Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

30/4 Berlin – Hà Nội

Lê Minh Hà

Anh cảnh sát cao to hai tay giơ thẳng lên trời, tươi cười cúi xuống bảo, “đấy, tôi mang giáp đến tận chỗ ấy đấy”. Chỗ ấy, nửa đùi trên của anh ta. Nhóm cảnh sát đồng đội của anh chàng đang được tôi khám xét cười ầm lên. Ngón tay tôi cảm nhận rõ ràng độ cứng của lớp quân dụng đặc biệt dành cho cảnh sát đặc nhiệm. Cả người anh ta là một khối cứng ngắc, áo giáp chống đạn trước ngực, sau lưng, giáp bảo vệ xương đùi, đầu gối, cổ chân. Mũ to như cái chõ đồ xôi đại tướng thì thể theo yêu cầu anh tháo ra cho tôi sờ. Cũng cứng hệt như mũ sắt cha tôi đội ở trận địa cao xạ phòng không bố trí trên nóc nhà cơ quan, thời Mỹ tuyên bố cho Hà Nội trở về thời đồ đá. Bên kia đường là hàng phượng vĩ yêu kiều, là văn phòng quốc hội, là đại sứ quán Anh, với cổng sắt, kiến trúc thuộc địa đẹp đẽ, thâm trầm, sang trọng. Khi đó, cả Việt Nam tự hào và thế giới này sửng sốt vì bức ảnh “o du kích nhỏ giương cao súng - thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu...” Khi đó, làm sao tôi có thể hình dung ngày tôi, 1, 58 mét có thể khám xét một cảnh sát đặc nhiệm Đức cao có lẽ phải gần 2 mét trong một không khí đặc biệt như thế này. 30 tháng 4, với tôi, ba mươi mốt năm sau, lại thêm một ý nghĩa mới.

30. 4, với đông đảo người Việt trẻ trong nước có lẽ chỉ đơn thuần là một ngày nghỉ thú vị, bắc từ ngày giỗ tổ Hùng Vương (mới được nhà nước thông qua là ngày lễ) qua 1. 5. Có thể tính trước một chuyến đi xa cùng gia đình, bè bạn. Với đông đảo người Việt già ở hải ngoại, đấy là ngày “quốc hận”, ngày “đen” của “tháng tư đen”, ngày “mất nước”. Thời gian mới nghiệt ngã và vô tâm làm sao, khi khắc dấu mất mát đau đớn vào lòng người này đồng thời gột xóa kí ức ở người kia. Phải chăng, bi kịch của dân tộc mình chính là ở đó, ở chỗ không thể nào chia sẻ một quá khứ lịch sử với nhau trong cảm thông và hòa giải, chứ không phải là trong thống hận hoặc tự hào vị

kỉ.

30 tháng 4, 1975, với tôi vĩnh viễn là một buổi chiều đầu hạ nồng nàn gió, vĩnh viễn là cơn khó thở vì mùi bếp dầu tỏa ra sặc sụa hành lang khu tập thể, vĩnh viễn là sự tức bực của các bà mẹ trước sự mọi ông chồng cứ năm giờ chiều là biến hết, tụ về tầng dưới, trong căn phòng của một ông có cái đài khọt khẹt nhưng nghe được BBC. Lần đầu tiên tôi thấy có chuyện rủ nhau đi nghe BBC phần hở nhiều hơn phần kín thế này. Và, đột ngột, từ cái loa cục gạch chỉ nghe được duy nhất chương trình phát thanh theo giờ của đài Hà Nội, vang vọng một giai điệu chưa ai từng biết: … “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…” Dù đã rất quen với tít giật toàn tin chiến thắng trên báo chí, với bảng tin về cuộc tấn công chiều tối nào cũng thu hút bao nhiêu người tụ lại trước câu lạc bộ Thống Nhất – nhà Khai Trí Tiến Đức xưa - không ai trong đám đàn bà con trẻ quây quanh vòi nước công cộng lúc bấy giờ có được niềm tiên cảm về điều trọng đại BBC vừa phát, làm chấn động những người đàn ông của họ. Những người đàn ông Việt, những con người khốn khổ một thời, dù ở nơi đâu trên dải đất hình chữ S cũng không thể thoát cái gọi là nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ xương máu.

