Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Bàn về hai chữ “Thiên thư” (天 書) trong bài Nam quốc sơn hà (南 國 山 河)

Lê Văn Quán

Nam quốc sơn hà là bài TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP đầu tiên của nước ta. Nội dung của TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP chủ yếu đề cập đến quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và các dân tộc. Đồng thời, bài Nam quốc sơn hà ra đời cũng là thể hiện hùng khí và sự lớn mạnh của dân tộc ta. Thế mà, hai chữ “thiên thư 天 書” ở trong câu thơ:

“Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
截 然 定 分 在 天 書

(Rành rành định phận ở sách trời) (1, tr.181), lại lí giải không ổn. Có ý kiến cho là tác giả bài thơ(*) đã dựa vào tư tưởng “thiên mệnh” (= mệnh trời), trời quyết định mọi sự việc ở đời. Gần đây, trong bài Việt Nho qua một số tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, PGS. Bùi Duy Tân đã viết: “Trời ở đây ẩn trên thiên thư… Cả mớ lý luận về Trời, Khổng Nho thường hay dùng danh ngữ Thiên mệnh, được người Việt tiếp biến theo quan niệm “thực dụng”,… (2,tr.318).

Thực tế, tác giả bài thơ không suy tư như thế, tức là người dân Việt cũng không tiếp thu một cách thần bí như vậy. ở đây, trong câu thơ này, tác giả dùng hai chữ “thiên thư 天 書” (= sách trời) là có cơ sở pháp lý vững chắc, chứ không phải dựa vào “thiên mệnh” (= mệnh trời). Tác giả nắm rất vững văn hóa truyền thống Trung Hoa về “phân dã 分 野”, tức là cách phân chia bờ cõi đất nước. Sách “ Sử ký, Thiên quan thư 史 記 天 官 書” viết “天 則 有 列 宿 , 地 則 有 州 域 – Thiên tắc hữu liệt tú, địa tắc hữu châu vực” (Trời thì có các vì sao, đất thì có châu vực). Như vậy, chúng ta có thể thấy người xưa coi (xem) các ngôi sao trên trời có liên hệ với châu vực ở dưới đất. ở thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, người ta căn cứ vào Châu vực ở dưới đất để phân vạch sao trên trời, phân biệt các ngôi sao ở trên trời phối với châu, quốc ở dưới đất, khiến chúng đối ứng với nhau, mỗi ngôi sao là thuộc “phân dã” (= phân chia bờ cõi) của mỗi nước. Cách phân vạch bờ cõi của các sao, nói chung phân phối theo các nước như sau: (3,tr.789 – 790).

clip_image001

Ngay ở Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu cũng chép: “Người ngày xưa chia vạch bờ cõi, theo đúng như các vì sao, nên gọi là phân dã 分 野 (4, tr.632).

Do đó, “thiên thư” (= sách trời) mà tác giả nói đến là liên quan đến phân dã (分 野), đến các ngôi sao trên trời. Đấy là một hiện thực khách quan, mỗi một vì sao trên trời thuộc phân vạch bờ cõi của mỗi nước, điều đó sử sách còn ghi chép rành rành. Tác giả vận dụng “thiên thư” (= sách trời) là đề xuất đến phép tắc vĩnh hằng, phổ biến, khách quan, tính hợp lý đã sản sinh ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa tư tưởng truyền thống Trung Hoa. Chắc hẳn bọn vua quan nhà Tống biết rõ điều đó. Cái điều trong Sử ký, Thiên Quan thư 史 記,天 官 書…” đã đề cập đến và trong các sách kinh điển Nho gia Trung Hoa luôn luôn nhắc: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Nếu vua quan nhà Tống không hiểu được cái phép tắc đó, cái quan hệ bang giao giữa hai nước, mà lại:

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm”
(Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm)

thì:

“Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

Bài thơ viết rất biện chứng, rất lôgíc, tư tưởng duy vật chất phác thể hiện khá rõ, tác giả đã lấy sử sách, sự thực làm chứng cớ để chứng minh đất nước Nam là của vua Nam, là chủ quyền của dân tộc Việt Nam, là nước có chủ quyền, không ai có quyền xâm phạm. Theo lối suy nghĩ và cách nói nôm na của dân ta là, nhà ta ta ở, kẻ nào xâm phạm đến, ta sẽ đập tan xác. Theo văn hóa truyền thống Trung Hoa, ấy là lẽ tất yếu, lẽ đương nhiên, thế mà, bọn vua quan phong kiến phương Bắc vẫn ôm hy vọng, tính kế đánh chiếm nước ta. Nhưng PGS. Bùi Duy Tân lại nói: “Nước Nam là của vua / người Nam, đó là ý trời, … kẻ nào xâm lược nước Nam là trái nghịch ý trời là chống lại xu thế phát triển của lịch sử sẽ bại vong”. (2.tr.319).

Bài thơ Nam quốc sơn hà mang ý nghĩa tuyên ngôn độc lập. Nội dung của tuyên ngôn độc lập chủ yếu là đề cập đến quyền bình đẳng, quyền sống của con người, …: Thế mà, hai chữ “thiên thư” này lại được hiểu theo quan điểm “thiên mệnh” thì làm sao thực hiện được quyền bình đẳng, quyền sống của con người… Bọn vua quan phong kiến phương Bắc duy trì, bảo vệ thuyết “thiên mệnh”, “thần quyền” là để vĩnh hằng thống trị dân chúng (lão bách tính), trấn áp các nước chư hầu, di địch. Cho nên cái thuyết “thiên mệnh” này vừa ra đời, thì đã bị các nhà triết học Trung Hoa thời bấy giờ như Dương Hùng, Hoàn Đàm, Vương Sung, Vương Phù, Tuân Diệt, Trọng Trường Thống… phê phán là cái mê tín của thần học và cái hoang đường của sấm vĩ. Đặc biệt, ở cuối thời Đông Hán, Trọng Trường Thống phủ nhận “Quân quyền thần thụ” (Quyền của vua do trời trao cho) (仲 長 統 否 認 君 權 神 授) (6, tr.10).

