Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt” (kỳ 1)

Đỗ Quyên

THAM LUẬN HỘI THẢO “THẾ HỆ NHÀ VĂN SAU 1975”

Đại học Văn hóa Hà Nội - 28/4/2016

“Từ thời niên thiếu, tôi đã có ham muốn mãnh liệt hơn hết thảy:

sắp xếp được tất cả những dữ kiện vào các định luật phố quát nào đó.”

(C. Darwin)

“Mang cái nhớ đi qua tháng ngày

Viết trường ca để lại mai sau”

(Đình Thu)

• •

Mục lục

I. Mở đầu

II. Những lời bất cập về trường-phái-nhóm trong thi ca Việt hiện đại và đương đại

III. Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt”: Nhận thức và thực hành

III.1. Quan niệm về tính trường ca và việc lập danh sách tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam

III.2. Bước đầu phân loại tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam -

Sáu danh sách phân loại tác giả trường ca theo Thế hệ, Khuynh hướng, Phương thức, Nội dung, Cảm hứng, Ảnh hưởng

IV. Tạm kết

• •

I. Mở đầu

“Hiện tượng trường ca Việt Nam”. Khái niệm và nội hàm, từ năm 1980 đến nay đã được quan tâm trong nhiều nghiên cứu, phê bình, tọa đàm, thậm chí trong cả hội nghị, về thơ Việt Nam hiện đại nói chung và về trường ca nói riêng.[1]

Nhưng đến Hội thảo này, tất cả vẫn dường như nhiều tiếng-vỗ-của-một-bàn-tay[2]?

Cột mốc “sau 1975” đã, đang và sẽ là cột đỉnh trên đường biên chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống Việt Nam chừng nào đất nước mang hình chữ S của chúng ta còn bị lâm trận hoặc bị đe dọa, ám ảnh bởi chiến chinh khiến giang sơn phân đôi.

Theo thiển ý, xét trong hơn một thế kỷ vừa qua của thời kỳ văn học Hiện đại bắt đầu từ khoảng những năm đầu tiên của thế kỷ XX, thì mốc lịch sử 1975 - Tổ quốc thống nhất có ý nghĩa toàn diện (nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, hệ giá trị mĩ học, phục vụ thời cuộc…) và nhất là phạm vi ảnh hưởng (tính quốc tế hóa) hơn cả, so với bốn mốc còn lại[3]: 1932 - Thơ mới; 1945 - Cách mạng mùa Thu; 1954 - Đất nước chia đôi bởi Hiệp định Genève.

Và, cũng chính từ sau năm 1975 dòng trường ca Việt Nam phát triển đến độ sung mãn nhất của nó, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật, từ tư duy thể loại đến ảnh hưởng văn học.

Xét về cả thời gian (lịch đại) lẫn thời cuộc (thời đại), với giai đoạn lớn 40 năm từ sau 1975 đến thời điểm hiện tại, giới nghiên cứu và dư luận đã tương đối nhất quán khi chia nó thành ba giai đoạn nhỏ: 10 năm hậu chiến (1975 - 1986); 10 năm Đổi mới (1986 - giữa những năm 1990); 20 năm hậu Đổi mới (giữa các năm 1990 - hiện nay).

Và, dòng trường ca Việt Nam thăng hoa trong giai đoạn đầu, phân hóa và đa dạng trong hai giai đoạn sau.

Chất liệu cho nội dung chính ở đây tuy được trải rộng suốt khoảng 90 năm từ thời Thơ mới 1932-1945 đến nay. Nhưng về thực chất, “hiện tượng trường ca Việt Nam” có vùng hoạt động trong khoảng 40 năm 1960-2000: thời điểm lịch sử 1975 ở quãng giữa với khoảng 15 năm trước và 20 năm sau đó. Tức là, từ khoảng năm 1960 (miền Bắc ổn định trong đường lối Xã hội chủ nghĩa và chuẩn bị nhập cuộc chiến[4], miền Nam sắp vào giai đoạn chiến tranh trên quy mô lớn[5]) đến khoảng năm 2000 (thời điểm giai đoạn hậu Đổi mới chuẩn bị đạt thành tựu).

Dấu mốc 1960 có được do chúng tôi chọn ba điểm khởi phát của hiện tượng trường ca Việt Nam; đó là tác giả Văn Cao với tác phẩm Những người trên cửa biển - 1956; Hoàng Cầm, Tiếng hát người quan họ - 1956; và Thu Bồn, Bài ca chim Chơ Rao - 1962.

