Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Xác lập chủ quyền về biển đảo của triều Nguyễn qua châu bản

Nguyễn Phước Hải Trung

12

Ngày 14.5.2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc chương trình “Ký ức thế giới”. Châu bản triều Nguyễn (Châu bản) là tập hợp các tập tấu, sớ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển… được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội chính từ năm 1802 đến năm 1945. Đặc biệt, trong số Châu bản còn lưu trữ, hiện có hơn 20 văn bản đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc xác lập chủ quyền biển đảo…

Châu bản là cơ sở căn bản để soạn thảo và ban hành các văn bản có tính quy phạm, điển chế thời bấy giờ như bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ – là những quy định của nhà nước đối với nhiều lĩnh vực xã hội – hoặc các bộ chính sử như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí v.v. Trong lịch sử, ngoài Việt Nam, vào thời Trung đại, không một quốc gia nào có các Châu bản mang nội dung khẳng định quan điểm của nhà nước đối với vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng sa, Trường Sa.

Trong số Châu bản lưu giữ được hiện có hơn 20 văn bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Tờ Châu bản của Nội Các, ghi ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh 18 (1837) có nội dung đề cập đến “đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo” và “đo vẽ bản đồ”. Châu bản của Bộ Công phúc trình ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) có nội dung là: “Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần (trong đó) có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc (cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc) viết to khắc sâu dòng chữ: Ghi họ tên viên Cai đội thủy quân năm Bính Thân Minh Mệnh thứ 17 vâng mệnh đi khảo sát Hoàng Sa. Đến Hoàng Sa thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh”.

Lần này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh (Quảng) Ngãi, chuyển gấp (số cột gỗ ấy) cho viên này”. Điểm đáng lưu ý của tờ châu bản này là dòng chữ do nhà vua Minh Mệnh phê bên cạnh chữ “mộc bài” với nội dung xác định kích thước của các cột gỗ dùng làm cột mốc “cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc”.

Triều Minh Mạng thực sự là triều đại có nhiều cải cách hành chính, vào triều đại này, đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến lãnh thổ, cương vực, đặc biệt là có 13 Châu bản liên quan đến Hoàng Sa.

Tham khảo tờ Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) có thể thấy rõ hàng năm vào mùa xuân triều đình tổ chức khảo sát ở Hoàng Sa. Tấu của Bộ Công ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ bảy: “Hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại. Năm 1845 có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám 1846. Vì công vụ bận rộn, năm nay cũng xin được đình hoãn”.

Đặc biệt qua các Châu bản này, triều Nguyễn đã tỏ ra là một quốc gia biển rất có trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), “thuyền buôn của tài phú trưởng Đô-ô-chi-ly, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thủy thủ đoàn, ngày 20 rời cảng Đà Nẵng đi Lữ – tống (Lucon) buôn bán. Giờ Dần ngày 27, Edouard và 11 thủy thủ đi trên chiếc tam bản lớp cận cảng nói rằng: Canh 2 đêm 21, ở phía tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng) thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau. Cảng đã phái thuyền đem theo nước uống đi cứu hộ, giờ Ngọ đã gặp và đưa họ về cảng”.

Sau đó, sự kiện này được ghi nhận lại trong sách Đại Nam thực lục: “Thuyền buôn của Đô-ô-chi-ly người nước Pháp bị bão chìm ở phận biển Đà Nẵng. Nhà vua sai tỉnh Quảng Trị cấp cho 100 quan tiền, 50 phương gạo, tìm chỗ cho ở. Nhân tiện cho đi về nước”.

Các Châu bản về việc cứu nạn này được tường trình chi tiết và được Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng báo cáo liên tục đến nhà vua. Phía Việt Nam đã cho thuyền tuần tiễu của triều đình đi tìm kiếm và cứu hộ kịp thời.

Ngoài ra, đến triều Bảo Đại, nội dung của các các châu bản bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ cũng cho thấy mặc dù đất nước đang lệ thuộc sự bảo hộ của Pháp nhưng những người lính đi nghĩa vụ ở Hoàng Sa về đều được trọng thưởng. Thậm chí khi những người Pháp làm suất đội hay chỉ đơn thuần là lính Hoàng Sa mà mất đi thì cũng được xét truy tặng. Điều chứng tỏ vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam dù đang lâm vào thế yếu vẫn tìm mọi cách để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong hải giới của Việt Nam.

Ngoài nhiều thư tịch cổ thể hiện rõ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, hình ảnh biển Đông, các khu vực biển, các cửa khẩu xung yếu cũng như các loại thuyền đi biển, thuyền tuần tiểu, thuyền chiến, v.v. được chạm khắc trên Cửu Đỉnh cũng cho thấy thuở trước người xưa rất quan tâm đến biệc bảo vệ chủ quyền trên biển…

Nhìn chung, việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua hoạt động điều hành công việc thể hiện trên Châu bản, triều Nguyễn đã thể hiện rõ một quan điểm và chính sách nhất quán trong việc quản lý cương vực lãnh hải, đó là những bài học kinh nghiệm quý báu cho việc ban hành và thực thi các chính sách về biển đảo của Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Chú thích ảnh đầu bài:

ảnh 1. Châu bản ngày 28 tháng 12 năm 1847

ảnh 2. Đại Nam nhất thống toàn đồ

(Tác giả gửi cho QTXM)

Nguồn: ngominh.vnweblogs.com