Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ 5)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

Mười

Trong tai tôi còn ứ đầy lời lẽ ông toán trưởng bỗng một tiếng súng khô, ngắn, nổ vang trên đỉnh núi. Thằng học giả tụt trên võng xuống, gọi:

“Thằng cấp dưỡng nó bắn đấy, chắc trúng con gì rồi.”

Nó rủ tôi đốt bếp đặt nồi nước chờ hai thằng kia khiêng thịt về, vì lúc kéo thằng cấp dưỡng đi săn, thằng hộ pháp dặn hễ nghe tiếng súng là ăn chắc, ở nhà cứ chuẩn bị. Tôi ngồi nhìn thằng học giả loay hoay thổi lửa cho nước chóng sôi, không nhịn được cười:

“Tao ngờ không khéo hai đứa nó cho mày ăn thịt hươu.”

“Trên cao này làm gì có thứ đó”

“Không có sao nó vừa bắn đấy. Lạy trời nó vác về con cày hương tao nấu cho ăn thì đến lúc chết, thịt chúng mày vẫn còn thơm. Nhưng cái loại này hiếm lắm, tuyệt chủng mất rồi, trên cao thường có sóc bay, cầu trời bắn được một con nấu cháo cũng sướng”.

Nó chọc chọc cành củi cho ngọn lửa bừng to, lầm bầm câu gì đó rồi thở dài: “Vùng núi đá này không có sóc bay đâu. Thôi, tao cầu lấy một con thỏ vậy, đúng rồi, thỏ được nhiều món lắm, thỏ rô ti, thỏ xi vê...”

Rồi nó kể tôi nghe cái chuồng thỏ ngày xưa của nhà nó nuôi được cả vài chục. Cái giống đó dễ nuôi, mắn đẻ, ăn thịt xong lại có được bộ lông, mà ngày xưa nhà tao đâu có thèm ăn thịt thỏ, cái đó nhiều quá, phát chán, nên chỉ dành cho đầy tớ trong nhà. Ngày xưa, nhà tao có năm đứa tất cả: một thằng nhỏ sai vặt, một con sen, một u già, một mụ bếp và một thằng lái xe chuyên đưa mẹ tao đi lễ chùa và đưa đón tao đi học. Trời ơi, sao cái thời đó sướng thế, lúc nào một bên túi cũng có cả xấp tiền lên, túi bên kia để rặt tiền lẻ, muốn tiêu gì thì tiêu, muốn ăn gì cứ việc gọi, vậy còn thèm khát gì nữa đâu, ở nhà chả bao giờ thiếu cái gì. Trong tủ rượu lúc nào cũng có whisky, rhum, cinzano, cointreau, vang, sâm banh... Mở frigidaire ra là có sẵn thịt nguội? Giăm bông, ba tê, phó mát, thôi thì đủ thứ thượng hạng cả thôi. Thời dó tao sướng quá mà không biết mình sướng, vẫn cảm thấy đời là bể khổ mới chết chứ. Mẹ tao cứ than phiền:

“Sao lúc nào con cũng buồn bã ủ ê thế? Con muốn cái gì cứ nói ra bố mẹ mua cho...”

Không, tao chẳng muốn mua gì, có thiếu gì nữa đâu. Vậy nhưng để làm tao vui, mẹ tao vẫn khuân về nào xe gắn máy, nào radiô quay đĩa, đồng hồ Omega... Vô ích, ngoài giờ đi học, suốt ngày tao ru rú trong buồng, đọc sách chán lại nằm ngửa nhìn trần nhà, buồn đến ứa nước mắt mà chẳng hiểu vì sao lại buồn?

Thằng học giả kể đến đó, nước trong nồi đã sôi nảy cả vung. Tôi dụi bớt củi, khích cho nó kể nữa.

“Chắc cu cậu phải lòng con nào mà nó lại không ưng cậu chứ gì?”

Quả nhiên nó hăng lên vỗ ngực:

“Thời đó học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu như tao thiếu gì gái theo. Cô nàng búp bê cạnh nhà tao đấy, mê tao như điếu đổ. Mày cứ tìm cả mười cái trại mồ côi của mày cũng chẳng có cô nào đẹp như nàng. Tóc mây nhé, đôi bàn tay óng nuột như ngà, còn đôi mắt, ôi đôi mắt thăm thẳm hồ thu hớp hồn người. Tao dám cược với mày không một thằng văn sĩ nào tả nổi vẻ đẹp của nàng. Xinh xắn như một con búp bê, dịu dàng như con em gái mà lại nồng nàn say đắm nữa chứ. Cứa sổ phòng nàng nhìn sang phòng tao cách nhau chưa đầy hai chục mét, nhưng gần nhà xa ngõ, bố mẹ của cả hai bên đều nghiêm lắm thành ra tuy nhìn thấy nhau mà vẫn cách xa. Ngày nào tao cũng viết thư, bắn súng cao su sang cho nàng. Nàng tưởng tao buồn bã u ê vì tương tư nàng nên lại càng thương yêu lắm. Mỗi lần lẻn nhà gặp nhau trong rạp chiếu bóng, nàng lại ôm lấy tao vuốt ve:

“Sao có em rồi mà lúc nào anh cũng rầu rĩ thế?”