Về phạm vi và địa lý văn học của Tham luận: Mọi khu vực sinh hoạt và sáng tác thơ ca tiếng Việt, từ trung tâm, chính thống đến tất cả các ngoại vi, phi chính thống (hải ngoại, lề trái…) Thế nhưng, họ – các tác giả và tác phẩm trường ca xuất hiện và trưởng thành từ sau 1975 – là những “chính chủ” đã làm ra và đang quyết định hiện tình trường ca Việt Nam.

Đó là lý do thuyết phục nhất khiến bài viết được dành cho Hội thảo.

II. Những lời bất cập về trường-phái-nhóm trong thi ca Việt hiện đại và đương đại

Theo một số hướng chính của tiến trình văn học và nghệ thuật Đông Tây kim cổ, sẽ không khó rút ra vài điểm thường gặp ở các chủ nghĩa/trường phái/khuynh hướng/trào lưu tiêu biểu, quen thuộc.

Chúng tôi muốn đúc kết ở 6 điều kiện sau đây với một trường phái/khuynh hướng/trào lưu văn nghệ: 1. Số lượng nhất định các văn nghệ sĩ (thường có một người đứng đầu/đại biểu) cùng theo đuổi một khuynh hướng tư tưởng hoặc một phương pháp hành động riêng biệt và lần đầu tiên (bộc lộ qua một loại tuyên ngôn nào đó); 2. Cơ sở lý thuyết/lý luận cùng các phản biện cần thiết để thể hiện tư tưởng qua thực hành sáng tạo; 3. Phương tiện truyền bá (báo chí, diễn đàn, dư luận); 4. Không gian địa lý và thời gian trình diễn tác phẩm quan trọng; 5. Chịu sự cạnh tranh/sức ép/đàn áp của khuynh hướng, hệ tư tưởng/mỹ học khác; hoặc ảnh hưởng từ cuộc canh tân/cách mạng/cải tổ của thời đại, xã hội, của nền văn nghệ đó; 6. Tạo dấu ấn trong lịch sử văn nghệ ở phạm vi nào đó bằng quan điểm, tác phẩm, nhân vật, sự kiện điển hình.

Nói gọn, trên dòng chảy tri thức và sinh hoạt văn hóa loài người, các trường phái văn nghệ sinh ra là để... chết. Chết khi hết vai trò. Và lưu lại trên sân sáng tạo của ngôi nhà nhân loại một viên gạch mang tên mình.

Nói về trường/phái/nhóm thơ theo cùng thi pháp, phong cách… Hơn một thế kỷ qua ở phương Tây, nhất là Pháp, Mỹ đã từng rực lên biết bao mặt-trời-thơ nhỏ to.

Ở Pháp đầu thế kỷ XX tỏa sáng toàn cầu là các nhóm thơ Thất Tinh (Pléiade), Thi Sơn (Parnasse), những trường phái Tượng trưng Mallarmé, Siêu thực Bréton... Nước Nga với nhóm thơ Pushkin, nhóm thơ Vị Lai (Ego-Futurists), những trường phái thơ hình tượng Blok, trường phái thơ Lermontov-Pasternak... Từ giữa thế kỷ XX, Hoa Kỳ rực rỡ với hàng tá mặt-trời-thơ: trường phái Black Mountain, trường phái San Francisco, các nhà thơ thế hệ Beat, trường phái New York... Ngay cả xứ Trung Hoa, cuối thế kỷ trước tỏa sáng nhiều vùng sáng thơ riêng lẻ. Chỉ trong một bài viết nhỏ[6] chúng ta đã thấy: đây trường phái thơ Mông Lung, kia nhóm thơ Đất Quê Mới (Tân Hương thổ thi phái), kìa nhóm thơ Quật Khởi (Quật khởi thi quần)…

Các trường phái nghệ thuật ở phương Tây thành quả hơn ở phương Đông, phần vì họ mang tinh thần tôn trọng tự do cá nhân – sản phẩm của văn hóa phương Tây – vào sinh hoạt nghệ thuật nhóm phái, khuynh hướng. Tất nhiên còn vài lý do khác, như bài bản, nhà nghề, kỷ luật, biết chịu nhau… Rất ít sinh hoạt trường phái văn nghệ Việt thực hiện đúng tiêu chí coi nghệ thuật là mục tiêu tiền phong. Nó khó nhận ra vì những nhà cách tân ấy thường là nạn nhân cụ thể của một sự mất tự do nào đó. “Thi ca đã chọn chúng ta!” Độc quyền làm tiền vệ, độc tài cách canh tân – đó vẫn là lề lối làm việc của đa số trào lưu nghệ thuật Việt lâu nay. Thói xếp chiếu trên khoanh chiếu dưới đã làm thui chột nhiều ý muốn sáng tạo của những người không đồng hội đồng thuyền. Ngồi-xuống-cùng-làm-một-cái-gì. Đó là thao tác khó đầu tiên tạo nôi cho một nhóm văn hữu cùng sinh đẻ trên đó.

