Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

“Thành phố bị kết án biến mất”: một thực tại x

Hà Thủy Nguyên

Tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất” của tác giả Trần Trọng Vũ đúng vào một ngày Chủ Nhật, trùng hợp với bối cảnh mà tác giả đã vẽ ra trong cuốn sách của mình. Thật tình cờ, đó cũng là một ngày Chủ Nhật “trời không xanh”. Cuốn tiểu thuyết không gây cho tôi một sự xúc động mãnh liệt nhưng tạo ra một sự ám ảnh về chính thân phận của những con người bị giam lỏng trong cái được gọi là nền văn minh: những ngôi nhà đóng hộp, chương trình truyền hình nhàm chán, những sex toys, và những con người được đánh dấu X.
Thượng Đế sáng tạo ra thế giới trong bảy ngày, trong đó Chủ Nhật là ngày của Chúa. Chúng ta dành ngày Chủ Nhật để thoát khỏi những thứ thường nhật, hướng tới đời sống tinh thần, tới những mối nối kết giữa con người với con người. Nhưng ngày Chủ Nhật trong tiểu thuyết của Trần Trọng Vũ là quãng thời gian của sự trống rỗng. Nhân vật X vốn vô hình trong những ngày thường, và quên rằng mình vô hình, thì giờ đây thấm thía nỗi đau của một kẻ vô hình. Những gì X nhìn thấy chỉ là một màu vàng với hơi nước nhớp nháp phủ lấp ở mọi nơi.
“Đấy là một chương trình dạy thể dục không hạn trên đài phát thanh. Đấy là một nửa chiếc gối vĩnh viễn đẫm hơi nước. Đấy là một nửa còn lại muôn đời bị đè bẹp.
Dưới một cuốn sách bìa đỏ bao giờ cũng dở dang – lúc nào cũng chưa một lần được đọc đến tận cùng trang cuối. Người đàn ông này cũng thức dậy bên cạnh những biến tấu vô hạn của những cái gì giống như xà phòng giặt và nước javel và mứt khoai tây. Khi mà cả ba cùng được chứa trong ba chiếc hộp nhựa không màu. Thế rồi giống như toàn bộ những công dân gương mẫu của thành phố đi làm kể cả ngày chủ nhật – anh dậy tập thể dục theo đài trong một điệp khúc âm thanh không thời hạn. Cho đến lúc toàn bộ hơi thở và tóc và lưng và hai bàn chân anh ướt đẫm để toàn bộ căn phòng cũng ngập đầy hơi nước. Cho đến lúc hơi nước ở đâu ra nhiu quá để anh quyết định buổi sáng chủ nhật hơi nước sẽ phải giống như mọi chủ nhật khi trời không xanh.”
Sự lặp đi lặp lại của chuỗi ngày nhàm chán! Ám ảnh tương phản giữa màu xanh da trời trong vế phủ định và màu vàng úa tàn, cũ nát trong thực tại mà mỗi anh chàng X đều nhìn thấy. Nguyên nhân khiến màu vàng có thể là do hơi nước gây ra, hoặc ngược lại, chính vì màu vàng đang xâm lấn toàn bộ thành phố nên chẳng thể nhìn thấy gì, cảm thấy gì ngoài hơi nước. Không gian trong toàn bộ câu chuyện kín đặc hơi nước: trên đường phố, trên chăn gối, trong từng hơi thở, làm úa tàn những bức tường. Hơn cả thế, hơi nước che mờ những thực tại mà X muốn thấy. Ở trên cao tít, bầu trời vẫn luôn xanh, vẫn có thể có ai đó ngoài kia để kết nối… nhưng không, X không thê nhận thấy chúng. Mọi thứ đều nhạt nhòa trôi qua, chỉ hai sắc màu còn đọng lại trong đầu anh là màu đỏ của cuốn sách luôn dở dang, của máu; và màu hồng rỗng tuếch của cô nàng búp bê tình dục (cũng là màu của cô nàng phát thanh viên trên truyền hình – một con búp bê tình dục biết nói).
