Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

ÐI.COM

(Tiếp theo và hết)

Tiểu thuyết

Nguyễn Viện

Năm 2055. Tôi cảm thấy mình đang sống những ngày cuối cùng. Không phải vì ÐI.COM. Mà là sự tàn tạ đã đang làm ung thối thân xác tôi. Hai bàn chân tôi tươm máu và hầu như không còn cảm giác. Ðôi khi kiến bu đầy, tôi cũng không biết. Nhưng giờ đây, trong khi chờ đợi ÐI.COM tới, tôi vẫn không khỏi hồi hộp và xao xuyến. Tôi đã dùng cả cuộc đời tôi để chống lại sự mù quáng, thế mà rốt cuộc, tôi cũng đang nôn nao đón nó trong một trạng thái chuẩn thuận. Tôi sẽ tự biến mất một cách điên dại trong sự hỗn độn của đám đông. Tôi tưởng tượng tôi cũng hò hét sùi bọt mép đòi một ai đó phải chết. Ðòi một trật tự khác cho một sức mạnh cuồng tín của màu da. Ðòi sự ngu ác thống trị. Tôi ghê tởm con người và cái định mệnh tự kỷ ám thị về sứ mệnh của mình.

“Anh đừng để ánh mắt mờ tối”. N nhắc và tôi thấy nàng lo âu.

“Ðầu óc anh tù mù quá”. Tôi nói.

“Hãy giữ cho lòng trong sáng. N nói như níu kéo. “Hít thở thật sâu và chậm”.

Giờ thì hãy lên đường, lão già. Tôi nghe thấy tiếng gọi từ sâu thẳm và cố chống lại nó. Một nỗi cay đắng làm nghẹn họng tôi.

“Anh sao vậy?”. N hốt hoảng hỏi.

Tôi nuốt nước bọt, trả lời:

“Không sao”.

Ðôi chân bủn rủn, tôi không thể đứng lên. Khi ấy, từ xa tiếng gào rú vang tới va đập làm rung cánh cửa kính. Lồng ngực tôi bị ép. Tôi muốn cầu cứu Chúa của tôi. Nhưng ngài giấu mặt. Ðám đông đến gần, tôi nghe rõ tiếng loa phóng thanh của những người biểu tình: “Chúng tôi cần thịt người”.

Chưa phải là ÐI.COM. Tôi thở ra. N vuốt ngực tôi. Trên màn hình TV, phát thanh viên của Tân Hoa xã đưa tin, người ta đã tìm thấy dấu vết của những đứa bé mất tích cách đây hơn ba mươi năm, chúng xuất hiện như nguyên trạng và được thân nhân nhìn nhận, nhưng những con người này tỏ ra không có ký ức. Trong số những đứa bé được tìm thấy lại đó, người ta phát hiện ra có năm đứa mang gien di truyền của Mao Trạch Ðông.

Năm 2035, Phượng báo tin cho tôi rằng đã xin một đứa con nuôi từ trung tâm dịch vụ kết nối các mối quan hệ gia đình. Lý lịch của nó chỉ ghi bị bỏ rơi, do đó không biết rõ nguồn gốc xuất thân của đứa bé. Trên đùi nó có một cái bớt màu đỏ giống như ngọn lửa. Thằng nhỏ rất đẹp trai và dễ thương, nhưng càng lớn càng thấy nó ít tình cảm. Ðâu là chuẩn mực của việc nên người? Em cảm thấy bối rối khi nghĩ về điều đó, Phượng nói. Dường như thằng nhỏ thuộc về một thế giới khác, vừa lơ ngơ, vừa dữ dội. Có những lúc em thấy nó mơ màng sao đó, như thể có một hoài vọng và chờ đợi. Tất cả tình yêu em dành cho nó, nhưng vẫn thấy nó xa lạ.

Năm 2050, đứa con nuôi của Phượng bỏ đi khỏi đất Hòa Hảo ngay sau khi chôn cất Phượng xong.

Tôi chỉ biết tin Phượng chết sau đó ít tháng, nên cũng không có dịp nhìn thấy mặt thằng nhỏ con Phượng. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, thằng nhỏ đến tìm tôi và tự giới thiệu là con Phượng. Ấn tượng của tôi về thằng nhỏ là một sản phẩm tổng hợp các chất liệu về màu da và khí chất cực đoan. Nó nói cần một việc làm bán thời gian. Tôi gửi nó cho một người bạn có cơ sở dịch vụ quản lý sự rảnh rỗi. Trong ba tháng đầu tiên, nó được giao làm bạn với một bà lão, mỗi ngày hai tiếng đồng hồ. Ðược đánh giá tốt. Kiên nhẫn và vui vẻ. Tiếp đó, nó được giao một công tác đòi hỏi sự lịch thiệp và duyên dáng hơn, ăn uống và giải trí với một người đàn bà mỗi tối. Người bạn gặp tôi cho biết khách hàng của ông ta muốn ký một hợp đồng dài hạn với thằng nhỏ, nhưng nó từ chối, và hỏi liệu tôi có thể giúp thuyết phục thằng nhỏ đồng ý không. Tôi không muốn làm áp lực tình cảm với thằng nhỏ, bởi vì tôi biết nó có một mục đích khác để sống, tuy rằng tôi không thật sự biết khoảng thời gian còn lại nó làm gì. Chỉ ba năm sau, thằng nhỏ đã nổi tiếng là lãnh tụ của một nhóm quá khích cổ vũ cho quyền khai thác thịt người. Hàng ngày chúng đi biểu tình với một thực đơn các món ăn chế biến từ thịt người và khẩu hiệu “Thịt người dành cho người”. Lý thuyết về sự tinh lọc con người và giải quyết nạn nhân mãn được chúng quăng lên tất cả các phương tiện thông tin.

Tình hình xã hội của tất cả các tộc người da vàng đều rơi vào khủng hoảng. Có một nan đề giữa tính nhân đạo và sự hợp lý không thể dung hợp. Các lãnh tụ trẻ có cơ hội để xiển dương những tham vọng chính trị. Họ lột mặt nạ ngụy tín đạo đức và đòi xóa bỏ các định chế hủ lậu dựa trên cơ sở niềm tin. Không còn chỗ cho những tâm hồn yếu đuối, ÐI.COM trở thành một thượng đế mới. Hành động là cứu cánh của hành động. Không có sự an ủi hay yên bình nào cho con người ngoài hành động theo ÐI.COM.

