Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Tô Hoàng và “Nỗi buồn lâu quên”

Lê Thiếu Nhơn

Tô Hoàng mang đầy đủ đặc tính của thế hệ cầm bút trưởng thành trong bom đạn: quý trọng bạn bè, đam mê công việc và ưu tư thế sự. Vì vậy, ở tuổi ngoài 70, Tô Hoàng vẫn miệt mài viết. “Nỗi buồn lâu quên” do NXB Hội Nhà Văn ấn hành, là tác phẩm mới nhất được Tô Hoàng xác định thể loại gồm ký và tản mạn. Không giống với cái tên gọi, “Nỗi buồn lâu quên” không hề có chút ai oán hay bi lụy nào. Nói cách khác, “Nỗi buồn lâu quên” rất yêu đời và cũng rất đau đời!

Nếu nhìn khách quan, nhà văn Tô Hoàng hơi bị thiệt thòi trong sự ghi nhận của cộng đồng. Chỉ tính riêng tiểu thuyết “Ngửa mặt kêu trời” thì Tô Hoàng đã xứng đáng được vinh danh. Trong dòng chảy tiểu thuyết Việt Nam, “Ngửa mặt kêu trời” là tác phẩm có cái tên ấn tượng nhất, hoàn toàn có khả năng kích hoạt suy tưởng của độc giả. Hơn nữa, “Ngửa mặt kêu trời” ra đời vào giai đoạn đổi mới đã sớm cảnh báo về những giá trị chông chênh phải được thử thách và dễ bị đổ vỡ khi người Việt cất bước đưa chân hội nhập thế giới nhiều cám dỗ vật chất lắm thủ đoạn đê hèn! Thẳng thắn đánh giá, chỉ cần “Ngửa mặt kêu trời” thì Tô Hoàng đã có diện mạo nhà văn đàng hoàng!

Thế nhưng, với “Nỗi buồn lâu quên”, Tô Hoàng còn khẳng định mình là một cây bút tung tẩy đắc địa ở mảng ghi chép. Tô Hoàng được đào tạo bài bản ở Liên Xô để làm phim tài liệu nên rất nhanh nhạy nắm bắt chi tiết và thông thạo khai thác chi tiết. Bản lĩnh của một nhà văn bao giờ cũng nằm ở chi tiết, nhấn nhá chi tiết thành câu chuyện, bồi đắp chi tiết thành nhân vật.

Những chân dung đồng nghiệp như Nghiêm Đa Văn, Đỗ Chu, Thạch Quỳ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khắc Phục… đều được Tô Hoàng phác thảo thuyết phục bằng các chi tiết sống động. Tô Hoàng không đặt mình cao hơn đối tượng trong bài viết, nên sự chân thành nơi ông khiến mỗi cử động dù nhỏ nhoi của nhân vật cũng mang niềm thương nỗi nhớ rõ rệt! Hơn nữa, phải rất yêu mến người cùng thời, thì Tô Hoàng mới lưu giữ lá thư tay nguệch ngoạc mà Phạm Tiến Duật gửi về từ chiến trường, để bạn đọc hôm nay có thể hiểu hơn tác giả những câu thơ lừng lẫy “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” thuở nào không đồng ý thăng cấp bậc binh nhì lên binh nhất vì… muốn nguyên vẹn hình ảnh “người làm thơ ấy đang trai, ra đi cổ áo mang hai lá cờ”. Những chi tiết quý giá mà Tô Hoàng dành dụm được trong “Nỗi buồn lâu quên”, chắc chắn sau này sẽ có ích cho những nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam!

Nhiều trải nghiệm, lại chịu khó đọc và chịu khó nghĩ, Tô Hoàng có được nhiều trang văn thao thức và dư âm. Tô Hoàng nhặt nhạnh và bình luận về các tác phẩm đột sáng như “Bà già đi bụi” của Nguyễn Ngọc Tư, “Khúc tráng ca dã tràng” của Thu Trân, “Được sống và kể lại” của Trần Luân Tín hay “Ốc đảo” của Trần Chiến, đều khá thấu đáo.

Tuy nhiên, cái tài và cái tình của Tô Hoàng nổi bật lên khi ông đề cập đến những tồn tại gượng gạo và bấp bênh của sự thay đổi. Tô Hoàng khai thác ký ức triệt để và đối chiếu với hiện thực hòng giúp bạn đọc nhận ra trong quá trình phát triển có không ít điều thiêng liêng và cao đẹp đã bị tổn hại, đã bị mất mát, đã bị đánh tráo. Những tản mạn “Chỉ anh dân đen là khổ thôi”, “Loại vi rút gì đây?” hoặc “Đừng như những chú kiến quáng quàng trong chảo nóng” chứng tỏ Tô Hoàng khôn nguôi day dứt với ngày mai thịnh vượng của cả xã hội!

Tô Hoàng từ “Ngửa mặt kêu trời” đến “Nỗi buồn lâu quên” là một chặng đường dài vừa lặng lẽ vừa bền bỉ. Với giọng văn ôn tồn, không giận dữ không điệu đà không khoa trương, “nỗi buồn” của Tô Hoàng thật “lâu quên”!

Sài Gòn, 9-2014

Nguồn: http://lethieunhoncom.blogspot.com/2014/09/to-hoang-va-noi-buon-lau-quen.html