Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

CÓ MỘT TẤM LÒNG NHƯ THẾ



Năm ngoái, trong chuyến đi Mỹ, khi đến Quận Cam (Orange Country), tôi đã được bạn bè đưa đến thăm ông ở nhà riêng (29/5/2014). Ông khi đó đã yếu, nói năng khó khăn, mọi sự diễn đạt phải thông qua bà. Nhưng trong câu chuyện, ông cứ luôn nhắc “người Bình Định mình, xứ Bình Định mình”. Khi biết tôi là người đã viết bài và dẫn chương trình ra mắt cho hai cuốn sách của ông in lại trong nước năm 2012, ông bà càng vui vẻ, cởi mở hơn. Ông đã ký tặng tôi cuốn sách “Cuối cùng” với nét chữ run run khó nhọc. Chia tay ông tôi nghĩ khó lòng gặp lại, nhưng tôi đã được gặp một nhân vật lớn, một chứng nhân quan trọng của văn học Việt Nam thế kỷ XX, mà văn học sử không thể bỏ qua.
Vĩnh biệt nhà văn Võ Phiến! Mong ông về cõi trời thanh thản. Ở cõi người đất Việt những trang văn của ông, nhất là những trang tuỳ bút, tạp luận, sẽ còn day dứt mãi lòng người đọc.
Tôi đưa lại đây bài viết về ông năm 2012.
CÓ MỘT TẤM LÒNG NHƯ THẾ
Phạm Xuân Nguyên
Tôi nhớ mãi một bài báo đọc được trên tạp chí Bách Khoa trong quá trình tìm hiểu về văn học miền Nam trước 1975. Bài báo nói chuyện những địa danh ở miền Nam Bộ lại luôn mang tên người, những thôn ấp kênh rạch được gọi là xóm Ông Đồ, ấp Trùm Thuật, sông Ông Đốc, ngọn Ông Trang, rạch Biện Nhan, núi Bà Đen… Núi sông được gọi theo tên con người, mà lại là những người dân chân chất, bình thường, những con người chân lấm tay bùn, không phải những vĩ nhân, nhân vật lịch sử. Thật lạ lùng. Ở miền Bắc thì con người phải mượn tên sông núi để ghi danh mình như Tam Nguyên Yên Đổ, ông Tú Vị Xuyên, cụ Nguyễn Tiên Điền, còn trong Nam con người cho núi sông mượn tên mình trước bạ. Mới đọc đến đó tôi đã khoái quá. Nhưng tác giả chưa dừng ở đó. Trong Nam tên núi tên sông là tên người, nhưng người Nam lại rất lắm tín ngưỡng, thờ lắm thần, lập lắm đạo. Cớ sao vậy? Câu trả lời của tác giả chốt lại trong một từ: đất mới. Nam Bộ là miền đất mới, người Việt vào đó khai khẩn phải tự tạo ra tất cả mọi thứ cho cuộc sống của mình, từ tên gọi núi sông đến thần linh đạo giáo. Kết luận lại, tác giả gọi đó là “đất của con người”. Và đó cũng là tên của bài báo tôi đọc được. Toàn bài toát lên một sự ngợi ca con người Việt Nam đi mở đất, nối dài bờ cõi. Toàn bài chan chứa lòng yêu con người Việt Nam tràn trề sức sống và biết sống trong mọi hoàn cảnh, môi trường. Giọng văn như kể chuyện, một lối văn nói, khiến người đọc thấy gần gũi, chan hòa. Tôi đọc xong bài ngó tên tác giả thấy hai chữ Tràng Thiên. Ngày tháng ghi dưới bài viết là vào năm 1972.
Từ đó tôi chú tâm đọc những bài khác cùng loại của cùng tác giả. Nói thật là càng đọc được càng thích thú, khoái cảm, càng thấy mình hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống quanh mình, ở trên đất nước mình, nhất là về phía Nam, càng kích thích mình chú ý hơn đến những cái thường ngày để mà tìm hiểu. Ông Tràng Thiên đã lấy những cái mắt thấy tai nghe ra để diễn giải, cắt nghĩa, suy luận, phỏng đoán về một từ ngữ, một mùi vị, một món ăn, một tiếng cười, tiếng chửi của người Việt toàn thể, của người Việt miền Nam, đặng để mà hiểu hơn từ đó yêu hơn. Theo ông ta thấy được “những ve vẩy phấp phới của tà áo dài là niềm vui hợp lý chúng ta tự thưởng cho mình bên cạnh những lao tác nhọc nhằn”. Theo ông, ta hiểu vì sao, theo cách hiểu của ông, người Việt lại có “cuộc chiến bằng mồm” tức là chửi, mà là chửi tục. Theo ông, ta mới biết thương con én quá chừng, giống chim gắn với mùa xuân, được nói đến trong thơ ca, vậy mà người ta lại không hề quan tâm đến nó, bằng chứng là nó không có được một cái tên gọi tiếng Việt, “én” chỉ là do “yến” của tiếng Hán đọc chại mà ra. Nghe thế ta giật mình. Biết bao thứ bình thường quanh ta, ta sống hàng ngày với những thứ đó, ta coi chúng là quen thuộc, gần gũi, vậy mà bỗng chốc ta ngớ ra khi muốn biết ý nghĩa chúng ra sao, tại sao chúng lại có cách gọi tên, cách dùng như chúng. Ta vô tình. Ta thờ ơ. Ta sống buông xuôi mặc lòng. May nhờ có các nhà văn như Nguyễn Tuân, Thạch Lam hồi trước, và