Tao bảo nàng, anh cũng chẳng biết nữa càng được em ôm trong vòng tay anh càng thấy buồn. Mày có biết tại sao không?”

Tôi không thạo tâm lý, nhưng tôi đoán tại nó chưa được ngủ với nàng, mới chỉ được ôm thôi, bởi vậy càng ôm lại càng buồn. Nghe tôi nói vậy, nó nhìn tôi với ánh mắt khinh bỉ:

“Thằng đầy tớ nhà tao cũng nói như mày đấy. Cậu cứ ăn gỏi phăng ngay cô ấy đi, hết buồn ngay ấy mà. Bọn khố rách áo ôm chúng mày một duộc như nhau cả: với đàn bà chỉ có lên giường, lên giường...”

Nó chợt sững ra vì biết lỡ lời nhưng rồi nó hiểu ngay rằng “cái thằng khố rách áo ôm” đang ngồi trước mắt nó là cái thằng tôi, nó mới cười phá lên:

“Tao nói thực đó, chưa bao giờ tao có ý định xúc phạm tới nàng. Chỉ mới cầm tay, đặt một cái hôn lên đó, tao cũng run bắn lên rồi. Tao không muốn đòi hỏi ớ nàng bất cứ cái gì, ngược lại tao chỉ muốn tặng nàng những gì quý giá nhất.”

Giọng thành thực của nó làm tôi cũng phải bùi ngùi.

“Những cái đó mày thiếu gì: radiô, xe máy, đồng hồ...”

Nó lại nhìn tôi với ánh mắt ban nãy nhưng lần này không mắng mỏ nữa:

“Nhưng có một cái tao không có...”

“Cái gì thế?”

“Sự nghiệp”.

“Sự nghiệp?”

Tôi kêu lên kinh ngạc, cái đó thường là của chung mọi người, chẳng hạn sự nghiệp xây dựng giao thông, sự nghiệp phòng chống bệnh sốt rét... cái đó đâu phải của một người.

Nó bỏ ra ngoài tai những lời lẽ của tôi, tiếp tục kể:

“Phải đấy, tao muốn có một sự nghiệp gì đó đề xứng đáng với tình yêu của nàng. Buôn bán đồ sắt như bố tao à... tầm thường. Học hành mai kia ra giáo sư, bác sĩ? Chả có gì khó khăn. Không. Tao muốn có một sự nghiệp lừng lẫy. Làm gì bây giờ? Tao cứ nghĩ, nghĩ mãi vẫn thấy tắc tị. Chẳng có cái việc gì đáng mặt nam nhi cả. Buồn quá phải không mày?”

“Mẹ kiếp, tôi kêu to, đúng là nỗi buồn của con nhà giàu...”

“Đúng đấy, thằng nghèo trông thấy miếng ăn đã vui rồi...”

“Rốt cuộc mày định xây dựng cái sự nghiệp gì?”

Nó lặng đi rồi mếu máo:

“Tao đã bắt đầu cái đó bằng cách... giết bố tao.”

Tôi co rúm người, không dám nhìn gương mặt như nặn bằng sáp đang bị ngọn lửa trong lòng nó nung đốt làm méo mó. Tôi ngước nhìn trời đêm lơ lửng ông trăng như một cục sắt uốn cong bị nung đỏ. Tôi không ưa nghe những chuyện “rắc rối cuộc đời” nơi phố phường. Trong các trại mồ côi nơi tôi lớn lên, người ta sống đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên ánh mắt vật nài của nó làm tôi không nỡ bỏ đi, đành ngồi cứng người cho nó trút bầu tâm sự.

“Cái nỗi buồn con nhà giàu ấy tan biến sau ngày Hà Nội được giải phóng. Lý tưởng, sự nghiệp, tình yêu... mọi trăn trở trước đây bỗng chốc giải đáp được hết, cuộc đời như một bức tranh bám bụi vẫn để trong xó tối, nay được rọi sáng tới từng phân vuông, không còn gì phải hoài nghi ngẫm nghĩ kiểu Hamlét nữa. Thế là tao trút bỏ bộ vỏ trưởng giả, tự xỉ vả qúa khứ, tôn thờ lao động gân bắp; coi khinh gốc gác gia đình. Trong cái cơn say tập thể đang lan tràn khắp thanh niên thành phố đó, tao không chịu thua kém bất cứ ai kể cả cô nàng búp bê lúc này suốt ngày vác loa đi khắp phố, nhảy đồ rê mi, đốt sách nô dịch, quét rác đầu đường. Hãy đi xa hơn nữa, máu trong tim tao sôi lên và tao xắn tay làm cách mạng cả trong gia đình. Trước hết đám đầy tớ, xin mời các vị đi phục vụ nhân dân, còn chúng tôi, mỗi người phải tự hầu hạ lấy mình. Mẹ tao trợn tròn cả mắt khi thấy cậu con trai quý hùng hục bổ củi, nấu cơm giặt giũ...” “Con ơi, lao động thì tốt thôi, nhưng sao con lại dẹp bỏ tủ rượu tây, sao không làm trứng ốp lết ăn sáng, sao không pha cà phê...” Cả ngày mẹ tao cứ ca cầm thế. Tao mang sách ra giảng giải: “Phải xóa bỏ bóc lột, phải sống bằng sức lao động, phải khắc phục tâm lý hưởng thụ...”