Trong vũ trường Liz năm 2014, tôi và cô gái ngồi trong một góc tối. Cô gái uống rượu. “Em thích một đêm bắt đầu bằng âm nhạc trên sàn nhảy. Âm thanh và ánh sáng trong vũ trường lúc nào cũng quyến rũ em. Nó làm cho em hứng khởi. Em thích được sờ mó, hôn hít trong một bầu khí sôi động. Em thích được làm tình giữa đám đông đồng lõa. Em thích được làm nóng bằng cảm giác thác loạn. Sau đó về khách sạn. Cô gái nói. Hãy ôm em từ phía sau”. Tôi vòng tay sau lưng và thọc vào trong áo cô gái bóp nhẹ bầu vú. Người quản lý tiến về phía tôi với một ly rượu trên tay, hắn đưa cho tôi và nói: “Mời ông. Vui vẻ nhé”. Tất nhiên phải vui. Tôi không nhớ đã quen hắn trong trường hợp nào. Hắn nói tiếp: “Ðừng về sớm”. Tôi ở lại không phải vì lời dặn dò hứa hẹn của hắn, mà vì cô gái muốn uống rượu. Sau mười hai giờ khuya, dàn nhạc ngừng chơi nhường chỗ cho những tiếng kêu khác thường từ phía trong, rồi trên sân khấu xuất hiện một người đàn ông ở truồng. Ông ta tiếp tục phát ra những âm thanh kỳ dị làm tất cả những người có mặt phải đứng bật dậy nhìn. Sau đó ông ta uốn vặn thân người. Những động tác của cơ thể tương ứng với âm thanh từ miệng ông ta thoát ra. Nó tạo ra một kích động khác với âm nhạc và sex. Mọi người thích thú làm theo ông ta. Tôi nghĩ đến ông Ðạo Tiếng. Một thứ bản năng khác của con người đang được khơi dậy.

Tôi đưa cô gái về khách sạn. Xúc cảm từ mùi ngây ngất.

Khi tôi tỉnh dậy, cô gái đã bỏ đi để lại số điện thoại và lời nhắn: “Em phải đi làm. Ðừng tìm em ban ngày”. Buổi tối, tôi quay trở lại vũ trường Liz gặp cô gái. “Ðêm của em bắt đầu bằng rượu, cô gái nói, và kết thúc bằng kem đánh răng. Em chỉ thích những người đàn ông xộc vào em bằng miệng với râu, môi và lưỡi. Ðừng bắt em tắm trước khi làm tình. Nước xối trên làn da làm em nguội lạnh”. Bất ngờ Muội xuất hiện. Cô gái bám lấy Muội. Ríu rít. Cô gái nói: “Nếu anh thích, đêm về ngủ với bọn em”. Nhưng tôi cảm thấy mình thừa ra. Rượu cũng thừa ra. Thuốc lá cũng thừa ra. Tôi bỏ về trước.

Năm 2052. Báo chí nhận dạng được năm thanh niên da vàng giống hệt nhau hoạt động ở năm khu vực khác nhau. Một ở Bắc Kinh. Một ở Singapore. Một ở San Francisco. Một ở Paris. Một ở Berlin. Họ chính là những con người được nhân bản từ Mao Trạch Ðông. Cả năm đều hoạt động chính trị và có uy thế đáng kể. Chủ nghĩa tương thích và loại trừ được họ áp dụng vận động cho các cuộc tranh đấu. Tính cực đoan được đa số những người trẻ ủng hộ. Họ chiếm lĩnh các diễn đàn và triệt hạ lẫn nhau trong một ước muốn thống nhất quyền lãnh đạo các hoạt động của người da màu. Thằng nhỏ con của Phượng chịu sự chi phối của Mao Trạch Ðông Bắc Kinh, theo cách gọi của giới báo chí. Chúng liên kết với nhau vừa theo kiểu lý tưởng vừa theo kiểu Mafia. Bởi thế, thỉnh thoảng vẫn có những cuộc tranh chấp đẫm máu xảy ra trên qui mô toàn cầu. Có một lần thằng nhỏ con Phượng đến tìm tôi, nói: “Cháu cần một chỗ ẩn nấp ít lâu”. Tôi gởi nó lên một chiếc tàu đánh cá xa bờ của một người bạn. Hai năm sau, nó xuất hiện lại. Và tôi được biết là Mao Trạch Ðông Bắc Kinh đã bị đầu độc chết. Sự trốn tránh của nó chỉ bởi một lý do là bất đồng ý kiến với anh ta trong việc có nên hợp nhất các hoạt động của những người da màu khác nhau hay nên tập trung xây dựng một đế chế da vàng. Tôi hỏi nó: “Ý kiến của cháu thế nào?”. Nó nói: “Một đế chế da vàng là đủ. Mao Trạch Ðông Bắc Kinh không thực tế. Anh ta vẫn duy trì tính cách duy ý chí của bản gốc”. Tôi ngần ngừ một lúc rồi quyết định hỏi nó: “Bản gốc của cháu là ai?”. Nó thản nhiên hơn tôi tưởng: “Cháu không thể biết được điều ấy. Chỉ có một điều chắc chắn là cháu biết có một tiếng nói khác trong cháu. Và cháu cần phải chống lại nó”.

Năm 2014. Muội nói: “Ðiều duy nhất em muốn là biến khỏi thế giới này một cách lặng lẽ nhất”. Người đàn ông trùng trục mang hình ảnh Tiến dưới chân núi Sam càng lúc càng tỏ ra khẩn thiết trong những câu nói mông lung của mình. Như thể sắp tận thế. Nhưng Muội không dành một chút quan tâm nào tới ông Ðạo Tiếng khi nghe tôi kể về nhân vật này. “Sự ồn ào của ông ta giống như những con cào cào tán loạn khi người ta bước vào chỗ của chúng. Ðiều thật sự quan trọng là chính ông ta cần phải biến đi, trả lại cho chân không sự yên tĩnh của nó”. Tôi cảm thấy chính mình bị phủ nhận.

Năm 2054. Phạm vi hoạt động của Mao Trạch Ðông San Francisco được xác định từ Bắc Mỹ đến lục địa Trung Hoa và trong nhất thời nó kết nối với Mao Trạch Ðông Singapore tạo nên một mạng áp lực vòng quanh Thái Bình Dương. Tất cả những cư dân da vàng sống quanh bờ biển này đều chịu những tác động của chúng. Thuật ngữ báo chí dành cho hiện tượng mang tính khủng bố này là “cơn sốt vàng”. Chúng cưỡng chế người ta xuống đường với khẩu hiệu “Chúng ta là số đông”. “Số đông” tự cho phép mình làm mọi việc nhằm thực hiện lý tưởng hoán đổi vị thế trung tâm của người da trắng. Nền văn minh ăn thịt người mang trong mình nó cái giá trị thanh lọc và bởi thế cơn sốt vàng càng ngày càng quyết liệt. Có những kẻ bỗng dưng biến đi không tăm tích, đồng thời có những kẻ mới xuất hiện như từ dưới đất chui lên. Như thể đã có một nhà máy nghiền và đúc khuôn các con người, chúng sống không lý lịch nhưng có một mục đích rõ ràng. Hoàn thiện một phẩm cách đồng đội không sợ hãi và quy hướng ý nghĩa tồn tại vào hành động.

