Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

55 năm tạp chí THẾ KỶ HAI MƯƠI “Như một lẵng hoa đầu xuân..."

Nguyễn Trường Huy

Ra mắt chỉ vọn vẹn có 6 số, ngay sau thời gian tạp chí SÁNG TẠO (bộ cũ) đình bản nhưng THẾ KỶ HAI MƯƠI cũng kịp khẳng định vị thế của mình trong làng báo về văn chương – nghệ thuật của miền Nam, và trong một chừng mực nào đó TK20 tiếp tục đi theo con đường khai mở “còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo”. Với ekip gần như là đầy đủ từ ban SÁNG TẠO (trừ Mai Thảo), những thành viên nòng cốt từ Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thanh Tâm Tuyền… cho đến Nguyễn Văn Trung từ Bỉ về nước, Nguyên Sa & Cung Trầm Tưởng từ Pháp hồi hương. Đặc biệt với sự xuất hiện duy nhất của TÔ THÙY YÊN với 5 trang thơ choáng ngợp trong số ra mắt, phần nào cũng làm nên tên tuổi mội thi-sĩ Tô Thùy Yên sau này.

THẾ KỶ HAI MƯƠI được coi sóc bởi Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch (còn có bút danh khi làm thơ là Trần Hồng Châu – bút danh này có lẽ xuất hiện từ bài thơ Paris Chiều Chia Ly đăng trên tạp chí này – số 2) – cựu khoa trưởng của đại học Văn Khoa Sàigòn (từ 1965 đến 1969).

Nét nổi bật của tờ báo này - được nhìn nhận là một tờ báo đẹp & sang trọng … ngoài việc “đẹp & sang trọng” đến từ những suy tư/ chiêm ngẫm của các cây bút thời danh, các cây bút thuộc giới khoa bảng – mang theo những ý niệm như 1 sự chuyển tiếp và bước tiếp con đường SÁNG TẠO …. “đẹp & sang trọng” ấy còn đến từ hình thức:  khổ báo và việc minh họa màu, theo như nhà văn Viên Linh nhận xét trong 1 bài “SINH KHÍ VĂN NGHỆ MIỀN NAM”

“Làm báo văn nghệ ở Sài Gòn hồi ấy người ta mới thấy cái khó khăn của một tờ báo khi in tranh vẽ, dù là đen trắng. Muốn in tranh vẽ, hay hình ảnh chụp, phải gửi tấm tranh gốc, ảnh gốc đi làm bản kẽm. Một tấm hình bình thường, thì làm bản kẽm gọi là simili (có chấm, nay gọi là dot). Nét vẽ của một tấm hí họa, tranh vẽ bút chì thì bản kẽm vừa có simili vừa có nét (trait, hay ligne), khoảng 50 đồng một cái bản kẽm nhỏ và giản dị nhất. Nếu có cả hai thứ đương nhiên là mắc hơn, khoảng 70 đồng một cái bản kẽm. Một tờ báo văn nghệ thường chỉ có thể in 1 cái tranh ngoài bìa, bên trong họa hoằn có thêm một hai cái nữa, nho nhỏ thôi. Tranh này có khi lại dùng đi dùng lại nhiều lần. Thế mà tờ Thế Kỷ 20 ngay số 1 bên trong có khoảng 10 cái tranh vẽ to nhỏ của Ngọc Dũng, và ghê gớm hơn, in 4 cái phụ bản hai màu, mỗi cái chiếm nguyên trang, của bốn họa sĩ nổi tiếng nhất đương thời: Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Trung”

Trở lại với thầy Nguyễn Khắc Hoạch - đọc các bài thơ và trang tùy-bút-hồi-tưởng của ông, người đọc liền thấy mình như vừa rơi vào một  dòng suối suy tư long lanh ánh ngọc , bềnh bồng trên dòng tư tưởng và những kỉ niệm về trời Tây, nhưng rốt ráo vẫn là ngược dòng xuôi về tìm lại hình ảnh quê hương, bằng một niềm yêu tha thiết và đậm đà…

Khởi đi từ trí tưởng mặc sức phiêu du qua những sân trường, những giảng đường đại học nơi có những “người em mắt nâu/ tóc vàng sợi nhỏ" nhưngcuối cùng rồi cũng ngược đường tìm về với Văn Khoa như một yêu dấu cuối cùng… ông đã luyến lưu Paris, say đắm Paris và thương nhớ Sài gòn “xúc động đến thảng thốt, mỗi khi mây Sàigòn bủa vây, tới tấp, hay khi nắng Sàigon nung nấu đến rùng mình cả một bầu khí quyển siêu thực”.

