Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Tháng Ba gãy súng (3)

Hồi ký

Cao Xuân Huy

Phần III

Huế đang là một thành phố chết và đang là một thành phố bị bỏ ngỏ. Cả thành phố chỉ còn lại vài ba ngọn đèn đường, cái sáng cái tối, đạn pháo Việt Cộng nã đều vào cầu Trường Tiền và khách sạn Hương Giang, đó đây người ta đang đạp xe ba bánh, xe xích lô đi hôi của.
Ði lối cầu mới thì được an toàn, nhưng tôi sẽ đi lối cầu Trường Tiền mặc dù cầu này đang bị pháo. Một chút lãng mạn trong người tôi nổi dậy, chẳng gì cũng chỉ còn là lần chót. Ngay đầu cầu, một chiếc M-48 nằm chình ình, máy vẫn còn nổ mà không có người. Lên đến giữa cầu, tôi nói với mấy thằng lính đệ tử.
"Quay lại nhìn Huế lần chót bay, chắc chắn là mình sẽ không đánh ra tới đây để lấy lại đâu”.
Một nỗi buồn dâng lên trong tôi, không khóc nhưng mắt tôi đoanh tròng. Bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu xác người, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bạn bè, của anh em đồng đội tôi đã đổ xuống cho cái vùng địa đầu nghiệt ngã này. Bản thân tôi cũng đã hai lần đổ máu ở nơi này, bây giờ bỗng chốc bỏ đi, hỏi ai là người không tức tưởi. Ðù má những thằng chịu trách nhiệm trong vụ bỏ Huế này, lịch sử sẽ bôi tro trát trấu vào mặt chúng! Những ai đã từng tuyên bố, từng hô hào tử thủ Huế giờ này ở đâu? Khốn nỗi, những thằng đánh trận mà luôn luôn đi đàng sau và luôn luôn bỏ chạy trước lại là những thằng có quyền, có quyền mà hèn nhát, đốn mạt nên bây giờ bao nhiêu người khốn đốn, rút chạy như một lũ thua trận. Nhưng thực sự chúng tôi đã đánh nhau đâu để bị gọi là thua! Ðồ tiếp liệu trong thành Mang Cá dư sức cung cấp cho lữ đoàn tôi ít nhất là ba tháng, tại sao không cho chúng tôi vào thành Nội? Ờ mà tử thủ làm chó gì, bao nhiêu thằng xếp cút mẹ nó hết rồi, vợ đẹp con khôn và tiền bạc bao năm ăn bẩn không lẽ lại vứt bỏ. Vậy thì tội chó gì mình lại nghĩ đến chuyện ở lại đánh nhau để chết oan mạng, cùng lắm được vài giọt nước mắt cá sấu, một cái huy chương không giá trị, những lời ca tụng giả dối, ngoài cửa mồm thôi chứ có mẹ gì nữa đâu. Ðồ chó má!
Qua hết cầu, tôi gặp đại úy Chiêu, Ðại đội trưởng đại đội 3, tay cầm chai rượu chát khổng lồ, túi đút chai rượu mạnh. Thấy tôi ông kêu lớn:
"Ê Huy, nhậu mày”.
Bao nhiêu tủi hờn, căm hận, buồn bực biến mất nhanh như viên đạn ra khỏi nòng súng. Bọn tôi ngồi quây tròn giữa ngã tư đầu nam cầu Trường Tiền nhậu không có mồi, không có nước đá "chữa lửa" thì chúng tôi nhậu chay. Câu chuyện lại vui như pháo Tết. Mấy tên lính không biết lấy xe xích lô của ai chở đầy xe thuốc lá Ruby và bia Quân tiếp vụ đến tiếp tế và nhập cuộc. Tôi đập vỡ cổ chai bia rót từ đầu xuống, người ướt đẫm bia thích thú, từ bé đến lớn chưa bao giờ được tắm bằng bia mà. Nhưng chẳng có cái dại nào giống cái dại nào: bị ướt bia, người tôi dính nhem nhép khó chịu.
Ðang ngồi nhậu, Ðại đội trưởng tôi không biết từ đâu tới cho biết điểm hẹn đã thay đổi vì những kho đạn, kho xăng ở Thuận An đã bị cháy, không biết vì pháo kích hay vì đặc công. Ðiểm tập trung mới là bến phà Tân Mỹ.
Mấy ông lính của tôi không biết vác ở đâu ra một lô súng mới tinh, nào là M-16, nào là M-79, nào là đại liên M-60, còn có cả máy truyền tin ANPRC-25 nhưng không có pin. Tôi bảo lính đi lấy thêm, Đại đội trưởng tôi không chịu:
"Vác nặng thêm chứ được cái gì!"
"Nặng khỉ gì, mình đi tàu đâu có vác”.
"Tôi nói không, giờ này không lo mà đi đi, còn ở đó mà lo súng với lo nhậu. Ði!"
Tôi uể oải đứng dậy. Lệnh đi thì đi chứ thực sự tôi còn muốn ngồi nhậu, mấy khi còn có dịp ngồi xếp chân bằng tròn giữa ngã tư mà nhậu thế này. Ung dung ngồi nhậu nhìn thiên hạ hớt ha hớt hãi thú lắm chứ. Tôi đi qua khách sạn Hương Giang lúc này đã hết bị pháo kích, qua Ðập Ðá, đến ngã ba con đường đất đỏ. Ngã ba này là điểm tụ hội của dòng người đi từ Huế ra và dòng người quá nhanh chân nên phải đi ngược từ Thuận An vào. Tất cả đổ vào con đường đất đỏ để đến bến phà Tân Mỹ.
