện thực, trắng trợn, rất người, mạnh mẽ tới độ khôi hài của họ, phù hợp đúng với tính khí và lối phát ngôn của ông, và không ai khéo lợi dụng những nguồn vốn này bằng ông".[14]

Auerbach viết tiếp: "Cách phân tích của chúng tôi với những phương tiện eo hẹp, đã cho phép làm sống lại nguyên tắc cơ bản xác định cách Rabelais nhìn và tóm bắt thế giới: đó là nguyên tắc pha trộn những loại dữ kiện, kinh nghiệm và tri thức cũng như sự chồng chất giao thoa những tỷ lệ và những phong cách"[15].

Sự khai triển tỷ lệ vĩ đại cho phép Rabelais đạt được những tác dụng tương phản, làm đổ vỡ những phối cảnh, và phá luôn cả sự cân bằng tâm thần của người đọc, bởi sự khôi hài quỷ quái vốn sẵn dành cho tác dụng này: Họ luôn luôn bị chao đảo giữa những bức họa cảnh sống tỉnh nhỏ đầy thi vị và hiền lành, với những biến cố cực kỳ kỳ quái và những tư tưởng nhân đạo-không tưởng. Độc giả không lúc nào được nghỉ lại ở một thực tế thân quen; chưa kể, những yếu tố hiện thực thô thiển, tục tĩu dội lên đầu họ như một cơn lốc, với nhịp độ mãnh liệt của câu chuyện với những ám chỉ không ngừng, những cơn bão cười nôn ruột mà những đoạn này đem lại, làm chao đảo tất cả những ý tưởng trật tự hiện hành thời ấy. [...].

Chỉ cần đọc đoạn dài cậu Gargantua kê khai danh sách các thứ hồi nhỏ dùng để chùi đít, ta cũng thấy: Một ngẫu ứng vô song! Đủ cả, thôi thì, thi phú, tam đoạn luận, y khoa, động vật, thực vật học, văn thơ trào phùng nhạo đời, và nguyên cả một quyển mục tập thời trang lúc bấy giờ. [...]

Hay như trong bài diễn văn của ông thẩm phán Bridoye (40 năm hành nghề, xử án công bằng và khôn khéo), bài diễn văn pha trộn những lời lẩm cẩm già cả, với những minh triết châm biếm thâm hiểm, những giai thoại lạ lùng thêu dệt nên lời vị thẩm phán, tất cả những thuật ngữ của nghề luật dội xuống đầu người đọc như dòng thác chữ trào tiếu, mỗi xác định hiển nhiên hay phi lý đều dựa trên vô số trích đoạn lấy ở luật La Mã và ở những nhà chú giải. Đó là trận pháo bông phối hợp toàn bộ những yếu tố: trí tuệ, kinh nghiệm kiện tụng, kinh nghiệm sống, văn thơ nhạo báng phong tục và thói tật thời đại. Đó là sự khai tâm của tiếng cười, của sự di động trí tuệ, bắt trí tuệ phải thay đổi nhanh chóng quan niệm và coi mọi sự vật bằng hàng trăm cách khác nhau [...].

Những tác phẩm ở cuối thời Trung cổ, đều sao nguyên bản một khuôn khổ xã hội, địa lý, vũ trụ luận, tôn giáo và đạo đức đã được nghiêm ngặt quy định; khi tác phẩm nào định đưa ra nhiều điều và nhiều dạng khác, thì [tác giả] phải cố gắng đem những thứ này vào trong khuôn khổ đã xác định của quy luật phổ quát. Rabelais, ngược lại, chỉ thích chơi với những sự vật và sự đa dạng của các tầm nhìn có thể có, thích chỉ cho độc giả đã quen với cái truyền thống, cơn lốc hổ lốn những hiện tượng, kéo họ ra đại dương mênh mông của thế giới, nơi người ta bơi lội tự do, nhưng cũng có thể mất mạng [...].

"Chỗ cách mạng trong tư tưởng của Rabelais, trước hết, không phải là chỗ ông chống đạo thiên chúa, mà là ở chỗ nó giải phóng tầm nhìn, giải phóng tình cảm và tư tưởng, mà các trò chơi không ngừng với sự vật của ông đã đem lại, đã khơi dậy, đã mời gọi độc giả tiếp xúc trực tiếp với thế giới, với vô vàn hiện tượng của thế giới".