Dẫu thế, thơ Việt từ sau thời Thơ mới tới thời hiện đại rồi hậu hiện đại, cũng đôi lúc lấp lánh các vì sao lạ, dự phần soi tỏ bầu trời thơ ca nước nhà.

Trước 1975, cả hai khuôn viên văn nghệ nổi tiếng là nhóm thơ Bình Định 1936-1945 (đưa tới trường thơ Loạn) và nhóm Sáng Tạo 1956-1965 đều không là các tập hợp văn học về thi pháp có tính cách mạng mỹ học như hai nhóm Xuân Thu Nhã Tập 1939-1942 (lý thuyết và thực hành) và nhóm Dạ Đài (với tuyên ngôn Tượng trưng 1946, được Hội thảo quốc tế 2006 của Viện Văn học Việt Nam[7] xem xét – có lẽ lần đầu tiên? – như một thi phái Việt chưa kịp thực hành).

Sau 1975, có hai khuynh hướng nhóm-phái tập thể có ý thức, gây ảnh hưởng mạnh nhất như là “trường thơ” và có một khuynh hướng cộng đồng vô thức.

Từ năm 2000 đến nay, nhóm thơ Tân hình thức Việt (không xưng danh chính thức, tụ điểm là Tạp chí Thơ và nhà thơ Khế Iêm ở California) qua lý thuyết, thực hành cùng hoạt động (diễn đàn, xuất bản, “phe phái, chủ soái”) đã gây tiếng vang đáng kể trong văn giới và báo chí từ ngoài nước lan tới trong nước. Mới nhất, như một xác nhận tương đối chính thức về học thuật và dư luận, đó là Hội thảo “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo”[8] do Tạp chí Sông Hương (Huế) tổ chức trong các tháng 9&10/2014 qua 3 buổi tọa đàm tại Huế, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với kỷ yếu cùng tên “bao gồm các tiểu luận của nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Việt Nam […] và tiểu luận của các nhà nghiên cứu thế giới, các nhà thơ Tân Hình thức hàng đầu của Mỹ […]”.[9]

Như thế, bằng trường phái Tân hình thức Việt, có thể nói không e ngại, lần đầu tiên lịch sử văn học Việt được chứng kiến một trào lưu thi ca có lý thuyết rất bài bản, có diễn đàn - xuất bản sôi nổi, có thời gian thử thách, có ảnh hưởng dư luận và nhất là có thực hành với một số tác giả, tác phẩm thành công, rộng khắp trong và ngoài lãnh thổ quốc gia.

Tức là, ít nhất đến thời điểm này, trường phái Tân hình thức Việt đã rất đạt ở hầu khắp 5 điều kiện đầu trong danh sách 6 điều kiện nêu trên cho một trường thơ; điều kiện thứ 6: khắt khe mà nói cũng là đạt (mà tất nhiên cũng cần thẩm định của thời gian). Trong môi trường lý luận, phê bình và sáng tác văn nghệ Việt lâu nay chưa có tập quán trường/phái/nhóm, đây nên được xem là bước chuyển đổi lớn. Theo cảm nhận riêng, hạn chế của loại hình thơ này là ở chỗ – về bản chất thi ca và hình thức trình bày (viết, đọc) – nó khó có thể tham dự như là “chính thi” trên nền thơ Việt, nếu như nhận thức và thực hành về ngôn ngữ, cú pháp tiếng Việt vẫn như hiện nay. Nói nôm, như một loại “đặc sản” hợp số ít thi cảm của người viết và người đọc, thơ Tân hình thức chưa thể là quảng đại.

Ra đời 2001, nhóm thơ Mở Miệng, tạo tiếng tăm cùng tai tiếng trên nhiều báo chí, trang mạng văn nghệ trong-ngoài nước các năm 2003-2006; còn lác đác nhưng chủ yếu ở các vấn đề ngoài thơ tới khoảng 2010; về sáng tác và hoạt động văn học kể như đã (tạm) ngưng, và rộ trở lại trong dư luận các năm 2013-2014[10]. Ý nghĩa của nhóm thơ này hiển lộ mạnh bạo ở giá trị thời cuộc, tính văn hóa chính trị và thái độ phản biện văn nghệ - xã hội; về giá trị nghệ thuật (tính văn học, chất thơ) ít được tán đồng trong dư luận chung, còn phải cần đến sự lên tiếng của thời gian.