Ðại đội trưởng ra lệnh tôi đợi ở ngã ba để chỉ đường cho lính ở cả hai phía tới, còn ông ta nhập vào dòng người đi trước.
Tôi gặp So, trung úy Đại đội trưởng đại đội 2. So, Hồ, Sáng và tôi là bốn thằng cùng về tiểu đoàn một ngày. So cũng đứng lại đợi những con nhạn là đà, đứng với nhau cùng ngậm ngùi về chuyện thằng Sáng. Chừng nửa tiếng So cũng lại đi trước.
Khoảng gần 3 giờ sáng, khi dòng người thưa dần tôi mới đi. Ði chừng chưa đầy 20 phút, chúng tôi mất bóng những người đi trước vì bị đứt đoạn. Ðến một ngã ba tẽ ra như hình chữ Y, hai ngã đường đều lớn như nhau, tôi rất phân vân trong sự lựa chọn. Trong số người có mặt, tôi là thằng có cấp bậc cao nhất, tôi lại có máy truyền tin nên mọi người đều trông vào tôi. Tôi gọi máy cho Đại đội trưởng:
"Tôi gặp ngã ba hình chữ Y, 369 cho biết đi đường nào?”.
"Ði thẳng”.
Mẹ kiếp, vậy thì hỏi làm chó gì cho mất công, đường nào cũng là đường thẳng và đường nào cũng là đường rẽ.
"Ông cho tôi biết phải đi về hướng nào?”.
"Hướng nam, bộ ông không đang đi về hướng nam sao?”.
Tôi không muốn hỏi nữa. Ðường bên trái về hướng đông nam, đường bên phải về hướng tây nam. Tôi chọn đường bên trái vì chắc chắn đường này sẽ ra đến phá Tam Giang. Ði được chừng hai cây số, có một xe Jeep từ sau chạy tới. Tôi hỏi:
"Phải đi đường này không mấy anh?”.
"Ừ, gần tới phá rồi”.
Chắc ăn là mình đã đúng đường, cứ thế chúng tôi đi. Nhưng khoảng chừng 15 phút sau, chiếc xe Jeep lúc nãy đi ngược trở lại, không đợi hỏi, mấy người trên xe đã nói:
"Tụi tôi ra tới phá rồi, không gặp ai hết, quay lại đi”.
Chúng tôi nhìn nhau thở dài. Tôi liên lạc với Ðại đội trưởng:
"369 - 520”.
"Nói”.
"Tôi đi lạc rồi, bây giờ vòng lại thì xa quá, ông bắn cho tôi ba phát súng để tôi định hướng”.
Im lặng. Tôi gọi lại:
"369 - 520”.
"Nói”.
"Sao ông chưa bắn?”.
"Bắn rồi”.
"Tôi không nghe gì hết, ông bắn lại đi”.
Lại im lặng. Tôi lại gọi:
"369 - 520”.
"Nói đi”.
"Ông bắn chưa?”.
"Rồi, cha nội”.
"Vậy thì tôi đi lạc xa quá rồi!"
"Ông rán đi làm sao cho kịp thì đi”.
Giận quá tôi mỉa:
"Cám ơn 369”.
Chúng tôi kéo nhau đi ngược trở lại, đi theo tôi có đến bốn, năm chục người nhưng thầy trò tôi chỉ có ba. Thế là mất toi cả hơn tiếng đồng hồ, bù lại được cái là tăng thêm mệt nhọc và sự bực mình.
Về đến ngã ba chữ Y lúc nãy, đương nhiên lần này tôi không còn phân vân hay phải hỏi đường.
Càng đi đoàn người phía sau càng đông dần và dần dần qua mặt chúng tôi. Có rất nhiều xe đi qua, tôi chận được một xe Jeep không đến nỗi chật lắm, cả ba thầy trò tôi cùng lên được trên xe. Tôi nghĩ bụng, mệt quá rồi, thôi thì phó mặc cho tài xế. Ngủ.
Tôi ngủ ngon lành cho đến khi xe đến bến phà Tân Mỹ khoảng 6 giờ sáng. Người đã tập trung ở đây rất đông nhưng phương tiện qua sông lại không có một cái. Bao nhiêu ghe, gọ nằm hết ở bờ phá bên kia. Tôi chẳng rỗi hơi mà lo chuyện làm sao để qua phía bên kia phá, không phải là việc của tôi.
Trong thời gian nghỉ ngơi để chờ đợi, thiếu tá Thành cho tập họp các sĩ quan của tiểu đoàn lại để tự giới thiệu.
"Tôi là thiếu tá Thành, Ðinh Long Thành, Tiểu đoàn trưởng mới của các anh. Tàu đã đợi sẵn chúng ta ở bờ biển, các anh kiểm điểm lại quân số. Những mất mát về vũ khí, trang bị không thành vấn đề. Chúng ta sẽ được tái trang bị khi vào đến Ðà Nẵng”.
