Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

NGUYÊN KHÍ (KỲ 13 – KỲ CUỐI)

Hoàng Minh Tường

18. THỌT BỈ NHÂN

Lãm huy nghi học minh dương phượng

Viễn hại chung vi tị dặc hồng…

( Muốn học chim Phượng, thấy ánh sáng, hót khi mặt trời mọc

Cuối cùng phải làm chim Hồng tránh mũi tên để khỏi bị hại.)

(Hoạ hương tiên sinh vận giản chư đồng chí - Ức Trai thi tập - Nguyễn Trãi)

Chủ trang Web “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt có một số phận khá đặc biệt. Cha anh là người Việt, họ Bùi, mẹ anh người Lào. Tên Việt của anh, viết đầy đủ phải là Bùi Lào Việt. Và, tên Lào của anh, Phôn Xikhăm, mang họ mẹ.

Mẹ anh, Phôn Seoly là một thiếu nữ xinh đẹp quê ở Sầm Nưa, con một cán bộ của Mật trận Lào yêu nước. Phôn Seoly được gửi sang học văn hoá ở trường Hữu Nghị đóng ở Sơn Tây, một trường dành riêng cho con em các bộ tộc Lào, nguồn cán bộ cho lực lượng cách mạng. Tốt nghiệp phổ thông trường Hữu Nghị, Phôn Seoly được tuyển vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa ngôn ngữ.

Cuối năm 1967, một chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Cánh Đồng Chum tên là Bùi Quốc Luận được điều về bổ túc tiếng Lào để tăng cường cho chiến trường Trung Lào đang thời kỳ ác liệt.

Người phụ giảng môn ngôn ngữ Lào cho Bùi Quốc Luận, chính là Phôn Seoly. Đôi trai tài gái sắc Việt – Lào đã bùng nổ mối tình sét đánh. Họ dự định báo cáo tổ chức và hai gia đình để làm lễ cưới. Nhưng cuộc chiến ác liệt đã không cho họ kịp thực hiện dự định. Bùi Quốc Luận có lệnh khẩn cấp phải lên đường trở về chiến trường Trung Lào để giúp bạn thực hiện một nhiệm vụ bí mật trong vùng hậu phương địch. Năm tháng sau, anh đã hy sinh trên đường từ Xiêng Khoảng đi Xavanakhet.

Bùi Quốc Luận mãi mãi không thể biết, khi anh nằm xuống trên nước bạn Lào, thì cậu bé Phôn Xikhăm – Bùi La Việt, tình yêu của anh và Phôn Seoly, chào đời.

Mang dòng máu Việt – Lào, chú bé Phôn Xikhăm có nhiều tố chất thông minh vượt trội. Mười hai năm học phổ thông, cậu đều đứng đầu lớp. Đặc biệt, ngay từ nhỏ cậu đã biết thành thạo tiếng Lào, tiếng Việt và giỏi cả tiếng Trung. Phôn Xikhăm mơ ước sau này trở thành một nhà Trung Quốc học.

Thế rồi, nguyện vọng của Phôn Xikhăm đã trở thành hiện thực: Năm 1987, khi bà Phôn Seoly theo chồng là ngài Xôm Bun sang công tác dài hạn tại Bắc Kinh, Phôn Xi khăm, quốc tịch Lào, là một trong mười hai sinh viên Lào và là sinh viên có bố là người Việt duy nhất được vào học tại Trường Đại học Bắc Kinh.

Những năm đó, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hầu như bị gián đoạn. Tất cả lưu học sinh Việt Nam, từ năm 1966, đã bị buộc phải về nước do cuộc Đại Cách mạng Văn hoá. Sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng, các cơ quan, tổ chức văn hoá và kinh tế, thương mại của Việt Nam rút hết về nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, như một ốc đảo, số nhân viên rút xuống con số tối giản, chỉ có ý nghĩa tượng trưng.

Tuy lấy quốc tịch Lào để được sang Bắc Kinh học, nhưng trong tâm hồn, suy nghĩ, tình cảm của Phôn Xikhăm vẫn thấm đẫm bản sắc Việt. Bởi suốt những năm học phổ thông ở Việt Nam, anh vẫn thường xuyên về thăm bà nội và chú bác họ hàng quê nội ở Suối Yến, Chùa Hương. Bọ Bùi của cha anh, liệt sỹ Bùi Quốc Luận, có cụ tổ là quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng thời Lê sơ, đã chính thức nhận Việt, ghi tên Bùi La Việt trong gia phả, ngay từ khi Việt tròn một tuổi được mẹ Phôn Seoly đưa về nhận quê quán, họ hàng.

Người bạn Việt duy nhất của Phôn Xikhăm ở Bắc Kinh lúc đó là Hoàng Nguyên, đại diện cho cơ quan báo chí, văn hoá Việt Nam, nằm trong khu Sứ quán. Hoàng Nguyên vừa là người bạn vong niên vừa là người thầy tiếng Việt và tiếng Hán. Những ngày chủ nhật, ngày lễ, hầu như Phôn Xikhăm đều đến chỗ Hoàng Nguyên, đọc các tin tức trong nước và xem phim. Hầu hết các phim kinh điển nổi tiếng thế giới do các bạn bên Đại sứ quán Liên Xô cho mượn, anh đều xem hết, có phim xem mấy lần.

Phôn Xikhăm thực sự tự hào về Đại học Bắc Kinh, ngôi trường anh theo học. Đây là trường Đại học lớn nhất Trung Hoa, được thành lập từ năm 1898, nơi nhà văn vĩ đại Lỗ Tấn và các nhà văn Lâm Ngữ Đường, Vương Tiểu Ba, Mao Thuẫn…từng giảng dạy, nơi mà truyền thống nhân văn và các giáo lý Phương Đông từng thắp lên những ước mơ hoài bão, hun đúc nên bao nhiêu hiền tài, nguyên khí không chỉ của nước Trung Hoa vĩ đại mà của nhiều nước trên thế giới. Phôn Xikhăm mơ ước lĩnh hội được những tinh hoa học vấn ở đây để sau này cống hiến cho nước Lào, nước Việt.

Rồi, giống như cha mẹ anh, ngay từ đầu năm thứ hai ở Viện nghiên cứu nhân văn, thuộc Đại học Bắc Kinh, Phôn Xikhăm đã có cuộc tình sét đánh với cô nữ sinh cùng lớp Vương Tiểu Mẫn. Cha mẹ nàng là người Hán,vốn sống ở Bắc Kinh. Hồi cách mạng văn hoá, bị quy là trí thức phái hữu, bị đi cải tạo tại vùng đất tận cùng tây nam của tỉnh Vân Nam. Họ đến đó hai năm thì sinh ra nàng. Vì thế nàng trở thành người Lan Thương, nói thành thạo tiếng Thái, tiếng Lào, dễ dàng nói chuyện với Phôn Xikhăm như người đồng hương.

Vương Tiểu Mẫn bảo, cái thị trấn Xisoang Banna ở thượng nguồn sông Lan Thương, tức sông Mê Kông, đoạn bắt nguồn từ Trung Quốc, là một chốn thần tiên đẹp nhất địa cầu. Nàng bảo, nếu thả một chiếc lá, như một lá thư tình, từ bến sông Lan Thương, mấy ngày sau, nếu Phôn Xikhăm đứng ở bờ sông Mê Kông ngoại ô thủ đô Viên Chăn, hoặc mấy ngày sau nữa, nếu anh ở Châu Đốc, chỗ ngã ba sông Tiền, sông Hậu của Việt Nam, anh sẽ nhận được. Nàng hứa, mùa hè tới, nàng sẽ đưa anh về Xisoang Banna thăm bố mẹ, sẽ đi thuyền độc mộc trên sông Lan Thương và ăn món xôi nếp ngải tần thơm nhất trên đời.

