Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Lời thề trước ngòi bút

Lâm Hạ

Thời gian gần đây, tôi gần như muốn rời bỏ người bạn của mình:  Cây bút. Có nhiều người nói tôi viết những chuyện u ám quá, buồn quá, đời còn nhiều điều tươi đẹp, một số người nói tôi “lên gân”, “phản động” hay thậm chí là nông cạn. Nếu tôi cứ im lặng, tôi chọn cho mình một cuộc sống bình thường, lấy chồng, sinh con, làm cô nhân viên quèn ngày 8 tiếng lên cơ quan, sáng sáng đi tìm “gương người tốt việc tốt” rồi chiều chiều về đọc những ngôn từ hoa mỹ về thành tích của đảng bộ, chi bộ, hội phụ nữ hội thương binh hội thanh niên đủ kiểu, cũng an toàn chứ? Để rồi có những buổi chiều, tôi ngồi nhìn con quạ bên ô cửa sổ với tiếng kêu ai oán mà chỉ muốn cắt lưỡi mình, tôi đang làm gì đây? Những ngôn từ mị dân dối trá hằng ngày vẫn được rao giảng bởi những con người mơ ước một cuộc sống ổn định như tôi, tôi đang sống cuộc sống của một con người ư? Tôi không có tham vọng gì lớn lao, cũng chẳng muốn bàn luận những vấn đề được cho là nhạy cảm, nhưng là một người trẻ, một người Việt Nam, từ sâu thẳm trong lòng tôi cũng có một trái tim yêu nước, yêu con dân xứ sở như bao người khác. Bài viết này, tôi chỉ muốn chia sẻ góc nhìn của mình, trải nghiệm của bản thân và con đường tôi đang đi, dù cho bất cứ ai nói gì đi chăng nữa.

Từ ngày tôi bước chân vào cổng trường, với chuyên ngành báo chí thì thế hệ chúng tôi đã được dạy rằng “Đảng ta là đảng cầm quyền, tất cả các hệ thống báo chí trong nước đều nhằm mục đích bảo vệ Đảng.” Với suy nghĩ của một con bé 18 tuổi, tôi nghĩ đơn giản những thứ mình bảo vệ chắc phải tươi đẹp, phải tuyệt vời lắm như những báu vật trong truyện cổ tích. Chúng tôi được dạy báo chí có quyền lực rất lớn, người làm báo phải định hướng tư tưởng, định hướng dư luận, phải là người “bút sắc, lòng trong”, nhưng rồi chúng tôi cũng được dạy phải viết bài phản ánh (nếu có) sao cho “hợp ý Đảng”.

Tôi còn nhớ năm 2008, khi có biến động giữa mối quan hệ Việt – Trung, tất cả sinh viên chúng tôi được triệu tập chào cờ, đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi nhìn thấy hiệu trưởng nhà trường. Chúng tôi được khuyến cáo phải chào cờ 4 tiếng đồng hồ để ngăn chặn những sinh viên tham gia tổ chức các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Từ giây phút đó, trong tôi bắt đầu có những suy nghĩ, tại sao lại ngăn chặn biểu tình và nhất là lực lượng sinh viên? Một tầng lớp tri thức trẻ và nhiệt huyết nhưng chẳng có quyền lực hay của cải. Tôi tìm hiểu biết được ở Trung Quốc đã có một cuộc biểu tình của giới trí thức trẻ và lực lượng lớn là sinh viên Đại học Thanh Hoa, một sự kiện thương tâm làm chấn động nhân loại.

Với trí tò mò, tôi đã tìm hiểu những vấn đề về nhân quyền, về con người và những tội ác diệt chủng. Thời điểm đó tôi vẫn chưa có những định hình về chính trị, tôi chỉ có một suy nghĩ sơ khai rằng “Nếu vì lợi ích của một Đảng phái được điều hành bởi một nhóm người mà tàn sát cả hàng triệu người, thì đó có là tội ác hay không? Tại sao lại có những trại tập trung để thiêu chết người Do Thái, những hố chôn tập thể tại Huế? Nguyên nhân nào diễn ra những sự kiện thảm sát tàn khốc hủy diệt loài người?” Tôi bắt đầu hoài nghi về nhân loại, và về chính bản thân mình. Những ngày lang thang tại Thư viện quốc gia, trong tôi tràn ngập những câu hỏi chưa có lời đáp.

