Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (100): DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH

Doãn Quốc Sĩ

Chương 10

Sông đã ra tới biển

Có còn khúc quành nào đâu

Đã từ một năm nay Thiệu về nước phụ trách ngành hội họa cho trường Mỹ Thuật Quốc Gia.

Ngày về nước, ra đón chàng tại trường bay có chị Hoa (chị ghét việc đưa tiễn người đi bao nhiêu, chị lại rất hào hứng trong việc đi đón người về bấy nhiêu), anh Tín, Tạo và một số bạn hữu cũ.

Tạo nắm chặt tay Thiệu nói:

- Về nước dù bận đến đâu cậu cũng phải trông coi tờ báo cho tụi này.

Thiệu vỗ vai Tạo:

- Đó là bổn phận của tôi, cậu khỏi phải nói.

Chị Hoa hỏi:

- Này cậu, thế mợ ấy về sau cậu một tháng thật à?

Chị bỗng che miệng cười:

- Chẳng hiểu sau này chị em gặp nhau, gọi mợ ấy là "mợ," mợ ấy có hiểu không.

Thiệu vui vẻ đáp lời chị:

- Chị đừng lo, nhà em giỏi tiếng Việt lắm rồi, em đã dạy đủ thứ, chỉ còn thiếu cách chửi mất gà vì xét ra ở Sài Gòn này chị không nuôi gà.

Chị Hoa cười. Chị nói:

- Vả lại mợ ấy coi cũng hiền, nhất là bức ảnh cậu gởi về tháng trước, mợ ấy mặc quốc phục Việt Nam trông Á Đông tệ.

Ngày hôm sau, Thiệu cùng chị Hoa, anh Biên sửa soạn chút ít nhà cửa để Suzanne sẽ đến ở ít ngày trước khi chàng tìm được nhà riêng vừa ý.

Sở trường của người Tây phương - Thiệu vẫn nghĩ như vậy - là kỹ thuật, sở trường của người Á Đông là đời sống tâm linh. Đứng từ xa mà nhìn, người Tây phương vô cùng thán phục nếp sống bát ngát như khu rừng già của người Á Đông, nhưng khi tiến lại gần, có những mô đất nhỏ án ngữ tầm mắt, che khuất mất rừng. Chỉ cần một tối thiểu kỷ luật, trật tự, sạch gọn của nếp sống bên ngoài là người Á Đông đã san phẳng những mô đất nhỏ cho người Tây phương tiến vào với rừng. Sự cải thiện hợp lý đó không hề làm giảm uy tín sâu sắc và toàn diện của nếp sống Á Đông, trái lại dọn đường cho một niềm cảm thông quý báu. Tây phương đến sẽ mang theo kỹ thuật, sự dung hòa, sự kết tinh toàn bích giữa Đông với Tây khi đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một tháng sau Thiệu ra trường bay đón Suzanne. Người đàn bà đó hầu như Việt hóa đến mức tối đa của một người Âu có thể Việt hóa. Từ trên máy bay xuống, nàng mặc y phục Việt Nam, nàng cúi chào anh Tín, chị lớn (mới ở Cái Sắn lên hôm trước), anh Biền, chị Hoa và nói tiếng Việt:

- Em cám ơn các anh các chị đã ra đón em.

Chị Hoa nắm lấy tay Suzanne nói bằng giọng đầy thương mến:

- Trông mợ thật là Việt Nam, chị bằng lòng lắm, chị bằng lòng quá!

Kể từ sau ngay cưới từ Barcelone, Suzanne đã lẫn vào Yến, Thiệu chỉ biết yêu chân thành và trong thâm tâm Thiệu vẫn yên chí rằng chàng yêu có một người. Tiện đường xe lửa, họ đã đi hưởng tuần trăng thật từ Saragosse, tới Madrid. Ở đó họ thuê du thuyền ngược dòng sông Ebre rồi tạt vào thăm nhà thờ Notre Dame del Pilar.