Thế rồi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, mùa hè năm 1989.

Bây giờ nhớ lại, Bùi La Việt vẫn tưởng như trong mơ. Suốt những ngày hè năm ấy, khi hàng vạn sinh viên Bắc Kinh tham gia lễ tang Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, Bùi La Việt đã theo Vương Tiểu Mẫn có mặt ở quảng trường Thiên An Môn. Ban đầu chỉ là những hoạt động hoàn toàn tự phát, a dua theo phong trào, hay nói đúng hơn là bị dẫn dụ bởi tình yêu của nàng Vương Tiểu Mẫn, nhưng rồi dần dần anh nhận ra mình đã bị cuốn hút bởi những tư tưởng dân chủ do tầng lớp trí thức và giới trẻ Trung Hoa thổi bùng lên. Giữa bạt ngàn những lều vải, lán trại, băng rôn, biểu ngữ chật kín quảng trường Thiên An Môn mênh mông, hàng vạn sinh viên hô vang những khẩu hiệu chống tham nhũng, đòi cải cách, mở cửa, đòi tự do báo chí, tự do lập hội, truyền cho nhau ý thức về tự do, dân chủ, về sứ mạng của trí thức trong thời đại mới, thời đại của nước Trung Hoa vĩ đại hoà đồng trong thế giới hiện đại và thời đại công nghệ toàn cầu. Bùi La Việt sẽ nhớ mãi hình ảnh Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, người thay Hồ Diệu Bang, thần tượng của các sinh viên Trung Quốc, cùng Chánh văn phòng Trung ương Đảng, sau này là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cầm loa đi khắp quảng trường đề nghị sinh viên dừng tuyệt thực, cổ vũ sinh viên, khuyên nhủ họ trở về nhà, hứa hẹn với họ sẽ tiến hành những cải cách chính trị cho một nước Trung Hoa mới, có một nền kinh tế thị trường và một nền dân chủ đại nghị.

Sau này, mãi hai mươi năm sau, qua hệ thống internet, Bùi La Việt mới biết rằng, trong mười lăm năm Triệu Tử Dương bị giam lỏng tại gia, người thư ký của ông là Bào Đồng đã bí mật ghi lại những điều ông nói vào một máy ghi âm nhỏ, rồi chuyển ra nước ngoài, in thành một cuốn hồi ký có tựa đề: “ Prisoner of the State” (Người tù của nhà nước). Trong cuốn sách này, độc giả sẽ hiểu, chính Triệu Tử Dương mới là kiến trúc sư cho cải cách kinh tế ở Trung Quốc chứ không phải Đặng Tiểu Bình. Những năm 1970, khi còn là lãnh đạo ở Tứ Xuyên, Triệu Tử Dương đã tiến hành những bước cải cách kinh tế đầu tiên, là mô hình mở cửa cho cả nước Trung Hoa sau này. Ông hoàn toàn đứng về quan điểm cho rằng Trung Quốc cần một chế độ đại nghị như các nước phương Tây. Ông cảnh báo, nếu không cải tổ, Trung Quốc sẽ thành một quốc gia do sự liên kết bè phái giữa Đảng Cộng sản, các nhóm quyền lợi kinh tế và một số trí thức thượng lưu làm chủ. Họ sẽ không chỉ lũng đoạn nền chính trị mà sẽ luôn đặt quyền lợi của tập đoàn lên trên số phận của dân tộc Trung Hoa. Trong bài: “Vì một Chủ nghĩa Xã hội Trung Hoa có bộ mặt người”, ông viết: “ Nếu một quốc gia muốn hiện đại hoá, nó không chỉ phải áp dụng nền kinh tế thị trường, mà nhất thiết phải áp dụng nền dân chủ đại nghị cho hệ thống chính trị. Nếu không, dân tộc đó sẽ không thể nào có được một nền kinh tế thị trường lành mạnh, và cũng không thể trở thành một xã hội hiện đại với nhà nước pháp quyền. Trái lại, nó sẽ rơi vào cảnh của nhiều nước đang phát triển, gồm cả Trung Hoa: Quyền lực bị thương mại hoá, tham nhũng lan tràn, một xã hội phân rẽ giữa người giàu và dân nghèo”.

Chao ôi, con người vĩ đại đó, với những tư tưởng đi trước thời đại, đã bị cầm tù ngay trong những ngày cuộc thảm sát Thiên An Môn xảy ra. Và Phôn Xikhăm – Bùi La Việt cùng Vương Tiểu Mẫn và hàng nghìn sinh viên đã bị xe tăng càn lướt giữa kinh đô của nước Trung Hoa nghìn năm văn hiến. Ngày 4 tháng 6 năm 1989, những chiếc xe tăng của hai quân đoàn 27 và 28 như những hung thần bằng thép đã nghiền nát phong trào dân chủ sinh viên lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Bùi La Việt bị một cú đập như trời giáng vào đầu, bị một vật cứng bẻ gãy cổ chân trái. Anh ngất đi trước khi nghe thấy tiếng thét thất kinh của Vương Tiểu Mẫn và thân hình mảnh mai của nàng bị chiếc xe tăng nghiền nát…

Hơn một năm trời điều trị ở mấy bệnh viện Hà Nội, rồi được một lương y danh tiếng chữa trị, Bùi La Việt mới trở lại được đời thường. Chân trái anh bị tật, đi cà nhắc. Và thật lạ, sau cú va đập“ lịch sử” tưởng vỡ toác đầu ở quảng trường Thiên An Môn ấy, Bùi La Việt bỗng có khả năng nói chuyện với người âm. Anh gặp và trò chuyện với Vương Tiểu Mẫn hằng ngày. Nàng đưa anh về Xisoang Banna tươi đẹp như chốn thần tiên, bơi thuyền độc mộc trên dòng Lan Thương và ăn xôi nếp thơm lừng hương ngải tần. Anh trở thành một nhà ngoại cảm, là thành viên của Dự án “Khảo sát tiềm năng con người”.

***

Sự kiện xảy ra ở đài liệt sỹ đường Bắc Sơn đã tạo cơ hội cho Bùi La Việt nhìn thấy một đoàn người kỳ lạ. Ấy là khi vừa bị bắt lên xe bus, anh bỗng nhìn thấy mấy trăm người, đeo gông, bị dây xích sắt trói thành một xâu dài chắn ngang đầu xe, khiến ông tài xế bấm còi inh ỏi mà xe vẫn không tiến lên được. Bùi La Việt vội lấy điện thoại bấm gọi cho ông Huỳnh Đạo:

- A lô, bác đang ở đâu? Cháu vừa gặp cụ Nguyễn Trãi và cụ Nguyễn Thị Lộ. Họ vừa qua cuộc hành hình…Pháp trường chắc ở gần đây… Đợt này bác cháu mình nhất định sẽ được hầu chuyện hai cụ…

Đang nói thì có ai đó giật chiếc máy điện thoại. Ở đầu máy bên kia, ông Huỳnh Đạo nhìn như hút vào chiếc máy, không hiểu có chuyện gì xảy ra với “Thọt bỉ nhân”.

Đêm ấy, một giấc mơ kinh hoàng bỗng làm nhà sử học Huỳnh Đạo kêu thét lên, vục dậy khỏi giường.

Ông mơ thấy một đoàn đông tới hơn trăm người, ai cũng bị cụt đầu, máu phun thành bọt ở cổ, máu nhuộm đỏ bầm những bộ quần áo vốn màu trắng tinh khiết. Họ dựa vào nhau xiêu vẹo, dắt díu nhau đi ngang qua kinh thành. Từ đám đông hai bên đường họ đi, những tiếng hô, tiếng thét khản đặc: “ Triều đình dã man. Ức Trai Tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ vô tội”.

