Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (51): BÌNH NGUYÊN LỘC – TỲ VẾT TÂM LINH (KỲ 1)

Truyện dài

Bình-Nguyên Lộc

  (Tác giả xuất bản)

Ra khỏi trại bịnh hơn mười phút đồng hồ rồi mà Lưu còn nghe choáng váng bàng hoàng.

Chàng vừa trải qua những phút chấn động tâm thần mãnh liệt, nó suýt dìm chàng vào cõi bất thức giác y như người em gái của chàng, con bịnh mà chàng vừa thăm.

Ba tháng trước, ngày Bích lên cơn điên, chàng ở trên Đà Lạt. Cha mẹ chàng đã đưa Bích vào nhà thương Chợ Quán rồi đánh điện cho chàng hay tin.

Chàng đã thăm Bích hai lần, khi về Sàigòn, lúc ấy thì Bích đập phá, la hét rầm trời nhưng chàng không hề bối rối hay hoảng sợ chút nào. Chàng đã nghe sách vở và bạn hữu của chàng, những người bạn nghiên cứu chuyên khoa về khoa tâm bịnh, nói rằng những con bịnh làm ồn và phá phách, coi vậy mà rất mau khỏi.

Vả lại, lúc ấy Bích còn tươi tốt hồng hào lắm, hồng hào quá, và rất hung hăng, trông Bích như một con ác thú, như một người say rượu, không gợi tình thương xót bao nhiêu.

Rồi thì Bích được đưa lên đây, lên dưỡng trí viện nầy mà tục thường gọi là nhà thương điên Biên Hòa.

Đường xa, chàng bận học, cha mẹ chàng, nhứt là mẹ chàng, cứ giành đi thăm Bích mãi nên chàng không thấy mặt Bích đã hơn mười tuần lễ rồi.

Cứ theo lời mẹ chàng thì Bích đã đỡ nhiều, không la, không cười vô cớ nữa, cũng không đánh đập, cào cấu cắn xé ai nữa. Nhưng chàng ngờ 1ắm. Người ta đưa Bích lên Biên Hòa, sự kiện ấy chứng tỏ một tình trạng ngược lại mà bà cụ không dè.

Chàng thì chàng biết, cũng cứ qua sách vở và lời của bạn hữu. Nhưng chàng chỉ biết vậy... vậy thôi, cho đến cái giây phút đầu mà chàng thấy mặt đứa em gái thân yêu của chàng ở lần thăm đầu, hôm tuần trước.

Lưu trông Bích không khác ngày thường bao nhiêu. Nàng giống một thiếu nữ vừa qua một cơn ốm nặng, cảm cúm, hay sốt rét rừng gì đó, nước da xanh mét, thân thể tiều tụy. Chỉ có thế thôi. Mà với sinh lực hai mươi, sự suy đồi của cơ thể của Bích không đáng ngại, hễ ăn ngon ngủ kỹ vài hôm, hoặc tiêm độ năm bảy mũi thuốc nước cốt gan là lại sức ngay. Nhưng mà…

Bích chỉ còn là một con hình nộm không hồn mà thôi. Đôi mắt lờ đờ, mất thần của nàng trước người anh ruột của nàng, nhìn chàng trân trân mà không thấy, đôi môi cứ mấp máy, lẩm bẩm những gì không nghe được, bốn ngón tay cứ xe mãi một sợi chỉ vô hình rất dài, tất cả những thứ ấy làm cho chàng thấy em gái của chàng xa chàng vạn dặm.

Chàng đã mất Bích rồi, mất hẳn, không sao tìm lại được, vì chàng lo rằng Bích đã bước qua cái giai đoạn khó khăn nhứt trong các chứng bịnh tâm trí, giai đoạn mà bản ngã của con người co rút lại để không bao giờ mở ra được nữa cả.

Lưu đã khóc, đó là những giọt lệ đầu tiên của người con trai nầy, kể từ khi hắn rời bỏ tuổi thơ ấu.

Thật ra thì chàng đã khóc ngày chàng vừa được điện tín của cha mẹ chàng đánh lên Đà Lạt. Chàng biết em chàng đau khổ từ ngày vị hôn phu của nó bỏ rơi nó để cưới con gái một triệu phú.

Cái anh vị hôn phu ấy là bạn của chàng, hắn tới lui nhà chàng thường lắm nên hai đứa nó yêu nhau, và Bích mới yêu vỡ lòng nên yêu nhiều lắm.

Chàng đã khóc hôm ấy, nhưng rồi chàng buồn cười cho chàng lắm, bật cười ra và hết buồn ngay. Chàng cứ ngỡ Bích nó trẻ con nên đau tương tư bậy bạ vậy thôi rồi vài ngày nó sẽ nguôi.

Lần thăm trước thì chàng khóc nghẹn ngào. Và lần nầy nữa, vì đây là lần thứ nhì mà chàng đi thăm Bích. Không dám đứng lâu nơi cửa phòng bịnh để nhìn mãi cái cảnh đau lòng mà chàng hoàn toàn bất lực cứu vãn, Lưu bước ra ngoài, đi thơ thẩn trên con đường viền cỏ vú sữa, bần thần như là chính mình đang đau ốm.