Một buổi tối, hai người cùng leo lên chiếc cầu cổ xây từ thế kỷ XV. Tiếng con sông Ebre ào ạt xoáy cuộn dưới cầu nhắc Thiệu nhớ đến tiếng con sông Đuống đêm nào như tương tư, như thao thức đương lần đường đi tìm ánh trăng mười sáu...

Ở Madrid họ xem đấu bò rừng và không quên vào viện bảo tàng Prado nghiên cứu những họa phẩm của Vélasquez, Murillo, Le Titien, Rubens, Van Dyck...

Đôi vợ chồng trẻ về tới Paris được mấy ngày thì xảy ra có đám cháy lớn ở gian bên. Thiệu vội vã đưa Suzanne xuống thang chạy thoát ra đường, chỉ mang theo tập croquis trong đó có bức Suzanne quay lưng vào đàn, ngả người trong cánh tay người tình vô hình. Sở cứu hỏa tới dập kịp đám cháy; khi lên thang trở về phòng, Thiệu giở cho Suzanne trông tờ croquis rồi nói:

- Em xem, anh cầm bằng là cháy hết, nhưng anh không dám để cháy bức này.

Tình yêu đơn giản mà thâm trầm của Thiệu nhiều phen làm Suzanne cảm động. Những lúc đó Suzanne thường nói:

- Em còn hời hợt nhiều, em chưa hiểu được người Á Đông lắm. Anh giúp em nhé.

Có một ngày Chủ nhật hai vợ chồng đưa nhau ra khỏi châu thành Paris, vào các cánh đồng cỏ chơi. Hai lần vô tình mở nắp chiếc địa bàn xinh, Thiệu cùng thấy Suzanne có mặt trước hướng kim chỉ nam. Chàng vẫy Suzanne lại rồi nói:

- Anh có chiếc địa bàn thần, luôn luôn chỉ cho anh biết hướng tìm người yêu.

Suzanne bá cổ Thiệu, kiễng chân hôn lên môi chàng thật dài rồi mới nói:

- Anh yêu của em.

Rồi khi áp má bên ngực chồng, Suzanne còn nói tiếp rất nhỏ:

- Tình yêu của người Á Đông! Tình yêu của người Á Đông!

Bỗng nàng ngẩng lên:

- Anh ạ, để nói về tính tình kín đáo của người Anh, các dân tộc khác ở Âu Châu thường bảo: "Mỗi người Anh là một hòn đảo". Với người Á Đông có lẽ nên nói: "Mỗi người là một vũ trụ," có đúng không anh?

Thiệu lùa tay vào mái tóc vợ - mái tóc của Yến, bao giờ chàng cũng nghĩ vậy - và âu yếm đáp:

- Đừng định nghĩa thế nào là người Á Đông, hãy sống với người Á Đông!

Một số họa sĩ tại nước nhà đương xúc tiến việc tái lập trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, có tìm cách liên lạc bằng thư với Thiệu. Thiệu đã cùng họ trao đổi ý kiến, sơ thảo một chương trình bốn năm dung hoà chương trình Pháp và khả năng Việt. Vì biết trước hoàn cảnh nước nhà chưa đủ điều kiện thuận tiện để tổ chức cho toàn thể sinh viên đi thăm các viện bảo tàng Âu Á, chàng đề nghị lập thư viện cho ngành hội họa gồm những pho khảo cứu bách khoa lớn về lịch sử hội họa mọi thời, mọi nơi, mọi họa phái với đầy đủ tranh ảnh, do các nhà xuất bản danh tiếng: Fernand, Nathan, Odé Skira, Hypérion ấn hành. Khi đề nghị được ưng chuẩn, số sách chàng mua đóng chật mười rương gửi về nước.

Thiệu có dự tính về nước lập Studio riêng để vừa tìm tòi sáng tác phát triển tài năng, vừa giúp các bạn ở trường Mỹ Thuật đào tạo những tài năng mới, tuy nhiên chàng còn ở lại Pháp thêm sáu tháng. Ngày ngày chàng vào viện bảo tàng Le Louvre nghiên cứu một lần nữa các tác phẩm lớn của từng họa phái. Trong thời gian này chàng cùng một số kiều bào có giúp tòa Đại sứ tổ chức một cuộc triển lãm về mọi ngành mỹ thuật xưa và nay của nước Việt tại hội chợ Paris.