N nói, đôi lúc em cảm thấy có lỗi với anh vì sự thờ ơ của mình. Ðể thấm đòn hiu hắt, tôi nhẩy xe lên Ðắc Nông. Thị trấn lạnh và khô. Nhà cửa lam nham. Những cô gái K’Ho lắc mông trên con đường bị xói lở. Tôi vào phòng trọ và nói: “Cho tôi một cô gái”. “Tất cả các em hôm nay đều có kinh”, người chủ cho biết. Tôi hỏi lại: “Chỉ có một phiên bản sao?”. Người chủ bảo vâng. Thế thì hiu hắt thật. Tôi lang thang vào đồi chè. Những căn chòi giả lá được dựng trên các sườn đồi, trống hoác. Mỗi chòi có một cô gái. Tôi đếm được 52 phiên bản dân tộc khác nhau. Họ không mời chào để bảo lưu một huyền thoại sống động trong ca dao, như thật. Nhưng tôi không thể làm một thằng phải gió với một nỗi chán chường bất định.

Hàng ngày tôi đi bộ lên một con dốc để vào quán cà phê có cô gái K’Ho đen nhẻm nhưng duyên dáng. Cô khá nghiêm trang. Tôi thường ngồi đến trưa chỉ để nhìn cô đi qua đi lại với đôi chân to chắc nịch. Một hôm cô nói với tôi: “Ngày mai em không bán nữa”. Tôi hỏi: “Sao vậy?”. “Em đi lấy chồng”, cô vui vẻ cho biết. Tôi chúc cô hạnh phúc và bảo ngày mai tôi không uống cà phê nữa. Cô hỏi lại y như tôi “Sao vậy?”. Tôi nói “vì không có em”. “Không có em thì cà phê vẫn ngon mà”, cô gái dỗ dành. Tôi bảo tôi muốn lên núi sống với cô. Cô cười thật tươi: “Ông xạo quá”. Tôi cũng cười: “Nhưng nếu tôi không xạo thì thật đáng chán, đúng không?”.

Muội nói truyện của anh lúc nào cũng có những cô gái. Tôi bảo và vài thứ khác. Muội nói anh thử viết không có gái xem sao. Tôi bảo không có gái thì tôi sống làm gì.

Thằng con của Phượng cũng nói với tôi: “Tình yêu là một cái gì đó xa xỉ. Cháu không mường tượng được là cháu có thể yêu một ai đó, cho dù đó là nữ hay nam. Những cái mà ta gọi là mối quan hệ thật quá ủy mị. Chỉ có sự thích ứng là cần thiết”.

Tôi bảo thích ứng cũng là một ái lực. Nó bảo không phải đâu. “Thích ứng là thích ứng. Cả cái người ta gọi là tình yêu tổ quốc cũng vớ vẩn. Tổ quốc là một khái niệm trừu tượng cổ điển bị các nhà chính trị lợi dụng cho tham vọng quyền lực của họ. Chỉ có chế độ xã hội là cụ thể, nó áp đặt con người trong cơ chế của nó. Có thể xấu hoặc tốt. Chẳng có lý do gì người ta lại phải bám vào một mảnh đất khi có những mảnh đất tốt hơn, những chế độ xã hội đẹp hơn”.

Thằng này vô tổ quốc, tôi nghĩ.

Dường như nó đọc được ý nghĩ của tôi. Nó nói: “Khi người ta vô tính thì mọi ràng buộc trở nên vô nghĩa. Những người như Giêsu, Thích Ca, Trang Tử, Karl Marx làm gì có tổ quốc”.

“Vậy thì cái giấc mơ da vàng mà cháu đang theo đuổi là gì?”.

“Nó chẳng là gì cả. Nó chỉ là cái lý của sự vận hành”.

“Cái lý ấy là ÐI.COM?”

“Cháu không biết ÐI.COM”.

Muội cũng nói: “Em chỉ có một cái tổ cò. Ở đó, em tạo nên thế giới theo ý em muốn”. Thế giới của Muội là những hình nhân, phóng tưởng cái chết. Và Muội hủy diệt mình như thể là cách để đi đến tận cùng sự sống. Ðôi khi, tôi cũng cảm thấy xót xa. Những mẩn đỏ nổi lên khắp người Muội vì rượu và thiếu ngủ. Lúc đầu Muội còn uống thuốc, sau đó Muội bảo đó là body art, không ngứa không đau thì kệ bà nó.

Tôi không định hình được cái tổ cò của Muội. Dường như nó rất bé, cũng dường như nó rất to. Tôi chưa bao giờ đi hết cái tổ cò ấy. Những hình nhân của Muội có khi là rơm, có khi là những vòng dây kẽm, có khi là cả một khối đá. Muội mất hút ở trong đó. Tôi không muốn tìm bất cứ một ý nghĩa nào trên những tác phẩm của Muội. Nàng bảo em không thích kiểu ưa triết lý của anh. Triết lý cũng chỉ là sự áp đặt. Mắc mớ gì mà phải làm rắc rối cái vốn đơn giản. Tôi bảo triết lý là một khủng hoảng thừa. Nó cũng giống như bệnh ghẻ. Ngứa và lây lan. Ðể tìm sự an bình, tôi vẫn đến tổ cò của Muội, nằm giữa những hình nhân. Tôi cảm thấy những nền văn minh đi qua như những bóng ma. Nhiều khi tôi thấy Muội thật xa cách.

Thằng nhỏ con của Phượng lại nói về chuyện tổ quốc. Nó bảo tổ quốc cũng như một cái áo rách. Cần phải quăng vào sọt rác. Cái nơi người ta sinh ra chẳng có ý nghĩa gì. Trên mặt đất này không có chỗ nào thiêng liêng hơn chỗ nào. Vấn đề của thế giới hiện đại là sự tranh chấp quyền kiểm soát trí tuệ con người. Ðiều này nó đã vượt qua tất cả các biên giới địa lý và văn hóa.

Nó đang đi gần đến ÐI.COM và tôi rùng mình khi nghĩ rằng ÐI.COM đã tự phân tán, biến thể và xâm nhập vào con người. ÐI.COM tạo ra các khuynh hướng và thúc đẩy các hành động. Những kẻ như thằng con Phượng, bằng các nguyên tắc thích ứng, đã kết nối những con người cùng một khuynh hướng tạo nên một mạng lưới xuyên quốc gia. Khái niệm về vùng miền, lãnh thổ trở thành lạc hậu và được thay thế bởi tính trào lưu. Bởi thế sự cực đoan cũng trở nên khốc liệt hơn. Ở giữa những trào lưu là khoảng trống thủ cựu của những niềm tin cũ.

Ông Ðạo Tiếng xây một bảo tháp cho linh hồn mình. Dân quanh vùng Bảy Núi gọi là tháp Sám hối. Không biết từ bao giờ đã hình thành một niềm tin trong dân gian rằng, những ai muốn sám hối về tội lỗi hay quá khứ của mình vào trong tháp Sám hối đấm ngực ăn năn thì sẽ được giải trừ nghiệp chướng. Và khi thành tâm hối cải, tiếng đấm ngực sẽ âm vang. Ba nghìn thế giới của chư Phật sẽ rung động. Cái tháp vào một cửa, ra một cửa. Cửa vào là tử, cửa ra là sinh. Kẻ nào không biết điều ấy, đi lại con đường cũ sẽ muôn đời trầm luân.