Ông Huỳnh Đạo ôm mặt, khóc hu hu. Ông tưởng như người ta vừa mới hành hình Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ.

Kỳ lạ, sao giấc mơ giống hệt những điều Bùi La Việt báo qua điện thoại cho ông hôm qua. Từ ngày tham gia “Nguyễn Trãi Club”, ông Huỳnh Đạo hay mơ thấy Ức Trai tiên sinh. Nhưng là một Nguyễn Trãi đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục, đi hia, như bức tranh người xưa truyền lại còn lưu giữ ở nhà thờ Nhị Khê. Hồi ông tổ chức xây đền và dựng tượng Đức bà Nguyễn Thị Lộ ở làng Hới, Hưng Hà, Thái Bình, ông mơ thấy có người nói bên tai: Tượng cao 2,71 mét, bệ tượng cao 1,8 mét nhé. Và ông nói với nhà điêu khắc làm tượng theo đúng kích cỡ ấy. Từ ngày quen biết Bùi La Việt, lại biết khả năng ngoại cảm của anh, nhiều lần, ông cùng Việt và bạn bè cất công đi tìm mộ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Nhưng đều vô vọng. Bùi La Việt gặp và nói chuyện với rất nhiều người âm, nhưng phần lớn là những liệt sỹ chống Pháp, chống Mỹ và đã giúp nhiều gia đình tìm thấy hài cốt của họ, nhưng riêng với Ức Trai và bà Lộ, thì chưa bao giờ anh được hầu chuyện, ngoài một giấc mơ gặp Nguyễn Trãi ở cầu Vân gần làng Nhị Khê. Gần đây một nhà ngoại cảm nữ cho biết: Sau khi bị xử trảm, toàn gia Nguyễn Trãi đều bị chôn chung một hố, ngay sau pháp trường. Địa điểm pháp trường thời Lê Sơ, có thể nằm ở khu vực Ô Chợ Dừa ngày nay. Tất nhiên ngôi mộ tập thể ấy bây giờ đã bị phố xá nhà cửa xây trùm lấp. Riêng hai bộ thủ cấp của hai cụ bị Thái hậu Nguyễn Thị Anh cho cắm lên cọc tre, bêu trước cổng thành phía nam để uy hiếp dân chúng. Các môn sinh của Nguyễn Trãi cầu xin được đem thủ cấp thầy đi chôn. Có nguồn tin, hai bộ thủ cấp được cho vào một túi vải, bí mật mang về chôn ở gốc cây vải tổ trong Lệ Chi Viên.

Ý định phải tổ chức một lễ Bạt độ cầu siêu cho vợ chồng Ức Trai Tiên sinh và ba họ đến bây giờ là không thể chậm trễ hơn được. Chủ nhiệm Huỳnh Đạo bấm máy, gọi cho Đỗ Chí Cao:

- Hôm qua các cậu sang Lộc Hà có được việc không?

Tiếng Cao vang lên trong máy:

- Dạ, em và Ngô Tháp cùng mấy chục anh em kéo nhau lên đứng chật cổng trại. Họ không có lý do gì để giam giữ người yêu nước. Lần lượt mọi người được thả. Nhưng riêng Bùi La Việt thì phải đến chiều tối mới được ra. Họ bảo, trang Web “Thọt bỉ nhân” nếu đưa tin này lên mạng thì sẽ bị đóng cửa.

- Thôi, “Thọt bỉ nhân” vẫn chưa bị “ nhập kho”, thế là tốt rồi. Tôi sẽ gọi cho Việt ngay bây giờ. Kế hoạch chúng ta đã bàn, không có gì thay đổi. Trưa nay tôi xuống Trại Vải trước để cùng các vị dưới đó chuẩn bị hành lễ. Mai hai chú lấy xe đưa Bùi La Việt xuống nhé.

Lễ cầu siêu bạt độ là một đại lễ siêu thoát cho hương linh. Đạo Phật quan niệm, khi chết đi linh hồn con người vẫn quẩn quanh nơi họ sống. Người càng nhiều tội lỗi, hay người bị nhiều oan ức, nếu không cầu Địa Tạng vương Bồ tát và các đồng môn của đức Phật tẩy trần và dẫn độ, sẽ không đi qua được âm phủ, không được siêu thoát, không tới được cõi Niết bàn. Giấc mơ của ông Huỳnh Đạo càng cho ông khẳng định nỗi oan tày trời suốt gần sáu trăm năm qua của hai cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Cho nên, một lễ Bạt độ tổ chức quy mô, bài bản, do mười hai vị đại đức chư tăng tên tuổi từ Huế, Đà Nẵng ra, từ Chùa Hương, Yên Tử đến, khiến ông chủ nhiệm “Nguyễn Trãi Club” phần nào thanh thản về mặt tâm linh.

Nhưng để chính những người trong cuộc nói về nỗi oan khuất, về sự thật của vụ thảm án Lệ Chi Viên, thì không ai có khả năng đối thoại với những người âm, ngoài “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt. Sau vụ giúp họ Bùi và làng gốm Chu Đậu tìm thấy mộ và thân thế sự nghiệp tượng nhân Bùi Thị Hý, uy tín của Bùi La Việt trong giới ngoại cảm càng tăng. Vả lại, chính Bùi La Việt vừa nhìn thấy hai cụ và họ hàng kéo nhau qua kinh thành, tức là khả năng có cuộc gặp sắp tới là rất cao. Ông Huỳnh Đạo, và nhất là hai nhà văn hoá Ngô Tháp và Đỗ Chí Cao, cùng các vị trong Ban chủ nhiêm “Nguyễn Trãi Club” hy vọng cuộc gọi hồn này, nếu thành công sẽ được viết riêng thành một chương phụ lục để in trong cuốn “Long Thành tạp ký” sắp xuất bản.

***

Đêm ấy là một đêm Liêu Trai.

Khu đền thờ quan Lễ nghi Học sĩ tại Lệ Chi Viên nằm giữa cánh đồng, lưng dựa vào triền đê sông Đuống, tức sông Thiên Đức ngày xưa, sáng trưng đèn nến, nghi ngút khói hương. Đền mới được nhân dân địa phương cùng các nhà hảo tâm và “Nguyễn Trãi Club” xây dựng trên nền hành cung thời Lý, Trần, Lê. Tại gian chính điện được phối thờ hai ngài: Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ. Trước đền là một sân rộng, phía bên phải, trên gò đất cao, pho tượng Đức Bà bằng đá trắng dưới vòm cây cổ thụ, phía bên trái là Giọt lệ Lệ Chi Viên bằng đá đỏ nguyên khối, như đang rỉ máu.

Cuộc lễ hầu đồng đặc biệt, kết hợp mời đồng và ngoại cảm tâm linh, được tiến hành tại chính điện thờ Đức bà Nguyễn Thị Lộ, ngay sau lễ cầu siêu bạt độ.

Kính cẩn trước ban thờ Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ, “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt, áo dài the lam, quần trắng, khăn xếp đen, đứng vai chủ lễ. Từ ba ngày nay, Bùi La Việt tắt nguồn điện thoại, sửa mình, ăn chay, toàn tâm cho cuộc lễ tối linh này. Từ ngày biết mình có khả năng ngoại cảm, anh luôn thành tâm muốn được kiến diện hai danh nhân văn hoá vĩ đại của nước Việt. Trợ giúp anh tối nay là hai Thanh đồng, hội viên Hiệp hội UNESCO vùng Đông Bắc, Nguyễn Bích Hà và Đào Cảnh.

