Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Thai phu

Truyện ngắn Đỗ Quyên­­

Đúng ra không cần bảo đây là một chuyện gần như thật, được viết từ những giấc tôi vừa mơ. Và tôi rất ghét các loại chuyện mơ được kể theo kiểu giấu đầu hở đuôi. Tôi là tôi cho hở ngay từ đầu.

… Tôi đến Khoa Phá Thai của bệnh viện đó. Xếp hàng dài. Tôi biết. Nhưng không muốn đi sớm trước giờ mở cửa. Mua hay nhận cái gì thì còn đáng. Đấy là mình được lấy vào. Đây, phải bị lấy ra. Lấy ra phần máu thịt có hồn.

Đi phá thai, người ta có thể có đôi có lứa, và có thể một mình. Không cái có thể nào có lý có tình hơn cái có thể nào.

Có người đến nơi này giống như một ốc đảo. Thiếu phụ kia, mình vận đồ đen tuyền, đầu vấn khăn nhung đen. Nếu là tang phục, không rõ thiếu phụ chở tang cho ai: song thân, chồng, con? Hay cho chính chút sinh linh sắp hết được định hình? Người lặng lẽ lách đám đông, đi vào Phòng Chờ. Vào phòng chờ để chờ! Chắc trong thiếu phụ dòng máu Tây trộn lẫn? Tôi tự hỏi và thấy xấu hổ chưa được Tây như người đẹp. Vẻ như thai muốn vồng lên, thiếu phụ vẫn có dáng ngồi của tranh Thiếu nữ bên hoa huệ. Đẹp hút mắt: một ốc đảo.

Hoặc có người đến nơi đây làm mặt trời. Mặt trời thì việc gì phải đi đôi. Tôi đi một mình. Tôi nghĩ mình là mặt trời. Thật không may mặt trời tôi hôm nay sa chốn nhá nhem. Ai vào cũng lái cái bản mặt là là mặt đất nhục tủi. Nhưng tôi còn trẻ. Mặt trời tôi cũng có lúc lóa, lầm đường chứ. Thế là mặt trời đi nạo thai.

Có tiếng la của người đúng là già:

“Đéo mẹ chân tay vai bụng đứa nào đây? Đè thế thì nát cái thân còm này à?”.

“Xin lỗi bác. Đằng sau họ cứ đẩy đấy chứ. Em đau muốn tóe cả con nó ra đây mà có kêu gì đâu” – Giọng không còn trẻ nhỏ nhẹ thưa…

Sự giễu cợt từ thế thấp, theo lệ thường, giành ngay phần thắng. Quay ra phía đó, tôi thấy nhà phê bình mỹ học Lê Lư. Người là bạn vong niên của anh trai trưởng, tôi không có phận được thân. Chỉ hay chạm mặt nhau ở các hiệu sách, nhà xuất bản… Vờ nghiêng cúi phủi bụi quần, lánh mặt, tôi giữ thể diện cho bạn lớn của ông anh. Phê bình gia Lê Lư cũng làm mặt trời ở đây. Lời tiếng cao to như thế, không mặt trời thì là gì. Nhưng kìa, mặt trời đang đỏ mặt. Mặt trời ngượng.

Chốn này nhiều mặt trăng. Các gương mặt lấp ló sau các gương mặt. Các ánh mắt phát đi không có nơi đến. Các đối thoại như với cả thiên hạ mang thai chứ không chỉ với thai nhân đối diện. Mặt trăng là vậy. Tranh tối tranh sáng đúng là chỗ của nó. Phòng phá thai.

Người đàn bà Ấn Độ kềnh càng nhô hẳn lên đám đông. Bụng và ngực phong phú, nên khó biết bụng mang dạ chửa ra sao. Lạ là lại dắt theo ba đứa con giai, tuổi độ từ bốn đến mười hai. Mang nhiều con đến thế tới một nơi không muốn đẻ con để làm gì? Tôi chịu. Không xếp nhân vật này vào danh sách ốc đảo, mặt trời, mặt trăng, đi có đôi.Trong khi tôi toan tính, bầu ngực của nhân vật như là chà chà lên đầu tôi. Hay vì cái đầu tôi luôn ngọ ngọay thể hiện tính quan sát và khám phá mà có sự như vậy. Ngược lại, giữ chặt tờ giấy hẹn, tay tôi không chuyển động nhưng bờ hông từ thân hình sung mãn lại lần lần tìm đến nó. Tôi chỉ còn biết cười cười: “Ba đứa này mà nghỉ học thì trường của chúng nó thích lắm…”. Đứa giữa nói leo “Cháu cũng thích!”, rồi nghịch tiếp với hai người anh em.