"Ở ông, không có bất kỳ một quy luật thẩm mỹ nào, chẳng có cái gì xung khắc với cái gì. Thực tại hàng ngày kết hợp với chuyện kỳ khôi nhảm nhí nhất, sự uyên bác nằm trong những chuyện tiếu lâm thô lỗ nhất; giáo dục triết học và đạo đức phun ra những câu, những chuyện tục tĩu."

Và Auerbach gọi tên phong cách của Rabelais là phong cách pha trộn bác học và tiếu lâm, hay phong cách tiếu lâm Socrate (sa bouffonnerie socratique)[16].

Auerbach nhận định về phương pháp phê bình của mình trong lời bạt:

"Phương pháp tôi dùng là kể ra một số văn bản của mỗi thời ra để đối chiếu với những ý tưởng của tôi, có lợi thế là dẫn thẳng vào trung tâm của đề tài, khiến độc giả cảm thấy ngay vấn đề trước khi đưa ra bất cứ một lý thuyết nào.

Phương pháp phân tích văn bản cho người nghiên cứu một sự tự do nào đó trong cách diễn giải: tức là tự do lựa chọn và tô đậm chỗ nào anh ta thích. Tuy vậy, cái điểm mà anh ta xác định luôn luôn phải có trong văn bản. Những cách giải thích của tôi, chắc chắn là bị hướng dẫn bởi một ý hướng nhất định, nhưng ý hướng này không có sẵn mà nó được hình thành dần dần, từng trang, từng trang, cùng với luận điểm giải thích văn bản mà tôi đang nghiên cứu, và trong nhiều trang, tôi để cho văn bản hướng dẫn mình. Phần lớn những trích đoạn của tôi, được chọn khá tình cờ, hơn là do sự gặp gỡ ngẫu nhiên, hay do ý thích riêng của tôi cho một dự tính chính xác. Trong loại nghiên cứu này, ta không cộng tác với những lề luật, mà với những xu hướng và những dòng chảy gặp gỡ và bổ sung cho nhau bằng nhiều cách khác nhau. Tôi không hề có y định chỉ trình bày những gì phù hợp với những phát biểu của tôi; ngược lại, tôi cố gắng dành chỗ cho sự đa dạng và giữ sự mềm dẻo trong lập luận".[17]

Cũng như Léo Spitzer, Erich Auerbach không đưa ra những lý thuyết cao xa, khó hiểu, cũng không hề giữ bí quyết nghề nghiệp mà ông sẵn sàng chỉ cho các nhà phê bình trẻ đường lối làm việc của mình.

Mỗi chương trong tác phẩm Mimésis viết về một thời kỳ, có khi tương đối ngắn khoảng nửa thế kỷ, có khi dài hơn. Trong lời bạt, ông tiếc đã có những vùng tư tưởng ông bỏ qua hay còn thiếu sót, hoặc có những thứ tiếng chưa viết hết được những tác phẩm hay. Như ta đã biết, Mimésis được viết trong điều kiện khó khăn của một người di tản ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong chiến tranh, thiếu sách, thiếu tư liệu và sự thông thương với thế giới bên ngoài.

Điều mà chúng ta học được ở người thầy này là: những người phê bình cũng tạo nên thời đại của họ như những nhà văn.

Theo Auerbach, nhà văn nào cũng tìm cách thể hiện lại hiện thực mà họ đang sống. Sự kiện này chúng ta có thể kiểm chứng lại ở bất cứ nhà văn đích thực nào trong thời hiện đại của chúng ta, như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, v.v. Chưa nói đến "cốt truyện", hãy nhìn đến văn cách hay bút pháp của họ: tất cả những hậu tình, ẩn ý, những bí hiểm, trong những tác phẩm của họ, đều gói trọn tính cách toàn trị, kiểm soát tư tưởng, của thời đại mà họ đang sống, khiến họ không thể viết thẳng những điều họ nghĩ, mà phải đi vòng vo, và như thế, những biểu tượng trong văn phong Nguyễn Huy Thiệp và những bí hiểm trong văn phong Nguyễn Bình Phương, chính là phong cách hai nhà văn này dùng để xác định thời đại toàn trị mà họ đang sống.