Kể cũng tức cười, sau khi chạy vắt giò lên cổ, chạy ướt nhẹp cả quần, Tiểu đoàn trưởng mới được giới thiệu với các sĩ quan trong tiểu đoàn. Quân số đại đội tôi thiếu gần chục mạng, tuy nhiên người vẫn tiếp tục đến. Trung đội 2 của Huy mập cũng đã có mặt, kể cả những người bị thương nhẹ; còn những người bị thương nặng tôi không biết họ ở đâu nhưng chắc là được yên ổn, an toàn.
Khoảng 11 giờ đại đội tôi vượt xong phá Tam Giang.
Nơi mới đến tôi chỉ biết duy nhất có một điều là bốn bề là nước, phía bắc là cửa Thuận An, phía nam là cửa Tư Hiền, phía tây là phá Tam Giang và phía đông là biển Ðông. Một cái túi được bọc kín chung quanh bằng nước, bề ngang đông tây rất hẹp.
Chúng tôi được chia vào nằm ở những căn nhà dọc hai bên con đường đất chính của làng ở ven phá để ăn uống, nghỉ ngơi.
Rải rác có thêm những người lính của đại đội tiếp tục đến, cho biết đã có những đụng độ giữa Việt Cộng với những người đi phía sau.
Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi được lệnh di chuyển ra bờ biển. Vừa lên hết đụn cát cạnh làng tôi đã thấy ngay một chiếc tàu thật lớn mang số HQ-801 thừa sức chứa cả lữ đoàn đã đợi sẵn ở gần bờ không biết từ bao giờ. Tôi nghĩ bụng chỉ còn lên tàu nữa là chấm dứt sự rút chạy, bọn Việt Cộng có tới nơi cũng sẽ chỉ được một phen chưng hửng. Nhưng lên tàu cũng còn có nghĩa là chấm dứt một cách nhục nhã và vô lý cuộc chiến đấu khủng khiếp mấy năm trời nay để giữ vùng Quảng Trị và Huế, và sẽ chẳng bao giờ còn trở lại cái nơi đã in đậm vào tôi những kỷ niệm vui buồn xấu tốt.
Sóng có vẻ cao ở sát bờ nên tàu phải đậu cách bờ có đến khoảng năm mươi mét. Những người dân chạy loạn và lính tráng của các đơn vị khác tan hàng đã đứng đầy ở bờ biển. Họ đã chạy theo chúng tôi từ Quảng Trị, Huế và các vùng phụ cận về đến đây.
Theo lệnh lữ đoàn, mỗi tiểu đoàn tập họp thành một khối đứng quay lưng ra biển. Ðại đội tôi mỗi trung đội đứng một hàng dọc cộng với một hàng dọc ngắn của ban chỉ huy đại đội.
Trong khi kiểm điểm quân số, tiểu đoàn bắt được một tên Việt Cộng trà trộn. Tên này cũng mặc quần áo Thủy Quân Lục Chiến, cũng đeo bảng tên màu đỏ của tiểu đoàn, bị phát giác vì một sự ngờ nghệch nhỏ. Mỗi bảng tên đều có con số của từng đại đội, tên Việt Cộng này mang bảng tên không có số tức là thuộc đại đội chỉ huy lại đứng vào khu vực của đại đội 2. Bắt được tên Việt Cộng trong hoàn cảnh này dù có nhân đạo đến đâu cũng không thể giữ làm tù binh, mà chỉ có một cách duy nhất là tặng chàng cái vé đi tàu suốt.
Buổi sáng kiểm điểm quân số ở bên kia phá, tôi chỉ nghe báo cáo của các trung đội, bây giờ đâm hoảng, tôi phải đích thân đi nhìn mặt từng người lính trong đại đội. Oái ăm thay ngay trong trung đội tôi - tôi làm trung đội trưởng trung đội 4 thay cho thiếu úy Sáng từ ngày Sáng qua đơn vị mới, vì tôi là Đại đội phó nên mọi sinh hoạt của trung đội đều do trung sĩ nhất Ba trung đội phó điều động. Tôi hoảng hồn vì trong trung đội tôi có mấy tên mang đúng bảng tên của đại đội nhưng mặt mũi lạ hoắc, có một tên còn dắt theo một cô gái đang lúng ta lúng túng, mặt mũi tái xanh tái mét. Tôi hỏi:
"Mày đại đội nào?”.
"Em đại đội 4”.
"Mày trung đội nào?”.
"Em trung đội 4”.
"Trung đội trưởng mày là ai?”.
"Là trung úy", - vừa nói người lính vừa chỉ tôi.
Trung sĩ nhất Ba đỡ lời:
"Nó là lính mình đó trung úy" - anh ta chỉ thêm mấy người lính nữa - "mấy đứa này cũng lính mình luôn trung úy. Tụi nó về đại đội hồi ông đang đi phép, ra tới đại đội ông đi Mỹ Chánh liền nên không biết tụi nó”.
Tôi hỏi tiếp:
"Cô gái này là gì của mày?”.
Cô gái hốt hoảng nói:
"Em là vợ anh ấy”.
"Phải không mày?”.
Tay lính ngập ngừng, tiếng dạ lí nhí trong miệng.
"Mày mới Sài Gòn ra mấy ngày, tại sao đã có vợ Huế?”.
Cô gái òa lên khóc, thú nhận:
"Em không phải là vợ anh này, em là người Huế, em học năm thứ hai Văn Khoa" - vừa nói cô gái vừa móc căn cước và thẻ sinh viên đưa cho tôi - "em không phải là Việt Cộng”.