Khi chàng lần bước ra tới ngã ba mà con đường nhỏ nầy gặp con đường lớn, con đường chánh của nhà thương, thì chàng thoáng thấy hai người đi thăm bịnh cũng vừa bước tới đó.

Hôm nay là một ngày thường, tức ngày làm việc, nên người thăm bịnh thưa thớt lắm.

Tình trạng thưa thớt nầy lại do hai nguyên nhân khác gây ra. Người điên, điên lâu năm chầy tháng quá mà gia đình họ thì bận sống. Hơn thế từ mấy năm nay, dưới quyền cai quản của một vị bác sĩ chuyên môn đã từ ngoại quốc về, nhà thương được cải tổ lại ở nhiều mặt mà điểm cải thiện đáng kể hơn hết là giờ thăm bịnh. Với thời dụng biểu thăm bịnh mới, bất cứ vào giờ phút nào trong ngày, người nhà cũng vào thăm bịnh được cả, sự dễ dãi nầy làm khổ nhơn viên nhà thương lắm, nhưng rất lợi cho các con bịnh, họ rất cần liên lạc tinh thần với những người thân yêu của họ. Những người nầy không siêng thăm viếng, nhưng được khuyến khích như thế, họ lại đâm năng tới lui. Vì lẽ đó mà khách thăm viếng cùng một lúc, xem như là gần không có ai cả.

Nếu như đây là nhà thương khác, Lưu sẽ không ngước lên, vì người thăm bịnh đã ùa vào một lượt với nhau, đông hàng trăm hàng ngàn người, không ai buồn nhìn ai cả, chớ có phải kẻ trước người sau, cách nhau hằng giờ như ở đây đâu.

Thế nên người anh đau khổ nầy mới ngẩng nhìn hai người thoáng thấy đó, mong rằng nhìn cây, nhìn cỏ không nguôi sầu thì nhìn cái gì biết cử động có lẽ vui mắt hơn chăng ?

Thình lình, chàng lặng người đi.

Không, người con gái ấy không đẹp tuyệt trần đâu. Nhưng mà ... thật là kỳ dị hết sức.

Lối cho phép vào thăm bịnh thả cửa ở đây, không giúp cho những người thăm bịnh gặp nhau được, bởi họ khỏi phải cùng nhau hầu cửa để đợi giờ, kẻ nầy vào xong, mười lăm hai mươi phút sau kẻ khác mới đến.

Gặp nhau là một chuyện ít xảy ra mà gặp nhau lần thứ nhì, như giờ đây, lại là một chuyện hi hữu.

Người con gái nầy, Lưu đã thấy mặt một lần rồi, hôm tuần trước, nhưng hôm ấy nàng chỉ đi một mình thôi. Nàng không đẹp tuyệt trần nhưng vẫn đẹp, và chàng đã nhìn nàng hôm ấy cũng chỉ vì người thăm viếng vào ra thưa thớt quá, và chàng đang buồn quá. Nhìn rồi sở dĩ chú ý đến nàng là vì nàng cũng đã mặc đầm, y như hôm nay.

Dầu yêu nước, quí trọng dân tộc tính hay gì gì đi nữa, thanh niên trí thức của thế hệ nầy vẫn bị Âu hóa, mà trong đó có một số thấy là chiếc áo đầm “văn minh” hơn chiếc áo dài ta.

Người mặc áo đầm có thể chỉ là một “sến”, một kỹ nữ, họ vẫn cho ta ảo tưởng là họ có học.

Đã chú ý đến cô gái, lần nầy chàng lặng người đi, không phải vì vừa đột thấy một nhan sắc có hạng mà vì kinh ngạc cho một sự trùng phùng kỳ dị, làm thế nào mà hai người có thể ở cách xa nhau vạn dậm, thời dụng biểu khác nhau, công ăn việc làm khác nhau mà cùng đi thăm người nhà nơi cái nhà thương tự do giờ khắc nầy trùng ngày trùng giờ, trùng lúc với nhau đến hai lần? Thế nên, mặc dầu không bị sét ái tình đánh, chàng vẫn nghe cuộc tái ngộ hi hữu hôm nay 1à một cuộc hạnh ngộ.

Lần nầy, nàng đi với một ông cụ, nói cho đúng hơn là ông cụ đi với nàng, vì ông cụ vịn vai nàng và nàng dìu ông cụ, cả hai bước thật chậm. Lưu đoán thì ông cụ chỉ trạc bảy mươi thôi, nhưng ông yếu quá sức, nếu không có cô gái, chắc ông không chống gậy mà đi một mình được.

Ông cụ không gầy ốm đâu. Ông khá phương phi, hồng hào, đối với cái tuổi của ông. Ông mặc Âu phục may theo lối tiền chiến, nghĩa là áo eo, quần ống chơn voi. Tuy nhiên, tuy ăn mặc lỗi thời trang vậy mà ông vẫn đẹp, nhờ người của ông đẹp và nâng đỡ lên lối cắt lỗi thời ấy.

Ông cụ, một tay chống gậy, loại gậy Ăng-Lê, một tay vịn vai thiếu nữ, bước những bước rất nặng nề khó nhọc, không nói năng gì, không nhìn ai, hoặc nhìn cái gì cả, không buồn không vui, và Lưu rùng mình khi chợt thấy rằng ông cũng hơi giống Bích ở cái điểm mất thần nơi gương mặt.