Than ôi, đầu óc người già còn khó tiếp nhận cái mới hơn cả con nít nữa, thôi cũng đành, biết làm sao... Thế rồi đến cái ngày Ban Cải tạo tới nhà tao kiểm kê tài sản. Suốt một ngày họ xem xét, đối chiếu bản kê khai với những cái gọi là tài sản cố định. Thế còn vốn lưu động ở đâu? Tao biết trong cái két của bố tao chỉ còn lại vài xấp tiền mặt mà dù cho đã được học tập, giải thích, vận động cả tháng trời, ông vẫn khăng khăng khai báo chỉ có ngần đó. Tao đã chờ, chờ mãi ở ông một sự thành khẩn để rũ mọi quá khứ bóc lột, trở lại hai bàn tay trắng nhưng sạch sẽ làm lại cuộc đời, nhưng tao đã thất vọng. Và rồi vào cuối cái ngày cuối cùng của đợt kiểm kê đó tao đã kéo ông Trưởng ban ra nhà sau, rỉ tai: “Tất cả ở trong chậu cây cảnh phòng khách ấy”. Nói xong, tao vác xe đạp bỏ đi tới trường. Ngay sau đó, khi cái gói ba mươi lạng vàng được lôi ra từ đáy chậu cây, bố tao đã bật khóc và mẹ tao đã ngất xỉu.

Tôi buông một tiếng thở dài, quay người đổ thêm nước vào nồi đã cạn bắt cháy xèo xèo. Liệu tôi sẽ bỏ cái gì vào đó khi lát nữa thằng cấp dưỡng và thằng hộ pháp tay không trở về?

“Đêm hôm đó bố tao thắt cổ chết trong phòng, còn mẹ tao cứ như điên như dại, ghì chặt lấy tao gào khóc:

“Con ơi, con giết bố rồi con ơi...”

“Rồi sao nữa?”

“Đôi mắt, trời ơi đôi mắt mẹ tao lúc đó, mày có biết không, bây giờ vẫn còn đang nhìn tao”.

Nó rũ xuống nức nở như một cành củi cháy hết chỉ còn lại tàn tro. Trời đêm bỗng như tối lại. Tôi ngước nhìn, ông trăng lưỡi liềm đã trốn đâu mất. Dường như thanh sắt cong nóng đỏ ấy đã rơi vào lòng tôi cháy rát...

mười một

Khuya lắm hai thằng mới nghễu nghện xách súng về. Không bắn được con thú nào, nhưng thằng hộ pháp ôm về một cái gói gì đó. May quá còn có được cái bỏ nồi. “Hạt gắm đấy, đổ nước đi mà rang, ngon không kém hạt dẻ”.

Thằng hộ pháp ghé tai tôi hỏi nhỏ:

“Nãy mày có nghe tiếng súng không?”

“Có chứ, tao tưởng chúng mày khiêng về con hươu...”.

“Hươu nai đâu ra. Đừng lộ cho ông toán trưởng nhé. Thằng cấp dưỡng bắn tao đấy.”

Tôi giật nảy người nhìn thằng hộ pháp nghiêng đầu để tôi thấy một bên vành tai máu còn động thành vệt. Trời đất chỉ một đốt ngón tay nữa thôi đầu nó toác làm đôi. Tôi sẵng giọng:

“Chúng mày đùa kiểu gì vậy?”

Thằng cấp dưỡng cúi mặt xuống nồi hạt gắm:

“Tao không có đùa”.

Tôi ngẩn ra, không thể hiểu sao cái thằng lù khù nhất bọn lại to gan đến thế. Mà nó bắn ai cơ chứ? Bắn ngay đồng đội của nó. Thằng hộ pháp nhìn quanh quẩn:

“Thằng học giả đâu? Gọi dậy ăn hạt gắm chứ.”

“Thôi để phần cho nó.”

Tôi gạt đi và chờ thằng cấp dưỡng ăn xong, leo lên võng, tôi mới hỏi thằng hộ hộ pháp:

“Tại sao nó bắn mày?”

