Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Ước Gì Tôi Có Thể Sở Hữu Khuôn Mặt Của Vĩnh Hằng (*)

Carsten Jensen

Bùi Vĩnh Phúc dịch

Carsten Jensen_cover 001Carsten Jensen là một tác giả Đan Mạch. Sinh năm 1952, ông nổi danh là một nhà phê bình văn học và ký mục gia cho một nhật báo ở Copenhagen. Trong thập niên 1990, ông đã được gửi đi làm việc ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Yugoslavia và nhiều thành phố tại châu Á, cho những đề tài báo chí quan trọng thời đó. Là tác giả của sáu tập tản văn và hai tiểu thuyết, cũng như tác giả của nhiều bài phóng sự quan trọng, Jensen được đánh giá cao qua những bài báo và tác phẩm của mình. Chương dưới đây, “Would I Could Own The Face of Eternity”, được lấy trong tập du ký nhận định I Have Seen The World Begin / Travels through China, Cambodia, and Vietnam. Tác phẩm được các nhà phê bình và báo chí Tây phương đánh giá cao với những cụm định ngữ như: “những nhận xét [của Jensen] về mặt xã hội và lịch sử thế giới xen kẽ với những mô tả về các vùng đất và con người một cách lịch lãm và gợi hình, gợi cảm” (The Independent / London), “đầy những hình ảnh, âm thanh và mùi vị của Á châu” (Sunday Times / London), và, một câu của tờ Politiken (Denmark): “Với hiểu biết chuyên sâu và cái nhìn tinh tế của tác giả, tác phẩm này đã đặt ông vào cùng chỗ với những tác giả kinh điển như Bruce Chatwin, André Malraux và Jean-Paul Sartre.”

Các chú thích cuối bài là của người dịch.

BVP

Trong vai trò của một khách du lịch, bạn không phải là người vô hình, nhưng thật ra thì bạn trở nên có hình tướng theo một cách thế đặc biệt. Mọi người nhìn vào bạn, hoặc không phải thế, họ không nhìn, họ trố mắt ra, nhưng họ trố mắt nhìn bạn như nhìn một người lạ và họ không trông đợi một người lạ phải tuân thủ những quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn của họ. Họ cũng chẳng biết gì về những thứ ấy của anh ta; thậm chí họ có thể ngờ rằng anh ta chẳng có quy tắc hay tiêu chuẩn gì cả. Khi chúng ta nói rằng một người lạ sống theo một mã đạo đức khác, điều chúng ta thật sự muốn nói là anh ta chẳng có một cái mã đạo đức nào cả—cái mã đạo đức của chúng ta là cái mã duy nhất hiện hữu trên đời. Và chẳng phải chính chúng ta cũng thích đi thăm nhà thổ và phạm các loại tội ác này nọ trên những vùng đất lạ hay sao? Sự kiện không một ai biết chúng ta làm cho chúng ta dễ tự tha thứ cho chính mình.

