Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Những năm tháng buồn như nắng

Truyện

Lê công Tư

Tặng những người bạn đang vẫn còn nằm lại

Trên những bìa rừng biên giới cùng CAO QUANG THẢO USA

Năm 1973 anh đi lính thú ở Pleiku. Vốn không quen ở trong trại lính, anh thuê môt căn phòng nhỏ trong một ngôi làng của người dân tộc ở cầu 3, gần phi trường Cù Hanh. Ngôi làng lèo tèo mấy nóc nhà bám đầy bụi đỏ ,tất cả đều tạm bợ, cứ như thể khi mạng sống con người còn chẳng ra cái gì thì chắng có gì đáng cắm sâu xuống mặt đất cả .Đêm đầu tiên ngủ trong căn phòng này, nửa đêm anh nằm mơ thấy khoảng năm hay sáu đứa trẻ con dân tộc trần truồng, chúng bò lê, chơi giỡn rồi cười trên thân thể an. Trưa hôm sau, ra bờ suối sau nhà để tắm, anh thấy trong vườn chuối sau nhà có rất nhiều ngôi mộ nhỏ, có ba cái nằm sát ngay vách phòng anh… Tắm xong vào nói chuyện với bà chủ nhà, bà cho biết trước đây chỗ này là cái nghĩa địa của người dân tộc, đa phần là mộ trẻ con. Anh chợt nhớ đến mấy đứa trẻ ở truồng đùa chơi trên người anh tối hôm trước. Chúng nghĩ anh là một đụn cát chăng? Trẻ con vốn thích nghịch cát. Mãi đến mấy chục năm sau, mỗi lúc nhớ lại cái giấc mơ này, anh vẫn còn thấy tron vẹn cái vẻ đáng yêu của nó, cái thân tình gần gũi của những đứa trẻ đã chết với một thằng lính xa nhà.

Sát vách phòng anh trọ là một ổ điếm. Không khó để nhận ra tất cả các cô đều trôi dạt về đây từ những vùng quê tan nát lửa đạn. Tất cả đều xanh xao, gầy ốm, buồn tênh. Các cô hay ngồi dựa lưng vào vách ván như những con búp bê già. “Hãy làm lễ Phục sinh cho những cô gái giang hồ”, câu thơ của Blaise Cendras vẫn thường hay thoáng hiện trong cái đầu khô máu của anh dạo đó. Những ngày lính tráng lãnh lương, nơi đây kẻ vào người ra nhộn nhịp, vui hẳn lên, cho dù thỉnh thoảng vẫn có những tiếng lằng nhằng vì tiền nong sao đó.

Có một lần, đầu tháng lãnh lương, anh gợi ý với Nguyễn về chuyện ngủ với gái điếm một đêm cho vui. Nguyễn nói: Thú thật với anh, tôi cũng thích lắm nhưng do nhát nên cũng thấy ngại. Trước khi vào lính, hắn sống trong một dòng tu, chỉ cần nhìn cái mặt nghiêm cẩn của thằng này cũng có thể nhận ra hắn đã từng phục vụ Chúa. Dẫu sao thì cái thằng này cũng khá hơn mấy cha nội khác, chẳng bao giờ dám thú nhận là mình nhát, lúc nào cũng “Chúa giữ mình để khỏi sa vào sự cám dỗ”. Cuối cùng thì hắn cũng vượt qua qua được cái nhát bẩm sinh, quên Chúa một đêm để tìm đến một thiên đường khác. Cho dù, có thể đây là một thứ thiên đường lầy lội nhưng không tệ một chút nào. Từ lâu rồi, anh đã nghiêm ra rằng, những tay tu xuất khi đã vượt qua được những nỗi nhát sợ thì lại hăng máu khó ai bằng, một thứ dồn nén bị xì hơi, một đập nước tràn bờ.