Thanh niên như sóng tràn về khu vực tôi vừa đi ra. Mauerpark, “vườn tường”, di tích nóng hổi về khoảnh khắc lịch sử nước Đức đã trải mười bảy năm về trước. Hệ thống đèn pha sáng rực soi suốt chiều dài của phần bức tường Berlin còn sót lại trên cao. Dưới, bãi cỏ mênh mông. Tít xa, hoàng hôn hùng tráng một màu mây hấp hối, sắc tím lịm pha viền sáng xà cừ. Ở ngay cửa vào, người xếp hàng trước một dãy WC di động. Đằng sau đó, một dãy đàn ông bắc vòi. 30. 4. Không ai nỡ trách ai vì niềm tâm sự không thể nào chịu nổi vì buồn đái.

Nhạc. To thế mà vẫn loãng ra vì gió lạnh. Nhiều nhóm nhạc tài tử tụ tập rải rác khắp bãi. Trai gái ôm nhau, nhường nhau áo ấm. Xe cảnh sát, xe cứu hỏa, xe cấp cứu rải suốt phố, từ ga tàu tới tận đây. Còn trong bãi cỏ, từng nhóm cảnh sát đặc nhiệm quây tụ với nhau, đầy vẻ thanh thản. Một cô cảnh sát vô thức nhún chân theo nhịp nhạc. Một chàng cảnh sát trẻ măng nói nốt lời dịu dàng trước khi tắt điện thoại di động. Đằng sau chúng tôi, giọng cô cảnh sát nọ vang lên: “Immer mit Camera.” “Luôn luôn với camera”. Khốn khổ cho chúng tôi, con dân của một dân tộc có tới hơn 80 triệu trấn trên trái đất này mà bao giờ cũng bị nhầm thành người Nhật. Bao giờ người ta nhìn người Việt mình mà biết ngay là người Việt nhỉ, không với camera, mà với gì cũng được, một đôi đũa tre, một bầu rượu… gì cũng được. Nhưng nghĩ kĩ, quả người Việt mình khó có cái gì để thiên hạ/ thế giới này nhận diện được mình đích thực là mình.

Chúng tôi dừng chân trước một nhóm người trẻ đầy vẻ bụi bặm. Tóc phạt một mất một còn, hoặc cạo trọc nhuộm hồng hay xanh lá cây. Khuyên với nhẫn treo móc khắp nơi trên mặt. Nhưng mắt họ nhìn đầy thân thiện. Trước mặt họ là một xô cắm hoa tươi. Cùng một tấm biển: “Umarmen umsonst”. Lời mời ôm nhau tuyệt vời. Umsonst, chả mất gì, chả thiệt gì. Ôm thoải mái. Cái được hoành tráng biết bao nhiêu: tình yêu thương, như là phản chiếu sâu xa nhất, đắng đót nhất, của hòa bình.

Không khí bắt đầu nóng dần lên cùng với lượng người đổ về. Chúng tôi đi ngược chiều với họ. Ở khoảng phố lúc nãy cảnh sát còn ngồi gác chân trong cabin xe, nay đã đặt barie. Một chàng cảnh sát đứng trước một cái bàn chất đầy cốc vại bằng plastik. Ai muốn đi vào đều xin mời tự rót bia ra cốc và bỏ lại chai. Mọi thứ đồ uống đóng hộp đều bị cấm. Cách barie một quãng, chủ một quán ăn nhỏ phát huy sáng kiến, cho khuân nguyên một bồn tắm ra đặt giữa hè phố, đổ đầy nước lạnh để ngâm bia phục vụ khách hàng. Ngoài ga, lúc nãy tôi có thấy một nhóm thanh niên trông hết sức nghệ sĩ đang loay hoay rót votka từ chai thủy tinh sang chai nước nhỏ bằng plastik. Thấy tôi nhìn, họ cười vui vẻ, hét “đêm nay là 30 tháng 4”. Nhưng cái trò này của cậu chàng khôn lỏi chắc khó qua được con mắt sành sỏi của cảnh sát đặc nhiệm.