Nó cười hềnh hệch:

“Cái thằng khùng ... tao chỉ bảo nó mày là đồ ăn hại. Nằm suốt ngày, súng trong tay mà không kiếm ra được con thú nào. Nó chỉ nín lặng không nói gì. Đi một đoạn nữa tao lại bảo cái thứ mày chỉ đáng cầm súng gỗ, mà có biết cò súng nó nằm chỗ nào đâu mà cũng đòi vác súng đi săn. Lúc đó nó mới mở miệng: “Mày có câm miệng lại không tao bắn nát đầu...” Ối mẹ ơi, tao vừa cất tiếng: “Tao đố mày đấy” đã nghe cái đùng, lửa tóe lên, vọt ngang đầu, sờ lên thấy dính nham nháp mới biết viên đạn vừa sạt qua tai. Tao sợ đắng cả miệng, cứ im thin thít không dám chửi, nó điên lên đòm phát nữa thì chỉ có đi ngủ với giun. Mẹ kiếp, cái thằng tẩm ngẩm thế mà gớm.”

Tôi không nhịn được cười:

“Ai bảo mày thách nó. Từ nay đừng cậy khỏe, lấy thịt đè người có ngày chết oan.”

Tôi chợt nhớ tới sứ mệnh ông toán trưởng mới giao phó mà thấy ngán, chỉ huy được ba thằng khỉ đột này thật chẳng dễ dàng chút nào, có vậy mới thấy ông toán trưởng thật giỏi, ấy là chưa nói tới ông còn có cái máy VTĐ, mai mốt ông ngã xuống, cái máy liên lạc với Ban chỉ huy ấy cũng chết luôn, tôi lấy gì để dọa bọn nó? Tôi chợt thấy buồn cười cho mình, ông toán trưởng chỉ mới gửi gấm đôi lời vậy mà đã lo xa quá, thế mới biết cái máu quyền lực ghê gớm thật, dính vào ai là người đó cứ bốc lên như nhập đồng. Thôi thôi, tránh cho xa, cứ làm thằng phó thường dân ăn ngủ thoải mái lại khỏe. Lập tức tôi chìm vào giấc ngủ trong chiếc võng lúc này giá rét của đêm rừng đã biến nó thành cái tủ lạnh. Tôi nằm mơ thấy mình trượt chân trên vách đá và rơi mãi, rơi mãi xuống vực sâu. Thằng học giả lảm nhảm: “Nó đang rơi trong hố thẳm ở chính trong nó.” Thằng hộ pháp cười ngóac mồm: “Ối giời ơi, khỉ nó hiếp đít tôi.” Thằng cấp dưỡng không nói gì hết, nó giương súng ngắm vào đầu ông toán trưởng trong lúc ông đang ăn một cái bánh chưng khổng lồ.

Chiều ngày hôm sau, khi thằng hộ pháp trèo lên ngọn cây cao, phóng tầm mắt về phía xa, thằng học giả lại ngước lên hỏi to: “Thấy gì chưa? Mày đã nhìn thấy gì chưa?” Bỗng nhiên thằng hộ pháp hét lên đến lạc giọng:

“Thấy rồi chúng mày ơi... thấy rồi, ối giời ơi, nhiều nhà lắm, nhiều lắm...” Nó cuống quít tụt xuống, huơ chân múa tay mô tả cái bản Mù U ở phía xa mà nó là người đầu tiên nhìn thấy.

Ôâng toán trưởng cũng đi tới, hỏi vội vã:

“Còn bao nhiêu kilômét nữa? Còn bao nhiêu kilômét nứa?”

Thằng học giả cứ trố mắt lên: “Thế... thế kia à?” rồi nó lẩm bẩm: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” Thằng hộ pháp nhe răng ra cười:

“Thôi bố. Sắp được đớp thoải mái rồi, còn e ngại cái nỗi gì?”

Riêng tôi chưa tin, cái thằng voi đực này dám lừa anh em để cười một trận cho quên đói lắm. Tôi để mặc ông toán trưởng đang vẫy tôi lại xem bản đồ, tôi leo tót lên cây đúng vào chỗ lúc nãy thằng hộ pháp đã trèo. Quả thực, qua vòm lá ken đầy, tít mãi phía xa kia, vượt qua dãy núi xanh xẩm, tôi nhìn thấy những nếp nhà nhỏ xíu ẩn chênh vênh bên sườn quả đồi thấp nom như những tổ chim xinh xinh. Mù U... ôi đúng thực là bản Mù U, niềm hy vọng của chúng tôi kia rồi. Từ đây sang đó, với cái kiểu đi “như khỉ trèo rừng” của cả toán, giỏi lắm chỉ già một ngày nữa là tới nơi. Thằng học giả đứng dưới, ngứa ngáy chân tay cũng theo tôi trèo lên, hỏi rối rít: “Đâu? đâu? Mù U đâu?”, và rồi khi nhìn thấy, mặt nó sững ra, trầm ngâm như những lúc nó cắm cúi đọc sách bên đống lửa, tôi phải nhắc nó cẩn thận, sung sướng quá buông tay ra, ngã chết tươi. Tuy nhiên nó vẫn đờ đẫn, mắt nhìn không chớp về dãy nhà phía trước.

“Thôi, tụt xuống đi, mai mốt tới nơi tha hồ mà ngắm.”

Dường như không nghe thấy tôi nói, nó vẫn đắm chìm vào những ý nghĩ riêng, rồi bất chợt nó nhìn tôi:

“Mày bảo liệu ở đó có hòm thư bưu điện không?”

