Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (42): Vị trí của tạp chí Sáng Tạo trong văn chương Việt Nam

Nguyên Huy/Người Việt

Vào lúc 2 giờ chiều hôm Chủ Nhật, 6 tháng 11, Viện Việt Học trên đường Brookhurst trong thành phố Westminster, đã tổ chức một buổi sinh hoạt về tạp chí Sáng Tạo, một tạp chí đã đóng một vai trò quan trọng trong văn chương Việt Nam vào những năm cuối 50, đầu 60 không kém gì Tự Lực Văn Ðoàn vào thập niên 40.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, một trong những người hình thành tạp chí Sáng Tạo.

Hai trong những văn hữu đầu tiên của Sáng Tạo là nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Luật Sư Trần Thanh Hiệp đều có mặt để trình bày về tờ báo đã khai mở một dòng văn học mới sau dòng văn học Tự Lực Văn Ðoàn.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ kể: “Chúng tôi, tôi và anh Trần Thanh Hiệp là những sinh viên trong đoàn sinh viên Hà Nội di cư vào Nam. Lúc bấy giờ anh em chúng tôi đều tha thiết muốn làm một cái gì để nói lên được tâm trạng của tuổi trẻ, ý thức được hoàn cảnh của đất nước trong giai đoạn mới. Anh Trần Thanh Hiệp rủ tôi làm một tờ báo thể hiện một mùa Xuân chuyển hướng là tờ Người Việt. Tôi đã góp một truyện ngắn đã viết khi còn ở ngoài Bắc là ‘Sợ Lửa’ trong số báo này. Báo được in ra, nhìn những dòng chữ in thể hiện tư tưởng của mình tôi nổi hứng, từ đấy là cầm bút luôn. Sau đó anh Trần Thanh Hiệp làm tờ Sáng Tạo do từ 7 anh em cùng chí hướng tuy trước đó cũng chưa thân thiết nhau lắm như Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Tô Thùy Yên lập thành một nhóm văn hữu ‘Thất Tinh,’ như anh em vẫn gọi. Từ đó tôi có thêm nghề cầm bút bên cạnh nghề cầm phấn. Tôi còn nhớ, tòa soạn của Sáng Tạo khi ấy cứ 10 giờ sáng, Mai Thảo mới có mặt để nhận bài vở và tiếp thân hữu. Thanh Tâm Tuyền khi ấy luôn nghĩ đến chuyện thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc và anh rất tha thiết đến tự do cho dân tộc nên anh đã sáng tác bài thơ ‘Nhịp Ba’ sau khi chúng tôi đi xem cuốn phim ‘Toute La Ville Danse,’ bằng một thể thơ rất tự do của riêng anh mà sau này đã gây nên những phê bình, luận bàn không ít và cũng ảnh hưởng không ít đến những ai làm thơ. Ðó là vài điều tôi nhớ lại với Sáng Tạo”.

Ði vào chi tiết hơn, Luật Sư Trần Thanh Hiệp tiếp lời sau nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Ông nói: “Gần 60 năm sau, tạp chí Sáng Tạo lại được nhắc nhở đủ chứng tỏ Sáng Tạo đã có một vai trò trong đất nước. Thật ra thì Sáng Tạo rất hiền lành. Xin được kể một vài điều. Trước hết là tại sao có Sáng Tạo? Những người làm Sáng Tạo muốn gì?”

Luật Sư Trần Thanh Hiệp cho biết số anh em làm Sáng Tạo trước đó không phải là thân thiết hay bè đảng gì mà chỉ là những người di cư quan tâm đến đất nước. Họ không làm chính trị nhưng đã phải vui buồn với đất nước nên cảm thấy rằng “rời bỏ được hỏa ngục cộng sản là đã tìm được sự sống và từ đó được sống một cuộc đời đáng sống. Anh em đã cùng cảm nhận được điều đó nên cố tìm những hình thức để thể hiện những tâm trạng ấy, mỗi người mỗi vẻ.”

Luật Sư Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh: “Người ta cứ tưởng nhóm Sáng Tạo là một nhóm làm chính trị hay văn chương. Không, nhóm Sáng Tạo chỉ là những cá nhân có tâm trạng vui buồn sướng khổ, họ cần phải nói ra. Mà nói ra cũng chưa đủ, phải in ra thành chữ gửi đến cho người đọc. Tờ báo tuy bán được nhưng không một ai có một khoản tiền nhuận bút nào. Chúng tôi viết chỉ vì tha thiết với số phận đồng bào, đất nước và hy vọng vào tương lai. Khi ấy được tự do nghĩ, tự do viết, trình bày trên báo, ra báo là sự tự do tuyệt vời mà chúng tôi có được nên chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải chống lại bạo quyền.”

Về hình thức diễn đạt, Luật Sư Trần Thanh Hiệp kể rằng những hình thức diễn đạt cũ không còn thích hợp nữa mà phải tìm ra những cách thể hiện mới lạ để cũng tạo ra lớp người đọc mới mà giữa người viết và người đọc có được thông cảm rộng rãi hơn. Ðể làm được công việc này, Sáng Tạo chia làm hai đợt, đợt một là để cho tự do tha hồ sáng tác, đến đợt hai là xét lại xem có đạt được mục đích không, xem lại xem những điều mình viết có rung cảm được người đọc không…

Vẫn theo Luật Sư Trần Thanh Hiệp thì vào đầu năm 1960, Sáng Tạo tự ý ngưng lại vì xét thấy tình hình và hoàn cảnh không còn thích hợp vì không khí tự do đang bị bao vây bằng hàng rào quyền lực mới. Chính quyền đã dùng những tên hề văn nghệ thay cho những người làm văn học nghệ thuật chân chính.