PGS. Bùi Duy Tân tâm đắc viết tiếp: “Nhân sĩ thời Ngô, Đinh, Lê, Lý lấy trời hộ mệnh cho ý thức tự chủ của người thiêng hóa độc lập, chủ quyền, sát hợp với tâm thức người đời, lời thơ như mang sứ mạng của đất trời, ngân vang của thần thánh, xứng đáng là bước thăng hoa của tư tưởng Việt Nho” (2. tr.3119). Câu nói này nghe ra rất trúng tâm lý của những con người xưa nay tin tưởng ở “thiên mệnh” (mệnh trời). Tuy vậy thực tế là đánh giá quá thấp các nhân sĩ của nước Việt xưa, trong khi bài thơ Nam quốc sơn hà vốn đã trả lời rõ điều này. Tác giả viết bài thơ là một nhà Nho không hề có tư tưởng đó. Qua nội dung bài thơ chúng ta thấy ý câu thơ trên và dưới gắn kết với nhau rất chặt chẽ, rất lôgíc: Đất nước Nam là của vua Nam, của người Nam, sự thực khách quan đã ghi ở sách trời bằng “phân dã 分 野”, phân chia bờ cõi đất nước rõ rành rành. Bọn giặc vô cớ đến xâm phạm, ta sẽ đánh tan tành. Lời thơ vang vọng núi sông ở thế hiên ngang, niềm tự cường dân tộc, lòng tin tưởng vững chắc ở sức mạnh của dân tộc mình sẽ đập tan bất cứ lũ giặc nào đến xâm phạm bờ cõi đất nước ta. Tư tưởng Việt Nho đâu phải nhờ trời, nhờ thiên mệnh, thần thánh mà thăng hoa. Hơn nữa, căn cứ vào tiến trình lịch sử Việt Nam, đạo Nho tuy đã xâm nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, nhưng ở thời Đinh, Tiền Lê vẫn chưa tạo được ảnh hưởng đáng kể, nổi trội trong đời sống tâm linh người Việt vẫn là những tín ngưỡng dân gian hòa trộn với những tôn giáo có nguồn gốc từ nền văn minh Nam á, như Phật giáo. Triều đình Đinh – Tiền Lê vẫn suy tôn Phật giáo làm quốc giáo. Đến thời Lý, các nhà Nho như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành giữ chức Thái úy có vai trò như Tể tướng lại càng không có tư tưởng sùng bái đạo Nho về “thiên mệnh”. Vì chính quyền nhà nước thời Lý là một chính quyền sùng Phật và thân dân. Nhiều nhà vua và quý tộc đã theo đạo Phật, đề cao tư tưởng từ bi, bác ái (7, tr.71; 1, tr.127).

Đến đây chúng ta có thể khẳng định, ở thời Đinh, Tiền Lê, đầu Lý, Nho học chưa phát triển, Nho giáo chưa thể lấn át được Phật giáo.

Hai chữ “thiên thư 天 書” (= sách trời), không nên hiểu theo quan điểm “thiên mệnh” (mệnh trời) của Nho giáo. Vì ở thời Tần Hán, Nho gia Đổng Trọng Thư đưa ra quan điểm duy tâm, “trời” trở thành thượng đế có quyền lực tối cao, mọi người đều do thượng đế sáng tạo ra. Trời đặt ra cho xã hội loài người một vị vua có quyền lực tối cao để “thay trời hành đạo”. Quan điểm duy tâm ấy phù hợp với yêu cầu của giai cấp thống trị phong kiến, cho nên nó được bảo tồn, lưu truyền trong xã hội phong kiến, đến ngày nay không thể tồn tại được nữa.

Bài thơ Nam quốc sơn hà, ngắn gọn, lưu truyền sống mãi trong tâm hồn các thế hệ mai sau niềm tự hào về nền độc lập, về chủ quyền dân tộc… của nước Nam ta, chính là do ông cha ta đã xây dựng nên.

L.V.Q

CHÚ THÍCH:

(*) Hiện nay tên tác giả của bài thơ, các nhà nghiên cứu của ta còn chưa nhất trí, cho nên ở đây tôi gọi theo danh từ chung là tác giả.

(1) Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971.

(2) Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) – Viện Harvard Yanching (Hoa Kỳ), “Hội thảo quốc tế về Nho giáo ở Việt Nam”, H. 2004.

(3) Cổ Đại Hán ngữ, Vương Lực chủ biên, tập 3, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1962.

(4) Thiều Chửu: Từ điển Hán Việt, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H. 1999.

(5) Phùng Hữu Lan: Đại cương triết học sử Trung Quốc, Nguyễn Văn Dương dịch, Nxb. Thanh niên, 1999.

(6) Trung Quốc triết học sử thông lãm, Nhiệm Kế Dũ, Trương Đại Niên… Trung tâm Đông phương xuất bản, 1996.

(7) Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 2003.

Nguồn: http://nghiencuulichsu.com/2015/04/03/bban-ve-hai-chu-thien-thu-%E5%A4%A9-%E6%9B%B8-trong-bai-nam-quoc-son-ha-%E5%8D%97-%E5%9C%8B-%E5%B1%B1-%E6%B2%B3/