Tôi phì cười:

“Sao mày không hỏi ở đó có cửa hàng gạo không?”

“Nếu không có hòm thư nhất định phải có người đi về xã về huyện phải không?”

“Mày hỏi chuyện của nợ ấy làm gì?”

“ Tao... tao gửi thư...”

“A... hiểu rồi, gửi cho nàng búp bê?”

Nó trịnh trọng gật đầu, vẻ mặt rất nghiêm trang làm cho tôi không dám buông lời chớt nhả. Hóa ra những xấp giấy nó vẫn cặm cụi viết vào những buổi tối là gửi cho cô láng giềng. Đấy, cứ tưởng nó dở người, hóa ra cũng yêu đương lãng mạn. Tội nghiệp, đã khổ về chữ nghĩa còn đèo bòng thêm cái khổ vì tình nữa, hèn gì lúc nào nó cũng ngơ ngơ ngác ngác. Tôi cất tiếng hỏi để nó tỉnh trí trở lại kẻo ngã gãy cổ:

“Mày vẫn còn yêu nàng lắm phải không?”

“Lẽ sống của tao đấy. Không có nàng làm sao tao sống nổi cái kiếp người đầy khổ ải này. Nàng là người duy nhất hiểu được tao, cảm thông tao”.

Câu chuyện của nó xem ra đã nhuốm vẻ bùi ngùi, cái đó thật chả hợp với tôi chút nào, bởi vậy tôi vội vã tụt xuống bỏ mặc nó với cô nàng búp bê trên ngọn cây. Vừa giáp mặt tôi thằng hộ pháp đã hỏi ngay:

“Thế nào, mày tin chưa?”

Tôi cười nhoẻn, quay sang ông toán trưởng:

“Đúng chỉ non chục cây số nữa là tới Mù U thôi.”

Lâu lắm tôi mới thấy nụ cười trên miệng ông:

“Vậy thì bản đồ đâu có sai. Dãy vách đá không thể hiện được chẳng qua do rừng rậm rạp quá máy bay không nhìn thấy.”

Thằng hộ pháp bĩu môi:

“Quan niêu, ngồi trên máy bay mà dám vạch đường ở dưới đất, rõ thật quan niêu”

Chiều hôm đó trở về chỗ trú quân, ông toán trưởng đồng ý cho bọn tôi dốc gần hết bao gạo nấu một nồi cơm thật to ăn một bữa thật no. Thằng cấp dưỡng bày ra trên tấm vải nhựa trải dưới đất một đĩa muối rang và một nồi rau rừng:

“Chịu khó ăn nốt bữa nay, mai tới bản tao mua gà.”

Thằng hộ pháp ngoạm một miếng vẹt cả bát cơm, trợn mắt:

“Mày phải nuộc riêng cho mỗi thằng một con. Rồi thì cứ để nguyên chẳng cần chặt chiếc gì hết, cứ cầm tay mà gặm.”

“Được rồi, tao sẽ cho mỗi thằng một con trâu luộc cả con.”

Mới chập tối học giả đã đốt lửa hí hoáy viết. Dưới ánh lửa, mặt nó sáng hẳn, mắt ngời ngời. Nó lại viết thư cho cô nàng búp bê, hy vọng mai gửi qua bưu điện cùng với cả tập dày đã viết kia. Chữ nghĩa đâu ra lắm thế? Vả lại nơi xó rừng này còn chuyện gì mà viết? Tôi nhớ ra từ bé, tôi chẳng viết thư cho ai và cũng chẳng nhận được thư ai. Thằng hộ pháp và thằng cấp dưỡng đôi khi còn được một lá khi có thằng liên lạc từ Ban chỉ huy tìm tới nơi chúng tôi đóng quân.

Người nhiều thư nhất vẫn là thằng học giả. Cứ mỗi lần ông toán trưởng nhận điện báo tin có liên lạc sắp lên, nó lại bồn chồn suốt ngày, cứ ra đầu núi ngong ngóng. Có lần thằng liên lạc định trêu thằng học giả, vừa lóp ngóp bò lên chỗ lán bọn tôi nó đã kêu to: “Thư báo đây, thằng nào có ra mà nhận.” Tất nhiên thằng học giả nhảy ra trước tiên, nhưng thằng liên lạc quay lưng đi. Thằng cấp dưỡng được một thư, thằng hộ pháp hai thư, còn tôi một xấp báo. “Thế còn tao?” - thằng học giả tái nhợt như người trúng gió. “Mày không có”. Giọng thằng liên lạc tỉnh bơ. “Sao lại không có?” “Không có là không có chứ sao?” “Vô lý, ba tháng nay mày mới lên, ít nhất tao cũng phải có ba thư.” “Nhỡ ra người yêu mày đi lấy chồng rồi, thôi không viết nữa, mày bắt bò tao sao?” Thằng học giả như bị một quả đấm vào tim, mặt đờ ra ngây dại rồi lẳng lặng lên giường đắp chăn, bỏ cả bữa ăn tươi buổi chiều. Tôi kéo thằng liên lạc ra hỏi:

“Có thật thằng học giả không có thư không?”