Và cũng từ tư cách một nhà giáo, ông luôn suy tư về vận mệnh của nền văn hóa Việt nói chung và nền văn chương Việt nói riêng, hay nói riêng hơn nữa là thế giới tự do khai phóng của nền văn chương miền Nam, điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua bài đầu tiên trong số ra mắt của tạp chí THẾ KỶ HAI MƯƠI – cũng có thể xem là tuyên ngôn / đường hướng của tạp chí vắn-số-nhưng-không-vì-thế-vô-danh này : “Đi vào đoạn đường hôm nay”

“Như một lẵng hoa đầu xuân trong ngọn lửa hạ vô cùng tận của miền Nam đất nước”

Đó là những dòng chữ đầu tiên để giới thiệu về tạp chí này của thầy Nguyễn Khắc Hoạch, hơn một nửa thế kỷ sau, nơi miền Nam nước Việt này, còn có những điều để trân quý, còn có những chiêm nghiệm (trong) thi ca…một phần cũng nhờ vào những tươi mới và trường cửu của những “lẵng hoa đầu xuân” ấy.

Nguồn: http://huyvespa.blogspot.com/2015/05/55-nam-tap-chi-ky-hai-muoi-nhu-mot-lang.html

THẦY HOẠCH

Đặng Tiến

Nhà thơ Trần Hồng Châu, bút danh giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, cựu khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, 1965-1969, đã từ trần tại quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 7.12.2003.

Ông sinh ngày 15.5.1921, tại Hưng Yên, đất cũ Hồng Châu, nên lấy bút danh như vậy, trong một gia đình nho học danh giá. Học trung học ở Huế, 1936-1943, rồi học Luật tại Hà Nội, bắt đầu viết văn làm thơ từ đầu thập niên 1940, cộng tác với các báo Gió Mới và Tiền Phong, dạy học (1946) và đi kháng chiến ở Khu Ba, 1947-1948, làm bài thơ nổi tiếng Gửi người Em ở Nội Thành dưới bút danh Hoàng Tuấn. Về Hà Nội, và sang Paris học Luật, được Bùi Xuân Bào rủ rê học thêm Văn Khoa. Đỗ cử nhân văn chương 1950 và trình luận án tiến sĩ quốc gia năm 1955 về Truyện Nôm Việt Nam Thế kỷ 18-19, dưới sự hướng dẫn của Pierre Moreau. Đỗ Cao Học Quốc tế tại trường Luật Paris, 1952 và Cao Học Âu Châu tại Nancy, 1957, chuyên về chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Thế Chiến.

Trong giới khoa bảng miền Nam Việt Nam thời ấy, ông là người có nhiều bằng cấp nhất. Ông giữ nhiều kỷ niệm đẹp về Paris và viết những trang hồi ký thắm thiết [1].

Về nước, 1957, ông giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa, Sài Gòn, Huế, rồi làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Nam Illinois, Mỹ, 1970-1974.

Năm 1960, ông chủ trương tạp chí văn nghệ Thế Kỷ 20 và bắt đầu sử dụng bút hiệu Trần Hồng Châu, dưới một bài thơ dài, Paris chiều chia ly. Có lẽ từ thời điểm này, quần chúng mới biết ông là thi sĩ, và qua ông một giáo sư khoa bảng và nghệ sĩ. Nhà thơ Trần Hồng Châu là cây cầu vồng ngũ sắc giữa học thuật và nghệ thuật, và chứng minh rằng : cái này không nhất thiết phải loại trừ cái kia.

*

Non mười lăm năm giảng dạy tại nhiều đại học miền Nam, qua những thăng trầm, chính biến mà chúng ta còn nhớ, g.s. Nguyễn Khắc Hoạch đã gây dựng nhiều thế hệ văn chương : nhiều nhà văn, nhà báo ở nước ngoài hiện nay, là môn sinh của ông. Tôi không dùng chữ « đào tạo » vì thầy Hoạch không thích động từ này, vì văn học không phải là « cái lò » ; ông có nhiều bằng cấp, nhưng không một nhà trường nào trên thế giới đào tạo được một nhà trí thức như ông, và ông cũng không chủ trương đào tạo ra cái gì.