Là một người lạ có nghĩa là được tự do, và kinh nghiệm cái sự nhẹ bẫng, cái tính vô trọng lượng của con người mình. Lúc ấy chẳng còn có ai để bảo với bạn rằng bạn là người này người nọ—và bởi thế, bạn chẳng là ai cả. Nếu André Malraux đã đúng khi ông ta viết rằng “Âu châu tin tưởng là bất cứ một thứ gì không bắt chước hiện thực của nó thì chỉ biểu hiện một giấc mộng” thì điều này giải thích lý do tại sao châu Á lại hấp dẫn đến vậy: đó chính là cái cơ hội được du hành qua một giấc mộng, việc thả lỏng cái căn cước và ý chí của mình và tự buông thả mình cho sự dẫn dắt của những sức mạnh khác; việc trầm mình vào vùng nước tối đen của vô thức và trở nên vô hình, ngay cả đối với chính ta. Cái giấc mộng thuần túy của sự lãng du và của hành động, của sự bị dẫn dắt bởi ngẫu hứng, bởi ham muốn bất chợt, bị uốn nắn và bị thử thách vượt khỏi những giới hạn của con người mình, bị tái sinh để trở thành nửa tội phạm, nửa trẻ thơ. Đó chính là lý do tại sao du hành lại là phương tiện của tuổi trẻ, một con đường trôi nổi cho sự tự khám phá và cho những khởi đầu mới. Đối với một người du lịch có tuổi hơn, có thể là một kinh nghiệm có tính sỉ nhục và làm xuống tinh thần cái việc khám phá ra rằng cái tính cách mà ta tin là đã được xây dựng hoàn chỉnh và bền vững, thật ra, chả là cái gì cả ngoài việc nó là dấu ấn của môi trường chung quanh. Nhưng người ta cũng có thể thấy là mình được tự do, thoát khỏi một vai trò đã cũ kỹ và già cỗi; thoát khỏi một cuộc sống với những quặt ngang rẽ dọc không đúng ý. Thật là một điều hấp dẫn chạy đuổi theo tuổi trẻ của chính mình, bay nhảy trong nỗi hoài nhớ để tìm kiếm lại những cơ hội đã mất, và người ta luôn luôn đối mặt với cái nguy hiểm là họ có thể tìm lại được chúng. Khi bạn xuất hiện vô danh trong những môi trường xa lạ, chuyện gì cũng được phép, và những ham muốn của tuổi trẻ trước cuộc sống lại được nâng dậy. Chúng không còn thơ ngây nữa nhưng bị biến đổi thành những ham thích lầm đường lạc lối và thành sự tự mãn. Ừ, tại sao không? Chẳng có ai ở đấy để mà dòm với ngó.

Kết quả là một sự tự do mang mầu sắc cay đắng phẫn nộ. Những tâm hồn yếu đuối không thể đối mặt với việc được cho nếm trải cái hương vị của những khả thể nằm trong chính họ. Những tâm hồn dũng mãnh thì có thể, nhưng họ sử dụng cái tự do này để khám phá những điều được tiết hãm và sự cần thiết phải làm như thế ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Việc phải đối diện với sự vô danh của chính mình là một điều tốt, vì trong những con mắt nhìn thấu suốt qua ta, có sự thật nằm ở đó. Ta nhìn những con người khác, tưởng tượng chính ta là cái thước đo của họ. Thế rồi ta khám phá ra được rằng chính họ là thước đo của ta, và ta bị đưa xuống cái vị trí khiêm nhượng của mình.

Tôi lên đường không mang theo một ảo ảnh có tính hoài niệm nào; tôi không đi tìm kiếm con người tuổi trẻ của mình hoặc những khả năng không giới hạn của tuổi trẻ. Tôi không tìm kiếm bất cứ sự giải phóng nào và tôi tự cho rằng tôi biết được những giới hạn của mình. Dù sao, Việt Nam đã tự phô bày ra trước mắt tôi như một đất nước của những vũ trụ sóng đôi, liên tiếp đưa tôi đối mặt với những phương cách hiện sinh mới, những căn cước khác, cả một chuỗi những khả năng để thể hiện những con người khác biệt của mình. Tôi không bị choáng váng say sưa vì cái tự do của tuổi trẻ; cái đánh động tôi hoàn toàn khác và mãnh liệt hơn nhiều: cảm thức về tính chất hoàn toàn mềm dẻo, dễ uốn nắn của con người mình. Tôi có thể là một kẻ giết người, một tên trộm, một kẻ xâm hại, làm hư hỏng trẻ vị thành niên; cái đất nước này cho phép tôi chọn lựa mọi sự trong chính sự vô danh của tôi, sự vô danh ấy được treo lửng lơ như một đám mây che chắn những hành vi của tôi và tôi ý thức được sự đáp ứng của chính mình. Tôi bị dụ hoặc và lôi cuốn: có vẻ như tất cả những xung năng, những kích thích đó đều nằm ở đấy, trong tôi, sẵn sàng và chờ đợi. Việt Nam là một mảnh đất ở đó tôi có thể bị thất lạc ngay trong chính con người mình, một mảnh đất của những cơ hội nội tại, và tôi đã hơi bị thất lạc và phạm vào một tội ác nhỏ. (Nhưng chẳng phải những tội tiểu hình tầm thường đều có liên hệ đến những tội đại hình kinh khiếp mà từ đó chúng bị dẫn dắt đến, không thể nào tránh khỏi?) Dù gì đi nữa, tôi đã băng qua đường vạch trên cát; cái đường vạch đã luôn ở đó suốt cả đời tôi.