Ngày đó bến xe buýt cách xa trường tôi cỡ 1km, tôi thường đi bộ về trường thay bằng việc gọi xe ôm (cũng có thể vì tiết kiệm vài ngàn đồng cho một ổ bánh mì hay chai nước lọc). Trường tôi nằm trong khu vực của những người trồng rau. Một lần, tôi đi bộ về trường thì chứng kiến một cảnh tượng mà tới giờ phút này tôi vẫn còn nhớ. Một anh nông dân với chiếc xe máy cà tàng chở 2 sọt bắp cải đang quỳ lạy xin xỏ khóc lóc ôm chân một cảnh sát giao thông cầm dùi cui, anh ta lê lết dưới mặt đường nhựa cầu xin bằng những ngôn từ như đang tiến hành cúng tế tổ tiên. Vị cảnh sát giao thông đó vẫn đứng lạnh lùng, hất anh ta ra và lập biên bản tịch thu chiếc xe máy cùng 2 sọt bắp cải.

Tôi chứng kiến cảnh đó, nhưng tôi chỉ biết đứng nhìn. Tôi thấy mình bất lực và vô dụng. Từ đó về sau khi tôi vi phạm giao thông (cả 3 lần đều 1 tội chạy quá tốc độ quy định) thì tôi đều ký biên bản ngay lập tức mà chưa bao giờ mở miệng van xin hay gọi điện thoại nhờ vả người quen. Từ những điều mắt thấy tai nghe đó, tôi luôn muốn viết, nhưng dưới “ánh sáng của Đảng”, chúng tôi chưa thực sự được viết hết lòng mình, vì thế mà cụm từ “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét” được lưu truyền trong dân gian mà ngay đứa trẻ con nó cũng thuộc.

Tại sao trong khi chúng tôi được dạy phải “trung thực với lịch sử, người làm báo phải là ký giả của lịch sử”, những danh từ nghe thật hào nhoáng, nhưng ở nước ta, nói thật chẳng mấy ai tin những người làm báo. Thầy chúng tôi đã từng hỏi “Các anh chị biết ông tổ của truyền thông ở nước ta là ai không? Chính là thằng Mõ, cái thằng đi đánh trống khua chiêng thông báo theo chỉ thị của các chức sắc trong các làng xã cổ Việt Nam”. Khi biết được điều đó, tôi hoàn toàn thất vọng. Chẳng lẽ một thế hệ chúng tôi được đào tạo ra chỉ để làm cái nhiệm vụ tuyên truyền có định hướng thôi sao? Chúng tôi không có quyền nói lên chính kiến, suy nghĩ của mình? Chúng tôi đâu phải là những con vẹt?

Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu những hình thức biểu hiện khác của ngôn ngữ, như văn học, âm nhạc, hội họa. Tôi đọc những tác phẩm của những nhà văn Trung Quốc như Trương Thành Công, Mạc Ngôn và thấy được một xã hội Trung Quốc dưới chế độ cộng sản tàn bạo thế nào, người dân thống khổ, tệ nạn xã hội gia tăng, những tham vọng bành trướng, những tội ác mờ ám được che đậy dưới những mỹ từ mang tên xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa.

Vậy các nhà văn Việt Nam, họ có dám nói không? Có, nhưng rồi số phận của họ ra sao, họ bị vu khống, bị truy tố, bị giam cầm, bị trục xuất, bị bôi nhọ thậm chí tính mạng của họ và người thân bị đe dọa chỉ vì họ dám mở miệng ra nói sự thật, nói lên tiếng nói của mình. Khi biết được những điều đó, tôi sợ. Đã có nhà văn bảo tôi rằng “Cháu đừng viết những điều đó, ảnh hưởng không nhỏ đâu, cháu lại ở nơi hẻo lánh, rất dễ bị trù dập. Cứ viết về tình yêu thôi.” Tôi cũng là một cô gái bình thường như bao cô gái khác, cũng muốn có một gia đình ấm no, con cái vui vầy. Nhưng tôi cũng mong muốn mình lấy được một người chồng có chính kiến, dũng cảm và biết đứng lên bảo vệ lẽ phải chứ không phải là những anh công chức xã ăn vận bảnh bao sáng cắp cặp đến cơ quan “làm việc nước”, hạch sách nhũng nhiễu người dân đến giờ tan sở thì chạy ra quán cụng ly la cà rồi cho ta là oách nhất trần đời. Tôi muốn con cháu tôi được sống trong một xã hội có nền giáo dục tốt, phát huy khả năng tư duy, tình cảm của trẻ chứ không phải một nơi con trẻ chỉ biết học thuộc lòng, “khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng” và học thuộc “5 điều bác dạy”, như chúng tôi đã từng.