Có một lần, trong lúc hứng chí sao đó hắn nói: “Nếu những thằng lính thú ở Pleiku phải làm một buổi lễ Tạ ơn, tụi nó phải Tạ ơn những cô gái giang hồ. Cái cuộc sống chó chết ở nơi này sẽ ra sao nếu không có những nàng tiên đó. Rồi hắn nghêu ngao hát một đoạn trong bài “Còn Một Chút Gì Để Nhớ”: “Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em/ Đời còn dể thương… Mai xa tít trên đồn biên giới/ Còn một chút gì để nhớ để thương”. Nghe ra cũng có lý. Cái thành phố nhỏ nắng bụi mưa bùn này, cái hơi thở cho nó như thể được tạo nên bởi những người lính cùng những cô gái giang hồ. Họ tìm đến nhau như tìm đến cái hơi ấm cuối cùng cón có hơi hám nhân loại, ở một nơi mà sự sống với cái chết chỉ cách nhau một bước, sự mong manh của sinh mạng con người thì đếm từng giờ.

Gần một năm sau Nguyễn chết ở một tiền đồn gần Tu-mơ-rong. Mùa mưa năm đó mưa trắng trời. Phải mấy ngày sau trực thăng mới bốc xác nó về để ở nhà quàn gần Quân y viện Pleiku. Trừ quần áo bê bết bùn đất, mặt mày tái ngắt vì lạnh, khuôn mặt lúc chết của hắn trông thật thanh thản, không hề oán thán, hân thù. Sự thanh thản không dễ gì nhìn ra trên khuôn mặt con người lúc sống thì lại rất dễ nhìn ra sau khi chết. Chẳng biết Chúa có dành cho thằng này một chỗ nằm nào trên thiên quốc của người không, còn quê hương thì đã dành cho nó chỗ nằm gần một khóm dừa, cạnh một khúc sông có bốn mùa mưa nắng ở miền Tây.

Cũng như cái ổ điếm sát vách phòng anh ở chỉ tấp nập nhộn nhịp vào ngày lính lãnh lương, căn phòng anh trọ cũng chỉ có một chút hơi hám sự sống lúc những thằng bạn Nhảy toán từ biên giới trở về. Tụi này được huấn luyện khá đặc biệt. Mỗi tháng ba hay bốn lần gì đó, được trực thăng thả xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh để theo dõi sự chuyển quân của bộ đội Bắc Việt. Anh làm việc suốt ngày với tụi này bằng điện đàm, gởi đến chúng những chỉ thị của quân khu, nhận tin của chúng gởi về rồi tổng hợp, phân tích, đánh giá, để phòng hành quân lên một kế hoạch nào đó.

Chẳng có cái thứ lính nào chóng chết cho bằng mấy thằng Nhảy toán. Mỗi lúc còn về được Pleiku là chúng sống vội sống vàng như thể muốn vắt cho đến giọt sống cuối cùng, sợ ngày mai không còn kịp nữa. Mỗi lúc chúng về là ngày hôm sau chúng rước về những cô gái chẳng biết nhặt được ở đâu. Các cô tự nhận mình ở trong nhóm “Tình Cho Không Biếu Không”, cô nào cũng đeo trên cổ một chiếc Thánh Gíá. Mỗi lúc làm tình thì các cô tháo sợi dây có Thánh Gíá ra để trên mặt bàn. Mãi sau này anh mới biết các cô ở một xóm đạo dưới Tuy Hòa trôi giạt về đây. Cuộc chiến dạo đó khiến tất cả đều trôi giạt như những cọng lục bình, dễ khiến anh có cảm tưởng đây là những món quà mà Chúa gởi tặng mấy thằng lính sống nay, chết mai. Trước giờ lâm tử, Amen. Chắc là Chúa cũng lấy làm hài lòng với sự tận hiến của bầy chiên lạc này. Đó là những ngày lục đục nấu ăn, ca hát, lục đục làm tình thâu đêm suốt sáng.