Tôi luôn luôn thực hiện một quy tắc khi du hành: không chạm vào những người lạ. Nhưng tại Việt Nam, những con người lạ mặt lại luôn đụng chạm vào tôi mà không làm cho tôi cảm thấy mình bị nguy hiểm. Ngược lại, sự đụng chạm của họ làm tôi cảm động và hạnh phúc, bởi lẽ tôi đã nhìn thấy sự đụng chạm ấy như một cách diễn tả lòng từ tâm và sự nhân hậu cao thượng. Việt Nam là đất nước duy nhất trên những chặng du hành của mình mà ở đó tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn. Với từng cái đụng chạm, một lớp vỏ hành khác lại bong ra và tôi đi dần đến chỗ đầu hàng, điều này nằm ngay trong sự chấp nhận chính cái bản chất vô danh của mình. Chẳng sao cả việc họ đụng chạm vào tôi. Tôi chào đón điều đó nơi họ, bởi lẽ tôi tin tưởng họ, hay đúng hơn lòng tin của tôi lớn dần lên từ những đụng chạm ấy. Có một người đàn bà tại một ngôi làng nhỏ ở vùng Tây Bắc của đất nước này, một đêm nọ khi tôi đến khách sạn muộn, người phụ nữ đó đã đến bên và đưa cánh tay vòng ngang lưng tôi, vỗ nhẹ vào cánh tay tôi như để giúp tôi an lòng. Tôi không bao giờ gặp lại bà. Tôi không rõ tại sao bà lại cho tôi sự thân mật gần gũi ấy, nhưng tôi biết ơn bà vì bà đã làm thế. Có một cô gái trẻ hay quanh quẩn tại quán ăn ở Huế nơi tôi thường đến ăn. Cô gái luôn luôn đến bàn của tôi và đứng lại một lúc chuyện trò với tôi bằng tiếng Anh. Rồi một hôm cô cúi xuống và hôn lên má tôi. Cô đang tập sự phô bày cái nữ tính của mình qua tôi và tôi ý thức được là mình được một người nữ hôn, cho dù đôi môi ấy là đôi môi của một đứa trẻ. Tôi cảm nhận một sự khao khát kỳ lạ người nữ đang trổ nụ ấy, một sự mong muốn không hẳn mang nét tình dục, nhưng nó vẫn là thế; như sự khát khao một hình ảnh hay một điều gì đó không thấy được, khát khao người đàn bà mà cô gái chưa trở thành, nhưng cô đã cho tôi, dù thoáng qua, cái hạnh phúc được nếm trải nó. Đối với cô, cũng thế, tôi biết ơn cô.

Tất cả những chuyện đó, phần nào, gắn bó với điều đã xảy ra tại Mỹ Sơn: một tội ác nhỏ của tôi. Chuyện ấy cũng gắn bó với sự khát khao một điều gì đó không thể sờ chạm vào được, một ham muốn sở hữu và bị sở hữu, bị ngoạm nuốt bởi một cái gì đó to lớn; một giấc mơ về sự vĩnh hằng ở giữa những điều không vĩnh hằng.

Mỹ Sơn cách Đà Nẵng khoảng 60 cây số. Trong lịch sử, xưa kia nó đối với người Chàm cũng giống như là Angkor đối với người Khờ-Me vậy: một trung tâm tinh thần và tôn giáo, và, trên hết, một thành tựu về mặt kiến trúc. Trong hơn một ngàn năm, con người đã sống tại thành phố này, và rồi, theo một cung cách mang đặc nét Á châu, nó đã bị bỏ hoang, và cái mà chúng ta gọi lầm là thời gian có thể là đã khởi động công việc tàn phá nó. Không phải thời gian đã phá đổ những ngôi đền ấy, nhưng chính là những đội quân cướp bóc đã dày xéo thành phố đền đài này; có rất ít nơi trên cái đất nước dài, hẹp và bị chiến tranh tàn phá này thoát khỏi những bàn chân dày xéo. Những kẻ cuối cùng đã dẫm đạp trên đất nước này là những người Mỹ, những người đã phá tan thành bình địa những công trình được xây cất cả nghìn năm chỉ vì vùng đất ấy, một thung lũng được bảo vệ kỹ lưỡng bởi những ngọn đồi cây cối chằng chịt như rừng, đã là căn cứ địa của Việt Cộng. Sau sự tàn phá một trong những nơi có những ngôi đền đẹp đẽ nhất, Philippe Stern, một chuyên gia về nền văn minh Chàm và là người phụ trách trưởng của Bảo tàng viện Guinnet ở Paris, đã viết trong một lá thư ngỏ gửi Tổng thống Nixon, trong đó ông van xin tổng thống ngưng rải bom tàn phá những công trình này. Nixon đã hứa là … sẽ để yên những công trình đó và sẽ chỉ tập trung vào việc giết Việt Cộng. (1)