Tuy rằng Sáng Tạo chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 60, với chỉ 31 số nhưng Sáng tạo đã có được một chỗ đứng trong làng văn học Việt Nam. Luật Sư Trần Thanh Hiệp cho biết ở trong nước vẫn còn có những nhà giáo ngấm ngầm phổ biến tư tưởng của Sáng Tạo cho học sinh của mình. Ðây là điều mà không có ai chủ trương cả và chúng tôi, những người làm Sáng Tạo nay còn lại nhận ra được rằng những việc phải mình đã làm thì sớm muộn gì cũng được biết đến.

Sau cùng Luật Sư Trần Thanh Hiệp ước mong trong tình hình đất nước hiện tại giá trị văn học VN càng ngày càng thê thảm nên giới làm văn học nghệ thuật cần phải có những hình thức sáng tạo mới, đưa được rung cảm của con người lên, mới hy vọng xây dựng lại cuộc đời tạo nên một xã hội mới được. Ông kết luận: “Chúng tôi (nhóm Sáng Tạo) đã làm được một công việc mà xã hội đòi hỏi.”

Nhà thơ Viên Linh, xuất hiện trên Sáng Tạo khi Sáng Tạo tục bản cổ vũ thể thơ tự do mới nên nhắc đến nhà thơ Quách Thoại mà Sáng Tạo đã làm riêng một số báo đặc biệt về Quách Thoại khi nhà thơ qua đời lúc mới được 27 tuổi. Theo Viên Linh thì Quách Thoại là “nhà thơ dựng nước Cộng Hòa, là chứng nhân thời đại, từng ca tụng miền Nam bằng những lời thơ nhiệt huyết. Quách Thoại đúng là thi sĩ của thời đại, chứng nhân cho người đời sau hiểu được thời đại của anh.” Ðể chứng minh cho lời mình nhà thơ Viên Linh đã đọc một số những bài thơ ca tụng miền Nam, những bài thơ kể cảnh tố khổ ở miền Bắc mà đọc lên người đọc hết sức rung cảm. Quách Thoại đã thể hiện thay cho người đương thời những cảm xúc về miền Nam tự do đang trong đà dựng nước huy hoàng, mặc dù Quách Thoại không làm việc gì trong chính quyền. Quách Thoại viết thơ bằng chính lòng trai của thế hệ này.

Người nói chuyện sau cùng trong buổi sinh hạt này là nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc. Bà xác định “nếu một đằng miền Nam giúp cho tạp chí Sáng Tạo xuất hiện thì đằng khác nhân sự của nhóm Sáng Tạo cộng thêm những tác giả cộng tác từ đầu hay thường xuyên với tạp chí này lại có thể được xem như một góc thu nhỏ của xã hội miền Nam.”

Cũng trong bài nói chuyện này, bà nhắc đến dư luận một thời cho rằng Sáng Tạo có nhận tài trợ của phòng Thông Tin Hoa Kỳ mà họa sĩ Duy Thanh trong nhóm Sáng Tạo có xác nhận trong một bài viết bà phỏng vấn Hoa Sĩ Duy Thanh đăng trên Tạp Chí Thơ, số mùa Xuân 1998. Sở dĩ bà nhắc đến là để “từ ngày hôm nay trở đi, trước sự có mặt ít nhất là hai thành viên của nhóm Sáng Tạo, chúng ta không bao giờ phải đề cập đến những lời bàn đầy ác ý hay những loại tin bịa đặt tồi tệ về nguồn gốc tài chính này.” Bà cũng cho biết: “Tuy nhà văn Mai Thảo lập Sáng Tạo từ nguồn tài trợ của phòng thông tin Hoa Kỳ nhưng tạp chí Sáng Tạo hoàn toàn là một tờ báo độc lập như chúng ta đã thấy.”

Nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc đang phát biểu về nhóm Sáng Tạo.

Kể về những người chính trong nhóm Sáng Tạo, bà Nguyễn Tà Cúc thấy gồm những người thuộc các ngành nghề khác nhau trong xã hội miền nam như giáo sư dạy học, luật sư đang hành nghề, sĩ quan trong quân đội VNCH, họa sĩ,… nên rõ ràng nó là một thu nhỏ của xã hội miền Nam.

Tới phần đóng góp ý kiến, hai cô em của nhà thơ Quách Thoại là Ngọc Cầm và Thanh Hương đã lên cải chính về việc Quách Thoại mất trong cô đơn, không thân thích. Ngọc Cầm cho biết khi ấy gia đình ở miền Trung cả nên không vào kịp lo tang lễ cho Quách Thoại ở Saigon được như nhà thơ Viên Linh đã mô tả.

Một người tham dự khác là ông Nguyễn Ðăng Khánh, em ruột nhà văn Mai Thảo cũng lên cho biết Mai Thảo và Sáng Tạo không hề nhận tài trợ của phòng Thông Tin Hoa Kỳ. Tiền chi phí khi thành lập Sáng Tạo là do người anh của Mai Thảo là Luật Sư Nguyễn Ðăng Thiện.

Cho tới hơn 4 giờ chiều buổi mạn đàm về tạp chí Sáng Tạo tại Viện Việt Học mới kết thúc.

Cho đến nay, sau 52 năm kể từ ngày Sáng Tạo ngưng hoạt động, văn học VN vẫn coi Sáng Tạo như một dòng văn học VN thể hiện một thời đại. Ngay cả trong nước, nhiều người trong giới làm văn học và trí thức cũng ngấm ngầm nhắc đến vị trí của Sáng Tạo trong dòng văn học VN.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=139762&zoneid=3#.VDVfyRZoHIF