Ngày tôi đến Angkor Wat trên đất Miên, tôi đã nhìn thấy những tảng đá bở vữa ra. Từng thế kỷ đổ sụp. Những linh hồn không còn nơi trú ngụ bay túa ra như một đàn cào cào đen, gây nên những trận ôn dịch làm chết hàng triệu người và súc vật. Ông Ðạo Tiếng bảo cần phải đưa những linh hồn này về Bảy Núi. Tháp Sám hối trở nên chật chội. Những linh hồn chồng chất lên nhau tạo ra một khối màu óng ánh như ngọc bích. Khối ngọc bích ban ơn phước cho những ai tin thờ và sờ mó vào nó.

Khi Diệu An bỏ Hà Nội đi Châu Ðốc và tìm vào Bảy Núi. Ông Ðạo Tiếng đón Diệu An dưới chân núi Cấm. Nàng không ngạc nhiên vì sao ông ta lại biết để đón nàng. Ðạo Tiếng đưa Diệu An đến tháp Sám hối và làm cho nàng một cái cốc gần đó. Năm 2050, ông Ðạo Tiếng đã là một người giàu có. Tháp Sám hối là con gà đẻ trứng vàng của hắn. Tiền cúng dường của bá tánh ngày nào cũng đầy ắp trong cái hòm lớn đặt giữa tháp. Buổi tối hắn đếm tiền. Buổi sáng hắn tụng kinh và giảng kinh sách dưới bậc thềm. Chính quyền dùng áp lực bắt hắn phải nộp tiền vào công quĩ và chỉ cho phép hắn được quyền sử dụng 20% vào mục đích tu sửa và quản lý bảo tháp. Tuy thế, hắn vẫn là người giàu có. Không một ai đến tháp Sám hối mà không được ăn uống. “Hãy sống mà ăn năn vì ngày tận thế sắp đến”. Diệu An nói với tôi: “Em có cảm giác ông Ðạo Tiếng là người bịp bợm”. Tôi hỏi tại sao? Diệu An bảo “anh ấy chỉ nói về tương lai và dùng cái tương lai ấy để hù dọa người ta”. Tôi bảo làm tiên tri mà không nói về tương lai thì nói cái gì. Ít ra thì cũng để người ta sống tốt hơn. Diệu An có vẻ như tỉnh ngộ về một điều gì đó. Nàng bảo “em không ở đây nữa”. Tôi bảo ở đâu thì cũng vậy, dù em có muốn giải thoát hay không. Cứ ở yên đây mà tự tu. Nhưng tu là gì thì đừng hỏi.

Diệu An nhập thất.

Từ ngày đó ông Ðạo Tiếng không nói năng gì nữa. Ai hỏi gì về đạo, hắn chỉ chắp tay lạy và niệm Nam mô a di đà Phật. Cho đến khi ông Ðạo Tiếng chết, người ta kiểm kê được hắn đã xây dựng tổng cộng 49 ngôi chùa lớn nhỏ và một tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ gần hai triệu đô la Mỹ.

Có lúc tôi tưởng như chỉ còn có một mình trên đời. Tôi không biết phải sống như thế nào. Và chết như thế nào.

Một người đàn bà tôi đã gặp ở đâu đó nói rằng, con người vẫn không ngừng trùng tu những di tích kỳ vĩ được làm nên bằng xương máu của mình để nhìn ngắm. Ở giữa sự lớn lao và tầm thường, vinh quang và hèn mọn, điều ý nghĩa nhất có thể là được làm tình như một con người đơn giản, được ăn uống như một người khỏe mạnh, được ngủ nghỉ như một con người an bình. Thoát khỏi mọi nỗi ám ảnh.

Ðêm trước khi giã từ cuộc đời, ông Ðạo Tiếng đã phá giới xuống núi tìm gái, sau đó ăn một tô phở và ngủ không dậy nữa.

Xác Ðạo Tiếng được tìm thấy trong một khách sạn và người ta mang về vất trong nhà xác bệnh viện tỉnh Châu Ðốc. Năm ấy hắn 85 tuổi.

Năm 2055, trong lúc tôi và N vẫn ngồi trong quán cà phê chờ giờ lên đường, thằng con của Phượng bước thẳng đến chỗ tôi, tự kéo ghế ngồi. Nó nói:

“Bác nên giả điên vài năm. Cần phải thoát ra khỏi cơ chế thích ứng, nếu không bác sẽ bị nguy hiểm. Bác không đủ sức chịu đựng đâu”.

“Bác cũng muốn mọi chuyện xong đi”. Tôi nói.

“Chẳng có chuyện gì xong được, trừ khi bác tự quyết định chấm dứt cuộc đời mình”.

Tôi nhớ đến ông Ðạo Tiếng và cách hắn chết. Tôi nhủ thầm, mình sẽ đi vào trong giấc mơ và không về nữa.

N cầm tay tôi, nhưng dường như tôi không còn cảm thấy có bàn tay ấy.

Năm 2006. Tôi và Tiến sang Campuchia chơi. Chúng tôi leo lên Angkor Thom, Angkor Wat, núi Phnom Bakheng và ra Biển Hồ. Cảm giác leo lên đỉnh Angkor Wat cũng không sướng hơn hớp một ngụm cà phê kho nóng hổi của ông chủ quán người Tàu trong một hẻm nhỏ ở Phnom Penh. Nhiều thứ đã mất đi, như ly cà phê kho không còn tìm thấy ở Sài Gòn. Tôi đã uống một quá khứ cũng như tôi đã bước đi trên những lối đi thấm đẫm máu, nỗi thống khổ và sự tan nát của con người trên những phiến đá của tham vọng vĩnh cửu.

Tôi không hiểu được điều gì đã khiến tôi muốn ở lại xứ Miên bần cùng và trễ nải kia, mặc dù đa phần những người Việt Nam sống trên đất Miên đều nghèo hèn. Tôi không tin là Phnom Penh hấp dẫn vì nó giống Sài Gòn trước 1975. Có một nỗi niềm bí ẩn và cao cả hơn cả sự tự do của xã hội mà người sống trên xứ chùa tháp thụ hưởng. Nỗi niềm ấy giống như nguồn cội mà người ta muốn quay về hơn là một thách thức lôi cuốn của một vẻ đẹp khác.

Nhưng mãi đến năm 2050, tôi mới có dịp trở lại Campuchia. Thành phố Phnom Penh tràn ngập người Hoa và những người lai Tàu. Người Miên bản xứ không ai bảo ai, họ tự tìm về Siem Reap và sống quanh khu vực đền đài cổ. Nhiều vùng nông thôn rộng lớn bị bỏ hoang. Ngoài các biến động chính trị không đáng kể do các phe nhóm đảng phái tạo nên, đời sống trên xứ Miên vẫn tiềm ẩn những khốc liệt. Hàng triệu người lay lắt bên Biển Hồ. Họ như những chiến binh điêu tàn chờ ngày quật khởi. Những đứa bé bảy tám tuổi vẫn ở truồng vì không có quần áo. Chúng lang thang giữa các bức vách và lẫn lộn với đất. Thần linh đã bỏ quên họ. Bởi họ đã quên cầu nguyện.