Thời gian phải tìm những cách khác để làm công việc của nó.

Đó là lúc mà tôi đến đây.

Khoảng năm hay sáu cây số ở bên ngoài khu vực Mỹ Sơn, con đường dần dần dẫn vào ngõ cụt. Một vài cái quầy được dựng lên ở đây, và có một người cảnh sát ngồi dưới gầm bàn trong bóng râm của một tấm bạt căng. Ông ta hỏi xem sổ thông hành của tôi và viết con số trong hộ chiếu xuống. Rồi có một thanh niên khẳng khiu, đội mũ an toàn mầu vàng, xuất hiện và đề nghị chở tôi qua đoạn đường vài cây số cuối trên chiếc xe máy của anh ta.

Những con dốc mầu xanh cây lá lung linh rập rờn mầu nước biển trong lớp mỏng như sương mù của hơi nóng, nhưng chẳng còn mấy thứ để xem tại Mỹ Sơn. Thỉnh thoảng có một cột đền bằng gạch đỏ mầu han gỉ, nhưng hầu hết chỉ là chuyện lái luồn lách quanh những hố bom và những công trình đổ nát. Những đống đá vương vãi và những bức tường đá dài nhiều bộ nằm đây đó khắp nơi. Những thân cây bị phạt ngang nhô ra khỏi một ngôi đền nhỏ, nửa phần đã đổ nát. Một ngôi nhà, đầy đủ lệ bộ với mái che gợn sóng bằng sắt và lưới bảo vệ chắn ngang cửa vào, được dùng như một nhà kho để chứa các tượng và những mẩu của các đồ trang trí trước đây đã được dùng để tô điểm cho các ngôi đền. Một tấm biển yết thị ghi rõ rằng công việc lưu giữ được công ty Mercedes của Đức bảo hộ qua khẩu hiệu “Lưu Giữ Quá Khứ Cho Tương Lai”.

Những quả bom phần nào đã làm công việc của chúng, nhưng sự thật hiển nhiên là Mỹ Sơn, không giống như Angkor, chưa bao giờ là trung tâm của một đế quốc lớn. Không gian mang một vẻ tĩnh lặng đến nỗi người ta có cảm tưởng là thành phố này đã được sinh ra từ sự tĩnh lặng ấy.

Tôi là người khách độc nhất của thung lũng. Điều này có thể là lý do khiến chuyện ấy đã xảy ra. Hai người lính gác với súng để trên đầu gối ngồi ở cửa vào của thành phố đền. Khi tôi quay trở về sau khi đã đi một vòng xem xét thành phố, họ vẫy tôi lại và đưa ra một thứ được gói trong một tờ giấy báo. Tôi thoáng nhìn thấy mầu sa thạch đỏ. Họ ra vẻ mời mọc, cười cười với nét dụ dỗ một cách gián tiếp, cung cách thân mật khá sỗ sàng. Một kỷ vật nhỏ? Họ cười ra vẻ cầu tài.

Phản ứng của tôi là sự tức giận. Tôi cảm thấy như họ đã nắm được tôi và ngầm cho thấy là họ có thể nhìn xuyên thấu qua tôi và biết rõ những bí mật của tôi. Nhưng tôi không hề muốn dính líu gì với sự thân mật vô đạo đức của họ. Tôi không phải một người trong bọn họ. Tôi cảm thấy kinh tởm và muốn tránh xa. Đây là những công bộc thối nát, hư hỏng, bán đi những bảo vật mà họ được trao cho bổn phận phải giữ gìn. Giản dị là họ đã tiếp tay cho sự tàn phá mà những người Mỹ điên cuồng vì chiến tranh đã khởi động, cũng với một sự coi thường như vậy đối với quá khứ và lịch sử. Đất nước buồn bã này, tôi nghĩ, vốn liếng đã quá ít ỏi mà lại còn không giữ lại được một chút di tích của quá khứ để lại sau khi bom đạn đã làm xong công việc của nó.