Cũng từ khoảng năm 2000, một khuynh hướng – thành cao trào với đúng nghĩa của nó – mang tên Hậu hiện đại, được thực hiện ở văn học Việt, nhất là thơ và tiểu thuyết, trong lẫn ngoài hình chữ S, với ngót cả trăm tác giả, dịch giả, phê bình, nghiên cứu gia từ tài tử, ngoài lề cho tới nhà nghề, chính thống; từ bộc phát cho đến bài bản. Ban đầu từ ngoại vi rồi tới trung tâm, từ ngoài nước lan vào trong nước.

Về đại trà, cả ở trung tâm lẫn ngoại vi, khuynh hướng Hậu hiện đại Việt vẫn chưa được đông đảo giới sáng tác, phê bình và độc giả nhìn nhận đàng hoàng, như một dòng văn-học-thật. Họ coi đó như các cách dị ứng xã hội bằng chữ nghĩa, phá lối văn chương truyền thống, chuẩn mực. Gọi chung, một thứ giả-văn-học.[11]

Nhiều cái kẹt cho cả hai bên tác giả - độc giả. Ít nhất: Một là, vì không là trường phái, lối viết hậu hiện đại không có phương pháp luận ổn định và nghiệm đúng cho mọi tác giả, cho mọi tác phẩm của một tác giả; tức là không có chuẩn để bàn sự hay-dở về nghệ thuật. Hai là, quan niệm logic rất thường trực “Cũ người mới ta”. (Riêng vụ này thì không công bằng. Thuận lý mà bất tình! Là nơi có sở đoản về học thuyết, đương nhiên châu Á và Việt Nam sẽ mãi đi sau phương Tây trong các trào lưu, nhóm phái. Nhưng, về mặt thực dụng và hiệu ứng sáng tạo: Hậu hiện đại Mỹ đi vào thoái trào là chuyện của người Mỹ; dân Việt bay lên cao trào hậu hiện đại Việt lại là chuyện của ta.)

Xã hội Việt, văn học Việt chắc còn dai dẳng đeo đẳng với các điều kiện Hậu hiện đại 10-15 năm nữa. Nó bị/được ràng buộc/thúc đẩy bởi các điều kiện chính trị, văn hóa và nhất là kinh tế của Việt Nam khi mà TPP có nhiều cơ hội làm “đổi mới” xứ sở này.

Sau Chiến tranh lạnh, văn chương Âu-Mỹ ít có các trường phái đoạt soái thi đàn, như từng nở rộ thời đầu và giữa thế kỷ XX. (Hoàng kim là các năm 1970, dòng hậu hiện đại Mỹ cũng bị phân hóa theo các dòng chính khác nhau trên văn đàn.) Và có thể sẽ như thế nửa thế kỷ nữa? Lý do: tri thức và cảm thức loài người (dường như vẫn tụ tập ở Hoa Kỳ, không về mặt địa lý) trong kỷ nguyên a-còng đang chẳng cần triết học, tư trào của các thứ triết lý thuần khiết như trước.[12] Mà thi ca là triết học cất cánh, bay vào hoặc bay ra trái tim người.

Văn hóa nào cũng có thơ ca làm tinh hoa. Từ lâu chúng ta thường an phận văn hóa Việt không có luận thuyết theo quan niệm phương Tây.

Trong bốn nhóm-trường thơ Việt Nam xứng danh nhất mà chúng tôi đề xuất (nhóm thơ Bình Định/trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đài và nhóm Tân hình thức) thiển nghĩ rằng, nhóm Xuân Thu Nhã Tập đến nay duy nhất có lý thuyết thơ hài hòa Đông Tây và thực hành đủ thuyết phục về chất-thơ. Thế nhưng trên thực tế vẫn bị xem là không thành quả: trái thơ Xuân Thu Nhã Tập hậu thế khó ăn nổi, chỉ nên ngắm và tôn thờ.