Khung cảnh diễn xướng lễ hội, chen không khí tâm linh với khói hương nghi ngút, cờ quạt, mũ áo rực rỡ. Dàn nhạc cung văn bỗng rộn rã. Điệu chầu văn trong vắt vút lên:

“ Triền sông gió cuốn rung cây

Sóng im cá lặn chim bay về ngàn

Canh khuya nguyệt lặn sao tàn

Lệ Chi Viên chốn linh đàn là đây

Hồn thiêng còn tỉnh hay say

Í i ì…….. i a à a a…

Hồn thiêng còn tỉnh hay say

Bể đời oan trái biết ngày nào vơi

Thỉnh cầu Thánh mẫu cao vời…

Giá đồng thứ nhất.

Thanh đồng Nguyễn Bích Hà trong bộ lễ phục màu trắng, áo dài cổ cao, thêu hoa văn kim tuyến, đầu đội mũ vành dây màu trắng, có giắt kim thoa, trâm ngọc.

Bùi La Việt thắp hương, dâng sớ khấn mời quan Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ về nhập đồng.

Thanh đồng Nguyễn Bích Hà được hai hầu dâng, cũng quần áo trắng, ngồi hầu hai bên, giúp trùm khăn phủ diện nhiễu đỏ. Thanh đồng lảo đảo chờ đồng giáng, một tay cầm hương, một tay cầm quạt, bước những vũ điệu đầu tiên trong tiếng đàn đáy, tiếng nhị, tiếng trống, phách, sinh tiền rộn rã. Những vũ điệu ban đầu khoan thai, mê hoặc, rồi nhanh dần, bốc lửa, dồn dập.

“Thỉnh cầu Thánh mẫu cao vời…

Lễ nghi Học sĩ một đời thanh cao

Vì chưng vướng nạn ba đào

Bị loài ma quỉ ghép vào khi quân

Nỗi oan thấu tận trời xanh…”

Hết điệu chầu văn tiếp dẫn, thanh đồng lảo đảo vì nhảy múa quá sức. Vẫn không có tín hiệu Lễ nghi Học sĩ giáng đồng.

Giá đồng thứ hai.

Thanh đồng Đào Cảnh trong bộ lễ phục màu vàng, áo hoàng bào, hoa văn thêu kim tuyến, đầu vấn khăn xếp vàng, ngồi đồng.

Bùi La Việt thắp hương, dâng sớ khấn mời quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi về nhập đồng.

Chiếc khăn phủ diện nhiễu đỏ được hai hầu dâng trùm qua đầu thanh đồng Đào Cảnh.

Lại những điệu múa cờ, múa bút uyển chuyển theo lời hát. Rồi mỗi lúc một dồn dập, bốc lửa.

Nhưng vẫn không có tín hiệu Ức Trai tiên sinh về nhập đồng.

***

Trong khi lễ hầu đồng vẫn tiếp diễn với các giá đông chúa Mẫu thượng ngàn, ông Hoàng Bẩy, Hoàng Mười… thì Ngô Tháp và Đỗ Chí Cao kéo ông Huỳnh Đạo, ông “Bôxít”, ông “ Lỗi hệ thống”, ông “Tiên Lãng”… ra ngoài khu tượng đài Đức Bà. Đó là một pho tượng toàn thân bằng đá hoa cương trắng, tạc quan Lễ nghi Học sĩ ngồi trên đài hoa, tay phải cầm bút, tay trái đặt trên lòng, cầm quyển sách mở, dáng bà thanh cao đài các toát lên vẻ đẹp đôn hậu, tài đức vẹn toàn.

Mấy người cùng thắp hương cầu khấn hồi lâu. Ông “Quá độ” nói:

- Có thể do chúng ta làm chưa nghiêm cẩn, nên Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ không về giáng đồng.

Ông Cao trầm ngâm:

- Tôi rất chịu khó nghiên cứu tâm linh, nhưng chưa thấy cụ Nguyễn Trãi nhà mình hiển linh bao giờ. Có lẽ nỗi oan quá lớn. Cụ quá hận…

Ông “ Bôxit” nói:

- Cũng có thể hai cụ không thể về khi mà thân xác còn bị chia lìa nhiều nơi…Những người chết không toàn thây, khi liệm, người nhà phải tìm bằng được các bộ phận đã tách rời.

Ông Huỳnh Đạo tư lự :

- Hồi tìm thấy cái cũi gỗ lim dưới ao thôn Khuyến Lương, chúng tôi cứ nghĩ xác hai cụ đã được dân mang về chôn ở trang Cổ Mai…Nhưng sau có nguồn tin lại nói thủ cấp hai cụ được môn sinh đem về chôn giấu ở Lệ Chi Viên…

Ông “Tiên Lãng” tỏ ra là một chuyên gia về đất đai:

- Sáu trăm năm…tất cả đều thành cát bụi, thành các hạt sóng. Chôn ở đâu thì cũng bay tứ tán trong không trung…

- “Thọt bỉ nhân” có vẻ rất mệt mỏi - Ông “ Lỗi hệ thống” nói - Cậu ta làm việc nhiều quá, mất khả năng ngoại cảm. Có khi mất sóng vì vụ nhập trại Lộc Hà. Các vị nên để Việt nghỉ cho lại sức.

Cả Cao và Thấp cùng đồng tình. Thấp mở bao ba số mời mọi người.

- Phải đấy. Ta đành đợi dịp khác. Bây giờ con đề nghị bố chủ nhiệm vào tuyên bố với hội hầu đồng, rồi ta giải tán. Em và bác Cao sẽ tháp tùng các bố và đoàn hầu đồng về khách sạn phố huyện. Phải đánh một giấc cho lại sức các bố ạ.

***

Quá nửa đêm. Lệ Chi Viên lại trở về với sự u tịch thâm nghiêm thường ngày.Tiếng côn trùng cùng đồng thanh tấu lên bản nhạc muôn thuở. Gió sông Đuống thổi phần phật ngọn cờ đại giữa sân, chạy lao xao trên mái ngói, rì rào trên ngọn bồ đề, trên những vòm vải đang mùa thay lá.

Bùi La Việt vừa đặt mình đã chìm vào giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ đủ lấy lại sinh lực sau mấy ngày đầy biến cố. Phía tấm phản bên cạnh, ông Huỳnh Đạo ngáy như sấm, hệt như một ông thợ cày sau một buổi làm đồng.

Có một bàn tay mịn mát đặt nhẹ lên vai Việt. Rồi hương thơm thoang thoảng toả ra từ mái tóc con gái phả vào mặt anh, mùi hương của hoa ngải tần không thể lẫn được.

- Em đây. Vương Tiểu Mẫn đây…

- Anh đã nhận ra mùi hương ngải tần…

- Em rất hạnh phúc khi anh vẫn yêu em như ngày ấy… Này, hình như có ai đang muốn gặp anh ở ngoài kia…

- Vương Tiểu Mẫn…em đừng đi. Anh muốn chỉ có hai đứa mình …

Việt chới với nắm lấy bàn tay nàng.

Và anh choàng mở mắt. Bàng hoàng.

Như một thông điệp ngầm, mỗi lần mơ thấy Vương Tiểu Mẫn, là một lần nàng mách bảo anh một điều gì. Việt nhẹ nhàng vòng sau tấm phản để khỏi ảnh hưởng giấc ngủ của ông Huỳnh Đạo, rồi đi theo mùi hương ngải tần dẫn dụ. Tiểu Mẫn muốn đưa anh ra chỗ tượng Đức Bà.

Như có phản xạ tâm linh mách bảo, sau khi thắp hương cầu khấn trước tượng Đức Bà, Bùi La Việt đi lại chỗ miếu thổ thần, dưới gốc xà cừ. Anh ngồi thế kiết già, nhắm mắt, hoàn toàn chìm vào vô thức.