Trong khi đó thì thiếu nữ mở to đôi mắt tròn xoe ra để nhìn cảnh vật chung quanh một cách rất yêu đời và rất ngây thơ.

Ngây thơ? Vâng. Cứ bằng vào Bích, hai mươi tuổi, thì thiếu nữ nầy chắc mới xin thẻ kiểm tra năm nay đây thôi.

Hai người ấy rẽ tay trái để đi vào con đường nhỏ mà Lưu sắp ra khỏi đó. Chàng đụng đầu ngay với họ, và Lưu nghiêng mình thi lễ, đoạn tránh sang một bên rồi nói thật to, đồ rằng ông cụ chắc phải nặng tai lắm.

     -     Kính chào cụ! Chào cô!

Chàng nói lớn lắm, lớn quá sức, nhưng ông cụ vẫn có thể không nghe. Tuy nhiên, hẳn ông phải thấy. Vậy mà ông cứ lờ đi, làm như là không có ai đang cử động, đang mấp máy đôi môi, đang nhìn cô gái mà mỉm cười.

Cô gái gật đầu lặng 1ẽ chào lại thanh niên. Đáng lý gì rồi sau đó ai đi đường nấy, nhưng cô ấy rất bối rối và ngượng ngùng vì thái độ của ông cụ, cô thấy rằng mình phải giải thích kẻo người thanh niên nầy ngộ nhận rằng ông cụ thị đời, khinh người chăng?

Cô gái do dự rất lâu vì cô phải bày tỏ một tình trạng không hãnh diện lắm cho gia đình của cô. Nhưng chắc cô nghĩ rằng dầu sao phân trần vẫn còn đẹp hơn là cái bất lịch sự của ông cụ mà có lẽ người thanh niên nầy đã căm giận và khinh bỉ.

-     Xin lỗi anh, ông nội của em đã 1ẫn lụ rồi.

Lưu kinh ngạc hết sức. Quả mới có bảy mươi mà lẫn lụ thì cũng hơi sớm thật đó, nhưng đã lẫn lụ thì còn đi thăm viếng ai để làm gì ?

Thiếu nữ lại cúi đầu lặng lẽ giã từ Lưu rồi tiếp tục dìu ông của nàng đi.

Không hiểu sao, Lưu lại rảo bước theo họ, vì tò mò về ông lão đi thăm bịnh kỳ lạ, hay vì do sư thu hút của một sắc đẹp tuy không lộng lẫy nhưng có lẽ hạp nhãn của chàng thì không rõ.

Họ tiến tới, theo hàng ba, cô gái đi giữa người ông nội đã mất trí của cô và người thanh niên tò mò.

Lưu chưa biết nói gì. Cô gái cũng không tỏ vẻ khó chịu mà bị một anh con trai lạ cà rà theo sát bên cô ta. Cô ta còn ngây thơ nên không nghĩ quấy cho ai, hay là quen giao thiệp với bạn trai, rồi thấy cỡ anh chàng nầy mà có ý định theo tán tỉnh cô ta, thì đó cũng là một việc quá thường?

Giây lát, Lưu hỏi một câu rất xoàng:

-     Cô từ đâu đến?

-     Gia đình em ở Bà Chiểu.

-     Tôi cũng vậy... ơ... ơ... nghĩa là... tôi ở Sàigòn, cụ và cô đi thăm ai?

Một lần nữa, cô gái lại bối rối lên trông thấy, chắc là cô ta ngây thơ, chớ như người khác, họ đã đánh trống lấp, hoặc đã chỉnh kẻ tò mò. Cô gái ấp úng đáp:

-     Đi thăm bà nội lớn của em.

Rồi chợt thấy rằng mình đã hớ, bấy giờ cô ta mới hoảng hồn và mới nghĩ ra lối đánh trống lảng và hỏi rối rít người thanh niên mới quen, đến đỗi hắn đáp suýt không kịp thở:

-     Còn anh, anh đi thăm ai?

-     Tôi thăm em gái tôi.

-     Em ruột của anh hở?

-     Ừ.

-     Chị ấy bao nhiêu tuổi, anh?

-     Hai mươi.

-     Trời! Mặc dầu chị ấy lớn hơn em hai tuổi, nhưng hai mươi vẫn còn trẻ lắm. Vậy mà đã... À, chị ấy đã có đôi bạn chưa anh?

-     Chưa.

Vô tình, Lưu đã bắt chợt được tới hai bí mật của gia đình cô gái. Ông nội cô thì lẫn lụ quá sớm, còn bà nội ruột của cô ta, chỉ là vợ bé thôi.

Bỗng dưng thiếu nữ khả ái nầy trông dễ ghét lạ kỳ đối với hai con mắt mới của Lưu. Em của chàng đã bị tình phụ nên mới ra thân tàn ma dại thế kia. Mà nó bị tình phụ vì có kẻ đến sau. Chàng oán hận tất cả phụ nữ đến sau, vì tin rằng kẻ đến sau nào cũng làm cho người đến trước hóa điên vì ghen, không thể có ngoại lê.