30. 4, với chúng ta, dù mừng vui hay đau đớn, thì đó cuối cùng vẫn là một kết thúc. Mà nghĩ cho cùng, có nỗi mừng vui nào trong kiếp người Việt ở cái thời hiện đại này trọn vẹn là mừng vui không nhỉ? Khi nỗi mừng này lại hàm chứa nỗi đau kia, ràng rịt lấy nhau, dù thù hận thế nào cũng vẫn cứ bị trói vào với nhau trong một phần số lịch sử chung. Nỗi đau chuyển dịch theo chiều dài của đất nước, chuyển hóa vào trong bi kịch của mỗi một gia đình. Tôi nhớ gia đình bạn tôi, ông bố dân Nam tập kết, bác sĩ quân y, phụ trách thư viện đại học quân y ngày đó, đã ngồi khòm lưng cả buổi sau lần về miền Nam thăm nhà, sau 30. 4. Có thể nào trách giận những cô em gái của ông được không, khi họ mừng rỡ gặp lại người anh để rồi anh em sau câu chuyện hàn huyên tưởng chừng không thể nào nhìn nổi mặt nhau. Văn chương, như thuốc bỏng, liệu có thể xoa lên niềm đau ấy? Người em trai của ông, nhà thơ Viễn Phương, từng rất nổi tiếng với bài thơ “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác… Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng - Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ - Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ”…, cũng là tác giả của một bài thơ tiêu biểu cho văn học giải phóng một thời, mà trong đó, có một câu tôi nhớ mãi. “Từ yêu nhau chỉ gặp mặt dưới sao trời”. Bài thơ kể về mối tình của một người con gái, với người cán bộ cộng sản hoạt động bí mật. Câu thơ mang trong nó không khí của một thời đại, đặc dị, như câu thơ tình được viết trên miền Bắc Xã hội chủ nghĩa cùng thời “anh ôm em, ôm cả khẩu súng trường trên vai em.” (Chia tay trong đêm Hà Nội - Nguyễn Đình Thi.) Trong cái ôm lỉnh kỉnh kia, trong đôi mắt đau đáu nhìn nhau xuyên bóng tối kia có cái lãng mạn đặc biệt của một thế hệ tiên phong ở một phía chiến tuyến một thời, không dễ gì tìm được đồng điệu trong lòng rất nhiều người con gái miền Nam mê đắm. Bạn tôi kể, loay hoay thế nào sau này mấy bà cô ghét cộng sản của nó đều cưới mấy ông lính cộng sản đồng đội của hai ông anh trai mình hết. Bi kịch của cả dân tộc đã chuyển hóa thành bi kịch của từng gia đình, và được hóa giải cũng trong những quan hệ gia đình, dần theo năm tháng. Muôn năm những vòng ôm chân thành, giản dị, như sóng, dội về phía vô bờ: Tình yêu.