Chếch phía tay trái, chỗ gò đất cao, một ông già thấp nhỏ, râu thưa, đầu đội mũ cánh chuồn bằng sa đen, vận bộ lễ phục gấm lục đã cũ, chân dận hài cỏ, lững thững đi lại.

Hình như tiếng gió đánh thức “Thọt bỉ nhân”. Anh vừa đặt mình đã chìm vào giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ đủ lấy lại sinh lực sau mấy ngày đầy biến cố.

Việt trở dậy, cố nhẹ nhàng để khỏi ảnh hưởng giấc ngủ của ông Huỳnh Đạo. Anh vươn vai hít một hơi thở sâu và đi ra chỗ tượng đài Đức Bà.

Rõ ràng, lúc xe chở Bùi La Việt trên đường sang Lộc Hà, anh đã nhìn thấy hai cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng đoàn tử tù. Từ hôm ấy, Việt luôn hướng dòng tìm kiếm hai cụ, mà sao vẫn bặt vô âm tín.

Như có phản xạ tâm linh mach bảo, sau khi thắp hương tượng Đức Bà, Bùi La Việt đi lại chỗ miếu thổ thần, dưới gốc xà cừ. Anh thắp hương và ngồi thế kiết già, nhắm mắt, hoàn toàn chìm vào vô thức.

Từ chếch phía tay trái, chỗ gò đất cao, Bùi La Việt nhận ra một ông già thấp nhỏ, râu thưa, đầu đội mũ cánh chuồn bằng sa đen, vận bộ lễ phục gấm lục đã cũ, chân dận hài cỏ.

Bùi La Việt chắp hai tay trước ngực, cung kính:

- Bẩm, ngài là Thổ thần Lệ Chi Viên?

- Đúng vậy. Ta là Phạm Mỗ…, quan sở tại trông coi hành cung này từ thời đức vua Lê Thái Tổ…

- Vậy thì chúng con đã tìm đúng người rồi. Thưa Thổ quan. Con là Bùi La Việt, biệt danh là “Thọt bỉ nhân”, cùng mọi người có mặt hôm nay, là những con dân nước Việt vô cùng kính yêu và ngưỡng vọng Ức Trai tiên sinh và quan Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Vì cái chết oan khuất của hai cụ và lương dân ba họ, chúng con tổ chức lễ cầu siêu và muốn được giải nỗi oan cho người xưa. Nay được vinh hạnh hầu chuyện quan Thổ địa, người cai quản hành cung Lệ Chi Viên, và từng chứng kiến cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông cùng nỗi oan khuất tày trời của Lễ nghi Học sỹ. Nay ngài cho chúng con hỏi: Có phải thủ cấp hai quan ngài đã được các môn đệ mang về an táng tại nơi đây?

- Nhầm rồi. Ta chưa hề có vinh hạnh được gặp hai quan ngài tại bản sở của ta kể từ vụ đức vua Thái Tông băng hà.

- Vậy ngài chắc biết rõ cái chết của nhà vua? Xin ngài hãy kể lại cho hậu thế nghe…

- Chuyện dài lắm…Đức vua chết trẻ, nên ngài rất thiêng. Thỉnh thoảng ngài vẫn dẫn quan binh rầm rập về đây, đòi xử tội đứa đã giết vua…

- Chắc không phải là quan Lễ nghi Học sĩ, thưa Thổ quan.

- Không đời nào có chuyện đó. Hoàng hậu vu hoạ cho Đức Bà… Ta biết cả, nhưng cứ phải ngậm bồ hòn suốt mấy trăm năm, bây giờ thì ta nói hết. Các vị có biết Quốc cữu Nguyễn Phù Lỗ không? Ông ta cùng với Lương Đăng, Tạ Thanh theo lệnh Hoàng hậu bày đặt ra cuộc mưu sát này. Nghe nói ban đầu Hoàng hậu chỉ muốn ngăn không cho quan Thừa chỉ Hành khiển về triều thôi. Nhưng đến khi nhà vua về Côn Sơn, gặp Nguyễn Trãi và quyết mời bằng được ngài về triều vào ngày giỗ vua Lê Thái Tổ, thì tình thế hoàn toàn thay đổi. Nhà vua đã biết chắc chắn Bang Cơ không phải là con của ngài. Trước đó các vị có biết nhà vua đi duyệt thuỷ quân ở bến đò Rừng và ngài đã gặp Tiệp dư Ngọc Dao và Hoàng tử Lê Tư Thành không? Cuộc gặp đó mới thật nguy hiểm, đẩy quan Thừa chỉ và quan Lễ nghi Học sĩ đến chỗ chết. Khi Tạ Thanh cho người phi ngựa lưu tinh về triều mật báo với Hoàng hậu cuộc gặp gỡ ở bến đò Rừng ấy, Nguyễn Thị Anh lập tức quyết định hạ độc cả ba người: đức vua và vợ chồng ngài Nguyễn Trãi. Nếu để nhà vua sống, chắc chắn ngài sẽ giết Hoàng hậu và Bang Cơ. Vì Bang Cơ, theo những chứng cứ của tẩm cung và lời đồn đại trong dân chúng, không phải là con ngài. Sổ sách ghi chép ngày giờ nhà vua ngự dâm với Hoàng hậu, hai hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc đã viết rành rành. Trong thời gian hai quan hoạn họ Đinh theo vua đi kinh lý Chí Linh, Hoàng hậu đã cho thám tử đột nhập phòng hai ông và lấy được quyển sổ ghi chép ấy. Hoàng hậu biết, chỉ sau đợt kinh lý miền Đông và đợi Nguyễn Trãi về triều, đức vua sẽ xử tội mẹ con bà, rất có thể sẽ tàn bạo hơn đã xử với mẹ con bà Dương Thị Bí, Nghi Dân.

- Dạ thưa Thổ quan, vậy sao sử thần Ngô Sỹ Liên lại viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư” là “ Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng…”?

- Đó là cái chỗ hèn của sử gia và dã tâm thâm độc của Thái hậu. Các vị có nhìn thấy dãy hành cung đằng kia không? Đấy, chỗ bây giờ đặt bức tượng Giọt lệ ấy. Bên cạnh tẩm điện nhà vua là phòng nghỉ của Tổng quản Hành quân Thái uý Trịnh Khả. Vua đi đâu, ngồi đâu, quan Thái uý không dời một bước. Vậy mà khi Nguyễn Phù Lỗ đến tiền trạm, ông ta đã tự ý thay phòng nghỉ của quan Thái uý, tự ý xếp quan Lễ nghi Học sĩ vào nghỉ tại phòng đó. Sắp xếp như thế vừa có dã tâm đẩy quan Tổng quản Hành quân ra xa vua để dễ bề tiến độc, vừa buộc Đức Bà phải gần vua để dễ bề vu cáo. Ta nhớ rất rõ, khi quan Lễ nghi Học sĩ đã khéo léo từ chối không ở biệt phòng đó, mà cứ nằng nặc đòi được ở chung với các cung nữ, thì cả hai vị Nguyễn Phù Lỗ, Tạ Thanh đều nói rằng, đó là ân điển của Vua ban. Tưởng quan Thừa chỉ Hành khiển cùng về dịp này, nên Viện nội mật đã bố trí biệt phòng cạnh vua cho hai người. Chớ nên thay đổi mà phật ý Hoàng thượng. Biết ý định ấy, nhà vua còn khen Tạ Thanh: “ Các ngươi biết nghĩ vậy ta cũng thấy mát dạ. Tối nay ta cũng có câu chuyện muốn đàm đạo với quan Lễ nghi Học sĩ”.

- Thưa Thổ quan, nghe nói đức vua bị cảm mạo từ buổi trưa, lúc thuyền ngự vào sông Thiên Đức?