Vũ Bằng, Tràng Thiên gần đây, ta mới được cảm nhận đầy đủ, tinh tế những thứ ta sống hàng ngày, những nơi ta từng đến từng qua. Họ để ý quan sát. Quan sát rồi họ chú tâm suy nghĩ. Suy nghĩ rồi họ tìm cách diễn giải. Diễn giải cũng là một cách để nói lòng yêu. Ông Tràng Thiên yêu lắm đất nước mình là Việt Nam, quê hương mình là Bình Định, cố đô mình là Huế. Vâng, “yêu quá, có thể nào khác được / có thể nào khác được nếu mình yêu” (Thanh Thảo). Những bài viết về quê hương đất nước của Tràng Thiên là được viết ra trong một thời kỳ gian lao, ác liệt trên mảnh đất chữ S khi chiến tranh gầm thét và xé nát đất đai, thể xác, phong hóa, tập tục. Giữa cảnh bom đạn chết chóc, viết về cái ăn cái mặc, cái khóc cái cười, cái cảm cái nghĩ, dường như là cách ông nhà văn này chống chọi với bạo lực, dường như ý ông muốn cất giữ những nét văn hóa riêng của dân tộc cho khỏi bị tàn phá, hủy hoại của vũ khí. Ông thương Mẹ Việt Nam, bấu víu vào Mẹ; “Gọi Mẹ Việt Nam, Mẹ cúi xuống kiểm điểm từng địa phương, từng phần tử trong đám con đàn cháu lũ Việt Nam chắc chắn Mẹ sẽ không đến nỗi tuyệt vọng đâu. Đã đành, nhiều lúc con trẻ hành động ngông cuồng rồ dại quấy phá Mẹ không ít, làm Mẹ điêu đứng thẫn thờ cũng nên, nhưng Mẹ hãy xem có những gương mặt khả ái, những tấm lòng nhiệt thành, sau hai mươi năm điêu linh vẫn còn những kẻ kiên nhẫn siêng năng, sau nhiều suy sụp ngả nghiêng xã hội vẫn còn những tâm hồn đứng đắn lành mạnh nhờ được hun đúc trong một truyền thống tốt đẹp tự lâu đời”.
Vậy là tôi đã đọc Tràng Thiên ở mảng viết này của ông từ những bài lẻ trên báo chí đến cả tập sách được đặt tên Đất nước quê hương. Ngay khi đọc xong bài “Đất của con người” nói trên tôi đã kể lại cho nhiều người như một phát hiện của tác giả về vùng đất phía Nam và tôi đã rất muốn in lại bài viết đó cho nhiều người cùng đọc. Nay thì không chỉ bài viết đó mà còn nhiều bài viết khác của Tràng Thiên đã được in lại thành tập Quê hương tôi vừa xuất bản. Tập sách đưa lại nhiều hiểu biết về môn đất nước học, văn hóa học, và cả những kiến thức về du lịch, nhưng trên hết là một tình yêu, một tấm lòng. Cầm tập sách tôi vui mừng gặp lại một người quen chưa từng gặp mặt nhưng đã cho tôi đồng hành trên con đường văn hóa văn chương. Một nhà văn nổi tiếng về tạp bút tạp luận mà Tràng Thiên là bút hiệu được lấy từ câu thơ nổi tiếng của Vương Bột đời Đường “Lạc hà dữ cô vụ tề phi / Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc” (“Cánh cò bay với chiều sa / Sông thu lẫn với trời xa một màu”). Ở phương trời xa ngoài đất nước trong cõi người đã đi gần chín phần mười thế kỷ Tràng Thiên hẳn mừng khi biết tấc lòng của mình với quê nhà sau bốn mươi năm lại đã xôn xao, phập phồng.
Nhưng Tràng Thiên là ai vậy mà nãy giờ tôi cứ lòng vòng loanh quanh mãi không nói ra? Xin thưa: Tràng Thiên là Võ Phiến, một nhà văn tên tuổi của văn học phía Nam thời đoạn 1954-1975 hiện nay đang sống ở Mỹ. Ông tên thật Đoàn Thế Nhơn, sinh 1925, quê Bình Định. Mẹ Việt Nam đang vui mừng đón những đứa con phiêu tán trở về. Dẫu ra đi trong hoàn cảnh nào, dẫu ở những phương trời nào, đất nước quê hương vẫn là nơi người đi muốn trở về, sau rốt. Võ Phiến được in lại trong nước, dù đang phải dưới bút danh Tràng Thiên, là một tin vui cho tác giả, cho độc giả, là một ích lợi cho văn hóa, văn học nước nhà. Rồi đây những cái có ích như vậy, những cái thực sự là giá trị văn chương, học thuật của cả một đội ngũ những người cầm bút, rộng ra là những người sáng tạo văn học nghệ thuật, của một nửa nước phía Nam thời 1954-1975 chắc sẽ được xuất hiện trở lại nhiều hơn. Văn học còn dè dặt, nhưng âm nhạc thì đã tưng bừng hơn, với sự trở về nước của những giọng ca từng nổi tiếng, quen thuộc, như Chế Linh mới đây, và Khánh Ly tới đây. “Thì Tổ Quốc chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu /Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai” (Chế Lan Viên).
Và đó là một phúc lớn.
2.9.2012
Nguyen Pham Xuan's photo.
Nguyen Pham Xuan's photo.
Nguyen Pham Xuan's photo.
Nguyen Pham Xuan's photo.
Nguyen Pham Xuan's photo.