30 tháng 4, với dân Berlin có nghĩa là ngày mai 1. 5. Ngày của người lao động. Tháng trước, ở phố Rigaer thuộc quận Friedrichshain, các nhóm cực tả đã làm một pha diễn tập chuẩn bị trước cho cuộc tuần hành 1. 5, bằng màn chờ cảnh sát rút quân thì đốt xe, ném chai, hò hét. Hậu quả là cơ quan cảnh sát tốn bao nhiêu giấy má và nước bọt phân tích tình hình và quy trách nhiệm. Ước tính sẽ có tới 1.000.000 người tham gia tuần hành vào 1. 5 và đêm trước của ngày này những người bất bình với các chính sách của chính phủ sẽ làm các cuộc tổng duyệt trước cho cuộc tuần hành sáng hôm sau. Bộ nội vụ Berlin, cơ quan cảnh sát Berlin đã điều 5000 nhân viên công lực giữ gìn trật tự cho thành phố trên cơ sở phỏng đoán sẽ có đụng độ giữa những người chống đối nhau và giữa những người chống đối với người thừa hành công vụ. Dưới ảnh hưởng của lí tưởng xã hội và dưới ảnh hưởng của bia rượu. Tôi đã bao nhiêu lần kinh ngạc vì hiệu qủa làm việc của cảnh sát nơi này. Ở thành phố nhỏ nơi tôi từng sống, gần như không bao giờ thấy cảnh sát ngoài đường. Berlin thì dễ gặp họ hơn. Và cái chính là khi cần tới họ thì họ có mặt sao mà nhanh thế, theo đúng nghĩa vì dân, hết mình vì luật pháp, thân thiện. Có thế thì tôi mới có thể xin được khám người đồng chí Polizist đó chứ. Một ấn tượng đặc biệt, cực kì trong ngày và đêm đặc biệt này với tôi: 30 tháng 4.

30 tháng tư, ba mươi mốt năm về trước với tôi vĩnh viễn là khoảng phố ấy. Thành phố mất điện, như vẫn từng. Người và người dồn hết về Bờ Hồ, lầm lì chuyển dịch. Bóng tối phồng căng niềm im lặng. Ai nói lầm thầm như mơ. “Hết đánh nhau rồi”. Gió chuyển huyền bí trên những tàng cây ôm choàng bóng tối. Đột ngột, bay trên bóng tối, bay trên sóng người là những âm giai náo nức “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”… “Việt Nam trên đường chúng ta đi”… Âm thanh náo nức làm cho im lặng trở thành căng thẳng. Cách nhận cảm chiến thắng lặng lẽ của con người đêm kết thúc chiến tranh cố kết vĩnh viễn trong tôi một điều gì như nỗi bàng hoàng. Nỗi ấy, tôi đã từng trải một lần rồi, khi tuổi bé, đứng giữa chợ hoa tết. 1973. Trước đó là 1972, là 12 ngày đêm B52, là Khâm Thiên trống trải sau cơn địa chấn vì bom rải thảm, là giáng sinh bom dội nhà thờ Hàng Bột, là cảnh nhà đứa học trò tôi sau này, cả gia đình cũ của người cha chết ở Khâm Thiên trong lúc người cha ở chiến trường. Tết, chợ hoa Hàng Lược, người bán người mua bình thản và lặng lẽ. Những vòng khăn trên đầu người một màu trắng dại. Khác hoa, muôn màu. 30 tháng tư 1975, vang vang trong bóng tối của thành phố những âm giai nao nức. Việt Nam… Việt Nam… Chỉ ít hôm nữa thôi, những âm giai chiến thắng sẽ càng rộn rã. “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”… lảnh lót tiếng hát Thanh Hoa. Ái Vân phơi phới “Ơi Nha Trang mùa thu lại về trong nụ cười và trong tiếng hát say mê - Cờ đỏ tung bay…”; “Ta về đây hôm nay trên quảng trường Ba Đình, cùng dâng lên Bác kính yêu biết bao ân tình…”. Tiến Thành cùng tốp ca nữ phấn chấn “Trời Tây Nguyên xanh hồ trong nước xanh Trường Sơn xa xanh ngút ngàn cây xanh…” Nhưng trong nhiều trường đại học, các cô sinh viên tỉnh lẻ rũ rĩ bên cây ghita tình tang một bài hát buồn mà họ không biết xuất xứ “Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời…Rồi còn đây những kỉ niệm êm sống trong tôi . Những nụ cười héo hắt trên môi - Những giọt lệ ôi sầu đắng…” Không ai biết, đêm ấy, và những đêm náo nức sau này, rằng chẳng bao lâu nữa đâu, lại những cuộc chiến ở hai đầu đất nước. Và giai điệu thích hợp cho đời sống đó sẽ là “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, sẽ là “Chiều biên giới em ơi”,“Chẳng kẻ thù nào ngăn được bước ta đi.” Sao đất nước mình tội thế, có bao nhiêu nước anh em mà nhìn quanh đâu cũng kẻ thù, và vĩnh viễn bị trói trong khao khát chiến thắng. Sao một câu thơ như thế này không đủ sức dội khắp hai miền: “Nước chúng ta - Nước những người chưa bao giờ khuất – Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - những buổi ngày xưa vọng nói về…” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi) Trong tiếng ngày xưa đó, có bao điều chúng ta chưa học được ngoài một niềm tự hào, bao giờ cũng là vì lịch sử oai hùng. Nhưng lịch sử, khi soi chiếu qua đời người, thường toàn đau khổ. Ích gì đâu những huyền thoại mẹ. Ích gì, cho những người mẹ phải câm lặng mà sống tiếp nỗi đau “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ - Các anh không về… Mình mẹ lặng im” (Đất nước - Tạ Hữu Yên). Thơ của một người lính cộng sản, gặp thơ của Nguyễn Đức Sơn; Nguyễn Bắc Sơn lính cộng hòa ở nỗi niềm này, và có nghĩa, nếu nhìn nỗi đau từ cả hai phía Bắc Nam.