Cũng trong 15 năm qua, chưa kể giới phê bình, nghiên cứu mà cả dư luận chính thống và đại chúng hầu như chưa “ghé mắt trông coi” tới một vài khởi xướng và thử nghiệm các cách thức làm thơ Việt mà chưa/không được trở thành “trường phái” hoặc trở nên có lý luận của một số tác giả độc lập. Như “Lý thuyết Cấu” của nhà thơ Khải Minh[13]; các phương cách, kỹ thuật mới về “Thơ phụ âm” của nhà thơ Đặng Thân[14]; về “Thơ thực hiện” của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt[15]. Và như của một số nhà thơ riêng lẻ khác mà hầu hết đều mang vác các yếu tố hậu hiện đại.

Chúng ta cần có những chương trình nghiên cứu hệ thống và thực dụng về các hướng đi mới-lạ-khác của thơ ca Việt Nam mà trước đây nó chưa đi hết, đến nay nó chưa đi tới.

Cuối cùng ở bài này (mà thật ra phải là đầu tiên ở đâu đó) là về một vầng chói sáng trong thơ Việt, lan tỏa trên văn đàn nửa thế kỷ nay, nhưng chưa ở đâu chính thức nêu nó thành danh, định nó nên vị: Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam!

III. Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt”: Nhận thức và thực hành

Về mặt lý thuyết thể loại, không gì rõ ràng như nhà nghiên cứu văn học người Mỹ Rosmarin khẳng định: “Thể loại được định danh một cách tiện ích nhất là một công cụ giải bình, là cách hữu lý và uy lực nhất để minh định giá trị của một văn bản văn chương.”[16]

Tìm hiểu kỹ dòng thơ trường ca Việt với quan niệm thể loại như một thi pháp, cảm hứng chủ đạo như một phương pháp, chúng tôi tâm đắc với nhận định có tính phát hiện từ nhà nghiên cứu - phê bình Chu Văn Sơn rằng, “về thể loại, sự bùng nổ của trường ca có lẽ là hiện tượng đáng kể nhất của thơ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến giờ”![17]

Qua nhiều năm quan tâm và với 6 năm nay, sau luận điểm “trào lưu trường ca Việt Nam như là một trường phái sáng tác[18], các danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam đã được cập nhật liên tục trên nhiều trang mạng ở trong và ngoài nước.

Ngay sau khi khảo cứu công bố ở năm đầu tiên, nhà nghiên cứu văn học Trần Thiện Khanh từng có Lời dẫn như sau:

“Trường ca là một thể loại có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tư duy thơ Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, sự quan tâm đến nó, cả ở phương diện văn học sử lẫn lý luận thể loại lại có phần muộn mằn, lẻ tẻ. Cho đến nay [2010] mới chỉ có Tuyển tập trường ca (Nxb Quân Đội Nhân Dân, 1997) là cung cấp được cho độc giả một cái nhìn tập trung về văn bản thể loại này. Trong Lời nói đầu của tuyển tập đó các tác giả biên soạn nhận định: ‘Trường ca là thể loại chiếm tỉ lệ nhỏ, [...] mười trường ca được tuyển chọn trong cuốn này [...] là những trường ca tiêu biểu cả về nội dung lẫn hình thức cũng như bối cảnh lịch sử tác phẩm ra đời’. Như vậy số lượng trường ca được chú ý ở đây còn ít, lại chủ yếu là các trường ca sáng tác trong khoảng 30 năm, tính từ Bài thơ Hắc Hải (1958) của Nguyễn Đình Thi đến Gọi nhau qua vách vúi (1987) của Thi Hoàng. ‘Vùng trường ca’ đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống, cần có người tâm huyết lục khảo lại, chọn tuyển công phu hơn, nhất là thể hiện được cái nhìn khái quát, công bằng hơn nữa về diễn tiến của thể loại này..[19]

Mục tiêu của Tham luận, đó là từ nhận thức và thực hành sáng tác qua một hệ thống tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam kể từ thời Thơ mới đi đến sự khẳng định rằng, trong quá trình hiện đại hóa thơ Việt, điều mang danh “trường phái trường ca Việt” là không thể thay thế.

Nếu theo sáu điều kiện cho một trường phái/khuynh hướng/trào lưu nói chung vừa nêu ở Chương II thì, một cách tương đối, dòng trường ca Việt hơn 50 năm qua gần như không đạt hai điều kiện đầu (lại là hai điều kiện tiên quyết), rất tốt qua hai điều kiện giữa, và ở hai điều kiện cuối phải nói là… tuyệt vời!

Hãy nhìn nhận sự phát triển thể loại trường ca Việt Nam đã diễn ra một cách khác thường và đa dạng tới mức hóa thân thành một “thi pháp chung”! Hãy đánh giá cảm hứng trường ca Việt Nam tuôn trào rất chủ quan về sáng tạo nghệ thuật nhưng có định hướng theo thời thế giống một “phương pháp chung”! Chúng ta sẽ dễ bề thể tất hai điều kiện đầu mà bù đắp bằng hai điều kiện cuối.