Nó nhe răng mà cười:

“Tao đùa vậy thôi, con kia viết cho nó cả đống”.

Tôi giật cái xắc cốt đeo trên vai nó:

“Thằng của nợ, mày đùa ác thế bằng giết nó.”

Rồi tôi nhảy vào lán, lật chăn, lôi bật thằng học giả khỏi giường:

“Dậy, dậy, thư của mày đây”.

Chao ôi, đứng nhìn nó ôm trong lòng tập thư cô nàng búp bê thì mới hiểu được rằng với nó trên đời này không có một thứ vitamin nào bổ hơn những lá thư của người yêu.

Ông toán trưởng cho gọi riêng tôi tới chỗ ông nằm. Thôi chết, ông lại sắp “bồi dưỡng” tôi làm “lớp kế cận” ông đây. Tôi ngán cái chuyện đó quá nhưng vẫn phải tới.

“Đêm qua ai bắn súng?”

Tôi nhớ lời quy định của ông, chỉ thằng cấp dưỡng mới được sờ tới cây súng và cũng chính nó bắn chứ ai. Tôi trả lời:

“Thằng cấp dưỡng bắn.”

“Nó bắn cái gì vậy?”

“Nó bắn... con nai, nhưng trượt.”

Ôâng cau mày nhìn tôi chòng chọc:

“Đỉnh núi đá lấy đâu ra nai? Cậu bao che cho nó phải khôn g?”

Tôi cảm thấy ông đã biết rõ mọi chuyện, quái thật, lúc đó ông ngủ, làm sao biết được, chẳng lẽ ông có ma xó. Đấy, làm toán trưởng khó vậy đó, phải nắm vững mọi chuyện xảy ra ngay cả lúc mình ngủ.

“Tại sao nó bắn thằng hộ pháp?”

Tôi giật nảy người một cách rất thành thực:

“Không có đâu, đời nào có chuyện đó.”

“Cậu không thấy tai thằng hộ pháp bị toác ra đấy ư?”

Tôi cãi bay cãi biến rằng đó là tại nó ngã dập tai vào đá, rằng hai đứa thân nhau lắm, đêm qua về khuya chúng nó còn bá vai nhau tỉ tê thân mật, rằng không thể có cái chuyện bắn nhau tày trời kia được... Ông toán trưởng thừa biết tôi nói nhăng nói cuội, nhưng trái với tôi tưởng, ông không giận dữ như mọi khi, ngược lại, ông ngạc nhiên: “Ngày xưa, nếu như tôi được một cơ hội như cậu, tôi phải chớp ngay lập tức.”

Tôi tỏ vẻ không hiểu ông định nói gì, ông liền cười nhạt:

“Này, tôi hỏi thật cậu, cậu định cứ làm thằng thợ phát rừng cả đời như thế này sao?”

“Bấc đến đâu dầu đến đấy...”

Tôi vọt miệng ra cái câu nói cửa miệng của thằng học giả vẫn nhồi nhét vào tai tôi mỗi lúc nó lên cơn lảm nhảm.

Ôâng toán trưởng tròn xoe mắt:

“Bấc với dầu gì?”

Tôi vội lấp liếm là không có gì, tôi chỉ muốn nói là tôi tuyệt đôi tin tưởng ông, giao nhiệm vụ gì tôi cũng làm, khó khăn mấy tôi cũng vượt qua, riêng có cái việc “nắm tình hình tư tưởng anh em”, tôi thấy khó quá. Nghe xong, ông tươi mặt, cười xòa:

“Tôi hiểu cậu rồi, tinh thần chấp hành như thế là rất tốt còn cái việc kia, tôi cũng hiểu cậu rồi, cậu lo không đủ trình độ lý luận chứ gì? Cậu khỏi lo, lý luận tốt nhất là được đúc rút ra từ thực tiễn, vừa làm vừa học, rồi tôi sẽ hướng dẫn cho cậu. Ấy đấy, ngày xưa còn tuổi thanh niên, tôi cũng tự ti như cậu đấy. Thế rồi may mắn cho tôi, tôi cũng gặp được một ông Đội trưởng quý mến tôi, quyết đào tạo bồi dưỡng như tôi đối với cậu bây giờ.”

Tôi nóng bừng cả mặt, cảm động rưng rưng, cứ ngồi im nghe ông nói.

“Con người ta hơn con thú ở chỗ có hoài bão, suốt đời kiên trì theo đuổi cái hoài bão đó, thắng không kiêu, bại không nản...”