30 tháng 4, Berlin. Một người Berlin chính gốc cho tôi biết 1. 5 không gây ấn tượng bằng đêm trước. Đụng độ thường xuyên xảy ra. Để qua mắt cảnh sát, những kẻ âm mưu gây rối có thể chôn trước vũ khí (nhưng không phải là súng lục súng máy, dân Đức học được quá đủ về bạo lực sau chiến bại rồi) ở nơi tập kết tuần hành. Đá cục, xăng chai thôi. Cứ đi thì biết.

Thì đi. Và tôi đã thấy một 30 tháng 4 mới sau ba mươi mốt năm làm người Việt Nam chiến thắng. Ở đó, cảnh sát đặc nhiệm tươi cười trong tư thế sẵn sàng can thiệp, dòng chữ phản quang lấp lánh sau lưng „Gegen Konflik Team“ - Đội chống xung đột. Ở đó, người ta mở hội thực hiện quyền làm người, và luật pháp, bằng người thừa hành công vụ sẽ đảm bảo cho việc thực hiện quyền đó, trong hòa bình.

30 tháng tư, ba mươi hai năm về trước, Hà Nội tưng bừng mừng chiến thắng đầu tiên. Tám ngày sau mẹ tôi mất, đau đớn khủng khiếp và tỉnh táo hoàn toàn, vẫn nghẹn ngào mừng dù sao cũng hết bom đạn rồi, con mình sẽ sống. Mẹ không biết những ngày hậu chiến dằng dặc hoang mang tuổi con gái của tôi. Mẹ không biết màu cờ, màu biểu ngữ những 30 tháng 4 sau rực rỡ ra sao.

Nếu có gì làm dịu lại tháng tư một đời tôi, đó là loa kèn trắng, kiêu sa, đi qua mùa chiều đầu hạ đầu phố cuối phố. Nếu có gì làm tôi phấn chấn tháng tư, là chùm phượng bật đỏ trên nền xanh nhức nhối của ngày tháng hạ, và tiếng ve sôi thảng thốt mãi điều gì. Niềm vui làm người ta trẻ. Nhưng có những nỗi đau cũng làm người ta trẻ. Như thế hệ tôi, sau lồng ngực tuổi bốn mươi của rất nhiều người vẫn mãi mãi trái tim mười sáu tuổi.

30 tháng 4, Berlin, ghé một tiệm hoa của người Việt, chọn lấy dăm cành loa kèn trắng, tôi biết mình sẽ kỉ niệm ngày mai 1.5 thế nào. Chúng tôi đã hẹn nhau tránh điểm tuần hành, dậy sớm để đi dạo vườn thành phố. Dưới xanh, trong xanh, giữa xanh.

Cho trọn vẹn ấn tượng 30 tháng 4, ấn tượng mồng 1 tháng 5 mới.