Bà đỡ cho trường phái trường ca Việt? Ấy là sự thúc bách của thời đại, là trách nhiệm của thi sĩ-chiến sĩ, thi sĩ-công dân. Ấy là cái sinh tử của chiến tranh (như được dẫn lại nơi Chú thích 5, khi đặt cọc mốc mở đầu cho trường phái này vào khoảng năm 1960), là cuộc đổi đời nghệ thuật (trong các giai đoạn hậu chiến và Đổi mới 1975-1995 và khoảng đầu của hậu Đổi mới khoảng năm 2000).

Ai trong chúng ta không tự hỏi: Đã từng có nền văn học nào trên thế giới mà thể loại trường ca đạt tầm vóc về nghệ thuật, tư tưởng, số lượng tác giả và nhất là tác dụng xã hội - đất nước, như dòng trường ca chiến tranh Việt Nam 1963-1975 và hậu chiến 1975-1986 không?


[1] Một số sự kiện văn học dành riêng cho trường ca ở Việt Nam:

• Các năm liên tiếp 1980-1983 đã có nhiều cuộc hội thảo sôi động về trường ca. 1980: Hội thảo về Trường ca của báo Văn Nghệ; 1981: mục Trao đổi về trường ca xuất hiện trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; 1982: Tạp chí Văn Học số đặc biệt 6-1982 đăng lại nhiều tham luận công phu từ các nhà nghiên cứu văn học về trường ca; 1983: Hội nghị khoa học (có lẽ lần đầu tiên?) về Trường ca của Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

• 2005: Cuộc thi sáng tác trường ca với đề tài “Bác Hồ của chúng ta” do tuần báo Văn Nghệ phát động.

(Xem Nguyễn Thị Liên Tâm, Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, zbook.vn 9/12/2013; Vũ Văn Sỹ, Trường ca trong hệ thống thể loại thơ Việt Nam hiện đại, in lại trong Mạch nguồn thơ thế kỷ, Nxb Khoa Học Xã Hội, 2005).

• Năm 2009: Toạ đàm về trường ca của Trần Anh Thái tại Viện Văn học Việt Nam về tuyển tập Trường ca Trần Anh Thái, Nxb Hội Nhà Văn, 2008.

• Năm 2010: Hội thảo về trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng của Thái Hải do UBND thành phố Đồng Hới tổ chức.

[2] Công án thiền “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” theo truyền thuyết là công án nổi tiếng nhất của nhà sư Nhật Hakuin Ekaku, với lời nhắc: nếu vẫn chưa nghe được tiếng của một bàn tay thì tất cả chỉ là vô ích.” (bachhac.net).

[3] Mời xem thêm một ý mới và rất khác của Nguyễn Bá Thành so với quan niệm lâu nay: “[...] thơ Việt Nam 1945-1975 là một nền thơ phát triển rực rỡ nhất, tự do nhất, nhiều thành tựu nhất. Phong trào Thơ mới 1932-1945 xét cả về số lượng cũng như chất lượng nghệ thuật, xét cả ý nghĩa của thơ đối với đời sống tinh thần của xã hội, xét trên phương diện loại hình tác giả, loại hình nhân vật trữ tình và hình tượng trung tâm, cũng như xu hướng hiện đại hóa về ngôn ngữ và biểu tượng thi ca… không thể nào so sánh với thành tựu thơ 1945-1975”.

[Theo Bùi Việt Thắng; Thơ Việt Nam 1945-1975 nhìn từ hai phía, vanvn.net 15/3/2016, trong đó có nhận định về cuốn sách mới ra của Nguyễn Bá Thành (Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, chuyên luận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016): “Có thể nói lần đầu tiên thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1975 được nhìn nhận như một thực thể thơ thống nhất, đa dạng và phức tạp bởi thời tiết chính trị và những biến thiên lịch sử trong thời đại bão táp 30 năm cách mạng và chiến tranh, trong bối cảnh đất nước bị chia cắt dằng dặc 21 năm trời, trong cùng một thời kì mà trên cùng lãnh thổ tồn tại nhiều chính thể khác nhau, loại trừ nhau.”].