Bất thần cô gái sụp xuống lạy tôi như tế sao:
"Trung úy cho em đi theo với, em không còn cách nào để đi được”.
"Mấy cô hoạt động chống chính phủ dữ lắm mà, sao không ở lại đón Việt Cộng, chạy theo tụi tôi làm gì. Hay cô được gài đi theo mấy thằng lính "mồ côi" này”.
Cô gái khóc rống lên một cách thảm thiết, tay vái tôi lia lịa:
"Gia đình em đi trước hết rồi, còn mình em ở lại để thu xếp nhà cửa rồi đi sau, đâu ngờ đã không kịp thu xếp gì hết lại còn bị kẹt như vầy”.
Tôi bảo trung sĩ nhất Ba:
"Anh coi kỹ giấy tờ rồi khám người cô ta xem có gì khả nghi không?”.
Tôi không phải là người dễ xúc động vì những giọt nước mắt đàn bà, tôi cũng không phải là một người cả tin nhưng xét cho cùng, người con gái trong hoàn cảnh loạn lạc này, một thân một mình nếu không bám vào chúng tôi thì còn biết bám vào ai, kể cả trường hợp nếu cô ta là người của Việt Cộng gài cũng chẳng có gì đáng ngại vì tôi đâu để cho cô ta đi lại thoải mái, còn nếu cô ta đích thực chỉ là một người dân cần chạy theo chúng tôi mà mình không giúp chẳng hóa ra mình tiếp tay cho Việt Cộng hay sao.
Năm 72, tôi đã chứng kiến cảnh những người dân Quảng Trị bị kẹt lại trong vùng của Việt Cộng, khi chúng tôi đánh chiếm lại vùng thôn Bích La, Triệu Phong, có những đoàn người đã vượt bao nhiêu nguy hiểm để tìm về với "bộ đội miềng", có đoàn lúc khởi đầu khoảng ba trăm người, sau ba bốn ngày đêm đi ngày trốn, đến khi gặp được chúng tôi chỉ còn chừng một trăm. Có đoàn khi đi khoảng một trăm, sau nhiều ngày trốn tránh đã không bị chết dọc đường, nửa đêm cuối cùng của đoạn đường vướng phải mìn tự động của một trung đội tiền đồn chết một số, tiếng rên của những người bị thương, tiếng la của những người hốt hoảng với âm điệu miền Trung đã lọt vào tai chúng tôi thành những tiếng "xung phong", thế là đạn chúng tôi bắn ra, lựu đạn chúng tôi ném ra lại giết thêm một số dân không tí kinh nghiệm gì về chiến trường, sáng ra nhận diện được nhau rồi, gom góp lại còn khoảng chưa tới năm mươi người, kể cả những người bị thương.
Có toán về gặp chúng tôi giữa ban ngày, có một người đàn ông mừng quá ôm chầm lấy một người lính vừa nhắc bổng lên vừa kêu "gặp lính miềng rồi, gặp lính miềng rồi, chết cũng sướng, chết cũng sướng", kêu xong ông ta nhảy ùm luôn xuống dòng sông Vĩnh Ðịnh, khi chúng tôi vớt lên được chỉ còn một cách là đắp cho ông ta một nấm mồ. Hương hồn ông chắc chắn là đã ở nơi miền cực lạc.
Những hình ảnh đó của quá khứ đã bắt buộc tôi phải cho cô gái Huế học Văn Khoa đi theo trong đại đội, nhưng dưới sự kiểm soát của hai người lính trong ban chỉ huy của đại đội. Khả năng và quyền hạn của tôi không thể giúp được cho tất cả những người dân đang chờ đợi, mong ngóng được lên tàu đứng đông nghẹt ngoài kia, nhưng giúp chỉ một cô gái thôi thì tôi có thể làm được.
Cả lữ đoàn tập họp đứng khơi khơi quay lưng ra biển từ hơn 12 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều trong khi chiếc HQ-801 vẫn dập dềnh chờ đợi. Không hiểu để làm gì và không hiểu tại sao. Ðiều này chỉ có Ó Lương tức Ðại bàng Lâm Thao biết, hoặc thêm một ít sĩ quan trong ban tham mưu của lữ đoàn biết, còn ngoài ra, chúng tôi, những thằng lính đang đứng tập họp trong hàng không thể nào biết. Có một số lính vô kỷ luật đã trốn khỏi hàng, lấy mấy chiếc ghe nằm trên bãi biển chèo ra tàu cùng với những người lính Bộ Binh và một ít dân chúng. Trong số này tôi thấy có cả trung sĩ Châu, hạ sĩ Nam lùn và mấy người lính của đại đội. Tôi nhìn những thuộc cấp đó hoàn toàn dửng dưng, chẳng còn buồn nghĩ là họ đúng hay họ sai nữa.
Người lính cuối cùng của đại đội vắng mặt khi tập họp đã tìm đến, binh nhất Tuấn. Tuấn bị bắn nát cánh tay trái, máu nhuộm đỏ cả tay áo, quần áo người ngợm ướt nhẹp, bê bết bùn, nhưng vẫn vác khẩu đại liên M-60 với còn chừng nửa dây đạn trên vai phải. Tuấn nói:
"Tụi nó đã kéo tới đầy hết bên kia phá rồi. Em bị tụi nó bắn theo khi mới ra khỏi bờ được một khúc. Lính mình bị kẹt bên kia vẫn còn nhiều, đang đụng”.