- Đúng là đức vua khó ở và gai sốt từ lúc thuyền ngự qua mộ Bạch Sư ở cầu Bông. Suốt một tuần kinh lý, duyệt đại quân, rồi thống lĩnh ba quân tập thuỷ trận ở cửa Bạch Đằng, ngọc thể nhà vua có phần giảm sút. Người gắng vui và còn dự tiệc mừng của bản dân sở tại, ban ngự tửu cho quan quân. Tối ấy, bốn thượng quan ngự y của triều đình và hàng chục cung tần do Quốc cữu phái xuống thay nhau thuốc thang, túc trực. Riêng Thái uý Trịnh Khả thì hầu như không dời Hoàng thượng lúc nào…

- Dạ, ngài tin là lúc nào quan Thái uý cũng ở bên đức vua?

- Sao ta lại nhầm lẫn được? Nhưng có điều này, ta thấy nghi ngờ. Ấy là khi quan ngự y cho nhà vua uống thuốc xong, ngài bỗng nôn thốc nôn tháo, đi không vững. Chính quan Thái uý phải dìu ngài ra phòng hậu tẩm. Rồi ngài kêu mệt, nằm thiếp trên long sàng. Khi ấy chỉ có hai viên ngự y, sáu thị nữ và quan Tổng quản Hành quân đứng túc trực…

- Và cả quan Lễ nghi Học sĩ nữa?

- Không. Lúc ấy Đức Bà đã về phòng mình. Có lẽ ngài đã chuẩn bị đi ngủ. Chợt ta thấy bóng Tạ Thanh và Nguyễn Phù Lỗ. Hai ông thì thầm với nhau một lúc, rồi thấy Tạ Thanh rón rén đi vào bẩm với nhà vua điều gì. Vua gật đầu, gượng dậy đi ra võng nằm. Nội quan vội sang gõ cửa phòng Đức Bà. Một lúc, thì ngài choàng áo đi sang. Thấy Đức Bà, gương mặt nhà vua bừng sáng lên. Nhà vua gắng gượng ngồi trên võng, ra hiệu cho mọi người lui, rồi hỏi chuyện quan Lễ nghi Học sĩ. Đức Bà kéo ghế ngồi bên võng hầu chuyện vua. Ta thấy nhà vua chăm chú lắng nghe, như một đứa trẻ nằm nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Rồi ngài thiếp đi lúc nào… Đến khi Đức Bà hỏi lại, thấy nhà vua im lặng, thì hoảng sợ quá, kêu thất thanh…

- Thưa Thổ quan. Ngài có biết nhà vua và bà Lộ nói những câu chuyện gì?

- Ta nghe loáng thoáng về chuyện quan Thừa chỉ Hành khiển sắp về triều. Về bộ “Quôc triều Hình luật” mà Nguyễn Trãi mới soạn xong. Và có điều này, lúc ấy hai người nói nhỏ lắm, nhưng ta nghe rất rõ. Nhà vua hỏi: Có chuyện này ta vẫn nghi ngờ từ lâu, quan Lễ nghi Học sĩ chớ có giấu ta. Có đúng là Bang Cơ không phải con của ta không? Đức Bà biến sắc mặt, nói lảng sang chuyện khác. Ta thấy vua đấm ngực kêu đau… Rồi bất ngờ nhà vua gọi Mẹ, hỏi quan Lễ nghi Học sĩ về mẹ ngài là Cung từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, về cái chết của bà…Quan Lễ nghi Học sĩ kể đến đó thì nhà vua ôm mặt khóc nấc lên: “Mẹ ơi!”… Thế rồi suốt từ đấy, đức vua lặng đi, không bao giờ nói nữa…

- Những điều ngài nói thực vô cùng hệ trọng. Lần đầu tiên, sau gần sáu trăm năm, sự thật lịch sử này mới được hé lộ. Lớp hậu sinh chúng con xin vô cùng cảm ơn ngài. Nhưng có điều này xin được mạn phép thỉnh cầu. Ngài đã giúp chúng con thì giúp cho chót…

- Còn điều gì nữa ông cứ nói. Chính ta mới phải cám ơn hậu thế các vị... Ta mang tiếng là kẻ công bộc trông coi đất này mà suốt mấy trăm năm như kẻ vô tích sự, như lão già lẩm cẩm bị lãng quên. Giờ được hỏi han đến, ta như được sống lại.

- Dạ, phiền Thổ quan thỉnh cầu cho chúng con được kiến diện đức vua Lê Thái Tông…

- Ồ, sao không nói từ nãy? Đức vua là một người trẻ tuổi, anh minh. Ngài vừa đi ngang qua đây. Để ta thỉnh ngài cho các vị gặp nhé.

***

Ông Huỳnh Đạo nhìn quanh, không thấy “Thọt bỉ nhân” đâu, hoảng quá, định kêu lên. Nhưng rồi mùi hương trầm thơm ngát từ phía miếu Thổ thần, khiến ông định thần nhìn ra. “Thọt bỉ nhân” như một đạo sĩ đang ngồi bất động. Ông biết, Việt đã tiếp cận được với người âm.

Chính lúc ấy, vua Lê Thái Tông đang đi về phía “Thọt bỉ nhân”.

Ngài khoan thai, thanh thoát, đôi mắt tinh anh sáng rực, tiếng ngân như chuông:

- Ta chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Chính ta mới là người bị oan ức nhất. Oan mà không ai hiểu cho ta. Không ai nói và viết giúp ta, thanh minh cho ta.

“Thọt bỉ nhân” khoanh tay, kính cẩn:

- Thưa Hoàng thượng, Người oan ức gì? Có phải Người bị tiến độc?

- Vậy ta chết vì nỗi gì? Ta đường đường là một đấng thiên tử, vào tuổi hai mươi sức trẻ tràn đầy, vừa ba lần cầm quân đi tiễu bọn man di quấy nhiễu biên viễn,vừa tập thuỷ trận trên cửa Bạch Đằng, sao ta lại có thể chết bất đắc kỳ tử được? Sao các ngươi lại tin vào ba dòng chữ vớ vẩn của tên thư lại bồi bút Ngô Sỹ Liên? Hắn vu cho ta chết trên bụng quan Lễ nghi Học sĩ, tức là ta ngủ với bà và bị phạm phòng? Ha ha ha…Đồ đểu. Đồ vô liêm sỉ. Mang danh kẻ sĩ, học chữ thánh hiến, sao lại có thể viết càn rỡ đến như thế?

- Xin Hoàng thượng bớt giận. Hình như trong “Tam triều bản kỷ” Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên viết khác? Cuốn sách này có thể đã bị triều đình kiểm duyệt phế bỏ, hoặc bị chính tác giả tự tiêu huỷ? Có lẽ sử gia Ngô Sỹ Liên quá bị áp lực của Thái hậu mà phải bẻ cong ngòi bút? Kẻ sĩ thực khó mà giữ được ngay thẳng trong một chế độ độc tài.