Bà nội của cô gái nầy cũng 1à một kẻ đến sau. Và chàng oán tuốt luôn cháu nội của bà cụ ấy.

Chàng muốn trở gót đi ngay, nhưng vừa lúc ấy cô gái đáng ghét kia nói 1ên một câu còn dễ ghét hơn vì chàng ngỡ nghe thấy sự giả dối trong đó.

-          Tội nghiệp! Em thương chị ấy lắm!

Lưu phá lên cười một chuỗi cười rất mỉa mai rồi hỏi:

-     Cô thương vay như vậy ắt hẳn phải dư tình cảm nhiều lắm?

Chàng muốn nói thêm: “Vì cô có máu trăng hoa của ông nội cô và máu đa tình của bà nội cô, hèn chi cô không dư tình cảm sao được”. Nhưng chàng không nỡ tàn nhẫn.

Thiếu nữ không hiểu sự chế giễu của chàng, ngây thơ đáp:

-     Em không biết em dư hay là thiếu thứ đó, hoặc chỉ có vừa đủ thôi. Nhưng em thương chị ấy như em đã thương bà nội lớn của em.

-     Ha… ha… ha...! Cô thương bà nội lớn của cô? Thật là đúng y theo luân lý Khổng Mạnh: con cháu của các bà thứ vẫn phải kính yêu bà lớn, và về sau cũng phải đại tang phục cho bà chánh, y như bà ấy là bà nội, bà cố ruột của họ. A... ha... ha... đúng theo Văn Công Thọ Mai Gia Lễ đó mà!

Người thiếu nữ ngây thơ và hiền 1ành như một con cừu non nầy thình lình tím mặt, dừng bước lại rồi xẳng giọng nói thật to:

-     Bà nội ruột của tôi không phải 1à bà vợ thứ của ông nội tôi. Ông đừng có hiểu lầm rồi ức đoán và xuyên tạc hàm hồ.

Lưu đang hách dịch bỗng rụng rời kính sợ trước cơn thịnh nộ ấy, nó giúp chàng hiểu tức khắc rằng cô gái nầy hẳn phải vô cùng uất ức trước một ngộ nhận và một xét đoán bất công nên mới đang cừu lại hóa sói thình lình như vậy.

Và chàng rất buồn trước sự thay đổi 1ối xưng hô. Giờ thì tôi và ông, chớ không em và anh nữa.

Từ nãy tới giờ, cả ba vẫn đi chớ không phải đứng lại mà nói chuyện với nhau. Nhưng ông cụ yếu quá, nên bước chậm không thể tưởng được, và họ chỉ mới đi được có nửa chừng đường, con đường nhỏ viền cỏ màu, đưa vào trại bịnh phụ nữ nhà giàu.

Nếu như bây giờ mà chàng chạy trốn luôn thì êm chuyện. Thiếu nữ nầy ngây thơ và hiền lành lắm, không phải thuộc hạng người hay gây sự, nhứt định không nghe cho kẻ nào đã xúc phạm nàng đến tự ái, đến danh dự của cô.

Một ngàn năm nữa, chưa dễ họ có thể gặp lại nhau lần thứ ba, mà rủi ro có gặp nhau đi nữa, chưa chắc cô ấy sẽ dám hạch sách mắng nhiếc gì chàng.

Nhưng chàng không chạy trốn. Người con gái không có nhan sắc đổ nước nghiêng thành nầy, lại rất ưa nhìn đối với con mắt riêng của chàng. Và là kẻ có học, có giáo dục, Lưu quyết ở lại để tạ tội với người vừa bị mích lòng nặng.

Hơn thế, cái điều mà nàng đã thố lộ ra để đính chánh sự hiểu lầm của chàng, cái điều ấy kỳ lạ quá, khiến chàng rất thèm khát biết ẩn tình bên trong, thế nên chàng nhứt định không buông tha cô gái nầy.

Cái gì mà bà nội nhỏ lại không phải là bà vợ thứ? Bí mật nầy cộng với bí mật trước là việc một ông cụ đã lẫn lụ còn đi thăm vợ, mà lại là một người điên nữa, để rồi cả con bịnh lẫn người thăm, không ai nhận ra ai hết, hai bí mật ấy hợp lại làm cho trí tưởng tượng phong phú của tuổi trẻ thoáng thấy một tấn bi kịch gia đình nào, thu hút hắn vào người mới quen còn mạnh gắp mười nhan sắc trung bình của thiếu nữ nữa.

Lẽo đẽo theo sau nàng, mà đi thụt ra đằng sau hai ông cháu, chớ không dám đi hàng ba như khi nãy nữa, và bước được vài mươi bước, Lưu thỏ thẻ nói:

-     Cô ơi, xin cô tha tội cho tôi!

Thiếu nữ đã dịu được cơn giận dữ, vì cảm tình với người con trai nầy cũng có, mà vì thấy rằng sự hiểu lầm của hắn cũng không có gì là cố ý, bởi tình trạng gia đình của nàng quá đặc biệt, ai mà hiểu rõ cho được, qua thố lộ kỳ lạ của nàng, thế nên nàng đáp:

-          Không hề gì, miễn ông bỏ ngộ nhận của ông.