Chúng tôi được lệnh di chuyển khi y tá đang băng cánh tay cho Tuấn đại liên.
Ðừng tưởng bở, không phải chúng tôi di chuyển ra bờ biển để xuống tàu, và cũng không phải chúng tôi di chuyển ra bờ phá để lập tuyến phòng thủ, mà là di chuyển một hàng dọc dọc theo bờ biển đi về hướng nam. Nhưng cũng không phải là tiếp tục cuộc rút lui đến một điểm hẹn khác, mà lần lượt các tiểu đoàn, các đại đội nối đuôi nhau tà tà mà đi. Tôi xin nhấn mạnh là chúng tôi đi rất tà tà dọc theo bờ biển.
Trong khi đang tà tà dạo mát như vậy, một chiếc trực thăng từ phía biển bay vào, quần trên đầu chúng tôi rồi ném chừng một chục bao cát đựng gạo sấy và thịt hộp. Một sự hỗn loạn đã xảy ra để tranh giành mấy bao cát đựng lương thực ném xuống được gọi là tiếp tế đó. Có một bao rơi trúng đầu làm bất tỉnh một người lính. Khốn khổ cho những thằng lính chúng tôi, đói thì thực sự chưa đói, bao nhiêu thứ bỏ lại hết và sắp sửa đây còn bỏ lại ngay cả mạng sống của mình, vậy mà đi tranh nhau một ít lương thực "tiếp tế" kỳ cục đó.
Có tin đồn là chính tướng Lân ngồi trên chiếc trực thăng tiếp tế này với mục đích là để thị sát, nhân tiện ném xuống cho một ít lương thực. Tôi không tin điều này vì hai lý do, thứ nhất theo tôi nghĩ là tướng Lân không thể ra đây trong tình trạng này, và thứ nhì là nếu tướng Lân có trên trực thăng, chắc chắn người anh cả đã ra lệnh cho chúng tôi xuống tàu bằng mọi giá chứ không phải để chúng tôi cứ tà tà rước đèn như thế này.
Chỉ cần một tay binh nhất có nghĩa là chỉ cần có chừng một năm kinh nghiệm chiến trường, thằng dốt đặc về quân sự, thằng chưa được học một khóa tiểu đội trưởng nào, chứ đừng nói đến hạ sĩ Nam lùn, trung sĩ Châu, cũng đã hiểu là chúng tôi phải xuống tàu càng nhanh càng sớm càng tốt, vì càng dây dưa bao nhiêu là càng rút ngắn khoảng cách giữa chúng tôi với Việt Cộng bấy nhiêu. Ðại bàng Lâm Thao tức đại tá Lữ đoàn trưởng chắc chắn là biết điều này, vậy thì vì lý do gì chúng tôi đã không được xuống tàu.
Với đội hình một hàng dọc ngoằn ngoèo như con rắn ở dọc bờ biển, chúng tôi nhận lệnh ngồi xuống. Chiếc tàu đã ra xa bờ và "đợi" chúng tôi tận ngoài khơi. Dĩ nhiên nó không thể đậu mãi ở gần bờ để xem chúng tôi đi dạo mát, để xem chúng tôi nấn ná không có một hành động nào chứng tỏ chúng tôi muốn xuống tàu cả. Hai ông xếp lớn của chúng tôi, đại tá Lương Lữ đoàn trưởng và trung tá Tống lữ đoàn phó đứng thản nhiên nói chuyện, cười đùa thân mật với một ông xếp lớn nữa là trung tá Tòng (trong những bản in trước, vì trông gà hóa cuốc, tôi đã viết là đại tá Thiệt, biệt danh "Tử Thần", xin thành thật tạ lỗi với "Tử Thần") liên đoàn trưởng liên đoàn 14 Biệt Ðộng Quân. Không hiểu cả ba ông xếp lớn đang nghĩ gì trong những cái đầu của họ, đang thú vị gì trong những câu pha trò của họ, đang bàn bạc gì bằng những cái mồm của họ. Chỉ biết là cả ba đứng nói chuyện rất thoải mái và thỉnh thoảng cười ồ lên hình như vì một câu pha trò đầy ý nhị.
Trung tá Tòng là người của đơn vị khác và hơn nữa, ông ta là đơn vị trưởng của một đơn vị không còn quân, dĩ nhiên ông ta không có quyền hành gì cũng như trách nhiệm gì đối với chúng tôi. Ðối với tôi, ông ta không khác gì cô gái Huế học Văn Khoa đang bám víu vào chúng tôi. Trung tá Tống là lữ đoàn phó trong khi đang có mặt Lữ đoàn trưởng, ông cũng không thể có quyền hành hay trách nhiệm gì đối với chúng tôi. Nhưng còn đại tá Lương, người có cấp bậc cao nhất và quyền hạn lớn nhất ở đây, người có trách nhiệm về cuộc lui quân của chúng tôi, người mà chúng tôi phải gọi là đại bàng, ông đã có sẵn một diệu kế trong đầu chăng, ông đang muốn noi theo danh tướng thời xưa đang lập một trận Bối Thủy tân thời chăng.
