Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Nhưng cứ vui mãi lạc quan mãi sao được

(Rút từ facebook của Ly Hoàng Ly)

clip_image001

Trong một buổi dạy học vài tuần trước Tết, mình bảo các học trò nhỏ: Hôm nay các con hãy vẽ cái gì con thích nhất, muốn trở thành nhất.

Các trò nhao nhao nói cô ơi con không biết vẽ, cô vẽ mẫu cho con đi.

Các con cứ thoải mái vẽ đừng lo không biết vẽ, đừng sợ vẽ xấu, cứ vẽ đi vẽ gì cũng được, rồi cô sẽ góp ý cho từng bạn thể hiện điều bạn muốn.

Giữa mấy chục bức tranh về ước mơ rất đáng yêu, không bức nào giống bức nào, có một bức làm mình thật bất ngờ.

Mình hỏi: Sao con lại vẽ biển đảo? Ai nói cho con biết về biển đảo vậy? Bé đáp: Cậu con đi ra đảo canh giữ, mới về thăm nhà. Sau này lớn con cũng muốn giống cậu con, canh giữ đảo cho đất nước.

Bé làm mình nhớ hai người cậu liệt sỹ của mình.

Mẹ mình có hai người em trai mà mẹ rất thương quý – cậu út mất ở chiến trường Tây Nam mấy ngày trước năm mới, đúng trước ngày được nghỉ phép về nhà; cậu kế út bị pháo dội ở chiến trường Tây Bắc. Tất cả đồng đội cùng núp trong hầm hi sinh hết, chỉ còn cậu sống sót. Cậu bị hoảng loạn từ đó. Sinh thời, Bà Ngoại kể đêm nào cậu cũng chồng gối làm ụ pháo, mồm làm tiếng súng bắn liên thanh xối xả vào tường.

Cứ đêm đến là thấy kẻ địch quanh mình.

Cậu mất trong bệnh viện đúng ngày ba mươi Tết, khi bác sỹ bảo cậu đã tỉnh táo sắp lành bệnh, cho bà Ngoại đến đón cậu về nhà ăn Tết. Đó là vài tháng sau khi bố mình bị bắt trong chuyến công tác ở Hà Nội do cầm bản thảo tập thơ “Về Kinh Bắc” mà nhà thơ Hoàng Cầm chép tặng.

Trước khi mất, cậu rất nhiều lần nói Bà Ngoại nhắn mẹ mình ra Bắc cho cậu gặp một lần. Trong cả nhà, cậu và mẹ mình hợp thương nhau nhất. Nhưng nhà mình nghèo quá. Mẹ không việc làm.

Ăn còn không có mà ăn, dành dụm được chút nào còn phải lo mua đồ ăn tiếp tế cho bố trong trại. Mẹ không cách nào để hai đứa con thơ dại lại Sài Gòn một mình, không cách nào có tiền mua vé tàu ra Bắc thăm cậu.

Đó là điều làm mẹ ân hận suốt đời. Mình nhớ mãi cảnh gần trưa hôm đó, có bức điện tín gửi đến nhà. Cầm bức điện, mẹ mình vừa ôm em mình mới hơn một tuổi, vừa khóc ngất trên chiếc giường gỗ trải chiếu. Mình đứng ở chân giường, nhìn mẹ khóc mà không biết phải làm gì. Mẹ nức nở bảo mình: "Đêm hôm qua mẹ vừa mơ thấy cậu út (đã hy sinh trước đó) dẫn tay cậu B con đến tìm mẹ, hai cậu cứ nhìn mẹ không nói gì rồi đi. Cậu con ra đi còn báo mộng cho mẹ, còn đến chào mẹ. Cậu đã nói cậu rất mong gặp mẹ trước Tết. Chỉ mẹ là có thể khuyên giải được, an ủi được cậu con, tiếp hy vọng cho cậu”.

Rồi một sáng thức dậy, mình bàng hoàng khi thấy trên sân chung với hàng xóm, những dòng phấn viết hoa trắng toát, dường như to hơn đám mây trên đầu mình, trong cái buổi sớm ấy:

BỐ TAO LÀ ĐẢNG VIÊN.

MẸ TAO LÀ ĐẢNG VIÊN.

TAO LÀ ĐOÀN VIÊN.

EM TAO LÀ ĐỘI VIÊN.

BỐ MÀY LÀ...

Mình chỉ biết bố đi công tác xa. Mẹ không nói cho mình biết bố bị bắt.

Trái tim 7, 8 tuổi của mình quá yếu ớt, đã chấn thương từ đó. Mình cảm thấy ba mẹ con mình như sống trên hoang đảo.