Từ hồi nào đến giờ, buồn với chán theo anh như một người bạn thiết. Anh cám ơn định mệnh đã gởi đến anh hai thằng bạn đời này. Nó thường xuyên gợi ý một cách kín đáo là trước mặt vẫn còn những chân trời rộng mà anh có thể tự do cào bới để làm đầy cuộc sống của anh theo cách này cách nọ. Những bữa tiệc trần gian mà thỉnh thoảng mấy tay Nhảy toán đãi anh có cơ may thắp sáng cái vực thẳm chập chờn ngày đêm trước mặt.

Mùa hè năm đó, đại đội Trinh Sát của Quân khu 2 phải về Tuy Hòa để bảo vệ một cuộc bầu cử gì đó. Trời tối mà vẫn chưa tới nơi nên phải căng lều bên một bãi biển, ngủ đỡ một đêm rồi sáng mai đi tiếp. Chỗ đóng quân gần sát môt cô nhi viện. Gần như tất cả những đứa trẻ sống nơi đây đều đến từ những làng quê mà đạn bom đã xóa sổ. Buổi tối hôm đó, ngôi trên bãi khuya, nghe lũ nhỏ đọc kinh giọng ê a, buồn ngủ. Lẫn trong tiếng kinh cầu là tiếng lao xao của những con sóng dập vỗ vào bờ xa, dễ khiến anh có cảm tưởng đó là những hồi kinh siêu độ cho những tuổi thơ mất đường chân trời giữa lòng một quê hương chết nắng.

Đã không biết bao lần, xuôi ngược giữa dòng đời, giữa một buổi trưa cao nguyên, anh bỗng nghe ra tiếng kêu thầm của những ngấn tích đã trôi xa từ những dư âm đã chìm lắng của những năm tháng đã trôi giạt về trời. Thế rồi một hôm, anh quyết định làm một chuyến hành hương về lại một nơi anh đã từng sống những năm tháng buồn như nắng, trên chuyến đi dài dọc từ Pleiku lên Biển Hồ.

Chư Pao, Kontum, Dak Tô, Tân Cảnh… Những nơi anh từng làm việc, từng ghé đến, từng đi qua, đã có những người bạn sống và chết ở những nơi đó, đủ để anh nhận ra dấu vết của cuộc chiến dạo đó đã bị xóa sạch. Chỉ có cái chết của mấy người bạn dạo đó là vẫn còn tươi máu trong cái đầu của anh. Anh nhận ra điều này từ nỗi vắng im của trời đất. Sự ra đi nào cũng để lại một nỗi vắng im giữa đất trời, cả nỗi vắng im trong cái đầu anh nữa.

Buổi chiều hôm đó, đang đi lơ ngơ trước Nhà thờ Gỗ trên Kontum, thấy hai cô gái, cho dù da họ rất trắng, anh vẫn đoán cả hai là người dân tộc. Anh hỏi cả hai có phải là người dân tộc hay không, một đứa nói: Dạ, tụi con là người dân tộc Ba Na, quê tụi con ở gần Tu-mơ-rông, tụi con về dưới này học Trung Cấp Sư Phạm. Anh hỏi cuộc sống trên đó lúc này ra sao, cả hai đều nói cực lắm chú ơi. Chỉ cần nghe đến địa danh này, anh chợt nhớ Nguyễn. Anh nói với hai đứa là trước 1975 anh từng qua lại chốn này, có một người bạn chết ở trên đó trước năm 1975. Cả hai đều nói lúc đó tụi con chưa sinh ra. Rồi chúng hỏi anh từ đâu đến. Tôi từ Đà Lạt đến và muốn đãi hai đứa một chầu vì hai đứa làm tôi nhớ lung tung. Mấy đứa thích ăn món gì nào? Tụi con thích ăn bánh xèo. Vậy thì đi tìm một cái quán nào gần đây đi mấy con.

Ngồi trong quán, nhẩm tính lại, anh nhận ra rằng cuộc chiến tranh dạo đó đã nuốt gần hết những người bạn của anh vào bụng nó. Mọi thứ vừa đủ đề anh hiểu tại sao cho mãi đến hôm nay, anh vẫn chỉ là một kẻ lơ ngơ giữa trăm miền xuôi ngược

Dalat- Kontum 11/ 2015