Tôi rất hoang mang với cái trò dị hợm này, tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Chúng tôi đã bỏ Quảng Trị, bỏ Huế, chúng tôi đã bỏ bớt lương thực, đạn dược cùng tất cả mọi thứ trang bị cá nhân, đơn vị lủng củng khác để tẩu về đến đây, nhưng chúng tôi đã không được lệnh lên tàu khi hoàn cảnh còn có thể, để tẩu cho xong đoạn đường tẩu. Bây giờ chúng tôi tẩu đi đâu trong cái túi "lửa" bốn bề là nước này. Phương tiện độc nhất là chiếc tàu thì nó đã "ra khơi thấy lòng phơi phới" rồi, vì trong lòng nó đã trống rỗng, không có chúng tôi.
Ngập ngừng là chết, đã không thoái được thì phải tiến, nhưng lấy cái gì để mà tiến, và tiến đến đâu? Ðạn dược chúng tôi đã hết, lương thực chúng tôi cũng không còn, chúng tôi lại chỉ ở một bên mép của cù lao này, mà còn ngồi khơi khơi hóng mát chứ không chịu phòng thủ. Thoái đã không thoái mà tiến lại không chịu tiến, công đã không công mà thủ lại cũng không thủ. Có phải đây là một chiến thuật mới nhất đang được ghi vào quân sử?
Lính của những đơn vị Bộ Binh đã tan hàng và người dân Huế chậm chân đang chạy theo chúng tôi chắc chắc chắn là hoang mang hơn chúng tôi nhiều. Họ tụ tập ở nhiều chỗ nhìn chúng tôi, nơi bám víu sau cùng của họ đang ngồi nhìn trời ngắm biển, chúng tôi đang làm gì chúng tôi còn không biết thì người ngoài làm sao biết được.
Cứ ngồi như vậy cho đến gần 6 giờ chiều chúng tôi mới nhận lệnh tổ chức phòng thủ đêm. Ðại đội trưởng tôi ra lệnh:
"Ông dắt con cái vô trong kia kiếm chỗ đóng quân tạm. Ðợi tôi đi họp về rồi tính sau”.
Sẵn đại đội đang ngồi một hàng dọc dọc theo bờ biển, tôi cho quay phải thành một hàng ngang, cứ vậy mà đi vào phía trong.
Ðang di chuyển, mấy viên đạn xé gió bay ngang đầu chúng tôi, bắt nhịp cho dàn đại hòa tấu nhiều loại súng bắn xối xả vào chúng tôi từ phía những lùm dương trên đồi cát.
Cả lữ đoàn nhốn nháo, người ta dồn cục ùn ùn chạy lên phía bắc, rồi lại dồn cục ùn ùn chạy xuống phía nam, mấy chiếc M-113 chạy lẫn trong đám quân này bắn tứ tung loạn xà ngầu, không nhắm vào đâu hết.
Ðại đội tôi đã ở cách đám đông hỗn loạn đó cả trăm thước nên không bị cuốn theo phản ứng loạn xạ của họ.
Sẵn đội hình hàng ngang, tôi dẫn đại đội xung phong ngay tức khắc vào mấy lùm dương phát ra tiếng súng trên các đụn cát, vừa xung phong vừa reo hò tở mở. Kết quả rất hài lòng, khoảng chừng một trung đội Việt Cộng bị đẩy bật ra khỏi vị trí trước sức tấn công vũ bão "bằng mồm" của chúng tôi. Tấn công "bằng mồm" đừng nghĩ là chúng tôi nấp kín một chỗ bắn loạn lên trời rồi mồm la xung phong, cũng đừng hiểu tấn công "bằng mồm" có nghĩa là tấn công bằng đạn mã tử vừa tiến vừa la dưới sự kiểm soát của huấn luyện viên chiến thuật trong quân trường. Tấn công "bằng mồm" ở đây có nghĩa là chúng tôi xung phong tiến chiếm mục tiêu hẳn hoi, Việt Cộng bị đẩy bật ra khỏi vị trí nhưng không một tên nào chết hoặc bị thương, vì khi xung phong chúng tôi đã không bắn một viên đạn, mà chỉ có cái mồm ngoác ra mà la, mà reo hò.
Bố trí quân xong, tôi đi một vòng đại đội kiểm soát và được biết chính xác số đạn của từng người lính chỉ còn trên dưới mười viên. Chắc chắn là không thể nào giữ nổi một phòng tuyến tuy khá nhỏ so với quân số một đại đội nhưng lại quá lớn so với số đạn dược chúng tôi đang còn, tôi cho thu nhỏ phòng tuyến lại. Một người lính đã chết khi đại đội thu tuyến. Lần đầu tiên trong đơn vị, xác một đồng đội nằm rất gần mà chúng tôi chịu bó tay, không dám mạo hiểm lấy xác, lý do rất giản dị là chúng tôi không có đạn để bắn yểm trợ. Trí thư ký sống khôn chết thiêng thông cảm cho anh em.
Vì là đồi cát nên chúng tôi đào hầm hố, giao thông hào không mấy khó, mọi chuyện được hoàn tất thật nhanh chóng. Việt Cộng lại bám sát chúng tôi.