Sau sự từ chối của tôi, những tên lính gác cửa thay đổi chiến thuật. Chúng thay đổi cung cách cầu cạnh của mình bằng thái độ thẳng thắn một cách thoải mái. Uống nước trà nhé? Trời nóng, và tôi đã đi bộ quanh vùng dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt hàng mấy giờ liền; bởi thế, tôi chấp nhận ly nước họ mời. Họ kéo một chiếc ghế đẩu nơi một cái bàn nhỏ mời tôi ngồi. Chúng tôi ngồi đó một lúc. Họ hỏi những câu hỏi thông thường. Tôi bị nỗi thèm khát giao tiếp chộp lấy và quên đi sự giận dữ của mình. Bỗng bất ngờ một người trong bọn họ đặt cái gói giấy trên bàn trước mặt tôi. Tôi ngó xuống đất, nhưng tới lúc ấy thì mọi chuyện đã quá trễ. Trong một chớp mắt tôi học được một điều: cái đẹp là kẻ đồng loã chính của sự suy đồi.

Nằm trên đó, ngay trước mặt tôi, là cái đầu của một tượng Phật. Nó làm bằng sa thạch đỏ và những dấu đục chạm đã từng nét hình thành nên khuôn mặt Phật từ tảng đá gốc vẫn còn có thể nhận diện được, giống như những lỗ chân lông trên da, nơi cát đã kết tập qua bao thế kỷ. Những vành tai dài và những lọn tóc xoăn đầy nét hoa mỹ uốn cong thành hình dáng một ngôi chùa. Đường cong đầy đặn của môi trên uốn lên thành một nụ cười thoảng và những bờ mi, nhắm hờ trên những khe hở thoai thoải và hẹp của mắt, làm cho khuôn mặt mang một vẻ cao nhã về mặt tinh thần.

Tôi cầm bức tượng lên và trở nên nghiêm trang. Nó nằm gọn trong lòng bàn tay tôi, cùng lúc sở hữu một sức nặng ẩn kín làm cho nó có vẻ như nặng gấp đôi trọng lượng thực của nó. Đó là một khuôn mặt tuyệt mỹ, mang đầy nét vĩnh cửu, và tôi thức nhận được rằng nó có thể là của mình. Tôi có thể sống với nó bên cạnh mình mỗi ngày cho đến hết cuộc đời tôi, chứng kiến mỗi ngày cái nụ cười này, cái nụ cười mang chứa trong nó một sự bí mật còn sâu thẳm hơn sự bí mật của Mona Lisa. Đức Phật, “người đã quên lãng những điều mà chúng ta kinh nghiệm và kinh nghiệm những điều mà chúng ta không bao giờ vói tới”.

Niềm khao khát được sở hữu bức tượng này rõ ràng là quá sắc nhọn, vì nó là nỗi khát khao được sở hữu sự vĩnh hằng và như thế bảo đảm cho tôi chống lại ngay với sự chết, sự qua đi của chính mình. Tôi đang cầm trong tay mình từ 40 đến 50 thế hệ, và, qua cái đầu của bức tượng này, có vẻ như thế, tôi có thể sống thêm khoảng từ 40 đến 50 thế hệ nữa. Nó có tất cả sức mạnh hấp dẫn của một hòn đá quý, một miếng vỡ của vũ trụ, đã đáp xuống, bất ngờ, vào ngay lòng bàn tay tôi, làm dấu chứng cho một nơi chốn nằm bên ngoài thời gian. Được giấu kín trong nó là một lời hứa rạng rỡ, thế nhưng điều hiển nhiên với tôi là cái làm cho Đức Phật nhìn ngắm và mỉm cười, cái nhìn rộng lượng từ dưới đôi bờ mi nhắm hờ kia, không gì khác hơn là cái vô thường rõ ràng và chắc chắn của mọi sự vật. Nhưng khuôn mặt này quá đẹp đến nỗi nó cũng mang lại tất cả sức mạnh lôi cuốn của chính những cái thoáng qua, những cái vô thường ấy. Đến lúc này thì tôi không thể chịu đựng được cái ý nghĩ là sẽ chẳng còn bao giờ nhìn thấy lại nó nữa. Tôi muốn ngừng thời gian lại.