Trên bục giảng, ông là một nhà giáo nghệ sĩ, và nhờ đó, ông là cây cầu giữa nhiều nền văn học : Pháp và Việt, Đông và Tây, truyền thống và hiện đại, dân gian và bác học, trường quy và sáng tạo. Ông là Nhà Nho Tài Tử, là bác học thi nhân, do đó mà ảnh hưởng, về lâu về dài thấm nhiễm vào môn sinh. Ông tự biết như vậy và đã viết : « còn tôi, thì bài giảng vẫn đầy đủ, nhưng chỉ ghi lại sơ lược một sườn bài và các điểm then chốt, được thuyết trình một cách ngẫu hứng như một bài nói chuyện. Chẳng biết có phải như nhiều bạn hữu từng nói, tại tôi đã đem thói quen « tà tà phất phơ » của người làm văn nghệ vào lớp học không » [2].

« Tà tà phất phơ » là lời lẽ của môn sinh lễ độ. Học trò nghịch ngợm thì nói « lè nhè và lè phè ». Đây là lời ông tự bạch :

« Giảng bài, bình văn, phân tích, bố cục, nội dung, hình thức, là cái gì ? Đây chỉ là mời chào viễn du. Hướng về cửa Thần Phù, về động bích nguồn đào của văn nghệ và những tâm hồn lớn, lôi cuốn theo đoàn người đồng hội đồng thuyền cho tới ngày hạ sơn. Đứng trên đỉnh Côn Luân cao vời vợi, sau khi trao tiên phù và thần kiếm, người trưởng môn ngậm ngùi theo dõi bóng dáng những kiếm khách trẻ tuổi, tiến xa, xa mãi vào những lũng thấp, đèo cao, sông dài biển rộng của cuộc đời.. » [3] .

Tôi xác nhận là ông nói thật. Có lần, trong bài giảng Nhị Độ Mai, ông chuyển sang nói về truyện dân gian, truyện Tấm Cám, chiếc giày thơm, sang truyện Hương Miết Hành, không biết của ai, thời nào, rồi đọc thơ Đinh Hùng : nàng yêu ta huyền hoặc mối kỳ tình. Sinh viên không ai hiểu vì sao, nhưng với nhiều người, đó là lời khai lộ cho con đường văn học ; một « hành trình khai tâm » (parcours initiatique), mà về sau này chúng tôi mới vỡ lẽ, vì thời đó, chúng tôi không ý thức, mà cũng chưa khái niệm được việc « khai tâm » vì chưa đọc Propp hay Backhtine.

Môn đồ của ông nhiều người thành danh và có sự nghiệp văn học. Sinh thời ông từ tốn, nhưng rất tự hào về đám môn sinh mà, trong tình riêng, ông gọi là « hào kiệt văn khoa », và có bài thơ chữ Hán nói lên niềm tự hào lẫn một chút chua cay :

Văn Khoa Đại Học Đường Tức Sự

Kinh sử trùng trùng ánh thiên tinh

Anh hoa điệp điệp mãn môn đình

Kim nhật tịch tịch tiêu điều xứ

Cựu khách thê thê bi hận tình.

Tác giả diễn nghĩa : Dịch :

Sử kinh trùng trùng ánh sao trăng Kinh sử trùng trùng lóa ánh sao

Tài hoa điệp điệp khắp môn đình Cổng xô lớp lớp khí anh hào

Cảnh cũ hiu hiu buồn vắng lặng Tiêu điều ĐấtThương Trời

Bạn xưa rười rượi nhớ thương dài. Tình xưa di hận. Nhớ thao thao. [4]

Trần Hồng Châu Đ.T.

Trong tư duy văn học, g.s. Nguyễn Khắc Hoạch có khuynh hướng bảo thủ, trong giáo trình và trong ứng xử. Ông biện minh điều đó : « Vai trò của nhà giáo dục, vai trò khuôn mẫu, mực thước, ít nhiều hướng về việc bảo vệ truyền thống, bảo vệ di sản cổ điển và những giá trị đã có sẵn » [5].

Trên lập trường sư phạm cơ bản này, còn có nhiều lý do khác. Khoảng 1960 là thịnh thời của các trào lưu triết học, chủ yếu là hiện sinh, ào tràn vào Việt Nam, trở thành một thời thượng ngay nơi giảng đường một số đại học. Nhưng ông không ưa thời thượng và cũng không tâm đắc với những trào lưu « Tôi sợ những chữ isme, một số đã tàn phá lịch sử nhân loại » 5, mặc dù ông sống ở Pháp những năm 1950, cao điểm của thời thượng hiện sinh, mặc dù ông đã theo học Jean Wahl, Merleau-Ponty, đã thâm cứu Camus, mặc dù những khoa trưởng văn khoa Sài Gòn thời đó là « triết gia » như Nguyễn huy Bảo, Nguyễn đăng Thục. G.s. Bảo là thầy g.s. Hoạch, thời trung học ở Huế, ông Bảo theo chủ thuyết « nhân vị », nhưng không theo Ngô Đình Nhu, bị ông Nhu bãi chức, đưa ông Nguyễn đăng Thục lên thay, nhưng ông Thục không những không theo mà còn… chống. Chúng tôi chi tiết dài dòng để giải thích lòng tôn kính của môn sinh đối với các bậc thầy, về mặt trí tuệ đã đành, mà còn về mặt đạo đức và tư cách chính trị.