Một buổi tối, Thiệu vừa ngồi xuống ghế bành bên lò sưởi thì Suzanne đến ngồi gọn trên lòng, ôm lấy ngang vai chàng, nói bằng một giọng trọ trẹ:

- Em yêu anh, em về nước Việt Nam với anh chớ gì?

Thiệu trợn tròn mắt, ôm gọn lấy Suzanne:

- Em học tiếng Việt tự bao giờ?

Suzanne cười và trả lời bằng tiếng Pháp:

- Được hơn một tháng rồi và hơn một tháng trường em chỉ học nói riêng có câu đó cho đúng dấu.

Ngả đầu lên vai Thiệu, Suzanne tiếp:

- Về Việt Nam em phải nói tiếng Việt Nam mới được.

Thiệu âu yếm nắm lấy hai cổ tay Suzanne:

- Em học tiếng Việt chưa đủ, em phải học cả nếp cảm nghĩ của người Việt nữa.

Từ đấy Thiệu đích thân dạy Suzanne tiếng Việt, kể cho Suzanne nghe về ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích cùng nếp sống người Việt. Suzanne học tấn tới trông thấy, mau hiểu, mau nhớ. Vì nàng thông minh cũng có, nhưng có lẽ vì nàng yêu Thiệu nhiều hơn.

Điều đáng buồn cho Thiệu là ở Pháp, Yến lẫn với Suzanne, nhưng khi Thiệu về tới Sài Gòn, Yến bỗng tách khỏi Suzanne để trở thành hình ảnh độc lập. Thiệu hồi hộp qua đường Bonnard nay đã là đường Lê Lợi, cửa hiệu bào chế không còn, người chủ mới mở tiệm bán vải. Lòng Thiệu tự nhiên hoang vắng như qua chỗ không người. Chẳng hiểu giờ đây Yến ở đâu, ra sao? Cả đêm hôm đó Thiệu không ngủ được. Kỷ niệm chập chờn vây bọc lấy chàng. Thiệu nghĩ đến khúc quành của dòng sông, cây đa Thạch Sanh, Yến ngã xuống sông, chiếc áo trúc bâu hoen dựa chuối và hình ảnh Yến chiều ngày mùng một Tết năm nào chàng vừa mất tuổi mười sáu... Phải ngày đó Yến đẹp đến nỗi Thiệu tự nhiên thấy rầu rĩ cả người. Có lẽ vì định mệnh phú cho chàng đôi mắt thấy Yến đẹp như một vì sao nên chàng chẳng bao giờ nắm được Yến vì - như chàng đã linh cảm - sao với người thường cách biệt.

Rồi những ngày sóng gió ở Huế... rồi ngày tái ngộ ở hiệu bào chế... rồi ngày biệt ly, Yến quay đi mà không nói, hai vai rung động như cánh bướm non... Tất cả chỉ là giấc mộng qua rất chóng nhưng với biết bao tình tiết và mỗi tình tiết ướt đẫm hương yêu ngạt ngào.

Suzanne dạy dương cầm tại âm nhạc viện quốc gia và nhận chơi dương cầm vài giờ mỗi tuần tại đài phát thanh. Tiếng Việt giờ đây nàng nói đã sõi lắm. Thiệu thấy tất cả cái hoàn toàn đó chỉ làm nổi bật thêm bất toàn: Làm sao Yến không là vợ chàng?

Suzanne càng Việt hóa, câu hỏi trên càng khẩn cấp. Cho đến một ngày kia ngày làm kể kỷ niệm đệ nhất chu niên trường Mỹ Thuật Việt Nam, tình cờ nói chuyện với một sinh viên ngành điêu khắc, Thiệu được biết Yến ở Huế. Nàng đã tái giá, chồng nàng hiện là giáo sư Đại Học ngoài đó, nàng đã có thêm một con và mở hiệu bào chế ở một phố đông trông ra bờ sông Hương.

