Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Trung Quốc, một câu hỏi của Việt Nam

Phan Huy Đường

 

Văn Việt: Nhà nghiên cứu và dịch giả Phan Huy Đường gửi tới Văn Việt một bài ông viết từ lâu, nhưng vẫn nguyên tính thời sự, đặt vấn đề rất căn cơ cho sự trăn trở của trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam trước thách thức đối với độc lập dân tộc và phát triển đất nước, chỉ cần nhìn trên góc độ “ngôn ngữ”.

                                                  dòng máu chứa đầy điển tích của đứa đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình…

                                        Nguyễn Huy Thiệp

Phải nói ngay: không phải một câu hỏi về vấn đề đối ngoại mà về đối nội.

Tất nhiên sẽ có người giải thích: hoàn cảnh lịch sử Việt Nam khác hoàn cảnh Trung Quốc. Cũng như hoàn cảnh Trung Quốc khác Liên Xô, hoàn cảnh Liên Xô khác Ba Lan, hoàn cảnh Ba Lan khác Tiệp Khắc, hoàn cảnh Tiệp Khắc khác Hung, hoàn cảnh Hung khác Việt Nam. Từ khi có loài người, hiển nhiên là như vậy. Tôi với anh đã khác hoàn cảnh rồi, huống hồ các nước. Ðiều khôi hài ở đây là một luận điểm như vậy lại có thể do một đầu óc mácxít tuôn ra. Nếu những khủng hoảng chính trị và xã hội kia đều do những chi tiết cá biệt của từng hoàn cảnh mà ra, có thể dẹp ngay học thuyết của Marx và các “quy luật” lịch sử nó đề cao: tất cả đều là chuyện tình cờ. Như thế, bản thân chế độ xã hội chủ nghĩa cũng là chuyện tình cờ và sự xuất hiện của đảng cộng sản cũng tình cờ luôn. Cuối cùng phải dẹp cả “khoa học” lẫn đạo đức khỏi lịch sử, kéo nhau về rừng già thanh toán.

Nếu ta không thích đùa dai kiểu này thì có câu hỏi nhức nhối: trong “khối” các nước xã hội chủ nghĩa, trên lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, thậm chí chính trị và lịch sử cận đại, có nước nào giống Trung Quốc hơn Việt Nam? Họa may có Bắc Triều Tiên. Cũng từ một xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến, Nho giáo, đi vào con đường xã hội chủ nghĩa qua một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do một đảng cộng sản lãnh đạo. Cũng cải cách ruộng đất, cũng trăm hoa đua nở và, gần đây nhất, cũng cải cách kinh tế, mở rộng đối ngoại…

Tình hình Trung Quốc hiện nay cho thấy: không thể nào đổi mới kinh tế xã hội một cách ôn hoà và bền vững nếu không đổi mới chính trị. Và khủng khiếp hơn, không thể đổi mới chính trị nếu không đổi mới tư duy.

Làm sao đổi mới tư duy ở Việt Nam?

Con người suy nghĩ bằng cái gì? Bằng ngôn ngữ. Hơn một nửa số từ Việt Nam gốc Hán. Hơn một nửa cái đầu của ta suy nghĩ bằng di sản giá trị của nền văn minh Trung Quốc. Ngay cả chủ nghĩa Marx đi vào Việt Nam chủ yếu cũng là qua máy lọc đó, có mấy ai biết tới nó qua tiếng Ðức? Như vậy, muốn đổi mới tư duy, phải đổi mới ngôn ngữ. Ðây là một thí dụ điển hình: trung với đảng, hiếu với dân. Việt Nam quá, hiện đại quá, hay quá, khủng khiếp quá: Trung Quốc quá! Thế nào là trung với hiếu ở Việt Nam năm 1989? Con em ta là người của thế kỷ 20, thế kỷ người bay vào vũ trụ, thế kỷ của tự động hoá, thế kỷ của bom hạt nhân… Chúng sẽ phải gánh thế kỷ 21. Nhét vào đầu chúng một khái niệm trung đượm mùi trung quân truyền thống là dồn chúng nó vào con đường tự hủy liên miên.

Nhưng cuộc sống mà không có trung không có hiếu thì cũng vô nhân vị. Và cũng không thể nào dẹp bỏ một nửa số chữ trong tiếng Việt. Ðổi mới ngôn ngữ chủ yếu là đổi mới ý nghĩa của câu chữ, thay tâm hồn của người đã chết bằng tâm hồn của người đang sống, của thời đại này.

Vănnhà duy nhất của con người. Nó không chỉ là nơi trú của người đã chết, nó còn là nơi hẹn hò của người đang sống, sẽ sống. Nó cho phép người đã chết kéo dài cuộc sống của mình qua thân xác của người đang sống, nó cho phép người sẽ chết truyền trí tuệ, sự ngu xuẩn, ước mơ và tấm lòng mình cho người sẽ sống mai sau. Ðổi mới tư duy chính là đổi mới cái nhà đó, cái thế giới người đó.

Việc đó, không một cá nhân, một đoàn thể, một đảng nào có thể làm được. Phải cả dân tộc, trong nhiều thế hệ, mãi mãi.

Nhưng làm thế nào? Cái khó ở đây không phải ở đổi mà ở mới. Phải sáng tạo. Khó mà lại dễ, và hết sức tự nhiên: con người là sáng tạo; nó lại chỉ có thể sáng tạo trên cơ sở hoàn cảnh thực tế của nó, thực tế hôm nay, thực tế của thời đại. Nó đã sáng tạo thì đương nhiên, nếu không bị kìm kẹp, nó đổi mới tất cả, hàng ngày, hàng giờ, cả đời nó: giữ của người xưa những giá trị còn phù hợp với thời đại của nó, với hoài bão nhân nghĩa của nó, với tương lai của chính nó và thêm vào đó những gì chưa hề có trong lịch sử.

Tự do suy nghĩ, tự do thắc mắc, tự do phát biểu, tự do tranh luận, tự do thông tin… – trên cơ sở tôn trọng tự do của người khác – tóm lại, dân chủ là con đường duy nhất cho phép đổi mới tư duy.

Trong công việc vĩ đại này nhà văn, nghệ sĩ có một vai trò và một trách nhiệm đặc biệt. Nguyên liệu duy nhất của họ chính là ngôn ngữ, tác phẩm của họ là những viên gạch xây cột cho cái nhà chung nói trên. Biết sử dụng nguyên liệu ấy để thôi thúc óc sáng tạo của quần chúng là có lòng nhân. Ðó là lẽ sống, là vinh dự của văn sĩ, nghệ sĩ. Và, đương nhiên, tự do sáng tác là vinh dự của một đường lối chính trị sáng suốt và nhân đạo, của một đường lối chính trị đổi mới.

Paris – 1989