Rồi ông kể tôi nghe ngày xưa ông đã phấn đấu gian khổ thế nào, từng bước từng bước ông đã tiến bộ ra sao, ông kể hết, riêng cái chuyện ông “kèm cặp” bà Trưởng phòng để đến nỗi ông văng mất cả chức thì ông giấu biến. Khổ một nỗi, ông nói gì ông cứ nói, đầu óc tôi cứ quanh quẩn mỗi cái chuyện ông không nói ra đó. Tôi mường tượng ra thằng bé người ta móc ra từ thùng giấy loại trong hố xí ấy, nó có cái mũi khoằm khoằm, cái miệng mong mỏng giống ông không? Trong cái đêm đông lạnh này, nó có ngồi bên mẹ nó canh hai chảo nước lớn bên bếp lửa bập bùng thường thấy trong những công trường làm đường nơi miền núi heo hút? Lạy trời đừng ai kể cho nó biết nó đã ra đời như thế nào, mang nặng ám ảnh kinh hoàng vậy, nó sẽ yêu thương hay thù oán mẹ nó? Ôi người đàn bà khốn khổ, chị đã nhỏ bao nhiêu giọt nước mắt cắn dứt vì sự dại dột của mình trước những miệng lưỡi cay độc của người đời.

“Thua keo này ta bày keo khác cậu ạ...”

Tôi nhìn ông trừng trừng và không tin ở tai mình nữa? Ông định bầy cái “keo” nào đây? Ngoài cái chức đã mất, trong cái keo mới này, liệu có chỗ nào giành cho người đàn bà và đứa bé mà ông làm khổ?

“Thưa bác, bà trưởng phòng dạo trước ấy giờ đâu rồi?”

Lời nói của tôi như con ong đốt cổ ông, nọc nó chạy khắp người làm ông run bần bật:

“Làm sao, làm sao anh biết chuyện đó?”

“Thằng bé vẫn còn sống chứ?”

“Đi đi anh đi đi, đó là chuyện nội bộ, không dính dáng gì tới anh...”

Than ôi, ông lại hiểu nhầm tôi nữa rồi, tôi không hề muốn moi móc, tôi chỉ muốn biết số phận của người đàn bà và cháu bé. Tuy nhiên cơn nổi nóng của ông không cho tôi được giải thích với ông chuyện đó. Đầu óc ông méo mó quá. Than ôi, ông lại hiểu nhầm tôi nữa rồi, tôi không hề muốn moi móc, tôi chỉ muốn biết số phận của người đàn bà và cháu bé. Tuy nhiên cơn nổi nóng của ông không cho tôi được giải thích với ông chuyện đó. Đầu óc ông méo mó quá rồi, người ta chìa ra cho ông một bàn tay thông cảm, ông lại nhìn thấy nó nắm một con dao. Tôi không giận ông, chỉ áy náy đã phụ lòng ông khi ông muốn làm tốt cho tôi.

“Mày ăn cắp mì chính, bị thủ trưởng bắt gặp hay sao mà ông ấy hét toáng lên thế?”

Thằng học giả đón tôi với nụ cười mỉa. Cả mấy thằng vẫn còn ngồi quanh đống lửa bàn tán ầm ĩ về cái bản Mù U ngày mai chúng tôi sẽ đặt chân tới. Cái đói toàn diện đã biến cái bản nhỏ u tỳ thành một thành phố hoa lệ như Paris của nước Pháp.

“Rượu thì nhất định là có rồi. Chúng mày phải biết cái loài nếp lạnh, ngâm gạo sống với men của người Mán nom cứ như sữa vậy, uống vào là say tít cung thang...”

Thằng học giả chờ cho mấy đứa uống xong cái món “rượu nếp lạnh” rồi mới đưa ra món khác:

“Còn cái kiểu tắm của tụi nó thì vua chúa cũng phải chịu, bồn tắm đục bằng gỗ nguyên cây, một thằng hộ pháp với một con vợ thằng xã đội nhảy vào vùng vẫy còn rộng chán, thế rồi ống bương dẫn nước từ ngọn suối chảy xuống chảy qua một cái thùng phuy đun sôi sùng sục, nước trong bồn lúc nào cũng nóng vừa đủ tha hồ anh chị kỳ cọ cho nhau...”

Thằng hộ pháp từ nãy bó gối ngồi nghe, giờ mới bật cười:

“Mẹ cái thằng ma xó này, đi guốc trong bụng tao, đúng tao đang nghĩ tới con mẹ ấy đây. Lạ thật, tao ngủ với bao nhiêu đứa mà chỉ nhớ một mình nó. Đêm nào tao cũng nghe tiếng nó gừ gừ bên tai: “Ối anh ơi, anh đang nàm gì em đấy?” Nó bắt tao trả lời bằng được, rồi lại hỏi nữa, mỗi câu ấy thôi, mà mỗi lần phải trả lời mỗi cách. Giờ ước gì nó bỏ được thằng xã đội tao cũng bỏ ngay lão toán trưởng chuồn về cưới nó làm vợ.”

Thằng học giả khích nó:

“Trai tráng như mày, dời núi lấp biển thì mới khó chứ, mơ ước có một con đàn bà thì quá dễ.”

“Dời núi lấp biển ăn thua gì, cho tao con vợ thằng xã đội tao lên rừng bắt voi tay không cũng được. Nhưng mà khó lắm chúng mày ơi, thằng xã đội nó có súng, tao thò mặt về xóm nó bắn chết tươi”.