Ðại đội trưởng từ tiểu đoàn về cho biết phát súng đầu tiên Việt Cộng đã bắn chết đại úy Chiêu - Tô Thanh Chiêu - Đại đội trưởng đại đội 3 và phát súng tiếp ngay sau đó đã bắn trúng giữa trán thiếu tá Nam -Nguyễn Tri Nam- tiểu đoàn phó, trong lúc thiếu tá Nam đang chia tuyến phòng thủ cho các Đại đội trưởng.
Chiếc tàu đã ra xa, thật xa ngoài khơi, bờ biển đã vắng tanh vắng ngắt, Lữ đoàn đã bố trí thành một đường vòng cung bảo vệ một đoạn bờ biển, những người dân và những người lính mất hàng ngũ đã trốn nấp đâu đó. Mặt trời đã khuất, tất cả đều đã biến mất trong ánh sáng cuối ngày, chỉ còn lại là những tiếng súng, những lằn lửa đan ngang đan dọc trên đầu chúng tôi. Chúng tôi di chuyển thật hạn chế dưới giao thông hào được đào vội vã để chuyền cho nhau những viên đạn đi nhặt, đi mót được. Bóng tối xuống rất từ từ.
Một chàng trung úy Biệt Ðộng Quân còn đeo cả khẩu Colt 45 bên hông và cái xẻng sau lưng không biết từ đâu xuất hiện, bò đến chỗ tôi, giọng trầm:
"Trung úy cho tôi đi theo trong đại đội" - vừa nói anh chàng vừa vỗ vỗ vào túi quần - "tôi có hơn trăm ngàn, khi về đến Ðà Nẵng mình sẽ đi nhậu”.
"Một trò hối lộ bỉ ổi, tôi sẽ đồng ý cho anh đi theo trong đại đội nếu anh có súng và đạn chứ tôi không cần anh phải có tiền. Tôi nhấn mạnh là súng để đánh nhau chứ không phải là súng để làm cảnh như khẩu Colt này”.
"Trung úy để tôi đi kiếm”.
Anh ta bò ngược trở lại phía biển, khuất dần sau những mô cát phía sau lưng tôi.
Ðạn cối 61 ly của Việt Cộng nổ rất gần chúng tôi nhưng vì rơi trên cát nên chẳng hiệu quả gì bao nhiêu, và sự điều chỉnh không được chính xác vì Việt Cộng không nắm được vị trí chính xác của chúng tôi. Tuy nhiên những nháng lửa và những tiếng nổ cũng đủ làm cho thần kinh chúng tôi căng thẳng. Một vài quả lựu đạn được ném ra từ giao thông hào chỉ có giá trị níu kéo một chút tinh thần còn sót lại.
Tiếng khóc ư ử của cô gái Huế học Văn Khoa vang lên, thỉnh thoảng còn được cầm chịch bằng những lời kêu than, van vái. Ðàn bà quả thật là vô duyên trong lúc này, vậy mà còn phải nghe lời than khóc của cái món vô duyên ấy nữa. Trong trường hợp này và trong hoàn cảnh này, cô nàng quả chỉ đáng đem ra xử bắn. Tôi bảo tên cao bồi:
"Bưởi, mày tới hỏi con nhỏ bộ muốn chỉ điểm mục tiêu cho Việt Cộng hay sao mà khóc rùm trời vậy?”.
Bưởi bò đi một lúc rồi bò về vừa cười vừa nói:
"Con nhỏ vừa khóc vừa kêu cha mạ ơi, trời phật ơi, tay vái lia lịa mà đâu có thấy nó vái trời, chỉ thấy cái mông nó chổng lên trời thôi, còn tay nó vái đất. Còn nữa ông thầy, có thêm một cặp nằm ôm nhau trong tuyến mình”.
"Ngon há, sao mày không tống cổ tụi nó ra?”.
"Ðâu được ông, lính mình mà”.
"Lính mình hả, thằng nào vậy?”.
"Không phải đại đội mình, đại đội chỉ huy. Tụi nó đi theo trung úy Xuân”.
"Ủa, ông Xuân cũng nằm đây à? Ðể tao đi coi”.
Trung úy Xuân là Đại đội trưởng đại đội chỉ huy, nhưng chắc chắn một điều là đại đội chỉ huy không có mặt ở vị trí của đại đội tôi. Tại sao ông Xuân lại nằm đây?
Tôi bò dọc theo giao thông hào, nhiều đoạn chạy quanh phía sau ụ cát nên không phải bò. Ði một vòng để kiểm soát và khích lệ tinh thần lính tráng, tôi đến gặp trung úy Xuân:
"Tại sao ông lên nằm đây?”.
"Nằm với tụi mày chắc ăn hơn nằm dưới kia”.
Tôi không hiểu được ý của câu trả lời.
"Còn cặp nào nằm đây?”.
"Cao bồi tao, con vợ nó ở Sài Gòn ra bị kẹt lại”.
Tôi bò đi. Cô gái Huế học Văn Khoa đã cố nén tiếng khóc không cho bật ra ngoài, thỉnh thoảng chỉ còn nấc lên một tiếng. Tình cảnh này thật thương tâm, nhưng không ai giúp được gì cho cô ta trong lúc này, và cũng chẳng có ai rảnh để mà an ủi cô ta. Có mỗi một cô gái nằm gần bên thì cô này cũng quá sợ, ôm cứng lấy chồng.
Việt Cộng vẫn bắn đều, chúng tôi vẫn đáp lễ cầm chừng.