Căn nhà vốn luôn đông người lui tới, nay vắng lặng không một ai ghé thăm. Thi thoảng có mỗi bác Quỳ – tức nhà văn Trần Hoài Dương – và bác/ nhà văn Nhật Tuấn đạp xe đến cho mẹ con mình bao gạo nhỏ, dù hai bác cũng rất nghèo. Mình kính yêu bác Quỳ bác Tuấn lắm, vì lẽ đó. Khi bạn gặp nạn không bỏ rơi bạn, không sợ bị vạ lây khi dây đến gia đình bạn. Hai bác giờ đều đã khuất rồi.

Nhìn nỗi đau của mẹ, mình sợ nỗi đau đến nỗi có lẽ từ đó, mình luôn không chịu đựng nổi nếu làm cho ai phải đau phải tổn thương, rất sợ phụ lòng người khác, nhất là phụ lòng mẹ. Còn thấy ai đang bất hạnh mà được hạnh phúc, mình vui mừng cùng họ như chính mình được hạnh phúc vậy. Hạnh phúc mỏng manh như sợi tơ. Nỗi đau trắng hơn đám mây trên đầu.

Những gì đã được cùng mẹ trải qua là may mắn của mình. "đá tảng rơi trước mắt nhẹ tênh / một hạt cát sà buốt óc". Chỉ có khi viết xuống thì giọng mình mới buồn. Cuộc đời này nhiều nỗi buồn quá, mình viết nó ra, mong mọi người cùng soi và lắng nỗi buồn của họ vào trong đó, rồi mỉm cười mạnh mẽ lạc quan quay trở lại với cuộc sống, xây đắp cho nó tốt đẹp hơn. Ai ở cạnh mình cũng luôn thấy mình vui như trẻ nhỏ (trừ khi tập trung làm việc hoặc lúc thừ ra suy nghĩ một ý tưởng nào đó). Mình vui vì mình luôn cảm thấy mình may mắn khi có Mẹ là Mẹ mình. Người cho mình cả một quãng tuổi thơ đẹp tinh khiết trong lành dù có bao khó khăn, được lo cho ăn học đến Đại học, để từ đó tự sống bằng sức lao động của mình, cho đến hôm nay.

Nhưng cứ vui mãi lạc quan mãi sao được trước bao cảnh trái tai gai mắt.

Mình phẫn nộ khi được biết hôm qua, vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến biên giới Việt Trung bị phá tan nát.

Các cậu mình chỉ là một trong hàng bao liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, bà mình mẹ mình cũng chỉ là một trong biết bao phụ nữ đau khổ vì mất mát. Mình rất vất vả để có được cơ hội học lên đến thạc sỹ khi tuổi không còn trẻ, và mình cũng chẳng giỏi hơn ai, nhưng nếu phải đi làm cho những kẻ giả dối tham nhũng lừa lọc xu nịnh, kiếm sống trên niềm tin và mất mát của người khác, trên mục ruỗng, mình sẽ vui khi mặc áo vá, ra ngõ bán xôi.

Có một curator người nước ngoài từng hỏi mình sao không thấy trong tác phẩm mình nói gì về chiến tranh. Mình đáp: Tôi không muốn nói về Việt Nam là nói về chiến tranh đã qua nữa. Nhưng tác phẩm của tôi có nói về những dư chấn do chiến tranh để lại. Tôi muốn nói đến xã hội tôi đang sống hôm nay, nghĩ đến những hướng đi sắp tới. Tôi không muốn nhắc đến đau thương, thù hận của những cuộc chiến đã qua nữa.

Nhưng cái hôm trước Tết ấy, bức tranh của học trò mình và tâm sự hồn nhiên, ước nguyện cao đẹp của bé đã làm mình phải vội kìm không cho nước mắt ứa ra trước mặt học trò. Mình vốn mau nước mắt.

Tuy mình không muốn nhắc đến chiến tranh chút nào nữa, nhưng nó vẫn chực chờ đổ lên đất nước khốn khổ của mình, đổ lên vai nhiều trẻ em nghèo, oằn cả những ước mơ tươi sáng của các em. Trong khi ước mơ của các em lẽ ra phải là được đến trường, được ăn ngủ đủ trong một đất nước an ổn, chứ không phải vì lo miếng cơm hàng ngày mà phải lao động quần quật còn hơn người lớn từ sớm đến tối thế kia, chứ không phải chỉ mong lớn lên để cầm súng bảo vệ Tổ Quốc.

LHL

18.2.2016