[4] Toàn bộ tác phẩm Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu, được xem như bài thơ dài có tính trường ca, cũng góp phần xác định cột-mốc-khoảng-1960 của hiện tượng trường ca Việt Nam không chỉ ở nghệ thuật thi ca mà còn qua nội dung bao quát xã hội và con người miền Bắc lúc đó, như các câu: “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng/ [...] Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội [...] Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân [...] Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa/ Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ [...] Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng/ Miền Nam dậy, hò reo náo động! [...] Miền Bắc thiên đường của các con tôi!”.

[5] Chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961-1965) của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa dẫn đến Chiến tranh cục bộ do quân đội Mỹ thực hiện trong giai đoạn 1965-1967 của Chiến tranh Việt Nam (1955-1975) có mục tiêu chính là “dùng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lính viễn chinh Mỹ để đè bẹp quân Giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc nhằm bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam.” (vi.wikipedia.org).

[6] X. Nữ Lang Trung; Thơ đương đại Trung Quốc, hoiluan.vanhocvietnam.org 24/6/2008.

[7] Hồ Thế Hà; Quan niệm về thơ của nhóm Dạ đài; Tạp chí Sông Hương số 247 - 9/2009.

[8] Xem thêm: Đỗ Quyên; Thơ Tân hình thức Việt: Kể sao hết được, Kỷ yếu Hội thảo Tạp chí Sông Hương & Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2014; vanhoanghean.com.vn 30/4/2014.

[9] Tọa đàm “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo”, huc.edu.vn 1/11/2014.

[10] Qua sự kiện văn hóa - giáo dục được gọi là “Vụ Nhã Thuyên”/Luận văn Đỗ Thị Thoan.

[11] Nói cho ngay, trong đó cũng có không ít cái quả thật là giả-văn-học!

Ý kiến phê phán mới nhất trên trang mạng cộng đồng, và có lẽ cũng mạnh và đàng hoàng nhất, là của nhà phê bình - nghiên cứu văn học Thụy Khuê trong bài mở đầu cho một công trình dài hơi và cần thiết [Phê bình văn học thế kỷ XX (Kỳ 1 - Ý thức phê bình), vanviet.info 7/4/2015]:

“Đối với Việt Nam [...] Sau thời gian dài khép kín với thế giới Tây phương, đến thời Đổi mới, kinh tế được mở cửa, hàng hoá ùa vào trong đó có cả văn chương.” [...] Lý thuyết Hậu Hiện Đại được một số người trình bày như một chân lý tân kỳ, có nhiệm vụ ‘chỉ đạo cho sáng tác’. Tình trạng này đã làm rối loạn giới sáng tác, nhất là đối với các nhà văn trẻ có tài, mới bước vào đời văn, chưa hiểu rõ các quy luật sáng tạo, đã vấp phải bóng ma Hậu Hiện Đại [...] gây áp lực gián tiếp, ép buộc người viết trẻ lúc nào cũng phải viết cho ‘mới’ cho ‘hậu hiện đại’, khiến họ hoảng loạn, chùn bước [...] Một số khác lại hiểu ‘hậu hiện đại’ là sốc, là xếch, là dám viết những dâm ô, thô tục, dã man, tàn bạo, chưa ai viết, v.v.”

“Cần phải nói rõ rằng: các lý thuyết văn học phần lớn chỉ để tìm hiểu sáng tác chứ không chỉ đạo cho sáng tác. [...] Những cái gọi là phong trào hay trường phái là do những người làm văn học, chủ yếu những người viết văn học sử, đặt tên để gọi những trào lưu đã xuất hiện trong khoảng thời gian nào đó, như trào lưu cổ điển, trào lưu lãng mạn, trào lưu siêu thực [...] Nhà văn nhà thơ có thể đưa ra những bản tuyên ngôn hay quy luật sáng tác cho phong trào mà họ làm chủ soái, như Breton với siêu thực và Alain Robbe-Grillet với tiểu thuyết mới, tuy nhiên đó cũng chỉ là những quy ước, với siêu thực là ‘sáng tác trong mơ’, với tiểu thuyết mới là ‘truyện không có chuyện’ và các tác giả trong cùng một trường phái cũng vẫn hoàn toàn sáng tác theo chủ ý của mình.”

“Ra đời năm 1979, cho đến nay, [Hậu Hiện Đại] chưa có một ảnh hưởng nào có thể gọi là thực tiễn trong sáng tác văn học. [...] Nhưng được đại học Mỹ thổi phồng trước tiên và sau đó nó chạy đi khắp thế giới như một cái ‘dịch’. [...] Triết thuyết của Lyotard chỉ nổi lên một thời như một cái mốt, và sau đó bị bỏ rơi ở Pháp [...] Nhưng ảnh hưởng của nó đã đi quá xa, sang Mỹ, sang Nga, đến nước ta, và đi vào mọi ngõ ngách, chỗ nào cũng thấy hơi hướm hậu hiện đại, thậm chí có những bài phê bình đem cả các tác giả từ Vũ Trọng Phụng đến Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, v.v... vào danh sách hậu hiện đại!”