Trong mắt họ, Phật tính đã mù, chỉ còn cái bóng của thần Shiva tỏa sắc.

Khi ÐI.COM xuất hiện, những người Hoa tha hương đã biến sức mạnh kinh tế của mình thành sức mạnh chính trị. Hằng đêm, những người mặc quần áo đen ra đường kêu rú. Không một người da trắng nào dám ở lại Campuchia, ngoại trừ các nhân viên sứ quán.

Trên đường Monivong, tôi tận mắt chứng kiến cảnh một phóng viên người Nga bị đám đông nuốt chửng khi anh ta có ý định quay phim đám đông điên cuồng ấy. Thật không thể tưởng tượng anh ta lại có thể tan biến nhanh thế. Ngay khi bước vào quán, tôi đã chú ý đến anh với một bộ râu của người Hồi giáo và một màu da nâu hồng. Tôi ngồi xuống bàn bên cạnh. Cũng như tôi, anh ta đến Campuchia với một ước muốn được nhìn thấy sự thay đổi. Khi tiếng gầm rú của những người mặc đồ đen đến gần, anh ta lao ra đường và chĩa thẳng ống kính vào họ. Tôi kịp nhìn thấy có một khuôn mặt rất giống Mao Trạch Ðông thời trẻ. Ðám đông nhanh chóng tràn qua anh ta. Sau đó không còn một dấu vết nào, kể cả cái máy quay phim. Anh ta đã bị đám đông ăn thịt. Một cách giết người phi tang mà nhà chức trách tuy biết nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm 2010. Hà Nội tràn ngập các tin đồn về sự quay trở lại của con rồng sau một ngàn năm “phi long tại thiên”. Ngày ngày, người ta đổ ra đường ngóng cổ nhìn trời mong nhìn thấy rồng giáng hiện. Nhưng ông Ðạo Tiếng nói con rồng đã về tu trong núi Cấm và bị hai con Thanh xà, Bạch xà canh giữ.

Ðó là thời gian tôi có dịp đi lại giữa Châu Ðốc và Hà Nội nhiều nhất. Tôi không có ý muốn nhìn thấy rồng, nhưng sự bí ẩn mang tính ÐI.COM của rồng lôi cuốn tôi.

Tôi tìm gặp ông Ðạo Tiếng. Hắn ta đưa tôi lên đỉnh núi Cấm và bảo tôi ngồi xuống trên một tảng đá. “Nếu ông có thể thiền định thì hãy thiền định”, hắn nói. Tôi chỉ ngồi nhắm mắt và điều hòa hơi thở. Hắn hỏi tôi có nhìn thấy biển Hà Tiên không? Tôi nói có. Hắn lại hỏi có nhìn thấy biển Phú Quốc không? Tôi nói không. “Vậy thì hãy cố nhìn cho thấy”, hắn bảo. Tôi cố cũng không thể thấy và tôi hiểu điều ông ta muốn nói.

Ðôi khi, tôi cảm thấy như không biết mình muốn gì. Và cuộc sống trôi đi. Có một người đàn bà hỏi tôi: “Bây giờ anh thế nào?”. Tôi bảo tôi hài lòng với cuộc sống của mình và muốn tận hưởng nó. “Cái gì làm anh hài lòng?”. Tất nhiên không phải xã hội tôi đang sống, mà là chính cuộc đời tôi, dù không phải “ngon lành” gì. “Cụ thể là cái gì?”. Tôi nói lại cái ý đã viết trước: “Ðược làm tình như một người đơn giản. Ðược ăn uống như một người khỏe mạnh. Và được ngủ nghỉ như một người an bình”. “Còn cái gì nữa?”. “Ðược nhìn ngắm mình”. “Anh nghĩ mình đẹp trai à?”. “Tôi cho rằng hài lòng về thân thể mình là căn bản của hạnh phúc”.

Nhưng dường như sự hài lòng chưa phải là hạnh phúc. Người đàn bà tin rằng tôi nói thật. Một hạnh phúc thật, có lẽ chỉ có thể xảy ra ngay khi cuộc sống chấm dứt.

Tiến bảo tôi nhìn từ phía sau có cái đầu giống như trẻ con. Nhưng người đàn bà lại bảo nhìn tôi thấy vất vả. “Trong bóng tối, tôi đã nhiều lần cứu anh”, người đàn bà nói làm tôi ngạc nhiên và cảm động. ÐI.COM vây hãm và muốn triệt hạ tôi. Tôi phải chết vì tìm cách làm sáng tỏ NGÀI trước giờ NGÀI muốn hiển lộ. Tôi hỏi người đàn bà: “Chị thuộc về ÐI.COM?”. “Tôi không biết ÐI.COM, nhưng tôi biết có những người không muốn cho anh sống”.

Tôi sống với bóng tối và sự u ám của những dự cảm về ÐI.COM. Nhưng tại sao tôi lại nói với người đàn bà rằng tôi đang hài lòng? Phải chăng tôi muốn tự trấn an, rằng tôi đang sống đúng?

Muội gọi cho tôi từ Hà Nội. “Em ngạt thở vì những tin đồn”. Tôi nói với Muội, con rồng đã chết và những loại bay được cũng sẽ chết. Hãy đi đến bất kỳ một nơi nào khác. Nhưng Muội bảo em còn một số công việc cần hoàn tất trước khi tự dứt điểm mình. Muội không cho tôi biết đó là công việc gì. Mãi sau này tôi mới biết Muội muốn vẽ con rồng.

N đi học lại. Nàng có ý định lấy bằng tiến sĩ. “Ðây cũng là cách em muốn rời xa anh một thời gian. Em muốn biết em có thật sự yêu anh hay không”.

Có một khoảng trống do những cô gái để lại, mỗi ngày tôi khuấy động khoảng trống ấy bằng cách đi qua những con phố bán đồ lưu niệm. Tôi mường tượng những vòng đeo tay mà Muội sẽ thích. Tôi cũng nhìn ngắm những quyển sách trên kệ bán hàng và nghĩ chữ nghĩa chẳng giúp ích gì cho N, nhưng tôi cũng mua những quyển mà tôi nghĩ sẽ có lúc N cần. Tôi đóng đinh trên tường để treo những chiếc vòng mua cho Muội và xếp những quyển sách mua cho N thành những vách ngăn trong nhà. Khi Muội chết, tôi vẫn treo những chiếc vòng ấy trên tường và tôi nhìn thấy chúng như vẩy rồng lấp lánh.

Trước đó, Muội thuê nhà và dự định sẽ ở lại Hà Nội lâu dài để sáng tác. Một loạt các ý tưởng về sắp đặt trên đường phố mà theo Muội chỉ có thể làm được ở Hà Nội. Tuy nhiên cái ám ảnh về rồng đã chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí Muội. Nàng cho làm những con rồng bằng tre, bằng rơm và phế liệu sắt. Ðến lúc chán, Muội đốt tất cả. Chúng biến thành những con rồng lửa hừng hực thở và uốn lượn trong một vẻ đẹp bất ngờ. Nhưng ngay cả cái đẹp phiêu linh diễm lệ máu lửa cực kỳ ấy cũng chỉ là một xúc cảm thẩm mỹ. Nó không hé lộ điều gì về những cõi miền xa thẳm của một niềm tin đã mất. Nó cũng không kỳ ảo hơn những tin đồn.