Rồi nó thở dài đánh sượt, tôi nghe cũng phải nẫu ruột:

“Thằng chồng nó là thằng chó đẻ, nó hè anh em nhà nó trói con kia vào chân giường, lột quần áo rồi cứ đùi non con kia nó vừa cặp kìm vừa tra khảo:

“Sướng chưa? Mày sướng chưa? Mày ngủ với thằng đó bao nhiêu lần? Ở những đâu? Khai mau không chết...” Mẹ kiếp, tao mà chứng kiến cảnh đó, tao nhai sống thằng xã đội...”

Nó nghiến răng ken két rồi lại cười hềnh hệch:

“Đánh thế chứ đánh nữa cũng chẳng nhằm nhò gì, cứ mỗi lần tao về, nó lại tìm đủ cách đến với tao. Kỳ phép vừa rồi, tao vừa đặt chân xuống bến ô tô phố huyện thì bỗng đổ mưa như trút, xung quanh trốn sạch cả, tao còn đang khoác nylông đứng giữa trời, giữa bến xe ngơ ngơ ngác ngác như quạ vào chuồng lợn thì bỗng từ quán ăn đằng xa có một em ướt như chuột lột, chạy tới, chui tọt vào nylông của tao. Trời ơi, tưởng ai hóa ra con vợ thằng xã đội, nó cứ run cầm cập, ôm lấy tao khóc rưng rức: “Ối anh ơi, anh bỏ em đi đâu cho em khổ thế này?” Tao càng dỗ, nó càng khóc to, hai quả dừa của nó cứ đè chặt lấy ngực mình, nóng ran khắp người. Mưa lại ào ào mỗi lúc mỗi to. Biết làm sao giờ, tao đành buông cái ba lô trên vai xuống, rồi cứ đứng thế mà cuốn chặt lấy nhau như bện thừng, may có miếng nylông trùm kín hết chẳng sợ ai nhìn thấy. Chưa giập bã trầu, nó đã dãy lên đành đạch, miệng gừ gừ: “Ối anh ơi, anh nàm gì em thế này...”

Tôi cười phát sặc:

“Rồi mày trả lời nó làm sao?”

Thằng học giả chen ngang:

“Nhốt con quỷ sứ vào cái địa ngục, nhốt con quỷ sứ vào cái địa ngục...”

“Ha ha... ha ha... ha ha...”

Chờ cho tan cơn cười, tôi mới hỏi nó:

“Như hai con ngựa vía thế thì sung sướng cái nỗi gì?”

Thằng hộ pháp trợn ngược mắt:

“Ấy thế mà tan cơn mưa rồi tao vẫn chưa rời được nó ra. Trò đời là thế, ăn khó mới ngon. Đêm hôm đó, tao nhớ nó quá, tao đánh liều mò đến đứng ngay hàng rào dưới cửa sổ nhà nó, đánh lưỡi: “Tắc tè... tắc tè”. Tao đoán chắc mật hiệu của tao thế nào cũng lọt vào tai nó nhưng đêm hôm, khó mà lừa được thằng xã đội để ra với tao. Tao cứ nằm phục trong đám cây dâm bụt chờ mãi, chờ mãi. Quả nhiên một chặp sau trong buồng có tiếng đánh diêm, tiếng thằng chồng gắt: “Nửa đêm rồi còn đi đâu”, tiếng nó rấm rẳn:

“Đau bụng phải đi chứ, hỏi vớ vẩn.”

Thế rồi dưới ánh trăng suông, tao nhìn thấy nó mặc mỗi cái quần đùi với cái áo lót, người cứ trắng lôm lốp đi về phía nhà cầu. Ngay đêm đó nó rủ tao: “Trốn đi anh ơi, anh mang em trốn đi, đi đâu cũng được cực khổ mấy cũng chịu, còn hơn sống thế này.”

“Nhưng biết trốn đi đâu bây giờ? Trốn ở đâu thì rồi cũng phải có hộ khẩu, có đăng ký kết hôn, nếu không chỉ ba ngày sau là thằng xã đội nó móc ra ngay. Tao nghĩ nát cả óc không ra, hết phép thôi đành dứt áo, khoác ba lô ra đi, chỉ còn biết thương nó đứt ruột đứt gan...”

Nó buông một tiếng thở dài kết thúc câu chuyện tình khổ đau. Tôi phải quay đi không dám nhìn cái dáng ngồi thiểu não của nó, tôi vốn quen thấy nó trong cái lốt con voi đực xông xáo, chân tay chẳng lúc nào chịu yên, miệng luôn luôn cười hềnh hệch, ấy thế mà lúc này nó rũ xuống như một cái bánh đa nhúng nước. Ôi cái làng Mù U, nơi “phồn hoa đô hội” của chúng tôi kia mới chỉ hiện ra lờ mờ trong làn sương chiều, vậy mà đã làm thổn thức tới cả một con voi đực như thằng hộ pháp. Cuộc sống sẽ hồn nhiên, vô tư biết bao một khi chỉ có năm người chúng tôi mãi mãi sống nơi hoang dã này...