Có một điều đặc biệt là đọc cả cuốn sách, tôi không thấy bất cứ dấu phẩy nào. Hoặc có thể tôi đã bỏ sót một vài chỗ có dấu phẩy. Nhưng hiện tượng này trong cuốn sách khiến tôi phải dừng lại và nghĩ về triết lý của dấu phẩy và dấu chấm. Trước đây, người ta viết không có dấu phẩy, dấu chấm, hay không có khoảng cách giữa các từ với nhau. Việc đọc là một điều rất khó khăn, và người viết phải nghĩ cách nào viết ngắn gọn nhất mà nhiều hàm ý nhất. Sự ra đời của dấu phẩy, dấu chấm, dấu cách đã mở ra cách đọc và cách viết khác. Một lối viết của những lập luận, suy lý, cấu trúc chặt chẽ, những câu phức dài lòng thòng dần thay thế cho các suy tưởng hình tượng. Lối viết này vẫn duy trì cho đến nay. Và bây giờ thì văn Trần Trọng Vũ trở nên thiếu vắng dấu phẩy một cách có chủ ý. Thiếu dấu phẩy buộc tác giả phải viết những câu hoặc rất ngắn gọn, hoặc các vế câu móc nối với nhau không cần phải tách bạch rõ nghĩa. Trong cuốn sách có cả hai loại câu này. Chúng tạo ra cảm giác về sự đứt nối của dòng thời gian trong tâm tưởng. Dòng thời gian trong tâm tưởng không được đánh dấu bằng giây, phút, giờ, mà hoặc là trong thoáng chốc, hoặc là mien viễn trong các vòng lặp:
“X vẫn biết hai phần ba bi kịch và hài kịch và bi hài kịch được sinh ra từ sự nhàn rỗi giống như chủ nhật cho nên từ ba năm nay cứ chủ nhật anh lại ra phố. Để thế nào cũng bắt gặp một bi kịch. Một hài kịch. Và cả một bi hài kịch. Và cũng cho nên chủ nhật X không nói nhiu. Bởi vì như thế cũng vừa đủ để giúp anh đi qua một chủ nhật bên trong một dòng người khổng lồ và vô tận của thành phố.”
Nếu thời gian ngày thường đều được lập trình theo trật tự, được phân bố một cách “khoa học” thì ngày Chủ Nhật là ngày chúng ta thoát khỏi cái đồng hồ và để thời gian trôi đi theo cách riêng của tâm trí. Thời gian không phải là một thước đo nữa, mà trở thành một trạng thái tâm lý. Thời gian chỉ ngừng lại trong những cuộc làm tình. Trong khi làm tình, mọi chuyển động của không tời gian đều ngưng lại… kể cả với búp bê tình dục:
“Bên cạnh anh trên cùng một chiếc giường là một người phụ nữ màu hồng lúc nào cũng trần truồng lúc nào cũng tươi cười. Cô nằm ngủ lưng gối lên một cuốn sách bìa đỏ do đó thân thể cô uốn cong một cách thẩm mỹ mà X cho rằng có lẽ quá thẩm mỹ.”
Thời gian ngừng lại vì nụ cười không thay đổi dù bao lâu đi chăng nữa! À không, cũng có thay đổi. Thỉnh thoảng nó bị xẹp xuống, và chỉ cần treo lên, khi hơi nước thấm vào thì nó lại căng mọng như một cô gái sexy hoàn hảo. Có một sự liên quan không thể chối cãi giữa các cô gái dẫn chương trình và búp bê tình dục, dưới con mắt của X. Khi đọc đoạn làm tình với búp bê của X, tôi không khỏi hoang mang, không biết rằng có phải tất cả những người đàn ông đều là X và những người đàn bà đều là con búp bê tình dục hay không! Nếu ai đó bảo vệ cho nữ quyền đọc quyển sách này sẽ tức điên lên vì cách ẩn dụ này của tác giả. Họ sẽ cho rằng Trần Trọng Vũ coi đàn ông là người còn phụ nữ chỉ là một thứ nhào nặn nên từ chất dẻo. Nhưng sống trong sự tuyệt vọng và hư không như X thì cũng có khác gì một con búp bê tình dục đâu. Đừng vội cười, X có thể là tôi, là bạn, là tất cả chúng ta, hoặc là một con búp bê tình dục nào đó khác. Không cần phải suy luận nhiều, tác giả đã để cho X biết về sự tồn tại của một X khác trong căn hộ tầng trên, nhưng hai X này không bao giờ gặp nhau, và không thể biết được đâu là X nguyên bản. X ở mọi nơi, trong mọi không gian, cũng như búp bê tình dục tồn tại bằng mọi chất liệu:
“Anh nhìn thấy màu trắng của thạch cao màu vàng của hơi nước. Anh cũng thấy đám máu đỏ lấp lánh và bồng bnh trong hơi nước trước khi trượt ngã xuống sàn gỗ. X đã vô tình đi vào màu đỏ của máu như đi vào một trong những nguy hiểm hợp lý cài sâu trong nghịch lý. Nhưng rồi vẫn trong cơn xúc động tương tự X tự hỏi tại sao những giọng nói phụ nữ trong vô tuyến truyn hình bao giờ cũng trong như chất dẻo không màu. Có phải vì để phục vụ đám công chúng đàn ông rất yêu thích những phụ nữ bằng chất dẻo lúc nào cũng sẵn lòng dâng hiến lúc nào cũng mở rộng đôi môi trong một hình tròn xao xuyến?”