Như thế chắc là còn lâu lắm Thiệu mới gặp Yến. Dịp đó hoặc chàng ra Huế chơi, hoặc Yến vào Sài Gòn có công việc. Về phần Thiệu, chàng thấy hiện chàng chẳng có chút thì giờ hoặc cơ hội nào để ra Huế. Hơn nữa chàng cũng không muốn ra Huế, vì còn gặp Yến để làm gì?

Về phần Yến, giả sử nàng có việc vào Sài Gòn liệu nàng có biết chàng đã ở Pháp về dạy tại trường Mỹ Thuật? Dù nàng biết thế, liệu nàng có biết nơi chàng ở? Tóm lại vào trường hợp hạn hữu lắm lắm, đôi bên mới có thể bất chợt gặp nhau ngoài đường phố, mà gặp nhau như thế thì quả cuộc tái ngộ phải do định mệnh run rủi.

Tái ngộ? - Phải, dù tái ngộ chẳng để làm gì và cũng chẳng thể làm gì được hơn, nhưng mỗi khi gợi thầm ý đó trong lòng, Thiệu thấy hai chữ "Tái ngộ" sao mà đẹp, sao mà rộn ràng nao nao. Tái ngộ để đôi bên nhìn nhau mà nhất định chẳng thấy nhau già, bởi đó là cái nhìn tràn ngập tình thuở ban đầu.

Một đêm kia, Thiệu mơ thấy gặp Yến trên đường Tự Do. Quả nhiên Yến vẫn đẹp "mòn con mắt" như ngày nào nàng vừa goá chồng và có hai con. Phải chăng tại Thiệu vẫn nhìn Yến - dù là nhìn trong mơ - bằng con mắt thuở ban đầu? Thiệu cười hiền dịu như vẫn cười với Yến từ xưa đến nay, Yến thì cúi đầu nghẹn ngào không nói. Thực ra, trong thâm tâm Thiệu thoạt cũng nghẹn ngào, nhưng chàng trấn tĩnh được ngay, vì chàng tự nhủ:

- Chà việc gì mà phải xao xuyến! Dòng sông định mệnh đến đây sắp đổ ra biển rồi, sông đã mở rộng đôi cánh tay nhỏ bé để ôm lấy Mẹ là biển cả, có còn khúc quành nào đâu?

Ấy tiếng rằng nghĩ thế, nhưng lúc bừng tỉnh dậy lòng Thiệu còn thảng thốt. Tiếng Suzanne thở đều bên cạnh. Thiệu kéo nàng lại gần lùa bàn tay vào mái tóc thơm mềm rồi lặng lẽ đặt môi lên. Suzanne hơi cựa quậy đưa tay ôm quàng lấy người Thiệu, khẽ rụi cằm vào má chàng rồi lại thở đều bên tim chàng. Thiệu vẫn đặt môi lên tóc nàng như vậy rất lâu để tiếp tục nghĩ về Yến, rồi tự nhủ:

- Dù mai đây gặp nhau, dù hai ba mươi năm nữa, khi cả hai mái tóc đã pha sương, mới gặp nhau, dù ba bốn mươi năm nữa khi cả hai đã da mồi tóc bạc mới gặp nhau, thì phút đầu vẫn chẳng ai tránh được xao xuyến, và riêng mình, mình sẽ trấn tĩnh từ phút thứ hai trở đi, vì: "Việc gì mà phải xao xuyến! Dòng sông định mệnh đã đổ ra biển rồi, có còn khúc quành nào đâu!"

Một nghi vấn:

- Ngộ chẳng bao giờ gặp nhau nữa?

Thì ta cứ nên rất lạc hậu nhưng cũng rất hợp lý mà tự nhủ rằng: "Kiếp sau em là vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh!"

Thiệu dẫn Yến qua vùng khói pháo xanh, gót Yến lướt nhẹ trên xác pháo hồng. Thiệu rót mời Yến uống chén rượu nồng đêm hợp cẩn và pháo tiếp tục nổ làm lung lay các vì sao:

"Kiếp sau em làm vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh!"