Cái gáy của đầu tượng Phật bị mất và cuống họng chỉ là một nhát cắt dài. Chắc hẳn là nó đã được tháp vào tường của một ngôi đền như là một phần của một dải tường mang đường nét kiến trúc hoa văn trang trí lớn hơn, và đã bị đục ra, giống như đầu của những pho tượng mà tôi đã từng thấy ở Angkor. Những hạt cát vụn mầu đỏ nằm trong đường cắt cuống họng. Hẳn là cái đầu tượng này đã bị đục lấy ra từ lâu rồi.

“Những người Mỹ,” hai tên gác nói, chỉ vào cuống họng của tượng.

“Thế kỷ thứ mười,” họ nói tiếp, “Rẻ. $80.”

Giờ thì họ dạn dĩ, tự tin hơn. Họ đã thấy cái yếu đuối trong con người tôi.

“$60,” tôi nói. Tôi không thật sự muốn nói như vậy. Điều tôi muốn nói là: hãy cứu tôi khỏi phải mua bức tượng đẹp đẽ này, vì tôi không thể chịu được cái cảnh nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong một hành vi đốn mạt như thế. Nhưng tôi không đủ sức để nói không. Bởi thế tôi để cho sự may rủi quyết định. Nếu các anh lùi bước, tôi sẽ mua đầu tượng Phật và rời khỏi chốn này—một con người bị thay đổi, một con người thấp kém hơn. Nhưng các anh không chịu. Bởi vì các anh đúng. Nó quá rẻ. $80 chẳng là gì cho một mảnh của vĩnh hằng. Và có lẽ lý do các anh bán nó quá rẻ chính là vì các anh phải đi kiếm tìm những người khách cho những món hàng đánh cắp khốn kiếp của mình tại một nơi chốn hẻo lánh như thế này. Bởi vậy các anh sẽ giữ vững lập trường của các anh, và tôi giữ vững lập trường của tôi, và trong vòng một hay hai phút nữa thôi tôi sẽ rời khỏi đây, bình an thanh thản và với một lương tâm trong sạch.

“$80,” họ lập lại. “Rẻ.”

“$60.”

Họ lắc đầu. Tôi đứng lên, nhẹ nhõm, và chuẩn bị đi.

“$70.”

Trước khi tôi có thể tự ngăn cản mình, tôi đã quay lại và gật đầu, được rồi.

Họ gói cái đầu của pho tượng vào trong tờ giấy báo trở lại và đưa nó cho tôi. Tôi nghĩ đến người cảnh sát đứng ở cuối đường. “Không sao đâu,” họ nói và lắc đầu. Với bàn tay lành nghề, người đàn ông đội mũ an toàn mầu vàng cầm lấy cái đầu pho tượng được gói giấy báo và chuồi nó vào trong một trong những túi áo quần rộng lớn của anh ta. Họ nháy mắt với tôi. Tôi đã là một trong những con mồi của họ. Tôi đã bị họ chụp bắt được.

Chúng tôi chạy xe qua mặt người cảnh sát và, được cánh cửa xe che chắn, tôi đã sở hữu đầu tượng Phật. Rồi tôi vù đi, cảm nhận mình là một con người khác; không phải là một người tốt hơn, nhưng là một vị quan toà đúng đắn hơn đối với chính tính cách của con người mình. Tôi đã được chữa, được điều trị khỏi cái lương tâm trong sạch của mình. Tôi đã bước chân qua đường biên, nhập cuộc với “bọn chúng”, những kẻ nọ—những kẻ ném bom, những kẻ cướp bóc, những kẻ mà trước đây tôi đã luôn luôn nhìn ngắm từ góc độ an toàn của phía bên kia, của một lương tâm trong sạch—và trở thành một mắt xích nhỏ trong một chuỗi xích lớn của sự tàn phá.

