Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

ĐỐI THOẠI CHIẾN TRANH

Truyện
Ngô Quốc Phương
Bắt đầu một ngày mới và vòng đàm phán mới, chúng tôi bắc ghế mời hai vị khách đối thoại: thần chiến tranh và thần thi ca.
Chiến tranh: Tôi phản đối, tại sao Thi ca lại ngồi đối diện với tôi. Thi ca không đủ tầm để tôi nói chuyện.
Người trung gian: Ngài bình tĩnh, phải chăng ngài muốn đòi hỏi thần Hòa bình?
Chiến tranh: Đúng thế, nếu không phải là Thượng Đế.
Trung gian: Vâng, nhưng thần Hòa bình và Thượng đế đã có thư ủy nhiệm cho ngài ấy, chúng tôi đang giữ.

Chiến tranh: Tôi biết, nhưng tôi phản đối, vì mồm miệng của Thi ca lắm lúc còn sặc tiết máu lửa, cừu thù, hoan ca tử thi hơn cả công việc, phận sự của ta.
Trung gian: (nói nhỏ vào micro cho ê-kíp trường quay nghe đủ): Vậy là đã có thể bấm máy ngon! Vâng, vậy xin mời thần Thi ca!
Thi ca: Sẽ là đáng xấu hổ nếu ta không thừa nhận đã có những lúc như thế thật, có những hình thức như thế đấy, nhưng về phần mình, ngài cũng từng lừa dối để giành chỗ của thần Hòa bình trong thiên hạ đấy.
Chiến tranh: Khi nào vậy? Nói bậy!
Thi ca: Vâng, là khi ngài nhân danh Hòa bình để khởi binh máu lửa.
Chiến tranh: Ta không bao giờ phải báo trước, ta không bao giờ phải tuyên chiến, nếu muốn. Ta là ta, còn Hòa bình là Hòa bình. Đã có ta thì làm gì có kẻ kia, việc gì ta phải thoán chỗ với lừa dối. Kẻ lừa dối chính là ngươi.
Thi ca: Khi nào, thưa ngài?
Chiến tranh: Trơ trẽn, thật trơ trẽn! Ngươi có nhớ những khi ngươi đội nón đi men góc tường, đi đêm về hôm, dòm trước ngó sau, đến trăng hoa chăn gối với ta không. Nào hãy gọi Tử thần đến đây để đếm xem có bao nhiêu cái xác mà trước đó đã được ngươi tán tụng rồi rủ rê đi vào chiến địa vùi thây. Ha ha ha!
Trung gian: Xin nhắc nhở là Tử thần đã có giấy báo bận không tới dự. Xin mời thần Thi ca.
Thi ca: Thần Chiến tranh, bàn tay của ngài còn đỏ loét máu bao người. Bao giờ thì ngài mới nguôi cơn khát?
Chiến tranh: Im lặng à, lờ đi à… Hèn thế, nhận tội đi. Ta là Chiến tranh đây, ta luôn thẳng thắn. Ta tồn tại và khuynh loát, chính vì loài người muốn thế. Ta không đạo đức giả. Cha mẹ ta là những tham vọng kết hôn với tuyệt vọng. Ta là thế đấy, nhưng ta luôn rõ ràng, ta không sợ đối diện sự thực!
Trung gian: Thần Thi ca, ngài có muốn bảo vệ mình?
Thi ca: Ta cũng thẳng thắn. Đúng, từng có lúc ta đã liếm gót ngươi, dù ngươi đã chém đầu cha ta, và ta vẫn ca ngợi ngươi, đỏ như dòng máu của mình đấy. Đúng, có lúc ta đã cất cao tiếng kèn, nhưng vì đó là do ngươi quyến rũ ta, ru ngủ ta bằng ảo vọng hoan ca chiến thắng. Nhưng nhìn chung, ta vẫn thiên về cái đẹp, cái thiện, cái mơ và cái mộng…
Chiến tranh: Nói dối, không biết xấu hổ. Có mà thích bạo quyền bạo lực thì có. Nước bẩn ở cùng nước sạch mà bảo là thanh thủy à. Đằng này trong nước còn có cả huyết nữa, đỏ lòm lên đấy, tanh tưởi ruồi bâu. Này, nói cho ngay ra nhé, chiến thắng là thuộc về ta, chiến bại cũng thuộc về ta, còn hoan ca hay bi ca là thuộc về ngươi.
Trung gian: Ý ngài nói những cái xác thì thuộc về Thần chết?
Chiến tranh: Đúng thế, thuộc về ông ta. Ta chỉ đi một chặng, nhưng ta sòng phẳng, còn ta ghét bọn đĩ thõa, trăng hoa, lại còn đạo đức giả. Đĩ thì nhận là đĩ, sợ cái gì. Đĩ rài đĩ rạc, đĩ cả 99,9 phương, mà còn già mồm! Ta đã ngủ với em đấy, cũng như đã ngủ với vô số các em khác và ta nhận, có sao đâu. Nếu có con, ta sẵn sàng ký giấy, khỏi cần phải kiểm tra AND.
Trung gian: Xin lưu ý về lựa chọn ngôn từ, thưa ngài! Thi ca, xin nữ thần lên tiếng, nếu muốn.
Thi ca: Ta không thể chịu được chiến tranh nữa. Ta sẽ về viết những bài thơ, bản nhạc và thậm chí vẽ tranh, dựng tượng, diễn kịch… để phản đối ông ta, như ta đang căm ghét và phản đối ông ta kịch liệt ở đây.
Chiến tranh: Hê hê, bị động rồi à, mất phương hướng, mắc mưu rồi à? Đang ôn hòa chuyển sang bạo lực à? Vậy là em ơi, em đã là anh rồi đấy, em đã dùng que thử chưa, biết đâu nó positive, và chúng ta sẽ có một đàn con lai giống… He he… từ thi đến thơ, từ họa đến vẽ, và từ anh đến em…
Thi ca: Trung gian, xin ngài hãy cầm giúp tôi những tập thơ sau: đây thiền thi, này haiku haikeo, này tình ca… Nếu tôi không trở lại, hãy nói với fans của tôi là họ hãy chôn xác tôi, cái phần linh hồn bán cho quỷ của tôi, nhưng đừng tuyệt vọng, linh hồn sạch vẫn cần cho đời. Ngài hãy nói với Thượng đế cắt đặt một vị thần khác thế chỗ tôi, để canh giữ sự nghiệp này. Đa tạ ngài và xin vĩnh biệt…
Nói đoạn, thần Thi ca rút từ trong coóc-xê ra một cái bút thần, kéo ngòi sắc như một con dao chọc tiết lợn ra, và đâm thẳng vào mồm của thần Chiến tranh. Thần Chiến tranh trợn mắt, lấy hai tay đầy lửa đẩy ngòi bút ra…
Một cuộc hỗn chiến bắt đầu, trường quay tá hỏa và người Trung gian cùng Ban tổ chức đã phải gọi điện thoại cấp cứu cho cảnh binh nhà trời đến vãn hồi trật tự. Nghe nói, có khá nhiều xe cứu thương cũng có mặt…
Cùng lúc đó, xà gẫy, màn rơi, mành mành bung, sân khấu khép màn…
Ghi chú: Thư ký trường quay, ngày, tháng, năm ánh sáng thứ “n”.
Biên bản đã có dấu xác nhận của Ban Tư tưởng Văn hóa nhà Giời.
29/7/2013