Lưu chưa lấy lại được trọn vẹn cảm tình của người thiếu nữ nầy, vì lối xưng hô nước lã vẫn còn được cô ta dùng.

Mặc dầu vậy, chàng cũng tiến lên để đi hàng ba như khi nãy. Chàng thấy cô ta châu mày, nhưng không nói gì, không phản đối, và mặt cô ta buồn dàu dàu.

Chàng lại nói lên một câu mà nếu ai nghe được, chắc họ buồn cười lắm, vì đó không phải là một lối xin lỗi khôn khéo, câu ấy không ăn nhằm gì với cuộc xung đột nhỏ vừa mới xảy ra giữa hai người. Câu đó là thế nầy:

-     Cô ơi, em gái tôi, tôi thương nó lắm.

Vậy mà đó là một thủ đoạn rất giảo quyệt của thanh niên nầy. Chàng đã tin chắc rằng thiếu nữ nầy thương xót em chàng một cách thành thật, nghĩa là nàng nhiều tình cảm lắm, nên chàng mới đánh vào nhược điểm ấy của nàng.

Chàng đánh trúng ngay bon, vì quả nhiên thiếu nữ đổi giọng rồi nói, nói khẽ như nói một mình:

-     Chị ấy chưa có chồng, mà ngày kia thì anh sẽ lập gia đình. Rồi còn ai mà lui tới để viếng thăm chị ấy! Bịnh tâm trí kéo dài lâu quá, có khi trọn cả đời người, như trường hợp của bà nội lớn của em, mà con người thì ai cũng bận sống. Người điên giống như người chết, tệ hơn người chết nữa, bởi còn có lễ Thanh Minh cho người chết mà không hề có bắt buộc nào để ràng buộc ai với những cuộc viếng thăm người điên.

-     Nếu như vậy thì bà nội lớn của cô rất có phước, chớ đâu có gặp cảnh huống như em gái tôi, nhưng sao cô bảo rằng cô thương, nghĩa là thương xót bà nội lớn của cô lắm?

Đáng 1ý gì không có tiếng vang đáp lại câu hỏi của thanh niên nầy. Hắn quá tò mò. Nhưng có lẽ cô gái đã bị tiếng sét rồi chăng, hay vì muốn xóa cho thật sạch trơn ngộ nhận không hay của người con trai nầy, mà rồi cô ta lại kể lể chớ không nín đi về chuyện gia đạo không tốt lành gì của cô. Cô nói:

-     Bà nội lớn của em ở vào một trường hợp đặc biệt. Cứ theo lời bà nội ruột của em kể lại năm bà còn sanh tiền thì...

-     Té ra bà nội ruột của cô đã qua đời rồi?

-     Vâng.

Thật là kỳ lạ. Gia đình nầy, không còn ai dính líu gì với người bịnh trong kia cả, trừ ông cụ đây, mà ông cụ 1ại 1ẫn lụ rồi. Nhưng vẫn còn có cuộc thăm viếng.

-     Ông nội của em, nàng tiếp, như anh thấy, cũng không còn bao lâu nữa sẽ về núi. Ba em, chú, cô em đều bận sống, mà rồi ngày kia chắc em cũng không còn rảnh rang. Như vậy bà nội lớn của em sẽ bị bỏ rơi. Em không thương sao được. Em đâu có thể nhờ người thứ nhì nào khác lên đây thăm bà.

Thiếu nữ cũng nói ra ý nghĩ của Lưu trên đây, Lưu ngạc nhiên vì không hiểu tình thương của gia đình đối với con bịnh, còn thiếu nữ thì cắt nghĩa tình thương ấy, tuy ổn nhưng không hữu lý cho lắm.

Ổn! Ổn vì con bịnh bị bỏ rơi nên chàng thương. Nhưng tại sao kẻ không dính líu đến con bịnh lại thương con bịnh? Ổn mà không hữu lý là vì thế.

-     Bà nội ruột của cô đã kể gì?

-     À, em nói không có đầu có đuôi. Ông nội của em chỉ mới lẫn lụ từ một năm nay thôi...

-     Cụ đã thọ được bao nhiêu rồi cô?

-     Dạ bảy mươi mốt. Còn bà nội ruột của em với bà nội 1ớn của em đồng niên với nhau là sáu mươi sáu.

-     Tôi cứ ngắt lời cô mãi, xin cô miễn phiền.

-     Không hề gì. Cho tới năm ngoái đây, mặc dầu chưa lẫn, ông nội em cũng đã quá yếu lắm rồi, nhưng tới kỳ thì cứ đòi đi thăm bà nội lớn của em, và dĩ nhiên là bắt em đưa đi. Em còn một người anh nhưng anh ấy đã đi du học hơn bốn năm rồi.

      Lắm khi em bực mình, hỏi sao em lại phải làm cái phận sự không phải là phận sự ấy.

      Bà nội ruột của em, còn sanh tiền năm kia, đã giải thích rằng bà nội với bà nội lớn của em là một đôi bạn gái rất thân, thì đó là phận sự của bà, mà bà cũng đã yếu lắm thì nhờ con, nhờ cháu vậy.

      Vả lại, bà lại giải thích thêm, em đi là để bảo vệ ông nội em, không dám giao phó cho người tài xế không đáng tin cậy lắm, chớ không phải để thăm viếng ai. Thăm viếng là công việc của ông nội em.