Liếc thấy có tờ bạc gập trong giấy hẹn của một nhân vật. Từ đó, tôi không để ý mặt và bụng người ta nữa. Mà nhìn theo khe hở giữa các tờ giấy hay giữa các ngón tay người. Hai vụ này không nhìn cũng thấy.

Chị rầu rĩ rút mười đô khỏi hầu bao, từ cái bụng vượt ngực. Dúi vào túi áo đại cán của bảo vệ viên – một người Tàu – không nói không rằng. Phải là khách hàng thân mới làm như vậy với chủ quán. Đoạn, chị đảo mắt sang Phòng Chờ. Tôi nhìn theo và đoán: ánh mắt kẻ chỉ đó sẽ dẫn đến nơi có máu và nước mắt. Ánh mắt tới được bức tường.

Tôi, còn trẻ, không biết sợ là gì, bước lại sau bức tường: một thân hình thô cục, nam tính, cổ và tai đỏ gay. Cái đỏ đang được rượu và nỗi tức tối nung lên.

Cô mới mười sáu mười bảy. Không xinh lắm, thau tháu. Bán chè đỗ đen hay gì gì đó ở hồ Thiền Quang. Học ngoại ngữ ban đêm về, tôi uống chè chỗ cô có mỗi một lần. Thế mà tới đây vừa thấy nhận ra liền thau tháu. Kiến thức về thai nghén của tôi bết lắm, thoạt nhận ra cô, tôi lại tưởng cô đang bán gì đó trong bệnh viện này; chứ bụng dạ lòng chảo thế kia thì vào đây chắc để múa. Cô moi moi xấp tiền nhầu (“Chút quà mọn của cháu…” – nói với người y tá trực ban) từ áo ngực. Thú thật, sau này, nếu lớn lên thành người thực sự, gặp dịp mục kích lấy tiền hay cất tiền nơi áo vú, trong sách báo, trên phim ảnh hay ngoài đời, tôi sẽ nhớ đến chút quà mọn của thau tháu.

Chỉ có hai người biếu tiền công khai và thân tình. Những người khác, họ làm kín thế nào, không thể biết. Theo độ phồng ở các túi áo của bảo vệ viên Trung Hoa và của y tá trực ban, không tới một phần mười số nạo thai nhân đã hối lộ. Phần kia không dự vào độ phồng đó. Vì họ đưa hiện vật? Vì không có cơ hội? Họ trung thực, trong sáng? Nghèo? Người nhà nhân viên bệnh viện? Có quen biết riêng? Và tôi không tin hôm nay xảy ra biếu xén hối lộ gì trong phòng bác sĩ, vì trưởng ca là một vị giáo sư tiến sĩ người Đức.

Qua Phòng Chờ là vào khu phẫu thuật. Phá thai tại đây. Yên tĩnh hơn. Ít bệnh nhân hơn. Toàn là áo trắng đi qua áo xanh đi lại.

Tôi vẫn lập cập, mỗi bước mỗi cái nhìn chừng. Nền đá hoa tường kính made in Japan phản chiếu thế nào mà tôi cứ tưởng nhau rồi bào thai chạy đuổi theo dưới chân; như thể chúng đòi quyền tiếp tục hình thành nhân mạng. Chả là vì khi nãy, nơi xếp hàng, giẫm lên mấy trái chuối, gói xôi đậu đen ăn dở trong đám nước con nít tè, tôi đã nghiến răng rúm người mấy lần. Thực ra, từ nhỏ tôi vốn không sợ nhau bà đẻ. Những khi mẹ mang ở bệnh viện về, đứa ưa món đó nhất nhà là tôi. Chắc bởi miệng tôi hợp vị thôi, chứ không hẳn vì nghe người lớn xui dụ ăn nhau bổ máu. Tin tôi đi, nhờ chịu được chất bổ kỳ dị đó tôi sớm hiểu biết và từng trải nhất nhà, tới nay đã thành nhà văn.

Gặp người thanh niên tại cửa cuối cùng. Không biết gọi anh bằng gì. Phụ tá? Chỉ biết qua anh này thì vào hẳn chỗ phá thai. Thả vào tay anh mẩu giấy, tôi tươi tỉnh:

“Em chào anh”.

“Vội gì mà vội thế”.

“Dạ?” – Tôi ngăn ngay ý nghĩ rằng anh gây khó. Tôi tin với tôi anh này tốt.

“Khổ! Tíc-kê xe máy. Tìm lại đi… Đưa anh tíc-kê số hẹn và cả giấy hẹn đã được phòng trực đóng dấu xác nhận”.