Muội viết: “Cuối cùng tôi nhận ra một điều, con rồng chỉ là giấc mơ của con giun. Và tôi vĩnh viễn rời bỏ Hà Nội”.

Mùa hè năm 2009, một cơn nóng thảm khốc làm hàng loạt thú vật ngã lăn ra chết. Một nửa những người mắc bệnh tâm thần lên cơn. Họ nổ tung trên đường phố, xé nát quần áo và nhảy tưng như bị điện giật, miệng xùi bọt. Họ điềm báo cái chết của rồng. Những người tỉnh táo bảo nhau cần phải cẩn trọng giữ mình.

Tôi về núi Cấm. Ông Ðạo Tiếng đón tôi vào một cái am gần hang Mẹ Ðẻ. Hàng ngày tôi ra vào hang với tâm niệm của một con rắn thay da. Ðôi khi tôi có cảm giác con rồng cũng đi ra đi vào cái hang đó. Mùi của nó hôi như mùi đất thó. Tôi nghĩ nó hôi vì sống lâu.

N cắt đứt liên lạc với tôi. Những ngày trên núi Cấm không thật sự yên ả như tôi mong đợi. Nó giống như một cái chết. Xa lìa nhân thế. Cảm giác tù đày trong thời gian làm cho tôi muốn nhảy xuống núi, muốn văng mạng vào thần thánh và quỉ dữ. Nhưng cả thần thánh và quỉ dữ cũng đã bị cầm tù đâu đó. Tôi chợt nhận ra một điều, vắng thần thánh và quỉ dữ, con người trở nên cô đơn không chịu nổi. Thế là ngày ngày tôi vào chùa đốt nhang và tin rằng không phải Lý Công Uẩn bịa ra câu chuyện rồng bay để tiện cho việc dời đô mà Lý Công Uẩn đã sống với giấc mơ của hào cửu ngũ trong quẻ Càn.

Một ngày không đẹp trời. Cơn mưa đổ từ sáng sớm đến chiều hôm. Cả ngọn núi ướt nhẹp và buồn so. Có một người đàn ông xuất hiện cùng với chiếc xe đầy bùn đất. Ông ta vào chùa thắp nhang khấn vái. Khuôn mặt lo lắng và ưu phiền. Tôi muốn nói đôi điều với ông ta. Nhưng sự xa cách của ông làm tôi ngần ngại. Lặng yên quan sát ông ta, tôi nhìn thấy ác nghiệp của con người trùng trùng duyên khởi. Bất chợt, tôi cũng nhìn thấy một người khác không biết xuất hiện từ bao giờ phía sau lưng ông ta. Một người có khuôn mặt lịch sử. Tôi không phân biệt được đó là Mao Trạch Ðông hay Tư Mã Thiên. Người lạ cũng quan sát người đàn ông đến trước như tôi. Không lâu sau, người đàn ông trở lại chiếc xe của mình. Tôi nhìn theo, tưởng như thoát được một gánh nặng. Tuy nhiên, chiếc xe đã lăn bánh và lao thẳng xuống vực. Tiếng mưa che lấp tiếng chiếc xe va đập. Tôi quay lại tìm người lạ, nhưng không thấy anh ta đâu.

Ngày hôm sau, tôi quyết định về thành phố. Ông Ðạo Tiếng đưa tôi xuống núi và cầu chúc tôi bình an. Nhưng tôi không thể an bình, không phải vì cái chết bất thường của người đàn ông ám ảnh mà khuôn mặt người vừa giống Tư Mã Thiên, vừa giống Mao Trạch Ðông kia đeo bám tôi. Ðôi khi tôi nghĩ, đó là hiện thân của ÐI.COM. Ðể tiện cho việc kể câu chuyện này, tôi tạm gọi anh ta là X.

Năm 2011, X công khai lộ diện. Anh ta đến gặp tôi và chào bán những viên đá tròn có lỗ xỏ ở giữa. Những viên đá đủ màu sắc to bằng quả bồ quân. Có viên phát ra ánh sáng. Anh ta quả quyết đó là những viên đá mộ táng của người Chăm cách đây hơn một ngàn năm. Anh ta cũng trưng ra một quyển sách của Ấn Ðộ có hình những viên đá trang sức ấy. Không nghi ngờ, tôi mua hết số đá anh ta mang tới với một giá được coi là rẻ. Tôi tìm dây đeo cho mình một viên có màu tím sáng. Những viên còn lại tôi mang tặng cho bạn bè. Tôi không có cảm giác gì khi đeo viên đá đó trên cổ. Nhưng thật khủng khiếp, tất cả những ai đeo các viên đá ấy đều bị đập vỡ ngực chết chỉ trong một đêm. Có hai người may mắn thoát chết nhờ bỏ nó ra khi ngủ. Viên đá trên ngực tôi càng trở nên ngời sáng, nhưng tôi quá sợ, đành chôn nó xuống đất.

X gặp lại tôi sau đó không lâu. Anh ta bảo cho mua lại những viên đá cũ với giá gấp mười lần đã bán cho tôi. Tôi lắc đầu nói đã chôn nó lại. Anh ta đề nghị tôi chỉ chỗ chôn, nhưng tôi từ chối.

X tiếp tục luẩn quẩn đâu đó quanh tôi cho đến khi có những người mặc quần áo đen xuất hiện. Tiếng họ la hét làm rung các mái nhà. Không còn nhìn thấy anh ta nữa, nhưng tôi không nghĩ anh ta chết.

N đột ngột lấy chồng. Ðó là người đàn ông đã hướng dẫn N làm luận án tiến sĩ. Tôi chỉ buồn nhưng không ghen. N không mời tôi ngày cưới. Chúng tôi đứt liên lạc gần sáu năm. Khi trở lại với tôi, N chỉ nói vắn tắt: “Chúng ta tiếp tục như cũ”. Tôi cũng chỉ gật đầu, xem như không có chuyện gì. Trong thời gian vắng N, tôi đi làm thuê cho một công ty quảng cáo. Công việc buộc phải đi nhiều, tôi thật sự thú vị với các khách sạn tỉnh lẻ. Nó cho tôi cảm giác đi sâu mãi vào cái vô định với những cô gái lạ. Tôi không dám quả quyết rằng mình đã gặp người ngoài hành tinh, nhưng một đôi khi, tôi vẫn thấy sự khác thường bí ẩn không thuộc về thế giới con người.

Cô gái có màu da vàng đục như sáp, hỏi tôi: “Anh đã từng gặp người nào đổi màu chưa?”. Tôi bảo chưa. Cô nói: “Chắc là tại anh chưa làm cho người ta đủ sướng”. Tôi nghĩ cô gái đùa, nên bình thản nói: “Chắc là vậy”. Cô ta lại hỏi: “Nếu anh thấy một cô gái đổi màu thì anh có sợ không?”. “Vấn đề là cô ta đổi màu như thế nào”. Cô gái nói tiếp: “Em tin là anh sẽ không sợ”. “Sao em biết anh sẽ không sợ?”. “Vì đó là điều tuyệt vời nhất mà anh có thể làm cho một cô gái”.