Điểm thứ nhì, nhà phê bình cũng biểu thị thời đại của mình qua tác phẩm, hệt như nhà văn: Cùng một tác giả Rabelais, nhưng Bakhtin, Spitzer và Auerbach, đọc và nhìn khác hẳn nhau: Bakhtin sống trong chế độ toàn trị, ông nhìn Rabelais như một nhà giải phóng, một nhà dân chủ, một người chủ trương đa âm, đa giọng, chống lại chế độ độc tài thời Trung cổ, chỉ có một giọng chính thống. Spitzer và Auerbach, tuy phải tỵ nạn Hitler, nhưng chưa bị cầm tù, quản thúc và ngược đãi, vì vậy cái nhìn của họ bớt quyết liệt và bớt chính trị hơn, họ đi vào những khía cạnh xã hội và văn học.

Điểm cuối cùng cần nêu lên ở đây, là Auerbach đã mở đầu hai khuynh hướng: văn học so sánhliên văn bản, trong phong cách phê bình, và ông đã ảnh hưởng sâu xa đến thế hệ phê bình nửa sau thế kỷ XX.

Có thể có vài người đã làm việc này trước ông, nhưng Auerbach là người thực hiện phương pháp phê bình so sánh và liên văn bản một cách có hệ thống và toàn bộ. Nhưng nhà bác học khiêm nhượng này không hề đao to búa lớn, cũng không hề gọi tên phương pháp của mình là so sánh hay liên văn bản. Tuy cách phê bình của ông trong toàn bộ Mimésis là so sánh và liên văn bản, tức là ông truy tìm nguồn gốc của văn bản mẹ, hay các văn bản cùng thời, khác thời, rồi so sánh với văn bản đang phân tích để tìm ra những tính chất đặc thù chứa đựng trong tác phẩm nghiên cứu.

Những người đi sau ông, như một số nhà phê bình Pháp, lấy lại phương pháp này và lập thành lý thuyết, sáng chế thêm mớ thuật ngữ tân tạo, hào nhoáng, khó hiểu, và được người ta công kênh thành những nhà lý thuyết văn học thời danh.

Thụy Khuê

(Còn nữa)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/

Kỳ 9: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-9/

Kỳ 10: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-10/

Kỳ 11: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-11/

Kỳ 12: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-12/

Kỳ 13: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-13/

Kỳ 14: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-14/

Kỳ 15: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-15/

Kỳ 16: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-16/

Kỳ 17: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-17/


[1] Là tiếng Rô-man vùng Provence, Pháp.

[2] Tiếng Rô-man miền Catalogne, Đông Bắc Tây Ban Nha.

[3] Tiếng Rô-man vùng Sardaigne, đảo thuộc Ý.

[4] Tiếng Rô-man ở các vùng Rhétie (miền Đông Thụy sĩ), Tyrol (thuộc Áo) và Frioul (tức Vénitie xưa, thuộc Ý).

[5] Mimésis, bản dịch tiếng Pháp của Cornélius Heim, Gallimard, in năm 1968.

[6] Mimésis, t. 543-544.

[7] Mimésis, t. 542.

[8] Mimésis, Bạt (Postface), bản dịch tiếng Pháp của Cornélius Heim, Gallimard, 1968, t. 549-550-551.

[9] Mimésis, t. 11-34.

[10] L'Elohiste là người thuộc phái Elohisme, là "trường phái" lịch sử miền Bắc Israel, gọi Thượng Đế là Elohim, để phân biệt với những người Yahviste, thuộc trường phái Yahvisme, miền Nam Israel, gọi Thượng Đế là Yahvé. Elohiste là người viết Thánh Kinh theo trường phái Élohim.

[11] Mimésis, Cái sẹo của Ulysse (La cicatrice d'Ulysse), t. 11-34.

[12] Sách này được Ferdinand Brunot trích và chép lại trong Lịch sử tiếng Pháp (Histoire de la langue française), Mimésis t.172.

[13] Có bốn dòng tu khất thực: Les Dominicains, Les Franciscains, Les Augustins và Les Carmes.

[14] Mimésis, t. 274.

[15] Mimésis, t. 275.

[16] Mimésis, t. 275-276-277-278- 279-281-286.

[17] Mimésis, t. 551-552.