Tôi cứ bước đi một mình với những hoang mang như vậy, cho đến khi tôi biết, tôi không hề đơn độc. Khi tìm hiểu những thông tin trên mạng và qua Triết Học Đường Phố tôi biết không phải mình tôi mà còn nhiều người trẻ nữa cũng như tôi, mong muốn mang lại điều gì đó tươi đẹp cho cuộc sống này, và mong muốn cống hiến một phần tuổi trẻ của mình để làm nên điều gì đó đáng tự tào.

Sẽ có nhiều người thắc mắc, tại sao cô ta lại viết những câu chuyện như vậy? Cô ta có bị hoang tưởng không? Cô ta đang chán đời, chán chế độ nên viết cho vui? Hay cô ta được khuyến khích, có lợi nhuận từ việc đó? Xin thưa rằng bản thân tôi không hề làm việc/được điều hành bởi bất cứ đảng phái chính trị hay tổ chức nào, tôi viết chỉ vì nhu cầu tối thiểu của một con người, nhu cầu được nói, được chia sẻ những suy nghĩ của mình. Bản thân tôi khi làm việc gì cũng cân nhắc, nhất là việc VIẾT. Và khi quyết định làm một việc gì đó, tôi luôn nhớ đến cái tên của mình. Mẹ tôi khi đặt tên cho tôi chỉ mong sau này trên đường đời, tôi sẽ làm những việc không hổ thẹn với lương tâm khi kiếm những đồng tiền chính đáng, nên tôi viết hoàn toàn vì tự do cá nhân chứ không vì lợi nhuận nào cả.

Điều tôi muốn chia sẻ thêm một chút đó là công việc của một Người viết (bản thân tôi chưa từng có tham vọng sẽ làm nhà văn, nhà báo hay bất kỳ tên gọi nào khác nên tôi tự gọi mình là Người viết), đó là một công việc chẳng dễ dàng gì. Trước những trang viết của mình, tôi đã trải qua những dằn vặt đau đớn, những tuyệt vọng hoang mang, nhưng thật may trái tim tôi vẫn còn đập những nhịp thổn thức vì những điều đó.

Vậy nên tôi viết, có thể sẽ có người đồng cảm, cũng có người khen chê, nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thiện mình và con chữ của mình, như góp một phần cho tiếng nói chung của những người trẻ có trái tim và hoài bão. Tôi viết lên những màu buồn, màu xám cũng chỉ để đi tìm những màu sáng, màu tươi. Nếu cuộc đời này có thiên đường xã hội chủ nghĩa thì tôi cứ thanh thản nằm trên ấy mà hưởng thụ chứ tôi chẳng phải dằn vặt đau đớn mà viết làm gì. Vì cũng như chức năng của báo chí vậy, một tác phẩm báo chí hay văn học ngoài những chức năng như cung cấp thông tin, định hướng xã hội, có còn một chức năng không nhỏ, đó là dự báo. Tôi luôn có trách nhiệm với những gì tôi viết ra, vì nó còn thể hiện danh dự và đức tin của bản thân mình. Tôi xin chân thành nói lời cảm ơn đến Triết Học Đường Phố, nơi đã đăng những truyện ngắn của tôi, đã cho tôi có thêm niềm tin trên con đường mình đang đi.

Có một câu hỏi: Tôi có sợ không? Có chứ, gia đình tôi chỉ có tôi và mẹ già, không bà con họ hàng thân thích, tôi sợ lắm chứ. Nhưng có nhiều thứ còn mạnh hơn nỗi sợ hãi, đó là một niềm tin về tương lai tốt đẹp. Vì vậy, trước đây, bây giờ và về sau, tôi vẫn sẽ viết, sẽ nói lên những điều mình cho là đúng, cũng là góp vào cho đời chút hương vậy.

Hôm nay, tôi đã có một cuộc trò chuyện nhỏ, với cây bút của mình.

Minh Ngân

Đây là tên khai sinh của tôi. Còn dưới những tác phẩm của mình, tôi chỉ có một bút danh Lâm Hạ.

Nguồn: Triết học đường phố