Tất cả mọi chi tiết trên thân thể cô gái đều đẹp. Cô bảo hãy làm theo cách cô chỉ. OK. Vẻ đẹp của cô không thể cưỡng lại, tôi làm theo và lắng nghe. Dẫu sao tôi không thể không tò mò. Sau đó không lâu tôi bắt nhịp được với một nhịp thở vừa khoan hòa vừa thôi thúc. Thân thể cô gái từ từ đỏ lên. Tôi cũng dần dần quên lắng nghe. Rồi gần như là một chói lòa, cô gái rực đỏ như một khối ngọc tỏa sáng. Cũng gần như xóa nhòa, bất giác tôi sụp xuống lạy cô ta như thể đó là điều tất nhiên phải xảy ra. Màu đỏ tan dần. Tấm drap ướt đẫm. Khi tôi cảm thấy bình thường trong người thì thân thể cô gái đã chuyển qua màu xanh. Trong veo.

Tôi trả tiền cho cô gái. Cô ta bảo: “Không cần đâu”. Tôi hỏi: “Sao vậy?”. Cô gái bảo: “Em đến đây không phải để làm đĩ”. Tôi hỏi tiếp: “Em sống bằng cách nào?”. Cô gái nhún vai: “Không nhất thiết phải ăn”. Lúc ấy, tôi nhìn thấy da cô vàng đục như sáp. Trước khi ra khỏi phòng, cô nói: “Hãy làm với các cô gái khác như đã làm với em”.

Sau đó tôi đã cố gắng tìm lại cô ta nhưng không được. Mười năm sau, tôi gặp một trường hợp tương tự. Họ ra đi không để lại dấu vết.

Muội Muội nói chúng ta đang sống trong một thế giới được cài đặt các cảnh giới khác nhau của tiến trình chuyển hóa tâm thức và vật thể. Người ta cần phải biết lắng nghe và nhận biết được các cảnh giới khác nhau ấy để liên thông với chính mình. Khi kết nối được các diện mạo khác nhau của mình, người ta sẽ nhận ra được bản thể. Và trở thành bản thể, đó là một tự do tuyệt đối.

Phải chăng vì thế Muội Muội đã đến với tôi để sống những song trùng phức hợp, không ghen tuông, không đố kỵ? Tôi không dám chắc nàng đã nhận ra mình trong những người đàn bà khác. Nhưng quả thật, khi gặp N hay Diệu An, nàng vẫn cười bảo càng đông càng vui. Riêng đối với Muội, nàng tỏ ra ngưỡng mộ không phải vì Muội không còn nữa mà gần như đó là một tình yêu với chính mình.

Năm 2025, trong một chuyến điền dã lên cao nguyên, Muội Muội tình cờ phát hiện được một cặp tình nhân hóa thạch trong tư thế đang làm tình theo kiểu chó. Nàng muốn mang nó về trưng trong vườn tượng dưới chân núi Sam, nhưng ban quản lý Miếu Bà Chúa Xứ phản ứng vì họ cho rằng toàn bộ vùng Bảy Núi cần phải được gìn giữ trong môi trường đạo hạnh. Tuy nhiên, nàng đã thuyết phục được các quan chức văn nghệ và chính quyền đồng ý đặt cặp tình nhân hóa thạch vào giữa vườn tượng trên một bệ đá cao ba thước với lý do nó thật sự là tác phẩm nghệ thuật mẫu mực của thiên nhiên, ngoài giá trị của một di chỉ khảo cổ.

Từ đó, đĩ ở dưới chân núi Sam càng ngày càng nhiều. Mùa lễ hội, đĩ ra đường đông hơn người hành hương và họ đón khách suốt ngày đêm.

Khi ấy con rồng trong núi Cấm đã ăn thịt được hai con rắn canh giữ mình. Mùi dịch khí tanh tưởi dưới các chân núi làm nó lồng lộn. Hai cánh mũi phồng căng và hơi thở gấp gáp của nó phả ra hơi nóng làm cho lá cây trên núi rụng sạch. Các ông đạo ngửa mặt than: Thời mạt pháp. Nhưng người đàn ông vẫn rao giảng trong vườn tượng lại vui mừng. Ông ta bảo rồng sắp bay được rồi. Muội Muội cho rằng đây là người đàn ông có khả năng kết nối các thế giới khác nhau. Nàng tìm cách tiếp cận với ông ta. Tôi nói với Muội Muội, nhìn em ông ta có thể biết được em đã từng ngủ với anh và điều đó có thể sẽ là lý do ông ta không muốn gặp em. “Như thế thì thật đáng tiếc, Muội Muội nói, em nghĩ rằng ông ấy sẽ luôn luôn sẵn sàng mở cánh cửa của ổng như một phẩm hạnh của hành giả để bất cứ ai cũng có thể được ơn phước nhìn thấy thế giới khác”. Tôi bảo có thể ông ta vẫn mở cánh cửa của mình nhưng không phải cho tất cả mọi người. Tôi nhớ tới Phượng. Cánh cửa của ông ta cũng không mở cho Phượng.

Ông Ðạo Tiếng nói rồng không phải là biểu tượng mà là một con vật có thật. Muốn nhìn thấy nó phải có hai điều kiện trái ngược nhau, một là ăn chay giữ lòng thanh tịnh ít nhất một trăm ngày liên tục, hai là phải được trao đổi khí lực âm dương điều hòa cũng trong một trăm ngày liên tục với một trăm người khác nhau. Con người khi ấy vừa có con mắt huệ, vừa có tâm đồng nhất. Nhờ thế có thể nhìn thấy cái không thể thấy.

Theo ông Ðạo Tiếng, trong lịch sử nhân loại chỉ có ba người nhìn thấy rồng. Một là Phục Hi, hai là Lý Công Uẩn, ba là ông.

Có lần tôi đã hỏi hắn: “ÐI.COM có phải là rồng không?”. Hắn ta nói không. Chỉ sau khi chết, người ta mới thật sự biết ÐI.COM là gì.

Muội Muội nói em cóc cần biết ÐI.COM là cái quái gì. Em chỉ muốn biết chính em. Nhưng lão già hủ lậu kia vô tích sự lại còn muốn người ta tôn thờ mình. Lão không biết dơ dáy xấu hổ vì ăn bám nhân dân lại còn lên mặt rao giảng chân lý. Lão nói cứu độ con người nhưng con người lại phải cứu tế lão. Cứ dẹp cái trò cúng dường đi thử xem, lão có cứu được lão không?

Cơn hờn giận vớ vẩn đã đưa Muội Muội sang Campuchia. Nàng thích nhìn ngắm những con rắn cụt đầu còn sót lại trên những công trình kiến trúc cổ. Và nàng thấy rồng hay rắn cũng chỉ là một. Ý niệm về quyền lực như một cái đẹp nội tại, nó giải thoát nàng khỏi sự ấm ức bị coi thường.