Tôi định nói gì đó tỏ mừng vui. Chiếc xe máy rõ ràng là cần hơn cái thai tôi sắp hủy. Nên, tất nhiên, so với chiếc xe gửi ngoài kia, giấy hẹn đang bị lạc đâu đó chỉ là mảnh giấy thất đức. Mảnh giấy cấp phép cho một linh hồn. Có ai thiếu hồn vía tới mức vơ lấy phần linh hồn bé bỏng và dư bỏ của tôi? Chứ rơi mất tấm vé gửi xe thì chưa biết điều gì sẽ tới, tôi có nhiều bài học xương máu rồi. Nhưng tôi chẳng nói được. Cái sợ đau bắt đầu đến. Bụng lạnh toát, rồi bỗng nóng hôi hổi.

“Hiền thế kia mà… dính sớm thế?” – Phụ tá ngắm kỹ tôi, trong lúc tôi lục tìm…

“Có hiền mới dính” – Tôi nghĩ. Nghĩ thôi, đời con tôi nếu tôi có đẻ ra cũng không dám nói nữa là đời tôi.

“Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau. Một số người nói rằng, nạo hút thai chỉ đau như kiến cắn thôi. Thực tế, nạo hút thai có đau và nạo đau hơn hút. Tuy nhiên, đau nhiều hay ít còn tùy thuộc một phần vào trạng thái tinh thần của bạn. Nghiên cứu cho thấy, ai hay lo lắng hoặc rất sợ đau thì hay thấy đau hơn những người khác. Vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy cố gắng thoải mái và vượt qua nỗi sợ đó. Nó sẽ qua nhanh thôi”. (*)

Bài nằm lòng tôi tụng nhiều ngày qua, từ cuốn vở học đã ngả màu của mẹ. Tôi còn có thuốc quên đau của riêng mình: mặc áo phông trắng có hình Chùa Một Cột xanh. Người yêu tặng nhưng tôi ghét, chưa mặc lần nào. Ấn tượng là ở Chùa Một Cột. Lát nữa, bác sĩ sẽ chỉ lên danh lam thắng tích này, hỏi tôi những câu vô nghĩa lý trong lúc chia lìa hình hài chúng tôi – tôi và con tôi. Ấy là suy từ câu chuyện chị cả nhà tôi kể, rằng trong một lần chị đi thực tập, người thầy già giả đò chỉ vào con Chuột Túi thêu trên áo của nạo thai nhân mà hỏi trong khi thai đang được nạo vét.

Gần đến cửa buồng phẫu thuật, tôi cảm thấy buốt ở đâu đó nơi hạ thể. Chắc sẽ phải bị họ dùng đến xi-lanh có hai van để hút?

Đúng tới cửa buồng, tôi dừng lại ngay. Nhường lối cho bên trong đi ra. Một người Đức của nhân loại. Hàng chữ Dr. Erlangen trắng rõ trên ngực áo xanh cổ vuông tay ngắn. Người bước ra nhẹ nhanh. Vóc dáng của giáo sư đầu ngành. Dọc hành lang người qua, áo trắng áo xanh nào cũng nghiêng hay cúi chào. Những động tác của các cái đuôi.

Rồi một người trẻ đi ra, đầu cúi là là nền đá hoa. Tay hồng che bụng mỏng. “Đau không con?”. Tiếng hỏi làm người Nga trẻ òa lên, nức nở. Dứt khoát là suốt gần hai tháng qua không khóc được lấy một lần, nay người mới khóc đến vậy.

Hai chân tôi không còn vướng bất cứ ai và điều gì. Tôi phải làm thật nhanh một việc nào dành cho chính mình trước khi vào tay giáo sư tiến sĩ Erlangen? Cúi xuống nhìn phần dưới thân thể. “Trời đất cha mẹ ơi? Archimedes ơi? Eureka! Tôi đây là một đàn ông! Nam giới của giống người. Thì làm sao có tội, nợ gì trong bụng để nạo, phá đi!”.

… Hốt hoảng, nhìn bằng mắt, rồi bằng tay – tôi sờ vuốt xuống. Chạm ngay nó. Của tôi. Nó đang đứng. Khỏe, mạnh. Ráo hoảnh. Chắc chắn nó là của tôi. Không của ai khác. Chắc chắn, vì tôi đã tỉnh giấc. Đang ngồi dậy. Đầu lắc lắc xung quanh theo thói quen. Các tình tiết, hình ảnh, lời thoại trào ra lênh láng.

Tôi nhìn chăm chú chút núi non da thịt gọn ghẽ của mình. Đáp lại, nó ngước lên tôi một hồi, rồi ngó nghiêng về phía cửa sổ căn phòng nơi ban mai đang tới. Hình như cái dương vật không muốn đưa ra ánh sáng những giấc mơ thai phu?

Melbourne – Vancouver, Giỗ mẹ 2006-2014

———

(*) Phỏng theo website của ADRA