Ðại đội trưởng chuyển xuống cho một mũ sắt đạn M-79 và lựu đạn. Chính tôi đi kiểm soát để bổ sung cho lính.
Việt Cộng mở đợt tấn công đầu tiên. Với lối đánh quen thuộc, chúng tôi đã đẩy lui đợt tấn công mở màn, thăm dò của địch nhanh chóng và nhẹ nhàng, chúng tôi không có một tổn thất nào. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là chúng tôi sẽ phải chống đỡ bao nhiêu đợt tấn công trong đêm, và đến đợt tấn công thứ mấy thì chúng tôi hết nhẵn đạn.
Có lệnh mở đường máu đi về phía cửa Tư Hiền. Vô ích phải không đại tá Lữ đoàn trưởng? Phải mở bao nhiêu lâu và con đường máu phải kéo dài bao xa, và phải cần đến bao nhiêu máu mới mở được con đường đến cửa Tư Hiền, và còn nữa, phải tốn bao nhiêu xác người mới đủ để tạo thành cái cầu bắc qua cửa biển. Và chắc chắn một điều là chúng tôi sẽ không đủ đạn để mở nổi con đường máu đó. Tại sao không mở rộng khu vực phòng thủ để bảo đảm an toàn cho tàu vào tiếp tế đạn dược, lương thực tạo điều kiện thuận tiện và an toàn hơn cho một bãi bốc để di chuyển từng đơn vị nhỏ ra biển. Nếu chơi trò này tối thiểu chúng tôi cũng phải rút được hai tiểu đoàn. Lệnh mở đường máu về cửa Tư Hiền là một cái lệnh vô lý, thậm vô lý, vô ích, thậm vô ích, chỉ là sự dẫy dụa của một con cá đang nằm trong lưới.
Trời ơi chúng tôi có còn phải là Thủy Quân Lục Chiến nữa hay không, chúng tôi có còn phải là những thằng lính thiện chiến "quân thù phải khiếp oai danh" nữa không, hay chúng tôi đã trở thành những cái xác vô tri vô giác được chỉ huy một cách vô lý. Chúng tôi là những thằng lính không bao giờ sợ chết, chúng tôi là những thằng luôn luôn tuân lệnh một cách tuyệt đối, nhưng bây giờ có nên tuân theo cái lệnh này hay không. Ðã không cho chúng tôi xuống tàu trong khi còn có thể yên ổn mà xuống chỉ vì vài ba ngọn sóng nhỏ vỗ bờ, đã không cho chúng tôi lập tuyến phòng thủ khi còn có quyền chọn lựa địa thế. Chúng tôi bị đặt vào một thế chiến đấu cực kỳ bất lợi, với một địa thế thật tênh hênh mà lại nằm gọn trong một cái túi bít kín, chúng tôi không còn lương thực, chúng tôi không còn đạn dược, và cũng không còn sức lực, tinh thần chúng tôi đã xuống đến mức thấp nhất, bây giờ bắt chúng tôi mở đường máu chỉ có nghĩa là bắt chúng tôi chọn lấy cái chết nhọc nhằn và vất vả hơn là để chúng tôi nằm yên ở đây đánh nhau để mà chết.
Còn nỗi bi thảm nào hơn tình thế chúng tôi trong lúc này. Có những người tìm cái sống trong cái chết, ít ra họ, họ còn cái hy vọng tìm thấy cái sống mặc dù rất nhỏ nhoi, hy vọng nhỏ đến đâu cũng vẫn là hy vọng, một mảnh ván mục giữa biển cũng là hy vọng. Còn chúng tôi, miếng ván mục cũng không trông thấy, chúng tôi không thất vọng, chúng tôi không tuyệt vọng mà chúng tôi vô vọng. Chúng tôi, những thằng thanh niên khỏe mạnh, yêu đời, rất ham sống đang ngồi mơ được dậm chân tại chỗ này, đánh nhau để rồi chết tại đây cho đỡ mệt, chứ không muốn mở đường máu để chết dần chết mòn dọc đường, cuối cùng đến được một chỗ cũng để chết. Cái chết kiểu này quả tình không hứng thú tí nào hết.
Nghĩ đến chuyện phải mở đường máu, phải di chuyển cho mệt rồi cuối cùng cũng chết, nhưng đã có lệnh chuẩn bị tức là sẽ đến lúc thi hành, quả là ngao ngán. Tôi không muốn thi hành cái lệnh này, nhưng tôi lại không thể không thi hành lệnh. Vậy thì cách giải quyết tốt nhất để không phải thi hành lệnh là chết trước, chết ngay tại đây trong lúc này. Tôi không muốn mệt nhọc hơn nữa để kéo dài cái sống thêm được vài tiếng đồng hồ. Tôi đi một vòng dọc theo tuyến của đại đội để kiểm soát lính tráng, lần này tôi đi theo đúng nghĩa của tiếng đi, thẳng lưng mà đi. Cứ thẳng lưng như vậy tôi đi trong ánh sáng chập chờn của những trái hỏa châu chiếu đến, kéo dài những bóng đen rung rinh của những lùm dương, mờ dần rồi đen thui, trời lại sáng lên, bóng đen của những lùm dương lại rõ nét, ngắn hơn, lại kéo dài ra mờ dần. Ðột nhiên tôi bị hất ngã và không biết gì nữa.


C.X.H.

(Hết: Phần III , đón xem Phần IV)