André Malraux đã đục lấy toàn bộ những mảng kiến trúc lớn của Bantey Srei (2), còn tôi thì lấy một miếng nhỏ của Mỹ Sơn. Người anh hùng của Malraux, Perken, mơ thấy để lại một vết sẹo trên khuôn mặt của phong cảnh; những người Mỹ đã hiện thực hoá giấc mơ ấy, trong cái mức độ toàn triệt của thời đại kỹ nghệ, và để lại sau lưng họ một mảnh đất lỗ chỗ dấu bom như một miếng phó-mát Thuỵ Sĩ. Và khi đã có đủ thời gian trôi qua, người ta sẽ nhắc đến những dấu vết của chiến tranh như những sự tàn phá của thời gian, mà không còn nhìn thấy cái bàn tay tàn bạo của con người hoặc không còn nghe thấy tiếng dẫm đạp của những bước chân thù. Nhưng chính cái đoạn đường khốn khó này đã tìm thấy một vọng âm trong hành động mua bán nhỏ của tôi, và, một cách nào đó, bây giờ tôi đã là một phần tử gắn bó thiết thân hơn nữa với nhân loại: tôi đã vượt qua biên giới để vào những vùng đất bị tàn phá và học biết được rằng cái đẹp có cái giá của nó, và số tiền $70 mà tôi đã trả để có được cái đẹp chỉ là một phần rất nhỏ bé của cái giá kia.

Carsten Jensen

Bùi Vĩnh Phúc dịch

________________________________________

Chú thích:

(*) Đây là một chương trong tập du ký nhận định I Have Seen The World Begin / Travels through China, Cambodia, and Vietnam (New York: Harcourt, Inc. , 2000.) của Carsten Jensen. Tác phẩm được Munksgaard / Rosinante in lần đầu bằng tiếng Đan Mạch vào năm 1996 dưới tên gọi Jeg har set verden begynde. Barbara Haveland dịch từ nguyên tác Đan Mạch sang tiếng Anh. Tác phẩm đã được giải Golden Laurels dành cho sách hay nhất của năm.

(1) Chính xác là "... to leave the buildings alone and confine himself to killing Vietnamese". Ở đây, "Vietnamese", có lẽ giống như cách nói của nhiều người Pháp trong vùng Đông Dương thời chiến tranh: “Vietnamese”, hay "tụi Việt", để chỉ "Việt Cộng" (Có thể xem thêm Olivier Todd, Cruel Avril 1975 / La Chute de Saigon, Éditions Robert Laffont, S.A., Paris, 1987).

(2) Bantey Srei (còn được viết là Banteay Srei hay Banteay Srey, nghĩa là “thành trì của phụ nữ”, hay “thành trì của cái đẹp”) là một ngôi đền cổ, được xây dựng vào thế kỷ thứ 10, để tôn vinh thần Shiva của người Hindu. Nằm trong quần thể Angkor của Cambodia, nó được định vị ở gần ngọn đồi Phnom Dei, 25 km (16 mi) đông bắc đối với quần thể chính của những ngôi đền đã một thời thuộc về những thủ đô Yasodharapura và Angkor Thom thời trung cổ. Bantey Srei được xây cất phần lớn bằng sa thạch đỏ, một chất liệu giúp người ta dễ đục chạm những hoa văn tỉ mỉ và tinh tế giống như khắc chạm trên gỗ. Những nét chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ đó trên những bờ tường của ngôi đền, hiện nay, vẫn còn có thể được nhận rõ. Kiến trúc này rất nhỏ bé so với sự vĩ đại chung của quần thể kiến trúc Angkor. Bantey Srei được giới khảo cổ cũng như du khách thế giới nói chung đánh giá là một “viên ngọc quý” của nghệ thuật Khmer. Nó chỉ được tái khám phá vào năm 1914, gắn với một vụ trộm nghệ thuật đình đám, khi André Malraux đục lấy bốn pho tượng trong nhiều tượng nữ thần (devatas) được chạm khắc trên những bờ tường của ngôi đền. Dù sao, André Malraux bị bắt không lâu sau đó, và bốn pho tượng thần này đã được hoàn trả lại.