      Ban đầu thì như vậy. Nhưng mà đi một lần rồi thì em đâm ra thương bà nội lớn em quá, vì vậy mà giờ ông nội em đã lẫn lụ rồi mà em vẫn đưa ông nội em đi, đây là một cuộc hành hương đó anh à.

-     Nhưng tôi mới gặp cô tuần trước đây, cô có nhớ ra hay không?

-     Vâng, em nhớ, và em đã nhận diện được anh ngay khi nãy.

-     Cám ơn cô.

-     Vâng, tuần trước em đã đi... một mình, định rằng từ đây em cứ đi một mình thôi, nhưng rồi em lại đau xót quá nên tuần nầy em phải đưa ông nội em lên đây. Mấy năm trước lần nào bà nội ruột của em cũng cố ngăn ông nội em đi, vì thấy ông đã yếu, sợ ông mệt, chớ không phải vì ghen tương đâu, vì ông nội em đi thăm bà nội lớn của em như vậy đã bốn mươi lăm năm rồi, hồi ba em chưa ra đời lận.

-     Bốn mươi lăm năm?

-     Ừ.

-     Trời ơi, ngót nửa thế kỷ! Thuở cả hai chúng ta còn ở trong cỏi u minh nào không rõ!

-     Ừ, thuở ba má em còn chưa sanh ra lận kia mà!

-     Trời ơi, tôi thật không dè trên đời nầy lại có được một tình thương dai dẳng đến như thế.

-     Cứ theo 1ời bà nội ruột của em thì ông nội em cưới bà nội lớn của em được một năm rồi thì bà mất trí. Ông nội em đợi hai năm, nghe nhà thương nói rằng không hy vọng gì, nên ông nội em mới cưới bà nội ruột của em đó anh à.

-     Vậy à? Hèn chi! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mà bà nội nhỏ lại không phải là vợ thứ của ông cụ. Vâng, bà nội ruột cô là vợ kế chớ không phải vợ thứ.

-     Đúng như vậy.

-     Một 1ần nữa tôi xin cô thứ lỗi cho tôi.

-     Chuyện đó đã qua rồi, còn trở lại làm gì! Bà nội lớn của em còn khỏe ghê lắm anh à, bà ắt còn sống nhiều năm nữa. Bác sĩ bảo rằng sức khỏe về thể chất đôi khi không đi đôi với sức khỏe tâm trí, và bà nội lớn của em mặc dầu đã hết hy vọng trở về thế giới tri giác, vẫn có thể rất trường thọ.

      Em nghĩ đến ngày em không còn rảnh rang nữa, chẳng hạn như em đi lấy chồng rồi đùm đề con dại, em thương xót bà nội lớn của em quá. Bà sẽ bơ vơ ở đây một mình, như là xác chết dưới mồ hoang, mả lạnh, bị cả thế gian quên mất rằng trên đời có bà.

      Phía bên bà, bà còn có cháu kêu bằng bà dì, bằng bà cô, nhưng họ xa lạ với bà quá...

Cô gái nghẹn ngào ở câu cuối cùng nầy, có lẽ còn dài nữa. Lưu nói cho có chuyện để mà nói:

-          Họ hẳn không xa lạ bằng cô.

-          Anh lầm. Em mời anh đi theo em vào buồng của bà nội 1ớn của em. Anh sẽ thấy rằng chẳng những em gần bà mà thôi, mà cả anh cũng sẽ gần nữa. Ai mà chứng kiến một lần cuộc thăm viếng kỳ lạ của ông nội em thì nghe mình không thể quên con bịnh được nữa.

Lưu mừng không thể tả. Đó là mục đích của chàng, chàng 1ẽo đẽo theo thiếu nữ vì mong mỏi được biết thêm cái gì, cái đó có thể là ở tại buồng của bịnh nhân cũng nên, nhưng chàng đã bươi trí từ nãy giờ mà không tìm được cớ gì chánh đáng để xin cái ơn huệ nầy mà đến phút chót chàng lại nhận được một cách bất ngờ.

Vâng, đây là phút chót và thiếu nữ đang xoay trở để giúp ông nàng bước lên thềm của trại bịnh. Lưu giành lấy công việc ấy để giúp cô gái, và chàng rất lo rằng lần sau không có chàng, ông cụ có thể ngã lắm, bởi ông thì như đứa trẻ mới biết đi lững chững mà lại nặng cân quá thì cô gái yếu đuối nầy làm thế nào mà đỡ nổi ông nếu ông rủi ro vấp chân khi leo mấy bực tam cấp nầy.

Buồng của bà cụ là buồng nhà giàu nhưng gồm hai giường. Có 1ẽ đó là một trong nhiều trị liệu của nhà thương, để hai con bịnh nằm chung cho họ đỡ cô đơn chăng? Nhưng cái giường thứ nhì, hiện trống, không có người chiếm từ lâu, hay là người ấy vừa khỏi và đã ra nhà thương rồi thì không biết.

Ba người lặng 1ẽ dừng bước tại ngưỡng cửa buồng bịnh nhơn chớ không vào.

-     Anh!

-     Em!