Hiếm có trong các tác phẩm của Việt Nam một cuốn tiểu thuyết khiến người đọc không thể biết được đâu mới là thực tại mà nhân vật chính đang sống. Người Việt Nam thích bám víu lấy một thực tại duy nhất và gọi đó là hiện thực. Đó là thực tại của ông đưa thư, của cô nàng dẫn chương trình truyền hình, và cả của X, thực tại nhớp nháp, nhòe nhoẹt trong hơi nước. Họ buộc phải tin vào thực tại này và mơ tưởng về bầu trời xanh chỉ để tồn tại. Nhưng con người vốn ở trong rất nhiều các thực tại khác nhau, đan xen, không thể phân tầng. Khi chẳng may bị đối diện với thực tại khác, chúng ta luôn cố bẻ cong nó, sao cho nó trùng khít với thực tại mà chúng ta đang sống. Rồi buồn chán… Rồi cô đơn… Rồi trống rỗng… trong căn hộ cũ nát cùng với búp bê tình dục bị “khô âm đạo” của mình.
Ngày Chủ Nhật là ngày người ta không thể trốn chạy được sự xuất hiện của thực tại khác. Một X khác, trong một căn hộ khác, chẳng qua cũng là một thực tại khác bị nhét vào trong hộp. Càng đi tìm X thì X càng không thể thấy X. Không thể hợp nhất các thực tại, như “một thành phố đang xóa đi một thành phố”. Các thực tại khác luôn tấn công chúng ta. Còn chúng ta chối bỏ chúng, chỉ thừa nhận duy nhất một thực tại, thực tại của X. Không xa lạ đâu, thực tại X đấy chính là thế giới chúng ta đang sống: “Như một giấc mơ nhảy vào hiện thực
ngôn từ không dấu phẩy – để lời nói của X không thể đạt tới sự hoàn hiện mà thế giới không X vẫn khát khao. Ngôn từ không hình ảnh – để X xếp lên trên màu trắng mênh mông của thành phố những chữ cái không màu. Anh xếp lên đấy một chữ X khổng lồ rồi một phố X rồi một ngôi nhà X với một căn hộ X chỉ dành cho một người. Bên trong căn hộ X có cuốn sách X có giường ngủ X có chiếc bàn X có năm chiếc ghế X có buồng tắm X có phòng bếp X. Trong phòng bếp X có đầy đủ ba chiếc hộp nhựa buồn và đầy đủ ba nỗi buồn mà X không thể kể lại được. Và bởi vì không thể kể lại được anh đành xếp một chữ nỗi buồn X làm đại diện. Còn trong nỗi buồn X dĩ nhiên không có hình ảnh. Chỉ có một cửa sổ X và trong cửa sổ X có thêm một cửa sổ không màu anh gọi tên là vô danh bởi vì anh không thể kể lại được.” Bảng chữ cái có 28 chữ cái, nhiều ngôn ngữ khác có đến hơn 200 chữ cái, thế nhưng chúng ta vẫn chọn mình là X.