- Ngươi nói chí lý. Bọn tiến sĩ khai khoa mấy chục tên đi theo ta xuống Côn Sơn khi ấy đều sợ hãi, khiếp đảm, mặt xanh như đít nhái, có kẻ khi bị Thái hậu hỏi đến sợ vãi đái ra quần. Đến như Tổng quản Hành quân Thái uý Trịnh Khả, võ quan đầu triều, thân tín số một của ta, định tâu rằng ta bị ngộ độc, liền bị ả ta cho tay chân là bọn Lương Đăng, Tạ Thanh, Nguyễn Phù Lỗ, bày trò cách ly thẩm vấn ông ta trong cung Hoa Dương, rồi doạ vu cho ông ta đã thông đồng với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, gây ra cái chết của ta. Một người dọc ngang trời đất, cưỡi voi tả xung hữu đột giữa vạn quân Ngô, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, vậy mà trước Nguyễn Thị Anh đành phải khuất phục. Bịt được miệng Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, thì bọn kẻ sĩ Long Thành chỉ là tôm tép, dòi bọ.Thị Anh giả vờ thương tiếc ta để thoả sức giết người diệt khẩu. Anh em Đinh Thắng, Đinh Phúc bị chết sau án tru di của Nguyễn Trãi 23 ngày…

- Thưa đức vua, hậu thế vẫn chưa biết gì về Thái hậu Nguyễn Thị Anh…

- Ta chưa thấy trên đời có người đàn bà nào quái kiệt như ả…Đát Kỷ, Võ Tắc Thiên bên Tàu cũng chỉ đến thế là cùng. Ngay lần gặp đầu tiên ta đã bị Nguyễn Thị Anh hút hết hồn vía. Ta trở thành tôi đòi của ái tình. Ả ta xoá nhoà hết bọn Huệ phi Nhật Lệ, Hoàng hậu Dương Thị Bí, Tiệp dư Ngọc Dao và hàng trăm mỹ nữ cung tần. Ả ta là nàng tiên và con quỷ trên long sàng. Mỗi lần ngự dâm với ả là một lần ta đến một cõi thiên thai khác lạ. Ta mê muội ả đến mức, khi ả ngỏ ý đòi cho Bang Cơ lên ngôi Đông cung Thái tử, ta liền phế truất ngôi của Dương Thị Bí và Nghi Dân ngay không cần suy tính…Mụ như phù thuỷ, sai khiến ta bất cứ việc gì.

- Và nhà vua đã mắc mưu gian…

- Ta thật là đáng thương… Thấp mưu thua trí đàn bà… Biết chuyện hoang thai, trò gian dâm sắp bị lộ, Nguyễn Thị Anh đã không chần chừ, quyết ra tay hạ độc ta. Ác độc hơn, ả giết ta nhưng lại mượn cái chết của ta để giết luôn cả Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ. Đây là tội ác khủng khiếp với cả trăm họ. Bôi đen lịch sử, thoá mạ lịch sử, mức độ tàn ác ấy còn tăng gấp nhiều lần. Nó ngấm ngầm huỷ hoại hậu thế. Với quan Lễ nghi Học sĩ, người vợ yêu của Ức Trai tiên sinh, thì đây là sự sỉ nhục tàn độc nhất. Quan Thừa chỉ Hành Khiển là người thầy vĩ đại của ta, điều này hiển nhiên rồi. Quan Lễ nghi Học sĩ cũng là sư phụ đáng kính của ta, người mà trong thâm tâm ta lúc nào cũng coi như mẹ đẻ của mình. Xúc phạm đến bà là xúc phạm đến mẹ ta, đến tất cả những người mẹ Việt. Còn ta, sử quan các ngươi còn nợ ta một lời xin lỗi. Ta đường đường là một vị vua trẻ tuổi, được đức Tiên đế cha ta giao cho những đại sư phụ bậc nhất nước Việt, về võ thì có các đại tướng Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Đinh Liệt…, về văn thì có Ức Trai tiên sinh, Chuyết Am tiên sinh, Cúc Pha tiên sinh, Mặc Hiên tiên sinh…(1), những võ tướng, danh thần tiếng tăm lừng lấy, chỉ nhắc đến, giặc Minh đã kinh hồn khiếp đảm.

Tuổi ấu thơ ta được nuông chiều, ta chơi bời, lêu lổng, dại dột, nhưng càng lớn ta càng biết nghĩ, biết liêm sỉ, chứ đâu phải phường dê chó để mà bị phạm phòng trên bụng người đáng tuổi mẹ mình? Vậy mà bọn văn sĩ các ngươi nhiều kẻ còn khoái trá, bệnh hoạn, khai thác cái đêm cuối cùng của ta, viết về cái chết của ta như một cuộc hoan lạc bẩn thỉu và bỉ ổi nhất. Chao ôi, các ngươi thừa biết ta có hàng trăm mỹ nữ cung tần. Mới chớm tuổi mười sáu, triều đình đã ép ta lấy vợ, rồi lấy liền trong ba năm tới bẩy cô nường. Ha ha…Ta có thể lấy nữa, thậm chí cả trăm vợ. Ta thiếu gì đàn bà để tiêu khiển, hà cớ gì tên sử nô kia lại vu cho ta ngủ với một người đáng kính như quan Lễ nghi Học sĩ, vợ của đại sư phụ ta, ở một hành cung sơ sài, trước hàng nghìn con mắt của văn võ bá quan triều đình đang dõi nhìn vào? Hả? Ai dựng lên câu chuyện tày đình này? Ai bịa tạc ra câu chuyện rắn báo oán, vu cho quan Lễ nghi Học sĩ là xà tinh, vì thù Nguyễn Phi Khanh mà hãm hại Ức Trai? Chính Nguyễn Thị Anh mới là con rắn độc. Chỉ cần ta sống thêm vài ngày nữa, ta sẽ xử con rắn độc đó với sự trừng phạt khủng khiếp nhất. Sau này Nghi Dân nói: “Diên Ninh tự biết mình không phải là con của tiên đế”(2), tức Bang Cơ không phải con ta, là đúng đấy. Ta đã có đầy đủ chứng cớ do bọn Đinh Thắng, Đinh Phúc và vợ chồng quan Đại Tư mã Đinh Liệt cung cấp. Sau cuộc gặp mẹ con nàng Ngọc Dao ở bến Đò Rừng, thấy Tư Thành đúng là con trai ta, đúng là tiên đồng giáng sinh như trong mộng, có tướng mạo của bậc đế vương thì lòng ta đã quyết. Ta muốn mời Ức Trai về triều xem ta xử mẹ con kẻ lăng loàn, nghịch tử, rồi ta đón Tiệp dư Ngọc Dao và con trai tiên đồng Lê Tư Thành của ta về triều tôn vinh ngôi Đông cungThái tử. Hỡi ôi, không ngờ mệnh của ta có hạn. Kế sách của ta bị lộ. Con rắn độc Nguyễn Thị Anh đã ra tay trước…

- Thưa Hoàng thượng, nhưng người ta có quyền nghi ngờ ngài. Sao đến phút cuối cùng, vào lúc đêm khuya, ngài lại cho gọi quan Lễ nghi Học sĩ? Và câu chuyện giữa hai người có bí mật đến mức suốt gần sáu trăm năm qua hậu thế vẫn không thể đoán ra?