Hai ông bà cụ gọi nhau như thuở họ còn thanh xuân.

Thời gian đã ngừng trôi chảy trong tâm trí họ từ nửa thế kỷ rồi, đã ba thế hệ người qua rồi.

-     Ấy, ông bà vẫn còn nhận được nhau, thiếu nữ giải thích, nhưng thực giác của ông bà dừng lại tức thì liền ngay sau cuộc nhận diện. Thế rồi thôi.

-     Bà gọi ông cụ bằng “anh” thì hữu lý, vì cứ tưởng rằng bà là một thiếu phụ hăm bốn, Cớ sao ông cụ lại gọi bà bằng “em”? - Lưu hỏi.

-     Ông nội em chỉ gọi như vậy từ ngày ông nội em lẫn lụ, còn trước đó thì ông nội em kêu bằng “bà”.

-     Ừ, có thế chớ. Bây giờ thì chính ông cụ cũng tưởng rằng mình còn thanh xuân?

-     Chắc là như vậy.

Lưu nhìn hết ông cụ đến bà cụ và thấy được rõ rệt một sự nỗ 1ực vô biên của hai người già nầy, họ cố gắng đến độ tột cùng của ý thức mong manh hấp hối nơi họ để nhớ lại cái gì. Nhưng họ đã hoài công.

Lưu nghe như bị một tảng đá thật to đè lên ngực chàng khi chàng theo dõi nỗ lực của hai cái ký ức hao mòn nầy theo dõi trên mắt của họ. Bốn con mắt khờ khạo nhìn nhau trân trối, mí mắt của họ không hề nhấp nháy lần nào hết, ánh sáng của thức giác chốc chốc lại lóe lên như một con đom đóm rồi lại tắt đi ngay. 

Thức giác của họ lặn hụp, bảy nổi ba chìm, nhưng nếu nó có trồi lên mặt nước ý thức thì cũng chỉ trong khoảnh khắc mà thôi, cái khoảnh khắc ấy chắc không dài hơn một giây đồng hồ.

Chắc chắn là như vậy vì Lưu thấy rằng cả bốn mắt đều rơm rớm 1ệ. Nếu họ hoàn toàn không biết gì hết thì không thể nào ngấn lệ mong manh ấy lại trào ra.

Đau xót là ở chỗ đó. Thà là họ không biết gì cả, hoàn toàn chìm đắm trong đêm tối của sự điên loạn, chớ còn ý thức và nhớ lại trong nháy mắt như thế, họ chắc chắn là có biết đau khổ trong những 1úc ngắn ngủi và một dĩ vãng đau thương nào bỗng sống dậy.

Bây giờ Lưu mới tin được cái câu của thiếu nữ khi nãy: “Ai mà chứng kiến một lần cuộc viếng thăm kỳ lạ của ông nội em thì nghe mình không thể quên con bịnh được nữa”.

Chàng day lại nhìn thiếu nữ thì thấy mắt mũi nàng đỏ cả. Một người thứ tư đang đứng sau lưng nàng mà sắc phục cho chàng biết ngay rằng đó là một nữ giám thị.

Bà nữ giám thị già nầy cũng mủi lòng rơi lệ, mặc dầu làm việc thâm niên hẳn bà phài quá quen với những cảnh thuộc loại nầy.

Nhìn sự nỗ lực của hai thức giác tàn lụn ấy, Lưu tin chắc rằng phải có một tấn bi kịch cũ gần nửa thế kỷ mà có thể thế hệ thứ ba là người thiếu nữ ngây thơ đang đứng cạnh chàng, không hay biết gì cả.

Thế hệ thứ nhì là cha của cô gái, có lẽ biết, bởi còn nhân chứng của tấn bi kịch ấy, họ bép xép, nếu tấn kịch công khai, họ xầm xì nếu tấn kịch được giấu giếm.

Những nhân chứng nầy không hẳn đã chết hết rồi, nhưng chuyện đã hóa thành chuyện thời sự của thế kỷ trước mà họ lại già quá rồi, không thích ngồi 1ê đôi mách nữa nên bí mật gia đình nào cũng đến thế hệ thứ ba là được chôn luôn.

-     Thôi đi về ông!

Hai ông bà lặng lẽ nhìn nhau ngót nửa tiếng đồng hồ nên cô cháu của họ thấy rằng bấy nhiêu đó đã đủ lắm rồi.

Thiếu nữ nói xong, cầm tay ông cụ đặt lên vai nàng, lặng lẽ nhìn bà cụ người dưng lần chót rồi trở gót, ông cụ máy móc xây lưng theo cháu.

Cả ba im lặng bước ra, bà nữ giám thị già hỉ mũi rồi cũng đi.

Không, không thể nào Lưu chịu bỏ cuộc sau trận chấn động tâm thần lần thứ nhì nơi chàng, trong buổi sáng nầy cả. Chàng phải quen với gia đình nầy mới được.

Tò mò tìm biết chuyện riêng tư của người ta thì xấu xa lắm, nhưng có những chuyện riêng tư lại không phải là riêng tư nữa đối với hạng người nào đó, chẳng hạn đối với một thanh niên hơi hơi muốn vào làm rể ở gia đình ấy!