Giới đại học Sài Gòn lúc đó, dường như không mấy ai xu thời. Và chúng tôi cũng học tập được tinh thần độc lập và khí khái về chính trị.

Về phong trào Tiểu Thuyết Mới, thầy Hoạch cũng không mấy khi đề cập, dù ông đã có dịp gần gũi với Robbe-Grillet thời du học ở Paris.

Ông còn bảo thủ, phần nào theo truyền thống đại học mà ông thừa hưởng, với các bậc thầy cổ điển như Pierre Moreau, Daniel Mornet. Thời đó, Đại Học Paris chưa có những Todorov, Kristeva.

Nhưng có lẽ tính bảo thủ là do bản chất hoài cựu. Ông là hình bóng hiền lành và mô phạm của một Nguyễn Tuân xa xôi. Vẫn sầu mộng những Marie Anne, Barbara - một của Prévert, một của Boul’Mich – nhưng tâm tư vẫn Mười Thương Cô Tấm.

Thơ ông, ký tên Trần Hồng Châu trong bốn tập Nhớ Đất Thương Trời, 1991 ; Nửa Khuya Giấy Trắng, 1995 ; Hạnh Phúc đến từng Phút Giây, 1999, và Suối Tim, kịp ra đời, được tác giả nhìn thấy trước khi nhắm mắt, chứng tỏ rõ ràng nhiều tính cách tương phản, bổ sung tâm hồn ông : rung cảm trí tuệ trên những kỷ niệm văn chương Đông Tây Kim Cổ và những cảm xúc ngân lên từ cuộc sống bình dị. Lời thơ phá thể, tự do, nhưng ý thơ cổ điển, từ chương. Từ vựng kiểu cách, văn hoa, nhạc điệu gập ghềnh, buông thả. Thơ Trần Hồng Châu là một độc thọai nội tâm, trong đó từ ngữ, âm thanh, ẩn dụ, hồi âm và hồi quang lẫn nhau, làm thành một thế giới riêng biệt, không thể trích dẫn và bình luận riêng rẽ.

Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch là thầy tôi. Người xưa nói : một chữ là thầy, nửa chữ là thầy. Có lẽ với thầy Hoạch, tôi không học được một chữ nào, nhưng nên người là nhờ thầy. Vì vậy tôi gọi ông là thầy, trong ý nghĩa đầy đủ và cao đẹp nhất của chữ thầy, cả về hai mặt trí tuệ và đạo đức. Cuộc sống khốn nạn đày đọa chúng tôi phải sống xa cách ; nhưng trong lòng tôi vẫn ngưỡng vọng, và thầy luôn luôn hạ cố : viết được cái gì, thầy cũng chiu chắt gửi cho trò ở xa. Nhờ đó mà tôi có nhiều tư liệu về thầy, và đôi tư liệu riêng tư.

Về tài năng, đức độ, địa vị tôi không nghĩa lý gì so với thầy. Nhưng có lẽ thầy trò gần nhau trên một điểm là :

Chúng tôi cùng thủy chung với một đôi điều vớ vẩn, đơn giản, mà mình xác tín.

Noel 2003

Đ.T.


[1] Trần Hồng Châu, Paris chiều Tái Ngộ, Tạp chí Văn Học, số 128, tr. 66-85, tha’ng 12, 1996, California

[2] Trần Hồng Châu, Tưởng niệm Giáo Sư Bùi Xuân Bào, Tạp chí Dòng Việt, số 5, tr. 21, 1998, California.

[3] Trần Hồng Châu, Thành Phố trong Hồi Tưởng, mục Văn Khoa Sài Gòn, tr. 74, nxb An Tiêm, 1991, California.

[4] Nhớ Đất Thương Trời là tên một thi tập Trần Hồng Châu

[5] Trần Hồng Châu, Dăm ba điều nghĩ về Văn Học Nghệ Thuật, tr. 373, nxb Văn Nghệ, 2001, California.