Cảm thấy dễ chịu hơn, nàng đi tìm những người đàn ông bản xứ và làm tình như điên. Nàng bảo cứ như về nguồn vậy. Ðàn ông là một cái cớ, nàng chỉ yêu chính mình, bởi thế nàng có thể làm tình với bất cứ ai. Tuy nhiên có một khoảng trống trong nàng không thể lấp. Nó là vực thẳm của nàng. Ðôi khi tôi cũng đến được mép bờ vực thẳm ấy, nhưng cũng chỉ để thẫn thờ và chán. Một khoảng cách đủ để chia xa không vấn vương. Nó cũng đủ cho sự gần gũi một lằn ranh ác nghiệt. Nàng đi và đến, với tôi, như một cái trạm trên muôn dặm tìm mình.

Dẫu sao tôi cũng cảm thấy vui và có lẽ cũng chỉ để vui.

Năm 2025, tôi có dịp đi lại khá nhiều trên những con đường dẫn về Thất Sơn. Và tôi tự trở thành ma trận của chính mình. Ðôi khi, tôi cũng không hiểu tại sao tôi phải đi mà không tĩnh tại nghỉ ngơi. Càng lúc tôi càng cảm thấy mình bị cuốn vào hành động. Tôi gọi đó là tình trạng nhiễm ÐI.COM. Lúc nào cũng nhấp nhổm.

Tôi nhớ lại bản di chúc của Phan Thanh Giản dặn dò con cháu không được ra làm quan sau khi phải ký hòa ước nhượng đất cho Pháp và tự xử vì cái việc nghiệt ngã ấy của mình. Tôi tự hỏi không biết hậu duệ của ông có khả năng từ khước chính trị không. Tôi vào Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long viếng ông.

Có một người đàn ông ngồi trước bàn cờ tướng một mình, bên hiên miếu. Ông ta đang tập đánh cờ thế, tôi đoán vậy. Lặng yên đứng xem, hút hết nửa bao thuốc, tôi cũng chưa thấy ông ta đi thêm một nước nào. Dường như biết tôi không thể chờ thêm được nữa, ông ta ngẩng đầu lên bảo: “Xin mời ông đánh một ván cho vui”. Tôi bảo tôi không thích đánh cờ, dù rằng tôi thích xem người ta đánh cờ. “Bạo động là một tội lỗi, bất bạo động còn tội lỗi hơn”, ông ta bất ngờ nói một cách ngang xương, chẳng ăn nhập gì tới chuyện đánh cờ. Tôi bảo tôi không thích ẩn dụ và tôi hỏi làm thế nào mà “Phan Thanh Giản thần miếu” này tồn tại được khi sau năm 1975, những người coi Phan Thanh Giản là kẻ tội lỗi bán nước đã cai trị vùng đất này?

“Ông nội tui kể rằng, sở dĩ Văn Thánh miếu không biến thành cửa hàng hợp tác xã là nhờ lòng người dân Vĩnh Long kính trọng Phan Thanh Giản. Khi ấy ông nội tui là ông từ trông coi thần miếu. Ông nội tui phần sợ bị khép vào tội phản động vì hương khói cho kẻ bán nước, mà không hương khói thì sợ ổng quở trách. Ông nội tui nghĩ cách qua mặt chính quyền để tránh tình trạng phải đập bỏ tượng ổng. Ông thuê người đúc tượng Hồ Chí Minh thật to, nhưng để ruột rỗng, rồi úp chụp lên tượng Phan Thanh Giản. Chuyện này rất ít người biết. Thế là ông nội tui lại ngày ngày điềm nhiên hương khói. Chẳng ai biết ông nội tui cúng vái tên bán nước Phan Thanh Giản hay ông Hồ Chí Minh vĩ đại, hoặc cả hai. Ðược vài chục năm, có hội thảo cho rằng ông Phan Thanh Giản là người thương dân. Ông nội tui nhân dịp ấy mới lên tiếng thờ ông Hồ Chí Minh trong miếu ông Phan Thanh Giản thì coi bộ không ổn, bèn xin làm lễ gỡ tượng ông Hồ Chí Minh ra. Tôi được chứng kiến ngày kỳ lạ đó. Nội tui khóc ròng. Ông cúi lạy cả tượng ông Hồ Chí Minh lẫn ông Phan Thanh Giản. Sau đó cả hai bức tượng biến mất. Trong miếu ngày nay chỉ còn tấm hình ông Phan Thanh Giản mặc triều phục trên bàn thờ”. Nghỉ một lát, ông ta nói bâng quơ: “Chắc là hai ổng rủ nhau về Bảy Núi”.

Có lần, tôi đã hỏi ông Ðạo Tiếng: “Có thấy ông Hồ Chí Minh và ông Phan Thanh Giản trên núi Cấm không?”. Ðạo Tiếng cho biết: “Hai ổng đã đi qua hang Mẹ Ðẻ và tái sanh rồi”.

Một trong hàng ngàn cô gái điếm dưới chân núi Sam mà tôi tình cờ gặp, nói: “Khi nào anh vào hang Mẹ Ðẻ cho em đi theo với”. Tôi hỏi để làm chi vậy? Cô gái bảo: “Ðể em được tái sinh cùng anh”. Tôi nói tôi không muốn tái sinh. Tôi chỉ muốn chết vĩnh viễn. Nhưng cô gái bảo: “Không chết vĩnh viễn được đâu. Em đã thấy rất nhiều đàn ông đi qua hang của em và họ được tái sinh là họ. Em muốn tái sinh thành một cái khác”. Tôi hỏi: “Cái khác là cái gì?”. “Là cái em chưa biết”.

Tôi đưa cô gái vào hang. Ðất dưới chân tôi lún xuống và tôi không thể nào bước đi được. Cô gái cầm tay tôi kéo đi. Tôi cũng không thể nào đi được, dường như chân tôi chỉ bước một chỗ. Tôi nói: “Em thử đi một mình xem sao”. Cô ta buông tay tôi ra. Ngay tức thì, tôi không còn thấy cô đâu nữa. Ðất dưới chân tôi trồi lên. Tôi ra khỏi hang. Ðạo Tiếng đứng trước mặt tôi, cười. Tôi cũng cười, hỏi: “Làm thế nào để được tái sinh?”. Hắn bảo: “Cứ chết đi rồi biết”.

Tôi vẫn nghĩ sẽ tự quyết định cái chết của mình. Nhưng rồi tôi vẫn ngồi trong quán với N năm 2055, chờ ÐI.COM tới. Thụ động và hèn yếu. Cái chết của ông Ðạo Tiếng vẫn dội vào lòng tôi tiếng kêu tuyệt vọng như sự thất bại của giải pháp tôn giáo trong cuộc sống con người. Có thể nào ông Ðạo Tiếng đã hốt nhiên đốn ngộ trong sự cực lạc của hành động tình dục? Và rằng con người đã mất khả năng về một tình dục tâm linh trong bản năng sâu thẳm? Tôi nhìn N và ngậm ngùi thấy nàng đã quá già. Tôi cũng đã quá già.

27.4.2006

N.V.