Hắn có quyền kín đáo theo dõi và điều tra như một nhà trinh thám có cái quyền ấy, chỉ khác là quyền của hắn vì lợi riêng cho hắn, còn quyền của nhà trinh thám thì vì công ích.

Lưu nhớ ra là khi nãy, thiếu nữ cứ thẳng thắn mà nói chuyện chồng con của nàng về sau, không e lệ chút nào thì làm quen với nàng lâu dài không khó lắm đâu.

Tuy nhiên mãi cho tới khi họ để chơn lên chiếc cầu gỗ bắc ngang qua con suối chảy xuyên cái sân nhà thương,  con suối từ trong rừng sâu đổ ra, để trôi về đâu không rõ. Lưu mới tìm được cách ra khỏi cảnh ngậm câm của chàng. Chàng hỏi:

-          Không chắc gì ta sẽ được may mắn gặp nhau ở đây nữa, mà tôi thì rất muốn gặp lại cô. Vậy làm thể nào để...

Cô gái quay lại nhìn người thanh niên nầy rồi cười rất giòn mà đáp:

-     Rất dễ, xin mời anh đến nhà em chơi, hôm nào đó, tùy anh.

-     Té ra cô được tự do có bạn trai?

-     Vâng. Anh đã thăm bà nội lớn của em, đáng lý gì em cũng thăm chị ấy mới phải cho. Nhưng coi bộ ông nội em đã mệt. Xin anh thông cảm, và em chúc chị ấy mau lành.

-     Cám ơn cô, và cô khỏi phải xã giao về cái vụ thăm viếng không cần thiết ấy. Xin cô  cho tôi biết địa chỉ và quí danh.

-     Em tên Liễu. Còn nhà em thì... à, anh về bằng gì?

-     Tôi có xì-cút-tơ[1] ngoài kia.

-     Nếu không, mời anh cùng đi xe của em, và như vậy, anh sẽ biết nhà. Em ở tại đầu cẩu bên nầy, cây cầu nối liền đường Hàng Thị và đường Hàng Sanh, anh biết khu phổ đó chớ?

-     Biết.

-     Cầu không có tên, nhưng có người gọi là cầu Hội đồng Sầm.

-     Nhưng bên nầy là bên nào?

Liễu lại cười và nói:

-          Dĩ nhiên người thành phố phải đứng ở vị trí thành phố mà nói. Bên nầy tức là bên trung ương thành phố Gia Ðịnh.

-          Chắc cô ở đó đã lâu lắm rồi chớ không phải mới tới?

-          Đúng. Nhưng gì làm cho anh đoán như vậy?

-          Cô dùng toàn địa danh cũ. Chẳng hạn Gia Ðịnh, cô gọi bằng Bà Chiểu, đại lộ Bạch Đằng, cô kêu bằng đường Hàng Thị, còn cái Hàng Sanh ấy nữa.

Liễu cười giòn lên mà rằng:

-          Em đã quen miệng rồi. Thuở em còn bé, người trong vùng kêu như vậy. Anh thật có tài trinh thám.

Lưu cũng cười, và nói:

-          Tôi rất muốn có tài đó, chỉ lo rơi vào câu lạc bộ bảy người mà thôi.

-          Câu lạc bộ bảy người là gì?

-          Chuyện dài lắm, và buồn cười lắm, để hôm nào tôi kể cô nghe.

-          Em chỉ nhà chưa trọn. Hay là để em thử tài trinh thám của anh chơi. Anh cứ tìm, mà không giao hỏi thăm ai hết.

-          Tôi sẽ tìm ra cho cô coi.

-          À, anh có đến thì đến ban đêm, sau 8 giờ rưỡi, vì ban ngày em bận đi học.

-          Nhưng đường Hàng Sanh hay Hàng Xanh?

-          Hàng Xanh là danh từ của vài ông nhựt trình, chớ thật ra là Hàng Sanh.

-          Nhưng Hàng Sanh là gì?

-          Anh có trồng cây si ở đâu chưa?

Lưu bật cười và hỏi:

-          Trồng cây si có dính líu gì đến Hàng Xanh?

-          Rất có. Cây Sanh cùng loại với cây Si và cả hai cây đều từa tựa như cây Đa. Hồi trước, qua cầu rồi thì hai bên đường có trồng hai hàng cây Sanh. Đó là nơi mà ba em tả chớ em cũng chẳng thấy hai hàng cây Sanh ấy, nó bị đốn năm em chưa đẻ. Nhưng em có biết cây Sanh. Ngay ở trong sân nhà em cũng có một cây, nhưng nhỏ xíu trồng trên non bộ.

Họ đã ra tới cổng nhà thương. Bác tài xế già thấy bóng chủ vội mở cửa băng sau của một chiếc Simca 9 đã cũ và đỡ ông cụ lên đó trước.

Liễu lên sau rồi y đóng cửa lại. Cả hai người bạn mới nầy đều đưa tay lên một lượt để vẫy tạm biệt nhau, và khi xe chạy khỏi đó hơn 10 thước, Lưu nhìn theo, thì thấy Liễu cũng nhìn lại chàng, qua tấm kính sau.

Họ lại vẫy tay một lần nữa.

[1] xì-cút-tơ = scooter: xe gắn máy bánh nhỏ