[12] Ở bài tiêu biểu về thơ hậu hiện đại Mỹ, Paul Hoover cho rằng “trong các loại thơ mới, có công chúng lớn nhất là phong trào Beat”. (Thơ Hậu hiện đại Mỹ, Hoàng Hưng dịch, talawas.org). Chưa thấy ai trong danh sách của Hoover được coi như Allen Ginsberg - người làm thay đổi giọng điệu thi ca Mỹ; nhưng thi pháp đọc miệng của nhóm Beat, tiêu biểu là Ginsberg, lại không gần gũi với các nhà thơ hậu hiện đại Việt.

Và chúng tôi cũng lờ mờ hiểu vì sao trong tài liệu quan trọng, chuyên nghiệp dù rất đại chúng về văn chương Mỹ được phổ biến trong Chương trình Thông tin Quốc tế - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 11/1998 - thuộc trang mạng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ở chương 7 (VanSpanckeren, K.; Phác thảo văn học Mỹ) trong phần về thi ca phản truyền thống Hoa Kỳ 1945-1990 đề cập đến các trào lưu, trường phái tiền phong (Thế hệ Beat, Black Mountain, New York, San Francisco, siêu thực, hiện sinh, thơ Ngôn ngữ, thơ Tự thú, thơ Trình diễn, thơ Tân hình thức) lại không hề nhắc tới vấn đề hậu hiện đại, ngoài duy nhất một chữ “Hậu hiện đại” rất yếu ớt lúc bàn về những hướng mới trong thơ ca Mỹ với các nhà thơ ngôn ngữ, trong khi - tất nhiên - chương 6 dành riêng cho trào lưu Hiện đại 1914-1945.

[13] Khải Minh: Ngày nào thơ Việt Nam chưa có lý thuyết mới thì…, talawas.org 22.3.2007; Văn Chương qua Văn bản (linear), Văn kiện (hypertext) và văn “Cấu”, vanhocnghethuat.org.

[14] Đặng Thân; Thơ phụ âm (alliteration) [& tôi], tienve.org.

[15] Nguyễn Tôn Hiệt: Tuyên ngôn về Thơ Thực hiện, tienve.org.

[16] X. Ralph Cohen; Hướng mở cho nghiên cứu thể loại, Trần Hải Yến dịch, phebinhvanhoc.com.vn 4/4/2013.

[17] Chu Văn Sơn; Thanh Thảo với trường ca; nguvan.hnue.edu.vn 22/3/2011.

[18] Đỗ Quyên; Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt, Tham luận “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài”, Tạp chí Sông Hương số 257 tháng 7/2010, tapchisonghuong.com.vn 30/7/2010; và Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua, Người Hà Nội số 27 - 2/7/2010, vanchuongviet.org 5/7/2010.

19] Trích dẫn tiếp đánh giá của Trần Thiện Khanh, chúng tôi mong được thứ lỗi về sự thất thố của mình:

“Nhìn từ những yêu cầu, đòi hỏi như thế, chúng tôi xin giới thiệu những nỗ lực tìm hiểu khái quát các ‘hiện tượng trường ca’ từng xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam của tác giả Đỗ Quyên. Có lẽ chưa từng có một cuộc tổng kiểm duyệt nào về một thể loại văn học, với quy mô đồ sộ như trường ca? Ở một góc độ nào đó, có thể nói, chính anh cũng là một tác giả tiêu biểu trong việc tìm tòi thể nghiệm cách tân trường ca ở nước ngoài (đã sáng tác 13 trường ca, 5 bài thơ dài). Cuộc lục khảo và hệ thống hóa có quy mô lớn lần đầu tiên về các hiện tượng trường ca này có thể xem là cuộc đi khai vỡ thêm những miền đất mới đầy hào hứng của anh, đồng thời cũng là sự trở về vùng đất quen thuộc của người trong cuộc giàu tâm huyết. Hy vọng, sau dịp này, tác giả Đỗ Quyên sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành hơn nữa của nhiều tác giả, độc giả.” (Đỗ Quyên và Trường ca Việt Nam, PV Toquoc.vn, vanhocquenha.vn 13/9/2010; x. vietvan.vn).