- Ta đã nói gì với quan Lễ nghi Học sĩ vào lúc đêm khuya ấy ư? Lũ tim đen thì làm sao hiểu nổi? Đó là giờ phút linh thiêng nhất, khi ta kịp nhận ra ta đã bị tiến độc. Sau khi Tạ Thanh sai quan Ngự y dâng lên chén thuốc thứ ba, ta bỗng thấy toàn thân rã rời. Cổ họng bỏng rát. Ta rời long sàng ra võng nằm, người mệt lả muốn thiếp đi. Nhưng các ngươi biết không, nỗi đau vì bị lừa dối, phản bội, nỗi nhục của kẻ bị cắm sừng, làm trái tim ta nhức nhối, quằn quại. Vua bị phản bội. Vua bị cắm sừng. Nhục nhã quá. Chưa bao giờ ta đau đến thế. Con đĩ Nguyễn Thị Anh đã truy sát ta đến cùng. Hình ảnh hai mẹ con ả chập chờn trước mặt ta như yêu tinh. Đúng lúc ấy thì ta nghĩ đến Mẹ. Chao ơi, suốt bao năm sống không có mẹ, ta tưởng đã quen rồi. Vậy mà đột nhiên lúc ấy ta nhớ Mẹ vô cùng. Ta gọi: “Mẹ ơi, đến với con!”. Thấy ta kêu hốt hoảng, Tạ Thanh liền chạy vào và nói: “ Hoàng thượng vừa gọi Mẹ. Người bị mê sảng. Hay là để thần gọi quan Lễ nghi Học sĩ sang hầu người”. Ta vội nói: “Phải lắm. Ta muốn được nói chuyện với quan Lễ nghi Học sĩ ”. Thế rồi “Mệ Lộ” đã kể cho ta nghe những thời khắc cuối cùng của mẹ ta. Bà bảo rằng, khi ấy Ức Trai tiên sinh cùng bà đứng trong quân ngũ của cha ta đã mấy năm. Bà và mẹ ta chạc tuổi nhau, thân tình như chị em ruột. Đúng cái ngày mẹ ta, Phạm Thị Ngọc Trần, tình nguyện hiến tế cho thần Phổ hộ Trào Khẩu thì “Mệ Lộ” cùng các nhũ mẫu phải bày đủ cách để dỗ cho ta nín. Bà bảo, sau khi cha ta làm lễ tế trời đất và cầu khấn thần Phổ hộ Trào Khẩu, đồng ý nhường người thiếp yêu là mẹ ta cho thần, để thần phù hộ cho cha ta đánh tan giặc Ngô, thì mẹ ta vận bộ đồ trắng, đi hài xảo trắng, trang điểm như một nữ đồng trinh, tự nguyện xuống nằm trong một thuyền giấy đặt trên bè chuối rải đầy hoa rừng, cho mọi người lấy vải quấn chặt vào bè. Trước đó quan lang Mường đã cho mẹ ta uống một bát lá ngón, để khi mẹ nằm xuống bè, trôi khỏi thác chừng vài trăm thước là hôn mê. Làm như thế, mẹ ta sẽ không đau đớn, sẽ lầm tưởng như mình được thần Phổ hộ rước về thuỷ cung…

- Quả là một liệt nữ…

- Còn hơn cả một Liệt nữ. Mẹ ta là nữ lưu Anh hùng. Những lời kể của “Mệ Lộ” bỗng làm ta nhớ lại… Năm ấy ta mới ba tuổi. Ta có thể quên hết mọi chuyện, nhưng cái giây phút cuối cùng khi chiếc bè chuối chở mẹ ta xuôi theo dòng nước thì ta không thể quên được. Ta khóc thét lên, chân tay khua đạp tứ tung. Ta muốn nhảy xuống sông với mẹ. Bóng mẹ xa dần, nhoà dần trong đôi mắt đẫm lệ của ta, rồi chỉ còn là một đốm trắng. Bỗng lúc ấy, từ dưới sông, vang lên tiếng Mẹ: “ Xin Chúa công hãy nhớ lời hứa với thiếp. Hãy cho con thiếp làm Vua…”.

Vua Lê Thái Tông vừa khóc vừa nói:

- Câu chuyện của quan Lễ nghi Học sĩ khiến ta vô cùng tự hào và hãnh diện về Mẹ, ta hạnh phúc và sung sướng không kể sao cho xiết. Giọng kể của “Mệ Lộ” như lời ru của mẹ ta thuở ấu thơ. Ta thấy mình như trôi trên dòng sông cùng Mẹ... Ta quên hết những ghen tuông, đau khổ, những mưu mô, toan tính... Ta ra đi từ Lệ Chi Viên như vậy đó…

Chú thích:

(1) Tên hiệu của Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, Phan Phu Tiên, những văn thần thành đạt từ thời Trần, theo Lê Lợi khởi nghiệp.

(2)Đại Việt sử ký toàn thư. Diên Ninh chỉ Bang Cơ, tức vua Lê Nhân Tông.

LỜI CUỐI SÁCH

Đúng ngày 16 tháng tám âm, ngày giỗ Ức Trai tiên sinh và quan Lễ Nghi Học sĩ, cũng là ngày giỗ trận họ Nguyễn Nhị Khê, Chi Ngải, họ Nguyễn Hải Triều cùng các họ Trần, họ Phùng, họ Lê…thì tác phẩm “ Long thành tạp ký” của “Đoàn gia văn phái” do giáo sư Hoàng Nguyên và Thọt bỉ nhân Bùi La Việt dịch và chuyển âm xong. Người mừng nhất, mừng hơn cả hai nhà văn hoá Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp, chính là chủ nhiệm Huỳnh Đạo. Ông thức hai ngày hai đêm liền soạn email rồi lần lượt gửi thư điện tử cho các đại diện “Nguyễn Trãi Club” trong nước và các châu lục.

Kế hoạch xuất bản và quảng bá, hội thảo, đã được lên phương án chi tiết, chính xác từng ngày.

Bỗng từ làng Động, một tin động trời: Đêm rằm Trung thu, kẻ trộm đã dỡ ngói, chui từ trên trời xuống, đột nhập hậu cung điện thờ đình làng, lấy đi hộp sắc cổ mang từ chùa Thái Cực về, trong đó có năm quyển sách chữ nho, bản gốc của bộ “Long thành tạp ký”.

Rụng rời, choáng váng, hốt hoảng, rồi suy sụp trông thấy là hai ông Thấp ông Cao, chuyên viên văn hoá. Không phải hai ông sợ cánh buôn sách cổ Sài Gòn đòi lại tiền. Mà nguy nhất là hai ông sợ đi tù. Chứ sao nữa? Nguỵ tạo ra “Long thành tạp ký”, nguỵ tạo ra lịch sử, tội danh ghi rành rành trong bộ luật hình sự. Các cơ quan chức năng bảo vệ văn hoá sẽ không để các ông yên. Các ông cố tình nguỵ tạo ra một văn bản cổ, nguỵ tạo một trường phái văn chương “ Đoàn gia văn phái” với những tác giả Đoàn Khâm, Đoàn Sinh, Đoàn Lương, Đoàn Thiện Phổ….vô danh để viết lại lịch sử, bóp méo lịch sử. Rồi lại mời những kẻ nhân thân không rõ ràng như “Thọt bỉ nhân”, Hoàng Nguyên…, để chuyển âm, dịch nghĩa, hiệu đính. Rồi bói toán, lên đồng, gọi hồn nữa chứ…Chà chà…cả một loạt vấn đề rắc rối.

Để thật chắc ăn và tránh gặp chuyện rầy rà, ông Cao ông Thấp một mặt đề nghị hai dịch giả Hoàng Nguyên và Bùi La Việt tập trung hoàn chỉnh thật tốt lại bản dịch, một mặt cùng trung tá Philip và ông Huỳnh Đạo về làng Động. Trung tá Philip giờ đã chuyển về P90, cơ quan chuyên bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Một chuyên án mang mã số LTTK- 01 được thành lập. Với vốn kinh nghiệm lâu năm, và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trung tá Philip tin rằng cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra thủ phạm vụ trộm di sản văn hoá vô giá này.

Công việc tìm kiếm còn khó hơn mò kim đáy biển. Nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng rằng bản gốc “Long thành tạp ký” có ngày sẽ trở về làng Động.

Rất may, bản photo “Long thành tạp ký” vẫn có giá trị như một kỳ thư. Nhờ sự bảo trợ của các cơ quan Văn hoá, của “Nguyễn Trãi Club”, đặc biệt là sự tận tình, giám chịu trách nhiệm của Nhà Xuất bản X. cuối cùng “ Long thành tạp ký”, phần cốt lõi của tiểu thuyết “Nguyên Khí”, với những chương, những đoạn in nghiêng trong tác phẩm, đã đến tay bạn đọc.

Khởi thảo tại TP Hồ Chí Minh, 16 tháng 8 Nhâm thìn, ( 1.10.2012)

Hoàn thành tại Hà Nội tháng 7, Quý tỵ,( 8. 2013)

HMT